Thời sự thế giới Thứ Ba 30 tháng 8 năm 2022: TT Ukraine ra “tối hậu thư” với Nga trước chiến dịch phản công
Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Ukraine ra “tối hậu thư” với Nga trước chiến dịch phản công
Tổng thống Ukraine đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với lực lượng quân sự Nga, khi Kiev tuyên bố bắt đầu chiến dịch phản công ở miền Nam.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
“Nếu họ muốn sống sót, đã đến lúc quân đội Nga phải rút lui”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 29/8.
Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh quân đội Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công ở tỉnh Kherson phía Nam.
Trong bài phát biểu vào tối 29/8, Tổng thống Zelensky không đề cập cụ thể tới cuộc phản công, nhưng tuyên bố: “Đối phương nên biết: chúng tôi sẽ đẩy lùi họ ra biên giới. Biên giới của chúng tôi không thay đổi”.
Ông Zelensky nói rằng “những người đầu hàng sẽ được đối xử theo công ước Geneva”.
“Nếu họ không lắng nghe tôi, họ sẽ phải đương đầu với lực lượng phòng vệ của chúng tôi, những người sẽ không dừng lại cho đến khi họ giải phóng mọi thứ thuộc về Ukraine”, ông Zelensky tuyên bố.
Oleksiy Arestovych, cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky, hôm 29/8 cho biết quân đội Ukraine đã phá vỡ tuyến phòng thủ của Nga ở một số khu vực của chiến tuyến gần thành phố Kherson.
Ông Arestovych cũng cho biết, các lực lượng Ukraine đang pháo kích vào các tuyến phà ở Kherson mà quân đội Nga đang sử dụng để tiếp tế cho vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát ở bờ Tây sông Dnepr.
Vị trí khu vực Kherson (Ảnh: Sky).
CNN dẫn một nguồn tin quân sự Ukraine cho biết, quân đội Ukraine đã chiếm lại 4 ngôi làng gần thành phố Kherson sau khi xuyên thủng phòng tuyến ở 3 nơi, với “mục tiêu” chính là Kherson. Nguồn tin cho biết, chiến dịch phản công của Ukraine bắt đầu với những đợt pháo kích dữ dội vào các vị trí và hậu phương của quân đội Nga, buộc lực lượng này phải rút lui.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đã cố gắng tiến công ở các Mykolaiv và Kherson, nhưng bị thương vong đáng kể. Nga tuyên bố “nỗ lực tấn công của đối phương đã thất bại thảm hại”.
Theo Reuters, Ukraine đã lên kế hoạch cho chiến dịch phản công ở các tỉnh miền Nam trong 2 tháng qua. Mỹ tin rằng cuộc phản công của Ukraine ở miền Nam sẽ bao gồm sự kết hợp của các chiến dịch trên không và trên bộ.
Người phát ngôn Bộ tư lệnh miền Nam Ukraine Natalia Humeniuk cho biết Kiev “bắt đầu các hoạt động tiến công theo nhiều hướng, trong đó có tỉnh Kherson”.
“Các lực lượng Ukraine đã bắt đầu các cuộc tiến công theo nhiều hướng ở mặt trận miền Nam, hướng tới giải phóng các vùng lãnh thổ bị kiểm soát. Mọi thông tin chi tiết sẽ được công bố sau khi chiến dịch hoàn thành”, bà Humeniuk nói thêm.
Bà Humeniuk cho biết các cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào các tuyến hậu cần phía Nam của Nga đã “làm suy yếu đối phương một cách rõ ràng”. Bà nói thêm rằng hơn 10 kho chứa đạn của Nga đã bị tấn công vào tuần trước.
Tuy nhiên, người phát ngôn từ chối cung cấp thêm chi tiết về cuộc tiến công mới tại miền Nam.
“Bất kỳ chiến dịch quân sự nào cũng cần giữ bí mật”, bà Humeniuk, đồng thời cho biết lực lượng quân sự Nga ở miền Nam Ukraine “vẫn mạnh” và đã được củng cố trong thời gian dài.
Trong vài tuần qua, các quan chức Ukraine nhiều lần cảnh báo sắp mở trận đánh lớn nhằm giành lại Kherson – khu vực Nga đã kiểm soát từ giai đoạn đầu chiến sự. Trong một nỗ lực ngăn chặn đà phản công của Ukraine, Nga đã chuyển hàng nghìn quân từ Donbass xuống khu vực miền Nam.
Theo Guardian
Ukraina : Mỹ yêu cầu bảo đảm cho AIEA tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia
Hình ảnh vệ tinh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, Ukraina, ngày 29/08/2022. AP
Ngày 29/08/2022, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng, John Kirby, trong buổi họp báo kêu gọi « Nga phải bảo đảm một lối tiếp cận an toàn và không gây trở ngại » cho các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử AIEA tại nhà máy hạt nhân Zaporijjia của Ukraina.
Cũng theo ông John Kirby, thì Hoa Kỳ « vẫn tin rằng việc ngừng hoạt động các lò phản ứng có kiểm soát sẽ là giải pháp an toàn nhất và ít rủi ro nhất », và một lần nữa kêu gọi Nga nên chấp nhận « thành lập một vùng phi quân sự » xung quanh nhà máy hạt nhân, nơi sắp diễn ra các cuộc thanh sát của AIEA trong tuần này.
Trước các rủi ro tai nạn hạt nhân, hôm qua, các nước thành viên khối G7 đã bày tỏ « quan ngại sâu sắc » và đề nghị các bên nên trao thêm quyền tự do di chuyển cho các chuyên gia quốc tế.
Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo AIEA – ông Rafael Grossi, hôm qua, dẫn đầu một phái đoàn khoảng một chục chuyên gia đến Zaporijjia thực hiện nhiệm vụ thanh sát nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia. Đây là nhiệm vụ mà ông Grossi đòi hỏi từ nhiều tháng qua khi cảnh báo « nguy cơ thật sự về thảm họa hạt nhân ».
Theo AFP, tình hình xung quanh Zaporijjia vẫn căng thẳng. Nga và Ukraina hôm nay, 30/08/2022, tiếp tục cáo buộc lẫn nhau là thủ phạm của các vụ oanh kích mới nhắm vào khu vực nhạy cảm này.
Mỹ huỷ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng vào phút chót do lỗi kỹ thuật
Hỏa tiễn SLS đặt tại Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida, Mỹ trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng 6 vừa qua. (Ảnh: NASA)
Tối ngày 29/8 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã quyết định hủy phóng tàu thăm dò Mặt Trăng trong khuôn khổ sứ mệnh lịch sử Arrtemis 1 vào phút chót do lỗi kỹ thuật của tên lửa đẩy, theo hãng tin CNBC.
lỗi kỹ thuật.
Đây là chuyến đi quan trọng trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis 1 của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng, vốn đã bị trì hoãn rất lâu. Dự án hàng tỷ USD này được xem như bước đệm cho các sứ mệnh lên sao Hỏa trong tương lai.
Tuy nhiên, NASA đã lùi thời gian phóng tàu vũ trụ Orion sau khi phát hiện lỗi rò rỉ nhiên liệu. Sau đó, NASA quyết định hủy phóng trong ngày 29/8.
Theo nhóm phụ trách vụ phóng, các chuyên gia kỹ thuật đã phát hiện lỗi kỹ thuật đối với một trong 4 động cơ. Quá trình kiểm tra cho thấy các động cơ số 1-2-4 hoạt động bình thường, song động cơ số 3 gặp sự cố rò nhiên liệu và tăng nhiệt.
Theo giới chức NASA, cơ quan này đã phải liên tục tiếp gần 1 triệu galon (1 galon = 3,78 lít) oxy và hydro siêu lạnh vào tên lửa SLS sau khi phát hiện rò rỉ nhiên liệu của tên lửa này. Việc tiếp nhiên liệu này đã bị chậm lại gần 1 tiếng đồng hồ do xảy ra cơn bão ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, tiểu bang Florida.
Vết rò rỉ dường như xảy ra tại đúng vị trí từng phát hiện rò rỉ trong lần tổng duyệt vào mùa xuân đầu năm. Tiếp đó, các kỹ sư NASA lại tình cờ phát hiện tình trạng rò rỉ thứ 2 tại một van của tên lửa.
Bên cạnh đó, các kỹ sư NASA còn phát hiện một vết nứt hoặc một số lỗi tại tầng trung tâm của tên lửa – là một bình chứa nhiên liệu lớn màu cam với 4 động cơ chính trên đó, do có những vết lấm tấm bao quanh vùng nghi có vết nứt. Các kỹ sư NASA đã bắt đầu nghiên cứu giải quyết các vấn đề này.
Trong sứ mệnh sắp tới, tàu vũ trụ Orion sẽ được phóng lên mà không có phi hành đoàn, rồi bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng trước khi trở lại Trái đất 42 ngày sau đó. Nếu thời tiết xấu hoặc xảy ra vấn đề kỹ thuật khiến phải lùi thời điểm phóng, NASA đã ấn định thời điểm phóng mới là 2/9 và 5/9.
Trong sứ mệnh Artemis 1, NASA phóng tàu vũ trụ Orion bằng tên lửa cực mạnh có tên Hệ thống phóng không gian (SLS). SLS, cao 98 m, là một hệ thống phóng thẳng đứng mới và lớn nhất của NASA được lắp ráp kể từ sau khi tên lửa đẩy Saturn V được sử dụng trong các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng Apollo của cơ quan này vào giai đoạn 1969-1972.
Uớc tính, NASA đã phải chi ít nhất 37 tỷ USD cho thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm và các hệ thống vận hành dưới mặt đất liên quan tới tàu vũ trụ Orion và siêu tên lửa SLS trong hơn một thập kỷ qua.
Phan Anh
Washington tái thiết kế công thức chính sách để “chống lưng” cho Đài Loan
Lương Thái Sỹ
Sau chuyến công du lịch sử của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ngày 2 Tháng Tám 2022, các nghị sĩ Mỹ liên tục đến Đài Loan. Trong ảnh là chuyến kinh lý Đài Bắc của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn ngày 27 Tháng Tám 2022 (ảnh: Văn phòng Tổng thống Đài Loan)
Trong quá trình tìm cách hỗ trợ Đài Loan, Mỹ phải khéo léo tạo ra một thế cân bằng vững chắc với Trung Quốc thay vì đối đầu – một xã luận ký “Ban biên tập” (Editorial Board) của The Washington Post viết…
Đã gần một tháng kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ-California) đến thăm Đài Loan, thể hiện tình đoàn kết với hòn đảo dân chủ tự quản này đồng thời “chọc giận” Đảng Cộng sản Trung Quốc, quốc gia luôn tuyên bố Đài Loan là của riêng mình. “Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư” theo cách nói của một số người (ba cuộc khủng hoảng trước vào năm 1954, 1958 và 1995) chưa cho thấy điểm dừng. Bắc Kinh phản ứng “dữ dội trong giới hạn cho phép” bằng một cuộc tập trận hải quân qui mô lớn phong tỏa Đài Loan và các cuộc tập trận quân sự nhỏ hơn, khi các nhà lập pháp Mỹ từ cả hai đảng vẫn tiếp tục các chuyến thăm đảo mà gần đây nhất là Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng hoà-Tennessee).
Rõ ràng, kể từ khi Washington chính thức công nhận Bắc Kinh vào năm 1979, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng dân chủ (không chỉ có Đài Loan mà còn Nhật Bản, Hàn Quốc) đang gia tăng, cũng như áp lực đối với chính sách “một Trung Quốc” (được xem là khuôn khổ chiến lược để Hoa Kỳ duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực). Những thực tế mới, trong đó quan trọng nhất là sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cùng với tư thế hiếu chiến không che giấu của nhà độc tài Tập Cận Bình, đòi hỏi Mỹ phải có đối sách thích ứng.
Tổng thống Joe Biden đã ba lần cam kết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự, dù các phụ tá khẳng định cam kết này về cơ bản “không có gì mới hay chống lại chính sách một Trung Quốc”. Đòi hỏi “sự rõ ràng về chiến lược” theo sau tuyên bố của Biden và “bớt đi sự mơ hồ về chiến lược” của chính sách một Trung Quốc là tiền đề của một dự luật sẽ được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thảo luận vào ngày 14 Tháng Chín.
Gọi là Đạo luật Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Act-TPA) do Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Dân chủ-New Jersey) và Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham (Cộng hoà-South Carolina) đồng bảo trợ, dự luật này là thay thế quan trọng nhất kể từ khi Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act-TRA) được ban hành năm 1979 để Mỹ duy trì quan hệ ngoại giao trên thực tế và bán vũ khí với hòn đảo này.
Về nội dung, điều khoản đáng chú ý nhất của dự luật TPA là viện trợ quân sự $4.5 tỷ cho Đài Loan và cho phép dùng số tiền này mua “những vũ khí có lợi cho việc ngăn chặn các hành động xâm lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA)”, trái ngược với ngôn ngữ mơ hồ của TRA. Nói rõ hơn, dự luật mới đã bước thêm một bước, chính thức hóa tư cách “đồng minh lớn không thuộc NATO” mà Đài Loan đang được hưởng một cách không chính thức và đổi tên “đại sứ quán trên thực tế” của Đài Loan ở Washington thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan” (Taiwan Representative Office) thay cho “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc” (Taipei Economic and Cultural Representative Office). Chắc chắn Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận TPA. Xét về cơ bản, phần ít gây tranh cãi nhất và hữu ích nhất là viện trợ quân sự bổ sung có thể đưa vào dự luật chính sách quốc phòng sau này nếu TPA không được thông qua.
Cuộc tranh luận về TPA đã đặt ra những câu hỏi quan trọng mà sớm muộn gì chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng phải giải quyết mà không thể né tránh. Trong vấn đề Đài Loan, ưu tiên của Mỹ vẫn là “tối đa hóa khả năng răn đe của Đài Loan và tối thiểu hoá các hành động khiêu khích Trung Quốc không cần thiết”. Các tác giả của dự luật đã đúng khi cho rằng lịch sử gần đây (đặc biệt là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine) cho thấy sự “xoa dịu” không có tác dụng gì nhưng “sự khiêu khích” cũng là cái cớ để kẻ xâm lược phát động chiến tranh. Những cân nhắc đó sẽ là sự điều hướng nhắm đến sự cân bằng mà Thượng viện và chính quyền Biden phải đối mặt trong các chính sách tương lai về Đài Loan và Trung Quốc.
Singapore nới lỏng quy định thị thực với hy vọng thu hút người lao động nước ngoài
Từ tháng 1, người nước ngoài kiếm được ít nhất 30.000 đô la Singapore (21.500 đô la) một tháng sẽ đủ điều kiện được cấp giấy phép làm việc 5 năm. Bộ trưởng nhân lực Tan See Leng cho biết động thái này nhằm “củng cố vị trí của Singapore như một trung tâm nhân tài toàn cầu.”
Ukraine phản công ở Kherson
Vào thứ Hai, đúng dịp kỷ niệm 8 năm vụ thảm sát binh sĩ Ukraine ở tỉnh Donetsk, quân đội Ukraine đã mở cuộc phản công nhắm vào lực lượng Nga ở tỉnh miền nam Kherson.
Thành phố Kherson là thành phố lớn đầu tiên của Ukraine bị rơi vào tay Nga. Sau nhiều tháng ám chỉ về quá trình chuẩn bị cho một cuộc phản công, vào đầu giờ chiều thứ Hai các tướng lĩnh Ukraine đã chính thức phát động tiến công. Trong đêm trước đó Ukraine đã đánh phá các cây cầu quan trọng và trạm chỉ huy của Nga.
Song xuyên thủng tuyến phòng thủ thứ hai của Nga khó khăn hơn. Do đó chiến sự vào thứ Ba sẽ mang tính bản lề cho số phận của Kherson. Nhưng Ukraine tin họ nắm thế chủ động. Tiền tuyến của cuộc chiến hầu như đã không thay đổi kể từ cuối tháng 6. Và nếu Ukraine giờ đây tìm ra được điểm yếu của Nga, nó sẽ mở ra một giai đoạn mới của cuộc xung đột.
Thảm họa lũ lụt ở Pakistan
Trong khi hạn hán hoành hành khắp nơi trên thế giới, nhiều vùng ở Nam Á lại bị nước lũ nhấn chìm, trong đó tồi tệ nhất là Pakistan. Băng tan trái mùa từ dãy Himalaya vào tháng 5 khiến các hồ chứa bị quá tải; để rồi mưa gió mùa ngay sau đó nhấn chìm vùng nông thôn. Ước tính của chính phủ cho thấy số người chết hiện tại là hơn 1.000, trong đó có 348 trẻ em. Lịch sử khí hậu cho thấy mọi chuyện sẽ còn nghiêm trọng hơn. Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu Sherry Rehman đã gọi đây là “thảm họa biến đổi khí hậu ngay trước cửa nhà chúng ta.”
Và Pakistan còn có nhiều khó khăn khác. Ban điều hành của IMF đã họp vào thứ Hai để thông qua các đợt giải ngân cuối cùng của khoản vay trị giá 6 tỷ đô la được thống nhất từ đầu năm nay. Lập luận cầu cứu của ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari là Pakistan sẽ bị thiệt hại hàng tỷ USD do mùa màng thất bát, và rằng Pakistan có lượng khí thải carbon trên đầu người không đáng kể. Song giá hàng hóa và áp lực lạm phát đã đè nặng lên kinh tế Pakistan từ trước khi có thảm họa khí hậu.
Tròn một năm Mỹ rút khỏi Afghanistan
Ngày này tròn một năm trước, thiếu tướng Chris Donahue, tư lệnh Sư đoàn Dù 82 của Mỹ, đã trở thành người lính Mỹ cuối cùng rời Afghanistan sau hơn hai thập niên chiến sự.
Vào thời điểm đó, Taliban đã cam kết bảo vệ quyền phụ nữ và tha thứ cho những người từng làm việc cho liên minh của Mỹ. Hóa ra lời hứa của họ hoàn toàn rỗng tuếch. Giờ đây, cảnh sát đạo đức tuần tra hàng ngày trên đường phố để đảm bảo phụ nữ phải che kín toàn thân, trong khi trẻ em nữ bị cấm đi học cấp hai. Nền kinh tế tiếp tục rơi tự do. Và al-Qaeda lại một lần nữa được tìm thấy ở Afghanistan – thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của họ bị máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt trong một khu dân cư giàu có ở Kabul. Và mặc dù bạo lực đã giảm nhiều, đây hẳn không phải là loại hòa bình mà người Afghanistan kỳ vọng.
EU xem xét cắt ưu đãi thị thực cho người Nga trên toàn khối
Các bộ trưởng ngoại giao EU sẽ quay lại sau kỳ nghỉ hè để họp tại Praha vào thứ Ba, với cuộc chiến của Nga ở Ukraine đứng đầu chương trình nghị sự. Các nước Trung và Đông Âu muốn cấm cấp thị thực cho công dân Nga. Nhưng các lãnh đạo Tây Âu rụt rè hơn vì cho rằng làm vậy thể hiện thông điệp trừng phạt tập thể.
Nhiều khả năng EU sẽ tiến tới một thỏa hiệp, trong đó người Nga bị mất ưu đãi khi nộp đơn xin thị thực châu Âu, vốn là đặc quyền dành riêng cho các quốc gia thân thiện. Điều này khiến du khách Nga phải chịu chi phí cao và thời gian chờ đợi lâu hơn. Nó cũng xoa dịu lo ngại của các nước như Phần Lan, một đồng minh vững chắc của Ukraine, khi nước này thường được người Nga dùng làm điểm quá cảnh cho các chuyến đi quốc tế.
Mối liên hệ giữa lệnh trừng phạt Nga và chính sách tiền tệ kỳ lạ của Thổ Nhĩ Kỳ
Nguồn: “The connection between Russian sanctions and bizarre Turkish monetary policy”, The Economist, 27/8/2022
Biên dịch: Phạm Quốc Hào
Tiền của Nga có công dụng vượt ra ngoài những mục đích thông thường.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang xa lánh Nga, có một quốc gia lại đang xích lại gần nước này, đó chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Khách du lịch và người di cư Nga đang đổ về Istanbul và các khu nghỉ dưỡng ven biển của đất nước này, mua vào hàng nghìn bất động sản. Nga đang tài trợ cho một nhà máy hạt nhân trị giá 20 tỷ USD ở Akkuyu, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi nhiều quốc gia đã cắt giảm xuất khẩu sang Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga lại tăng tới 60%. Các công ty phương Tây bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt dường như cũng đang sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm một cửa ngõ chiến lược để xuất hàng hóa sang Nga.
Chính sách tiền tệ kỳ lạ của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lý do tại sao nước này rất quan tâm đến tiền của Nga. Bất chấp lạm phát tăng vọt lên 80%, vào ngày 18 tháng 8, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất từ 14% xuống còn 13%. Động thái này đi ngược lại với những gì mà các nhà kinh tế thường khuyến cáo. Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, muốn giảm chi phí đi vay để thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện cơ hội thắng cử của ông trong cuộc bầu cử vào mùa hè tới. Nhưng chính sách tiền tệ nới lỏng đã khiến đồng lira trượt giá. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 3/4 giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ năm 2018. Đồng lira suy yếu đã khiến lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt do chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng cao.
Vì vậy nước này bước vào trò chơi lách cấm vận. Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần ngoại tệ để mua lại đồng lira trên thị trường nhằm hỗ trợ giá trị đồng nội tệ mà không cần tăng lãi suất. Trong những tháng gần đây, ngân hàng trung ương có lẽ đã chi hàng chục tỷ đô la theo cách này. Nga đang thu được rất nhiều ngoài tệ từ xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch, song lại thiếu đối tác và hàng hóa nước ngoài. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga giúp tăng cường dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ, vì các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ hiện phải đổi ngoại tệ thu được để lấy đồng lira từ chính phủ. Việc lách cấm vận và chính sách tiền tệ bất thường vì vậy là hai mặt của cùng một đồng xu.
Các chính trị gia Mỹ đã báo hiệu sự không hài lòng trước chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích cảnh báo những hành động của nước này có nguy cơ khiến họ bị trừng phạt thứ cấp. Nhưng ông Erdogan coi tiền quan trọng hơn quan hệ nồng ấm với phương Tây. “Erdogan cần giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới”, Timothy Ash đến từ công ty quản lý tài sản BlueBay nói. “Erdogan sẽ đẩy [quan hệ với các quốc gia phương Tây] đến giới hạn”.
Các tập đoàn Mỹ tăng lợi nhuận kỷ lục trong bối cảnh lạm phát gia tăng
Tác giả Naveen Athrappully
Một tấm biển “Cần tuyển người” tại một cửa hàng Home Depot ở San Rafael, California, hôm 05/08/2022. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Trong khi người dân Mỹ đã đang gặp khó khăn với tình trạng lạm phát gia tăng trong vài tháng qua, thì các tập đoàn được biết là đã đạt được lợi nhuận ròng kỷ lục trong cùng khoảng thời gian này.
Lợi nhuận sau thuế là một phần của tổng giá trị gia tăng cho các tập đoàn phi tài chính – thước đo tỷ suất lợi nhuận tổng hợp – đã tăng lên 15.5% trong quý thứ hai từ 14% trong quý đầu tiên, theo phân tích của Bloomberg về một báo cáo từ Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA). Đây là mức biên lợi nhuận cao nhất của các tập đoàn phi tài chính kể từ năm 1950.
Dữ liệu trên là một dấu hiệu cho thấy phần lớn các công ty đã thành công trong việc chuyển giao chi phí nguyên vật liệu và nhân công đang tăng lên cho những người tiêu dùng. Mặc dù một số khách hàng có thể đã cắt giảm chi tiêu do lạm phát, thì một số công ty đã có thể bù đắp sự sụt giảm nhu cầu đó bằng cách tính phí những khách hàng tiếp tục mua sản phẩm của họ.
BEA cho biết trong một báo cáo: “Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất hiện tại (lợi nhuận của doanh nghiệp qua việc định giá hàng tồn kho và điều chỉnh tiêu thụ vốn) đã tăng 175.2 tỷ USD trong quý thứ hai, trái ngược với mức giảm 63.8 tỷ USD trong quý đầu tiên.”
Lợi nhuận của các tập đoàn phi tài chính trong nước tăng 173.9 tỷ USD trong quý hai, so với mức giảm 4.8 tỷ USD trong quý đầu tiên.
Trong khi các công ty tạo ra lợi nhuận cao trong quý thứ hai, thì các khách hàng lại phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao lần lượt là 8.3%, 8.6%, và 9.1% lần lượt vào tháng Tư, tháng Năm, và tháng Sáu.
Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đã tăng 25% so với năm ngoái, lên 2.81 ngàn tỷ USD, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1976. Sau khi trừ đi chi phí thuế, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng 37%, cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ năm 1948.
Tranh cãi về lợi nhuận
Lợi nhuận gia tăng của các công ty trong đại dịch COVID-19 và lạm phát đã là một chủ đề tranh luận sôi nổi, trong đó một số người chỉ trích các công ty đang hưởng lợi trong khi thường dân Mỹ gặp khó khăn.
Tháng 04/2022, một báo cáo (pdf) của cơ quan giám sát Accountable.US cho thấy các doanh nghiệp đã kiếm được ít nhất 24.6 tỷ USD lợi nhuận gia tăng trong những năm tài khóa gần đây nhất của họ. Một phân tích về 10 nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ bao gồm cả Home Depot, Amazon, và Dollar General trong hai năm vừa qua cho thấy các công ty này đã thu về tổng lợi nhuận bổ sung là 99 tỷ USD.
Tổ chức này cho biết: “Và thậm chí tệ hơn, các công ty này đã tăng chi chia cổ tức cho cổ đông thêm gần 45 tỷ USD mỗi năm lên tổng mức [chia cổ tức] là 79.1 tỷ USD.”
Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu thị trường tài chính Refinitiv, mùa thu nhập hiện tại cũng đang chứng kiến việc các doanh nghiệp tiếp tục báo cáo các mức thu nhập cao. [Tại thời điểm] hơn nửa sau của kỳ báo cáo quý hai, các mức thu nhập doanh nghiệp ước tính đã tăng 8.1% so với một năm trước. Con số này cao hơn mức tăng 5.6% được ước tính hồi tháng Bảy.
Mặt tích cực là mức thu nhập doanh nghiệp cao hơn cho phép các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu cao hơn về lương thưởng và phúc lợi của nhân viên.
Naveen Athrappully
Lụt lội chết người: ‘Hôm nay là ở Pakistan, ngày mai có thể xảy ra chỗ bạn’
Nguồn hình ảnh, Getty Images
41 phút trước
Pakistan đang đối mặt với một mùa mưa tai hại sau khi lũ lụt nhấn chìm một phần ba nước này.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thúc giục thế giới hỗ trợ Pakistan vào lúc ông ra lời kêu gọi trị giá 160 triệu đô la nhằm giúp đỡ hàng chục triệu người bị ảnh hưởng trong thảm họa.
Ông đổ lỗi cho “tác động không ngừng của các mức mưa và lũ lụt cao lịch sử”.
Ít nhất 1.136 người đã thiệt mạng kể từ tháng 6; đường xá, hoa màu, nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi trên khắp đất nước.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu của nước này, ông Sherry Rehman mô tả đây là “thảm họa nhân đạo ở mức độ lịch sử do khí hậu gây ra”.
Đợt mưa kỷ lục năm nay có thể so sánh với trận lũ kinh hoàng năm 2010, là trận lụt kinh hoàng nhất trong lịch sử Pakistan đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.
Trong một thông điệp được ghi hình, ông Guterres gọi Nam Á là “điểm nóng về khủng hoảng khí hậu”, nơi con người có nguy cơ tử vong do tác động của khí hậu cao gấp 15 lần.
“Hãy ngừng mộng du về việc tình trạng biến đổi khí hậu sẽ hủy diệt hành tinh của chúng ta. Hôm nay là Pakistan. Ngày mai, đó có thể là đất nước của bạn.”
Ông cho biết lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc nhằm cung cấp cho 5,2 triệu người thực phẩm, nước, vệ sinh, giáo dục khẩn cấp và hỗ trợ y tế.
Nhiều yếu tố góp phần gây ra lũ lụt, nhưng tình trạng ấm nóng do biến đổi khí hậu khiến các trận mưa cực lớn nhiều khả năng xảy ra hơn.
Thế giới đã ấm lên khoảng 1,2 độ C kể từ khi kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu, và nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng trừ khi các chính phủ trên thế giới cắt giảm mạnh lượng khí thải.
Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan cho biết ước tính lũ lụt đã gây thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD, và nhiều người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Pakistan thì vốn đã đang trong cơn khủng hoảng kinh tế.
Những vùng đất nông nghiệp trù phú đã bị tàn phá, làm hỏng nguồn cung cấp lương thực và khiến giá cả tăng vọt.
Zahida Bibi, đi mua đồ ở một khu chợ tại Lahore, nói với hãng tin AFP: “Mọi thứ đắt đỏ đến mức chúng tôi không thể mua được gì cả.”
Các quan chức ước tính rằng hơn 33 triệu người Pakistan – tức là cứ bảy người thì có một người – bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Nghiêm trọng nhất ở các tỉnh như Sindh và Balochistan, nhưng các vùng miền núi ở Khyber Pakhtunkhwa cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Hàng nghìn người đã được lệnh sơ tán khỏi các ngôi làng bị chia cắt ở phía bắc Thung lũng Swat, nơi cầu đường bị cuốn trôi – nhưng ngay cả với sự trợ giúp của trực thăng, giới chức vẫn đang vật lộn để tiếp cận những người bị mắc kẹt.
“Từ làng này tới làng khác bị xóa sổ. Hàng triệu ngôi nhà đã bị phá hủy,” Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết hôm Chủ Nhật sau khi bay thị sát khu vực bằng trực thăng.
Đồ viện trợ đang bắt đầu đến nơi sau khi Pakistan ra lời kêu gọi, xin trợ giúp.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp lều và thuốc men, còn Hoa Kỳ và Anh cam kết hỗ trợ.
Vào đầu ngày hôm thứ Hai, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết họ đã phê duyệt khoản vay 1,2 tỷ USD cho nước này.