Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 0
Total Users : 13500
Total views : 136656
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Trung Cộng nếm “trái đắng” từ mặt trái của “Sáng kiến Vành đai-Con đường”

14/4/2021

Một phần của dự án đập thủy điện có sự rót vốn của Trung Quốc tại quốc gia Bờ Biển Ngà ở châu Phi. Ảnh: AFP

VOV.VN – Dịch Covid-19 đã buộc Trung Quốc phải xem xét lại Sáng kiến Vành Đai-Con đường (BRI), kế hoạch đầy tham vọng nhằm kết nối các thành phần lớn của nền kinh tế toàn cầu thông qua những dự án cho vay và phát triển cơ sở hạ tầng.

Mặt trái đang bị phơi bày

Các ngân hàng Trung Quốc – trụ cột chính của Sáng kiến mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “dự án thế kỷ”, đang bị quá tải và phải đối mặt với vấn đề các khoản vay không được hoàn trả đúng thời hạn. Kết quả là, Trung Quốc buộc phải thu hẹp quy mô của dự án, đặc biệt ở các thị trường mới nổi tại châu Phi. Một số nhà phân tích đang đặt câu hỏi liệu dự án đầy hoài bão này của Bắc Kinh đang đến giai đoạn kết thúc? “Không quá nhanh như vậy”, cây bút Joseph Dana của Asia Time nhận xét.

BRI là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới được thực hiện kèm theo cam kết của Trung Quốc là chi 1.000 tỷ USD để phát triển giao thông vận tải như đường bộ, đường sắt, viễn thông và những hạng mục tương tự tại các thị trường mới nổi. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của nước này là “chìa khóa” để cung cấp tài chính cho toàn bộ Sáng kiến BRI. Hiện các công ty Trung Quốc đang bận rộn xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa châu Phi, còn các ngân hàng Trung Quốc đang cung cấp những khoản vay dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tuy vậy, các khoản đầu tư của Trung Quốc dành cho dự án BRI đã sụt giảm đáng kể trong thời gian qua, ngay cả trước khi dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2020, tình hình càng ảm đạm hơn. Financial Times đưa tin, hai ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc là Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Xuất nhập khẩu đã phải chuyển nguồn vốn từ BRI sang các dự án trong nước.

ADVERTISEMENT

Một số quốc gia ở châu Phi đang phải gồng mình trả nợ cho các bên cho vay tại Trung Quốc. Zambia là quốc gia đầu tiên tuyên bố vỡ nợ vào năm 2020. Tuy nhiên vào tháng 10/2020, nước này đã đạt được thỏa thuận hoãn trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Những rạn nứt khác cũng đang được phơi bày. Kenya vừa thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với Công ty Vận hành Đường sắt Ngôi sao Châu Phi (Afristar) do Trung Quốc làm chủ. Công ty này được thành lập vào năm 2017 trong khuôn khổ BRI, dự kiến sẽ phụ trách các hoạt động chuyên chở hành khách và vận chuyển hàng hóa trong vòng 10 năm. Kenya được cho là đã nợ Afristar 380 triệu USD phí vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng.

Đã đến lúc Bắc Kinh phải thay đổi

Vấn đề liên quan đến việc thu hồi và chi trả các món nợ đã thúc đẩy làn sóng hợp tác công tư (PPP) mới. Từ Mozambique đến Uganda, Trung Quốc đang khuyến khích các công ty của nước này tạo ra các hình thức PPP mới để giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các nước châu Phi thông qua việc thuyết phục các đối tác cho những công ty đó hưởng một phần lợi nhuận từ các khoản thu, chẳng hạn như phí cầu đường. Thế nhưng theo các nhà phân tích, sự nở rộ của hình thức PPP là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ đối với các dự án của BRI.

Các nhà ngoại giao Mỹ và nhiều tổ chức tư vấn đã liên tiếp đưa ra cảnh báo về động thái này của Trung Quốc. Phát biểu với Financial Times, ông Jonathan Hillman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho rằng: “Việc hiệu chỉnh lại Sáng kiến Vành đai – Con đường nằm trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm thể hiện họ là một cường quốc mới nổi. Bắc Kinh đã sử dụng mô hình thiếu sót mà họ cho là phát huy hiệu quả ở trong nước, xúc tiến các dự án cơ sở hạ tầng lớn và cố gắng áp dụng nó với nước ngoài một cách mạnh mẽ”.

Một số tổ chức tư vấn thậm chí còn chỉ trích BRI một cách gay gắt và quyết liệt hơn. Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ thời gian gần đây đưa ra kết luận rằng, BRI làm suy yếu sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô trên toàn cầu và làm gia tăng khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng nợ kéo dài tại những thị trường mới nổi.

Theo cơ quan này, BRI đã mang lại cho các công ty của Trung Quốc những đặc quyền không công bằng. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh xây dựng đều hoạt động nhờ nhiên liệu hydrocarbon, làm gia tăng thách thức trong việc đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Về cơ bản, BRI buộc nhiều quốc gia phải chấp nhận cách tiếp cận gây hấn và thiếu thân thiện với môi trường của Trung Quốc trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng.

Không thể phủ nhận thực tế là, sự tăng cường sáng kiến PPP và những giải pháp khả thi nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần, chẳng hạn như kế hoạch yêu cầu đưa thêm tài sản thế chấp hay tập trung vào những lĩnh vực tăng trưởng đáng tin cậy đã giúp Trung Quốc củng cố tầm ảnh hưởng tại châu Phi, bất chấp sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án BRI. Tình hình hiện tại có thể là cơ hội để Bắc Kinh kiểm tra và đánh giá hiệu quả các các kế hoạch dài hạn dành cho BRI

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang tung ra các gói vay một cách “liều lĩnh” để thực hiện các mục tiêu trong BRI. Không riêng gì Zambia và Djibouti, nhiều quốc gia khác đang phải oằn mình gánh trên lưng món nợ khổng lồ và những hoạt động cho vay mập mờ của Bắc Kinh hiện đang bị soi xét kỹ lưỡng.

Câu hỏi đặt ra là liệu những lời chỉ trích và sự chú ý của công chúng về cách thức mà Trung Quốc đầu tư cho BRI có khiến Bắc Kinh phải thay đổi cách tiếp cận hay không? “Vẫn chưa rõ, nhưng có một điều chắc chắn là bức rèm về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các khoản nợ đang dần bị kéo xuống. Việc đầu tư cho các dự án BRI ở châu Phi chậm lại cho thấy Bắc Kinh hiểu rõ sự cần thiết phải thay đổi để đảm bảo sự bền vững cho dự án thế kỷ của họ”, nhà phân tích Joseph Dana lưu ý./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Asia Times