Tổ Chức Y Tế Quốc Tế tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus từ Trung Quốc
Viết bởi MARIA CHENG và JAMEY KEATEN
January 30, 2020, AP
GENEVA (AP) – Vào thứ Năm 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh dịch bùng phát do một loại virus mới ở Trung Quốc đã lây lan đến hơn một chục quốc gia là “tình trạng khẩn cấp toàn cầu” sau khi số trường hợp mắc bệnh gia tăng hơn 10 lần trong một tuần.
Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc định nghĩa “tình trạng khẩn cấp quốc tế” là một “sự kiện bất thường” gây rủi ro cho các quốc gia khác, đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động quốc tế.
Trung Quốc thông báo cho WHO lần đầu tiên về các trường hợp nhiễm virus loại mới vào cuối tháng 12, 2019. Đến nay, nước này đã báo cáo hơn 7.800 trường hợp trong đó có 170 tử vong. Mười tám quốc gia khác sau đó đã báo cáo trường hợp mắc bệnh trong khi các nhà khoa học ráo riết tìm hiểu chính xác cách thức virus này lây lan và mức độ nghiêm trọng của nó.
Các chuyên gia cho biết đã có bằng chứng quan trọng về việc virus đang lây lan ở người dân Trung Quốc và ghi nhận những trường hợp đáng lo ngại ở các quốc gia khác – bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Đức, Canada, Hàn Quốc và Việt Nam – nơi đã có những trường hợp truyền từ người sang người được cách ly.
Nói chuyện với các phóng viên ở Geneva, Tổng giám đốc WHO ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý sự lây lan đáng lo ngại của virus từ người qua người ở bên ngoài Trung Quốc.
Ông nói “lý do chính cho việc tuyên bố này không phải vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc mà là vì những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác. Quan tâm lớn nhất của chúng tôi là khả năng virus này lây lan sang các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém và không sẵn sàng đối phó với nó.”
“Tuyên bố này không phải là một cuộc bỏ phiếu không tin tưởng Trung Quốc,” ông nói. Ngược lại, WHO tiếp tục tin tưởng vào khả năng kiểm soát bệnh dịch của Trung Quốc.
Một tuyên bố về tình trạng khẩn cấp toàn cầu thường cung cấp tiền và tài nguyên lớn hơn, nhưng cũng có thể khiến các chính phủ lo lắng sẽ hạn chế việc đi lại và giao dịch đến các quốc gia bị ảnh hưởng. Tuyên bố cũng yêu cầu các quốc gia báo cáo các bệnh nhiễm xảy ra.
Trước việc nhiều hãng hàng không hủy các chuyến bay đến Trung Quốc và các doanh nghiệp bao gồm Starbucks và McDonald tạm thời đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ông Tedros cho biết WHO không khuyến khích hạn chế việc đi lại hoặc sự giao dịch đến Trung Quốc.
“Không có lý do gì cho các biện pháp không cần thiết để can thiệp vào thị trường du lịch và thương mại quốc tế,” ông nói. Ông thêm rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết giúp ngăn chặn sự lây lan của virus ra khỏi biên giới Trung Quốc.
“Trong suốt cuộc thảo luận của tôi với chủ tịch (Tập) và các quan chức TQ khác, họ sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn với bất cứ điều gì có thể,” ông Ted Tedros nói.
Hôm thứ Năm, Pháp xác nhận một bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm virus và sau đó đã bị nhiễm bệnh. Bác sĩ hiện đang được điều trị trong một phòng cách ly tại bệnh viện Paris. Các chuyên gia bùng phát lo lắng rằng sự lây lan siêu vi mới này từ bệnh nhân sang nhân viên y tế có thể báo hiệu virus đang thích nghi với sự lây truyền từ người sang người.
Số người chết tại Trung Quốc đã gia tăng lên đến 170 vào thứ Năm và nhiều quốc gia khác đã báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh, bao gồm một số người bệnh lây lan tại địa phương do những người từ khu vực bị dịch nặng ở Trung Quốc trở về nhà được kiểm tra y tế và thậm chí bị cách ly.
Nga tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới dài 2.600 dặm với Trung Quốc, cũng như Mông Cổ và Bắc Triều Tiên ngăn chận các cuộc vượt biên giới nhằm chống lại sự bùng phát virus mới. Thực ra biên giới đã bị đóng do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng chính quyền Nga cho biết việc đóng cửa sẽ kéo dài đến ngày 1 tháng 3.
Trong khi đó, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã xác nhận những trường hợp đầu tiên lây truyền siêu vi từ người sang người. Một người đàn ông ở Mỹ kết hôn với một phụ nữ 60 tuổi ở Chicago bị nhiễm virus sau khi cô trở về từ Vũ Hán, thành phố trung tâm của bệnh dịch tại Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, một người đàn ông 56 tuổi đã nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus trước đó.
Mặc dù các nhà khoa học dự đoán sự lây truyền virus sẽ hạn chế giữa những người có liên hệ gần gũi như trong gia đình, nhưng các trường hợp lây lan sang những người ít tiếp xúc ở Nhật Bản và Đức là đáng lo ngại.
Tại Nhật, một người đàn ông ở độ tuổi 60 đã bị nhiễm virus sau khi làm tài xế xe buýt cho hai nhóm du lịch từ Vũ Hán. Ở Đức, một người đàn ông ngoài 30 tuổi bị bệnh sau khi một đồng nghiệp người Trung Quốc đến từ Thượng Hải, có bố mẹ gần đây đến từ Vũ Hán, đã đến văn phòng của anh ta để dự một cuộc họp kinh doanh. Bốn công nhân khác sau đó cũng bị nhiễm bệnh. Người phụ nữ đã không có các triệu chứng của virus cho đến khi bay trở về Trung Quốc.
Marion Koopmans, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Hoà Lan và là thành viên của ủy ban khẩn cấp của WHO cho biết: “Đó là loại chuỗi lây truyền bệnh mà chúng ta không muốn thấy.”
Koopmans cho biết cần có thêm thông tin về cách thức lây lan của virus trong những trường hợp này và liệu điều đó có nghĩa là virus này dễ lây nhiễm hơn so với những suy nghĩ trước đây hay liệu có điều gì bất thường trong những trường hợp đó.
Mark Harris, một giáo sư virus học tại Đại học Leeds, cho biết có vẻ sự lây lan của virus ở người dễ dàng hơn so với dự đoán ban đầu.
“Nếu truyền đi giữa con người là khó khăn, thì con số mắc bệnh sẽ hạ thấp,” ông nói. Harris cho biết số lượng siêu vi hạn chế lan ra ngoài Trung Quốc cho thấy dịch bệnh vẫn có thể được ngăn chặn, nhưng nếu con người có thể lây bệnh trước khi có triệu chứng – như một số chính trị gia và nhà nghiên cứu Trung Quốc đã suy nghĩ – có thể sẽ làm tổn hại đến nỗ lực kiểm soát.
Loại virus mới này hiện đã gây nhiễm bệnh cho nhiều người ở Trung Quốc hơn là trong đợt dịch SARS năm 2002-2003, tức là hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng là anh em họ của loại virus mới. Cả hai đều thuộc họ hàng oronavirus cũng có thể gây cảm lạnh thông thường.
Số liệu mới nhất của Trung Hoa đại lục cho thấy sự gia tăng 38 trường hợp tử vong và 1.737 trường hợp nhiễm bệnh trong tổng số 7.736 trường hợp đã được xác nhận. Trong số mới tử vong, 37 người ở tỉnh Hồ Bắc, mà Vũ Hán là thủ phủ, và một người ở tỉnh phía tây nam Tứ Xuyên. Ngoài Trung Quốc, có 82 trường hợp nhiễm bệnh ở 18 quốc gia, theo WHO.
Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến Chủ nhật để cố gắng giữ mọi người ở nhà, nhưng làn sóng du khách quay trở lại có khả năng khiến virus này lan rộng hơn.
Trung Quốc đã được ca ngợi rất nhiều vì phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với sự bùng phát, mặc dù các câu hỏi đã được đặt ra về sự đàn áp của cảnh sát đối với những gì ban đầu được gán cho là tin đồn – phản ánh quyết tâm của nhà nước Cộng sản độc đảng hiện duy trì độc quyền về thông tin mặc dù trong xã hội với điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội.
Điều đó trái ngược hoàn toàn với phản ứng ban đầu đối với SARS, khi các báo cáo y tế được giấu kín như bí mật nhà nước. Phản ứng chậm trễ đã được đổ là nguyên nhân cho phép căn bệnh này lan rộng trên toàn thế giới, giết chết khoảng 800 người.
Tiến sĩ Jeremy Farrar, giám đốc Wellcome Trust của Anh, hoan nghênh tuyên bố khẩn cấp của WHO.
Ông nói “Virus này đã lây lan ở quy mô và tốc độ nhanh chưa từng thấy, với các trường hợp lây truyền giữa người và người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một lời nhắc nhở nghiêm túc về việc chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào đối với dịch bệnh truyền nhiễm được biết và chưa biết.”
___
Tường trình của Cheng từ London. Các phóng viên của Associated Press Ken Moritsugu ở Bắc Kinh, Elaine Ganley ở Paris, Frank Jordans ở Berlin, Mari Yamaguchi ở Tokyo và Kim Tong-hyung ở Seoul, Hàn Quốc, đã đóng góp cho báo cáo này.
Trần Vũ lược thuật.
Nguồn:
https://apnews.com/0f0f07b30c8cdd2b0f30c6081acc7599