Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 3 9
Total Users : 13539
Total views : 136739
Server Time : 2024-12-03

DƯƠNG LỊCH

December 2024
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Thời sự Thứ Sáu 20/01/2023: Mỹ chi viện quân sự mới cho Ukraina – 2024: Cử tri Cộng hòa nghiêng về ông DeSantis – Châu Âu thành lập tòa án truy tố Putin – NATO: Nga vẫn là đe dọa ngay cả sau khi thua – TQ/Nga tập trận tại Nam Phi – Pháp: biểu tình phản đối tăng tuổi hưu trí

Võ Thái Hà tổng hợp

Mỹ : Thêm một khoản chi viện quân sự mới cho Ukraina – Minh Anh /RFI

20/01/2023

Ảnh tư liệu : Xe tăng Bradley của Hoa Kỳ được triển khai ở Garkalne, Latvia ngày 08/02/2017. REUTERS – Ints Kalnins

Hoa Kỳ ngày 19/01/2023 thông báo một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraina, trị giá 2,5 tỷ đô la, chủ yếu bao gồm hàng trăm xe bọc thép các loại khác nhau, nhưng không có xe tăng hạng nặng Abrams. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm nay, 20/01/2023, lên tiếng cảm ơn Hoa Kỳ, nguồn hậu thuẫn quân sự hàng đầu cho Kiev trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược.

Khoản viện trợ mới này bao gồm 59 xe tăng Bradley, bổ sung cho đợt cung cấp 50 xe bọc thép hạng nhẹ đã được thông báo ngày 06/01, và 90 xe bọc thép chở quân Stryker. Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Mỹ nêu rõ, đợt chi viện mới này sẽ « trang bị cho Ukraina có được hai lữ đoàn xe thiết giáp ».

Quân đội Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Ukraina 53 xe bọc thép chống mìn (MRAP) và 350 loại xe chở quân Humvee nổi tiếng M998.

Cho đến nay, Mỹ vẫn viện dẫn vấn đề bảo trì và đào tạo, để từ chối cung cấp cho Ukraina xe tăng hạng nặng Abrams.

Ngoài ra, Washington cũng sẽ cung cấp tên lửa cho các hệ thống phòng không NASAMS và HIMARS đã giao cho Ukraina và 8 hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger – những loại vũ khí được lắp đặt trên những phương tiện di chuyển cùng nhịp với bộ binh – và hàng ngàn loại đạn dược khác nhau.

Theo AFP, với gói chi viện bổ sung này, tính đến nay Hoa Kỳ đã hỗ trợ tổng cộng 26,7 tỷ đô la quân sự cho Ukraina kể từ khi chiến tranh bùng nổ ngày 24/02/2022.

Thông báo được đưa ra một ngày trước khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, dẫn đầu một phái đoàn đến Ramstein họp bàn với các đồng minh trong việc tiếp tục phối hợp hỗ trợ quân sự cho Ukraina.


Khảo sát bầu cử 2024: Cử tri Cộng hòa nghiêng về ông DeSantis hơn ông Trump

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/desantis.jpg

(Cựu Tổng thống Donald Trump và Thống đốc bang Florida Ron DeSantis/Ảnh minh họa: Getty Images)

Cuộc thăm dò của Yahoo! News/YouGov tiết lộ rằng Thống đốc bang Florida Ron DeSantis có lợi thế hơn chút đỉnh so với cựu Tổng thống Donald Trump trong trận chiến một-đối-một giả định cho đề cử Tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa. Trong số những người bầu chọn cho kết quả này, được biết có cả người ủng hộ ông Trump.

Cuộc khảo sát tổng thể đã ghi lại câu trả lời của 1.538 người trưởng thành ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian 5 ngày (12-16/1) nhằm thăm dò ưu tiên bỏ phiếu của các đảng viên Cộng hòa, Dân chủ và những cử tri độc lập.

Tuy nhiên, câu hỏi khảo sát giữa ông Trump và ông DeSantis chỉ liên quan đến những người bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa. Kết quả cho thấy 45% đứng về phía ông DeSantis và 42% ủng hộ ông Trump.

Trong phân tích độ tuổi, cả ông Trump và ông DeSantis đều chiếm ưu thế ở 2 phân khúc. Ông Trump dẫn đầu ở độ tuổi 18-29 và 30-44 với cách biệt 14% trong mỗi nhóm tuổi, trong khi ông Desantis dẫn đầu ở độ tuổi 45-64 và trên 65 tuổi. Thống đốc bang Florida đã giành chiến thắng trong nhóm 65 tuổi trở lên với ưu thế 22%.

Trong phân tích về giới tính, ông DeSantis (49%) đã đánh bại ông Trump (38%) trong số những người khảo sát là nam giới ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, ông Trump (47%) đã giành chiến thắng trước ông DeSantis (40%) đối với nhóm người khảo sát là phụ nữ.

Trong phân tích thành phần chủng tộc, ông DeSantis (46%) đã vượt qua ông Trump (42%) trong nhóm người da trắng. Ngược lại, ông Trump (48%) có lợi thế hơn so với ông DeSantis (31%) trong số các cử tri gốc Tây Ban Nha. Khảo sát về thành phần chủng tộc không bao gồm người da đen.

Từ góc độ thu nhập, ông DeSantis đã dễ dàng giành chiến thắng trong số những người kiếm được từ 50.000 đến 100.000 USD mỗi năm, cũng như những người có mức lương hàng năm trên 100.000 USD.

Cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024 của Đảng Cộng hòa có thể sẽ không bắt đầu như một trận chiến duy nhất giữa 2 bên là ông Trump và ông DeSantis.

Do đó, khi cuộc khảo sát tính đến các chính trị gia Cộng hòa khác, ông Trump (37%) vẫn chiếm ưu thế hơn ông DeSantis (36%).

Kết quả của các ứng cử viên khác bao gồm: Cựu Phó Tổng thống Mike Pence (5%), cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie (3%), cựu Dân biểu Wyoming Liz Cheney (2%) và 3 người khác là cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley, cựu Thống đốc Maryland Larry Hogan, và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo – tất cả đều ở mức 1%.

Cuộc khảo sát của Yahoo/YouGov cũng theo dõi xếp hạng tán thành công việc của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden – với 43% người được hỏi ủng hộ công việc của tổng thống và 49% không hài lòng với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden.

Một trong những điểm không tán thành lớn nhất đối với ông Biden liên quan đến tình trạng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Ở hạng mục này, ông Biden giành được 36% ủng hộ so với 54% không ủng hộ.

Cuộc thăm dò của Yahoo/YouGov có tỷ lệ sai số là 3%.

Vy An (Theo Newsmax)


Châu Âu thông qua nghị quyết thành lập tòa án đặc biệt để truy tố Putin

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/01/anh-chup-man-hinh-2023-01-20-luc-72851-sa-700x366.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS).

Nghị viện châu Âu ngày 19 tháng 1 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố tội ác xâm lược của Nga đối với Ukraina.

Theo trang tin Pravda, Nghị viện Châu Âu tin rằng việc thành lập một tòa án đặc biệt như vậy sẽ lấp đầy khoảng trống lớn trong hệ thống tư pháp hình sự quốc tế hiện tại. Tòa án đó sẽ dựa trên các tiêu chuẩn và nguyên tắc được dùng cho Tòa án Hình sự Quốc tế.

Nghị quyết nhấn mạnh rằng tòa án quốc tế đặc biệt này phải có thẩm quyền điều tra không chỉ Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà còn cả Tổng thống tự xưng của Belarus, ông Alexander Lukashenko, cũng như giới lãnh đạo chính trị và quân sự ở Nga và Belarus.

Các thành viên của Nghị viện châu Âu nói rằng công tác chuẩn bị cho việc thành lập tòa án đặc biệt nên được bắt đầu ngay lập tức, tập trung vào việc thiết lập các điều khoản, hợp tác với Ukraina và hỗ trợ chính quyền Ukraina và quốc tế trong việc bảo đảm bằng chứng được sử dụng trong tương lai.

Các thành viên Nghị viện cũng kêu gọi các tổ chức của EU, đặc biệt là Ủy ban châu Âu và Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu, giúp đỡ thành lập văn phòng công tố lâm thời trong thời gian chờ đợi. Văn phòng này sẽ là một bước tiến thiết thực trong quá trình điều tra và truy tố tội xâm lược Ukraina của Nga.

Một điều khoản khác của nghị quyết là cho phép sử dụng các tài sản nhà nước của Nga để bồi thường cho những vi phạm luật pháp quốc tế của Nga ở Ukraina.

Sau khi thông qua nghị quyết này, bà Roberta Metsola, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, nhận định rằng hậu quả của cuộc chiến tranh của Nga với Ukraina là rất lớn. Trẻ em, phụ nữ, đàn ông bị sát hại. Gia đình ly tán. Bệnh viện bị phá hủy. Nhà cửa bị phá hủy. Trường học bị hủy hoại.

Bà nói: “Hôm nay, Nghị viện Châu Âu kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt khẩn cấp. Tội phạm chiến tranh phải bị đưa ra trước công lý. Ngay bây giờ.”

Hội An


Quan chức NATO: Nga vẫn là mối đe dọa ngay cả khi thua chiến tranh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/Rob_Bauer.jpg

Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch ủy ban quân sự của NATO (Reuteurs)

Nga sẽ vẫn là mối đe dọa đối với NATO ngay cả khi lực lượng của họ bị đánh bại ở Ukraine, một quan chức quân sự hàng đầu trong liên minh quân sự phương Tây cho biết hôm thứ Năm (19/1), theo Reuters.

Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch ủy ban quân sự của NATO, nói với các phóng viên tại trụ sở của liên minh ở Brussels: “Cho dù kết quả của cuộc chiến là gì, người Nga rất có thể vẫn sẽ có tham vọng tương tự… do đó mối đe dọa sẽ không biến mất”.

Ông Bauer cho biết, trong khi các lực lượng, thiết bị và đạn dược của Nga đều đã cạn kiệt vì chiến tranh, các nước NATO cho rằng Moscow sẽ cố gắng xây dựng lại và thậm chí tăng cường năng lực quân sự của mình.

“Niềm tin chung là người Nga sẽ khôi phục lại những gì họ đã có, họ cũng sẽ tự học hỏi từ cuộc xung đột này và cố gắng cải thiện những gì họ có”, ông Bauer phát biểu khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày của các sĩ quan quân sự hàng đầu từ các nước thành viên NATO.

“Vì vậy, điều đó rất có thể, trong tương lai xa hơn, sẽ có ý nghĩa đối với các kế hoạch của chúng tôi,” ông nói thêm.

Ông Bauer cho biết NATO sẽ cần thời gian để đánh giá xem Nga sẽ cần bao lâu để tái thiết và cải thiện lực lượng của mình.

“Đó có phải là 3 đến 5 năm không? Có phải là 3 đến 10 năm không? Đó là điều mà chúng ta sẽ phải thảo luận cùng nhau. Đó là điều mà các cơ quan tình báo sẽ xem xét”, ông nói.

Ngân Hà (theo Reuters)


Trung Quốc – Nga tổ chức tập trận tại Nam Phi

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/Joint_naval_military_exercise_code-named_Mosi_in_South_Africa_925_001.jpeg
Tập trận hải quân Mosi (Ảnh: Bộ QP Trung Quốc) 

Trung Quốc, Nga và Nam Phi sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ngoài khơi bờ biển Nam Phi vào tháng Hai, theo The Epoch Times.

Bộ Quốc phòng Nam Phi đã thông báo về cuộc tập trận có tên là “Chiến dịch Mosi” vào ngày 19/1. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến ngày 27/2 và sẽ trùng với dịp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine.

“Chiến dịch Mosi” nhằm “củng cố mối quan hệ vốn đã phát triển tốt đẹp giữa Nam Phi, Nga và Trung Quốc”, theo một tuyên bố được Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Nam Phi chia sẻ trên mạng xã hội.

Theo tuyên bố, các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ tháng 12 và sẽ bao gồm 350 nhân viên Nam Phi làm việc với các lực lượng Nga và Trung Quốc ở Durban và Vịnh Richards “với mục đích chia sẻ kiến thức và kỹ năng hoạt động”.

Hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin rằng Nga sẽ cử hai tàu tham gia cuộc tập trận mà quốc gia này tin rằng sẽ “củng cố mối quan hệ đa phương giữa ba nước”.

Không rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ gửi đơn vị nào tới tham gia.

Động thái xây dựng quan hệ quân sự với Nga và Trung Quốc có khả năng làm xấu đi mối quan hệ của Nam Phi với Hoa Kỳ, quốc gia từng là đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng trong khu vực.

Nam Phi đã phát triển tách biệt với các đối tác phương Tây kể từ khi ông Cyril Ramaphosa trở thành Tổng thống vào năm 2018. Ngay sau đó, vào năm 2019, quốc gia này đã tham gia cuộc tập trận quân sự ba bên đầu tiên với Nga và Trung Quốc.

Chính quyền Ramaphosa đã từ chối lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát cho thấy gần 3/4 người dân Nam Phi tin rằng cuộc xâm lược là “một hành động cần phải bị lên án.”

“Điều này cho thấy rằng chính phủ Nam Phi, vốn đã từ chối lên án cuộc xâm lược và thậm chí đã tham gia vào các cuộc tập trận quân sự chung với Nga, đã mất liên lạc một cách vô vọng với các cử tri của mình, những người tin rằng đất nước nên đưa ra các biện pháp đạo đức, ngoại giao và thậm chí hỗ trợ quân sự cho các nền dân chủ bị các nước láng giềng xâm chiếm,” một báo cáo từ Quỹ Brenthurst, nơi tổ chức thực hiện cuộc khảo sát, cho biết.

Tương tự, chính quyền Ramaphosa đã tích cực giúp đỡ các thành viên chủ chốt trong chế độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin tránh các lệnh trừng phạt quốc tế, cung cấp bến đỗ an toàn cho các nhà tài phiệt Nga bằng cách cho phép họ cập bến những siêu du thuyền bị trừng phạt ở Cape Town.

Nam Phi gần đây cũng đã đảm nhận chức chủ tịch khối địa chính trị BRICS, một nhóm bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, và chủ yếu nhằm thách thức các tổ chức quản lý do Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu lãnh đạo trên toàn thế giới.

Liên minh Dân chủ, đảng đối lập chính của Nam Phi, nói rằng các cuộc tập trận là “ngớ ngẩn” và chứng minh rằng chính phủ hiện tại của quốc gia này “thiên vị” ủng hộ Moscow.

Việc ông Ramaphosa liên kết với Điện Kremlin và ĐCSTQ có thể báo hiệu thời kỳ khó khăn phía trước đối với Hoa Kỳ trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen sẽ thăm Nam Phi trong những tuần tới.

Lê Vy (theo The Epoch Times)


Vượt Apple, Amazon lấy lại vị trí thương hiệu giá trị nhất thế giới

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/01/amazon-2-1.jpg

Năm nay, tập đoàn thương mại điện tử của Mỹ là Amazon vẫn chiếm vị trí hàng đầu dù mất 51 tỷ USD giá trị. Trong khi đó, Google được xếp hạng là thương hiệu có giá trị lớn thứ 3 trên thế giới, theo hãng tin RT.

Cụ thể, bảng xếp hạng Brand Finance Global 500 vừa công bố cho thấy tập đoàn Amazon đã lấy lại vị trí thương hiệu giá trị nhất thế giới mặc dù giảm 15% giá trị trong năm nay.

Theo định giá, mặc dù Amazon đã giành lại vị trí dẫn đầu nhưng giá trị thương hiệu của họ đã giảm hơn 50 tỷ USD trong năm nay, từ 350,3 tỷ USD xuống còn 299,3 tỷ USD.

Xếp hạng của Amazon đã giảm từ mức AAA+ xuống AAA, do người tiêu dùng đánh giá khắt khe hơn vào thời hậu đại dịch COVID-19.

Nghiên cứu trên chỉ ra rằng mức đánh giá về dịch vụ khách hàng của tập đoàn thương mại điện tử Mỹ này giảm xuống, khi thời gian giao hàng kéo dài hơn và người tiêu dùng ít có khả năng giới thiệu Amazon cho người khác hơn.

“Cùng lúc với việc kết thúc các biện pháp kiểm soát của đại dịch, mọi người đang quay trở lại mua sắm trực tiếp, làm giảm nhẹ nhu cầu bán lẻ trực tuyến”, báo cáo cho biết.

Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ tụt xuống vị trí thứ 2, với giá trị thương hiệu giảm 16% từ 355,1 tỷ USD xuống còn 297,9 tỷ USD.

Theo Brand Finance, nguyên nhân sụt giảm năm nay của Apple là do dự báo doanh thu thấp hơn, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thị trường lao động hạn chế sẽ thu hẹp nguồn cung các sản phẩm của hãng này.

Tuy nhiên, Apple vẫn là công ty có giá trị lớn nhất thế giới về vốn hóa thị trường, tính đến ngày 18/1 là 2,163 nghìn tỷ USD, trong khi Amazon có vốn hóa thị trường là 979,8 tỷ USD. Google được xếp hạng là thương hiệu có giá trị lớn thứ 3 trên thế giới với giá trị tăng 7% lên 281,4 tỷ USD.

Một số thương hiệu có giá trị lớn khác phải kể đến nhà sản xuất ô tô điện Tesla, có giá trị tăng 44% lên 66,2 tỷ USD, và BYD có giá trị thương hiệu tăng 57% lên 10,1 tỷ USD, trong bối cảnh nhu cầu về ô tô điện tăng lên trên toàn cầu.

Phan Anh


Ukraine học kỹ thuật rà phá bom mìn từ chuyên gia Campuchia – 19/01/2023

Reuters

Một chuyên gia rà phá bom mìn LHQ đến từ Campuchia trình diễn kỹ thuật chuyên môn ở đảo Síp, tháng 8/2015 (ảnh tư liệu).

Một chuyên gia rà phá bom mìn LHQ đến từ Campuchia trình diễn kỹ thuật chuyên môn ở đảo Síp, tháng 8/2015 (ảnh tư liệu).

Reuters cho biết một nhóm người Ukraine đã và đang học các kỹ thuật rà phá bom mìn ở Campuchia, một trong những quốc gia có bom mìn sót lại nhiều nhất thế giới sau nhiều thập kỷ nội chiến.

Tin của Reuters dẫn lời các quan chức Ukraine đưa ra ước tính rằng có thể mất ít nhất một thập kỷ để dọn sạch tất cả mìn và vật liệu nổ trên lãnh thổ và lãnh hải của họ sau khi chiến tranh với Nga kết thúc.

Các chuyên gia từ Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine làm việc với các nhân viên thuộc Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia (CMAC), tập kích nổ có điều khiển từ xa cũng như làm việc với máy dò mìn và chó nghiệp vụ.

Arseniy Diadchenko, một thành viên trong nhóm của Ukraine nói: “Đây là một khóa đào tạo rất hữu ích”.

Về phía Campuchia, họ dự kiến cử chuyên gia sang Ba Lan để tiếp tục huấn luyện cùng người Ukraine.

Phó Giám đốc CMAC Oum Phumro cho biết: “Tình hình ở đó thật là khác, đó là lý do vì sao chúng tôi sẽ tiếp tục công tác đào tạo ở châu Âu, nơi họ có thể áp dụng thiết bị và công nghệ này vào tình huống thực tế”.

Bản thân Campuchia đang phải xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ trên diện tích gần 4.000 km vuông do nội chiến để lại, theo một bản tin của Asia News Network (ANN).

Campuchia bắt đầu rà phá bom mìn khi chiến sự kết thúc vào năm 1992. Trong hơn 30 năm giải quyết vấn đề này, Campuchia đã chi hơn 200 triệu đô la, ANN cho hay.

Tính đến tháng 10/2022, ở vương quốc này, vẫn còn 2.001 km vuông đất bị ô nhiễm bom mìn – gồm 703 km vuông là các bãi mìn và 1.298 km vuông chứa bom chùm và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.


Pháp: Hàng trăm ngàn người biểu tình phản đối dự án cải tổ hưu trí

Thanh Hà /RFI

19/01/2023

Biểu phản đối dự án cải cách hưu trí của chính phủ Pháp ở Saint-Nazaire, ngày 19/01/2023. REUTERS – STEPHANE MAHE 

Hôm nay, 19/01/2023, là ngày « Thứ Năm Đen Tối », với các cuộc đình công và biểu tình phản đối kế hoạch kéo dài tuổi lao động của dân Pháp. Các công đoàn Pháp thông báo sẽ có từ 220 đến 250 cuộc tuần hành trên toàn quốc và dự báo 1 triệu người xuống đường để. Cải tổ của chính phủ dự trù là kể từ năm 2030, tuổi được nghỉ hưu sẽ là 64, thay vì 62 như hiện nay.

Tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp SNCF thông báo hôm nay chỉ có thể bảo đảm 1/3, thậm chí là 1/5 chuyến tàu. Dân Paris và vùng phụ cận sáng nay gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại : 1 tuyến métro đóng hoàn toàn, 13 tuyến khác hoạt động cầm chừng vào giờ cao điểm. Trong lĩnh vực hàng không, 80 % số chuyến bay quốc nội bị hủy tại phi trường Orly, ngoại ô phía nam Paris.

Có khoảng 70 % giáo viên cấp tiểu học bãi công. Nhiều chương trình trên các đài phát thanh công của Pháp bị gián đoạn do một bộ phận nhân viên đình công. Giới tài xế xe tải, nhân viên tại các ngân hàng cũng hưởng ứng kêu gọi đình công. Công đoàn CGT sáng nay cho biết tỷ lệ đình công lên tới từ 70 đến 100 % tại các nhà máy lọc dầu của hãng TotalEnergies. Họ không loại trừ khả năng phong tỏa trở lại các nhà máy lọc dầu, gây xáo trộn cho các hệ thống cung cấp xăng dầu trên toàn quốc như hồi mùa thu năm ngoái.

Lãnh đạo đảng Cộng Sản Pháp, Fabien Roussel, báo trước sẽ có 1 triệu người xuống đường thách thức dự luật cải tổ hưu trí của chính quyền Macron. Nhà chức trách thì dự báo sẽ có từ 550.000 đến 750.000 người biểu tình. Riêng tại thủ đô Paris sẽ có từ 50.000 đến 80.000 người tuần hành. Đoàn biểu tình xuất phát vào 2 giờ chiều nay từ quảng trường République và sẽ tuần hành tới quảng trường Nation. Bộ Nội Vụ hôm nay huy động 10.000 cảnh sát và hiến binh để bảo vệ an ninh cho hàng trăm cuộc tuần hành.

Theo giới quan sát, cuộc đình công, biểu tình hôm nay là một « bài toán trắc nghiệm » đối với tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Elisabeth Borne. Từ tối qua, ông Macron đã quy trách nhiệm cho một số công đoàn muốn làm « tê liệt » đất nước. Các đảng cánh tả, cực tả và cực hữu mạnh mẽ chống đối dự luật cải tổ chế độ hưu bổng. Riêng đảng cánh hữu LR để ngỏ khả năng « đàm phán », và có thể sẽ bỏ phiếu thuận cho dự luật cải cách. Phát ngôn viên của chính phủ Olivier Véran thì nhấn mạnh : « Đình công là quyền của người lao động, nhưng không ai được quyền làm tê liệt đất nước ».

Pháp, cùng với Thụy Điển hay Na Uy, là quốc gia mà người lao động được về hưu sớm hơn so với nhiều nước châu Âu khác. Tại Đức, Bỉ hay Tây Ban Nha, phải đợi đến 65 tuổi mới được nghỉ hưu. Riêng Đan Mạch quy định tuổi về hưu là 67.


Xem thêm: