Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 1 9 8
Total Users : 13198
Total views : 136117
Server Time : 2024-09-20

DƯƠNG LỊCH

September 2024
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thời sự Thứ Hai 10/04/2023: * Macron tại Bắc Kinh * Thụy Điển từ chối nhận du học sinh TQ * Nhật tái chế dầu ăn thành nhiên liệu máy bay sạch * Phần Lan mua phòng không 345 triệu USD sau khi vào NATO * TC tập trận bao vây Đài Loan

Võ Thái Hà tổng hợp


Sau khi gặp ông Tập, ông Macron nói châu Âu nên giảm phụ thuộc vào đô-la Mỹ

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/tap-and-macron.jpg

Tống thống Pháp Emanuel Macron vừa qua đã nói trên truyền thông rằng châu Âu nên giảm phụ thuộc vào Mỹ và đồng đô-la Mỹ. Tuyên bố này được ông Macron đưa ra sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trong bối cảnh một số nước đang tìm cách “loại bỏ đô-la hóa” trong ngoại thương.

Trao đổi với tờ Politicovào cuối tuần qua khi đang trên chuyến bay từ Bắc Kinh tới Quảng Châu sau khi gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emanuel Macron nói rằng châu Âu cần phải đầu tư tiền vào ngành công nghiệp quốc phòng, phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ để giới hạn sự phụ thuộc vào Washington.

Ông Macron đề nghị rằng các quốc gia châu Âu nên giảm phụ thuộc vào “sự thống trị ngoại thương của đồng đô-la Mỹ”. Cả Trung Quốc và Nga gần đây đều công khai tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này.

“Nếu mâu thuẫn giữa hai siêu cường nóng lên… chúng ta sẽ không có thời gian và cũng không có cả nguồn lực để đầu tư cho sự tự chủ chiến lược của mình và chúng ta sẽ trở thành những nước chư hầu”, ông Macron nói.

Phát biểu của ông Macron đến vào thời điểm có những đồn đoán rằng những động thái gần đây của Trung Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Brazil, Iran và thậm chí cả Pháp có thể quyết định đến vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế trên phạm vi toàn cầu của đồng đô-la Mỹ, vị thế mà đồng tiền này đã có được từ sau khi kết thúc Thế chiến II.

Theo thông tin trên truyền thông, Ả Rập Saudi đang đàm phán tích cực với Trung Quốc để định giá bằng đồng Nhân dân tệ thay vì niêm yết bằng đồng đô-la Mỹ một số thương vụ dầu mỏ bán cho Trung Quốc.

Tháng trước, chính phủ Brazil đã phát đi tuyên bố cho biết nước này và Trung Quốc đã đồng ý trao đổi thương mại song phương bằng đồng tiền nội tệ của mỗi nước và sẽ không sử dụng đô-la Mỹ là đồng tiền trung gian nữa.

Trong chuyến thăm Nga gần đây, ông Tập và ông Putin cũng đã tuyên bố về việc sử dụng các đồng nội tệ mỗi nước trong thương mại song phương thay vì quy đổi sang đồng đô-la Mỹ.

Hải Đăng


Nhiều trường đại học Thụy Điển từ chối nhận du học sinh TQ được nhà nước tài trợ

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/dai-hoa-thuy-dien.jpg

Đại học Lund (Lund University) Thụy Điển (Ảnh: Wikipedia)

Du học sinh Trung Quốc được chính phủ tài trợ trước khi ra nước ngoài cần phải ký vào thỏa thuận trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thông tin này gây náo động sau khi được truyền thông Thụy Điển phanh phui. Mới đây, Học viện Karolinska tại Thụy điển cho biết sẽ tạm ngừng nhận nghiên cứu sinh Trung Quốc thông qua chương trình học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC).

“Có những điểm không chắc chắn trong đây (thỏa thuận nhà nước cử đi du học mà sinh viên Trung Quốc ký), chẳng hạn như ý tứ của câu ‘đi ngược lại lợi ích quốc gia của Trung Quốc’ có nghĩa là gì? Do đó, chúng tôi tạm thời quyết định không tuyển thêm nghiên cứu sinh (Trung Quốc) thông qua CSC,” ông Bob Harris, giáo sư và phó trưởng khoa nghiên cứu khoa học tại Học viện Karolinska (KI), cho biết.

“Tôi luôn cảm thấy chột dạ, bởi vì những gì chúng tôi nhận được thực sự là tiền mồ hôi nước mắt (của người dân) từ chế độ độc tài,” một trưởng nhóm nghiên cứu tại Karolinska Institutet và là một hướng dẫn nghiên cứu sinh của CSC đã nói như vậy.

“Nghiên cứu sinh CSC” hoặc “sinh viên CSC” mà các trường giáo dục bậc cao của Thụy Điển hay nói, chính là đề cập đến những người được “Hội đồng Quản lý Quỹ du học quốc gia Trung Quốc” (Chinese Scholarship Council, CSC) tài trợ để đến Thụy Điển học tập nghiên cứu chuyên sâu. “Học bổng CSC” còn được gọi là “Học bổng Chính phủ Trung Quốc“, và “sinh viên CSC” cũng là để chỉ chung về du học sinh được nhà nước Trung Quốc cử đi du học.

Học viện Karolinska là một trong những đại học hàng đầu ở Thụy Điển, và một ủy ban chuyên trách của trường y này chịu trách nhiệm xem xét và trao “Giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học”. Thông qua hợp tác với CSC, học viện này đã từng nhận hơn 30 sinh viên Trung Quốc mỗi năm.

Theo Epoch Times, ngoài Học viện Karolinska, 3 trường đại học nổi tiếng của Thụy Điển cũng đã quyết định ngừng tuyển sinh sinh viên CSC, và ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục bậc cao của Thụy Điển xem xét tạm dừng hoặc dừng hoàn toàn tuyển sinh sinh viên CSC.

Thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ của du học sinh Trung Quốc

Hồi tháng Một, truyền thông Thụy Điển Dagens Nyheter đưa tin rằng thông qua chương trình học bổng CSC của Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 30 sinh viên Trung Quốc đã bị buộc phải ký một thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ trước khi đến Thụy Điển du học. Những sinh viên đi du học này không chỉ phải cam kết trung thành với chính quyền Bắc Kinh, mà còn phải “phục vụ chế độ” và “tuyệt đối không tham gia các hoạt động trái với mong muốn của chính quyền”.

Dưới sự cai trị của chính quyền Bắc Kinh, “Hội đồng Quản lý Quỹ du học quốc gia Trung Quốc” (CSC) là cơ quan chịu trách nhiệm trao đổi học thuật quốc tế với các trường đại học trên khắp thế giới.

Nguyên nhân khiến cho vụ việc sinh viên Trung Quốc ký thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ bị phanh phui, là do một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Lund, Thụy Điển bị khuyên tạm dừng học vì thành tích học tập không đạt yêu cầu của trường. Sau đó, du học sinh Trung Quốc này bắt đầu tỏ ra lo lắng và cho rằng quyết định của Đại học Lund có thể khiến gia đình anh ở Trung Quốc gặp rắc rối.

Trả lời phỏng vấn của truyền thông Thụy Điển, ông David Gisselsson Nord, phó chủ nhiệm Các vấn đề quốc tế tại Khoa Y tại Đại học Lund, cho biết: “Chúng tôi khá kinh ngạc, vì chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về một thỏa thuận như vậy”.

Ông Nord (David Gisselsson Nord) cho rằng: “Đây chính xác là phương thức hoạt động của chế độ độc tài (Bắc Kinh). Gia đình (du học sinh Trung Quốc) trở thành con tin tại tổ quốc của mình. Đây là một (tình trạng nhân quyền) rất tồi tệ.”

Thông qua việc này, Đại học Lund đã thu được các tài liệu liên quan nêu trên từ các sinh viên Trung Quốc khác đang theo học tại trường, kết quả xác nhận rằng những sinh viên Trung Quốc này đã ký thỏa thuận tương tự.

Theo các tài liệu liên quan mà truyền thông Thụy Điển có được, nếu những du học sinh Trung Quốc này vi phạm thỏa thuận đã ký hoặc gián đoạn việc học, người nhà trong nước của họ có thể rơi vào cảnh “nợ nhà nước”. Họ không chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới mà còn bị buộc phải ký các thỏa thuận liên quan. Là người thân, họ thường là người bảo lãnh cho du học sinh trong thời gian du học và họ không được phép rời khỏi Trung Quốc trong thời gian này.

Sau đó, các trường đại học khác ở Thụy Điển như Học Viện Karolinska (Karolinska Institute) ở Stockholm, Đại học Uppsala (Uppsala University) và Viện Công nghệ Hoàng gia (Royal Institute of Technology) cũng tiến hành kiểm tra các giấy tờ liên quan của các sinh viên Trung Quốc.

Trí Đạt (t/h)


Công ty Nhật tái chế dầu ăn thành nhiên liệu máy bay sạch

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/dau-an.jpg

Công ty TNHH Food & Life Companies, công ty quản lý chuỗi nhà hàng sushi mang thương hiệu Sushiro nổi tiếng ở Nhật Bản, hiện đang lên kế hoạch hợp tác với 3 doanh nghiệp khác, trong đó có JGC Holdings, để sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ dầu ăn đã qua sử dụng, theo hãng tin NHK.

Cụ thể, ông Mayumi Hayashi, lãnh đạo cấp cao của Food & Life Companies, cho biết công ty và các đối tác mong muốn thúc đẩy sử dụng dầu ăn tái chế để sản xuất SAF. Theo đó, Food & Life Companies sẽ thu gom dầu ăn đã qua sử dụng tại khoảng 680 cửa hàng thuộc quản lý của công ty này, trong đó có chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền Sushiro và chuỗi quán nhậu kiểu Nhật Izakaya.

Sau đó, Food & Life Companies sẽ cung cấp dầu ăn đã qua sử dụng này cho một liên doanh do JGC Holdings thành lập để sản xuất SAF tại một nhà máy lọc dầu sẽ được xây dựng ở Osaka. Liên doanh này đặt mục tiêu sản xuất khoảng 750.000 lít SAF mỗi năm và cung cấp nhiên liệu chủ yếu cho các hãng hàng không trong nước.

SAF là một loại nhiên liệu hàng không có lượng khí thải CO2 thấp hơn khoảng 80% so với nhiên liệu thông thường. Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng SAF trong tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ hằng năm của các hãng hàng không trong nước lên 10% vào năm 2030.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và các nguồn tin khác cho biết máy bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) bị mất tích cùng ngày khi đang chở 10 người, theo hãng tin Reuters.

Theo GSDF, 10 người này gồm 2 phi công, 2 kỹ thuật viên và 6 người khác, tất cả đều thuộc Lực lượng Phòng vệ.

Phan Anh


Phần Lan mua hệ thống phòng không giá 345 triệu USD sau khi gia nhập NATO

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/he-thong-hng-thu-700x480.jpg

Hệ thống phòng không David’s Sling. (Ảnh: Wikimedia/CC0 1.0)

Bộ Quốc phòng Phần Lan công bố kế hoạch mua hệ thống phòng không David’s Sling, chỉ một ngày sau khi nước này gia nhập NATO, theo tờ Defense News.

Bộ Quốc phòng Phần Lan công bố kế hoạch mua hệ thống phòng không David’s Sling với giá 316 triệu EUR (345 triệu USD) chỉ một ngày sau khi nước này gia nhập NATO.

Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết họ đã ủy quyền cho Lực lượng Phòng vệ Phần Lan mua hệ thống David’s Sling làm hệ thống phòng không tầm xa tiếp theo của Phần Lan.

David’s Sling được phát triển như một phần của chương trình hợp tác giữa Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ. Tập đoàn Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael của Israel đóng vai trò là nhà thầu chính. Rafael cũng là công ty chế tạo hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt), nhằm đối phó các mối đe dọa tầm ngắn hơn.

Đây sẽ là lần xuất khẩu đầu tiên của hệ thống David’s Sling. Bộ Quốc phòng Israel cho biết hệ thống này được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa trên không tiên tiến, bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay, UAV và tên lửa hành trình.

Theo tuyên bố, quá trình mua sắm trên của Phần Lan đã kéo dài vài năm và là một quá trình có nhiều cạnh tranh.

Helsinki cho biết hệ thống này sẽ mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của khả năng phòng không trên mặt đất của Phần Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho biết thêm rằng việc mua hệ thống David’s Sling sẽ tạo ra năng lực mới cho Lực lượng Phòng vệ Phần Lan trong việc đánh chặn các mục tiêu ở độ cao lớn. Đồng thời, chúng tôi đang tiếp tục phát triển đầy tham vọng và lâu dài về khả năng phòng thủ của Phần Lan trong một môi trường an ninh mới.

Ngoài hệ thống David’s Sling, thỏa thuận mà Phần Lan ký với Israel còn bao gồm tên lửa đánh chặn, bệ phóng và radar. Bên cạnh Rafael là nhà thầu chính, thỏa thuận cũng liên quan đến hợp tác với công ty con Elta của IAI liên quan đến sản xuất radar đa nhiệm vụ cho hệ thống và cả Elbit Systems, công ty sản xuất hệ thống chỉ huy và điều khiển. Đây cũng là ba công ty quốc phòng lớn nhất của Israel.

Phiên bản Phần Lan của hệ thống David’s Sling sẽ được sản xuất và tích hợp dưới sự hợp tác giữa các nhà thầu Israel, Mỹ và Phần Lan, do Rafael và Raytheon Technologies đứng đầu.

Tuyên bố của Phần Lan lưu ý rằng bản hợp đồng chính trị giá 213 triệu EUR, trong khi hợp đồng gồm các tùy chọn không xác định khác có giá 216 triệu EUR.

Ngoài ra, tuyên bố lưu ý rằng hợp đồng mua sắm sẽ bao gồm một phần riêng biệt giữa Bộ Quốc phòng Israel và Bộ Quốc phòng Phần Lan để đảm bảo an ninh về cung cấp hệ thống.

Phan Anh


Tròn 25 năm ngày ký Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh

Thứ Hai là kỷ niệm 25 năm ngày ký Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, vốn được ký vào năm 1998 nhằm chấm dứt bạo lực phe phái ở Bắc Ireland. Trong ba thập niên trước đó có khoảng 3.500 người đã thiệt mạng. Nếu bạo lực vẫn giữ nguyên ở tỉ lệ đó, sẽ có khoảng 3.000 người nữa chết trong 25 năm qua ở Bắc Ireland.

Nhiều quan chức quốc tế sẽ bay đến Belfast, thủ đô Bắc Ireland, để kỷ niệm ngày này. Họ bao gồm tổng thống Joe Biden (Mỹ là trung gian của thỏa thuận). Dù hòa bình do thoả thuận tạo dựng vẫn ổn định ít nhiều, bản thân nó đã bị phá vỡ. Chính phủ chia sẻ quyền lực do thoả thuận tạo ra đã không hoạt động trong hơn một năm qua vì bị các đảng thân Anh đình chỉ để phản đối thỏa thuận thương mại Brexit. Từ năm 1999 đến năm 2022, chính phủ được ủy quyền không hoạt động tới 37% thời gian.

Sự rối loạn chức năng đó gây ra nhiều hậu quả, trong đó có sự sụp đổ của dịch vụ y tế. Người Bắc Ireland biết ơn vì 25 năm hòa bình. Nhưng khi năm tháng trôi qua, họ cần nhiều hơn là chỉ hoà bình.


IMF và WB họp thường niên

Các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới sẽ bắt đầu tại Washington, DC, vào thứ Hai. Bên cạnh cuộc chiến ở Ukraine và Covid-19, sự kiện năm nay còn bận tâm đến một vấn đề khác: làm thế nào để huy động tiền giúp các nước nghèo ứng phó biến đổi khí hậu.

Một ý tưởng là “sáng kiến Bridgetown,” được đưa ra bởi Mia Mottley, thủ tướng của Barbados. Nó đề nghị cho phép các ngân hàng phát triển đa phương thực hiện các khoản vay rủi ro hơn, bao gồm tăng chuyển tiền đến các nước dễ bị tổn thương nhất trước các thảm họa như bão hay lũ lụt. Sáng kiến này cũng đề xuất thành lập “Quỹ Ủy thác Giảm thiểu Khí hậu Toàn cầu,” được tài trợ một phần bằng 500 tỷ SDR, một loại tiền tệ do IMF phát hành. Nhưng một số nhà kinh tế lo ngại về việc in thêm tiền khi lạm phát đang cao.

Nhưng có một số thay đổi tiềm năng. Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng họ có thể hạ thấp tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay (dù chỉ là 1 điểm phần trăm). Bấy nhiêu là không đủ để làm hài lòng những người kêu gọi tái xây dựng cấu trúc tài chính thế giới để ứng phó với nhiệt độ tăng.


Đảng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị cấm

Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP), đảng chính của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, là vào khoảng 10%. Song họ có thể đóng một vai trò lớn trong cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống của đất nước vào ngày 14 tháng 5 — ngay cả khi đảng này không thể tồn tại đến lúc đó.

Tòa án hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét một vụ kiện, do các công tố viên nhà nước đệ trình, có thể dẫn đến việc giải tán HDP vì cáo buộc có liên hệ với lực lượng vũ trang ly khai người Kurd. Vụ án — phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra vào thứ Ba — cũng có thể khiến cho hàng trăm thành viên lãnh đạo của đảng bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.

Nhưng HDP vẫn quyết tâm. Gần đây, để phòng trường hợp bị cấm, họ đã quyết định ra tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội dưới ngọn cờ của đảng Cánh tả Xanh. Và HDP dự kiến sẽ tán thành Kemal Kilicdaroglu, ứng viên đối lập chính cho chức tổng thống. Bấy nhiêu có thể là đủ để lật đổ người đương nhiệm, Recep Tayyip Erdogan. Cho dù có cấm được HDP, ông Erodgan cũng không thể loại bỏ các cử tri của họ.


Công ty đường sắt Amtrak có phó chủ tịch mới

Vào thứ Hai này Andy Byford, một giám đốc điều hành giao thông công cộng nổi tiếng người Anh, sẽ nhậm chức phó chủ tịch cấp cao của Amtrak, hệ thống đường sắt chở khách của Mỹ. Ông Byford từng điều hành hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York, cho đến khi từ chức vào đầu năm 2020 vì bất hòa với thống đốc Andrew Cuomo. Ông đã cải thiện đáng kể độ tin cậy của tàu điện ngầm, và nhiều người bắt đầu đặt cho ông biệt danh “Ông bố tàu điện.” Vào ngày làm việc cuối cùng của ông ở đó, hàng chục người, trong đó có một người thổi kèn túi, đã đeo khẩu trang và lên tàu ngồi cùng ông.

Nhưng ông sẽ gặp nhiều khó khăn để có thành công tương tự trong vị trí mới. Tại Amtrak, ông Byford có trách nhiệm phát triển một mạng lưới tàu cao tốc liên thành phố, điều đòi hỏi ông phải đấu tranh với các công ty tàu chở hàng, công đoàn đường sắt và chính trị lộn xộn của Washington, DC. Nhưng với nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden, người được gọi là “Joe Amtrak” vì thường xuyên đi tàu, và những khoản tiền khổng lồ sẵn có để đầu tư, lúc này chính là thời cơ hiếm có.


Ngành công nghiệp Hoa Kỳ muốn quay về kỷ nguyên truyền thống ‘Made in USA’

Tạ Linh

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/04/anh-chup-man-hinh-2023-04-10-luc-70106-sa-700x366.jpg

Bên trong nhà máy lắp ráp xe Ford tại Chicago, Illinois (ảnh: Scott Olson/Getty Images).

Báo The Wall Street Journal mới đây có bài, Nước Mỹ đang hồi sinh các nhà máy sau thời gian chuyển ra nước ngoài để hưởng lợi ích của giá nhân công thấp, một xu hướng tích cực đáp lại lời kêu gọi “Made in USA” của chính phủ Mỹ.

Ngành sản xuất Mỹ không muốn bị Trung Quốc bắt làm con tin

Dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy, trong năm 2022, Mỹ đã chi tới 108 tỉ đô la để tái khởi lại các nhà máy, nhiều hơn cả chi tiêu xây dựng trường học, trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc tòa nhà văn phòng.

Kỷ lục đổ tiền vào xây dựng các nhà máy sản xuất mới cho thấy tinh thần “tự lực tự cường” với quyết tâm tái lập “công xưởng của chính mình” đang phục hồi tại Mỹ với hy vọng không khí sản xuất náo nhiệt trước đây sẽ quay trở lại.

Ngoài vấn đề giảm lệ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài, không bị “bắt làm con tin” với các sản phẩm sản xuất ngoài nước, loại bỏ vấn đề bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ như tại Trung Quốc,… xu hướng qui cố hương còn được thúc đẩy bởi các ưu đãi năng lượng xanh, lực lượng lao động địa phương ngày càng được đào tạo bài bản và tỷ lệ tự động hoá cao. Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Mỹ đang tăng trở lại, cả khâu sản xuất sản phẩm lẫn các công trình thi công hệ thống nhà máy mới.

Các nhà máy mới mọc lên cả ở các trung tâm đô thị, vùng nông thôn, trên sa mạc lẫn các “thị trấn công xưởng mới”. Phần lớn chúng thuộc các lĩnh vực công nghệ cao như pin xe điện và chất bán dẫn, mặt hàng ưu tiên được hỗ trợ bởi hàng tỷ đôla ưu đãi.

Các công ty từng phụ thuộc hoàn toàn vào những quốc gia có chi phí thấp để sản xuất hàng gia dụng giờ đây đã quay về cố hương sau bài học đại dịch COVID và thái độ cản trở hàng Mỹ nhập lại về Mỹ của chính quyền Bắc Kinh.

Trong lịch sử lập quốc, sản xuất là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Mỹ và là thế mạnh của nước Mỹ. Paul Revere đã mở một xưởng đúc sản xuất chuông và súng thần công. Dây chuyền lắp ráp của Henry Ford đã giúp cho ra những chiếc xe hơi giá cả phải chăng phục vụ số đông. Ngành công nghiệp Mỹ đã góp công rất nhiều vào chiến thắng của đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến, khi gần một nửa số nhân viên khu vực tư nhân làm việc trong các nhà máy.

Sự khích lệ từ chính quyền và người tiêu dùng

Số nhà máy nội địa đã sụt giảm khi tự động hóa phổ biến và các công ty Mỹ tìm kiếm chi phí nhân công và mạng lưới vệ tinh thấp hơn ở nước ngoài. Rồi đến ngày Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và toàn cầu hoá trở thành khẩu hiệu, năng lực sản xuất đang tăng trưởng khoảng 4% một năm trong nhiều thập niên của Mỹ bị chững lại và đi xuống nghiêm trọng.

Nhiều hàng Mỹ được “Made in China” và hàng triệu người Mỹ không còn làm được nghề của họ. Tuy nhiên, từ năm ngoái, khu vực sản xuất Mỹ chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể với xu hướng “quay đầu”. Năng lực sản xuất tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2015 sau khi sự thiếu hụt và chậm trễ cung ứng hàng hoá do đại dịch gây ra đã cho thấy rõ việc Mỹ quá lệ thuộc vào “công xưởng sản xuất TQ”,  các công ty Mỹ phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng quá xa không thể đáp ứng ngay nhu cầu khẩn cấp tại quê nhà.

Chris Snyder, nhà phân tích công nghiệp nhận định: “Đại dịch Covid đã làm lộ những bất cập và cho mọi người thấy mức độ rủi ro khi hàng hoá Mỹ nhập vào Mỹ bị lệ thuộc vào chính sách của một quốc gia khác”.

David Mindell, giáo sư về lịch sử kỹ thuật và sản xuất tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận xét: “Sự bùng nổ của các nhà máy báo hiệu Mỹ đang bắt đầu một chu kỳ mới. Sản xuất đã là một phần quan trọng của ‘câu chuyện Mỹ’ từ xa xưa và những gì đang xảy ra bây giờ cho thấy sự trở lại với truyền thống”.


Lần đầu tiên Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông tập trận bao vây Đài Loan

10/4/2023

Tàu hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan. Ảnh cho truyền hình Trung Quốc CCTV công bố ngày 09/04/2023. AP

Thùy Dương /RFI

Trong ngày thứ ba liên tiếp của cuộc tập trận có tên gọi Joint Sword (Liên Hợp Lợi Kiếm) để « bao vây toàn diện » Đài Loan, Bắc Kinh hôm nay 10/04/2023 đã điều cả tàu sân bay Sơn Đông (Shandong), đến vùng biển quanh đảo Đài Loan, sau khi đã huy động một đội ngũ hùng hậu khu trục hạm, khinh hạm cao tốc phóng tên lửa, máy bay chiến đấu, máy bay tiếp liệu và gây nhiễu cùng các đơn vị trên bộ.

Tàu sân bay Sơn Đông là 1 trong 2 tàu sân bay của Trung Quốc và là tàu sân bay duy nhất được đóng hoàn toàn trong nước và được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Theo thông cáo của quân đội Trung Quốc, đây là lần đầu tiên tàu sân bay Sơn Đông được huy động tham gia cuộc trập trận bao vây Đài Loan.

Đài Bắc hôm nay thông báo phát hiện được 11 tàu chiến và 59 phi cơ Trung Quốc quanh đảo. Trong một video được đăng tải hôm nay trên tài khoản WeChat của Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền đông của quân đội Trung Quốc, một phi công cho biết « đã đến gần khu vực phía bắc của đảo Đài Loan » với tên lửa « đã khóa mục tiêu ».

Theo các quan chức hải quân Trung Quốc, các bài tập bắn đạn thật của Trung Quốc diễn ra hôm nay tại eo biển Đài Loan, gần tỉnh Phúc Kiến. Theo cùng một nguồn tin, các bài tập bắn đạn thật nói trên được tiến hành từ 7 giờ sáng địa phương ngày 10/04 đến 8 giờ tối nay (23 giờ GMT Chủ Nhật đến 12 giờ GMT thứ Hai) xung quanh đảo Bình Đàm (Pingtan) của Đài Loan, điểm nằm gần cả Trung Quốc và Đài Loan nhất. Tuy nhiên, hôm nay các phóng viên của AFP có mặt tại một địa điểm ở gần đảo Bình Đàm không thấy bất kỳ hoạt động quân sự gia tăng nào.

Trong hai ngày cuối tuần, các chiến đấu cơ và tàu chiến của Trung Quốc đã thao dợt mô phỏng các vụ oanh kích nhắm vào Đài Loan. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Thi Nghị (Shi Yi) cảnh báo cuộc tập trận « là lời cảnh báo nghiêm trọng chống lại sự thông đồng giữa các lực lượng ly khai đang tìm kiếm « độc lập cho Đài Loan » và các thế lực bên ngoài, cũng như các hoạt động khiêu khích của họ ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin), trong cuộc họp báo thường nhật hôm nay tuyên bố « Sự độc lập của Đài Loan và sự ổn định ở eo biển Đài Loan sẽ loại trừ nhau ».


XEM THÊM: