Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 1
Total Users : 13501
Total views : 136657
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Thế giới hôm nay: 05/10/2022 (The Economist): Ukraine chiếm lại được nhiều lãnh thổ bị mất

By thoisu 02  0 Comments

Nguồn: The Economist Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ukraine liên tiếp đạt các bước tiến đáng kể ở miền đông và miền nam đất nước, chiếm lại đất từ chính các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập một cách bất hợp pháp vào tuần trước. Ở phía đông, các phương tiện quân sự Ukraine được cho là đang di chuyển theo hướng Lysychansk, một thành phố bị Nga chiếm đóng ở vùng Luhansk. Quân đội Ukraine cũng có các thắng lợi nhanh chóng ở tỉnh Kherson miền nam, nơi đà tiến của họ có thể khiến 20.000 lính Nga bị kẹt lại ở hữu ngạn sông Dnieper.

Giao dịch cổ phiếu Twitter bị đình chỉ khi có tin Elon Musk sẽ tiếp tục thương vụ mua lại công ty. Ông Musk dự kiến ​​sẽ trả mức giá ban đầu, 54,20 USD/cổ phiếu. Suốt nhiều tháng qua, ông đã tìm cách xé bỏ hợp đồng mua lại, dẫn đến một tranh chấp pháp lý với Twitter mà dự kiến ​​sẽ ra toà vào cuối tháng này.

Chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt tăng điểm theo sau thị trường Mỹ, khi thị trường tăng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất nhằm tránh suy thoái kinh tế. Ngân hàng trung ương Úc đã tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm, thấp hơn dự kiến ​​của các nhà phân tích, nhưng vẫn đưa lãi suất chính sách lên mức cao nhất chín năm qua.

Giải Nobel vật lý được trao cho Alain Aspect, John Clauser và Anton Zeilinger, cho công trình nghiên cứu về các hạt photon vướng víu và khoa học thông tin lượng tử. Các thí nghiệm của họ xem xét các hạt hoạt động như một đơn vị duy nhất ngay cả khi đã tách rời nhau, qua đó mở đường cho những tiến bộ trong thông tin lượng tử.

Có tới 80% lãnh thổ của Bangladesh bị mất điện khi lưới điện quốc gia bị quá tải. Nước này thường xuyên mất điện trong năm nay vì thiếu khí đốt tự nhiên, vốn tạo ra khoảng 75% sản lượng điện của cả nước. Nhu cầu điện ở Bangladesh tăng vì các khu dân cư mở rộng nhanh chóng.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump kiện CNN vì tội phỉ báng và yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 475 triệu USD, theo hồ sơ của một tòa án quận ở Florida. Đơn kiện cáo buộc công ty đã bôi nhọ ông Trump với “các phép so sánh phỉ báng,” bao gồm cả việc so sánh ông với nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler. Động thái này đến giữa bối cảnh ông Trump vướng vào nhiều vấn đề pháp lý ở cả cấp liên bang và tiểu bang.

Quần đảo Solomon tiết lộ họ đã thuyết phục Mỹ loại bỏ các đoạn nhắc đến Trung Quốc khỏi tuyên bố quan hệ đối tác khu vực được Mỹ và hơn một chục quốc đảo Thái Bình Dương ký vào tuần trước. Hồi đầu năm Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc và không muốn “chọn phe,” theo ngoại trưởng của nước này. Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

Con số trong ngày: 5,5 triệu, là số người tị nạn nội địa ở Cộng hòa Dân chủ Congo, chỉ đứng sau Syria.

TIÊU ĐIỂM

OPEC họp bàn cắt giảm sản lượng

OPEC, tổ chức kiểm soát gần một phần ba sản lượng dầu thế giới, đang chuẩn bị cho đợt cắt giảm mục tiêu sản lượng tháng lớn nhất kể từ đầu đại dịch Covid-19. Vào thứ Tư, OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, sẽ họp tại Vienna. Thị trường đang dự đoán nhóm sẽ cắt giảm sản lượng ngày hơn 1 triệu thùng, tương đương khoảng 1% nguồn cung toàn cầu.

Nguyên nhân khiến OPEC lo lắng là nhu cầu giảm. Giá năng lượng cao đã khiến công suất tiêu thụ giảm. Khó khăn trong ngành bất động sản và chính sách zero covid của Trung Quốc, bên cạnh lãi suất tăng trên toàn cầu, đã làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Và đồng đô la mạnh khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn cho các nước ngoài Mỹ.

Nguồn cung dầu thực tế có giảm hay không còn phụ thuộc vào việc ai sẽ giảm sản lượng. Vốn dĩ hầu hết các nhà sản xuất dầu OPEC đều đang bơm ít dầu hơn mức mục tiêu. Nhưng thị trường tỏ ra tự tin vào quyết tâm của OPEC: kể từ cuối tháng 9, khi những tin đồn về việc cắt giảm sản lượng xuất hiện, giá dầu đã tăng 10%.

Florida cần trợ giúp liên bang sau bão

Thiên tai buộc các chính trị gia phải chi lớn, bất kể quan điểm chính trị. Do đó, hãy chờ thống đốc Đảng Cộng hòa Ron DeSantis của Florida trở mặt. Hồi năm 2013, ông DeSantis từng bỏ phiếu phản đối gói cứu trợ liên bang sau khi bão Sandy quét qua các bang Dân chủ New Jersey và New York. Nhưng giờ đây, giữa đống đổ nát của bão Ian, ông sẽ cần tất cả sự trợ giúp của chính phủ. Khoảng 100 người Florida đã thiệt mạng trong khi tổn thất được bảo hiểm lên tới 57 tỷ USD, đưa Ian trở thành cơn bão có thiệt hại kinh tế cao thứ hai trong lịch sử nước Mỹ chỉ sau bão Katrina năm 2005. Vì vậy, ông DeSantis sẽ phải chơi đẹp với Joe Biden khi tổng thống đến thăm Florida vào thứ Tư.

Các cơn bão đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn do gia tăng dân số và mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chính phủ liên bang chi trả tới 70% chi phí cứu trợ thiên tai, từ bảo hiểm lũ lụt cho đến sửa chữa đường xá. Nhưng đó chỉ là các chi phí ban đầu. Các khoản chuyển tiền phúc lợi, chẳng hạn như trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp y tế, sẽ còn vượt xa các khoản khắc phục hậu quả trước mắt.

Ukraine mở rộng phản công xuống miền nam

Quân đội Ukraine tiếp tục đà tiến đáng kinh ngạc. Tuần trước họ đã chiếm lại Lyman, một điểm cao nằm giữa trục giao thông chiến lược ở vùng Donetsk. Còn ở vùng Luhansk lân cận, Ukraine đang tấn công các phòng tuyến yếu ớt của Nga gần các thị trấn Kreminna và Svatove. Những thất bại này là vô cùng xấu hổ cho tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt khi chúng diễn ra chỉ vài ngày sau nỗ lực sáp nhập Donetsk và Luhansk cùng hai tỉnh khác của ông.

Và giờ đây, Ukraine đang đẩy mạnh tiến công ở tỉnh Kherson miền nam. Việc chiếm đóng khu vực này cho phép Nga mở ra hành lang đất liền với Crimea, bán đảo bị nước này sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Quân Ukraine đang di chuyển nhanh chóng dọc theo bờ tây của sông Dnieper ở bắc Kherson, tiến tới 20 km về hướng thị trấn Dudchany, khiến quân đội Nga phải lùi về các vị trí dễ phòng thủ hơn. Với sĩ khí yếu và hậu cần kém cỏi của Nga, đây có thể chỉ là bước đầu của một cuộc rút quân trên diện rộng.

Toà Tối cao Mỹ xem xét vụ kiện về quyền bầu cử

Trong thập niên qua, Tòa án Tối cao Mỹ đã hai lần làm suy yếu Đạo luật Quyền Bầu cử, một luật được thông qua vào năm 1965 để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc trong bầu cử ở Mỹ. Hôm thứ Ba, các thẩm phán đã nghe tranh luận bằng miệng trong một vụ kiện có thể sẽ bất lợi cho đạo luật.

Merrill kiện Milligan truy xét liệu bản đồ khu vực bầu cử quốc hội của Alabama có phân biệt chủng tộc hay không. Khoảng 27% dân số Alabama là người da đen, nhưng chỉ một trong bảy khu vực Hạ viện của bang là nơi sinh sống của đa số người da đen. Tòa tối cao sẽ quyết định xem liệu một tòa án cấp dưới có đúng không khi yêu cầu cơ quan lập pháp Alabama vẽ lại bản đồ với một quận thứ hai có đa số người da đen.

Sáu thẩm phán bảo thủ dường như không ủng hộ chống phân biệt đối xử bằng các biện pháp dựa trên hiểu biết chủng tộc. Nhưng tân thẩm phán Ketanji Brown Jackson đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ bảo vệ động thái của tòa cấp dưới. Bà nói tu chính án 14 được viết ra để “làm cho những người có ít cơ hội hơn… được bình đẳng với công dân da trắng.” Phán quyết sẽ có vào năm tới.

Theo Nghiên Cứu Thế Giới

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/05/the-gioi-hom-nay-05-10-2022/embed/#?secret=F62B9gAntG#?secret=aNRfbPEwQ3