Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 22 tháng 10 năm 2021 – Võ Thái Hà
Covid: Thái Lan không cách ly du khách đã tiêm chủng từ hơn 40 nước
Tại sân bay quốc tế Don Mueang, Bangkok, Thái Lan, ngày 20/10/2021. REUTERS – ATHIT PERAWONGMETHA
Kể từ ngày 01/11/2021, chính quyền Bangkok sẽ cho phép khách nước ngoài đã tiêm chủng, từ hơn 40 quốc gia, nhập cảnh Thái Lan mà không bắt buộc phải cách ly.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha thông báo tin trên vào hôm qua, 21/10/2021. Hồi tuần trước, chính quyền Thái Lan cho biết sẽ cho nhập cảnh các du khách từ « 10 quốc gia được coi là có nguy cơ thấp ». Hãng tin Pháp AFP dẫn lời thủ tướng Thái Lan cho biết mục tiêu của việc mở rộng danh sách các nước và các vùng lãnh thổ, từ 10 lên hơn 40, là nhằm « kích thích ngành du lịch và các lĩnh vực kinh tế liên quan ». Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh là cần tăng tốc mở cửa, bởi « nếu chờ đợi đến khi nào mọi thứ hoàn toàn ổn thì sẽ là quá trễ ». Trước đây, thủ tướng Prayut Chan-O-Cha dự kiến phải đạt đến tỷ lệ 70% người dân Thái được tiêm chủng thì Thái Lan mới mở lại biên giới. Hiện tại, chỉ có gần 40% người dân Thái Lan được tiêm chủng đủ liều.
Ngoài Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc, các du khách đã tiêm chủng từ các nước châu Âu, như Pháp, Đức, sẽ được phép viếng thăm Thái Lan, với điều kiện có kết quả xét nghiệm PCR âm tính kèm theo. Cam Bốt, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông cũng nằm trong danh sách các nước được coi là có « nguy cơ thấp ».
Theo quy định này, một khi đến Thái Lan, du khách sẽ phải làm thêm một xét nghiệm Covid-19 nữa, và phải cách ly một đêm duy nhất tại một khách sạn, được chính phủ chấp thuận, trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm, trước khi tiếp tục chuyến du hành. Thủ tướng Thái Lan thừa nhận là « có nguy cơ số người nhiễm virus sẽ gia tăng, nhưng đây là một nguy cơ mà chúng tôi chấp nhận ». Hàng ngày, vẫn có trung bình 10.000 ca nhiễm mới. Cho đến nay, theo số liệu chính thức, đã có hơn 8.500 người Thái Lan chết vì Covid-19.
Du lịch là nguồn thu quan trọng của Thái Lan. Do ảnh hưởng của đại dịch, năm ngoái, Thái Lan thiệt hại khoảng 50 tỉ đô la vì mất khách du lịch. Số du khách nước ngoài đã sụt giảm 83%, xuống còn 6,7 triệu, so với 40 triệu khách trước đại dịch.
Liên Hiệp Quốc : Tình hình tại Miến Điện tiếp tục xấu đi
Trước nhà tù Insein, Rangun, Miến Điện. Người thân và bạn bè chờ đón các tù nhân được phóng thích hôm 19/10/2021. AP
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener đánh giá tập đoàn quân sự Naypyidaw « đi lầm đường » và 8 tháng sau cuộc đảo chính, tình hình tại Miến Điện « tiếp tục xấu đi nghiêm trọng ».
Họp báo tại New York hôm 21/10/2021, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Christine Schraner Burgener nhấn mạnh « xung đột đang gia tăng tại nhiều vùng và các đợt đàn áp của quân đội tới nay đã làm hơn 1.180 người thiệt mạng ». Đại diện Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện sử dụng một loạt chiến thuật tàn bạo nhắm vào thường dân, như « đốt phá làng mạc, hôi của và bắt giữ thường dân một cách tùy tiện, tra tấn, sát hại tù nhân… ». Bà Schraner Burgener kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc « nỗ lực hơn trong việc bảo vệ thường dân Miến Điện ».
Từ sau cuộc đảo chính của quân đội lật đổ chế độ dân sự của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, hệ thống y tế và tài chính Miến Điện đã hoàn toàn « sụp đổ », với từ 370.000 đến 589.000 người phải tản cư, 3 triệu người cần được cứu trợ nhân đạo. Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, con số này cao gấp ba lần so với trước đây.
Ngoài ra, từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021, Liên Hiệp Quốc có thông tin là khoảng 4.000 quân nhân đã đào ngũ, nhưng hiện tại chưa thể kiểm chứng con số nói trên. Bà Schraner Burgener cho biết lần gần đây nhất tiếp xúc với đại diện của chính quyền Naypyidaw là vào tháng 7/2021, khi bà đề xuất phương pháp làm việc với các tướng lãnh Miến Điện, nhưng « từ đó tới nay, vẫn chưa được hồi âm ».
Còn đặc sứ ASEAN về Miến Điện, bộ trưởng Brunei Erywan Yusof, sau nhiều tháng thương lượng vẫn chưa được phép tiếp xúc với cựu cố vấn nhà nước Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi.
Sáu người Rohinga chết trong tại tị nạn
Cảnh sát Bangladesh hôm nay, 22/10/2021, cho biết một vụ nổ súng đã xảy ra tại trại Balukhali, ở Cox Bazar, sát biên giới hai nước, khiến 6 người Rohingya thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đây là một vụ « tấn công » nhắm vào một lớp học của người Rohingya theo Hồi Giáo trong trại Balukhali, nơi mà 27.000 người sắc tộc thiểu số này đang tạm trú.
Cox Bazar có nhiều trại tị nạn và là nơi đón nhân hơn 900.000 Rohingya. Cảnh sát địa phương cho biết đã bắt được hung thủ. AFP cho biết tnhắc lại tình hình tại Cox Bazar thêm căng thẳng từ nhiều tuần qua. Một số nguồn tin thông thạo quy trách nhiệm cho nhóm cực đoan mang tên ARSA. Vụ tấn hôm nay diễn ra ba tuần sau vụ một nhà đấu tranh ôn hòa 48 tuổi, đại diện cho những người Rohingya bị sát hại cũng tại Cox Bazar.
Cuộc đua thống đốc Virginia sít sao khác thường
Những ngày gần đây chứng kiến một loạt nhân vật giàu ảnh hưởng của đảng Dân chủ đến Virginia để vận động cho Terry McAuliffe, ứng viên thống đốc của đảng. Trong đó có Barack Obama ở Richmond vào thứ Bảy này. Ông McAuliffe, người từng làm thống đốc giai đoạn 2014 đến 2018, đang cạnh tranh sít sao với đối thủ Đảng Cộng hòa Glenn Youngkin, một cựu giám đốc điều hành quỹ đầu tư tư nhân.
Phe Cộng hòa đã không thắng cuộc bầu cử toàn bang nào ở Virginia kể từ 2009, phản ánh sự đa dạng ngày càng tăng của bang và việc các khu ngoại ô trở nên thân Dân chủ hơn. Joe Biden thắng dễ dàng ở Virginia với cách biệt mười điểm trong cuộc đua tổng thống năm ngoái. Nhưng Đảng Dân chủ đang lo ngại tâm lý tự mãn. Để lôi kéo cử tri, họ đã dùng chiến thuật so sánh ứng viên Đảng Cộng hòa với cựu tổng thống Donald Trump. Về phần mình, ông Youngkin dứt khoát tránh vận động tranh cử với Trump. Nếu ông phá vỡ chuỗi thua của đảng Cộng hòa vào ngày 2 tháng 11, thì đó sẽ là điềm xấu cho đảng Dân chủ trước thềm bầu cử giữa kỳ năm tới.
Mỹ và Mexico tìm cách giải quyết xích mích ở biên giới
Quan hệ an ninh Mỹ-Mexico đang có nhiều xích mích. Vào tháng trước, quan chức hai nước đã gặp nhau để hướng đến một thỏa thuận mới và giải quyết các cuộc đàm phán đang diễn ra: hợp tác bị đình trệ sau khi Mỹ bắt giữ một cựu bộ trưởng chính phủ Mexico với tội danh buôn bán ma túy. Ông này sau đó bị giao nộp cho cơ quan chức năng của Mexico — song đó là sau khi Mexico trả đũa bằng cách đóng băng thị thực của các đặc vụ DEA (Cơ quan Chống Ma túy Mỹ).
Cả hai nước đều có lợi nếu hồi sinh được thỏa thuận. Mexico muốn Mỹ hạn chế mạng lưới buôn bán súng qua biên giới phía nam của họ. Trong khi đó Mỹ cần Mexico đảm bảo chuỗi cung ứng cho Mỹ, chẳng hạn như chất bán dẫn. Cả hai đều muốn ngăn dòng người di cư từ Trung Mỹ. Nhưng cho dù họ có đồng ý với chính sách nào thì cũng khó có thể chấm dứt bạo lực ở Mexico hay nạn buôn ma túy từ nam ra bắc. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã tỏ ra không nhiệt huyết như những người tiền nhiệm trong việc đối đầu với các tổ chức tội phạm, với chính sách “ôm nhau thay vì nổ súng” mà cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả.
Cuộc đấu pháp lý xoay quanh luật phá thai của Texas
Vào ngày 1 tháng 9, Tòa án Tối cao đã cho phép áp dụng lệnh cấm phá thai gần như hoàn toàn của Texas. Giờ đây luật này quay lại bàn làm việc của các thẩm phán, sau khi chính phủ liên bang và một nhóm các nhà cung cấp dịch vụ phá thai đệ đơn thách thức. Texas đã ra trả lời bằng văn bản vào ngày thứ Năm.
Vụ kiện này mang tên Whole Women’s Health v Jackson, với một số nhà cung cấp dịch vụ phá thai nói luật “vi hiến” theo Roe v Wade, một tiền lệ án năm 1973 về quyền phá thai. Họ yêu cầu Tòa Tối cao xem xét luôn mà không cần phải đợi phán quyết của Tòa Phúc thẩm Khu vực 5 có xu hướng bảo thủ, vốn bao gồm ba bang trong đó có Texas. “Người dân Texas đang gặp khủng hoảng,” các phòng khám nói. Trong vụ kiện (của chính phủ liên bang) United States v Texas, Bộ Tư pháp tuyên bố luật cấm phá thai “đi ngược lại tính tối cao của luật liên bang.” Họ muốn tòa phục hồi lệnh hoãn áp dụng luật mà Tòa Khu vực 5 đã cho bãi bỏ. Tòa Tối cao sẽ ra phán quyết sớm nhất vào cuối tuần này.
Tổng thống Biden tuyên bố : Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc xâm chiếm
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) phát biểu về kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, tại Nhà hát Center Stage Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 21/10/2021. REUTERS – JONATHAN ERNST
Một câu trả lời ngắn gọn của tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden cũng đủ để Trung Quốc tức giận nhưng lại trấn an Đài Loan. Trên đài truyền hình CNN ngày 21/10/2021 ông Biden khẳng đỉnh Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo này.
« Có, chúng tôi đã cam kết theo hướng này ». Tổng thống Mỹ trả lời một cử tri tại thành phố Baltimore, bang Maryland khi được hỏi liệu rằng Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị xâm chiếm hay không. Ông Biden nói thêm như để trấn an công luận rằng « Trung Quốc, Nga và phần còn lại của thế giới đều biết rằng Hoa Kỳ có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới ».
Một lần nữa tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng về tình hình Đài Loan lại làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính « mơ hồ trong chiến lược » của Washington trên vấn đề Đài Loan. Bằng chứng cụ thể nhất là ngay sau phát biểu của ông Biden, Nhà Trắng xác định với báo chí là chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan « không thay đổi ».
Đài Bắc hoan nghênh câu trả lời của nguyên thủ Mỹ. Phát ngôn của tổng thống Thái Anh Văn, sáng nay tuyên bố « Chính phủ Mỹ, qua những hành động đích thực, đang chứng minh là họ ủng hộ Đài Loan và đó là một sự ủng hộ vững chắc ».
Ngược lại tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo sáng nay kêu gọi Washington « tránh gửi đi những tín hiệu sai lầm đến những thành phần đòi độc lập cho Đài Loan ».
Publicité
Về lập trường của Nhà Trắng trên hồ sơ Đài Loan, giới phân tích nhắc lại tháng 8/2021 vào lúc cộng đồng quốc tế hoang mang vì Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, trên đài ABC, tổng thống Biden đã có phát biểu tương tự về cam kết bảo vệ Đài Loan. Ông trừng nhấn mạnh Hoa Kỳ luôn luôn bảo vệ các đồng minh, từ Canada đến các nước Châu Âu, tương tự như là « đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, hay đối với Đài Loan »