Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 6
Total Users : 13506
Total views : 136667
Server Time : 2024-11-23

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 16 tháng 10 năm 2021 – Võ Thái Hà

Mỹ sắp tái tục chính sách tị nạn thời ông Trump 

Reuters

Kiểm tra di dân tại biên giới Mỹ-Mexico

Kiểm tra di dân tại biên giới Mỹ-Mexico

Chính quyền Tổng thống Joe Biden trước giữa tháng 11 năm nay sẽ tái tục chương trình có từ thời cựu Tổng thống Donald Trump buộc những người xin tị nạn phải lui qua phía biên giới Mexico trong lúc chờ toà di trú Mỹ giải quyết đơn xin tị nạn, các giới chức Mỹ cho biết ngày 14/10.

Đây là kết quả sau khi một thẩm phán liên bang cho rằng việc chính quyền Biden muốn chấm dứt chương trình vừa kể là không thoả đáng.

Trong khi xúc tiến tuân thủ phán quyết hồi tháng 8 của Thẩm phán Liên bang Matthew Kacsmaryk, chính quyền Biden dự định nỗ lực một lần nữa để hủy bỏ Thủ tục Bảo vệ Di dân (MPP) thường được gọi là chính sách “Ở yên bên Mexico”, các giới chức cho hay.

Khả năng tái lập MPP-dù trên căn bản ngắn hạn-sẽ càng làm rối ren thêm các chính sách lẫn lộn hiện nay của Mỹ tại biên giới Mexico, nơi các vụ vượt biên vào lãnh thổ Mỹ đã lên mức cao nhất trong 20 năm qua.

Chính quyền Biden nói chỉ có thể xúc tiến phán quyết của Thẩm phán Kacsmaryk nếu Mexico đồng ý. Các giới chức hai nước cho hay đang thảo luận về vấn đề này.

Ông Trump, thuộc đảng Cộng hòa nổi tiếng về những chính sách di trú cứng rắn, lập chính sách MPP vào năm 2019. Ông lập luận rằng nhiều người xin tị nạn gian dối và nếu được vào Mỹ trong lúc chờ toà duyệt xét họ có thể rốt cuộc ở lại bất hợp pháp.

Ông Biden, thuộc đảng Dân chủ, chấm dứt chính sách này ngay sau khi nhậm chức vào tháng Giêng trong khuôn khổ lời hứa sẽ nhân đạo hơn về vấn đề biên giới.

Sau khi hai bang Texas và Missouri kiện ông Biden về quyết định chấm dứt chương trình MPP, Thẩm phán Kacsmaryk ra phán quyết vào tháng 8 rằng chương trình này phải được tái lập. Tối cao Pháp viện Mỹ sau đó giữ nguyên phán quyết của Thẩm phán Kacsmaryk, bác nỗ lực của chính quyền Biden muốn chặn phán quyết đó.

Chính quyền Biden cho biết sẽ tuân thủ “đúng đắn” phán quyết của Thẩm phán Kacsmaryk trong khi tiếp tục khiếu nại.

ASEAN sẽ loại Myanmar khỏi hội nghị thượng đỉnh 

Reuters

Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar.

Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ngày 15/10 nhất trí loại lãnh đạo của chính quyền quân sự Myanmar ra khỏi thượng đỉnh ASEAN trong tháng này, các nguồn tin cho hay. Đây là lập trường cứng rắn hiếm thấy của ASEAN vốn theo chính sách giao tiếp và không can thiệp.

Các Ngoại trưởng của ASEAN đã đưa ra quyết định này tại một phiên họp đặc biệt nhằm giải quyết việc quân đội Myanmar không tuân thủ tiến trình hòa bình mà họ đã đồng ý với ASEAN cách đây 5 tháng hầu ngăn chặn khủng hoảng đẫm máu do cuộc đảo chánh ngày 1/2 gây ra.

Theo Liên hiệp quốc, hơn 1.000 thường dân bị lực lượng an ninh Myanmar giết chết và hàng ngàn người khác bị bắt trong các cuộc đình công và biểu tình phản đối vụ đảo chánh vốn chấm dứt một thập niên dân chủ, khiến quốc tế lên án và chế tài.

Năm nguồn thạo tin cho hay người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Min Aung Hlaing, sẽ không được mời dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 26 đến 28 tháng 10. Thay vào đó, một nhân vật phi chính trị sẽ được mời tham dự.

Hai nguồn tin cho Reuters biết các Ngoại trưởng ASEAN nhất trí rằng nếu Myanmar không chấp nhận sự dàn xếp này thì ghế của Myanmar tại thượng đỉnh sẽ bỏ trống.

ASEAN chưa loan báo chính thức về những gì đã được giải quyết tại cuộc họp.

Phát ngôn viên quân đội Myanmar không trả lời yêu cầu bình luận.

Việc loại Myanmar ra khỏi thượng đỉnh là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của ASEAN, một tổ chức lâu nay bị chỉ trích là không có sức mạnh và không kiềm chế được các nước thành viên có lãnh đạo bị tố là tàn bạo, đàn áp dân chủ và đàn áp đối thủ chính trị.

Áp lực quốc tế đã khiến ASEAN có lập trường cứng rắn hơn trước việc Myanmar không có hành động như đã thoả thuận hầu chấm dứt bạo động, cho phép tiếp cận nhân đạo và bắt đầu đối thoại với phe đối kháng.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 15/10 cổ suý một lập trường mạnh mẽ hơn và được tán thành tại cuộc họp, theo Reuters.

Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Anh, Liên hiệp châu Âu cùng nhiều nước khác công bố một thông cáo chung vào ngày 15/10 bày tỏ quan ngại về “tình hình tồi tệ” tại Myanmar trong khi ủng hộ nỗ lực trung gian hòa giải của ASEAN.

“Chúng tôi tái xác nhận sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực tiếp diễn của ASEAN để vạch ra con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.”

Myanmar từng tuyên bố dốc lòng làm việc với ASEAN và vãn hồi trật tự trong nước để tạo điều kiện phục hồi dân chủ.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc : Singapore ủng hộ Bắc Kinh gia nhập CPTPP

Hàng hóa xuất nhập khẩu trên cảng Yên Đài (Yantai), tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc ngày 12/10/2021. AP

Singapore “hoan nghênh và ủng hộ” việc Trung Quốc nộp đơn gia nhập hiệp định thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương, được gọi là Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm 15/10/2021 cho biết như trên.

Trang tin NIKKEI ASIA dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, theo đó trong một cuộc điện đàm vào hôm qua 15/10, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Singapore “hoan nghênh và ủng hộ” việc Bắc Kinh xin gia nhập Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, bởi việc này “sẽ có lợi cho sự thịnh vượng và phát triển của khu vực”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Singapore không đề cập đến bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương CPTPP.

Kể từ khi cả Trung Quốc và Đài Loan đều nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9, ông Tập đã nỗ lực để giành được sự ủng hộ của các thành viên Đông Nam Á và Nam Mỹ. Vẫn theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ngoại trưởng Chilê Andres Allamand trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tuần cho biết Chilê “ủng hộ mạnh mẽ” việc Trung Quốc tham gia CPTPP.

Việc kết nạp một thành viên mới cần có sự nhất trí của 11 thành viên, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các quốc gia như Úc và Canada, vốn có mâu thuẫn với Trung Quốc về các vấn đề an ninh và thương mại, hiện được cho là có thái độ dè dặt về việc Bắc Kinh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Sau khi Bắc Kinh đệ đơn gia nhập CPTPP, Canberra đã tuyên bố Trung Quốc phải ngừng phong tỏa mối liên hệ với các quan chức chính trị cấp cao của Úc nếu muốn được gia nhập Hiệp định.

CPTPP chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2018. Với tổng cộng 500 triệu dân, CPTPP là hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất Châu Á – Thái Bình Dương, chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu.

Bắc Hàn ‘vỗ mặt’ Mỹ: Kim Jong Un thề xây dựng quân đội ‘bất khả chiến bại’

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/12-north-korea-g822b038b2_1920-1280x800.jpg

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un – Ảnh: Victoria_Borodinova/Pixabay

Hôm Thứ Hai, 11 Tháng Mười, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tuyên bố sẽ xây dựng một quân đội “bất khả chiến bại” để bảo vệ chế độ, chống lại các “hành động thù địch” của Mỹ trong khu vực. AP trích lời Kim:

“Mỹ thường xuyên ra hiệu rằng họ không thù địch với nhà nước của chúng tôi, nhưng họ không thể hiện bất cứ hành động cụ thể nào để chúng tôi tin điều đó. Mỹ vẫn đang tạo căng thẳng trong khu vực bằng những phán đoán và hành động sai lầm của mình.”

Ông Kim tiếp tục nói rằng mục tiêu quan trọng nhất của đất nước ông trong tương lai là sở hữu một “khả năng quân sự bất khả chiến bại” mà không ai có thể thách thức được. Ông Kim đưa ra nhận xét khi xem xét kho vũ khí hỏa tiễn của Bắc Hàn, bao gồm cả hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân có khả năng đối đầu với quân đội Mỹ.

Lee Choon Geun, chuyên gia hỏa tiễn tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Nam Hàn, cho biết cuộc triển lãm vũ khí của Bắc Hàn vừa qua, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo có thể phóng từ tàu ngầm hoặc tàu hỏa, hỏa tiễn tầm ngắn với động cơ đẩy nhiên liệu rắn và hỏa tiễn siêu thanh vẫn đang trong quá trình phát triển đã ra mắt thử nghiệm đầu tiên vào Tháng Chín.

Yang Wook, một chuyên gia quân sự giảng dạy tại Đại học Hannam của Nam Hàn, cũng nói với Associated Press rằng triển lãm bao gồm một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới mà Bắc Hàn đã trưng bày trong cuộc duyệt binh năm ngoái nhưng vẫn chưa được bắn thử. Hỏa tiễn được nhìn thấy trong cuộc duyệt binh năm ngoái được đặt trên xe phóng di động 11 trục, được coi là ICBM lớn nhất mà Bắc Hàn phát triển.

Trong khi cảnh báo về sự thù địch và bất ổn từ Mỹ, ông Kim cho biết các hệ thống quân sự của ông không dành cho một cuộc chiến với Nam Hàn. Kim nói: “Tôi nói lại một lần nữa rằng Nam Hàn không phải là nước mà lực lượng quân đội của chúng ta phải chiến đấu chống lại. Chắc chắn, chúng tôi không tăng cường khả năng phòng thủ vì Nam Hàn. Chúng ta không nên lặp lại một lịch sử khủng khiếp về việc đồng bào sử dụng vũ lực chống lại nhau”.

Ông Kim cũng cáo buộc Nam Hàn đạo đức giả khi chỉ trích Bắc Hàn phát triển vũ khí trong khi mở rộng quân đội của mình.

Yang nói với hãng tin AP, “Về căn bản, Bắc Hàn muốn gửi thông điệp rằng ‘Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển vũ khí mới và trang bị vũ lực hạt nhân cho chính mình, vì vậy đừng áp dụng các biện pháp trừng phạt vì chúng tôi không thể đồng ý cả hai mặt của một tiêu chuẩn’.”

(Theo American Military News)

17 nhân viên của một học khu tại Florida chết vì COVID từ Tháng Tám

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/04-man-g07212bfd7_1920-1280x731.jpg

Minh họa: Gerd Altmann/Pixabay

Một phát ngôn viên của học khu Polk County Public Schools đã xác nhận với CBS News rằng 17 nhân viên của Trường Công lập Quận Polk của Florida đã chết vì COVID-19 kể từ khi năm học bắt đầu từ ngày 10 Tháng Tám.

Jason Geary, Giám đốc truyền thông của Polk County Public Schools cho biết, năm nhân viên đã bị nhiễm Covid trước khi năm học mới bắt đầu, và họ không có dịp trở lại trường thêm một lần nào nữa. 12 nhân viên còn lại, đã “làm việc tích cực tại trường” trước khi họ “đầu hàng coronavirus.”

Ông nói: “Đại dịch tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng của chúng ta và nhiều công chức – bao gồm các nhà giáo dục, nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ và nhân viên thực thi pháp luật – đang phải trải qua những mất mát bi thảm. Mỗi cái chết là một đòn tàn khốc đối với cộng đồng và cho thấy nhu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết để giảm sự lây lan của bệnh tật”.

Mặc dù học khu có danh sách các trường hợp tử vong liên quan đến COVID, nhưng thông tin này được bảo mật và Geary nói rằng có thể “khó và có lẽ là không thể” để xác định cách thức và vị trí lây truyền xảy ra ở các khu vực có mức độ lây lan cao trong cộng đồng.

Quận Polk là học khu lớn thứ bảy trong tiểu bang, có khoảng 14,000 nhân viên và 100,000 học sinh. Đây cũng là nơi có số trường hợp nhiễm Covid cao thứ bảy trong số các quận ở Florida, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Kể từ ngày 23 Tháng Tám, đã có hơn 3,860 trường hợp nhiễm COVID-19 trong khu học chánh, bao gồm 433 nhân viên. Cho đến nay, hàng trăm học sinh phải nghỉ học mỗi ngày vì những lý do liên quan đến COVID.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), quận Polk có tỷ lệ lây truyền trong cộng đồng cao, và CDC đã kêu gọi mọi người trong quận đeo khẩu trang ở những nơi công cộng với khu vực trong nhà. Tuy nhiên, chính quyền tiểu bang lại không bắt buộc đeo khẩu trang trong các trường công.

Thành viên hội đồng trường Polk County, Lynn Wilson, nói với CBS News rằng đây là một tình huống “bi thảm”. Wilson nói: “Với tư cách là thành viên hội đồng quản trị, tay của chúng tôi bị trói khi nhiệm vụ đeo khẩu trang không có hiệu lực thi hành”.

Vào Tháng Chín, Thống đốc Florida Ron DeSantis đã ký một quy tắc khẩn cấp rằng các trường học có thể yêu cầu đeo khẩu trang, nhưng phụ huynh và người giám hộ có thể từ chối yêu cầu theo “quyết định riêng của họ”. Cũng theo quy định đó, những học sinh đã tiếp xúc với COVID-19 nhưng không có triệu chứng được phép tiếp tục đến trường, một quyết định đi ngược lại hướng dẫn của CDC.

(Theo CBS News)

Bộ trưởng Tài nguyên Úc: hệ tư tưởng, chứ không phải thị trường, đang thúc đẩy các quyết định về than

https://img.etviet.com/2021/10/2021-10-14T064902Z_1_LYNXMPEH9D097_RTROPTP_4_AUSTRALIA-COAL-MINING-700x420.jpg

Than được chất lên những đống lớn tại mỏ than Ulan gần thị trấn nông thôn Mudgee miền trung New South Wales ở Úc, hôm 08/03/2018. (Ảnh: David Gray/Reuters) Đông Dương

Bộ trưởng Tài nguyên Úc Keith Pitt nói với Reuters hôm thứ Năm (14/10) rằng, các nhà quản lý, ngân hàng, và nhà đầu tư toàn cầu đang đưa ra các quyết định đầu tư theo hệ tư tưởng thay vì dựa trên thị trường xung quanh ngành than, lĩnh vực mà sẽ vẫn có nhu cầu vững chắc trong những thập kỷ tới.

Đảng Quốc gia của ông Pitt, một thành viên cấp thấp hơn của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scott Morrison, đại diện cho nhiều người Úc ở các khu sản xuất than, đã từ chối ủng hộ mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050 cho nước Úc, nước xuất cảng than lớn nhất thế giới.

Lập trường của Quốc gia đã ngăn ông Morrison cam kết tham dự hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow vào tháng tới, nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ gặp nhau để đặt ra các mục tiêu khí hậu tiếp nữa để tiếp nối hiệp định Paris 2015 mang tính bước ngoặt.

Ông Pitt nói rằng giá nhiên liệu cao kỷ lục cho thấy hàng hóa xuất cảng sinh lợi thứ hai của Úc cần được hỗ trợ và các nhà tài chính và công ty bảo hiểm đang thoái vốn khỏi ngành này không đưa ra quyết định dựa trên kinh tế học.

Ông Pitt nói: “Thị trường [tài chính] không đưa ra quyết định khả thi, họ đang đưa ra một quyết định mang tính ý thức hệ. Nếu đó là một quyết định chỉ dựa trên những gì họ nghĩ về các dự báo ra sao, vậy thì, nhu cầu tăng, dự báo tăng.”

Ông Pitt đã đề nghị chính phủ thành lập cơ sở cho vay 250 tỷ AD (180 tỷ USD) cho ngành công nghiệp này để thay thế việc thiếu nguồn tài chính tư nhân, đổi lại đảng của ông ủng hộ mục tiêu không phát thải ròng năm 2050.

Đảng Quốc gia sẽ nhóm họp vào cuối tuần này để quyết định có ủng hộ mục tiêu năm 2050 hay không, mặc dù ông Pitt không cho biết đảng này dự định làm gì.

Ông nói, “Tôi muốn nói rõ với các ngân hàng của Úc và các ngân hàng trên thế giới, họ không đặt ra chính sách nội địa ở quốc gia này.”

“Chúng tôi cần hỗ trợ các ngành công nghiệp đó và hỗ trợ sự giàu có và tăng trưởng kinh tế của người Úc và cung cấp việc làm cho người dân Úc.”

Ông Pitt cho biết, Úc dự kiến nhu cầu than tăng lên đến khoảng năm 2030 và sau đó giảm khoảng 40% so với mức đỉnh đó vào năm 2050, dựa trên lộ trình của các nhà máy nhiệt điện than mới và nhu cầu sẵn sàng về than để sản xuất thép năng lượng cao của Úc.

Ông Pitt cho biết, trích dẫn số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, có khoảng 140 gigawatt (GW) của các nhà máy than đang được xây dựng và hơn 400 GW đang ở các giai đoạn lập kế hoạch khác nhau.

Ông Pitt hạ thấp vai trò các nguồn năng lượng thay thế có thể chuyển thế giới khỏi các nhiên liệu để sản xuất điện như than đá.

Ông nói, thị trường [sản xuất điện] hydro sẽ mất nhiều thập kỷ để phát triển, trong khi những ví dụ về việc các chính phủ thực hiện sai chuyển đổi năng lượng có thể đã được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở Anh và Âu Châu, nơi chi phí điện ở mức “cao ngất ngưởng”, cho thấy rằng nguồn năng lượng tái tạo thiếu tính liên tục là không hiệu quả.

Trái ngược với lập trường của ông Pitt, một chủ ngân hàng trung ương hàng đầu cho biết hôm thứ Năm (14/10) rằng Úc có thể phải đối mặt với chi phí vốn tăng cao và việc thoái vốn của các quỹ ngoại quốc nếu Úc không được thấy là đang làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) Guy Debelle đã lưu ý những ví dụ riêng biệt về việc thoái vốn rời khỏi Úc vì rủi ro khí hậu, và nói rằng khả năng thoái vốn đáng kể hơn đang tăng lên.

Nhưng ông Pitt nói rằng RBA nên “tập trung vào chuyên môn của mình.”

“Họ nên lo lắng về những gì đang xảy ra trong điều kiện lạm phát tiềm ẩn và đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta vẫn vững mạnh và có khả năng thanh toán các hóa đơn của Úc.”

Chánh Tín biên dịch

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Không thay đổi gì trong tương lai gần

Antonio Graceffo

https://img.etviet.com/2021/10/U.S.-Trade-Rep.-Tai-700x420.jpg

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai phát biểu trong cuộc điều trần với ủy ban Cách thức và Phương tiện Nhà cửa tại Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 13/05/2021. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images) Trung Quốc

Trung Quốc yêu cầu các điều khoản thương mại dễ dàng hơn, nhưng không đưa ra điều gì để đổi lại.

Câu chuyện tranh chấp thương mại Mỹ – Trung vẫn duy trì trong suốt hai thập kỷ qua và hứa hẹn sẽ còn kéo dài trong tương lai.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết: “Trong thời gian quá lâu, việc Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu đã làm suy giảm sự thịnh vượng của người Mỹ.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cao cấp vào cuối tuần qua, kết quả là Trung Quốc đang yêu cầu Hoa Kỳ nới lỏng các hạn chế thương mại và đầu tư, trong khi không đưa ra điều gì để trao đổi.

Trước khi nói chuyện với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, bà Tai giải thích rằng Hoa Kỳ muốn Trung Quốc chấm dứt hỗ trợ của nhà nước đối với các công ty Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải chơi theo luật như mọi người khác. Bà Tai nói rằng bà sẽ nói chuyện cởi mở với các quan chức Trung Quốc, cảnh báo họ rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện “tất cả các bước cần thiết” để bảo vệ người Mỹ khỏi chủ nghĩa trọng thương của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ hiện có các hạn chế đầu tư và thương mại đối với 900 thực thể, mà Trung Quốc muốn dỡ bỏ. Ngoài ra, Hoa Kỳ đang cân nhắc cuộc điều tra Mục 301 về các khoản trợ cấp không công bằng của chính phủ, có thể dẫn đến nhiều mức thuế hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Đại sứ Qin Gang nói rằng các hạn chế, dựa trên an ninh quốc gia, là không công bằng. Sau đó, ông ta đe dọa rằng nếu Hoa Kỳ không làm theo yêu cầu của Trung Quốc, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng.

Theo bà Tai, lịch sử hành vi bóp méo thị trường của Trung Quốc bắt nguồn từ khi họ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Quyền tiếp cận tương đối tự do vào Hoa Kỳ và các thị trường ngoại quốc khác mà không bị hạn chế, kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước và thiếu trách nhiệm giải trình đã cho phép Trung Quốc thống trị thị trường toàn cầu về thép và tấm pin mặt trời. Hơn nữa, Trung Quốc đang nỗ lực thống trị các thị trường về công nghệ tiên tiến, các chất bán dẫn, và các nguyên liệu thô.

Đối với thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một được ký với cựu Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc mới chỉ mua khoảng 50% khối lượng hàng hóa nhập cảng của Mỹ mà họ đã đồng ý mua. Ông Qin bác bỏ cáo buộc rằng lượng nhập cảng hàng hoá của Trung Quốc không tuân theo thỏa thuận, nói rằng Trung Quốc đã thực hiện “các bước trên thực tế” để tuân thủ.

Ngoài các hành vi thương mại không công bằng, Trung Cộng còn lách các chuẩn mực quốc tế, để tận dụng các thị trường đầu tư của Hoa Kỳ. Do đó, Hoa Kỳ đã cấm các đợt IPO mới của các công ty Trung Quốc và yêu cầu các công ty đã niêm yết tại Hoa Kỳ phải tuân thủ các yêu cầu kiểm toán và công bố thông tin, nếu không sẽ phải đối mặt với việc hủy niêm yết.

Các hạn chế đối với các đợt IPO của Trung Quốc xuất phát từ việc nhiều công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, thông qua các công ty vỏ bọc, đặc biệt là ở Quần đảo Cayman. Theo các quy định mới, các công ty Trung Quốc sẽ được yêu cầu phải công bố sự thật rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang đổ tiền của họ vào một cái bóng, là một công ty vỏ bọc ở ngoại quốc, thay vì công ty có có tên trên thực tế ở Trung Quốc. Trong nhiều năm, các công ty công nghệ Trung Quốc đã sử dụng các công ty vỏ bọc có lợi ích biến đổi (VIE) để tuân theo các quy định của Bắc Kinh, cấm người ngoại quốc sở hữu [trực tiếp] cổ phần của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ [thực ra là] không sở hữu các công ty thực sự mà họ [vẫn] tin rằng họ đang sở hữu và nếu cổ phiếu không trả được cổ tức hoặc biến mất hoàn toàn, sẽ không có quyền truy đòi hợp pháp ở Trung Quốc, vì VIE là bất hợp pháp theo luật pháp Trung Quốc. Để bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) Gary Gensler đang yêu cầu tiết lộ thông tin liên quan đến “các tổ chức phát hành ra ngoại quốc liên kết với các công ty đang hoạt động có trụ sở tại Trung Quốc” trước khi cho phép các công ty này đăng ký.

Trung Cộng nói rằng họ có thể thông qua một đạo luật, cấm các công ty viễn thông Trung Quốc niêm yết ở ngoại quốc, bao gồm cả việc niêm yết thông qua một công ty ngoại quốc. Điều này có thể khiến hàng nghìn tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc không được niêm yết tại Hoa Kỳ, xóa sổ nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Trung Cộng phản đối bất kỳ hạn chế nào của Hoa Kỳ đối với các công ty Trung Quốc, nhưng thiếu công bố thông tin là một vấn đề mà Trung Cộng có thể dễ dàng khắc phục. Theo luật của Trung Cộng, các công ty Trung Quốc không được phép chịu sự kiểm toán của Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đề xuất một đạo luật có tên “Đạo luật Không cho IPO đối với các Tác nhân vô trách nhiệm,” đạo luật này sẽ cấm các công ty Trung Quốc không đáp ứng các yêu cầu công bố thông tin được niêm yết tại Hoa Kỳ. ông Chris Iacovella, giám đốc điều hành tại Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ, ủng hộ đạo luật này, kêu gọi chấm dứt việc Trung Cộng tiếp cận thị trường vốn Hoa Kỳ.

Một đạo luật tương tự khác, được gọi là “Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty ngoại quốc,” sẽ trao quyền cho các cơ quan quản lý được hủy niêm yết nhanh hơn đối với các công ty Trung Quốc không tuân thủ. Luật hiện hành cho phép các công ty Trung Quốc thời hạn để tuân thủ là ba năm trước khi bị hủy niêm yết. Luật mới sẽ cắt giảm thời hạn này xuống còn hai năm. Trong số các yêu cầu công bố thông tin khác, các nhà quản lý đang kêu gọi các công ty Trung Quốc công bố mức độ mà Trung Cộng kiểm soát việc ra quyết định của họ.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo xác nhận rằng Trung Cộng đang không tuân thủ các cam kết của mình theo thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một và đang ngăn cản các hãng hàng không do nhà nước kiểm soát/mua hàng chục tỷ USD từ nhà sản xuất Hoa Kỳ, Boeing Co. Ngoài ra, một trong những khiếu nại lớn nhất của Hoa Kỳ là hỗ trợ của nhà nước, trợ cấp, và các khoản vay ưu đãi mà Trung Cộng cấp cho các công ty được ưu đãi. Đây là những ví dụ rõ ràng về “các hoạt động phi thị trường không công bằng” do nhà nước điều phối. Các công ty Hoa Kỳ, vốn bị đặt vào với các lực lượng thị trường và phải huy động vốn tự có và cần kiếm lợi nhuận, không thể cạnh tranh với các công ty Trung Quốc do nhà nước sở hữu, kiểm soát và được nhà nước bảo trợ vốn có thể hạ giá cạnh tranh.

Ngoài thương mại, ông Qin bày tỏ sự tức giận của Trung Cộng đối với việc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ thiết lập “Trung tâm Nhiệm vụ Trung Quốc”—một động thái mà ông Qin gọi là “tính toán sai lầm nghiêm trọng nhất ”. Ông cũng cáo buộc Hoa Kỳ đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.

Sau cuộc gặp giữa bà Tai và ông Lưu, nhiều báo cáo cho rằng Trung Quốc đã đàm phán về việc dỡ bỏ thuế quan, mặc dù không rõ Bắc Kinh đưa ra lời đề nghị gì, nếu có. Bà Tai nói rằng có vẻ như Trung Quốc không có kế hoạch thực hiện những thay đổi có ý nghĩa, điều này có nghĩa là thuế quan và các hạn chế sẽ vẫn được duy trì.

Lập pháp và các cuộc điều tra có thể đang được tiến hành, điều này có thể hạn chế hơn nữa việc Trung Quốc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cho cả thương mại và đầu tư. Bắc Kinh tỏ ra phẫn nộ, nhưng không có động thái nào để giải quyết những bất bình. Bà Tai nói rằng, bà chống lại sự “tách rời” khỏi Trung Quốc, và thay vào đó, bà thích một sự “tái hợp” theo các quy tắc mới, công bằng hơn. Có vẻ như, nếu điều đó có thể thực hiện được thì đó sẽ là một chặng đường dài trong tương lai.