Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 3 9
Total Users : 13539
Total views : 136739
Server Time : 2024-12-03

DƯƠNG LỊCH

December 2024
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

SỐ PHẬN CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN BẮC KINH SAU DỊCH CORONAVIRUS 2019.

Đại dịch tại Trung Quốc do sự lây truyền nhanh chóng siêu vi coronavirus 2019-nCoV (nay được gọi là COVI-19), với sự phản ứng yếu kém và khuất tất của nhà cầm quyền đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc và thế giới.

Do phạm vi rộng lớn và mức độ trầm trọng của đại dịch và sự lan tràn ra khỏi biên giới Trung Quốc, các nhà quan sát có thể kết luận bệnh dịch sẽ dẫn đến một thảm họa với ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng cho Trung Cộng.

Trong bài này, chúng tôi xin đề cập sơ lược: tình hình bệnh dịch, niềm tin của người dân vào nhà cầm quyền, tình hình kinh tế do bệnh dịch gây ra, mối quan hệ ngày càng khắc nghiệt với Hoa Kỳ và cuối cùng là số phận của chế độ CS tại Bắc Kinh sau bệnh dịch.


TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH

Theo báo cáo chính thức ngày 17/2/2020 số trường hợp nhiễm bệnh là 71,329, tử vong 1,775, nguy kịch 11,298 người hầu hết ở Trung Quốc. Tại Vũ hán, số ca mới tử vong 105, số ca mới nhiễm 2048. Con số thực sự do dịch có thể to lớn hơn rất nhiều so với báo cáo. Nhiều nạn nhân đã được hỏa táng trước khi được chẩn đoán và điều trị, có nghĩa là con số tử vong do siêu vi rất cao nhưng không có thống kê do cố hay vô tình.

Sự kiểm soát thông tin của nhà cầm quyền nhằm thao túng dư luận đã che giấu thảm họa ngay từ lúc ban đầu.  Nhà cầm quyền xem trọng an toàn của chế độ hơn là tính mạng của người dân. Vì thế bệnh dịch mới phát tán rất nhanh và rộng khắp.

Bác sĩ Lý Văn lượng, người đã đưa ra cảnh báo cho các đồng nghiệp về nguy cơ của bệnh dịch vào đầu tháng 12, 2019, đã bị công an uy hiếp buộc phải nhận tội là đã “phát tán tin tức sai lạc”. Ông đã từ trần ngày 6 tháng 2, 2020 do nhiễm bệnh dịch từ một bệnh nhân, sau khi được cái gọi là tòa án tối cao bãi miễn tội. Nhiều bác sĩ khác cũng chịu đàn áp tương tự vì đã lén lút cảnh giác đồng nghiệp.

Hiện nay, đã không có đủ trang thiết bị y tế cho nhu cầu săn sóc và điều trị. Ngay cả nhân viên y tế cũng thiếu vật dụng phòng tránh lây nhiễm. Khẩu trang hàng ngày cho y bác sĩ y tá cũng không đủ. Hàng ngàn y tá, bác sĩ bị lây nhiễm và tử vong.

Không có đủ cơ sở và phương tiện cung ứng cho việc điều trị do dịch bệnh lan quá nhanh. Nhà cầm quyền cho xây khẩn cấp các bệnh viện dã chiến với rất nhiều nhược điểm về phẩm chất. Một video do một nhân viên ẩn danh gửi ra cho thấy nước rò rỉ khắp nơi trong bệnh viện.

Việc tìm kiếm thuốc chủng ngừa cũng như điều trị vẫn chưa thành công. Ngay tại Hoa Kỳ, công ty Gilead đang nghiên cứu thuốc Remdesivir với nhiều hứa hẹn nhưng vẫn chưa hoàn tất, có thể là vào cuối tháng 4 mới kết thúc, sau đó phải có những thủ tục cần thiết mới có thể bắt đầu. Tuy nhiên, nhiều rủi ro thất bại vẫn còn đó.

Nhà cầm quyền TC thường đưa ra những hứa hẹn hão huyền về thuốc chủng ngừa cũng như điều trị nhằm trấn an dư luận và tuyên truyền, như thuốc cổ truyền, điều trị thành công, số người xuất viện rất cao v.v… Có khoảng trên 80 cuộc nghiên cứu tại TC nhưng hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn.

Vì thế, việc chấm dứt dịch bệnh cũng cần tốn thêm nhiều thời gian nếu có sự tham gia của quốc tế.

NIỀM TIN CỦA NGƯỜI DÂN VÀO CÁCH GIẢI QUYẾT ĐẦY DỐI TRÁ CỦA CHÍNH QUYỀN

Chính sách bưng bít thông tin và lừa dối của nhà cầm quyền Bắc Kinh khiến cho dân chúng tức giận, nhiều người bất mãn, không còn tin vào chính quyền, vào những lời tuyên truyền xảo trá từ đó họ không còn sợ hãi, bất chấp những đe dọa của chính quyền. Vụ Bác sĩ Lý Văn Lượng tử vong và nhiều bác sĩ khác tại Vũ Hán đã tìm cách thông báo nguy cơ dịch bệnh nhưng bị trấn áp, khiến cho dịch bệnh tràn lan không thể kiểm soát. Đây là hành động như giọt nước tràn ly, lòng tin của dân không còn gì đối với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Tập Cận Bình vừa tung chiến dịch đánh bóng lãnh tụ trong vụ giải quyết dịch COVI-19. Ông ta cho cơ quan tuyên truyền đưa tin là TCB đã chỉ thị giải quyết ngay từ lúc đầu (ngày 3 tháng 1, 2020), làm như TCB có vẻ quan tâm nhiều cho sức khỏe của người dân. Hành động đó không che giấu được sự dối trá và tàn ác của TCB và đảng CSTQ, đã che giấu tin tức lúc đầu, chỉ lo an toàn cho chế độ mà xem thường tính mạng của người dân.

Tham vọng lãnh tụ làm hoàng đế muôn đời của TCB cũng tạo ra bất mãn trong đảng, trong quần chúng cũng như thế giới.

TCB đã để lộ cho thế giới thấy rõ con người gian ác được dấu dưới vỏ của một nhà lãnh đạo hiền từ, nhân đạo, đây quả là một bộ mặt giả nhân giả nghĩa.

Chính sách tàn ác được che giấu như bàn tay sắt bọc nhung đã gây kinh hoàng trong xã hội Trung Quốc nhất là đối với những người dân Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, Hong kong, Đài Loan, các tín đồ các tôn giáo…

Chính sách tiêu diệt tôn giáo của đảng CSTQ không thể thành công một khi lòng tin tôn giáo của con người ngàn đời không thể lay chuyển. Bởi thế CSTQ bắt đầu ve vãn Vatican nhằm giảm nhiệt tôn giáo.

Sự thất bại của TCB tại Hong Kong, Đài Loan là những yếu tố quan trọng cho uy tín bị đánh mất của TCB.

TÌNH HÌNH KINH TẾ DO BỆNH DỊCH

Để giải quyết bệnh dịch Coronavirus, Bắc kinh đã cho phong tỏa rất nhiều thành phố. Kể từ ngày 10 tháng 2, 2020, nhà cầm quyền đã phong tỏa ba tỉnh Hồ Bắc, Liêu Ninh và Giang Tây; bốn đô thị do trung ương quản lý (gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh) và hơn 80 thành phố lớn khác, gây gián đoạn khủng khiếp các sinh hoạt hàng ngày của hàng trăm triệu người dân và làm ngưng trệ nền sản xuất kinh tế.

Các tỉnh bị bao vây với hơn 140 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt quá 1,5 nghìn tỷ USD. Bốn thành phố với gần 100 triệu cư dân với GDP hơn 1,7 nghìn tỷ USD.

Nói tóm lại, tất cả 10 thành phố có hiệu quả kinh tế hàng đầu đã bị phong tỏa (ngoại trừ một), cộng thêm các thành phố bị khóa khác, đại dịch đã gây tổn hại cho khu vực sản xuất ít nhất một nửa tổng GDP của Trung Quốc. Trong thực tế, ảnh hưởng này còn to lớn hơn nhiều và tác động của nó cũng rất nghiêm trọng.

Tác hại rất lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ về dịch vụ hoặc những doanh nghiệp phụ thuộc vào các sinh hoạt trao đổi tiền mặt (cash flow).

Trong dịp năm mới Trung Quốc, hành động dùng quân đội cách ly đã khiến doanh thu của ba ngành du lịch, rạp chiếu phim và nhà hàng (trị giá khoảng 143 tỷ USD) hoàn toàn bị thất bại.

(Để so sánh, vào dịp Tết Nguyên đán 2019, doanh thu bán vé tại các rạp chiếu phim Trung Quốc là 215 triệu USD, nhưng năm nay (2020) chỉ được 258.000 USD. Tương tự, năm ngoái doanh thu ngành du lịch Trung Quốc vào dịp năm mới là 73,7 tỷ USD, nhưng năm nay hầu như tất cả các địa điểm tham quan đều đóng cửa.)

Các trung tâm bán lẻ chịu thiệt hại nặng nề như thời trang, hoa, thực phẩm, đồ tiêu dùng, hầu hết đã phải đóng cửa.

Vào đầu năm mới, tất cả sinh hoạt thương mại đều bị ngưng trệ đưa đến thiệt hại về kinh tế to lớn.

Về niềm tin vào năm mới, tân xuân Canh Tý đã trở thành thảm họa, người dân hoàn toàn thất vọng do sự tin tưởng năm Tý là năm làm ăn thịnh vượng, nhưng dịch CoVID-19 đã biến đổi nước Tàu thành một quốc gia thảm họa đầy tang tóc.

Nông nghiệp

Tác động kinh tế cho ngành này là một sự tàn phá to lớn. Các tuyến giao thông chính đã bị ngăn chặn, các doanh nghiệp không thể vận chuyển sản phẩm dễ hư đến các thành phố, nơi mà giá rau và trái cây đã tăng vọt. Nhiều ngôi làng cũng bị bao vây, nông dân không được phép đi làm trên các cánh đồng, dẫn đến kết quả sản phẩm nông nghiệp bị thiệt hại lớn. Vụ cấy mùa xuân đáng lẽ đã bắt đầu, đại dịch đã trì hoãn công việc nhà nông dẫn đến sự thiếu hụt ngũ cốc lớn lao.

Xuất nhập khẩu

Tình hình đã xấu đi do cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, nay đại dịch COVI lại càng làm gia tăng thiệt hại. Các trung tâm xuất khẩu như: Thượng Hải, Thâm Quyến, Bắc Kinh và Quảng Châu đã ngừng hoạt động sản xuất trong nhiều tuần qua.

Có ít quốc gia muốn mua hàng của Trung Quốc do sợ lây nhiễm mầm bệnh coronavirus. Theo tin từ Hoa Kỳ, các chuyến tàu container hàng tuần tại các cảng chính của Trung Quốc đã giảm hơn 20% kể từ ngày 20 tháng 1, 2020. Chỉ số mua hàng tại Trung Quốc (PMI) giảm xuống còn 51,1, mức thấp nhất trong năm tháng.

Hầu hết các nhà máy và doanh nghiệp không thể mở cửa như dự kiến ​​vào 10 tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết, nay lại phải hoãn thêm một tuần hoặc thậm chí cho đến tháng ba.

Nhiều công ty sẽ tuyên bố phá sản hoặc sa thải công nhân. Một làn sóng cao các công ty đóng cửa và phá sản vào năm 2020. Ngay cả các thương hiệu quốc tế như Burberry, Estee Lauder và Apple cũng sẽ đóng cửa hàng ở Trung Quốc.

Bắc Kinh đã bơm 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 243 tỷ USD) để kích thích thị trường tài chính nhưng nó vẫn tiếp tục đi xuống.

Viện Evergrande thuộc Đại học Tsinghua khảo sát gần đây cho thấy trong số 995 công ty, nhiều công ty không thể tiếp tục sản xuất bình thường. Khoảng 85 phần trăm các công ty chỉ có thể tồn tại trong ba tháng.  Điều này sẽ đưa đến việc sa thải công nhân. Thất nghiệp có khả năng sẽ lên cao, có thể tới hàng chục triệu người gây ra các phản ứng dây chuyền chính trị, kinh tế, ngoại giao và xã hội nghiêm trọng.

Vì thế, ước vọng của giới thương doanh là thoát khỏi Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn.

Gần đây Ủy ban Thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – gồm bảy thành viên nắm trọn quyền lực của Trung Quốc – đã tổ chức hai cuộc họp trong vòng 10 ngày, nhằm tìm ra chiến lược phục hồi sản xuất trong khi chống lại đại dịch. Dường như họ không có câu trả lời vì nhiều trung tâm kinh tế đã ngừng hoạt động. Sự thiệt hại kinh tế đã tồi tệ hơn nhiều do sự sai lầm của ĐCSTQ.

Từ thiệt hại kinh tế đưa đến sự mất niềm tin, bất mãn, đến tình trạng người dân không còn sợ hãi, làm liều, tạo nên sự mất ổn định cho xã hội…

MỐI QUAN HỆ VỚI HOA KỲ CÀNG THÊM KHẮC NGHIỆT

Mặc dù cuộc thương chiến Mỹ-Trung tạm giải quyết trong giai đoạn 1, nhưng Trung Cộng cũng chịu nhiều ảnh hưởng khiến cho sự tăng trưởng kinh tế giảm đi rất nhiều, nhà cầm quyền đã phải bơm tiền để cứu nguy, chưa kể việc thực thi sẽ gặp khó khăn do dịch bệnh.

Nay dịch COVID-19 lại như đổ thêm dầu vào lò lửa kinh tế tài chánh, an ninh, xã hội đang cháy bùng.

Hoa kỳ lại vừa kết tội thêm cho bà Mạnh Vẫn Chu, giám đốc tài chánh công ty Hoa Vi vì tội đánh cắp bí mật thương mại của các công ty Hoa Kỳ trong vòng 1 thập kỷ qua. Mỹ vẫn tiếp tục chương trình dẫn độ bà này sang Hoa Kỳ để được ra tòa xét xử.

Hoa Kỳ củng cố an ninh và quân sự ở vùng Đông Bắc Á, tại Biển Đông, yểm trợ quân sự cho Đài Loan, khiến bà Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống vẻ vang, chiều hướng độc lập ngày càng vững mạnh hơn bao giờ hết.

Mỹ gia tăng truy tố gián điệp TC hoạt động tại Hoa Kỳ, chỉ trích TC muốn xen vào cuộc bầu cử năm 2020…..

Hoa kỳ cô lập các công ty lớn của Tc như Hoa Vi, ZTE…

Do tham vọng bành trướng của TC, Hoa Kỳ từ bỏ chính sách cam kết và  hợp tác trước đây, nay chủ trương ngăn chận và tách rời. Ngoài ra, do TC có hành động giành ảnh hưởng trên trật tự mới toàn cầu khiến cho Mỹ phải có những chiến lược cứng rắn hơn, xem TC là kẻ thù chiến lược.

Trước nạn dịch COVI-19, Hoa kỳ gia tăng chiến thuật “tách rời” khi các quốc gia cũng như doanh nghiệp Hoa kỳ và thế giới kịp suy nghĩ về chuỗi cung ứng toàn cầu trong lâu dài. Mọi người đều hiểu rằng sự cung ứng từ TC như trước đây đã trở nên bấp bênh với nhiều rủi ro, họ cần phải đổi chiến lược, chuyển hướng đến các nước khác trên thế giới, nhất là ở Á Châu.

Bộ trưởng Thương Mại Hoa kỳ mới đây tuyên bố: dịch COVI-19 tạo cơ hội cho các công ty Mỹ quay về với nước. Trong lúc đó phe diều hâu hiện đang ở thế thượng phong trong chính trường Hoa Kỳ tạo áp lực buộc Mỹ phải áp dụng chính sách BDS, có nghĩa là: Boycot (tẩy chay), Divest (thoái vốn) và Sanction (trừng phạt) đối với TC. Giới này đang lập luận: TC gia tăng chiến tranh sinh học có phòng lab tại Vũ Hán; các viên chức Hoa Kỳ đang bị TC lợi dụng làm tay sai mà không biết; Hoa Kỳ nên từ chối trợ giúp y tế, để dịch siêu vi lan tràn trong hàng ngũ lãnh đạo TC. Ngoài ra, họ còn yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế và trừng phạt nền kinh tế TC.

Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao Mỹ luôn luôn xem TC là kẻ thù trong chính sách an ninh quốc phòng của mình, hiện đang huy động đồng minh chống TC, Nga và Iran là 3 kẻ thù cũa Mỹ. Ngân sách quốc phòng mỗi năm mỗi tăng mạnh. Năm 2020: 718 tỉ, năm 2021, 745 tỉ.

Hoa kỳ tiếp tục kết án TC đã gây bất ổn trên thế giới, nhất là vùng Á Châu Thái Bình Dương qua kế hoạch bành trướng quân sự tại Biển Đông và chiến lược “một vành đai một con đường” mà họ cho là bẩy nợ.

ẢNH HƯỞNG ĐẾN NỀN AN NINH VÀ CHÍNH TRỊ CỦA TRUNG CỘNG

Trước những sự kiện nói trên của nhà cầm quyền Băc Kinh, được tóm tắt như sau:

  • Mất niềm tin của quần chúng
  • Mất uy tín trên thế giới do vi phạm nhân quyền, tham vọng bành trướng, mất chữ tín…
  • Bị cô lập tại nhiều nơi trên thế giới
  • Khủng hoảng kinh tế, tài chính
  • Nhiều kẻ thù bị TCB ám hại đang sẵn sàng phục thù.
  • Tình hình xáo trộn nội bộ, bất mãn dâng cao trong đảng,

Tất cả những yếu tố kể trên có thể đưa đến một hay nhiều những tình huống như sau:

  • Nhà cầm quyền CS buộc phải thay đổi chính sách chính trị, kinh tế, tài chánh cởi mở hơn để sống còn, đời sống nhân dân khá hơn, từ bỏ tham vọng bành trướng và giữ hòa mình với thế giới.
  • TCB có thể bị lật đổ bằng những thế lực nội bộ khác uyển chuyển và cởi mở hơn lên cầm quyền.
  • Nhà cầm quyền TC suy yếu đưa đến những hỗn loạn trong nước, các quốc gia bị trị đứng lên đòi độc lập (Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong…)
  • Nước CHNDTQ (Trung Cộng) tan rã thành nhiều mảnh nhỏ, các nước bị trị đòi độc lập, nhà nước Cộng sản sẽ biến mất, nhường chỗ cho một thể chế dân chủ tự do như Liên Sô thập niên 1990.

KẾT LUẬN

Con người có lúc lên lúc xuống. Vận nước có lúc thịnh lúc suy. Quân nhất thời, dân vạn đại.

Lòng uất hận của người dân có thể đạp đổ một thế lực cai trị tàn ác. Sóng nước có thể lật đổ một con thuyền.

Đó là những hiện tượng đã xảy ra trên thế giới từ cổ chí kim, đã trở thành định luật bất biến, không thế lực nào có thể cưỡng lại được.

Vì thế chúng ta có quyền chờ đợi sự thay đổi xảy ra bất cứ lúc nào, sự thay đổi của một chế độ độc tài, vô nhân, vô thần, phản lại sự mong ước của người dân trong thế giới dân chủ, hòa bình thịnh vượng hiện nay.

Hoàng Độ

Tháng 2, 2020.