Tin tức thế giới ngày Thứ năm 16 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà
Mỹ – Anh – Úc hợp tác nhằm đối phó Trung Quốc
Mỹ, Anh và Úc công bố quan hệ đối tác an ninh ba bên mới với tên gọi AUKUS ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương
Vào sáng sớm hôm nay (giờ Sydney, Úc), Mỹ, Anh và Úc đã công bố quan hệ đối tác an ninh ba bên mới với tên gọi AUKUS ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong khu vực.
Theo một tuyên bố chung của ba chính phủ, hành động đầu tiên trong khuôn khổ quan hệ đối tác này sẽ là việc Hoa Kỳ và Anh giúp Úc xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Liên minh an ninh mới đã được công bố bởi Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison trong một cuộc họp báo chung trực tuyến từ mỗi nước.
Ông Biden nói: “Tất cả chúng tôi đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong dài hạn.”
Thủ tướng Úc Morrison cho biết các tàu ngầm sẽ được đóng tại thành phố Adelaide với sự hợp tác của Hoa Kỳ và Anh, đồng thời nhấn mạnh rằng Úc sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp ứng tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của mình.”
Thủ tướng Anh Johnson gọi đây là một quyết định quan trọng của Úc trong việc mua lại công nghệ này, đồng thời nói thêm rằng nó sẽ giúp thế giới an toàn hơn. Ba nước hiện sẽ bắt đầu giai đoạn tham vấn kéo dài 18 tháng để vạch ra các chi tiết của dự án phát triển, tuyên bố chung cho biết.
Liên minh cũng được thiết lập để tăng cường chia sẻ thông tin về các công nghệ quan trọng giữa ba nước.
“AUKUS sẽ tập hợp các thủy thủ, các nhà khoa học và các ngành công nghiệp của chúng tôi để duy trì và mở rộng lợi thế của chúng tôi về khả năng quân sự và các công nghệ quan trọng, chẳng hạn như không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các lĩnh vực dưới biển,” Tổng Thống Biden nói.
Mặc dù Trung Quốc không được các nhà lãnh đạo đề cập cụ thể, nhưng chế độ cộng sản Bắc Kinh đã trở thành mục tiêu chính của hợp tác ba bên này.
Ông Biden cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ám chỉ về các hành động gây hấn quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và những nơi khác.
Ngoài AUKUS, tại khu vực này hiện còn có liên minh Bộ Tứ gồm Úc – Nhật Bản – Ấn Độ và Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo Bộ tứ dự kiến sẽ gặp nhau trực tiếp tại Nhà Trắng vào ngày 24/9.
Truyền thông của Úc hôm nay bày tỏ sự bất mãn đối với Tổng thống Hoa Kỳ khi ông không nhớ được tên Thủ tướng Úc. Trong cuộc họp báo trước khi bế mạn, ông Biden muốn cám ơn nhị vị thủ tướng nhưng ông chỉ nhớ tên thủ tướng Anh mà không nhớ tên thủ tướng Úc: “Thank you Boris, and I want to thank that fellow Down Under,”
Nói chuyện tại Quốc Hội ngay khi cuộc họp chấm dứt, khi một dân biểu đã nhắc đến chuyện này, ông Morrison chỉ nói rằng đây thỏa hiệp mới của “quan hệ đối tác lâu dài” (forever partnership) giữa “những người bạn già nhất và đáng tin tưởng nhất” (between the oldest and most trusted of friends).
Liên minh với Mỹ và Anh, Úc cắt hợp đồng tầu ngầm với Pháp
Mẫu tầu ngầm “Barracuda” của Pháp bán cho Úc. Reuters/DCNS
Úc sẽ sử dụng công nghệ tầu ngầm hạt nhân của Mỹ và chấm dứt hợp tác với tập đoàn Naval Group của Pháp. Đối với ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, khi trả lời đài phát thanh France Info ngày 16/09/2021, quyết định của Canberra và Washington là “cú đâm sau lưng”. Còn theo bộ trưởng Quốc Phòng Florence Parly khi trả lời RFI, Úc đã “nuốt lời”.
Trung Quốc cũng ngay lập tức lên án thỏa thuận hợp tác tầu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Úc là “gây hại nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định trong vùng và gia tăng chạy đua vũ trang”.
Tại sao Úc thay đổi quyết định ? Thông tín viên Grégory Plesse tại Sydney giải thích :
« Lý do là sự đe dọa ngày càng lớn của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và để đối phó với sự đe dọa này, thủ tướng Úc Scott Morrison giải thích là công nghệ tầu ngầm quy ước, theo mẫu mà tập đoàn Pháp Naval Group dự kiến đóng, sẽ không còn thích hợp nữa.
Sau đó, thủ tướng Úc nêu rõ tại sao, theo ông, tầu ngầm hạt nhân lại ưu việt hơn : « Tầu ngầm hạt nhân có nhiều lợi ích hơn. Chúng mạnh hơn, bền hơn, nhanh hơn, kín đáo hơn và có khả năng chuyên chở lớn hơn ».
Ngược lại, ông cũng nhấn mạnh là những tầu ngầm này sẽ không mang vũ khí hạt nhân. Có nghĩa là Úc muốn tôn trọng những cam kết của nước này trong khuôn khổ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nhưng đây là một đòn rất đau cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng vạch ra trục chiến lược Paris-Delhi-Canberra khi thăm Úc năm 2018 ».
Năm 2016, tập đoàn Naval Group trúng thầu hợp đồng trị giá 90 tỉ đô la Úc (66 tỉ đô la) đóng 12 tầu ngầm quy ước cho hải quân Úc. Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI, tại Canberra cũng có rất nhiều lời chỉ trích phía Pháp, như chậm trễ hay chi phí bị đội lên. Pháp và tập đoàn Naval Group là bên thiệt thòi nhất, nhưng theo báo chí Úc, chính quyền Canberra cũng phải chuẩn bị hơn 250 triệu euro để bồi thường việc chấm dứt hợp đồng cho tập đoàn Naval Group.
Phủ đầu Mỹ, Bộ trưởng Vương Nghị lên án liên minh Ngũ Nhãn
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (ảnh: Youtube/CNA).
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Tư (ngày 15/9) đã lên án liên minh tình báo Ngũ Nhãn của các nước phương Tây khi nói rằng liên minh này là một tàn tích của chiến tranh lạnh.
Báo Nikkei nhận định, phát biểu của ông Vương Nghị nhằm đánh phủ đầu hòng đẩy lùi các động thái của Hoa Kỳ nhằm đưa các nước khác như Hàn Quốc vào liên minh Ngũ Nhãn.
Khi đến thăm Seoul, ông Vương đã được hỏi rằng ông nghĩ gì về viễn cảnh Hàn Quốc tham gia Ngũ Nhãn, như đề xuất trong một dự thảo luật ở Mỹ. Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên rằng liên minh “hoàn toàn là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh – nó đã bị bỏ lại phía sau”.
Liên minh Ngũ Nhãn hiện tại bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand. Dự thảo luật yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ xem xét “các cơ hội để mở rộng chia sẻ thông tin tình báo với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức”.
Ông Vương Nghị trong điểm dừng chân cuối cùng của chuyến công du châu Á đã đưa ông đến Việt Nam, Campuchia và Singapore đã nói chuyện với giới truyền thông xứ Hàn sau cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong. Chuyến thăm Seoul của ông diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Nikkei cho hay, ông Vương và ông Chung thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có cả chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Và Triều Tiên, dường như để mắt tới chuyến thăm Hàn Quốc của Vương Nghị. Bình Nhưỡng đã cho thấy rõ sự hiện diện của mình khi tuyên bố rằng họ thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa mới vào cuối tuần qua, làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Nhật Bản lên án vụ thử có hại cho sự ổn định của khu vực, trong khi Hàn Quốc cho biết họ đang đánh giá tình hình.
Đức Thánh Cha Francis quở trách các giám mục Mỹ vì đã kêu gọi không cho Tổng thống Joe Biden được thực hiện nghi thức thánh lễ. Giáo hoàng nói không nên đem chính trị vào các quyết định như vậy. Một số giám mục bảo thủ muốn cấm ông Biden, một người Công giáo, tham dự tiệc thánh vì ông ủng hộ quyền phá thai đi ngược với giáo lý nhà thờ.
Lebanon nhận tiền IMF giữa khủng hoảng kinh tế
Vào thứ Năm, Lebanon sẽ nhận 1,1 tỷ đô la “quyền rút vốn đặc biệt” từ IMF, một khoản tiền cực kỳ cần thiết cho nước này. Hai năm qua đã đưa Lebanon vào một cuộc khủng hoảng tài chính được xếp vào hàng nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới. Liên Hợp Quốc ước tính có 82% dân số hiện nay là người nghèo. Tình trạng thiếu tiền mặt khiến khó nhập khẩu nhiên liệu và thuốc. Mất điện kéo dài, xếp hàng mua xăng và các hiệu thuốc trống không đã trở nên quá bình thường.
Vào thứ Sáu tuần trước, sau 13 tháng không có chính phủ, các chính trị gia Lebanon đã thành lập một nội các mới. Dù vậy chẳng có ai lạ: ví dụ như bộ trưởng tài chính mới là một quan chức ngân hàng trung ương lâu năm từng góp phần dẫn đến tình hình hiện nay. Thủ tướng (một tỷ phú) đã kêu gọi người dân chịu khó “hy sinh.” Song người Lebanon cũng chẳng còn gì để hy sinh.
El Savador sửa đổi hiến pháp
Thứ Tư là thời hạn cho phó tổng thống Félix Ulloa trình gói cải cách hiến pháp lên Tổng thống Nayib Bukele. Các quan chức nói bản hiến pháp cũ gồm 274 điều cần được cập nhật cho thời kỳ hiện đại (nó được soạn thảo vào năm 1992 sau cuộc nội chiến). Nhưng một số người đang lo lắng. Một số đề xuất sửa đổi dường như là nhằm tăng cường quyền lực của ông Bukele đúng vào thời điểm ông đang thâu tóm quyền hành nhanh chóng.
Một trong số đó là kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ năm lên sáu năm. Các đồng minh của ông Bukele đã thay đổi luật về nhiệm kỳ tổng thống theo hướng có lợi cho ông. Vào ngày 3 tháng 9, tòa án tối cao, mà kể từ tháng 5 chỉ toàn các đồng minh của ông Bukele, đã phán quyết tổng thống có thể phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, trái với hiến pháp vốn chỉ cho phép một nhiệm kỳ rồi phải nghỉ trước khi muốn tranh cử tiếp. Sau đó đến lượt thông qua của Quốc hội, nơi đảng của ông cũng chiếm đa số.
Merkel đến thăm Pháp trước khi mãn nhiệm
Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Paris tối nay để dự bữa tối làm việc với Tổng thống Emmanuel Macron. Dù bà còn được hứa một sự kiện chia tay khác ở Paris, đây sẽ là buổi gặp gỡ cuối cùng của họ trước cuộc bầu cử liên bang Đức ngày 26 tháng 9, thời điểm bà từ chức. Cũng như nhiều cặp đôi Pháp-Đức, cặp đôi này không phải lúc nào cũng hợp ý nhau. Nhưng hai nhà lãnh đạo có cùng quan điểm ủng hộ châu Âu, và đã tìm ra cách làm việc cùng nhau, đặc biệt là về quỹ phục hồi kinh tế chung của EU.
Chuyến thăm của bà Merkel không phải là thước đo duy nhất cho thấy Berlin quan trọng đến đâu trong mắt Paris. Tuần trước cả Armin Laschet, ứng viên bảo thủ cho chức thủ tướng và Olaf Scholz, ứng viên dân chủ-xã hội, đều đã đến gặp ông Macron ở Paris. Sau 16 năm tại vị, bà Merkel sẽ để lại một khoảng trống lãnh đạo ở EU mà ông Macron rất muốn thế vào. Sợi dây liên kết Pháp- Đức vẫn tồn tại, nhưng các chi tiết sẽ thay đổi.
SpaceX đưa khách hàng lên vũ trụ
Vào thứ Năm, hai phút sau nửa đêm giờ chuẩn Greenwich, thời điểm phóng sẽ mở ra cho sứ mệnh không gian Inspiration4, hiện đang nằm chờ trên bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida. Được tài trợ bởi Jared Isaacman, người thành lập hãng thanh toán Shift4, sứ mệnh sẽ đưa ông và ba người bạn đồng hành (đều là dân thường) đi vòng quanh Trái đất hơn 40 lần trong một trong những khoang tàu được SpaceX dùng trong sứ mệnh đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Chuyến đi của họ cũng được ghi lại cho một loạt phim tài liệu của Netflix, “Countdown: Inspiration4 Mission to Space,” và buổi phóng sẽ được phát trực tiếp trên kênh YouTube của công ty.
SpaceX có các hợp đồng để đưa nhiều du khách lên vũ trụ hơn trong những năm tới, bao gồm cả hợp đồng đưa doanh nhân người Nhật Yusaku Maezawa đi vòng quanh Mặt Trăng. Song thương vụ đó còn phụ thuộc vào tiến độ tên lửa tiếp theo của công ty, Starship.
Đài Loan tập trận ứng phó với cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ở giữa) đã đến thị sát cuộc tập trận Hán Quang (ảnh: Youtube/presidentialoffice).
Đài Loan đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự thường niên vào hôm thứ Hai nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc, bao gồm ứng phó với chiến tranh sinh học và hóa học, trang Nikkei cho hay.
Phần bắn đạn thật kéo dài 5 ngày của cuộc tập trận Hán Quang bắt đầu vào sáng sớm thứ Hai ở phía đông Đài Loan, một khu vực mà Trung Quốc coi là một mắt xích yếu. Các máy bay chiến đấu F-16V và tiêm kích đa nhiệm Mirage 2000 đã được điều động để mô phỏng phản ứng với một cuộc xâm lược vũ trang.
Các cuộc tập trận diễn ra trong cùng tháng 19 máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, và theo sau cuộc tập trận của Trung Quốc mà các nhà phân tích cho rằng nhằm mô phỏng một cuộc xâm lược qua eo biển Đài Loan. Đài Bắc đang đáp trả bằng cách đổ tiền vào tên lửa và các khoản đầu tư khác mà họ hy vọng sẽ giúp san bằng một sân chơi không bình đẳng.
Cuộc tập trận Hán Quang được tổ chức hàng năm kể từ năm 1984, trải dài trên đảo chính của Đài Loan cũng như các đảo xa xôi, với sự tham gia của các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không. Cuộc tập trận được hình dung là một loạt các phương thức tấn công tiềm năng, không chỉ tên lửa mà còn cả các hoạt động đổ bộ, tác chiến điện tử, tấn công không gian mạng.
Đài Loan vốn yếu hơn về mặt quân sự so với Trung Quốc. Đài Loan áp dụng chiến lược phòng thủ phi đối xứng tập trung vào đảo chính nhằm mục đích giữ cho các lực lượng của Bắc Kinh ở khoảng cách xa nhất có thể, trì hoãn thời gian để Hoa Kỳ và các cường quốc khác can thiệp nếu có một cuộc xâm lược xảy ra.
Tổng thống Thái Anh Văn đã đặc biệt chú trọng đến phát triển tên lửa tầm xa. Su Tzu-yun tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan cho biết: “Tên lửa tầm xa là phần quan trọng nhất của chiến tranh phi đối xứng. Sản xuất chúng rẻ hơn so với máy bay chiến đấu hoặc tàu chiến, nhưng có khả năng tăng cường răn đe chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả”.
Trung Quốc không cho tàu chiến Đức cập cảng
Reuters
Tàu khu trục nhỏ Bayern của Đức ngoài khơi bờ biển Lebanon hồi tháng 2/2008.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết hôm thứ Tư 16/9 rằng Trung Quốc không cho một tàu chiến của Đức được cập cảng. Con tàu của Đức đang làm nhiệm vụ ở Biển Đông có nhiều tranh chấp.
Người phát ngôn cho biết đó là tàu khu trục nhỏ mang tên Bayern, nhưng vị này không nêu tên bến cảng của Trung Quốc liên quan đến vụ việc. Con tàu đã khởi hành từ Đức hồi tháng trước để thực hiện nhiệm vụ kéo dài 6 tháng đi tới Biển Đông.
“Trung Quốc đã quyết định rằng họ không muốn có một chuyến ghé thăm cảng và chúng tôi đã lưu ý về điều đó”, người phát ngôn của phía Đức cho biết.
Khi được hỏi về vụ việc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) nói rằng Trung Quốc hy vọng các nước bên ngoài khu vực sẽ đóng “vai trò xây dựng” và tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định.
“Trung Quốc coi trọng sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Đức, bao gồm cả hợp tác giữa quân đội hai nước”, ông Zhao nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16/9.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa trả lời những đề nghị đưa ra bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và đã lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo trong vùng biển có nhiều mỏ khí đốt và nguồn lợi hải sản phong phú.
Một số nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hoa Kỳ và một số quốc gia khác cũng nói họ không chấp nhận mức độ yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Berlin đã nói rõ rằng nhiệm vụ của tàu Bayern là nhấn mạnh việc Đức không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc, mặc dù các quan chức lâu nay vẫn cho biết rằng hải quân Đức sẽ tuân theo vào các tuyến đường thương mại phổ thông.
SpaceX sẽ làm nên lịch sử với phi hành đoàn dân sự đầu tiên lên quỹ đạo
Reuters
Tỷ phú Jared Issacman, 38 tuổi, sẽ dẫn đầu ‘phi hành đoàn’ dân sự bay vào không gian trên tàu vũ trụ con thoi của SpaceX.
Bốn nhà du hành vũ trụ được phóng vào không gian bằng tên lửa SpaceX chiều 15/9 sẽ là phi hành đoàn toàn dân sự đầu tiên bay lên quỹ đạo trái đất.
Bộ tứ du hành vũ trụ nghiệp dư, dẫn đầu bởi người sáng lập và giám đốc điều hành người Mỹ của công ty thương mại điện tử Shift4 Payments Inc, Jared Isaacman, dự kiến được phóng đi lúc 8 giờ tối giờ miền Đông Hoa Kỳ (00:00 GMT) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, bang Florida.
Chuyến bay không có phi hành gia chuyên nghiệp đi cùng với khách hàng trên phi thuyền của SpaceX, dự kiến sẽ dài khoảng ba ngày từ lúc cất cánh đến khi hạ cánh xuống Đại Tây Dương.
‘Phi hành đoàn’ dân sự trong tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon màu trắng lấp lánh, được gọi là Resilience, sẽ được phóng bằng tên lửa tái sử dụng Falcon 9 của công ty SpaceX và được trang bị một mái vòm quan sát đặc biệt.
Tỉ phú Isaacman, 38 tuổi, người tài trợ cho chuyến du hành không gian, đã chuyển một khoản tiền không được tiết lộ nhưng có lẽ là rất lớn cho tỷ phú đồng thời là chủ sở hữu SpaceX, Elon Musk, để đưa chính ông và ba người bạn bay vào không gian. Tạp chí Time ước tính giá vé cho cả 4 chỗ sẽ không dưới 200 triệu USD.
Cái được gọi là sứ mệnh Inspiration4 được tỷ phú Isaacman lập nên chủ yếu để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho một trong những mục đích chính của ông, Bệnh viện nhi đồng St. Jude Children’s Research Hospital, một trung tâm ung thư nhi khoa hàng đầu ở Memphis, Tennessee.
Đây sẽ là chuyến bay đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh du lịch không gian mới của tỷ phú Musk, và cũng là một bước nhảy vọt trước các đối thủ cạnh tranh trong việc cung cấp các chuyến đi bằng phi thuyền cho những khách hàng cao cấp sẵn sàng trả một phần gia sản để có được niềm vui cũng như ‘niềm kiêu hãnh’ về chuyến bay vào vũ trụ.
Inspiration4 nhắm tới quỹ đạo ở độ cao 575km so với Trái đất, cao hơn cả Trạm vũ trụ quốc tế hoặc Kính viễn vọng không gian Hubble. Ở độ cao đó, phi thuyền Crew Dragon sẽ bay quanh địa cầu mỗi 90 phút một vòng, với tốc độ khoảng 27.360 km/h, tức khoảng 22 lần tốc độ âm thanh.