Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 1 9 8
Total Users : 13198
Total views : 136117
Server Time : 2024-09-20

DƯƠNG LỊCH

September 2024
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thời sự Thứ tư 19/04/2023 và thứ Ba 18/04/2023: * Họp quốc phòng Trung Quốc và Nga * G-7 kêu gọi Nga rút khỏi ukraine * Đài Loan mua 400 hỏa tiễn diệt hạm của Mỹ * Hàng không mẫu hạm USS Nimitz quay lại Biển Đông * Cháy bệnh viện ở Bắc Kinh 29 người thiệt mạng

Võ Thái Hà tổng hợp

Trung Quốc và Nga tuyên bố nâng quan hệ quân sự lên tầm mức mới


19/4/2023

Hai phái đoàn quốc phòng Nga, Trung Quốc do bộ trưởng Lý Thượng Phúc và bộ trưởng Serguei Choigu dẫn đầu hội đàm ngày 18/04/2023 tại Matxcơva, Nga. AP

Minh Anh /RFI

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, đang thăm Matxcơva, hôm qua, 18/04/2023, đã bày tỏ « quyết tâm » tăng cường hợp tác với quân đội Nga.

AFP trích dẫn thông cáo từ bộ Quốc Phòng Nga cho biết, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Serguei Choigu, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tuyên bố rằng chuyến thăm Matxcơva của ông là nhằm « chứng tỏ cho thế giới bên ngoài thấy rõ quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác chiến lược giữa quân đội Trung Quốc và Nga ». Ông Lý cam kết « thúc đẩy hợp tác quân sự và kỹ thuật cũng như thương mại quân sự giữa Nga và Trung Quốc », và « nâng các mối quan hệ này lên một tầm mức mới ».

Về phía Nga, bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu kêu gọi hai bên phát triển các quan hệ này « bằng cách hỗ trợ mạnh mẽ cho nhau, kể cả trong những vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia ». Theo đánh giá của ông Choigu, được tờ South China Morning Post trích dẫn, quan hệ Nga – Trung có ý nghĩa quan trọng cho hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu, do vậy, « việc hai bên có cùng đánh giá về sự chuyển đổi của  bối cảnh địa chính trị toàn cầu là điều quan trọng ». 

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga cho biết, lãnh đạo quốc phòng hai nước khẳng định tăng cường sự phối hợp giữa quân đội Nga và Trung Quốc. Một thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa hai học viện quân sự Nga và Trung Quốc, nhưng biên bản ghi nhớ không cho biết chi tiết về thỏa thuận này.

AFP nhắc lại, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Thượng Phúc, vốn dĩ cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến gặp và trao đổi với bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc hôm Chủ Nhật 16/04. Trong cuộc gặp này, ông Lý tuyên bố đã chọn đến thăm Nga nhằm « nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt và tầm quan trọng chiến lược trong mối quan hệ song phương Nga – Trung ».

Chuyến công du Nga của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình ở Nga hồi tháng 3/2023. Việc Nga, Trung Quốc ngày càng thắt chặt quan hệ quân sự, nhất là trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, đang khiến Mỹ và khối NATO lo lắng.

Đài Loan mua 400 tên lửa diệt hạm của Mỹ để đối phó Trung Quốc


Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đi về phía khu vực mà Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía đông bắc đảo Bình Đàm, điểm gần nhất của Trung Quốc với Đài Loan, thuộc tỉnh Phúc Kiến, đông nam của Trung Quốc vào ngày 10 tháng 4 năm 2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP via Getty Images)

Đài Loan có thể chi gần 1,2 tỷ USD để mua thêm 400 tên lửa diệt hạm Harpoon phóng từ mặt đất do Mỹ chế tạo.

Đài Loan sẽ mua khoảng 400 tên lửa Harpoon phóng từ đất liền của Mỹ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Bloomberg News đưa tin hôm thứ Hai (17/4).

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Đài Loan Rupert Hammond-Chambers hôm 17/4 nói rằng hải quân Mỹ đã thay mặt lực lượng vũ trang Đài Loan ký hợp đồng mua hàng loạt tên lửa diệt hạm UGM-84 do tập đoàn Boeing sản xuất, đánh dấu lần đầu tiên Đài Bắc sở hữu phiên bản Harpoon phóng từ mặt đất.

Thông tin được tiết lộ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc công bố hợp đồng trị giá 1,17 tỷ USD để mua 400 tên lửa diệt hạm Harpoon với thời điểm hoàn thành là tháng 3/2029, nhưng không cho biết bên tiếp nhận vũ khí. Theo Bloomberg, Đài Loan chính là khách hàng.

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thương vụ này, nhưng khẳng định Washington sẵn sàng cung cấp cho Đài Bắc những khí tài cần thiết “để duy trì khả năng tự vệ đầy đủ”.

Chang Che-ping, quan chức số hai của cơ quan phòng vệ Đài Loan, hồi năm 2020 tuyên bố Đài Bắc muốn mua tên lửa chống hạm Harpoon phóng từ mặt đất của Washington nhằm cải thiện năng lực phòng thủ, khẳng định kế hoạch có thể được thực thi trong năm 2023. Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã sở hữu phiên bản Harpoon phóng từ máy bay và tàu chiến.

Harpoon là tên lửa chống hạm chuyên biệt đầu tiên của hải quân Mỹ, ra mắt lần đầu năm 1977. Tên lửa có tầm bắn tối đa 280 km tùy phiên bản và nền tảng phóng, đạt tốc độ 865 km/h và có thể bay cách mặt biển vài mét trong khi tiếp cận mục tiêu. Mỗi quả đạn mang đầu nổ 220 kg, đủ sức đe dọa nhiều loại tàu chiến hiện nay.

Giới phân tích quân sự cho rằng trọng tâm đầu tư nhằm phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng của Đài Loan chính là các chương trình tên lửa, vũ khí có thể giúp lực lượng phòng thủ hòn đảo cầm cự trước quân đội Trung Quốc khi xung đột vũ trang bùng phát, trong lúc chờ đợi Mỹ điều quân hỗ trợ.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết và luôn ngăn cản các nước bán vũ khí cho Đài Loan, khiến lực lượng phòng vệ hòn đảo gặp khó khăn trong nỗ lực hiện đại hóa. Washington không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng thường xuyên bán vũ khí cho hòn đảo để nâng cao năng lực phòng thủ, khiến Bắc Kinh tức giận.

Trong tháng này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã tiếp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại California, nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Đài Loan trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Sau cuộc họp, Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Chọn lọc Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết ông muốn tìm cách đưa tên lửa Harpoon đến Đài Loan trước những tên lửa dự kiến ​​đến Ả Rập Saudi.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn không ngừng leo thang căng thẳng tại eo biển Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc tuần trước tổ chức tập trận kéo dài ba ngày tại các khu vực quanh đảo Đài Loan, nhằm phản ứng với cuộc gặp giữa lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở bang California ngày 5/4.

Đợt tập trận huy động nhiều lực lượng của Trung Quốc, với kịch bản phong tỏa vùng biển và mô phỏng tập kích hàng loạt mục tiêu trên đảo Đài Loan. Có thời điểm quân đội Trung Quốc triển khai hơn 100 máy bay và tàu chiến xung quanh hòn đảo, trong đó 54 phi cơ vượt qua đường trung tuyến trên eo biển hoặc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan.

Viên Minh (Tổng hợp)

Liên Hiệp Châu Âu đạt đồng thuận về sản xuất chip bán dẫn


19/4/2023

Ảnh tư liệu: Ủy viên châu Âu về Thị trường Nội địa Thierry Breton tại cuộc họp báo về kế hoạch phát triển công nghiệp chip bán dẫn của Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 08/02/2022. © REUTERS – YVES HERMAN

Minh Anh /RFI

Nghị Viện Châu Âu và các nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 18/04/2023, đã đạt được đồng thuận về kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào châu Á trong lĩnh vực chiến lược này.

Ủy viên châu Âu về Thị trường Nội địa Thierry Breton đã ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận mang tên « Chips Act ». Theo ông, việc làm chủ được công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất sẽ giúp Liên Hiệp Châu Âu trở thành « một cường quốc công nghiệp trên thị trường tương lai ». 

Mục tiêu đặt ra là chiếm lĩnh được 20% thị trường thế giới vào năm 2030, tức cao gấp hai lần so với mức hiện nay. Để phát triển ngành công nghiệp này, Liên Âu đã huy động 43 tỷ euro đầu tư công và tư.

AFP nhắc lại, Liên Hiệp Châu Âu, vốn có nền nghiên cứu tiên tiến về chip điện tử, đã bị mất rất nhiều thị phần trong nhiều thập niên qua. Tình trạng khan hiếm chip bán dẫn đã gây ra một cơn sốc mạnh, kềm hãm ngành công nghiệp xe hơi.

Những căng thẳng địa chính trị có liên quan đến Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 khiến châu Âu nhận thấy nhất thiết phải khôi phục ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, vốn lệ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Trong bối cảnh này, Liên Hiệp Châu Âu đã nới lỏng các quy định về hỗ trợ nhà nước và chấp nhận một chính sách công nghiệp mang tính can thiệp tại một châu lục có truyền thống là mở rộng cửa cho cạnh tranh quốc tế.

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz quay lại Biển Đông


18/4/2023

Máy bay trên hàng không mẫu hạm USS Nimitz hôm 8/4/2023

Hải quân Hoa Kỳ

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Nimitz quay lại Biển Đông và tham gia các hoạt động huấn luyện trên biển, trên không và dưới biển tại đó. Cùng tham gia những hoạt động này còn có các máy bay cánh cố định và cánh quay. Mạng USNI và Marine Tracker loan tin vừa nêu ngày 17/4.

Phó Đề đốc Christopher Sweeney- chỉ huy Nhóm Tác chiến tàu Sân bay 1 ra thông cáo về hoạt động của nhóm tàu USS Nimitz như vừa nêu và cho biết rõ hoạt động này nhằm hoàn thành cam kết với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực: Mỹ không bỏ đi đến nơi nào khác.

Phó Đề đốc Christopher Sweeney cho rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực giúp củng cố các tuyến liên lạc rộng mở trên biển và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Đây là lần thứ ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz hoạt động tại Biển Đông kể từ khi được bố trí cho chương trình Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Vào đầu tháng tư vừa qua, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Nimitz tham gia cuộc tập trận ba bên với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải Quân Hàn Quốc tại khu vực Biển Hoa Đông.

Ấn Độ xem xét hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính


Năm 2018, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đưa ra một phán quyết mang tính bước ngoặt, theo đó hợp pháp hóa quan hệ đồng giới vì cho rằng luật cấm quan hệ tình dục giữa nam giới với nhau từ thời thuộc địa là vi hiến. Tuần này, tòa án sẽ nghe các tranh luận cuối cùng của một vụ án có thể dẫn đến một phán quyết lịch sử khác, vốn dựa trên một loạt các kiến nghị yêu cầu công nhận tính hợp pháp của hôn nhân đồng giới.

Chương trình nghị sự của tòa án, vốn đã bày tỏ ủng hộ việc mở rộng quyền đồng tính, đi ngược lại chính phủ, bên cho rằng yêu cầu trao quyền kết hôn cho các cặp đồng giới là “quan điểm tinh hoa thành thị” đi ngược với văn hóa Ấn Độ. Chính phủ cũng khẳng định việc hợp pháp hóa thuộc thẩm quyền của quốc hội chứ không phải tòa án.

Thăm dò cho thấy hầu hết người Ấn Độ vẫn phản đối hôn nhân đồng tính, dù các mối quan hệ đồng tính đang dần được chấp nhận hơn. Nếu bên khởi kiện thắng, Ấn Độ sẽ có một trong những luật tiến bộ nhất khu vực; trước đó Đài Loan cho phép các cặp đồng giới kết hôn vào năm 2019.

Toà Tối cao Mỹ xem xét một vụ kiện về tự do ngôn luận


Vào thứ Tư, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét “các mối đe dọa thực sự,” một trong số ít những dạng biểu đạt ngôn luận nằm ngoài phạm vi bảo vệ của Tu chính Án thứ nhất. Counterman kiện bang Colorado liên quan đến một loạt các tin nhắn kỳ lạ và không mong muốn (bao gồm “Hãy chết luôn đi” và “Có phải mày đang ngồi trên chiếc xe jeep màu trắng không?”) mà Billy Raymond Counterman đã gửi cho Coles Whalen, một nhạc công, trên Facebook suốt nhiều năm.

Các tin nhắn trên khiến bà Whalen khiếp sợ và phải hủy các buổi biểu diễn, theo luật sư của bà. Ông Counterman sau đó đã bị kết án vì vi phạm luật chống rình rập của bang Colorado. Nhưng luật sư của ông khẳng định thân chủ của mình, người có bệnh tâm thần, không bao giờ có ý đe dọa và cảnh báo rằng những biểu đạt vô tội có thể bị hình sự hoá nếu nhà chức trách được quyền truy tố một người dù phát ngôn của người đó không có ý định thù địch. Các luật sư của Colorado đáp trả là những tin nhắn như vậy gây hại “bất kể người đưa ra lời đe dọa có ý định gì.” Tòa sẽ phải quyết định xem liệu lời nói của một người có khác với ý định của họ hay không.

Các con số vững chắc của Tesla 


Dù Elon Musk, người giàu thứ hai thế giới, sẽ phóng tên lửa mạnh nhất trong lịch sử vào tuần này, các nhà đầu tư trên Trái đất lại đang tập trung vào công ty ô tô điện Tesla của ông khi hãng công bố kết quả quý đầu vào thứ Tư. Tesla đang cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng chậm lại do lạm phát. Họ đã giảm giá năm lần chỉ trong năm nay ở Mỹ, thị trường lớn nhất, và cũng đang giảm giá ở Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai. Làm vậy thu hẹp biên độ lợi nhuận — giới phân tích dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp là 21% trong quý đầu, giảm từ 29% của năm trước.

Nhưng điều đó không có gì đáng để chế giễu, khi các đối thủ Ford và General Motors dự kiến chỉ đạt mức 16%. Việc lithium giảm giá, một thành phần quan trọng trong pin điện, cũng giúp ích ít nhiều cho Tesla. Các nhà đầu tư đã quen với những chuyến đi gập ghềnh — sau khi mất khoảng 672 tỷ đô la (khoảng 2/3) giá trị thị trường trong năm 2022, Tesla đã lấy lại được 204 tỷ đô la kể từ tháng 1.

SpaceX sắp phóng tên lửa lớn nhất lịch sử

Trong tuần này SpaceX dự định phóng hệ thống Starship của họ lên vũ trụ từ Bờ biển vùng Vịnh của Texas. Vốn được lên kế hoạch cho thứ Hai, vụ phóng đã bị hoãn lại cho tới thứ Năm do một van nhiên liệu bị đóng băng.

Hệ thống của SpaceX kết hợp tên lửa “Siêu Nặng” của họ với một nguyên mẫu của tàu vũ trụ Starship. Nếu phóng thành công, tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo sẽ đưa chiếc tàu vũ trụ lớn nhất lên không gian kể từ sau sứ mệnh tàu con thoi. Hệ thống Starship sẽ mở một kỷ nguyên không gian mới trong đó các phi thuyền lớn có thể được tái sử dụng lại. Điều này cho phép SpaceX, công ty đã thống trị lĩnh vực kinh doanh phóng vệ tinh, đưa vào quỹ đạo nhiều vệ tinh lớn hơn bao giờ hết. Elon Musk, ông chủ của SpaceX, cũng muốn nó đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng và Sao Hỏa. Nhưng trước mắt họ còn rất nhiều việc: quy trình hạ cánh chưa được thử nghiệm, chưa nói gì đến các chuyến bay ra khỏi quỹ đạo Trái đất.

Ukraine mời Tổng thống Brazil qua thăm, chỉ trích những nỗ lực hòa bình của ông 


19/4/2023

Reuters

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 14/4/2023.

Ukraine ngày 18/4 mời Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đến thăm đất nước bị chiến tranh tàn phá để tự mình chứng kiến hậu quả cuộc xâm lược của Nga, đồng thời chỉ trích những nỗ lực trung gian đàm phán hòa bình của ông.

Lời mời được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến thăm ông Lula ở Brasilia và nhận xét về quan điểm chung của Brazil và Nga về cuộc xung đột kéo dài một năm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko đã xác nhận trên mạng xã hội lời mời ông Lula đến thăm Kyiv “để hiểu nguyên nhân thực sự của hành vi gây hấn của Nga và hậu quả của nó đối với an ninh toàn cầu.”

Ông Nikolenko nói Ukraine đang quan tâm đến những nỗ lực của ông Lula để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến, nhưng không chấp nhận rằng “nạn nhân và kẻ xâm lược” được đối xử như nhau.

Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng “các quốc gia giúp Ukraine chống lại sự xâm lược chết người bị buộc tội khuyến khích chiến tranh”, ám chỉ đến bình luận của ông Lula cuối tuần qua, khi ông cáo buộc Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu kéo dài xung đột bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Những bình luận của ông Lula đã gây ra một cơn bão trong các đồng minh phương Tây.

Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cáo buộc ông Lula “bắt chước tuyên truyền của Nga và Trung Quốc mà không nhìn vào sự thật.”

Liên hiệp châu Âu cũng bác bỏ nhận xét của ông Lula rằng cả Ukraine và Nga đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Phát ngôn viên phụ trách đối ngoại của EU Peter Stano cho biết tất cả các khoản viện trợ đều nhằm vào “sự phòng thủ hợp pháp” của Ukraine.

Ông Lula đã tự giới thiệu mình là người trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine vốn bắt đầu khi Nga xâm lược quốc gia láng giềng vào tháng 2/2022. Đề nghị của ông, dựa trên truyền thống ngoại giao cởi mở và không can thiệp của Brazil, kêu gọi một nhóm các quốc gia không dính líu vào cuộc chiến, đưa cả Nga và Ukraine vào các cuộc đàm phán hòa bình.

Điện Kremlin đã ủng hộ tuyên bố của ông Lula về sự cần thiết phải tìm một nhóm các quốc gia làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình, và ông Lavrov ngày 17/4 đã cảm ơn Brazil vì những nỗ lực của nước này.

Nhưng trong số các quốc gia phương Tây cho đến nay, chỉ có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là hoan nghênh sáng kiến hòa bình của ông Lula.

Ông Lula khiến nhiều người ở phương Tây tức giận khi kêu gọi các cường quốc phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho cuộc chiến. Những bình luận đó được đưa ra ngay sau khi ông trở về từ Trung Quốc, nơi ông thảo luận về cuộc xung đột với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Lula nói rằng Nga nên trả lại lãnh thổ mà họ đã xâm chiếm vào năm ngoái, nhưng ông đã gợi ý rằng Ukraine có thể hy sinh Crimea, nơi bị lực lượng Nga chiếm đóng vào năm 2014, một đề nghị bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bác bỏ hoàn toàn.

Fox News dàn xếp vụ kiện của Dominion với giá $787.5 triệu


Hiếu Chân/SGN

Các luật sư đại diện nguyên đơn Dominion tươi cười rồi tòa Thượng thẩm Delaware sau khi đạt được thỏa thuận dàn xếp trị giá $787.5 triệu với bị đơn là hãng truyền thông Fox News ngay trước khi vụ xét xử bắt đầu vào chiều tối thứ Ba 18 tháng Tư 2023. Ảnh Alex Wong/Getty Images

Hãng truyền thông cánh hữu Fox News và công ty Dominion Voting Systems đã đạt được một thỏa thuận dàn xếp vào phút cuối trị giá $787.5 triệu vào chiều thứ Ba 18 tháng Tư 2023 ngay trước khi bồi thẩm đoàn bắt đầu xem xét vụ kiện mà Dominion – công ty sản xuất máy bầu cử – kiện hãng Fox News về tội phỉ báng gây thiệt hại cho công ty, đòi bồi thường $1.6 tỷ.

Vụ kiện được công chúng và giới truyền thông Mỹ quan tâm sâu sắc không chỉ vì số tiền đòi bồi thường rất lớn mà còn vì nó liên quan tới quyền tự do ngôn luận – một quyền thiêng liêng của người dân Hoa Kỳ giữa lúc đất nước đang vật vã với nạn tin giả tràn lan. Báo The New York Times cho rằng, vụ kiện được coi là phép thử lớn đối với Tu Chính Án thứ Nhất, đặt vấn đề liệu các luật lệ chống phỉ báng đã đủ để bảo vệ các nạn nhân của các chiến dịch xuyên tạc trên truyền thông hay không.

“Các bên đã giải quyết vụ việc của họ,” Thẩm phán Eric Davis của Tòa án Thượng thẩm Delaware thông báo vào đầu buổi chiều thứ Ba 19 tháng Tư và cho biết nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn đã kết thúc.

Thỏa thuận dàn xếp này đã chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn hai năm chung quanh câu hỏi, có phải hãng truyền thông Fox News có phỉ báng nhà sản xuất máy bỏ phiếu hay không khi họ đưa lên sóng truyền hình các thuyết âm mưu rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị gian lận.

Thỏa thuận dàn xếp cũng tránh cho các nhân vật quan trọng của hãng Fox Corporation – kể cả Chủ tịch Rupert Murdoch, các người dẫn chương trình Tucker Carlson, Sean Hannity và Maria Bartiromo – khỏi phải ra khai báo trước tòa.

Thỏa thuận dàn xếp tránh được một cuộc xét xử kéo dài nhưng vẫn là một trường hợp hiếm hoi về truy cứu trách nhiệm những kẻ âm mưu phá hoại tính chính đáng trong chiến thắng của Tổng thống Joe Biden, quảng bá những lý thuyết sai lầm về gian lận bầu cử được cựu Tổng thống Donald Trump và tay chân của ông ta đưa ra.

Chưa rõ các điều khoản cụ thể của thỏa thuận. Nhưng luật sư Justin Nelson, đại diện cho nguyên đơn Dominion, nói rằng: “Sự thật rất quan trọng. Nói láo thì phải chịu hậu quả… Hơn hai năm trước, một dòng thác những lời dối trá đã quét các viên chức bầu cử khắp nước Mỹ vào một vũ trụ các thuyết âm mưu, gây ra những tổn hại trầm trọng cho công ty Dominion và cho đất nước”

Về phần mình, hãng Fox ra tuyên bố cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng quyết định giải quyết cuộc tranh chấp với Dominion một cách thân thiện thay vì một cuộc xử án chia rẽ và thù địch, sẽ cho phép đất nước tiến lên từ những vấn đề này.”

Dominion đã kiện Fox vào đầu năm 2021, cho rằng danh tiếng của công ty bị tổn hại nặng nề do Fox liên tục phát sóng những thông tin sai sự thật về máy bỏ phiếu của họ, vu cáo các máy bỏ phiếu đó – được sử dụng ở hơn 20 tiểu bang – “gian lận” kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bằng cách chuyển hàng triệu phiếu bầu cho ông Trump sang cho ông Biden.

Fox phủ nhận hành vi sai trái, nói rằng họ chỉ đơn thuần đưa tin về những cáo buộc đáng tin cậy đến từ ông Trump và các luật sư của ông ta và rằng họ đã được Tu Chính Án thứ Nhất bảo vệ khi làm như vậy.

Nhưng các hồ sơ pháp lý đã công khai hàng nghìn trang thư điện tử, tin nhắn văn bản và các thông tin liên lạc khác, tiết lộ rằng các nhà báo, người dẫn chương trình và giám đốc điều hành của Fox News biết những tuyên bố rằng cuộc bầu cử bị “gian lận” là sai sự thật nhưng họ vẫn tiếp tục đưa chúng lên sóng nhằm giữ chân những khán giả trung thành của họ là những người ủng hộ cựu tổng thống Trump.

Thẩm phán Eric M. Davis trước đây đã phán quyết rằng những tuyên bố mà Fox đã phát sóng về Dominion là sai sự thật. Ông cũng quyết định rằng, Fox không thể tự bào chữa rằng họ phát những thông tin sai sự thật đó trên cơ sở rằng đó là yếu tố tin tức và không cố ý phỉ báng ai.

Tại phiên tòa dự tính sẽ mở ra, bồi thẩm đoàn sẽ được giao nhiệm vụ trả lời câu hỏi liệu Fox có hành động với “ác ý thực sự” hay không – nghĩa là họ đã cố ý phát tán những lời nói dối hoặc đã liều lĩnh bỏ qua bằng chứng rõ ràng rằng những lời tuyên bố đó là sai sự thật.

Các luật sư và phóng viên báo chí đã ngồi đợi trong phòng xử án hơn hai tiếng đồng hồ, phần khai mạc phiên xử dự kiến sẽ bắt đầu vào chiều thứ Ba. Tuy vậy, Thẩm phán Davis đã trở lại phòng xử án ngay trước lúc 4 giờ chiều và thông báo vụ dàn xếp ngoài tòa với các luật sư chính của vụ án vội vã bước theo sau ông.

Thỏa thuận dàn xếp giữa Fox News và Dominion chưa phải là dấu chấm hết cho cuộc tranh chấp pháp lý liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử năm 2020. Về phần Fox New, Trong các phiên điều trần trước khi xét xử, Thẩm phán Eric Davis đã phạt bị đơn Fox News vì đã không cung cấp bằng chứng, đồng thời khiển trách họ vì đã không thẳng thắn với tòa. Hôm thứ Ba, Thẩm phán Davis cũng chỉ định một công tố viên đặc biệt điều tra xem Fox có tuân thủ đầy đủ việc khai báo theo lệnh của tòa án hay không.

Về phía Dominion, thỏa thuận dàn xếp với Fox News là tiền lệ tốt để công ty tiếp tục theo đuổi các vụ kiện chống phỉ báng liên mà công ty đã kiện chống lại các đối thủ cạnh tranh của Fox như hãng truyền thông Newsmax, OAN, ông chủ công ty gối Mike Lindell, nhà sáng lập mạng Overstock.com Patrick Byrne và các luật sư Rudy Giuliani và Sidney Powell – luật sư riêng của cựu Tổng thống Trump.

FBI bắt hai người điều hành đồn cảnh sát Trung Quốc


Bình Phương /SGN

Tòa nhà văn phòng 6 tầng trong khu Chinatown của New York là nơi đặt đồn công an chìm của Trung Quốc chuyên theo dõi và đe dọa các nhà bất đồng chính kiến lưu vong. Hai người điều hành đồn cảnh sát này đã bị FBI bắt giữ và truy tố hôm thứ Hai 17 tháng Tư 2023. Ảnh Selcuk Acar/Anadolu Agency via Getty Images

Cảnh sát New York hôm nay thứ Hai 17 Tháng Tư đã bắt giam hai người đàn ông gốc Trung Quốc với cáo buộc họ đã thay mặt chính phủ cộng sản Trung Quốc thành lập và điều hành một đồn cảnh sát bí mật ở Manhattan, thành phố New York. Mỹ cũng đã buộc tội khoảng 34 sĩ quan thuộc lực lượng an ninh Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để loan truyền tin giả và quấy rối những người bất đồng chính kiến ​​ở Hoa Kỳ.

Cáo trạng được các công tố viên liên bang công bố hôm nay tố cáo hai người đàn ông – “Harry” Lu Jianwang, 61 tuổi, ở Bronx và Chen Jinping, 59 tuổi, ở Manhattan – đã điều hành một đồn cảnh sát Trung Quốc một cách bất hợp pháp ở New York. Báo The New York Times cho biết có Trung Quốc đã lập ra khoảng 100 đồn cảnh sát như vậy khắp thế giới với mục đích đe dọa và kiểm soát công dân Trung Quốc ở nước ngoài và dập tắt những lời phê phán đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền. Hai ông Lu và Chen đều là công dân Hoa Kỳ, đã bị bắt tại nhà của họ vào sáng thứ Hai.

Theo cáo trạng, đồn cảnh sát bí mật ở New York thuộc Sở Công an thành phố Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến, một cơ sở của Bộ Công an Trung Quốc. Đồn cảnh sát Trung Quốc được đặt trên tầng ba một tòa nhà văn phòng số 107 East Broadway trong khu Chinatown ở Manhattan trước khi đóng cửa vào mùa Thu năm ngoái sau khi bị Cục Điều tra liên bang FBI khám xét hồi Tháng Mười năm ngoái.

Hai người bị bắt lập và điều hành đồn cảnh sát này hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của một quan chức Trung Quốc và đã xóa các thông tin liên lạc với quan chức đó khỏi điện thoại của họ nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI.

“Đây là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia của chúng tôi,” Michael Driscoll, người đứng đầu văn phòng FBI tại New York, cho biết tại một cuộc họp báo công bố các trường hợp bắt giữ.

Ông Breon Peace, Chánh biện lý toà liên bang ở Brooklyn, nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không thể và sẽ không dung thứ cho sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà hoạt động dân chủ đã tìm nơi ẩn náu ở đất nước này.”

Trường hợp này là một phần trong một loạt các vụ truy tố của Bộ Tư pháp những năm gần đây nhằm phá vỡ các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm định vị các nhà hoạt động dân chủ ở Mỹ và những người công khai chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh và đàn áp quyền tự do ngôn luận của họ.

Mặc dù Trung Quốc được cho là đang điều hành các đồn cảnh sát bí mật ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, các quan chức của Bộ Tư pháp cho biết vụ bắt giữ này là vụ đầu tiên trên thế giới. Nhà chức trách các nước Ái Nhĩ Lan, Canada và Hòa Lan đều đã yêu cầu Trung Quốc đóng cửa các đồn cảnh sát chìm tương tự như vậy trên đất nước của họ nhưng chưa có vụ bắt giữ nào được công bố.

Trong một vụ án riêng được công bố hôm thứ Hai, Bộ Tư pháp cũng buộc tội 34 quan chức của Bộ Công an Trung Quốc – những người đã tạo và sử dụng hàng nghìn tài khoản mạng xã hội giả mạo trên Twitter và các nền tảng khác để sách nhiễu những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài.

Các công tố viên cho biết, tất cả các bị cáo đều thuộc lực lượng đặc nhiệm làm việc cho Bộ Công an ở Bắc Kinh, sử dụng mạng xã hội để truyền bá tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc về các chủ đề như các cuộc biểu tình đòi công bằng chủng tộc ở Hoa Kỳ, cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine và các vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông. Tất cả các bị cáo này vẫn tại ngoại và được cho là đang sống ở Trung Quốc.

Ngoài ra, các công tố viên hôm thứ Hai đã thông báo rằng tám quan chức chính phủ Trung Quốc được cho là hiện đang sống ở Trung Quốc đã bị buộc tội chỉ đạo một nhân viên của một công ty viễn thông Hoa Kỳ loại bỏ những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc khỏi nền tảng của công ty.

Jin Xinjiang, còn được gọi là Julien Jin, cựu Giám đốc làm việc tại Trung Quốc cho công ty Zoom, nằm trong số 10 người bị buộc tội. Vào Tháng Mười Hai năm 2020, Jin bị cáo buộc vào Tháng Năm và Tháng Sáu năm đó đã cố gắng phá rối một loạt cuộc họp Zoom tưởng niệm Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tại thời điểm đó, Jin đóng vai trò là đầu mối liên lạc chính của Zoom với các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo của chính phủ Trung Quốc, thường xuyên phản hồi các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc về việc chấm dứt các cuộc họp và chặn người dùng trên nền tảng hội nghị video của Zoom.

Cháy bệnh viện ở Bắc Kinh, ít nhất 29 người thiệt mạng 


19/4/2023 – Reuters

Khói bốc ra từ tầng trên của bệnh viện Trường Phong ở Bắc Kinh

Có tới 29 người thiệt mạng hôm 19/4 trong vụ hỏa hoạn tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, một trong những vụ cháy gây thương vong nhiều nhất ở thủ đô Trung Quốc trong ít nhất hai thập kỷ.

Trong số những người chết có 26 bệnh nhân, vụ cháy cũng làm bị thương hàng chục người khác.

Trên mạng xã hội có những hình ảnh video gay cấn về những người dùng ra trải giường buộc lại trèo xuống tường để thoát khỏi đám khói và lửa sau khi đám cháy bùng phát tại Bệnh viện Trường Phong hôm 18/3.

Các quan chức cho biết trong cuộc họp báo hôm 19/4 rằng trong số 29 người tử vong chỉ có 3 người không phải là bệnh nhân, và đám cháy đã được dập tắt trong vòng nửa giờ.

“Có rất nhiều khói, tôi có thể thấy khói”, một người dân địa phương lớn tuổi chỉ tiết lộ là họ Lý, nói. Ông đã cung cấp cho Reuters các đoạn băng mà ông ghi lại được về khói bốc lên cuồn cuộn từ các tầng trên của bệnh viện.

Giới chức đang điều tra vụ hỏa hoạn chết chóc nhất ở Bắc Kinh kể từ ít nhất là năm 2002, khi một vụ cháy quán internet khiến cho 25 người chết.

Cửa sổ vỡ và cháy trụi có thể được nhìn thấy tại hiện trường với sự hiện diện của nhiều công an, một số mặc thường phục, các nhân chứng của Reuters cho biết.

Kiểm tra ban đầu cho thấy đám cháy, chủ yếu xảy ra ở khối nhà dành cho bệnh nhân nặng, là do vật liệu sơn dễ cháy tại một khu đang được cải tạo, giới chức cho biết.

Đến ngày 19/4, nhiều bài đăng chỉ trích vụ hỏa hoạn trên mạng xã hội WeChat đã bị kiểm duyệt hoặc xóa, kết quả kiểm tra của Reuters cho thấy.

“Công tác cứu hộ tại hiện trường kết thúc trong vòng ba tiếng rưỡi, nhưng công chúng chỉ biết rằng 21 nạn nhân đã chết trong đám cháy sau 8 giờ tối”, một người viết trên WeChat mà ngay sau đó đã bị xóa.

“Thật khó hiểu khi có rất ít thông tin về một vụ hỏa hoạn khiến cho 21 người chết ở một thành phố lớn đông dân như Bắc Kinh trước khi có thông báo chính thức”.

Sáng sớm ngày 19/4, 39 người bị thương vẫn đang nằm viện, ba người trong tình trạng nguy kịch và 18 người bị thương nặng, các quan chức nói trong cuộc họp báo.


Thời sự Thứ ba 18 tháng 4 năm 2023

Võ Thái Hà tổng hợp

Quan chức Mỹ: G7 sẽ chống ‘bất kỳ sự uy hiếp nào’ từ Trung Quốc 


18/4/2023

Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trái, và ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi tham dự hội nghị các ngoại trưởng G7 tại Karuizawa, Nhật, ngày 17/4/2023.

Nhóm Bảy quốc gia G7 đồng lòng cần phải chống lại bất kỳ “sự uy hiếp” nào của Trung Quốc hoặc những nỗ lực nhằm kiểm soát Eo biển Đài Loan, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 17/4, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh Đài Loan.

Những lo ngại về những gì mà G7 coi là lập trường ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan và rộng hơn là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành tâm điểm trong các cuộc hội đàm giữa các ngoại trưởng G7 tại thị trấn nghỉ mát Karuizawa của Nhật Bản.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với báo giới: “Thông điệp giống nhau giữa G7: rằng chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực mà Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với chúng tôi”.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ chống lại bất kỳ sự uy hiếp nào, bất kỳ sự thao túng thị trường nào, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan”, quan chức này nói thêm.

Các bộ trưởng G7 muốn thể hiện một mặt trận thống nhất, đặc biệt là sau những bình luận gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vốn bị một số nước phương Tây cho là quá yếu trước Trung Quốc và gây ra phản ứng dữ dội.

Sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng này, ông Macron đã cảnh báo về việc bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng về Đài Loan do “nhịp điệu của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc”.

Là thành viên châu Á duy nhất của G7, Nhật Bản hết sức quan ngại về bất kỳ hành động nào có thể xảy ra của Bắc Kinh đối với Đài Loan gần đó.

Bắc Kinh coi Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm lấy hòn đảo dân chủ. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói chỉ người dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

“Tác động của hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan đối với đất nước chúng ta là hiển nhiên, nhưng nó là một yếu tố quan trọng đối với sự an toàn và an ninh rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế,” Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói sau cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Ông Hayashi cũng nói với các phóng viên rằng Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết Pháp “rất hiểu” về việc tôn trọng hiện trạng và duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.

‘Quy tắc riêng’

Nhật Bản nói tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động trên không với máy bay chiến đấu phản lực và máy bay trực thăng trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 4. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hải quân của họ đã tiến hành huấn luyện chiến đấu xung quanh Đài Loan vào tuần trước.

Nga cũng muốn thể hiện sức mạnh ở Thái Bình Dương và gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương, vấp phải sự chỉ trích từ Tokyo.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói Trung Quốc đang ngày càng cố gắng thay thế các quy tắc quốc tế bằng “các quy tắc của riêng mình”.

“Nhiều đối tác của chúng tôi trong khu vực ngày càng cảm thấy rằng Trung Quốc ngày càng muốn hoán đổi các quy tắc quốc tế ràng buộc chung hiện có bằng các quy tắc của riêng mình”, bà Baerbock, người đã gặp người đồng cấp Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tuần trước, nói.

G7 bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị “hy vọng và tin tưởng” Đức sẽ ủng hộ “sự thống nhất hòa bình” của Trung Quốc với Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố ngày 15/4.

Các bộ trưởng G-7 kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine 


17/4/2023

VOA News

Các ngoại trưởng nhóm G-7 hôm 17/4/2023 gặp nhau ở Nhật.

Các bộ trưởng ngoại giao của nhóm G-7 hôm 17/4 củng cố cam kết ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, đồng thời “tăng cường, phối hợp đầy đủ và thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga”, theo VOA News.

Tại một cuộc họp ở Nhật Bản, các bộ trưởng G-7 “nhấn mạnh rằng Nga phải rút toàn bộ lực lượng và thiết bị khỏi Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện”, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật.

Ngoại trưởng Nhật Hayashi Yoshimasa phát biểu tại một cuộc họp tập trung vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine rằng điều quan trọng là phải duy trì sự thống nhất trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước rằng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, các bộ trưởng G-7 hôm 17/4 lên án động thái này, tái khẳng định rằng “tuyên bố hạt nhân vô trách nhiệm của Nga là không thể chấp nhận được”, tuyên bố cho biết.

Nga từng là một phần của nhóm G-8 khi đó nhưng đã bị trục xuất sau khi nước này sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 17/4 nhấn mạnh số lượng dân thường thiệt mạng liên quan đến bom mìn ở Ukraine ngày càng tăng.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết vấn đề tồi tệ nhất ở các khu vực mà quân đội Nga đã chiếm đóng trước đây, bao gồm Kherson và Kharkiv, và nguy cơ gia tăng khi việc sản xuất nông nghiệp vào mùa xuân đến.

“Hơn 750 thương vong liên quan đến bom mìn của thường dân đã được báo cáo kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược – cứ 8 người thì có 1 người liên quan đến trẻ em. Có thể sẽ mất ít nhất một thập kỷ để Ukraine rà phá bom mìn”, Bộ này cho biết trong bản đánh giá hàng ngày mới nhất.

Nhóm nghị sĩ Pháp thăm Đài Loan, khẳng định chính sách của Paris không thay đổi


Tạ Linh

Các nhà lập pháp Pháp gặp phái đoàn các nhà lập pháp Đài Loan tại Paris. (Ảnh do Văn phòng đại diện Đài Bắc tại Pháp cung cấp ngày 15 tháng 4 năm 2023).

Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Trung Quốc, ông đã thể hiện thái độ khác với lập trường nguyên tắc của Mỹ và Liên minh Châu Âu về vấn đề Đài Loan, gây ra phản ứng dữ dội trong giới chính trị Mỹ và Châu Âu. 

Ngày 17 tháng 4, ông Eric Bothorel – Chủ tịch Nhóm Hữu nghị Đài Loan của Quốc hội Pháp – đã dẫn đầu một nhóm các nghị sĩ đến thăm Đài Loan, và nhắc lại rằng lập trường của chính phủ Pháp là duy trì hiện trạng và chính sách của Pháp đối với quốc đảo này không thay đổi.

Chuyến thăm của các nghị sĩ Pháp tới Đài Loan diễn ra sau khi ông Macron, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí gần đây, nói rằng châu Âu cần trở nên tự chủ chiến lược về kinh tế và quân sự và nên tránh dính líu vào cuộc khủng hoảng Đài Loan hoặc trở thành chư hầu của Mỹ.

Sau khi bị dư luận chỉ trích nặng nề, ông Macron phát biểu trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Lan vào tuần trước rằng: “Người Pháp và người châu Âu đứng trên cùng một lập trường đối với Đài Loan. Chúng tôi ủng hộ hiện trạng. Chính sách này không thay đổi và nó chưa bao giờ thay đổi.”

Để thể hiện bằng những hành động thiết thực, ông Bothorel, chủ tịch Nhóm Hữu nghị Đài Loan của Quốc hội Pháp, cùng với bà Mireille Clapot và ông Michel Herbillon -2 phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đã đến Đài Loan vào sáng ngày 17/4.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Bodohei nói rằng mối quan hệ giữa Pháp và Đài Loan không chỉ là kinh tế và thương mại, và chính sách của Pháp đối với Đài Loan không thay đổi, Pháp ủng hộ việc duy trì hiện trạng và Pháp phản đối việc phong tỏa của Trung Quốc đối với hòn đảo này.

Về tuyên bố của ông Macron rằng Pháp nên đứng ngoài vấn đề Đài Loan, ông Bodohei chỉ ra rằng những gì đang diễn ra ở Đài Loan cũng là những gì đang diễn ra trên thế giới; tuần trước Pháp đã cử tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, điều này cho thấy chính phủ Pháp giữ lập trường là duy trì hiện trạng và chính sách của Pháp đối với Đài Loan không thay đổi.

Các phương tiện truyền thông của Pháp gần đây đưa tin rằng tàu khu trục “Prairial” của Hải quân Pháp đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 9/4. Đó là thời điểm Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo này.

Ông Bodohei nói thêm rằng chuyến thăm Đài Loan này không liên quan đến tình trạng hỗn loạn do Tổng thống Macron gây ra, và Nhóm Hữu nghị Đài Loan đã chuẩn bị cho chuyến thăm này từ rất lâu rồi.

Ông Bodohei nói rằng mục đích quan trọng của chuyến thăm Đài Loan là tái khẳng định tình hữu nghị giữa Pháp và Đài Loan, đồng thời muốn nói với người dân Đài Loan rằng có nhiều giá trị chung giữa Pháp và Đài Loan, như dân chủ, tự do và nhân quyền.

Bắc Kinh cảnh báo Berlin cần tránh “sai lầm chiến lược” về chính sách mới với TQ


Bắc Kinh kêu gọi Berlin tránh “những đánh giá sai lầm chiến lược” trong chính sách của họ đối với Trung Quốc và ủng hộ việc thống nhất Đài Loan một cách hòa bình, khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kết thúc chuyến thăm Trung Quốc ba ngày vào cuối tuần, theo SCMP.

Sau cuộc gặp với bà Baerbock hôm thứ Bảy, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, đã đưa ra bình luận gợi lại việc thống nhất nước Đức.

“Việc trả lại Đài Loan cho Trung Quốc là một phần quan trọng của trật tự quốc tế sau Thế chiến thứ hai,” ông Vương nói, đồng thời đổ lỗi cho “các lực lượng đòi độc lập” ở Đài Loan vì đã cố gắng phá hoại hiện trạng và gây nguy hiểm cho hòa bình ở eo biển Đài Loan.

“Trung Quốc đã từng ủng hộ sự thống nhất của nước Đức, và hy vọng cũng như tin tưởng rằng Đức cũng sẽ ủng hộ mục tiêu thống nhất hòa bình vĩ đại của Trung Quốc,” ông nói.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Baerbock cho biết Đức hiểu “tầm quan trọng và sự nhạy cảm” của vấn đề Đài Loan đối với Trung Quốc và tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”.

Ông Vương cho biết Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên lạc với Đức và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy “sự phát triển lành mạnh” của quan hệ song phương.

Trước đó một ngày, bà Baerbock đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với vấn đề Đài Loan trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương, nói rằng “leo thang quân sự” ở eo biển Đài Loan sẽ là một “kịch bản kinh hoàng” cho toàn thế giới.

Bình luận được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận cường độ cao quanh hòn đảo này để đáp trả cuộc gặp của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở California.

Bà cho biết Đức vẫn cam kết với chính sách “một Trung Quốc” nhưng rất quan ngại về tình hình ở eo biển Đài Loan.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực

Bà Baerbock được cho là sẽ sử dụng chuyến đi Trung Quốc của mình để tái khẳng định sự thống nhất của Liên minh châu Âu về chính sách Trung Quốc sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị khối này không nên theo Hoa Kỳ hay Trung Quốc mà nên có chính sách riêng về Đài Loan, gây ra phản ứng dữ dội ở EU.

Phát biểu trước các bộ trưởng ngoại giao G7 qua liên kết video tại Nhật Bản vào Chủ nhật, ông Josep Borrell, nhà ngoại giao trưởng của EU, cho biết vấn đề Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.

Noah Barkin, một chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc tại Rhodium Group, nói rằng không giống như Tổng thống Pháp Macron, bà Baerbock không ngại nêu ra các vấn đề gây tranh cãi với Bắc Kinh ở chính tại Trung Quốc.

Theo ông Barkin, bà Baerbock là một sự điều chỉnh cần thiết đối với màn trình diễn ngoại giao khó hiểu của Tổng thống Pháp.

Chuyến đi của bà diễn ra khi Đức đang soạn thảo một chiến lược mới về Trung Quốc nhằm giảm đáng kể sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Đề cập đến chiến lược của Đức, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần cương cho biết ông hy vọng Đức có thể đưa ra “lựa chọn chính trị đúng đắn” và tránh “đánh giá sai chiến lược”.

“Trung Quốc và Đức là đối tác, không phải đối thủ. Khi xây dựng các tài liệu chiến lược liên quan đến Trung Quốc, Đức nên xuất phát từ lợi ích sống còn và hạnh phúc của hai nước và nhân dân của họ,” ông nói.

Ông cho rằng Đức không nên lo lắng về “sự phụ thuộc” và “rủi ro” khi phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng “việc tự tay kìm hãm hợp tác kinh tế và thương mại bình thường sẽ phản tác dụng”.

Ông cũng kêu gọi đối xử công bằng và không phân biệt đối xử đối với đầu tư của Trung Quốc vào Đức khi EU tăng cường các biện pháp nhắm mục tiêu vào việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ nhạy cảm, với khả năng cấm thiết bị Huawei và ZTE trong mạng 5G của Đức.

Lê Vy (theo SCMP)

Khai trương Apple Store đầu tiên ở Ấn Độ


Cửa hàng Apple đầu tiên ở Ấn Độ — với đội ngũ ngũ nhân viên nói 20 thứ tiếng — sẽ khai trương vào thứ Ba tại Mumbai. Nó được trang trí bằng đá từ Rajasthan và gạch ốp lát từ Delhi (nơi sẽ chào đón cửa hàng thứ hai của Ấn Độ vào thứ Năm). Độ xa hoa của cửa hàng cho thấy kỳ vọng cao của Apple đối với Ấn Độ, nơi công ty này có hai mục tiêu.

Đầu tiên là người tiêu dùng. iPhone chiếm chưa đến 5% thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ. Nhưng chắc chắn 1,4 tỷ người Ấn Độ sẽ nâng cấp thiết bị khi họ trở nên khá giả hơn. Hồi tháng 2, Apple đã công bố báo cáo tăng trưởng doanh thu hai con số tại quốc gia này, với CEO Tim Cook tự nhận “rất lạc quan về Ấn Độ.”

Thứ hai là các nhà sản xuất. Hầu hết các sản phẩm của Apple đều được lắp ráp tại Trung Quốc. Nhưng covid, lạm phát và các vấn đề địa chính trị đã khiến nước này trở thành một nơi nhiều rủi ro để đặt nhà máy. Một ước tính cho biết đến năm 2025 một phần tư số iPhone xuất xưởng sẽ được sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, trong đó Ấn Độ là nước hưởng lợi nhiều nhất. Bản thân thủ tướng Narendra Modi đã được phát hiện dùng iPhone màu vàng.

Nga xét xử nhà báo Mỹ


Một tòa án Moscow sẽ nghe kháng cáo từ các luật sư của Evan Gershkovich, phóng viên tờ Wall Street Journal hiện đang bị Nga bắt giữ, vào thứ Ba. Ông Gershkovich – người bị bắt vào cuối tháng trước với cáo buộc gián điệp khi đang đi thực địa ở Yekaterinburg, một thành phố miền đông Moscow – phải đối mặt với bản án tù lên tới 20 năm. Toà soạn WSJ “kịch liệt” bác bỏ các cáo buộc chống lại ông; chính phủ Mỹ nói ông Gershkovich đang bị giam giữ một cách sai trái.

Không nhiều khả năng các luật sư có thể thuyết phục được tòa án cho ông tại ngoại hoặc chịu quản thúc tại gia. Hy vọng tốt nhất của Gershkovich có thể là trao đổi tù nhân với Mỹ. Một quan chức cấp cao của Nga đã gợi ý về khả năng này vào ngày 13 tháng 4, nhưng nói rằng nó chỉ có thể xảy ra sau khi kết thúc phiên tòa, mà khả năng sẽ là xử kín và chắc chắn dẫn đến một bản án. Trong lá thư đầu tiên gửi cho cha mẹ ở Mỹ, Gershkovich nói ông “không mất hy vọng.”

Châu Âu khánh thành trung tâm quản lý các thuật toán công nghệ


Các đại diện của Ủy ban châu Âu sẽ khánh thành Trung tâm Minh bạch Thuật toán châu Âu ECAT tại Sevilla, Tây Ban Nha, vào thứ Ba. Nghe như một viện nghiên cứu AI, nơi này sẽ trở thành nhân vật chính trong việc thực thi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU, sẽ có hiệu lực từ tháng 2 năm 2024 nhằm tăng cường quản lý các công ty tìm kiếm trực tuyến và truyền thông xã hội lớn.

ECAT được cho là sẽ giúp các cơ quan quản lý ở Brussels xem xét kỹ lưỡng thuật toán của các công ty này, chẳng hạn như các thuật toán đề xuất nội dung trong feed và kết quả tìm kiếm của người dùng. Nhưng những người hoài nghi cho rằng bấy nhiêu vẫn là không đủ để Ủy ban đảm bảo các doanh nghiệp công nghệ lớn, vốn có nhiều nguồn lực, kể cả nguồn lực hợp pháp, thực sự tuân thủ luật. Họ cũng không nghĩ ECAT sẽ thu hút được đủ nhân lực cần thiết để thực hiện công việc, nhất là khi nhu cầu nhân lực AI đang tăng cao.

Brazil xử các bị can bạo loạn 


Vào thứ Ba, Tòa án Tối cao Brazil sẽ bắt đầu xử những người liên quan đến cuộc bạo loạn 8 tháng 1, khi hàng ngàn người ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro xông vào toà nhà Quốc hội, dinh tổng thống và cơ quan toà án. Toà sẽ xem xét 100 đơn trong tuần này, và nhiều đơn nữa theo sau. Nếu tòa án chấp nhận cáo buộc của công tố, các bị cáo sẽ phải đối mặt với các cáo buộc như “tổ chức tội phạm có vũ trang” và kích động “đảo chính.”

Ông Bolsonaro ở Mỹ trong thời gian diễn ra bạo loạn nhưng — sau nhiều tháng công khai hoài nghi kết quả bầu cử mà ông đã thua — ông cũng có thể trở thành bị cáo. Một phiên tòa vẫn chưa được lên lịch và ông Bolsonaro phủ nhận trách nhiệm, nhưng vào ngày 14 tháng 4, một thẩm phán Tòa Tối cao đã ra lệnh cho ông làm chứng trước cảnh sát.

Toà án dư luận dường như đã đưa ra phán quyết về cuộc bạo loạn. Thăm dò hồi tháng 1 cho thấy 93% người Brazil lên án các vụ bạo loạn và 46% cho rằng các thủ phạm phải đối mặt với công lý. Trong khi đó, quan điểm của công chúng về ông Bolsonaro có thể vẫn chưa rõ ràng cho đến năm 2026, khi ông muốn tái tranh cử tổng thống.

Báo cáo 50 tiểu bang: Các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đang ở trong điều kiện kinh tế tốt nhất 


Tác giả The Center Square – 17/4/2023

Đường chân trời của Thành phố Salt Lake được chụp tại Thành phố Salt Lake, Utah, vào ngày 18/02/2002. (Ảnh: Brian Bahr/Getty Images)

Một báo cáo mới xếp hạng tất cả 50 tiểu bang từ tốt nhất đến tệ nhất về điều kiện kinh tế, cho thấy tiểu bang nào đã cải thiện, và tệ hơn, trong việc tạo ra môi trường kinh tế nơi mà các doanh nghiệp muốn đầu tư.

Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ (ALEC) đã công bố bản phân tích tiểu bang, trong đó xếp hạng Utah là tiểu bang đứng số một, North Carolina đứng thứ hai, và Arizona đứng thứ ba. Idaho và Oklahoma được xếp vào năm vị trí hàng đầu, lần lượt xếp thứ tư và thứ năm.

“Đường dài mới biết ngựa hay,” ông Jonathan Williams, nhà kinh tế trưởng của ALEC, đồng tác giả báo cáo này, nói với The Center Square. “Utah là tiểu bang có dân số phát triển nhanh nhất cả nước, với mức tăng dân số hơn 18% trong thập niên qua. Vì vậy, một trong những chủ đề chính mà chúng tôi thấy không chỉ ở Utah mà ở rất nhiều tiểu bang nằm trong mười tiểu bang hàng đầu hoặc nửa nhóm tiểu bang hàng đầu là các tiểu bang thực hiện đúng chính sách đang thực hiện về vấn đề di cư khi mọi người tiếp tục bỏ phiếu thể hiện quan điểm của mình. Những người nộp thuế đang tiếp tục bỏ phiếu chống lại các tiểu bang có mức thuế cao và hướng tới những tiểu bang mang lại nhiều cơ hội kinh tế hơn, chất lượng cuộc sống thực sự tốt hơn và chi phí cuộc sống thấp hơn.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã làm việc này đủ lâu để thực sự không có những rủi ro hay trục trặc nào.”

ALEC đã tạo bảng xếp hạng của mình bằng cách sử dụng 15 tiêu chí, mà hầu hết những tiêu chí này đều liên quan đến môi trường thuế của tiểu bang. Các tiêu chí này, được đánh giá ngang nhau, như sau:

  • Thuế suất tối đa đối với thu nhập cá nhân
  • Thuế suất tối đa đối với thu nhập doanh nghiệp
  • Lũy tiến thuế thu nhập cá nhân (thay đổi nghĩa vụ về thuế trên mỗi 1,000 USD thu nhập)
  • Gánh nặng thuế tài sản (trên mỗi 1,000 USD thu nhập cá nhân)
  • Gánh nặng thuế bán hàng (trên mỗi 1,000 USD thu nhập cá nhân)
  • Gánh nặng thuế còn lại (trên mỗi 1,000 USD thu nhập cá nhân)
  • Thuế địa sản/thừa kế
  • Những thay đổi về thuế được luật hóa gần đây (2020 & 2021, trên mỗi 1,000 USD thu nhập cá nhân)
  • Mức chi trả nợ như một phần của doanh thu thuế
  • Công chức trên mỗi 10,000 dân số (tương đương với làm việc toàn thời gian)
  • Khảo sát Hệ thống Trách nhiệm pháp lý của Tiểu bang (giải quyết kiện tụng ngoài hợp đồng, tính công bằng tư pháp, v.v.)
  • Mức lương tối thiểu của tiểu bang (mức sàn của liên bang là 7.25 USD)
  • Chi phí bồi thường cho người làm việc trung bình (trên mỗi 100 USD tiền lương)
  • Tiểu bang có luật được làm việc không? (tùy chọn tham gia hoặc trợ giúp một nghiệp đoàn)
  • Số giới hạn chi tiêu thuế

Ở cuối bảng xếp hạng này là New York, tiểu bang tệ nhất theo các tiêu chí của ALEC. Vermont được xếp hạng thứ 49, Minnesota đứng thứ 48, và New Jersey đứng thứ 47. Illinois đứng ở vị trí thứ 46, và California xếp thứ 45.

“Đây không phải là lý thuyết đơn thuần,” ông Williams nói. “Đây là những đề mục mà chúng tôi biết cả từ một góc độ học thuật, những chính sách mà chúng tôi theo dõi … những điều mà chúng tôi biết là quan trọng từ một góc độ lịch sử, nhưng trong 16 năm qua, điều này đã thực sự gây kinh ngạc khi xem xét. Đó không chỉ là một giả thuyết. Điều này này thực sự phát sinh trong thực tế.”

Đa phần các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đều chiếm phần tốt hơn trong bảng xếp hạng này trong khi các tiểu bang do Đảng Dân Chủ lãnh đạo lại tụt xuống cuối bảng. Mười tiểu bang hàng đầu hầu như hoàn toàn do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo, và mười tiểu bang cuối bảng đều do Đảng Dân Chủ lãnh đạo.

Ông Williams nói: “Các tiểu bang tuân theo thể thức thị trường tự do giữ mức thuế thấp và hạn chế các quy định, trao quyền cho người làm công ăn lương, trao quyền cho người nộp thuế trên toàn diện là những tiểu bang phát triển nhanh nhất ở Mỹ.”

Bảng xếp hạng đầy đủ các tiểu bang, từ tốt nhất đến tệ nhất theo các tiêu chí của ALEC:

  1. Utah
  2. North Carolina
  3. Arizona
  4. Idaho
  5. Oklahoma
  6. Wyoming
  7. Indiana
  8. North Dakota
  9. Florida
  10. Nevada
  11. Tennessee
  12. Georgia
  13. Texas
  14. South Dakota
  15. Arkansas
  16. Michigan
  17. Wisconsin
  18. Virginia
  19. New Hampshire
  20. Ohio
  21. South Carolina
  22. Mississippi
  23. Alaska
  24. Alabama
  25. Colorado
  26. Louisiana
  27. Kentucky
  28. West Virginia
  29. Delaware
  30. Kansas
  31. Missouri
  32. Iowa
  33. Montana
  34. Washington
  35. Pennsylvania
  36. Nebraska
  37. Massachusetts
  38. New Mexico
  39. Connecticut
  40. Rhode Island
  41. Maryland
  42. Hawaii
  43. Oregon
  44. Maine
  45. California
  46. Illinois
  47. New Jersey
  48. Minnesota
  49. Vermont
  50. New York

Do Casey Harper của The Center Square thực hiện – Thanh Tâm biên dịch

Ngưng nhập ngũ cốc : Ukraina và Ba Lan đàm phán để thoát bế tắc


18/4/2023

(Ảnh minh họa) – Một kho chứa ngũ cốc ở làng Zghurivka, Ukraina, ngày 09/08/2022. AP – Efrem Lukatsky

Minh Anh /RFI

Kiev và Vacxava, hôm qua, 17/04/2023, đã khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận sau khi Ba Lan hôm thứ Bảy, 15/4, quyết định ngừng nhập khẩu ngũ cốc Ukraina, với lý do gây bất ổn thị trường nông nghiệp trong nước. Quyết định này đã bị Liên Hiệp Châu Âu lên án là « không thể chấp nhận ».

Trả lời AFP, phát ngôn viên bộ Chính sách Nông nghiệp Tetiana Loupova hôm qua khẳng định hai nước vẫn đang tiến hành đàm phán về xuất khẩu nông sản Ukraina sang Ba Lan hoặc trung chuyển qua nước này.

Truyền thông Ba Lan xác nhận tin này và cho biết các cuộc đàm phán diễn ra ở thủ đô Vaxava.

Hôm thứ Bảy 15/04, Ba Lan , Hungary và Slovakia đồng loạt thông báo tạm ngưng nhập khẩu các loại ngũ cốc và nhiều nông sản khác từ Ukraina. Nhiều nước láng giềng Ukraina đang phải đối mặt với làn sóng nông dân bất bình vì nông sản Ukraina (bắp, lúa mì hay hướng dương) ồ ạt tràn vào, gây giảm giá và các kho trữ bị quá tải.

Nguyên nhân là năm 2022, Liên Hiệp Châu Âu đã tạm ngưng áp thuế tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Ukraina và tạo điều kiện để Ukraina xuất khẩu ngũ cốc bằng cách trung chuyển qua các cảng biển châu Âu sau khi các tuyến vận chuyển qua Biển Đen đã bị đóng do cuộc chiến xâm lược của Nga.