Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 0
Total Users : 13500
Total views : 136655
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Thời sự Thứ sáu 29 tháng 7 năm 2022 –

Võ Thái Hà tổng hợp

Hoa Kỳ: Bà Nancy Pelosi bắt đầu thăm châu Á nhưng chưa rõ có tới Đài Loan

Tank Man

Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khai trương tượng ‘Người chọi lại xe tăng’ (Tank Man) lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh của sinh viên, công nhân TQ tháng 6/1989 ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh

Thứ Sáu tuần này, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi bắt đầu bay sang châu Á, thăm Nhật Bản, Indonesia và Singapore.

Tuy thế, việc bà có đến thăm Đài Loan như dự định được nêu ra trước đó mới là chủ đề dư luận quốc tế quan tâm.

Theo Bloomberg ngày 29/07, chuyến thăm của bà Pelosi và một phái đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ tới thăm hòn đảo bị Trung Quốc coi là “ly khai”, “vẫn còn đặt dưới câu hỏi”.

Cùng thời gian, hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Ronald Reagan đang tiến vào vùng biển Đông Nam Á, và một drone vũ trang của Trung Quốc bay qua vùng biển phía Đông Đài Loan.

Đài Loan trước đó đã hoan nghênh mọi chuyến thăm cao cấp từ Mỹ nhưng tuần này tập trung sự chú ý hơn vào bầu cử địa phương, và cuộc tậ̣p trận Hán Quang.

Tuy đây chỉ là cuộc diễn tập quân sự thường niên, phía Đài Loan tung ra các vụ bắn đạn thật trên biển, với sự tham gia của trực thăng chống ngầm, và tàu ngầm.

Đây là các diễn biến khiến bối cảnhh quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng.

Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden vừa có cuộc hội đàm tay đôi với Chủ tịch Tập Cận Bình để bàn về những điểm Mỹ-Trung có thể hợp tác.

Trong hai giờ trao đổi qua đường video hôm 28/07, hai nhà lãnh đạo đã bàn về Đài Loan, nhưng là cảnh báo lẫn nhau không làm vấn đề leo thang.

Tổng thống Mỹ nói với nhà lãnh đạo TQ rằng chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan “không thay đổi”.

Về nội bộ Hoa Kỳ, trước đó, ông Biden đã nói thẳng ông không đồng ý với kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi, nhân vật thứ ba trong hệ thống quyền lực Mỹ.

Với ông Tập Cận Bình, việc duy trì “hòa bình trên Eo biển Đài Loan” và cải thiện quan hệ với Mỹ là rất quan trọng trước kỳ Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến vào tháng 10 tới.

Khủng hoảng trở lại?

Theo CNN hôm 29/07, nếu chuyến thăm xảy ra, quan hệ Trung-Mỹ có thể rơi vào điểm khủng hoảng không khác lần Trung Quốc bắn hỏa tiễn cấp tập ra Eo biển Đài Loan năm 1995, khi Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy thăm Hoa Kỳ.

CNN trích lời bà Susan L. Shirk, chủ tịch Trung tâm mang tên The 21st Century China Center ở Đại học UC San Diego nói “Người Trung Quốc coi chuyện bà Pelosi [đi Đài Loan] là rất nghiêm trọng, vì bà là lãnh đạo thứ ba có thể lên làm tổng thống, chỉ sau đương kim phó tổng thống”.

Việc bà Pelosi “thăm Đài Loan” có tầm vóc khác hẳn chuyến thăm của các dân biểu liên bang Mỹ, vì bà “là nhân vật rất quan trọng trong chính trường Hoa Kỳ”, bà Shirk nói.

Thành phần phái đoàn “dự kiến thăm Đài Loan” của Hạ viện Mỹ được cho là gồm các nghị sĩ trong Ủy ban Đối ngoại đầy quyền lực, thuộc cả hai đảng: ông Michael McCaul (Cộng hòa), bà Anna Eshoo (Dân chủ), theo đài NBC hôm thứ Tư.

Bà Pelosi từ lâu nay đã giữ quan điểm ủng hộ phong trào dân chủ Trung Quốc, và gần đây hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga.

Sang thăm Nhật Bản lần này, bà dự kiến sẽ hội đàm cùng Thủ tướng Fumio Kishida và Chủ tịch Hạ viện Hiroyuki Hosoda, theo tờ Japan Times.

“Cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine và thái độ ngày càng cứng rắn của TQ ở Thái Bình Dương sẽ là đề tài thảo luậ̣n của bà Pelosi ở Nhật”, trang báo này cho hay.

Mỹ-Trung: Tập Cận Bình và Joe Biden đồng ý một cuộc gặp thượng đỉnh

29/7/2022

Ảnh tư liệu: Từ Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 18/03/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm qua video với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. AFP – –

Hôm qua, 28/07/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một cuộc điện đàm hơn hai giờ đồng hồ. Trong cuộc trao đổi « từ xa » thứ năm, được đánh giá là « thẳng thắn », hai lãnh đạo đã đề cập đến nhiều chủ đề gây bất đồng giữa hai nước, đặc biệt là hồ sơ Đài Loan.

Từ Miami, thông tín viên đài RFI David Thomson tóm lược thông tin về cuộc điện đàm :

« Đây là một cuộc trao đổi thẳng thắn qua điện thoại. Joe Biden và Tập Cận Bình đã đề cập đến nhiều chủ đề căng thẳng, đầu tiên là hồ sơ Đài Loan.

Trong bản ghi nhớ nội dung trao đổi, tổng thống Mỹ cho biết có nhắc với đồng nhiệm Trung Quốc rằng “Hoa Kỳ cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hay đe dọa hòa bình tại eo biển Đài Loan”.

Theo CIA, kịch bản một cuộc xâm lược từ Trung Quốc giờ là khả tín. Hồi tháng Năm năm nay, ông Joe Biden từng tuyên bố Mỹ sẵn sàng bảo vệ hòn đảo bằng quân sự. Ở bên kia đầu dây, Tập Cận Bình đáp trả: “Những ai đùa với lửa rồi có ngày sẽ bị bỏng”.

Một điểm bất đồng khác cũng được đề cập đến trong suốt hai giờ thảo luận giữa Joe Biden và Tập Cận Bình : Mức thuế hải quan 25% do Donald Trump áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hoa Kỳ dự trù dỡ bỏ biện pháp đó nhằm kềm hãm lạm phát. Nhưng trong hồ sơ này, chưa có một tiến bộ nào được ghi nhận trong suốt cuộc gọi.

Theo Nhà Trắng, bất chấp những căng thẳng nói trên, Joe Biden và Tập Cận Bình đã đồng ý để các ê-kíp của mình tìm một thời điểm để hai ông trực tiếp gặp nhau, nhưng không thông báo một lịch trình nào cả. »

AFP nhắc lại, trong những ngày gần đây, Trung Quốc mạnh mẽ phản đối ý định thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, xem đấy như là một hành động khiêu khích quan trọng từ phía Washington. Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đã tuyên bố với báo chí rằng nếu bà Pelosi có yêu cầu « hỗ trợ quân sự », ông sẽ làm « những gì cần thiết để bảo đảm tiến hành an toàn » chuyến thăm Đài Loan của bà.

Mỹ triển khai hàng không mẫu hạm đến Biển Đông trước bà Pelosi có thể thăm Đài Loan

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/07/QZOFCWSBRVGINJD5HNR3JXDPTY.jpg

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan

Theo phát ngôn viên của Hải quân Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc đã cử một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đến Biển Đông trong bối cảnh có nhiều khả năng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi Sẽ thăm Đài Loan.

“Tôi có thể xác nhận Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhóm tấn công của nó hiện đang trên đường hoạt động ở Biển Đông sau chuyến thăm cảng thành công tới Singapore,” phát ngôn viên Hải quân, Trung tá Mark Langford nói với các phương tiện truyền thông hôm thứ Năm.

“Liên quan đến chính sách, chúng tôi không thảo luận về việc di chuyển của tàu trong tương lai; tuy nhiên, tôi sẽ nói thêm rằng tàu Reagan đang tiếp tục các hoạt động bình thường, theo lịch trình, như một phần của cuộc tuần tra định kỳ nhằm hỗ trợ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Nhóm tấn công tàu sân bay đã tiến đến Biển Đông sau khi rời Căn cứ Hải quân Changi ở Singapore hôm thứ Ba, Hạm đội 7 của Mỹ cũng cho biết trong một tuyên bố với Bloomberg News trong tuần này.

Bất kỳ chuyến công du nước ngoài nào của một nhà lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ đều cần được đảm bảo an ninh bổ sung. Nhưng các quan chức tuần này cho biết chuyến thăm Đài Loan của Pelosi, nếu được thực hiện, vượt ra ngoài các biện pháp phòng ngừa thông thường. Bà sẽ là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ thăm Đài Loan kể từ năm 1997.

Tuy vậy, cho đến hiện tại, bà Pelosi chưa công khai xác nhận bất kỳ kế hoạch mới nào cho chuyến đi Đài Loan. Trước đó, hồi tháng 4, bà đã dự định đến thăm hòn đảo, nhưng đã hoãn lại chuyến đi sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Hôm thứ Tư, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley nói với các phóng viên rằng “nếu có quyết định đưa ra rằng Chủ tịch Hạ viện Pelosi hoặc bất kỳ ai khác sẽ đi công tác và họ yêu cầu hỗ trợ quân sự, chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo chuyến thăm của họ được tiến hành an toàn.”

Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden tuần trước đã nêu quan ngại về chuyến thăm và nói với các phóng viên rằng quân đội tin rằng chuyến đi của bà “không phải là một ý kiến ​​hay vào lúc này”.

Các báo cáo về việc nhóm tàu ​​sân bay được huy động ở Biển Đông được đưa ra trước cuộc gọi ​​giữa ông Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về Đài Loan.

Trong một diễn biến khác, bà Pelosi được cho là đã mời ít nhất ba nhà lập pháp tham gia chuyến đi dự kiến của bà đến Đài Loan, theo một số liên hệ quen thuộc với vấn đề này, NBC News đưa tin.

Dân biểu Michael McCaul (đảng Cộng hòa, bang Texas), Đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Điện Capitol Hoa Kỳ rằng ông và Chủ tịch Ủy ban Gregory Meeks (đảng Dân chủ, bang New York) có tên trong danh sách.

Tuyên bố của ông dường như xác nhận chuyến đi của bà Pelosi tới hòn đảo.

Xuân Lan

Miến Điện, cơn ác mộng triền miên

Những nỗi lo về việc tổ chức Thế vận hội Paris 2024, bệnh viện Pháp thiếu nhân lực và phương tiện, vấn đề tiết kiệm năng lượng là những chủ đề chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay.

Về châu Á, các báo đều chú ý đến sự kiện tập đoàn quân sự Miến Điện hành quyết bốn tử tù, trong đó có hai người là cựu dân biểu và nhà đấu tranh. Đây là lần đầu tiên kể từ 1988 án tử hình được thi hành, trong khi Miến Điện có 114 tử tù kể từ sau cuộc đảo chánh tháng 2/2021. Chế độ vào cuối tháng Ba từng hăm dọa « không thương lượng nữa, sẽ tiêu diệt đến cùng » phe đối lập, và nay bắt đầu thực hiện.

Trong một đất nước có hơn 100 sắc tộc khác nhau, liên tục có những dịp xảy ra xung đột. Thời kỳ được tương đối tự do khá ngắn ngủi (2015-2021) vẫn có những vụ bạo động, người Rohingya bị đàn áp đẫm máu và nay Hoa Kỳ chính thức gọi là diệt chủng. La Croix nhắc lại, bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình đã bị các tổ chức phi chính phủ tố cáo là đồng lõa với quân đội. Nay bà đang bị quân đội – từng được bà bênh vực – giam giữ ở một địa điểm bí mật. Điều này cho thấy sự phức tạp của cơn ác mộng khôn nguôi ở Miến Điện.

Chuyến tàu ngũ cốc đầu tiên rời Odessa

Một con tàu chở đầy ngũ cốc Ukraine đã sẵn sàng rời Odessa vào thứ Sáu. Đây sẽ là chuyến hàng đầu tiên rời cảng theo thỏa thuận vào tuần trước do tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan làm trung gian.

Bất chấp việc Nga tấn công tên lửa vào cảng Odessa chỉ một ngày sau khi ký, thỏa thuận vẫn tồn tại cho đến nay. Một trung tâm điều phối ở Istanbul, với sự tham gia của các quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ, sẽ kiểm tra các tàu ra vào cảng của Ukraine để đảm bảo chúng không mang theo vũ khí. Ukraine có thể sẽ phải rà phá ngư lôi phòng thủ để tạo hành lang cho tàu chở hàng.

Thỏa thuận này có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu gây ra bởi lệnh phong tỏa ngũ cốc. Nhưng vẫn còn nhiều bất an. Chi phí bảo hiểm cho các chuyến hàng qua Biển Đen đã tăng vọt vì các công ty lo ngại Nga tấn công. Và Nga hoàn toàn có thể một lần nữa phá hoại thỏa thuận.

Mỹ thông qua dự luật thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn

Đạo luật Khoa học và CHIPS, một dự luật nhằm xây dựng sức mạnh công nghệ của Mỹ bằng cách thúc đẩy sản xuất chip và đối phó với Trung Quốc, đã đi qua một chặng đường đầy thử thách. Phiên bản đầu tiên của nó được đề xuất vào năm 2020. Phải hai năm sau, tức đến tuần này, nó mới được Thượng viện và Hạ viện thông qua. Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​sẽ ký thành luật vào thứ Sáu.

Dự luật phân bổ khoảng 52 tỷ đô la cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm các khoản trợ cấp để sản xuất chip ở Mỹ. Ngoài ra 200 tỷ đô la sẽ được dành cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo hay sản xuất tiên tiến.

Có rất nhiều người hoài nghi về tác động của dự luật. Lợi thế của Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn nằm ở khâu thiết kế chứ không phải sản xuất, nhưng đạo luật lại tập trung vào sản xuất. Ngoài ra quản lý một lượng tiền lớn cho ngành khoa học cũng là thách thức không nhỏ. Nhưng trong bối cảnh nền chính trị Mỹ phân cực sâu sắc, việc Quốc hội đồng ý về một sáng kiến ​​lớn như vậy là rất đáng chú ý.

Mỹ và Nga tranh giành cảng biển chiến lược của Hy Lạp

Trước đây sẽ không ai quan tâm đến việc tư nhân hóa cảng Alexandroupolis của Hy Lạp. Nhưng tầm quan trọng chiến lược của cảng này đã tăng lên đáng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Nằm trên biển Aegean, Alexandroupolis có các liên kết đường bộ và đường sắt với sườn phía đông của NATO và Ukraine. Tới nay quân đội Mỹ đã chuyển 630 xe tải và xe lửa chở khí tài quân sự qua Alexandroupolis, và sẽ còn tăng thêm. Anh và Ý cũng có ý định sử dụng nó.

Thứ Sáu này là hạn chót nộp thầu cho bốn tập đoàn đang muốn tiếp quản Alexandroupolis. Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Joe Biden muốn quyền sử dụng 40 năm về tay một trong hai ứng viên của các nhà đầu tư Mỹ. Hai nhà thầu còn lại có liên kết với Nga. Một trong số đó là công ty có liên hệ với Dimitris Copelouzos, một tỷ phú Hy Lạp có quan hệ lâu năm với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, vốn đang được coi là ứng viên dẫn đầu cuộc đấu thầu. Alexandroupolis có thể sớm trở thành một điểm nóng địa chính trị.

Nga lần đầu tiên tấn công Kyiv sau nhiều tuần

Huyền Anh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/07/ntdvn_1-2111.jpeg

Các binh sĩ Ukraine khai hỏa bằng pháo tự hành 155 mm / 52 ly Caesar của Pháp về phía các vị trí của Nga tại chiến tuyến ở khu vực Donbas, miền Đông Ukraine vào ngày 15/6/2022. (Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty Images)

Các lực lượng Nga đã tấn công hỏa tiễn vào khu vực Kyiv vào thứ Năm (28/7), lần đầu tiên trong nhiều tuần và tấn công cả khu vực phía bắc Chernihiv. Ukraine nói đây là hành động là trả thù vì đã đứng lên chống lại Điện Kremlin.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine tuyên bố sẽ phản công giành lại Kherson bị chiếm đóng ở phía nam đất nước, vùng lãnh thổ vốn bị Nga chiếm đóng từ những ngày đầu cuộc chiến.

Theo ông Oleksii Hromov, một quan chức cấp cao của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, Nga đã tấn công khu vực Kyiv bằng 6 tên lửa được phóng từ Biển Đen, đánh trúng một đơn vị quân sự ở làng Liutizh nằm ở ngoại ô thủ đô Kyiv.

Ông cũng thông báo rằng cuộc tấn công đã đánh sập một tòa nhà và phá huỷ hai tòa nhà khác, trong khi quân đội Ukraine bắn hạ được một trong những tên lửa ở thị trấn Bucha.

15 người bị thương trong các cuộc không kích của Nga, 5 trong số đó là dân thường, Thống đốc khu vực Kyiv Oleksiy Kuleba cho biết.

Ông Kuleba liên kết các vụ tấn công với Ngày của Nhà nước, một ngày kỷ niệm mà Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã thiết lập vào năm ngoái và Ukraine đã đánh dấu thời điểm vào thứ Năm.

Thống đốc khu vực Chernihiv Vyacheslav Chaus cũng xác nhận Nga đã phóng tên lửa từ lãnh thổ của Belarus ở làng Honcharivska. Trước đó, khu vực Chernihiv cũng đã không bị nhắm mục tiêu trong nhiều tuần.

Quân đội Nga đã rút khỏi vùng Kyiv và Chernihiv từ nhiều tháng trước. Các cuộc tấn công mới diễn ra một ngày sau khi thủ lĩnh phe ly khai ủng hộ Điện Kremlin ở phía đông, Denis Pushilin, kêu gọi các lực lượng Nga “giải phóng các thành phố của Nga do người Nga thành lập như: Kyiv, Chernihiv, Poltava, Odesa, Dnipropetrovsk, Kharkiv, Zaporizhzhia, Lutsk”.

Trong khi đó, Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cũng hứng chịu một loạt pháo kích trong đêm, theo thị trưởng. Các nhà chức trách cho biết một sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Nga vào một nhà máy điện ở vùng Kharkiv.

Thành phố Mykolaiv phía nam cũng bị bắn phá, với một người được báo cáo bị thương.

Trong khi đó, quân đội Ukraine tiếp tục phản công ở khu vực Kherson, đánh sập một cây cầu quan trọng bắc qua sông Dnepr hôm thứ Tư (27/7).

Truyền thông Ukraine dẫn lời cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich cho biết chiến dịch giải phóng Kherson đang được tiến hành, trong đó các lực lượng của Kyiv dự định cô lập quân đội Nga và khiến họ có ba lựa chọn – “rút lui, đầu hàng hoặc bị tiêu diệt”.

Ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết phía Nga đang tập trung tối đa lực lượng theo hướng Kherson, đồng thời cảnh báo: “Một cuộc di chuyển quy mô rất lớn của quân đội Nga đã bắt đầu”.

Quân đội Anh cho biết Ukraine đã sử dụng loại pháo tầm xa mới do phương Tây cung cấp để làm hư hại ít nhất ba trong số các cây cầu bắc qua sông Dnepr mà Nga dựa vào để cung cấp cho lực lượng của mình.

Văn phòng Tổng thống Ukraine sáng 28/7 cho biết, các cuộc pháo kích của Nga vào các thành phố và làng mạc trong 24 giờ qua đã giết chết ít nhất 5 dân thường và 9 người bị thương, tất cả đều ở tỉnh Donetsk phía đông Ukraine.

Giao tranh trong những tuần gần đây tập trung vào tỉnh Donetsk. Các lực lượng Nga dường như tái xuất sau một “thời gian tạm dừng hoạt động”. Trước đó, Moscow đã chiếm được tỉnh Luhansk lân cận.

Sứ quán: Tàu Syria chở ‘lúa mạch, bột mì ăn cắp của Ukraine’ cập cảng Tripoli – 29/7/2022 – Reuters

Hình minh họa: tàu của Syria

Một con tàu của Syria chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã cập cảng Tripoli, miền bắc Li-băng, chở lúa mạch và lúa mì mà tòa đại sứ Ukraine ở Beirut nói với Reuters hôm 28/7 là đã bị Nga cướp từ các kho hàng của Ukraine.

Chiếc Laodicea cập cảng Tripoli ngày 27/7, theo trang dữ liệu vận chuyển MarineTraffic.

Tòa đại sứ Ukraine nói với Reuters: “Con tàu đã đi từ một cảng Crimea hiện đóng cửa đối với vận chuyển quốc tế, chở 5.000 tấn lúa mạch và 5.000 tấn bột mì mà chúng tôi nghi ngờ ăn cắp từ các kho của Ukraine”.

“Đây là lần đầu tiên một chuyến hàng ngũ cốc và bột mì bị đánh cắp đến Li-băng”, tuyên bố của sứ quán Ukraine cho biết.

Đại sứ Ukraine Ihor Ostash đã gặp Tổng thống Li-băng Michel Aoun hôm 28/7 để thảo luận về chuyến hàng, khuyến cáo rằng việc mua hàng hóa bị đánh cắp của Ukraine sẽ ‘gây hại cho mối quan hệ song phương’ giữa Kiev với Beirut, tòa đại sứ nói với Reuters.

Một quan chức Li-băng xác nhận rằng vấn đề đã được nêu ra trong cuộc gặp ngày 28/7 với Tổng thống Aoun và lưu ý những lo ngại chung của Ukraine rằng Nga có thể tìm cách bán lúa mì ăn cắp của Ukraine cho một loạt quốc gia trong đó có Li-băng.

Người đứng đầu cảng Tripoli đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Tàu Laodicia là một trong bộ ba con tàu thuộc sở hữu của chính quyền cảng Syria mà Ukraine cho biết đã vận chuyển lúa mì cướp được từ các kho trên lãnh thổ Ukraine bị Nga đánh chiếm gần đây.

Trước đó, Nga đã bác cáo giác rằng họ ăn cắp ngũ cốc của Ukraine.

Cả ba con tàu này đều đã bị Hoa Kỳ chế tài từ năm 2015.

Tiếp thái tử Ả Rập Xê Út tại điện Elysée, tổng thống Pháp Macron bị chỉ trích

29/7/2022

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) đón hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman tại điện Elysée, Paris, ngày 28/07/2022. AP – Lewis Joly

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman hôm nay 29/07/2022 đã cảm ơn tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi “được tiếp đón nồng nhiệt” ở Paris, trong bối cảnh chuyến thăm này làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ những nhà bảo vệ nhân quyền.

Ông Macron đã tay bắt mặt mừng với thái tử Ả Rập Xê Út sau khi hai người đã dự bữa tối tại điện Elysée vào hôm qua 28/07.

Đây là chuyến thăm Pháp đầu tiên của Mohammed bin Salman, được gọi tắt là “MBS”, kể từ sau vụ ám sát nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi hồi năm 2018.

Trong thông điệp gửi tới ông Macron, thái tử bin Salman bày tỏ với tổng thống Pháp “lòng biết ơn sâu sắc” và “cảm ơn về sự đón tiếp nồng hậu và lòng hiếu khách” đã dành cho ông trong chuyến thăm chính thức này.

Ông nói thêm rằng các cuộc trao đổi với lãnh đạo Pháp đã “khẳng định mong muốn chung của hai bên trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trên mọi lĩnh vực” và tiếp tục phối hợp và tham vấn về các vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, đồng thời tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực. Hai lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến việc muốn giảm thiểu các tác động của cuộc chiến tranh ở Ukraina đối với châu Âu và Trung Đông.

Về phần mình, Hatice Cengiz, vị hôn thê của nhà báo Jamal Khashoggi, hôm qua cho biết cảm thấy “bị xúc phạm” khi thấy tổng thống Emmanuel Macron tiếp kẻ hành quyết hôn phu của cô với những nghi lễ trang trọng nhất.

Vốn được ca ngợi vì những cải cách, thái tử bin Salman tuy nhiên bị chỉ trích vì các vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến về tôn giáo, chính trị, kinh tế và thậm chí những người hoàng gia.

ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

2022.7.29

ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

Tuần duyên Philippines quan sát các tàu cá Trung Quốc ở đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa hôm 14/4/2021 /AFP

Giới chức Trung Quốc và ASEAN sẽ sớm có thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines phụ trách vấn đề ASEAN Daniel Espiritu cho biết như vậy hôm 29/7.

Ông Espiritu cho biết: “Vào lúc này, các đàm phán đang tiếp tục. Chúng tôi đang thảo luận các điều khoản chung. Hy vọng, trong vòng vài tháng tới chúng tôi sẽ thảo luận về cơ chế của COC”.

Các thảo luận về COC giữa ASEAN và Trung Quốc đã diễn ra từ hơn 10 năm nay mà chưa đạt được kết quả đáng kể nào kể từ sau khi hai bên đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002.

Trong số 10 nước thành viên ASEAN, có bốn nước hiện đang có những đòi hỏi về chủ quyền chồng lấn ở khu vực Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền đến hơn 80% diện tích. Đó là các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei.

Các nước ASEAN mong muốn COC mới sẽ có tính ràng buộc hơn về mặt pháp lý, giúp kiểm soát và ngăn ngừa những xung đột có thể xảy ra ở khu vực đường biển quốc tế quan trọng này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh và ASEAN hiện vẫn còn những bất đồng liên quan đến các điều khoản của COC như phạm vi của COC, hoạt động tập trận và thăm dò dầu khí giữa các nước trong khu vực với các quốc gia bên ngoài.

Hồi năm 2019, hai bên đã đạt được Văn bản dự thảo đàm phán duy nhất của COC. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán sau đó đã bị chững lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.