Thời sự Thứ Năm 12/10/2023: *Israel thề “khai tử” Hamas, Hamas chuẩn bị chiến tranh, Ngoại trưởng Mỹ đến Israel, ĐCSTQ hưởng lợi từ cuộc chiến, Putin đổ lỗi cho Mỹ *Smartphone có thể tự sửa màn hình 5 năm tới *Google sẽ không cần mật khẩu *Nhà sản xuất xe điện TQ xin phá sản *Dấu chấm hỏi cho kinh tế của Biden *EU đòi Elon Musk kiểm duyệt X
Võ Thái Hà tổng hợp
Thủ tướng Israel thề “khai tử” Hamas
Thanh Hà /RFI – 12/10/2023
Khi thông báo thành lập “chính phủ đoàn kết” khẩn cấp và một “hội đồng chiến tranh” vào tối qua 11/10/2023, thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, cam kết sẽ “khai tử” phong trào Hồi Giáo Hamas, “số phận của mỗi chiến binh Hamas đã được an bài”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu họp chính phủ tại văn phòng thủ tướng ở Jerusalem, Israel, ngày 27/09/2023. via REUTERS – POOL
Trong phát biểu đầu tiên, thủ tướng Israel tuyên bố phong trào Hamas sẽ bị “tiêu diệt”, Israel sẽ “khai tử mỗi chiến binh” Hamas. Trên nguyên tắc tối nay, chính phủ đoàn kết quốc gia Israel mới chính thức tuyên thệ trước Quốc Hội, nhưng tất cả đã bắt tay ngay vào làm việc từ hôm qua.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và lãnh đạo đối lập, đảng Đoàn Kết thuộc cánh trung Benny Gantz đồng ý thành lập một “nội các liên minh” vì lợi ích quốc gia, trong “thời chiến”. Hai ông Netanyahu, Gantz và đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Yoav Gallant, cùng tham gia “hội đồng chiến tranh”. Bản thân ông Benny Gantz nguyên là một chỉ huy quân đội Israel và cũng từng là bộ trưởng Quốc Phòng trong giai đoạn từ 2020 đến 2022.
Thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem cho biết thêm về thành phần nội các mới tại Israel :
« Chỉ sau có 5 ngày, các bên đã đạt được thỏa thuận để thành lập một chính phủ khẩn cấp. Nội các mới đã lập tức cùng nhau bắt tay vào việc với phiên họp đầu tiên. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: Chúng ta cùng nhau làm việc để nghiền nát Hamas. Dân tộc Israel đoàn kết, và giờ đây các nhà lãnh đạo Israel cũng đoàn kết. Chúng ta gạt qua một bên tất cả những bất đồng vì vận mệnh chung của dân tộc. Chúng ta cùng nhau sát cánh vì nhân dân Israel, vì đất nước của chúng ta, Israel’.
Nội các này chỉ tồn tại trong thời chiến. Mọi dự luật mới, nhất là dự luận liên quan đến việc cải tổ hệ thống tư pháp, đều bị đóng băng. Lãnh đạo đảng Đoàn Kết, ông Benny Gantz giải thích : ‘Mối quan hệ đối tác của chúng ta không mang tính chính trị, mà đây là quan hệ đối tác vì vận mệnh chung. Chúng ta sẽ thắng và thay đổi thực trạng về an ninh, về chiến lược trong khu vực’.
Một nội các thời chiến đã được hình thành, với trách nhiệm điều phối các chiến dịch quân sự. Về mặt chính thức và thể theo một tiến trình khá phức tạp, tất cả những quyết định đều sẽ phải được trình lên và có sự đồng ý của Ủy ban đặc trách về an ninh. Trong số những thành viên của tổ chức này có hai bộ trưởng thuộc cánh cực hữu là các ông Itamar Ben Gvir và Betsalel Smotrich. Liên minh mới tại Quốc Hội được mở rộng đang từ 64 lên thành 76 dân biểu. Đây là đa số cần thiết để thông qua mọi quyết định về một chiến dịch trên bộ đánh vào Dải Gaza. »
Cựu Trung tá Quân đội Trung Quốc: ĐCSTQ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc nổi dậy của Hamas
Cựu Trung tá Quân đội TQ: ĐCSTQ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc nổi dậy của Hamas. (Ảnh: Press TV).
Cuộc tấn công của Hamas vào Israel có quy mô và độ phức tạp chưa từng thấy trước đây. Câu hỏi đặt ra là Hamas có thể tự mình thực hiện việc này hay không?. Ông Diêu Thành, nguyên Trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân Đảng Cộng sản Trung Quốc, phân tích rằng, nguồn cung vũ khí và tài trợ chính cho Hamas có ba nguồn lớn, trong đó ĐCSTQ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột.
Ngày 9/10, ông Diêu Thành đã đăng trên mạng xã hội X để phân tích vì sao Hamas đột nhiên có nhiều vũ khí, đạn dược và kinh phí như vậy?.
Có ba nguồn: Thứ nhất là do Iran cung cấp, đặc biệt là máy bay không người lái; khi tổng thống Biden đã dỡ phong tỏa 6 tỷ USD của Iran; mang lại cơ hội cho Iran có thể mua vũ khí, trang thiết bị của ĐCSTQ để cung cấp cho Hamas;
Thứ hai, Mỹ đã để lại một lượng lớn trang thiết bị khi vội vàng rút quân khỏi Afghanistan, một số trang thiết bị này được Taliban chuyển cho Hamas;
Lý do thứ ba, ông Diêu đặt nghi vấn là tại sao ĐCSTQ tiếp đón Tổng thống Syria Assad với tiêu chuẩn cao trong dịp Thế vận hội châu Á, ông Diêu cho rằng Bắc Kinh cũng cung cấp một số hỗ trợ kinh tế tư nhân, giúp Syria có khả năng tài chính nhất định để hỗ trợ Hamas.
Nguyên Trung tá Diêu nói: “Lần này, Hamas đã khiến Israel hoàn toàn bất ngờ. Lực lượng này đã trải qua quá trình chuẩn bị và huấn luyện lâu dài. Không thể không có viện trợ nước ngoài, vì vậy động lực thực sự đằng sau hậu trường chính là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đánh giá từ mục đích của cuộc chiến này, có thể thấy chính quyền Bắc Kinh được lợi nhiều nhất, họ bí mật tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm và phân tán lực lượng quân sự Hoa Kỳ”.
Theo truyền thông Trung Quốc, tên lửa do Hamas phóng lần này không phải là tên lửa cấp thấp “Kasan” do lực lượng này tự chế trước đây, mà là một hệ thống hỏa tiễn đa nòng và tên lửa có thông số kỹ thuật thống nhất gần với loại mà quân đội chính quy sử dụng, có thể xuyên thủng lá chắn “ vòm sắt” của phòng không Israel.
Bài báo khẳng định: trên toàn cầu, Quân đội Trung Quốc không thiếu hỏa lực áp chế như bệ phóng tên lửa. Có thể vượt qua hệ thống đánh chặn ‘Vòm sắt’ thật dễ dàng.
Nhà bình luận thời sự Chu Hiểu Huy đã viết một bài báo trên The Epoch Times và chỉ ra rằng việc tự quảng cáo của truyền thông đại lục cho thấy rằng ĐCSTQ đã giúp sức đằng sau Hamas.
Chu Hiểu Huy cho rằng Hamas đã cấu kết với ĐCSTQ từ lâu và ĐCSTQ là bên hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Hamas. Năm 2009, một phương tiện truyền thông Đức đăng bài báo “Tên lửa Hamas sản xuất tại Trung Quốc”, nêu rõ rằng, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc lên án cuộc xung đột ở Dải Gaza và kêu gọi cả hai bên kiềm chế và ngừng bắn, nhưng Bắc Kinh đã không hề trực tiếp chỉ trích Hamas. Israel phát hiện bọn khủng bố có “tên lửa sản xuất tại Trung Quốc”.
Năm 2006, một cơ quan tình báo có trụ sở tại Pháp tuyên bố rằng có sự hợp tác giữa ĐCSTQ và Hamas, đồng thời Bộ trưởng Ngoại giao của Hamas đã đến thăm Bắc Kinh. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc cũng đã giúp Hamas chuyển tiền.
Nhà bình luận Chu Hiểu Huy cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Hamas vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, vì vậy, suy luận logic TQ đứng sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel là điều rất hợp lý.
Hội An
Tổng thống Nga Putin chính thức lên tiếng về cuộc chiến Israel- Hamas
Liên Thành
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS).
Kể từ lúc Israel bị Hamas mở màn cuộc tấn công đẫm máu bằng gần 5.000 quả rocket cũng như tên lửa, dư luận thế giới và lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng và lo cho tính mạng của dân thường.
Hôm qua 10/10, Tổng thống Nga Putin đã chính thức lên tiếng về cuộc chiến Israel- Hamas. Ông đổ lỗi cho chính sách đối ngoại của Mỹ về cuộc chiến giữa này.
Trong tuyên bố công khai đầu tiên về cuộc xung đột, nơi chứng kiến các cuộc tấn công đáp trả của Israel vào Gaza sau khi phiến quân Hamas tấn công miền nam nước này, ông Putin đã cáo buộc Washington có chính sách thân Israel, đi ngược lại lợi ích của người dân Palestine, theo Newsweek.
Hôm thứ Ba, ông Putin nói tại cuộc gặp ở Điện Kremlin với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia’ Al Sudani rằng: “Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng ý với tôi, rằng đây là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông”.
Theo bản ghi trên trang web của Điện Kremlin, ông Putin nói Mỹ đã cố gắng “độc quyền” những nỗ lực xây dựng hòa bình và không tìm kiếm những thỏa hiệp khả thi, nhưng “không may là không quan tâm đến việc tìm kiếm những thỏa hiệp có thể chấp nhận được cho cả hai bên”.
Ông nói rằng, Hoa Kỳ đã không “tính đến các lợi ích cơ bản của người dân Palestine”, chẳng hạn như “sự cần thiết phải thực hiện quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền”.
Dự báo: Smartphone có khả năng tự sửa màn hình trong vòng 5 năm tới
(Ảnh minh họa: Nicostock/Shutterstock)
Công ty phân tích CCS Insight cho hay rằng smartphone (điện thoại thông minh) có khả năng tự sửa màn hình có thể bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2028, theo tờ CNBC.
Trong báo cáo về những dự báo công nghệ quan trọng nhất cho năm 2024, CCS Insight cho biết họ kỳ vọng các nhà sản xuất smartphone sẽ bắt đầu sản xuất điện thoại có màn hình tự sửa chữa trong vòng 5 năm tới.
Cách thức hoạt động của tính năng này là kết hợp một lớp phủ nano lên bề mặt màn hình, nếu bị trầy xước sẽ tạo ra một vật liệu mới phản ứng khi tiếp xúc với không khí và lấp đầy chỗ hư hại.
Các công ty đã nói về công nghệ màn hình điện thoại thông minh tự sửa chữa trong vài năm.Đơn cử như LG, gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Hàn Quốc, đã quảng bá công nghệ tự phục hồi trên điện thoại thông minh của mình từ năm 2013. Công ty đã phát hành điện thoại thông minh có tên G Flex có màn hình cong theo chiều dọc và lớp phủ tự phục hồi ở nắp sau. LG không giải thích chính xác công nghệ này hoạt động như thế nào vào thời điểm đó.
Một số nhà sản xuất điện thoại khác đã giới thiệu vật liệu tự phục hồi trong điện thoại thông minh. Vào năm 2017, Motorola đã nộp bằng sáng chế cho một màn hình được làm từ polyme ghi nhớ hình dạng có khả năng tự sửa chữa khi bị nứt. Với phương án khi nhiệt được truyền vào vật liệu, nó sẽ làm lành các vết nứt.
Trong khi đó, Apple trước đây cũng đã nhận được bằng sáng chế dành cho iPhone màn hình gập có nắp màn hình có thể tự động sửa chữa khi bị hỏng.
Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa được tìm thấy trên một chiếc điện thoại thành công về mặt thương mại. Có một số trở ngại đối với việc ra mắt rộng rãi những chiếc điện thoại như vậy.
Trước tiên, các công ty cần đầu tư nhiều vào nghiên cứu thị trường để đảm bảo có thể xác định được những cải tiến mới trong màn hình điện thoại thông minh. Các hãng cần chi mạnh tay cho quảng cáo để tiếp thị điện thoại và bán chúng với số lượng lớn. Đồng thời cần đảm bảo rằng người tiêu dùng thực sự được thông báo chính xác về mức độ hư hỏng của điện thoại có thể được sửa chữa mà không cần bất kỳ sự can thiệp thủ công nào.
Phan Anh
Google hướng tới việc không sử dụng mật khẩu
(Nguồn: Sundry Photography/Shutterstock)
Google đang tiếp tục hướng tới việc tạo ra một tương lai trong đó mọi người sẽ không cần mật khẩu để đăng nhập vào tài khoản một cách an toàn, theo hãng tin CNBC.
Gã khổng lồ công nghệ thông báo rằng họ đang đặt Passkey (mật mã) làm tùy chọn mặc định cho tài khoản Google cá nhân. Google cho biết rằng Passkey mà hãng bắt đầu sử dụng vào tháng 5 là một giải pháp thay thế mật khẩu an toàn hơn và nhanh hơn, giúp mọi người không phải nhớ nhiều mật khẩu.
Passkey an toàn hơn vì chúng loại bỏ khả năng mật khẩu của bạn bị đánh cắp, cả do bị hack và do bạn vô tình chia sẻ mật khẩu đó.
Passkey, một hệ thống bỏ mật khẩu để chuyển sang các phương pháp xác minh trên thiết bị an toàn hơn như đối sánh khuôn mặt, xác minh dấu vân tay hoặc thậm chí là mã PIN mà người dùng nhập để mở khóa thiết bị hay tải khoản của họ.
Ý tưởng là loại bỏ hệ thống mật khẩu và với nó, tất cả các rủi ro và phức tạp đi kèm. Ngoài ra, Passkey cũng loại bỏ xác thực hai lớp vì Passkey về cơ bản là xác nhận rằng bạn đang sở hữu thiết bị của mình.
Ngày càng có nhiều ứng dụng và công ty sử dụng passkey như YouTube, Bản đồ, Uber và eBay, tất cả đều cho phép mọi người sử dụng passkey để đăng nhập.
Passkey chạy trên tính năng nhận dạng khuôn mặt, quét dấu vân tay hoặc số PIN, khiến các cuộc tấn công lừa đảo không hiệu quả khi nhập mật khẩu.
Theo một bài đăng của Google nêu rõ, ngay cả khi người dùng mất thiết bị, người khác sẽ cần thông tin sinh trắc học hoặc số PIN của người dùng để đăng nhập.
Họ sử dụng một dạng mật mã có thể xác nhận rằng thiết bị có mật mã và mật khẩu chỉ có thể được truy cập thông qua thông tin sinh trắc học hoặc số PIN.
Google cho biết trong blog: “Chúng tôi sẽ cập nhật cho bạn về những ứng dụng mà bạn có thể bắt đầu sử dụng Passkey. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dùng chuyển hướng sang Passkey”.
Phan Anh
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc – WM Motor đã nộp đơn xin phá sản
Trọng Minh, theo Nikkei Asia
Nhiều hãng xe Trung Quốc đang phá sản và giải thể. (Ảnh minh họa: Robert Way/Shutterstock)
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc – WM Motor đã nộp đơn xin phá sản ở tòa án TP Thượng Hải, thông tin này cho thấy một thị trường đông đúc các hãng xe đang phải trải qua thời kỳ nhu cầu suy yếu.
Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Ba, nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Thượng Hải thông báo rằng đơn xin phá sản của họ đã được tòa án địa phương chấp nhận vào thứ Bảy tuần trước (ngày 7/10).
Công ty gặp khó khăn về tài chính đổ lỗi cho đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán), thị trường vốn trầm lắng và giá nguyên liệu thô tăng cao dẫn đến khó khăn trong hoạt động, nhưng tuyên bố kỳ vọng trở lại thông qua tái cấu trúc với các nhà đầu tư đến từ nước ngoài.
WM Motor đã bán được 29.400 xe trong năm 2022, giảm khoảng 1/3 so với năm trước, hãng tin địa phương Sohu.com đưa tin. Trung Quốc ghi nhận doanh số 6,8 triệu xe điện vào năm ngoái, tăng trưởng 93% hàng năm.
Được thành lập vào năm 2015 bởi Freeman Shen, cựu thành viên hội đồng quản trị tại nhà sản xuất ô tô Geely Group và sau đó là Chủ tịch của Volvo Trung Quốc, WM Motor từng được coi là “kẻ thách thức Tesla”, cùng với những người mới đến Trung Quốc khác như Nio, Li Auto và Xpeng Motors.
Dòng sản phẩm của WM Motor bao gồm ba mẫu SUV và 2 chiếc sedan được sản xuất tại hai cơ sở địa phương với tổng công suất sản xuất hàng năm là 250.000 xe. Công ty khởi nghiệp này đã xâm nhập vào châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á.
WM Motor đã gây chú ý trong thời kỳ đại dịch vào năm 2020 bằng cách huy động 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) từ một nhóm các nhà đầu tư được nhà nước hậu thuẫn, cũng như những người ủng hộ hiện tại bao gồm Baidu.
Trong quý 4 năm 2021, nó đã huy động được 457 triệu đô la từ nhà phát triển bất động sản địa phương Agile Group và các nhà đầu tư khác. WM Motor sau đó cho biết họ hy vọng sẽ khai thác mạng lưới bán hàng trên toàn quốc của Agile.
Doanh số bán xe của Trung Quốc đã giảm trong năm nay, phản ánh sự chậm lại trong nền kinh tế thực bị đè nặng bởi thương mại bên ngoài và cuộc khủng hoảng bất động sản đang ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh. Trong 8 tháng đầu năm, tổng doanh số EV tăng 39% so với 114% cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài tâm lý người tiêu dùng kém hơn, thị trường xe điện của Trung Quốc đã được các nhà phân tích mô tả là quá đông đúc và chín muồi để củng cố.
Được thúc đẩy bởi các chính sách thân thiện của chính phủ, khoảng 200 người chơi đã tham gia vào cuộc chiến, phần lớn trong số họ từ năm 2018 đến năm 2020.
Cạnh tranh gay gắt ở đỉnh điểm của các đợt phong tỏa COVID vào năm 2022, khiến Tesla phải giảm giá trong quý cuối cùng của năm đó, một động thái mà các đối thủ địa phương theo sau.
Trước khi WM Motor nộp đơn phá sản, một nhà sản xuất EV khác của Trung Quốc, Byton, đã giải thể vào tháng 7 sau khi tạm ngừng hoạt động vào năm 2020.
WM Motor đã đề xuất niêm yết cửa sau vào năm ngoái thông qua việc mua lại Apollo Future Mobility Group niêm yết tại Hồng Kông, nhưng kế hoạch cuối cùng đã thất bại.
Tháng trước, đại lý xe hơi Kaixin Auto đã ký một bảng điều khoản mua lại không ràng buộc với WM Motor với đề xuất phát hành một số lượng cổ phiếu mới nhất định để có được 100% vốn chủ sở hữu sau này. Nhưng không có cập nhật nào sau thông báo ngày 11/9.
Trọng Minh, theo Nikkei Asia
Hamas chuẩn bị cho chiến tranh
Các nhà lãnh đạo Israel đã hứa sẽ “xóa sổ” Hamas, nhóm chiến binh đang điều hành Dải Gaza. Với việc quân đội Israel dồn quân đến sát biên giới, một cuộc xâm lược vào Gaza chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng Hamas cũng đang chuẩn bị, và thậm chí tuyên bố sẽ giành chiến thắng.
Quân đội Israel được trang bị tốt hơn. Song các chiến binh Hamas biết rõ địa hình và có thể ẩn náu trong đường hầm cho đến khi binh sĩ Israel rời đi. Trong cuộc xâm lược năm 2014, các chiến binh Hamas đã chiến đấu suốt 50 ngày bằng cách sử dụng các đội tấn công nhỏ nhưng được trang bị vũ khí hạng nặng. Và Hamas cho rằng nếu cuộc chiến gây ra thiệt hại nhân đạo lớn, nó sẽ khiến dư luận toàn cầu quay lưng với Israel và thu hút những người đồng tình lên tiếng phản đối cuộc xung đột.
Cuộc xâm lược có thể sẽ tiến tới bờ biển và cắt Gaza làm đôi. Nhưng khó có khả năng Israel sẽ tái chiếm Gaza; họ đã bỏ Gaza từ năm 2005 vì việc chiếm giữ quá tốn kém. Giữ quân ở đó sẽ khiến Israel thiếu nhân lực ở Bờ Tây bất ổn. Và ngay cả nếu họ thành công trong việc đập tan Hamas, vẫn chưa rõ cái gì sẽ trồi lên thay thế tổ chức này.
Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Israel
Vào thứ Năm, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Israel để thể hiện tình đoàn kết. Ông sẽ gặp các quan chức cấp cao của Israel để thảo luận về cách Mỹ có thể tiếp tục giúp đỡ, sau khi tổng thống Joe Biden gọi cuộc tấn công của Hamas là “hoàn toàn xấu xa” và cam kết viện trợ thêm vào hôm thứ Ba. Hai bên cũng sẽ thảo luận về việc đàm phán con tin. Ông Biden đã xác nhận có người Mỹ trong số những người bị Hamas bắt giữ ở Gaza.
Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ phát biểu trước những người đồng cấp của mình tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels. Trên giấy tờ Ukraine vẫn là chủ đề chính. Nhưng Israel chắc chắn sẽ chiếm sóng. Có lẽ đoán trước được điều này, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thực hiện một chuyến đi bất ngờ tới hội nghị thượng đỉnh để đích thân vận động hành lang kêu gọi viện trợ vũ khí. Ông cũng nhắc nhở các nhà lãnh đạo rằng điều quan trọng đối với Israel, cũng như với Ukraine, là “không đơn độc”. Theo báo Axios, ông Zelensky đã yêu cầu được đích thân tới Israel.
Thành tích kinh tế của Biden bị đặt dấu chấm hỏi
Suốt mấy tháng qua tổng thống Joe Biden đã cố gắng thuyết phục người Mỹ về thành tích kinh tế của ông. Ông sẽ tiếp tục các nỗ lực đó vào thứ Năm khi gặp một nhóm CEO tại Nhà Trắng, và một lần nữa vào thứ Sáu trong chuyến thăm Philadelphia. Tổng thống thích giải thích Bidenomics (chính sách kinh tế kiểu Biden) là “phát triển nền kinh tế từ giữa ra và từ dưới lên” – một định nghĩa khá mơ hồ. Trên thực tế, ông đã giúp thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho các công đoàn.
Điều này đáng lẽ có lợi cho ông Biden với cử tri. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò đều cho thấy đa số người Mỹ cho rằng chính sách kinh tế của ông là sai lầm. Đảng Cộng hòa mô tả thành tích kinh tế của ông bằng một thuật ngữ còn bắt tai hơn: lạm phát kiểu Biden. Dù tỷ lệ lạm phát gần đây đã giảm tốc, giá cả vẫn tăng gần 20% kể từ khi ông nhậm chức chưa đầy ba năm trước. Đó là điều mà tất cả người Mỹ đều có thể nhìn thấy.
Giá dầu dao động hình zig-zag
Vào thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế sẽ công bố báo cáo hàng tháng của họ về xu hướng giá dầu toàn cầu. Thị trường sẽ xem xét rất kỹ. Giá dầu không ổn định trong những tháng gần đây: tăng 21% kể từ tháng 6, lên 87 USD một thùng, nhưng rồi giảm 10% kể từ mức đỉnh vào tháng 9 là 97 USD.
Thị trường bị kẹt giữa hai lực trái ngược nhau. Một mặt có lo ngại Iran, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu, sẽ bị cuốn vào cuộc chiến giữa Israel và Hamas, trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích của Israel. Điều đó có thể làm giảm nguồn cung xăng dầu, vốn đã thấp vì Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7 để giữ giá cao.
Nhưng ở chiều ngược lại, giá dầu tăng mạnh sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến, qua đó hạn chế tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu mua dầu. Vì vậy, kỳ vọng chung là giá dầu sẽ tiếp tục dao động theo hình zig-zag: nguồn cung không chắc chắn có nghĩa là thị trường sẽ biến động nhiều – nhưng nhu cầu mờ nhạt sẽ khiến giá không thể lên quá cao.
EU gửi tối hậu thư cho Elon Musk, yêu cầu kiểm duyệt X
(Ảnh: Angga Budhiyanto/ Shutterstock)
Một bức thư khẩn từ một quan chức cấp cao EU gửi cho Elon Musk, yêu cầu ông phải tiến hành kiểm duyệt X (Twitter), đảm bảo X tuân thủ chặt chẽ cái gọi là các quy định về “thông tin sai lệch”, nếu không ông sẽ phải đối mặt với “các hình phạt”, theo RT đưa tin. Bức thư cáo buộc mạng xã hội X (Twitter) hiện đang cho lưu hành các “nội dung khủng bố” và “hình ảnh giả mạo bị thao túng” liên quan tới chiến tranh Israel-Hamas.
Cư dân mạng Kim Iversen đưa tin và bình luận về vụ bức tối hậu thư gửi cho ông chủ X (Twitter) Elon Musk:
“Sau các cuộc tấn công khủng bố của Hamas chống Israel, chúng tôi có dấu hiệu cho thấy nền tảng của ông đang được sử dụng để phổ biến nội dung bất hợp pháp và thông tin sai lệch ở EU,” bức thư viết và thêm rằng khi X nhận được “thông báo về nội dung bất hợp pháp”, thì X phải “kịp thời, siêng năng, và khách quan trong việc thực hiện hành động và xóa nội dung liên quan.”
Trong “bức thư khẩn cấp” gửi cho ông Musk hôm Thứ Ba, Ủy viên Thị trường nội bộ EU Thierry Breton đã nhắc lại “các nghĩa vụ rất minh xác” được đặt ra theo luật quản lý Internet của khối. Ông kêu gọi thực thi chặt chẽ hơn đối với X, đồng thời cho rằng đã có vô số thông tin sai lệch liên quan đến cuộc giao tranh đang diễn ra giữa các chiến binh Israel và Palestine.
Mặc dù ông Breton không đưa ra bất kỳ ví dụ nào về “nội dung bạo lực và khủng bố” đang lan truyền trên nền tảng này, nhưng ông tiếp tục tuyên bố rằng “các phương tiện truyền thông đại chúng và các tổ chức xã hội dân sự” đã báo cáo nhiều trường hợp về “hình ảnh giả mạo và bị thao túng”, bao gồm cả những bức ảnh “được sử dụng lại”. từ những xung đột không liên quan và “cảnh quay thực sự bắt nguồn từ trò chơi điện tử”.
Quan chức này cho biết, ông mong đợi “phản hồi nhanh chóng, chính xác và đầy đủ” từ nhóm của ông Musk trong vòng 24 giờ, đồng thời cảnh báo rằng “có thể áp dụng các hình phạt” nếu chính quyền EU phát hiện X không tuân thủ quy định Internet cơ bản của khối (DSA — Digital Service Act).
Tỷ phú Elon Musk sau đó đã trả lời bức thư ấy trong một tweet, yêu cầu ông Breton “liệt kê những vi phạm mà ông ám chỉ trên X để công chúng có thể nhìn thấy chúng”.
Ông Musk viết rằng “Chính sách của chúng tôi là mọi thứ đều là nguồn mở và minh bạch, một cách tiếp cận mà tôi biết EU ủng hộ”.
Sau đó ông Breton từ chối trích dẫn bất kỳ trường hợp thông tin sai lệch cụ thể nào, thay vào đó nói rằng ông Musk “biết rõ về các báo cáo của người dùng —và của chính quyền— về nội dung giả mạo và ca ngợi bạo lực”.
Theo DSA, các website và công cụ tìm kiếm có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu bị phát hiện vi phạm các quy tắc.
Tuy nhiên, mặc dù luật sẽ không được thực thi đầy đủ cho đến đầu năm 2024, nhưng các website được chỉ định là “nền tảng trực tuyến rất lớn” —hoặc những trang có hơn 45 triệu người dùng hàng tháng, chẳng hạn như X— dự kiến sẽ đáp ứng các yêu cầu bắt đầu từ tháng 8.
Dịp sự kiện WEF 2023 vào tháng 1, người của EU đã đe dọa Elon Musk sẽ có các biện pháp trừng phạt Twitter vì kể từ khi ông Musk tiếp quản Twitter thì tự do ngôn luận được triển khai “không phù hợp” với các tiêu chuẩn của EU:
Bạo lực bùng phát ở Israel nổ ra vào cuối tuần qua, sau khi Hamas —nhóm người Palestine cai trị Gaza— tiến hành một đợt biệt kích và bắn tên lửa vào các thị trấn phía Nam của Israel.
Lực lượng Phòng vệ Israel đã trả đũa bằng các cuộc không kích dữ dội vào Gaza, kéo dài đến đêm Thứ Ba.
Theo các quan chức địa phương, gần 2.000 người đã thiệt mạng tính cả 2 phe cuộc xung đột kể từ Thứ Bảy, và hàng ngàn người khác bị thương.
Nhật Tân