Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 1
Total Users : 13501
Total views : 136658
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Thời sự Thứ sáu 21/4/2023: * Hỏa tiễn SpaceX nổ trên Vịnh Mexico * CH Hạ viện kêu gọi mời TT Đài Loan dự APEC * Ý rút khỏi ​​“Vành đai và Con đường” * TT Zelensky ca ngợi TTK NATO Jens Stoltenberg tới Kyiv * Hàn Quốc ‘sẽ bán cho Ba Lan vũ khí nặng’ * Hội nghị bàn viện trợ cho Ukraine

Võ Thái Hà tổng hợp

Hỏa tiễn SpaceX cao gần 122m phát nổ trên Vịnh Mexico 


Tác giả Jack Phillips – 21/4/2023

Tàu vũ trụ thế hệ mới Starship của SpaceX ở phía trên hỏa tiễn Siêu Nặng có lực mạnh tự hủy sau khi phóng từ bệ phóng Boca Chica của công ty này trong một chuyến bay thử nghiệm ngắn không có phi hành đoàn gần Brownsville, Texas, hôm 20/04/2023, trong một bức ảnh tĩnh chụp từ video. (Ảnh: SpaceX/Tư liệu báo chí qua Reuters)

Công ty SpaceX của ông Elon Musk đã phóng hỏa tiễn Starship đầu tiên của mình vào sáng hôm 20/04 trong một chuyến bay thử nghiệm không có phi hành đoàn. Chỉ vài phút sau khi rời khỏi mặt đất, phi thuyền này đã phát nổ trên bầu trời Vịnh Mexico gần Texas.

“Như thể chuyến bay thử nghiệm này vẫn chưa đủ thú vị, Starship đã trải qua một cuộc tháo gỡ nhanh chóng ngoài dự kiến trước khi tách rời bộ phận hỏa tiễn,” công ty thám hiểm không gian tư nhân này viết trên Twitter. “Các đội sẽ tiếp tục xem xét dữ liệu và nỗ lực hướng tới chuyến bay thử nghiệm tiếp theo của chúng tôi.”

Công ty này viết rằng với thử nghiệm thất bại này, công ty sẽ “học hỏi” từ những sai lầm của mình. “Thử nghiệm hôm nay sẽ giúp chúng tôi cải thiện độ tin cậy của Starship khi SpaceX tìm cách tạo ra sự sống đa hành tinh,” công ty này cho biết.

“Xin chúc mừng toàn bộ nhóm SpaceX về chuyến bay thử nghiệm tích hợp đầu tiên đầy thú vị của Starship!” SpaceX đã viết.

Đoạn video trực tiếp về cuộc thử nghiệm cho thấy hỏa tiễn di chuyển trong vài phút trước khi nó dường như bị hỏng. Hỏa tiễn không người lái này sau đó đã phát nổ giữa không trung.

Công ty của ông Musk đang tìm cách phóng một hỏa tiễn cao gần 122m trong hành trình vòng quanh thế giới từ phần phía nam của Texas, nằm gần biên giới Mexico. Cả hỏa tiễn đẩy và tàu vũ trụ đều được dự kiến sẽ rơi xuống biển.

Ông Musk viết trên Twitter ngay sau chuyến bay thử nghiệm kéo dài hơn 3 phút rằng công ty này đã “học hỏi được rất nhiều” và gợi ý rằng họ sẽ thực hiện “lần phóng thử nghiệm tiếp theo sau vài tháng nữa.”

Một số lượng lớn khán giả đã chứng kiến màn phóng này từ Đảo Nam Padre, nằm cách bãi phóng Boca Chica Beach vài dặm. Nỗ lực phóng hỏa tiễn Starship đầu tiên của SpaceX đã bị hủy bỏ vào ngày 17/04 do van tăng áp bị đóng băng.

“Tai nạn là một phần trong công việc của chúng tôi, và đó là một khả năng khá thực tế,” một quan chức FAA nói với các phóng viên trước vụ phóng hôm 20/04. “Chúng tôi thấy điều này khá thường xuyên xảy ra khi lần đầu tiên phóng các phương tiện vũ trụ mới và có phần nào đó chưa được chứng minh, [với] tỷ lệ khoảng 11 phần trăm. Vì vậy, xảy ra tai nạn ở đây sẽ không phải là đặc biệt bất thường.”

“Tất nhiên, công việc của chúng tôi là bảo đảm rằng nếu xảy ra tai nạn, thì tai nạn đó không ảnh hưởng xấu đến dân chúng. Vì thế, đó là trọng tâm mà chúng tôi có trong hoạt động cấp phép của mình.”

Công ty này dự định sử dụng Starship để đưa người và hàng hóa lên mặt trăng và, cuối cùng là lên Hỏa tinh. NASA đã dành riêng một chiếc Starship cho đội đi bộ trên mặt trăng tiếp theo của mình, và những du khách giàu có đã đặt trước các chuyến bay ngang qua mặt trăng. Các phiên bản trước đó của hỏa tiễn này đã được đưa vào tầng bình lưu.

Cả hỏa tiễn đẩy Super Heavy ở tầng dưới và tàu Starship ở tầng trên mà hỏa tiễn này sẽ mang lên vũ trụ đều được thiết kế dưới dạng các bộ phận có thể tái sử dụng, có khả năng bay trở lại Trái Đất với mục đích hạ cánh mềm — một thao tác đã trở thành thông lệ trong hàng chục nhiệm vụ cho các tàu nhỏ hơn của SpaceX, hỏa tiễn lớp quỹ đạo Falcon 9.

Thế nhưng cả hai bộ phận hỏa tiễn không được thu hồi được sau lần phóng hôm 20/04. Thay vào đó, cả hai bộ phận này đã kết thúc chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của mình bằng các cú hạ cánh khẩn cấp trên biển. Bộ phận hỏa tiễn bên dưới sẽ rơi xuống Vịnh Mexico sau khi tách khỏi bộ phận phía trên, bộ phận này sẽ rơi xuống Thái Bình Dương sau khi đi gần hết một quỹ đạo Trái Đất.

Hồi tháng Hai, SpaceX đã tiến hành bắn thử Super Heavy, đốt cháy 31 trong số 33 động cơ của nó trong khoảng 10 giây với hỏa tiễn được bắt vít cố định theo phương thẳng đứng trên đỉnh một bệ. Hôm 14/04, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ đã cấp giấy phép cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của hệ thống hỏa tiễn được xếp chồng lên nhau này, xóa bỏ rào cản pháp lý cuối cùng cho màn phóng được chờ đợi từ lâu này.

Hôm 16/04, ông Musk cảnh báo rằng cơ hội thành công là thấp và cho biết việc tách được giai đoạn thứ nhất và thứ hai trong quá trình cất cánh sẽ được xem là thành công.

“Starship là hỏa tiễn lớn nhất từng được chế tạo,” ông Musk nói với các phóng viên cuối tuần qua. “Nó mạnh hơn gấp đôi lực đẩy của … hỏa tiễn mặt trăng Saturn 5, vốn là hỏa tiễn lớn nhất từng bay lên quỹ đạo — nó có khối lượng gần gấp đôi. Vì vậy, chúng tôi có 33 động cơ trên bộ phận trợ lực, chúng tôi có 6 động cơ ở bộ phận phía trên của con tàu. Số động cơ này là rất nhiều.”

Ông cũng cho biết: “Vì vậy, tôi nghĩ tôi chỉ muốn đặt kỳ vọng ở mức thấp. Nếu chúng tôi đi đủ xa khỏi bệ phóng trước khi có sự cố xảy ra, thì tôi nghĩ tôi sẽ xem đó là một thành công. Chỉ cần đừng làm nổ tung bệ phóng là được.”

Giám đốc NASA Bill Nelson đã chúc mừng SpaceX sau cuộc thử nghiệm này.

“Mọi thành tựu vĩ đại trong suốt lịch sử đều đòi hỏi một số mức độ rủi ro được tính toán, bởi vì rủi ro lớn sẽ mang lại phần thưởng lớn,” ông viết trong một bài đăng trên Twitter. “Mong đợi tất cả những gì SpaceX học hỏi được, chờ tới chuyến bay thử nghiệm tiếp theo — và hơn thế nữa.”

Bản tin đang được cập nhật. Quý độc giả vui lòng theo dõi để biết thêm chi tiết.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch

SpaceX Starship Explodes Minutes After Launch

https://www.epochtimesviet.com

Nhóm Dân biểu Cộng Hòa tại Hạ viện kêu gọi chính phủ mời Tổng thống Đài Loan dự hội nghị APEC 


Tác giả Frank Fang

21/4/2023

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) (Phải) và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Trái) bắt tay trong Sảnh đường Không Lực Một tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California hôm 05/04/2023. (Ảnh do Mario Tama chụp/Getty Images)

Một nhóm Dân biểu Cộng Hòa tại Hạ viện đang kêu gọi chính phủ Tổng thống (TT) Biden ủng hộ Đài Loan bằng cách mời tổng thống được bầu cử dân chủ của hòn đảo này tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC), sẽ được tổ chức tại San Francisco vào tháng Mười Một tới.

Dân biểu Lance Gooden (Cộng Hòa-Texas) đã đưa ra yêu cầu này trong hai bức thư gửi cho Tổng thống Joe Biden (pdf) và Ngoại trưởng Antony Blinken (pdf). Cả hai bức thư đều có chữ ký của 20 thành viên Đảng Cộng Hòa khác tại Hạ viện này nói rằng việc không cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tham gia cuộc họp này sẽ gửi đi thông điệp sai tới Trung Quốc.

“Việc không cho Đài Loan tham gia đầy đủ vào APEC theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ gửi đi một thông điệp sai lầm cũng như mâu thuẫn với cam kết của Hoa Kỳ là ủng hộ một Đài Loan tự do và bác bỏ Chính sách Một Trung Quốc đầy khiêu khích của Trung Quốc,” ông Gooden nói trong một tuyên bố hôm 19/04.

“Tôi kêu gọi Tổng thống Biden công nhận những đóng góp quan trọng của Đài Loan đối với sự ổn định của khu vực và toàn cầu và vai trò quan trọng của họ ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương,” ông Gooden nói thêm. “Bằng cách gửi lời mời chính thức tới Tổng thống Thái Anh Văn, Hoa Kỳ có thể thể hiện cam kết về một liên kết đối tác mạnh mẽ của mình với Đài Loan cũng như thể hiện sự quyết tâm của mình đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Trong các bức thư, các nhà lập pháp này đã cho thấy vai trò lãnh đạo của Đài Loan trong ngành công nghiệp bán dẫn, và những đóng góp của hòn đảo này quan trọng thế nào trong việc trở thành “một thành phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia và kinh tế của chính Hoa Kỳ.”

Hai bức thư nêu rõ, “Chúng tôi tin rằng Tổng thống Thái Anh Văn xứng đáng nhận được sự tôn trọng toàn diện của chúng ta cũng giống như Đài Loan xứng đáng được đối xử công bằng và bình đẳng ngang bằng với những nước được công nhận và có vị thế khác trong các quốc gia thành viên APEC.”

APEC

Được thành lập năm 1989, APEC là diễn đàn liên chính phủ của 21 nền kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm cả Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Peru, Chile, Nga, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Papua New Guinea, và Úc. Bởi vì 21 thành viên này được xem là các nền kinh tế, nên Trung Quốc đã không ngăn chặn tư cách thành viên của Đài Loan khi hòn đảo này gia nhập nhóm này vào năm 1991.

Tuy nhiên, Đài Loan đã tham gia dưới danh xưng “Đài Bắc Trung Hoa” — từ đó đến nay vẫn là danh hiệu chính thức của họ tại diễn đàn.

Chế độ cộng sản Trung Quốc xem Đài Loan là một lãnh thổ cần được hợp nhất với đại lục — bằng vũ lực nếu cần thiết. Do đó, chính quyền Trung Quốc phản đối việc hòn đảo này tham gia vào các tổ chức quốc tế, bởi vì điều đó có thể cho thấy Đài Loan là một quốc gia trên thực tế.

Từ năm 1989 đến năm 1992, APEC họp như một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng và quan chức cấp cao không chính thức. Cuộc họp thường niên này đã được nâng lên cấp nguyên thủ quốc gia vào năm 1993, Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Bill Clinton đã triệu tập Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ nhất tại Seattle.

Do sự phản đối của Trung Quốc, nên bản thân các tổng thống Đài Loan chưa bao giờ được mời tham dự hội nghị cấp cao APEC. Thay vào đó, hòn đảo này được đại diện bởi một phái viên do tổng thống Đài Loan chỉ định để tham dự sự kiện thường niên.

Mỗi năm kể từ năm 2018, bà Thái đều chỉ định ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), người sáng lập tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), làm đại diện của bà tại hội nghị thượng đỉnh APEC.

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2018 ở Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea, ông Trương đã có cuộc hội đàm với Phó Tổng thống đương thời Mike Pence bên lề cuộc họp. Ông Pence đã tham gia hội nghị thượng đỉnh này thay mặt cho Tổng thống đương thời Donald Trump.

Phó Tổng thống Kamala Harris, người đại diện cho Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2022 ở Thái Lan, hồi tháng 11/2022 cho biết bà “rất mong được chào đón các Nhà lãnh đạo APEC đến San Francisco vào năm tới” sau khi thành phố này được chọn đăng cai sự kiện năm 2023.

Trung Quốc

Bắc Kinh có thể sẽ tức giận nếu chính phủ TT Biden mời bà Thái Anh Văn và chào đón Tổng thống Đài Loan tới San Francisco để tham dự hội nghị thượng đỉnh này.

Tháng trước, bà Thái đã ghé ngang New York trong một chặng dừng chân trước khi đến thăm các đồng minh ngoại giao của Đài Loan là Guatemala và Belize. Trên đường trở về, bà có một chặng dừng chân khác ở California, tại đây bà gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi.

Trong một hành động trả đũa, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, kéo dài ba ngày xung quanh đảo Đài Loan, bao gồm cả các cuộc tấn công mô phỏng chính xác và các cuộc phong tỏa.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) chào đón Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Trái) khi bà đến Thư viện Tổng thống Ronald Reagan để tham dự cuộc họp lưỡng đảng ở Thung lũng Simi, California, hôm 05/04/2023. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

“Cuộc gặp gỡ gần đây của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy với Tổng thống Thái Anh Văn là thể hiện sự ủng hộ vững chắc của chúng ta đối với người dân Đài Loan,” hai bức thư của ông Gooden viết. “Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định kết luận cuối cùng của chúng ta là ủng hộ một Đài Loan tự do.”

Các bức thư tiếp tục nói thêm rằng luật hiện hành của Hoa Kỳ, bao gồm cả Đạo luật Du lịch Đài Loan, quy định rằng Tổng thống Đài Loan được chào đón tại Hoa Kỳ.

TT Trump đã ký thành luật Đạo luật Du lịch Đài Loan vào tháng 03/2018 để thúc đẩy nhiều cuộc trao đổi chính thức cao cấp hơn giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

Việc không cho Đài Loan “sự tham gia đầy đủ” vào APEC “đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ đang xin phép Trung Quốc để tiến hành mối bang giao song phương,” hai bức thư viết.

Những người ký tên bao gồm các Dân biểu Lance Gooden (Cộng Hòa-Texas), Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington), Burgess Owens (Cộng Hòa-Utah), Doug LaMalfa (Cộng Hòa-California), Scott DesJarlais (Cộng Hòa-Tennessee), Brian Babin (Cộng Hòa-Texas), George Santos (Cộng Hòa-New York), Randy Weber (Cộng Hòa-Texas), Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin), Pete Stauber (Cộng Hòa-Minnesota), Ryan Zinke (Cộng Hòa-Montana), và Lisa McClain (Cộng Hòa-Michigan).

Cẩm An biên dịch

Ý sẽ rút khỏi ​​“Vành đai và Con đường” của Trung Quốc vì Đài Loan?


Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. (Ảnh: M.Cantile/Shutterstock)

Bloomberg dẫn nguồn tin cho hay, các quan chức Bộ Công nghiệp Ý gần đây đã ám chỉ trong các cuộc trò chuyện riêng với các quan chức Đài Loan rằng trong bối cảnh Ý đang tìm cách hợp tác sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn với Đài Loan, Ý có thể rút khỏi sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nguồn tin cho biết quyết định liên quan còn phụ thuộc vào Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, nhưng bà chưa công khai lập trường cuối cùng.

Ý là thành viên duy nhất của Nhóm 7 nước (G7) tham gia Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, tuy Bản Ghi nhớ giữa hai bên từ thời Thủ tướng Giuseppe Conte ký vào đầu năm 2019 có rất ít ảnh hưởng thực tế, nhưng trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa ĐCSTQ với Mỹ và các đồng minh phương Tây thì Bản Ghi nhớ đó vẫn có ý nghĩa biểu tượng cao đối với Bắc Kinh. Trừ khi Ý từ bỏ, nếu không thỏa thuận sẽ tự động gia hạn vào năm 2024.

Liberty Time (LTN) Đài Loan đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn nhà phân tích chính trị, Francesco Sisci là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Luis ở Rome, cho biết rằng trên thực tế tại Ý đã không còn Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường, Bản Ghi nhớ giữa Ý và Trung Quốc hoàn toàn vô nghĩa và đó là một thất bại cho cả hai bên, do có sự hiểu lầm lớn giữa hai bên nên không nên ký kết thỏa thuận này.

Bà Thủ tướng Meloni cùng với các quan chức từ Đảng Anh em Ý (Brothers of Italy) cực hữu của bà trước đây đã chỉ trích lập trường của ĐCSTQ đối với Đài Loan, tuy nhiên bà Meloni luôn né tránh nhắc vấn đề này kể từ khi bà trở thành thủ tướng liên minh vào cuối năm 2022, lý do vì Liên minh châu Âu (EU) trong quan hệ với Trung Quốc phải tìm cách cân bằng giữa lo ngại về an ninh và vấn đề lợi ích kinh tế. Đầu tháng này, vào phút chót nhóm nghị sĩ Ý đã phải hủy chuyến đi tới Đài Bắc.

Người phát ngôn của Bộ Công nghiệp Ý từ chối bình luận về vấn đề thông tin Ý có thể rút khỏi sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” này.

Tuy nhiên, thông tin chỉ ra động thái của Ý đối với Đài Loan cho thấy Ý sẵn sàng tăng cường quan hệ ngoại giao với Đài Loan – nơi có vị thế quan trọng trong cung cấp chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác, đặc biệt là Đài Loan mới mở một văn phòng đại diện thứ hai tại Milan gọi là “Văn phòng Đài Bắc tại Milan”.

Tờ Le Formiche của Ý đưa tin vào ngày 17/4 rằng Đài Loan mới thành lập ở Ý “Văn phòng Đài Bắc tại Milan”, dù tên gọi này dựa trên “Nguyên tắc một Trung Quốc” nên phải viết Đài Bắc thay vì Đài Loan; nhưng đối với Rome, việc đồng ý cho Đài Loan đặt bổ sung cơ quan nhà nước thứ hai cho thấy ý nghĩa quan trọng về sự ủng hộ của Ý đối với Đài Loan.

Đại diện Thái Doãn Trung (Y. C. Tsai) của Đài Loan tại Ý cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNA Đài Loan rằng Ý là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đài Loan tại EU (sau Đức và Hà Lan). Trong năm qua, Đài Loan và Ý đã phát triển hợp tác đa dạng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ô tô, công nghệ thông tin, kiến ​​trúc, văn hóa và học thuật. Hơn nữa, năm ngoái Đài Loan đã có những thời điểm là trung tâm của các cuộc thảo luận tại quốc hội Ý.

Thông tin nhấn mạnh giá trị của “Văn phòng Đài Bắc tại Milan” là vô cùng quan trọng đối với Đài Loan, ngoài việc thúc đẩy thương mại còn có thể giúp Đài Loan thiết lập mối liên kết hiệu quả hơn với các nước khác. Động thái cho phép Đài Loan củng cố vị thế quốc tế, đồng thời khiến Đài Loan có được vị trí trung tâm cao hơn bằng cách xây dựng các mối quan hệ trên toàn thế giới.

Ngoài ra, việc thành lập “Văn phòng Đài Bắc tại Milan” sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn giữa Đài Loan và miền bắc nước Ý. Vào tháng 10 năm ngoái, hãng hàng không Đài Loan EVA Air cũng đã mở một đường bay thẳng mới giữa Đài Loan và Milan.

Trong tương lai “Văn phòng Đài Bắc tại Milan” sẽ cung cấp cho 8 vùng phía bắc nước Ý các dịch vụ như kinh doanh, tham quan, dịch vụ kiều bào và cứu trợ khẩn cấp cho kiều bào.

Giai Kỳ, Vision Times

TT Zelensky ca ngợi chuyến thăm của Tổng thư Ký NATO Jens Stoltenberg tới Kyiv


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi chuyến thăm của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới quốc gia của ông hôm thứ Năm, gọi đó là một “chương mới” trong quan hệ với liên minh quân sự này.

“Chúng tôi hoan nghênh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Kyiv, Ukraine, nơi vẫn trụ vững mạnh mẽ, tự do và nhìn thấy triển vọng giải phóng hoàn toàn các vùng đất của chúng tôi khỏi quân chiếm đóng Nga,” ông nói với các phóng viên sau các cuộc đàm phán với ông Stoltenberg ở thủ đô.

“Chúng tôi diễn giải chuyến thăm này… như một dấu hiệu cho thấy Liên minh đã sẵn sàng bắt đầu một chương mới trong quan hệ với Ukraine – một chương của những quyết định đầy tham vọng,” ông Zelensky nói thêm.

Chuyến thăm bất ngờ của ông Stoltenberg tới Ukraine hôm thứ Năm là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào nước này vào tháng 2 năm ngoái. Cuộc chiến đã kéo dài gần 14 tháng và Ukraine được cho là sẽ sớm phát động một cuộc phản công nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ trong suốt cuộc xung đột. TT Zelensky đã yêu cầu các đồng minh phương Tây của mình cung cấp thêm vũ khí để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Nga.

Ông Zelensky và ông Stoltenberg đã đề cập đến bốn vấn đề chính trong cuộc hội đàm hôm thứ Năm. Đó bao gồm cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Quốc phòng Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức vào ngày 21 tháng 4, việc cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraine, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7, và đảm bảo an ninh cho Ukraine trong khi nước này không phải là thành viên của liên minh.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng mặc dù ông rất biết ơn về lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, nhưng ông tin rằng “điều quan trọng là Ukraine cũng nhận được lời mời tương ứng [gia nhập liên minh].”

“Không có một rào cản khách quan nào có thể ngăn cản việc thông qua các quyết định chính trị về việc mời Ukraine gia nhập Liên minh. Và ngay bây giờ, khi đa số người dân ở các nước NATO và đa số người dân Ukraine ủng hộ việc nhà nước chúng tôi gia nhập Liên minh, đã đến lúc đưa ra những quyết định phù hợp. Không thể tưởng tượng được an ninh của không gian châu Âu-Đại Tây Dương nếu không có Ukraine, và mọi người hiểu điều này”, ông Zelensky nói.

Tháng 9 năm ngoái, Ukraine tuyên bố nỗ lực trở thành thành viên nhanh chóng của NATO sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố đã sáp nhập phi pháp 4 khu vực Ukraine kiểm soát một phần.

Ông Stoltenberg cho biết vị trí hợp pháp của Ukraine là trong NATO và liên minh này sẽ mạnh mẽ hỗ trợ đất nước.

“Thưa ngài Tổng thống, hôm nay tôi ở đây với một thông điệp đơn giản: NATO sát cánh cùng Ukraine,” ông nói. “NATO sát cánh cùng các bạn hôm nay, ngày mai và cho đến chừng nào còn có thể.”

Khi được hỏi về chuyến đi của ông Stoltenberg, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc họp báo rằng việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu “vô điều kiện” của cuộc xâm lược nước ông.

“Nếu không, sẽ có một mối đe dọa nghiêm trọng, đáng kể đối với đất nước chúng ta và an ninh của nó,” ông Peskov nói.

Ngân Hà (theo Newsweek)

Trước khi thăm Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc xác nhận ‘sẽ vẫn bán cho Ba Lan vũ khí hạng nặng’


21/4/2023

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Xe tăng Hàn Quốc nã pháo – hình minh họa

Trước chuyến thăm Washington vào tuần tới, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol xác nhận nước ông sẽ vẫn bán cho Ba Lan hàng loạt vũ khí hạng trong những hợp đồng hàng tỷ USD.

Phát biểu này của ông được đưa ra ngày sau khi ông bày tỏ ý định gửi vũ khí trực tiếp cho Ukraine nếu Nga tấn công diện rộng vào thường dân Ukraine, theo ABC News hôm 20/03.

Hôm 19/04, trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, ông Yoon Suk Yeol nói nếu Nga gây ra thảm sát, hoặc vi phạm nghiêm trọng luật về chiến tranh, thì Hàn Quốc không thể chỉ dừng lại ở viện trợ nhân đạo cho Ukraine, mà sẵn sàng gửi viện trợ quân sự gồm vũ khí sát thương.

Phía Nga đã lên tiếng phê phán “ý tưởng” này của Hàn Quốc.

Jean Mackenzie, phóng viên BBC News tại Seoul cho hay một tài liệu rò rỉ gần đây cho thấy Hoa Kỳ gây sức ép để Hàn Quốc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.

Ông Yoon Suk Yeol sang Hoa Kỳ tới đây là để hội đàm với Tổng thống Joe Biden và kỷ niệm 70 năm quan hệ hai nước.

Lãnh đạo Mỹ gọi đây là mối bang giao “vững như thép” (iron-clad).

Quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở Bán đảo Triều Tiên trong thập niên 1950 để cứu Hàn Quốc khỏi cuộc xâm lăng của quân đội cộng sản miền Bắc.

Kể từ sau ngày đình chiến năm 1953, Hoa Kỳ vẫn đóng quân tại Hàn Quốc.

Hợp tác Đông Âu- Bắc Á

Nếu như quan hệ quân sự với Hoa Kỳ khiến Hàn Quốc trở thành một quốc gia chủ chốt trong liên minh của Washington tại châu Á thì những bước tiến ngoại giao, quân sự của Ba Lan với Mỹ khiến Ba Lan đóng vai trò tương tự ở Đông Âu.

Các hợp đồng rất lớn của Hàn Quốc cho ngành quân khí, quốc phòng Ba Lan đã và đang làm thay đổi cục diện quân sự ở Đông Âu.

Cuối 2022, Ba Lan nhận 180 xe tăng K2 Black Panther (Báo đen) do tập đoàn Hyundai Rotem sản xuất trong giai đoạn đầu của hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc.

Lễ đón xe tăng và lựu pháo chuyển bằng đường biển tới cảng Gdynia hôm 06/12/2022 được chính tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda tham dự.

Sau đó, Ba Lan dự kiến sẽ nhận tới 800 xe tăng phiên bản mới của dòng xe này, và cùng Hàn Quốc mở dây chuyền sản xuất xe tăng K2PL vào năm 2026.

Là nước thành viên Nato thuộc nhóm ‘Sườn phía Đông’, có biên giới trên biển với Nga, trên bộ với Nga và Belarus, Ba Lan có chính sách khác với những quốc gia Nato phía Tây về tăng cường năng lực phòng thủ trên bộ- bằng xe tăng, bọc thép, và trên không, bằng pháo, hỏa tiễn.

Ông Yoon Suk Yeol sang Hoa Kỳ tới đây là để hội đàm với Tổng thống Joe Biden và kỷ niệm 70 năm quan hệ hai nước. Trong hình là cảnh hai ông dự lễ ở Bảo tàng Quốc gia tại Seoul, 21 tháng 5/2022

Hợp tác với Hà Quốc gồm hai giai đoạn: mua và chuyển giao công nghệ để tự sản xuất sẽ đem lại cho Warsaw thêm 48 khẩu pháo tự hành K9 trong năm 2023, tăng thêm 600 khẩu vào năm 2024. Sau đó, từ 2026, Ba Lan sẽ sản xuất dòng pháo tự hành này theo giấy phép của Hàn Quốc.

Các báo Ba Lan cho hay chương trình hiện đại hóa pháo binh, thiết giáp của nước này mà Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng, có chi phí lên tới nhiều tỷ USD.

Chỉ riêng các hợp đồng ký với Hàn Quốc đã lên tới 12 tỷ USD để hợp tác chế tạo hoặc đặt mua nhiều xe tăng, phi cơ chiến đấu, pháo tự hành và súng cối.

Bộ binh và thiết giáp, pháo binh “mạnh nhất châu Âu”

Theo trang Politico, Ba Lan đặt mục tiêu tăng số quân lên 300 nghìn, trên tổng dân số 40 triệu, so với Đức hiện có khoảng 180 nghìn trên 83 triệu dân.

Học thuyết quốc phòng của Ba Lan lấy bộ binh làm nòng cốt vì nước này chỉ có lãnh hải hẹp, phía Nam của Biển Baltic, nhưng gần như cả nước là đồng bằng.

Warsaw muốn có quân đội “mạnh nhất châu Âu” và đang tăng cường không quân, thiết giáp, pháo binh, các loại hỏa tiễn bắn chặn để bảo vệ lãnh thổ và hỗ trợ cho láng giềng Ukraine, hiện không (hoặc chưa) thuộc Nato.

Cùng trong Nato nhưng ngoài Ba Lan, Mỹ và Hy Lạp thì các thành viên khác đang chật vật chi 2% hoặc 2,4% GDP cho quân sự.

Cuộc chiến ở Ukraine tạo động lực cho Ba Lan tăng cường quân bị, bỏ dần các vũ khí thời Khối Hiệp ước Warsaw và mở rộng các quan hệ quốc phòng, quân khí xa, gần.

Năm 2022, Warsaw ký hợp đồng trị giá 23 tỷ zloly (4,9 tỷ euro) mua 250 xe tăng Abrams từ Hoa Kỳ, để thay thế cho 240 tăng thời Liên Xô nay gửi tặng Ukraine.

Ba Lan đã đặt mua F-16 của Mỹ cho không quân và đến năm 2020 làm châu Âu sửng sốt với hợp đồng 4,6 tỷ USD mua 32 chiếc F-35.

Với quan điểm xuyên suốt là không quá tin vào các đồng minh ‘gần nhà’ như Pháp, Đức, Ba Lan tìm đến Hàn Quốc để mở rộng phạm vi cung cấp vũ khí.

Yemen có hy vọng giảm bớt xung đột


Cuối tuần này là ngày lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng Ramadan. Nhưng dịp lễ năm nay ở Yemen sẽ im tiếng hơn mọi khi vì vụ giẫm đạp đẫm máu ở thủ đô Sana’a hôm thứ Tư khiến ít nhất 78 người thiệt mạng.

Cho đến trước thảm kịch, Yemen trông như vẫn còn có chút hy vọng. Gần 900 cựu tù nhân sẽ ăn mừng lễ Eid với gia đình sau khi được trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân giữa phiến quân Houthi, nhóm Shia đang kiểm soát phần lớn đất nước, và lực lượng đối địch do Ả Rập Saudi lãnh đạo. Cuộc trao đổi cho thấy cả hai bên đều muốn kết thúc chiến sự kéo dài 8 năm qua.

Sau kỳ nghỉ lễ, các nhà đàm phán sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận. Houthi muốn chính phủ Yemen do Saudi hậu thuẫn trả lương cho công chức ở những khu vực họ kiểm soát, bên cạnh các yêu cầu khác. Phía Saudi cũng sẵn sàng nhượng bộ vì muốn thoát khỏi cuộc chiến. Nhưng việc Saudi rút lui không thể chấm dứt được cuộc xung đột kéo dài về cách thức chia sẻ quyền lực ở Yemen.

Hội nghị quân sự bàn về viện trợ cho Ukraine


Vào thứ Sáu, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ lần đầu tiên đối diện với các nước đồng minh kể từ sau vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc. “Nhóm Ramstein,” được đặt tên theo căn cứ không quân của Mỹ ở Đức, nơi họ sẽ gặp nhau, bao gồm các quan chức từ hơn 50 quốc gia có viện trợ vũ khí cho Ukraine. Trong riêng tư họ sẽ muốn Mỹ bảo đảm không có những vụ lộ thông tin như vậy nữa trong tương lai. Nhưng trước công chúng, họ sẽ thể hiện quyết tâm không để vụ việc làm cản trở tiến trình ủng hộ Ukraine.

Trong số các tài liệu rò rỉ có một trang quan trọng được đánh dấu NOFORN (Không Công bố cho Người Nước ngoài) tóm tắt tình trạng thiếu hụt tên lửa phòng không nghiêm trọng của Ukraine. Được lập từ tháng 2, báo cáo này dự đoán Ukraine sẽ hết tên lửa phòng không tầm trung vào tháng 5. Điều này cho phép Nga dùng lực lượng không quân hùng mạnh để ngăn chặn Ukraine phản công. Những người ủng hộ Ukraine sẽ lập luận rằng giờ là lúc lùng sục khắp các kho vũ khí của phương Tây để tìm các tên lửa quý giá — và bắt đầu cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu tiên tiến.

Báo cáo ảm đạm của Tổ chức Khí tượng Thế giới


Vào thứ Sáu, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) sẽ công bố “Tình trạng Khí hậu Toàn cầu” năm 2022, một trong những đánh giá hàng năm về tác động của nóng lên toàn cầu. Nội dung khá bi quan. Các ước tính tạm thời từ WMO cho thấy tám năm qua là những năm nóng kỷ lục khắp toàn cầu. Điều này đã được xác nhận bởi Copernicus, chương trình quan sát Trái đất của EU, trong phân tích riêng được xuất bản lần đầu hồi tháng 1.

Trong vòng tám năm đó, 2022 là một trong những năm mát mẻ nhất, với nhiệt độ bị giảm một phần do La Niña, một kiểu thời tiết toàn cầu. Dù vậy, năm 2022 vẫn là năm chứng kiến mức nhiệt kỷ lục trên khắp châu Mỹ, châu Á và châu Âu. Lũ lụt thảm khốc ở Pakistan đã ảnh hưởng đến khoảng 33 triệu người; trong khi một loạt các cơn bão nhiệt đới tàn phá các nước đông nam châu Phi. Tất cả những hiện tượng thời tiết cực đoan này, vốn ảnh hưởng đến hàng triệu người và tiêu tốn hàng tỷ đô la, đã trở nên tồi tệ hơn ở một mức nào đó do biến đổi khí hậu. Và nóng lên hơn nữa là không thể tránh khỏi, làm gia tăng hậu quả về nhân mạng và tiền bạc.

Kết quả của P&G phản ánh khó khăn trên thị trường tiêu dùng


Procter & Gamble, một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, sẽ báo cáo thu nhập vào thứ Sáu, qua đó tiết lộ cách các công ty đang chống chọi với lạm phát và lãi suất tăng cao. Giá cao làm giảm tiêu dùng, nhưng đối với một số doanh nghiệp, lạm phát tăng ổn định lại có thể là một may mắn thầm lặng: nếu chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận sẽ tăng dù với sản lượng thấp hơn.

P&G, công ty sản xuất tã giấy Pampers, bột giặt Tide, dao cạo râu Gillette và các thương hiệu gia dụng cao cấp khác, đang phải vật lộn với chi phí vận chuyển và sản xuất cao hơn. P&G cũng đã có một quý trước đáng thất vọng, khi giá tăng do lạm phát không thể bù đắp được sản lượng giảm. Có lẽ khách hàng đã đổi sang các thương hiệu rẻ hơn. Kết quả tương tự lần này sẽ gửi đi một tín hiệu đáng ngại về niềm tin tiêu dùng. Kết hợp với những dấu hiệu đáng lo ngại từ thị trường bất động sản, chúng có thể gợi ý về một cuộc suy thoái sắp đến.

Tổng thống Mỹ Biden điện đàm với tổng thống Pháp Macron về chuyến đi Trung Quốc


21/4/2023

Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron họp báo chung tai Nhà Trắng, Washington, 01/12/2022. AFP – LUDOVIC MARIN

Thanh Phương /RFI

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua, 20/04/2023, đã điện đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron về chuyến đi thăm Trung Quốc gần đây của nguyên thủ Pháp, đã gây nhiều tranh cãi do những tuyên bố của ông về Đài Loan.

Theo bản thông cáo ngắn gọn của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Mỹ Pháp cũng đã trao đổi về chiến tranh Ukraina và đã nhắc lại “sự yểm trợ không suy suyển của họ đối với Ukraina” trước cuộc xâm lược của Nga.

Phủ tổng thống Pháp cũng đưa ra một thông cáo với nhiều chi tiết hơn về cuộc trao đổi giữa hai nguyên thủ, nhưng nội dung hơi khác so với thông cáo của Nhà Trắng.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích:

Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện với nhau vào ngày 04/04, trước chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron, chắc là để phối hợp với nhau về chính sách đối với Bắc Kinh. Hôm qua, họ lại trao đổi với nhau để tổng kết về chuyến đi này.

Giữa hai đồng minh, cách diễn giải nội dung cuộc trao đổi khá giống nhau, nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Thông cáo của điện Elysée nhấn mạnh đến vai trò mà Trung Quốc có thể nắm trong trung hạn về việc chấm dứt chiến tranh Ukraina. Nhưng thông cáo của Nhà Trắng lại không nói đến vai trò đó. 

Tuy cả hai tổng thống gần như có cùng quan điểm về tự do hàng hải và tôn trọng luật quốc tế ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, lại có một khác biệt lớn: Nhà Trắng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan, trong khi thông cáo của điện Elysée thậm chí không nhắc đến hòn đảo này. 

Khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc trở về, tổng thống Pháp đã từng tuyên bố là trên vấn đề Đài Loan, châu Âu không nên ”theo đuôi” Mỹ hay Trung Quốc, cũng như không để bị lôi kéo vào các khủng hoảng giữa những nước khác. Tuyên bố của ông Macron đã khiến nhiều nước châu Âu và Hoa Kỳ rất ngạc nhiên. 

Tại Washington, trong khi chờ điện Elysée giải thích rõ quan điểm, Nhà Trắng muốn nhấn mạnh nhiều hơn đến quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ với Pháp. Nhưng rõ ràng là dù quan hệ vẫn tốt đẹp, hai bên có những lập trường khá là khác biệt.”