Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 0
Total Users : 13500
Total views : 136655
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Vụ án bà Cấn Thị Thêu -Tinh thần bất khuất của người nông dân – Ls. Luân Lê

By thoisu 02 

06/5/2021

Phiên toà bà Thêu và cậu Tư có rất nhiều điều để nói. Riêng chỉ hình ảnh và những câu nói của họ thôi đã là một thứ đủ để viết thành một cuốn sách ký pháp rồi.

Một người nông dân, một người đàn bà mạnh mẽ và kiên trường chưa từng có. Đứng trước các cáo buộc của các kiểm sát viên và toà án xét xử, họ vẫn hiên ngang, họ vẫn nói những điều kiên định vì vốn lương tâm của họ chẳng có gì để thay đổi nữa.

Tôi nhớ tới đoạn, đại diện viện kiểm sát hỏi rằng bà có nhận tiền từ ai đó để làm việc này không. Bà ấy dõng dạc và dẫn dắt câu chuyện bằng một vấn đề khác, và rồi quay về câu chuyện của gia đình bà, bà ấy nhấn mạnh nhiều lần cụm từ “khi nào các ông bị” mỗi khi đặt trước một cụm động từ “cướp đất”, “đàn áp”, “bỏ tù” như gia đình chúng tôi thì các ông sẽ biết đấu tranh chứ ở đó mà hỏi nhận tiền.

Khi toà hỏi, ở phiên toà, bị cáo xưng là bị cáo, bà nói tại phiên toà tôi xưng tôi, vì tôi không có tội. Tư cũng tuyên bố như vậy. Họ phản kháng từ trong danh xưng cho tới hành vi của mình trước những cáo buộc đến từ các cơ quan tư pháp.

Ngoài việc khi thẩm tra lý lịch, về tên, bà nói “tôi là nạn nhân của cộng sản”, kết thúc tuyên án bà Thêu và cậu Tư đều hét lớn lên liên hồi những cụm từ “đả đảo cộng sản”, nhưng trước khi bị dẫn ra cửa, bà ấy vẫn ngoái lại nở một nụ cười chào các luật sư và cảm ơn các luật sư đã bào chữa cho họ.

Với bà Thêu, đây là lần thứ ba bà bị bắt và xử, và đây là lần thứ hai tôi bào chữa cho bà với tội danh có mức hình phạt nặng nhất, lần thứ nhất vào năm 2016 với tội gây rối trật tự công cộng.

Trong phiên toà, khi tôi hỏi, “chửi” có phải một quyền không (như là một quyền về giám sát, quản lý, làm chủ nhà nước và tự do ngôn luận), thưa bà, bà Thêu nói, thưa luật sư tôi chưa bao giờ dùng một từ tục tĩu nào để phản kháng, tôi vẫn luôn ôn hoà và nói những từ bình thường.

Chủ toạ có đôi lần muốn ngắt lại việc hỏi và tranh biện của tôi, với những từ như “cần đi vào nội dung” hoặc “không đi sâu vào vấn đề”, và tôi đã thưa lại rằng, trước một sinh mạng và tự do của con người, những nông dân, trong bối cảnh này ta phải kiên nhẫn và buộc phải kiên nhẫn trước những vấn đề cần phải giải quyết. Trước tự do của con người, ta không xem xét sâu sắc các vấn đề thì phiên toà sẽ không thể đảm bảo công bằng tối thiểu, mà ở thời kỳ văn minh này ta không thể làm điều đó.

Với một người nông dân, gần 13 năm đi khiếu kiện đất đai chưa được giải quyết đến cùng, những tiêu cực và tham nhũng vẫn hoành hành và việc lên tiếng “trước cái ác” (mà tại phiên toà tôi gọi đó là “cái ác có quyền lực”) thì đó là bổn phận của lương tâm và là nghĩa vụ của công dân, của con người, nó cần được bảo vệ để mỗi người dân được nhìn nhận sẽ là chủ quốc gia.

Hình bà Thêu và con trai chụp năm 2018

Bà ấy nói, với ngần ấy thời gian chịu bất công, chẳng mấy người có thể ôn hoàn và kiên nhẫn như gia đình chúng tôi. Thế mà các ông lại bắt bớ và xét xử chúng tôi và còn không cho chúng tôi được trình bày tại toà. Những điều gia đình chúng tôi phải chịu đựng thật kinh khủng, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì và ôn hoà để đấu tranh. Vậy thì phải để cho chúng tôi nói…

Giọng bà lúc nào cũng vang vọng, cũng trơn tru, cũng rõ ràng, cũng quyết liệt và đầy thần khí. Đấy là hình ảnh một người nông dân bị xét xử vào thế kỷ 21. Thật đau đớn. Thật bi ai.

NHỮNG BIỆN HỘ TẠI PHIÊN TOÀ

Tại phiên toà bà Thêu, cậu Tư, với ba vấn đề lớn mà tôi đưa ra, tất thảy đều không được đối đáp lại, hy hữu một nội dung rất nhỏ của một trong số các nội dung của một vấn đề lớn được đưa ra thiếu/sai cơ sở.

Việc biện hộ được chia ra làm ba vấn đề chính yếu (tổng quát):

1. Mặt nội dung: gồm chủ thể và các hành vi được thực hiện; và

2. Mặt thủ tục: các vấn đề liên quan tới triệu tập người tham gia tố tụng, giải quyết các kiến nghị, yêu cầu của bị cáo, của luật sư; và

3. Mặt chứng cứ: các chứng cứ và cách thức thu thập, xử lý và đánh giá.

Mặt nội dung, tôi nhấn mạnh đến một khía cạnh đặc biệt quan trọng, mà nó là sai lầm cơ bản và cũng là trầm trọng nhất của các vụ án chính trị loại này – những (03) giám định viên chính là những người có khả năng “kết tội” bị can, bị cáo, khi họ kết luận những hành vi của người bị buộc tội bằng cách khẳng định vào mặt khách quan là cấu thành của tội phạm được liệt kê tại Điều 117 BLHS, tức họ là cơ quan định tội với các bị can, bị cáo chứ không phải cơ quan tiến hành tố tụng – một thuật ngữ pháp lý mới mà tôi đưa ra tại phiên toà sơ thẩm ngày 05/05/2021 đối với vấn đề này là “địa phương hoá việc kết tội”, vì bởi chỉ cần vào ba giám định viên, với ý chí chủ quan của họ, họ hoàn toàn có khả năng định tội và từ đó đưa ra kết tội người bị buộc tội ngay lập tức trong bản kết luận giám định (tư tưởng). Nhưng những giám định viên này, với sức mạnh tiềm tàng và đặc biệt như thế, họ lại hoàn toàn vắng mặt tại phiên toà dù các luật sư có cố gắng đề nghị triệu tập đến thế nào với Hội đồng xét xử.

Các giám định kết luận và việc giám định thông tin này phạm vào các lỗi nghiêm trọng sau:

(i) cơ quan thông tin (bao gồm Bộ Thông tin và các Sở Thông tin của các tỉnh, thành trên cả nước) không có thẩm quyền giám định về “an ninh thông tin”; và

(ii) không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để làm cơ sở và căn cứ để đưa ra các kết luận, do vậy những gì họ kết luận đều là ý chí chủ quan của họ, của chính họ và họ đã kết tội các hị can trước mọi cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có toà án; và

(iii) kết luận giám định không là cơ sở để dẫn cứ ngay chính đối với cơ quan điều tra, khi cơ quan này nhận định các cuốn sách (04 cuốn, của Phạm Đoan Trang, được ba giám định viên kết luận là phạm vào Điều 117) lại không và chưa có bất kỳ văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền nào nêu ra việc nội dung của chúng là “chống phá Nhà nước CHXHCNVN”.

Về mặt chủ thể: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước XHCN nên từ “cộng sản” không phải là một khái niệm pháp lý nằm trong sự điều chỉnh của Điều luật 117 mà nó chỉ là một danh từ để mường tượng về phạm trù của một chủ thuyết; hơn nữa, Đảng là một thực thể chính trị và Nhà nước là một thiết chế quyền lực, do đó, Đảng và Nhà nước là hai thực thể hoàn toàn khác nhau và Đảng không nằm trong phạm vi cấu thành của Điều 117. Đồng thời, trong các dẫn chiếu luận tội, tôi đề nghị các kiểm sát viên không đưa “đường lối, chủ trương của đảng” vào các lập luận vì những điều này không phải nguồn của luật pháp và vì mọi hoạt động tố tụng phải tuân theo luật và hiến pháp nên chỉ có những văn bản có tính luật mới là cơ sở dẫn chiếu để truy tố và xét xử – Luật Ban hành văn bản quy phạm đã liệt kê rõ những văn bản nào được xem là nguồn luật.

Trong các ngôn từ của bà Thêu, cậu Tư, nêu rõ chống lại bè lũ cướp đất và những quan chức cộng sản lợi dụng chức quyền vơ vét tài sản, tham những tiền thuế của dân; họ lên án lực lượng công an lạm dụng quyền lực bức cung, nhục hình đối với người khác (tại toà án, họ nêu ra các ví dụ điển hình để bảo vệ quan điểm này cho mình). Họ không có nhận thức cụ thể và minh định về chống chính quyền nhân dân, và với các bất công xuất phát từ chính gia đình khiến họ đồng cảm với các nông dân và dân oan khác, nên họ lên tiếng để đấu tranh đòi công bằng (qua các tin nhắn facebook trao đổi giữa các thành viên gia đình họ với nhau trong hồ sơ vụ án cho thấy họ rất có trách nhiệm với thông tin và trung thực với tin mà mình đưa, họ nhắc nhau không được đưa tin gây hại cho dân và phải cẩn trọng mỗi khi đưa lên công luận). Và với các nội dung mà họ truyền tải, thay vì truy cứu hình sự, ta phải thay đổi bằng cơ chế kiện dân sự để đảm bảo các quyền cơ bản của con người – quyền làm chủ quyền lực, quyền giám sát, quản lý nhà nước và quyền tự do ngôn luận.

Về mặt chứng cứ: các video được thu thập, gồm 08 video, không được trình chiếu mà tại phiên toà cho trình chiếu 08 đoạn video rất ngắn mà không phải là chứng cứ gốc, nguyên bản và không phải là nguồn chứng cứ được thu thập tại giai đoạn điều tra. Vì thế, tôi đã phản đối và yêu cầu bác bỏ các chứng cứ đã bị “cắt” này ra, và nếu là chứng cứ mới thì phải được đánh giá và xem xét kỹ lưỡng. Nhưng rốt lại, các tài liệu (dữ liệu điện tử) này cần phải bị bác bỏ ngay lập tức. Việc thiếu vắng vật chứng là các tài liệu viết tay của bà Thêu cũng là một vấn đề nghiêm trọng của chứng cứ, dẫn tới không thể thẩm tra và không thể tranh luận, không thể phán quyết.

Trong quá trình hỏi bà Thêu, cậu Tư, tôi đã đưa bà Thảo (con gái bà Thêu) và bà Thu (vợ Phương, con dâu bà Thêu) vào để tham gia tố tụng nhằm xác nhận các sự kiện xảy ra với gia đình họ mà được bà Thêu và cậu Tư khai tại phiên toà, nhưng Hội đồng xét xử không chấp thuận việc này của tôi, mặc dù bà Thảo đã đứng dậy để sẵn sàng trả lời các câu hỏi của tôi đặt ra tại phiên xử.

Tại phần đối đáp, tôi đã phải nhấn mạnh rằng: tôi tin ngay cả hội đồng xét xử cũng sẽ không muốn nghe tôi nhắc lại tới ba lần những vấn đề mà không được kiểm sát viên đối đáp, và theo nghĩa vụ họ phải đối đáp đến cùng, nhưng khi không thể đối đáp được bằng các cơ sở hợp pháp, tôi đề nghị họ phải rút lại các cáo buộc đối với các bị cáo.

Những biện hộ bào chữa của tôi thường kéo dài, được thuyết biện dựa trên những diễn biến thực tế tại phiên toà và theo mạch chảy của các suy niệm tự nhiên. Qua mỗi vụ án và tại mỗi phiên xử, ta phải nhấn mạnh vào đó không chỉ thân phận của con người, của tự do cần được bảo vệ, mà còn qua đó thẩm tấm vào những gương mặt (theo thói quen bị trói buộc) của con người những triết lý về tự do, về luật pháp và về ý nghĩa của công lý đối với cuộc sống của chúng ta, của toàn xã hội: không nhân danh, không cưỡng đoạt và đạt tới các phẩm chất cơ bản của luân lý nguyên khởi.

https://www.facebook.com/HienTheVoHinh/posts/2950043168572782