Tin tức thế giới ngày Thứ ba 14 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà
18 nhà khoa học cảnh báo chưa nên tiêm mũi vaccine tăng cường
Minh họa: Pato González/Unsplash
Mười tám nhà khoa học hàng đầu trên khắp thế giới đã cảnh báo chưa nên tiêm vaccine tăng cường COVID-19 cho hầu hết những người đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong một đánh giá được công bố trên tờ Lancet hôm Thứ Hai, các chuyên gia nói rằng ý tưởng tăng cường miễn dịch để giảm các trường hợp COVID-19 là “hấp dẫn.” Nhưng bằng chứng hiện tại không ủng hộ “việc sử dụng rộng rãi việc tiêm phòng nhắc lại” trong dân số nói chung.
Các tác giả đánh giá cho biết: “Cần phải giám sát kỹ lưỡng và công khai dữ liệu để bảo đảm rằng các quyết định về việc thúc đẩy tiêm mũi thứ ba được thông báo bởi khoa học đáng tin cậy hơn là mục đích chính trị”.
Nhóm này bao gồm Philip Krause và Marion Gruber, hai quan chức Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), những người đã từ chức vì kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường của chính quyền Biden hồi đầu Tháng Chín.
Hoa Kỳ dự kiến sẽ bắt đầu triển khai các mũi tiêm tăng cường từ ngày 20 Tháng Chín để tăng cường khả năng miễn dịch chống lại biến thể Delta, và các đột biến có thể giúp nó tránh được phản ứng miễn dịch.
Những người Mỹ bị suy giảm miễn dịch đã có thể nhận được mũi tiêm bổ sung. Hilary Brueck của tờ Insider đã đưa ra những lo ngại của các chuyên gia khác về việc thiếu dữ liệu tăng cường trong mũi tiêm thứ ba.
Nhóm các nhà khoa học đến từ Mỹ, Anh, Mexico, Jamaica, Pháp, Bồ Đào Nha, Nam Phi và Colombia, nói rằng, mũi tiêm thứ ba “quá sớm” có thể gây ra tác dụng phụ đáng kể.
Điều này đặc biệt xảy ra đối với vaccine có “tác dụng phụ qua trung gian miễn dịch”, chẳng hạn như một loại viêm tim, được gọi là viêm cơ tim, đã được báo cáo trong một số trường hợp rất hiếm sau khi tiêm liều thứ hai của vaccine Pfizer hoặc Moderna.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nếu nhiều người bị tác dụng phụ với liều bổ sung, điều này có thể làm giảm sự chấp nhận vaccine.
Tiến sĩ Ana-Maria Henao-Restrepo, tác giả chính của bài đánh giá và là một nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong một tuyên bố rằng “ngay cả khi cuối cùng có thể thu được một số lợi ích từ việc tiêm vaccine tăng cường, thế giới nên tập trung vào việc tiêm chủng cho những người chưa được tiêm chủng”.
WHO cho biết các nước giàu nên ngừng tiêm vaccine tăng cường cho đến khi mỗi quốc gia đã tiêm vaccine cho 10% dân số. Hiện nay, có 43 quốc gia này chưa đạt được tỷ lệ này, và WHO đang thúc đẩy mọi quốc gia tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 10% dân số vào cuối Tháng Chín.
Nhóm các nhà khoa học nói rằng nguồn cung cấp vaccine hiện tại có thể “cứu sống nhiều người hơn” nếu chúng không được sử dụng cho “mũi tiêm tăng cường”. Họ nói: “Những người không được tiêm chủng vẫn là những tác nhân chính của việc lây truyền và bản thân họ có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo cao nhất”.
Các nhà khoa học lập luận rằng, phản ứng kháng thể đối với tiêm chủng có thể giảm theo thời gian, nhưng đây chỉ là một khía cạnh của phản ứng miễn dịch. Các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như tế bào bộ nhớ và tế bào T, thường tồn tại lâu hơn và cũng có thể cung cấp sự bảo vệ.
Các nhà khoa học này đưa ra kết luận rằng, không loại trừ hoàn toàn mũi tăng cường, chỉ là nên điều chỉnh cho phù hợp với các biến thể có nhiều khả năng phát triển nhất, và chỉ tiêm khi thấy thật sự cần thiết: “Bây giờ vẫn là cơ hội để nghiên cứu, trước khi có một nhu cầu rộng rãi”.
Bà Suu Kyi trở lại tòa án ở Myanmar nhưng còn ‘chóng mặt’
Bà Aung San Suu Kyi.
Bà Aung San Suu Kyi đã trở lại tòa án ở Myanmar hôm 14/9, một ngày sau khi bà không xuất hiện vì không khỏe, với dáng vẻ tỉnh táo hơn nhưng vẫn “hơi chóng mặt”, Reuters dẫn lời luật sư của bà cho biết.
Sức khỏe của bà Suu Kyi, 76 tuổi, được theo dõi sát ở Myanmar, nơi bà đã bị giam giữ nhiều năm vì thách thức các chính phủ quân sự của nước này.
Bà đang bị xét xử vì nhiều tội danh kể từ khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào ngày 1/2.
Hôm 13/9, bà Suu Kyi không thể xuất hiện được vì chóng mặt và ngầy ngật mà theo lời nhóm pháp lý của bà cho biết là do bà bị say xe trong khi được đưa đến tòa án từ địa điểm không được tiết lộ nơi bà đang bị giam giữ.
“Bà Aung San Suu Kyi có vẻ tỉnh táo hơn, nhưng bà nói bà vẫn còn hơi chóng mặt”, luật sư trưởng Khin Maung Zaw nói qua tin nhắn với Reuters.
Khôi nguyên Nobel Hòa bình bị buộc tội với nhiều tội danh, bao gồm vi phạm quy định phòng dịch Covid-19, sở hữu bất hợp pháp máy điện đàm, nhận hối lộ tiền mặt và vàng, kích động gây nhiễu loạn công chúng và vi phạm Luật Bí mật Nhà nước.
Các luật sư của bà đã bác bỏ các cáo buộc trên.
Các vụ án đang được các tòa án ở Yangon, Mandalay và Naypyitaw xét xử. Một số đồng minh của bà sợ rằng điều này có thể trói buộc bà trong các thủ tục pháp lý trong nhiều năm.
Tòa án dự kiến sẽ tiến hành hai vụ án vào ngày 14/9, vụ thứ hai bị hoãn lại sau khi các nhân chứng không xuất hiện.
Myanmar đã bị tê liệt về chính trị và kinh tế kể từ khi chính phủ dân cử của bà Suu Kyi bị lật đổ, gây ra phản ứng dữ dội trên toàn quốc, với các cuộc biểu tình và bạo lực ở nông thôn và ở các thành phố lớn nhất nước.
Các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng đạt rất ít tiến triển. Nhiều người trung thành với bà Suu Kyi đã bỏ trốn, bị bắt hoặc tham gia một chính phủ ngầm của những người chống đối chính quyền kêu gọi nổi dậy.
Thống đốc Dân chủ Gavin Newsom của California đối mặt nguy cơ mất chức
Hôm nay người dân California sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử “thu hồi” đặc biệt để quyết định có nên giữ lại thống đốc đảng Dân chủ Gavin Newsom hay không. Nếu bị cách chức, ông có thể bị thay thế bởi một đảng viên Cộng hòa, điều sẽ có tác động lớn lên bang lâu nay do đảng Dân chủ nắm này.
Cuộc bầu cử cũng có ý nghĩa quốc gia: Thống đốc California sẽ chỉ định người kế nhiệm Dianne Feinstein, một thượng nghị sĩ 88 tuổi, nếu bà nghỉ hưu. Nếu phe Cộng hòa nắm được ghế này, họ sẽ giành được quyền kiểm soát Thượng viện.
Các cuộc bầu cử “thu hồi” ở tất cả các cấp chính quyền Mỹ đang trở nên phổ biến hơn. Đại dịch đã khiến cử tri bất bình với các chính trị gia. Chỉ riêng năm nay đã có khoảng 500 nỗ lực thu hồi, nhiều hơn khoảng 15% so với cả năm 2019. Việc ông Newsom ban hành các hạn chế đại dịch nặng tay đã góp phần dẫn đến cuộc bỏ phiếu. Song ông nhiều khả năng sẽ tại chức. Trung bình thăm dò của The Economist cho thấy ông được 59% cử tri ủng hộ. Nhưng còn phải xem tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và cách đảng Cộng hòa huy động cử tri.
Mỹ sắp công bố dữ liệu nghèo đói
Hôm nay Cục Điều tra Dân số sẽ công bố số liệu thống kê chính thức thu nhập và nghèo đói của năm 2020. Một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đã giúp nhanh chóng kéo giảm nghèo đói trước đại dịch. Tỉ lệ nghèo xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận vào năm 2019, với chỉ 10,5% dân số dưới chuẩn nghèo chính thức. Và rồi covid-19 xảy đến, khiến tỷ lệ việc làm ở Mỹ giảm 8 điểm phần trăm từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2020, mức giảm một tháng kỷ lục.
Với hy vọng giảm nhẹ thiệt hại, chính phủ đã tổ chức các chương trình hỗ trợ và phát chi phiếu kích thích. Phản ứng tích cực đó đã đẩy tỷ lệ nghèo xuống 8,6% vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020 trước khi tăng trở lại do các biện pháp kích thích qua đi. Kể từ đó, chính phủ đã chi nhiều tiền mặt và giúp đỡ trong suốt năm 2020 và qua cả 2021. Hôm nay các dữ liệu sẽ cho chúng ta biết những nỗ lực đó thành công đến đâu trong ngắn hạn, nhưng còn về dài hạn, sẽ phải đợi đến khi chính phủ chấm dứt các chương trình hỗ trợ để xác nhận xem nghèo đói có quay lại hay không.
Tập đoàn Tata đặt cược tương lai vào công nghệ
Gần 5 năm sau cuộc ra đi không kèn không trống của người tiền nhiệm Cyrus Mistry, Natarajan Chandrasekaran đã gặt hái được nhiều thành công. Vốn hóa thị trường của các công ty Tata đã tăng gấp đôi lên 300 tỷ đô la dưới quyền ông. Các công ty bán ô tô, thép và dịch vụ viễn thông vốn nhiều nợ cũng có cải thiện.
Hôm nay, các cổ đông có khả năng sẽ trao cho ông nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Nếu vậy Tata sẽ có nhiều thay đổi, vì ông Chandrasekaran muốn Tata trở thành một gã khổng lồ công nghệ. Trong số các kế hoạch liều lĩnh nhất của ông là một siêu ứng dụng bán quần áo, đồ tạp hóa, đặt phòng khách sạn và thuốc men. Tập đoàn hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào Tata Consultancy Services, vốn đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung của Tata. Và với khoản nợ ròng gần 4,9 tỷ USD, Tata Power đang rất cần được quan tâm. Song cho đến lúc này các nhà đầu tư vẫn vui lòng. Hồi tháng 1 TRC, công ty CNTT của tập đoàn, đã vượt Reliance trong một khoảng thời gian ngắn để trở thành công ty giá trị nhất Ấn Độ.
Hôm nay Apple tung iPhone mới
Apple sẽ tung ra một phiên bản iPhone mới vào hôm nay, như đã làm gần như hàng năm qua. Nếu tin rò rỉ đúng, phiên bản lần này sẽ chỉ gồm một số cải tiến đáng chú ý thay vì làm lại hoàn toàn, chẳng hạn như máy ảnh tốt hơn và tùy chọn lưu trữ một terabyte – đủ để lưu trữ tất cả ảnh chụp của một người dùng iPhone bình thường.
Giới phân tích dự đoán nó sẽ thành công, đặc biệt vì nhiều người dùng iPhone đã lâu không nâng cấp thiết bị. Nó sẽ giúp phân tâm khỏi các tin tiêu cực gần đây, đặc biệt là phán quyết của thẩm phán liên bang California rằng Apple phải cho phép các nhà phát triển ứng dụng hướng người dùng đến các tùy chọn thanh toán ngoài App Store. Vì làm vậy ảnh hưởng đến lợi nhuận, các ông chủ Apple dĩ nhiên sẽ hoan nghênh doanh số bán hàng mạnh mẽ.
Đài Loan thách thức Trung Quốc, cử một phái đoàn đến thăm ba nước Đông Âu
Ảnh minh họa : Cờ Đài Loan trong buổi lễ hạ thủy tầu hộ vệ Ta Jiang do Đài Loan tự sản xuất ở căn cứ hải quân Tô Áo (Suao), huyện Nghi Lan (Yilan), Đài Loan, ngày 09/09/2021. AP – Chiang Ying-ying
Chính phủ Đài Loan ngày 14/09/2021 cho biết một phái đoàn ngoại giao do Vụ trưởng Vụ Châu Âu của bộ Ngoại Giao dẫn đầu sẽ đến thăm ba nước Slovakia, Cộng hòa Séc và Litva, bất chấp việc Bắc Kinh luôn phản đối các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
AFP dẫn lời ông Trần Lập Khoát (Chen Li Kuo), vụ trưởng Vụ Châu Âu cho biết phái đoàn gồm 65 thành viên, trong vòng 10 ngày từ 20-30/10/2021, sẽ lần lượt đến thăm ba nước Slovakia, Cộng Hòa Séc và Litva nhằm xúc tiến các mối quan hệ thương mại và đầu tư.
Đây cũng là ba nước Đông Âu đã hỗ trợ vac-xin ngừa Covid-19 cho Đài Loan. Cả ba nước này cũng bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ với hòn đảo tự trị, bất chấp những phản đối từ Trung Quốc.
Hãng tin Pháp nhắc lại, hồi tháng 7 năm nay, Litva là quốc gia đầu tiên cho mở văn phòng đại diện có tên là « Đài Loan » tại Vilnius thay vì là Đài Bắc. Đầu năm 2021, Litva thông báo rời diễn đàn hợp tác 17+1 của Trung Quốc với sự tham dự của các quốc gia Đông – Trung Âu.
Trước đó, cuối năm 2019, chính quyền Praha cũng đã hủy bỏ một thỏa thuận kết nghĩa với Bắc Kinh và ký thỏa thuận với Đài Bắc trong chuyến thăm cấp cao tới Đài Loan do lãnh đạo Thượng Viện Cộng hòa Séc, Milos Vystrcil dẫn đầu. Sự việc đã khiến Bắc Kinh nổi giận.
Hiện tại, chỉ có 15 nước trên thế giới vẫn công nhận Đài Loan, mà Trung Quốc luôn xem là một « tỉnh nổi loạn » và đe dọa sáp nhập hòn đảo này với Hoa Lục bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực. Bắc Kinh cũng không ngừng gia tăng sức ép đối với nhiều nước đồng minh của Đài Loan, nhất là kể từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống năm 2016.
Hoa Kỳ : Ngoại trưởng điều trần trước Quốc Hội về vụ rút quân khỏi Afghanistan
Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu nhân lễ tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố 11/09, tại trụ sở bộ Ngoại Giao Mỹ, ngày 10/09/2021, Washington, Hoa Kỳ. AP – Evelyn Hockstein
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm qua, 13/09/2021 đã ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện về vụ rút quân khỏi Afghanistan.
Cuộc rút quân đã hoàn tất cách đây 2 tuần, nhưng diễn ra trong hỗn loạn và được ghi dấu bằng thảm kịch khủng bố tại sân bay Kabul làm hơn một trăm người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Cuộc điều trần trước các nghị sĩ diễn ra trực tuyến.
Thông tín viên RFI tại Washington Guillaume Naudin tường trình :
« Khác với tổng thống Joe Biden, ông Anthony Blinken không nói đến thành công phi thường khi đề cập đến chiến dịch đã di tản được 124 nghìn người trong vòng hai tuần ra khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ khẳng định ông tự hào về việc đó.
Ông nói : “Đó là một nỗ lực phi thường và là minh chứng mạnh mẽ cho khả năng, cho sự đồng cảm và cam kết của chúng ta. Tất cả chúng ta phải tự hào về những gì họ đã làm như những gì chúng ta đã làm trong lịch sử. Người Mỹ giờ đây đón nhận các gia đình Afghanistan vào cộng đồng của mình, giúp đỡ họ ổn định và bắt đầu cuộc sống mới. Và chúng ta cũng phải tự hào về điều này”.
Nhưng các thành viên ủy ban thuộc đảng Cộng Hòa không đồng tình với ông Blinken. Đại diện của Texas, ông Michael McCaul tỏ ra rất nghiêm khắc.
Ông nói : “Chúng ta đã bỏ rơi những người Mỹ sau chiến tuyến của kẻ thù. Chúng ta đã bỏ lại phía sau những phiên dịch viên mà các vị, như tổng thống, từng hứa sẽ bảo vệ. Tôi có thể tóm tắt bằng từ : Phản bội. Vị thế của chúng ta trên trường quốc tế đã bị hư hại nhiều. Kẻ thù của chúng ta không còn sợ chúng ta nữa và các đồng minh của chúng ta không còn tin vào chúng ta nữa”.
Cần phải nói thêm rằng trong cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ từ giờ không còn khả năng tình báo tại thực địa, điều mà nhiều cường quốc khác đã rất thèm muốn mà không có, trong đó đứng đầu là Trung Quốc ».