Tin tức thế giới ngày Thứ ba 21 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp
Chứng khoán Mỹ, Úc, dầu thô, Bitcoin cũng đồng loạt ‘gặp hạn’ vì … ‘bom nợ’ Evergrande
S&P 500 sụt 1,7%, đây là phiên giảm mạnh nhất suốt hơn 4 tháng qua, giá dầu “bốc hơi” trên 2%, giá Bitcoin trượt 10%… (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/9), khi nhà đầu tư lo ngại về xu hướng suy yếu của thị trường trong tháng 9 và nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn địa ốc Trung Quốc Evergrande. Chốt phiên, toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng chìm trong sắc đỏ.
S&P 500 sụt 1,7%, đây là phiên giảm mạnh nhất suốt hơn 4 tháng qua, giá dầu “bốc hơi” trên 2%, giá Bitcoin trượt 10%…
Chỉ số Dow Jones trượt 1,8%, còn 33.970,47 điểm, đánh dấu cú giảm mạnh nhất kể từ hôm 19/7. Chỉ số Nasdaq lao dốc 2,2%, còn 14.713,9% điểm.
Chỉ số ASX của Úc giảm 2.1% hôm nay (thứ Ba 21/9).
Các công ty công nghệ dẫn đầu thị trường cũng không ngoại lệ: Apple giảm 1%, nhà sản xuất chip Nvidia giảm 2,7%.
Các ngân hàng lỗ lớn do lợi suất trái phiếu giảm. Điều đó làm ảnh hưởng đến khả năng tính lãi suất sinh lợi cao hơn của họ đối với các khoản vay. Lợi tức của Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,32% từ 1,37% vào cuối ngày thứ Sáu (17/9). Bank of America giảm 3,1%.
Giới phân tích đã đưa ra một số lý do cho phiên giảm chóng mặt này của giá cổ phiếu ở Phố Wall.
Thứ nhất, nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng lan rộng trên thị trường tài chính từ thị trường bất động sản Trung Quốc. Việc hãng địa ốc China Evergrande Group bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ đã gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc đại lục trước đó trong phiên đầu tuần. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong sụt 4% – mức giảm lớn nhất kể từ tháng 7 – khi cổ phiếu Evergrande giảm 14%,
“Trong khi tình hình Evergrande là trung tâm của cơn hoảng loạn này, thì một thực tế là, định giá thị trường chứng khoán đã được nâng cao quá mức và thị trường đã trải qua thời gian nghỉ ngơi quá lâu trước sự biến động. Vì vậy, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hôm thứ Hai không có gì đáng ngạc nhiên”, ông David Bahnsen, Giám đốc đầu tư của tài sản – Công ty quản lý Tập đoàn Bahnsen cho biết.
Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày. Nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng trung ương này sẽ phát tín hiệu sẵn sàng cắt giảm chương trình mua tài sản, vì lạm phát ở Mỹ đang tăng cao và thị trường việc làm đã có nhiều cải thiện.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi để xem Cục Dự trữ Liên bang phản ứng như thế nào trước những va chạm trong quá trình phục hồi kinh tế trên diện rộng. Ngân hàng trung ương đã báo hiệu rằng cuối cùng họ sẽ giảm mua trái phiếu, điều này có thể giúp cho mức lãi suất duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, thời gian cụ thể cho động thái đó vẫn chưa được công bố.
Theo kế hoạch, Fed sẽ đưa ra bản cập nhật chính sách kinh tế và lãi suất mới nhất vào thứ Tư (22/9).
Thứ ba, do biến chủng Delta, số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ vẫn đang ở mức ngang ngửa với thời điểm tháng 1, trong khi khu vực Bắc Mỹ đang chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh giá.
Thứ tư, tháng 9 luôn là tháng tệ nhất của chứng khoán Mỹ hàng năm, với mức giảm bình quân lịch sử là 0,4%, theo dữ liệu từ Stock Trader’s Almanac. Lịch sử cũng cho thấy thị trường có xu hướng bán mạnh hơn trong nửa cuối tháng.
Và thứ năm, nhà đầu tư cũng lo ngại về thế bế tắc chính trị ở Washington DC khi thời hạn nâng trần nợ quốc gia đang đến gần. Nếu trần nợ không được nâng đúng hạn, Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa vì hết ngân sách để hoạt động.
Các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện cho biết rằng họ có kế hoạch đình chỉ giới hạn đối với cơ quan vay nợ của chính phủ. Đồng thời, Nhà Trắng đã gây áp lực lên các đảng viên Cộng hòa, cảnh báo các chính quyền địa phương và tiểu bang này rằng họ sẽ phải cắt giảm chi tiêu triệt để nếu biện pháp nâng trần nợ không thành công tại Thượng viện.
Những tài sản rủi ro khác cũng mất giá mạnh. Giá tiền ảo lớn nhất thế giới Bitcoin có lúc giảm 10%, còn dưới 43.000 USD.
Hầu hết các hàng hoá cơ bản đều giảm giá. Riêng vàng, một tài sản “vịnh tránh bão’, vẫn chốt phiên với mức tăng 0,7%.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhóm họp
Các tổng thống và thủ tướng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York sẽ tạo ra một bầu không khí vừa nhẹ nhõm vừa lo lắng trong những ngày tới. Một phần đơn giản là vì hơn 100 người sẽ tham dự trực tiếp. Đại dịch covid-19 đã khiến dịp sinh nhật lần thứ 75 vào năm ngoái của LHQ phải tổ chức online. Rất nhiều cuộc họp sẽ vẫn được tổ chức trực tuyến, nhưng sự kiện hàng năm đang dần trở lại bình thường.
Nhiều nhà lãnh đạo cũng sẽ thấy nhẹ nhõm khi Tổng thống Joe Biden phát biểu thay mặt nước Mỹ. Tại cuộc họp trực tiếp gần đây nhất của Đại hội đồng, tổng thống Donald Trump đã khẳng định: “Tương lai không thuộc về những kẻ theo chủ nghĩa toàn cầu. Tương lai thuộc về những người yêu nước.” Còn ông Biden tin tưởng vào trật tự quốc tế do Mỹ giúp tạo ra.
Nhưng trật tự đó đang đối mặt nhiều thách thức khó khăn, bao gồm biến đổi khí hậu, covid-19, cạnh tranh nước lớn (trong đó có cuộc tranh cãi gần đây giữa các đồng minh phương Tây về hiệp ước quốc phòng Úc-Anh-Mỹ) và các thảm họa nhân đạo từ Ethiopia đến Afghanistan. Tâm trạng của mọi người vẫn rất ngổn ngang.
Khủng hoảng giá điện ở châu Âu
Hôm thứ Hai, chính phủ Anh đã tổ chức đàm phán với ngành năng lượng và cơ quan quản lý năng lượng của đất nước. Tuần trước giá điện đã tăng lên 540 bảng Anh (741 USD) mỗi megawatt giờ, từ 147 bảng cách đây vài tuần. Anh không phải là nước duy nhất chịu thiệt hại: giá ở cả châu Âu và Mỹ đều phá kỷ lục. Giá cao khiến các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp gặp khó khăn và có thể làm tăng lạm phát trên toàn châu lục.
Có đủ mọi nguyên nhân khiến giá tăng cao. Gián đoạn sản xuất ở Nga và Na Uy đã gây ra tình trạng thiếu khí tự nhiên, vốn giúp tạo ra khoảng 1/5 lượng điện của châu Âu, và đẩy giá lên cao. Các nhà nhập khẩu ở Trung Quốc và Nhật Bản cũng đẩy mạnh mua các lô khí tự nhiên hóa lỏng, một nguồn thay thế khả thi. Ngoài ra than cũng lên giá, vì nhu cầu tăng ở Trung Quốc và giấy phép carbon của châu Âu. Trong khi đó, nhiều tuần ít gió cũng làm giảm sản lượng điện gió. Do đó, cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng ở Anh, vì nước này phụ thuộc vào khí đốt và năng lượng gió gần gấp đôi so với mức trung bình châu Âu.
Pháp không đến dự họp Liên Hợp Quốc vì AUKUS
Năm nay, Emmanuel Macron sẽ không đến dự bất kỳ cuộc họp cấp cao nào của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Tổng thống Pháp đã quyết định không đi, nhằm phản đối hiệp ước quốc phòng Úc-Anh-Mỹ (có tên AUKUS) được công bố vào tuần trước. Hiệp ước này làm đổ vỡ một hợp đồng sản xuất tàu ngầm trị giá hàng tỷ đô la của Pháp với Úc. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nói hiệp ước giống như “một nhát đâm sau lưng”. Ông ngay lập tức triệu hồi đại sứ Pháp tại Washington, DC và Canberra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Macron sẽ sớm nói chuyện qua điện thoại. Nhưng để hàn gắn cần nhiều hơn là chỉ là lời nói. Một bộ trưởng Pháp đã nói động thái này có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do đang diễn ra giữa EU và Australia. Đối với chính quyền Macron, hiệp ước này không chỉ làm tổn thương lòng tự hào hay mất một hợp đồng. Nó gây mất lòng tin giữa các đồng minh quan trọng và phá hoại quan hệ đối tác chiến lược với Australia như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Pháp. Sẽ còn nhiều hậu quả trong tương lai.
Nghiên cứu mới: Giọt bắn chứa virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu trong không khí
Ảnh: Youtube/DKN.TV.
Ngày 19/9, trang SciTechDaily công bố nghiên cứu mới của Đại học Công nghệ Vienna (Áo) cho biết những giọt bắn nhỏ chứa virus SARS-CoV-2 biến mất chậm hơn sau khi thở ra, trái với các suy đoán trước đây.
Giáo sư Alfredo Soldati và nhóm nghiên cứu của ông tại Viện Cơ học chất lưu và truyền nhiệt thuộc Đại học Công nghệ Vienna đã nghiên cứu những dòng chảy bao gồm các thành phần khác nhau, được gọi là “dòng chảy đa pha”.
Trong đó có không khí của một người bị nhiễm bệnh thở ra khi hắt hơi. Virus lây nhiễm sẽ nằm trong các giọt chất lỏng có kích thước khác nhau, trộn lẫn với không khí.
Hỗn hợp trên dẫn đến một “hành vi dòng chảy tương đối phức tạp”: cả giọt bắn và khí đều chuyển động, cả hai thành phần ảnh hưởng lẫn nhau, các giọt bắn có thể tự bay hơi và trở thành không khí.
Để hiểu rõ ảnh hưởng, các nhà nghiên cứu thực hiện mô phỏng trên máy tính. Trong đó họ có thể tính toán sự phân tán của các giọt bắn và không khí thở ra theo các thông số môi trường khác nhau, chẳng hạn ở nhiệt độ và độ ẩm khác nhau.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm lắp đặt vòi phun có van điều khiển bằng điện từ vào một đầu nhựa để phun hỗn hợp các giọt bắn và khí.
Quá trình này được quay lại bằng camera tốc độ cao, do đó có thể đo chính xác những giọt bắn nào còn sót lại trong không khí và trong bao lâu.
“Chúng tôi phát hiện các giọt bắn nhỏ lưu lại trong không khí lâu hơn suy đoán trước đây” – ông Alfredo Soldati cho biết.
Ông nói: “Có một lý do đơn giản giải thích cho điều này: tốc độ bay hơi của các giọt bắn không được xác định bởi độ ẩm tương đối trung bình của môi trường, mà bởi độ ẩm ngay tại vị trí của giọt bắn”.
Singapore đang phải đối phó với số lượng ca nhiễm kỷ lục
Trong hai ngày cuối tuần vừa rồi, Singapore đã đón nhận con số người nhiễm Covid-19 kỷ lục là 1009 người vào ngày Thứ bảy 18/9 và 1012 người ngày Chủ nhật 19/9.
Con số này tương đương với con số ca nhiễm kỷ lục trung bình một ngày là 1.000 người vào tháng 4/2020.
Bộ y tế Singapore đã dự báo trước con số người nhiễm và số người tử vong sẽ tăng lên khi Singapore quyết định mở cửa và thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với giai đoạn cao điểm tháng 4/2020, đó là hiện 80% dân số của Singapore đã được tiêm chủng. Điều này đã giúp hạn chế rất nhiều số ca nhiễm nặng cũng như số ca tử vong. Trong 28 ngày qua, 98,1% tổng số ca nhiễm ở Singapore là các ca nhiễm nhẹ hoặc trung bình. Trong tổng số 7144 ca nhiễm tính đến ngày 19/9, thì chỉ có 118 người cần phải thở oxy và 21 người ở trạng thái nguy kịch cần phải theo dõi ở phòng cấp cứu.
Điều này không tạo gánh nặng đối với các cơ sở y tế và do đó, Singapore không có ý định thay đổi chính sách mở cửa, sống chung với Covid-19 của mình, ít nhất trong giai đoạn hiện nay.
https://www.cnbc.com/…/singapores-daily-covid-cases…
Apple từng đe doạ gỡ Facebook khỏi App Store vì nạn buôn người
Giữa các sản phẩm của Apple và mạng xã hội Facebook, đâu sẽ là sự lựa chọn của bạn nếu điều này thật sự xảy ra?
Theo một số thông tin vừa được tiết lộ, Apple đã từng đe doạ sẽ gỡ bỏ mạng xã hội Facebook ra khỏi kho ứng dụng App Store. Sự xung đột này diễn ra vào năm 2019, khi “Táo khuyết” cho rằng Facebook đang là nền tảng được những kẻ buôn người sử dụng, vì vậy họ nhất quyết không chứa chấp bất kỳ điều gì liên quan đến việc vi phạm đạo đức trên kho ứng dụng của mình.
Cách đây hai năm, BBC đã từng đưa tin về những kẻ buôn người ở Trung Đông đang sử dụng Facebook làm công cụ để dàn xếp các thương vụ. Sau khi bài báo của BBC được đăng tải, Apple đã lập tức vào cuộc, yêu cầu Facebook điều tra và làm rõ thông tin trên. Nếu Facebook không thực hiện theo đòi hỏi này của Apple, ứng dụng của họ sẽ bị gỡ khỏi App Store vì vi phạm các chính sách cộng đồng.
Hành vi của những kẻ buôn người thường là giả danh các đơn vị tuyển dụng nhân viên cho các công ty. Sau đó, những kẻ này sẽ lấy được thông tin của nạn nhân và tìm cách để dẫn dụ nạn nhân vào các phi vụ buôn người hay mua bán nô lệ cho những tổ chức có nhu cầu. Dĩ nhiên, chúng sẽ dùng Facebook để quảng cáo cho các chiến dịch tuyển dụng này.
Hải quân Việt Nam, Úc luyện tập chung trên vịnh Cam Ranh
Sĩ quan Úc vẫy tay chào các đối tác CSVN khi được chào đón tại Cam Ranh ngày 20 Tháng Chín, 2021. (Hình: Tòa Đại Sứ Úc)
Theo truyền thông trong nước đưa tin, nhân chuyến thăm Việt Nam của nhóm tàu chiến Úc, hải quân Việt Nam và hải quân Hoàng gia Úc sẽ có hoạt động luyện tập chung trên vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ trao đổi về các chủ đề hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; hợp tác về an ninh biển; kết nối giữa sĩ quan hải quân trẻ của Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) và các học viên sĩ quan từ Học viện Hải quân Việt Nam.
Nhóm Tác chiến Nỗ lực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2021 (IPE21) của Úc gồm 3 tàu Hải quân Hoàng gia: Tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra, Tàu hộ vệ tên lửa HMAS Anzac và Tàu tiếp dầu HMAS Sirius cùng 700 sĩ quan, thủy thủ thuộc Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) do Đề đốc Mal Wise, Chỉ huy trưởng Chương trình IPE21 làm trưởng đoàn đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa hôm 20/9.
Việt Nam và Úc sẽ bắt đầu các hoạt động hợp tác song phương giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Úc từ ngày 20 đến 23/9.
Đề đốc Mal Wise cho biết: “Việc Việt Nam có thể tiếp đón Nhóm Tác chiến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là minh chứng cho quan hệ quốc phòng sâu rộng giữa Việt Nam và Úc.”
Các hoạt động hợp tác song phương trong khuôn khổ IPE21 bao gồm: Trao đổi về các chủ đề hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; giới, hòa bình và an ninh; hợp tác về an ninh biển; kết nối giữa sĩ quan hải quân trẻ của ADF và các học viên sĩ quan từ Học viện Hải quân Việt Nam và hoạt động luyện tập chung trên vịnh Cam Ranh giữa hải quân 2 nước, tập trung vào Quy tắc xử lý đối với các cuộc gặp bất ngờ trên biển (CUES).
“Nỗ lực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là hoạt động hợp tác quan trọng hàng đầu của Úc trong khu vực với sự tham gia của Nhóm Tác chiến gồm đại diện đến từ các quân binh chủng ADF, các cơ quan chính phủ Úc, cũng như đại diện hải quân từ các quốc gia đối tác.
Chuyến thăm Việt Nam của nhóm tàu Úc diễn ra trong bối cảnh Mỹ – Anh – Úc vừa thành lập liên minh chiến lược AUKUS nhằm thực thi “sứ mệnh đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong dài hạn.” Các nhà quan sát nói rằng nó là để nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Với hợp tác mới này, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên. Ngoài ra, các bên còn đẩy mạnh hợp tác về không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam với vị trí trọng yếu trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương đã trở thành điểm đến được quan tâm của các cường quốc.
Việt Nam đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi cuối tháng 7, sau đó là chuyến thăm của Phó TT Kamala Harris vào cuối tháng 8. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một phó TT đương nhiệm tới Việt Nam, trong đó bà nhấn mạnh về vấn đề an ninh và tự do hàng hải, về duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Ngày 10/9 vừa qua, Việt Nam đón tiếp cả Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nuobo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Úc và Việt Nam vào tháng 3 năm 2018 đã đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; ủng hộ việc sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.
Mất hợp đồng tàu ngầm với Úc, Pháp có thể quay sang Ấn Độ
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh và bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly, tại một buổi lễ ở một nhà máy tập đoàn chế tạo máy bay Pháp Dassault Aviation tại Mérignac, gần Bordeaux, miền tây nam nước Pháp, ngày 08/10/2019. AP – Bob Edme
Bị đổ bể hợp đồng lớn trang bị tàu ngầm cho Úc, nhưng trong cái rủi vẫn còn có cái may, Pháp vẫn có thể quay sang một cường quốc khác trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, đó là Ấn Độ, nước từ nhiều năm nay vẫn đang có tham vọng hiện đại hóa hạm đội hải quân để đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc.
Giới quan sát nhận thấy, sau khi bị cú « đâm sau lưng » của Mỹ-Úc trong vụ hợp đồng cung cấp tàu ngầm đang gây ồn ào những ngày qua, Pháp có thể sẽ rút ra những bài học cần thiết, cởi mở hơn nhiều trong các dự án cung cấp tàu ngầm cho các nước. Theo nhà phân tích Harsh Pant, thuộc trung tâm nghiên cứu chính trị tại New Delhi, Observer Research Foundation, « thỏa thuận Aukus cho thấy các nước trong vùng Ấn Độ -Thái bình Dương mong muốn kiềm chế sự hiện diện của Trung Quốc sẽ phải triển khai hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao », đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân đối với những nước có vùng biển rộng lớn. Đây cũng là mối quan tâm của Ấn Độ nhiều năm nay. Nước này đang nhìn vào vụ khủng hoảng tàu ngầm giữa Pháp với các đồng minh Mỹ-Úc với sự chú ý đặc biệt.
Theo nhiều nhà phân tích tại New Delhi, Ấn Độ sẽ có thể nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy Pháp chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu ngầm, đặc biệt là lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Từ nhiều năm qua, chính phủ Ấn Độ đang cố gắng hiện đại hóa hạm đội hải quân của mình. Ông Pravin Sawhney, tổng biên tập tạp chí quốc phòng Force, được nhật báo Le Figaro, trích dẫn cho biết « về mặt chính thức, Hải quân (Ấn Độ) nhận có 15 tàu ngầm, nhưng một số là loại cũ. Chỉ có 8 hay 9 chiếc còn hoạt động. Hải quân của chúng tôi phải tính đến khả năng hiện diện của Trung Quốc trong Ấn Độ Dương và khả năng liên kết tác chiến của họ với hạm đội của Pakistan. »
Vì thế mà nâng cấp, hiện đại hóa năng lực hải quân là nhiệm vụ cấp bách của quân đội Ấn Độ. Hồi tháng 6 vừa rồi, bộ Quốc phòng Ấn đã cho phép Hải quân gọi thầu đóng 6 tàu ngầm tấn công quy ước chạy bằng diesel-điện. Các con tàu này sẽ được đóng tại Ấn Độ bởi một công ty trong nước phối hợp với đối tác nước ngoài, với trị giá đầu tư khoảng 5 tỷ euro.
Công trường thứ hai là đóng 6 tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân. Tổng giá trị của dự án này lên tới 12 tỷ euro và dự kiến chiếc đầu tiên được hoàn thành vào năm 2032. Có điều là Ấn Độ không có khả năng công nghệ về động cơ chạy năng lượng hạt nhân mà bắt buộc phải nhập khẩu công nghệ này. Ấn Độ đã tính đến việc nhờ cậy Pháp, một trong số nước hiếm hoi làm chủ được công nghệ động cơ hạt nhân, để được chuyển giao công nghệ.
Chuyên gia Harsh Pant được trích dẫn ở trên nhận định : « Pháp và Ấn Độ đều rất quan tâm đến tự chủ chiến lược. Cả hai nước đều không muốn bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Các điều kiện đã hội đủ để triển khai hợp tác mới ». Cùng chia sẻ với ý kiến này, ông Raja Mohan, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, nhật xét trên nhật báo The Indian Express số ra ngày 20/09 : « Cuộc khủng hoảng tàu ngầm mang lại cho Ấn Độ và Pháp cơ hội làm sâu sắc hơn sự hợp tác trong vùng Ấn Độ Dương ».
Càng ngày càng cảm thấy bị bao vây bởi Pakistan và Trung Quốc, và để chống lại một Trung Quốc đầy tham vọng với lực lượng hải quân đang được hiện đại hóa nhanh chóng, như một tất yếu, Ấn Độ phải tăng cường năng lực hải quân. Trong các dự án trang bị tàu ngầm đang tiến hành, Naval Group của Pháp vẫn luôn là sự lựa chọn ưu tiên của chính phủ Ấn Độ, cũng như New Delhi đã từng lựa chọn chiến đấu cơ Rafale để « thay máu » lực lượng không quân. Với Pháp, quay về với thị trường quốc phòng Ấn Độ dường như khả tín hơn bao giờ hết.
Hôm nay trong cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã khẳng định quyết tâm « cùng nhau hành động trong không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở ». Theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp, ông Macron đã nhắc lại « Pháp cam kết góp phần tăng cường tự chủ chiến lược của Ấn Độ, bao gồm cả công nghiệp cũng như công nghệ, trong khuôn khổ quan hệ chặt chẽ dựa trên sự tin cậy ». Những tuyên bố nhiều cân nhắc và nhiều ẩn ý được đưa ra giữa cuộc khủng hoảng lòng tin trong đồng minh mà Pháp đang phải đối mặt.