Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 1
Total Users : 13501
Total views : 136658
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Những điều cần làm sáng tỏ của Việt Nam Quốc Dân Đảng (nhân kỷ niệm 96 năm thành lập)

https://vietquoc.org/

29/12/2023

https://lh3.googleusercontent.com/pw/ABLVV84lEZxxX75GPcDfesYdf-Gi6FkbcHQD4y66cc6RUuY1DO5uL74qNqR9JgJSXXrWWOZpNMdg2ZdUQCsls1k_xHYTKxyzn_hbUPsbM65KBvojJ9KehmDjYJ4aTm0LjwrDjS6P5IimQlg3uszkr-DA2K8VmQ=w595-h443-s-no?authuser=1

Những nhân vật chính trong Nam Đồng Thư Xã năm 1927

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua nhiều triều đại có khi nhục, khi vinh… mà hào kiệt thì thời nào cũng có. Về lịch sử, hào kiệt hậu thế phải đánh giá cho đúng thì tương lai dân tộc mới đi lên…Nhìn ra thế giới bên ngoài, hễ dân tộc nào cứ che đậy cái xấu, cái lỗi của lịch sử thì chưa phải là một dân tộc tiến bộ. Nước Đức là một nước tiến bộ nhất châu Âu, nếu người Đức nào còn biểu hiện hình tượng của chế độ Hitler là sẽ gặp rắc rối về pháp lý, vì biết rằng đó là chế độ không thể tồn tại với một dân tộc văn minh.
Còn lịch sử Việt Nam có anh hùng thật nhưng nên trình bày nó lúc nào, ở đâu cho hợp lý. Khi nào cũng đánh bóng lịch sử Việt Nam rực sáng như mặt trời mùa hè mọc ở phương đông thì còn che đậy, thiếu thành thật. Cứ như thế thì hậu thế say mê ngâm nga những thiên anh hùng ca mà không biết đến những khúc bi ca của lịch sử thì làm sao rút ra kinh nghiệm!

Xác định lịch sử Việt Nam Quốc Dân Đảng

Về phía Cộng Sản Việt Nam (CSVN) gần đây nhìn Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) dưới lăng kính nào?
Cách đây 10 năm, nhân ngày kỷ niệm thành lập VNQDĐ lần thứ 86, Viện Bảo Tàng Lịch Sử của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có đăng bài “Kỷ niệm 86 năm thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927- 2013)” do hai tác giả Chu Lộc- Phương Thảo viết: “VNQDĐ Là một chính đảng tư sản yêu nước, đại diện cho chủ nghĩa dân tộc cách mạng, sự ra đời và hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) trong những năm 20 của thế kỷ XX đã có một vai trò lịch sử nhất định trong quá trình thúc đẩy vận động đi lên, tiến tới xác định một phương hướng cứu nước của dân tộc ta” (1).
VNQDĐ là đối thủ lớn của CSVN trong suốt chiều dài lịch sử cận đại, trước đây khi nói đến VNQDĐ thì CSVN chỉ trích nặng nề cho rằng VNQDĐ là một đảng “tư sản cải lương”. Sau 2/3 thế kỷ, vào tháng 4 năm 2001, Đại Hội IX của Đảng CSVN nhìn ra được giá trị của tư sản mà VNQDĐ chủ trương cách đây 74 năm nên đã đổi mới “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đó là kinh tế tư sản. Tiếc thay! CSVN chỉ đổi mới nửa vời vì còn xử dụng kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Cho nên, đến tháng 10/2023, dù đã thiết lập bang giao cao nhất với Mỹ “đối tác chiến lược toàn diện” mà vẫn bị Mỹ cho là một nước phi kinh tế thị trường (non-market economy) (2).

Sự ra đời của VNQDĐ trong dòng sử Việt:

Phát khởi cuối năm 1926, tại Hà Nội, những thanh niên trí thức yêu nước do hai anh em Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Hoàng Phạm Trân cầm đầu lập ra nhà xuất bản Nam Đồng Thư Xã (NĐTX), mục đích in những sách báo có tư tưởng cách mạng bán với giá rẻ phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhằm ý thức thân phận người Việt Nam trước cảnh bị Thực Dân Pháp đô hộ.
NĐTX từ một câu lạc bộ văn hóa mà vào ngày thứ Năm và cuối tuần là địa điểm nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức, công chức, nhân sĩ lui tới tụ tập đông đảo. Trong đó đáng kể nhất là thanh niên Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính. NĐTX dần dần trở thành nơi tụ họp nói chuyện yêu nước của những người có tâm huyết với quốc gia dân tộc.

Dùng mềm dẻo không thành thì lập đảng dùng vũ lực đánh Pháp

https://lh3.googleusercontent.com/pw/ABLVV84-RAHL4YD8xBYe7R7LTzUezS27rvkjaubrjE4HmAQ-tSvGsrAY0JOYW6U74HpxutKZdP2YbGcxTfGY3BF89vWA0Cb3m4mZF-2kP_cQK8BM_iNIfZMX7PRdaUCUGsWEcX_hI6Ymr58zWNd81TjCvIXFUQ=w412-h260-s-no?authuser=1

Nguyễn Thái Học và chữ ký (hình trong nhà tù Hỏa Lò Hà Nội của Thực Dân Pháp năm 1930)

Ông Nguyễn Thái Học trong NĐTX đã hai lần gửi kiến nghị cho Toàn Quyền Pháp bấy giờ là Alexandre Varenne yêu cầu thay đổi chính sách cai trị của Thực Dân Pháp đối với thuộc địa Việt Nam, nhưng Varenne không trả lời!

Không còn cách nào khác, vào tối ngày 25/12/1927, một Đại Hội thành lập Đảng chính trị tại nhà ông Lê Thành Vỵ ở làng Thể Giao, ngoại ô thành phố Hà Nội, đứng lên dùng vũ lực đánh đuổi Thực Dân Pháp giành độc lập cho dân tộc. Đại Hội tiến hành được một nửa thì có báo động mật thám Pháp xuất hiện phải di chuyển đến trụ sở NĐTX ở số 129 phố Trúc Bạch, Hà Nội. Tại Đây, Đại Hội kết thúc vào lúc 5 giờ sáng với quyết định thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, mọi người có mặt tuyên thệ gia nhập Đảng, thông qua điều lệ của Đảng và bầu Nguyễn Thái Học làm Chủ Tịch.

Phát triển Việt Nam Quốc Dân Đảng

https://lh3.googleusercontent.com/pw/ABLVV843LHkAIazczKgOwDCooqWFrv5xf91X-sZJhjWCH1mf1JlPDKAtbaShyz6l-xnLKZMIG2I0f_TUTK88hshcLp9n7lw5xnD23PhZ0wKd5Z05l2EFkAVQvMI7ymX9aczEvrz-pRco6Q9bYJbMTGmbdBNtSg=w247-h340-s-no?authuser=1

Phó Đức Chính (hình chụp trong nhà tù Hỏa Lòa Hà Nội của Thực Dân Pháp năm 1930)

Muốn tổ chức lớn mạnh phải phát triển nhân lực, đó là quy luật; nếu không phát triển, theo thời gian tổ chức chẳng khác gì bếp lửa không thêm củi thành đống tro tàn. VNQDĐ thời đó phát triển nhắm vào tầng lớp trí thức, tư sản, địa chủ, phú nông, hạ sĩ quan người Việt trong quân đội Pháp và những người yêu nước giành độc lập cho dân tộc; khách Sạn Việt Nam ở số 38 phố Hàng Bông, Hà Nội làm cơ sở kinh tài; tờ báo Hồn Cách Mạng làm cơ quan ngôn luận và tuyên truyền cho VNQDĐ.
Để hệ thống hóa sinh hoạt của Đảng được dân chủ, ngày 01/01/1929, Chủ Tịch Nguyễn Thái Học triệu tập Hội Nghị ở Chợ Đuổi. Tại Hội Nghị này, thành lập hai viện: Viện Lập Pháp do ông Nguyễn Khắc Nhu làm chủ tịch và Viện Hành Chính. Cơ cấu tổ chức Đảng có bốn cấp: Tổng Bộ, Kỳ Bộ, Tỉnh Bộ và Chi Bộ (một chi bộ tối đa 19 người) theo hệ thống hàng dọc nghĩa là Chi Bộ nhận lệnh từ Tỉnh Bộ, Tỉnh Bộ nhận lệnh từ Kỳ Bộ và Kỳ bộ nhận lệnh từ Tổng Bộ.


Lý thuyết VNQDĐ: điều cần phải làm sáng tỏ

Về lý thuyết, không biết bắt nguồn từ đâu, căn cứ vào tài liệu chính thức nào mà phần đông những người Cộng Sản cũng như quốc gia cho rằng VNQDĐ dùng lý thuyết “Tam Dân Chủ Nghĩa” của Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tôn Dật Tiên chủ xướng!
Đó là một sự sai lầm do thiếu nghiên cứu và tìm hiểu, mà chỉ nghe nói (hearsay). Để xóa tan ngộ nhận trên, xin trích dẫn dưới đây những bằng chứng dựa trên lịch sử VNQDĐ qua các thế hệ từ ngày thành lập Đảng đến thế hệ đang hoạt động hôm nay và nhà nghiên cứu để  làm sáng tỏ vấn đề.

1) Về lịch sử của VNQDĐ: Dựa vào những cuốn sách mà các thế hệ hậu duệ VNQDĐ xem như những tài liệu Đảng Sử:

Thứ nhất: Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh cận Đại (1927-1954) Việt Nam Quốc Dân Đảng của Hoàng Văn Đào” tác giả là một đảng viên VNQDĐ có mặt từ những ngày đầu thành lập Đảng viết rằng “vào khoảng tháng 10/1927 [lúc đó chưa thành lập Đảng] Nguyễn Thái Học có triệu tập một phiên họp và đưa ra ý định thành lập một đảng bí mật, dùng vũ lực lật đổ chế độ Thực Dân Phong Kiến (@) lập nên một thể chế Cộng Hòa nhằm đem lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc tiến bộ cho toàn dân”. Ý kiến này được mọi người đồng sự tán thành (3).

Tối 25/12/1927, đại hội thành lập Đảng, trong lời mở đầu chào mừng đại biểu về tham dự, Ông Nguyễn Thái Học đại diện Ban Tổ Chức đã tuyên bố: “VNQDĐ dùng vũ lực lật đổ chính quyền thống trị thực dân phong kiến, lập nên một chế độ Cộng Hòa mang lại độc lập vinh quang cho tổ quốc và hạnh phúc cho toàn dân” (4).

Thứ hai: Trong cuốn “Nguyễn Thái Học” của Nhượng Tống, xuất bản năm 1945; Nhượng Tống là nhà văn, nhà báo, dịch giả và học giả, là một trong những thành viên lãnh đạo VNQDĐ phụ trách Tổng Vụ Tuyên Nghiên Huấn trong Tổng Bộ. Với vai trò Tuyên Nghiên Huấn, nếu VNQDĐ dùng “Tam Dân Chủ Nghĩa” làm lý thuyết thì chắc chắn cuốn sách này đầy dẫy lý thuyết “Tam Dân Chủ Nghĩa”. Nhưng ngược lại “Tam Dân Chủ Nghĩa” không được nhắc đến một lần từ trang đầu đến trang cuối của cuốn sách (5).

Thứ ba: Trong cuốn “Từ Yên Báy Đến Côn-Lôn (1930-1945)” xuất bản năm 1970 của cụ Ký Thân Nguyễn Hải Hàm, một đảng viên lão thành tham gia VNQDĐ giữa năm 1928 cũng không hề nhắc đến “Tam Dân Chủ Nghĩa” có liên hệ đến chủ trương của VNQDĐ (6).

Thứ tư: Một cuốn sách khác không xếp vào tài liệu Đảng Sử, nhưng có những sự kiện quan trọng liên quan đến quá trình hoạt động của VNQDĐ. Đó là hồi ký của cựu Đại tá Hoàng Tích Thông, nguyên Lữ Đoàn Trưởng Thủy Quân Lục Chiến, Phó Tư Lệnh Sư Đoàn 2 quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tham gia VNQDĐ năm 1945, hoạt động trong Quốc Gia Thanh Niên Đoàn, tổ chức ngoại vi của VNQDĐ; đánh với Pháp và Việt Minh Cộng Sản ở các chiến khu miền Bắc, năm 1948 chạy qua Tàu. Sau 13 năm ở tù cải tạo CSVN, năm 1991 đi diện HO định cư tại Nam California, Hoa Kỳ, tiếp tục hoạt động VNQDĐ và đã giữ nhiệm vụ Chủ Tịch Hội Đồng Pháp Quy VNQDĐ. Trong cuốn hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của Hoàng Tích Thông (7) cũng không đá động gì đến “Tam Dân Chủ Nghĩa”. Người viết bài này đã nhiều lần hỏi anh Hoàng Tích Thông về lý thuyết của VNQDĐ, anh cho biết như sau:
– Hỏi: Anh vào đảng thuộc thế hệ thứ hai (1945) và có đi sang Tàu lánh nạn mấy năm, theo anh biết “Tam Dân Chủ Nghĩa” có liên hệ gì với VNQDĐ không?
– Trả lời: Sau Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ ngày 10/02/1930 thất bại có một số lãnh đạo VNQDĐ và cán bộ chạy qua Tàu, trong đó có ông Vũ Hồng Khanh chẳng hạn. Vào thời 1948 đánh với Pháp và Việt Minh Cộng Sản tại các chiến khu miền Bắc, thua trận cũng có nhiều người chạy qua Tàu. Những người qua Tàu có biết về Tam Dân Chủ Nghĩa. Khi trở về nước họ mang theo rồi nói vậy thôi, chứ VNQDĐ do Nguyễn Thái Học lãnh đạo không theo “Tam Dân Chủ Nghĩa”.
– Hỏi: Từ khi vào VNQDĐ năm 1945, sinh hoạt trong Quốc Gia Thanh Niên Đoàn anh có bao giờ học tập về “Tam Dân Chủ Nghĩa” không?
– Trả lời: Không có, những năm lưu vong bên Tàu, vì sinh kế tôi hớt tóc trong trại lính của quân Tưởng Giới Thạch thì có hai lần tôi tham gia học tập “Tam Dân Chủ Nghĩa” vì mấy ông lính của ông Tưởng rủ đi. Nhưng ở Việt Nam thì tuyệt đối không có.
– Hỏi: Từ khi tham gia VNQDĐ đến nay anh có biết hoặc nghe VNQDĐ nói về “Tam Dân Chủ Nghĩa” không?
– Trả lời: Không bao giờ.

Thứ năm: Những thế hệ VNQDĐ đang hoạt động hôm nay, chẳng bao giờ đề cập đến “Tam Dân Chủ Nghĩa” và chẳng biết “Tam Dân Chủ Nghĩa” là cái gì? Nói về cá nhân là điều không nên, nhưng trong trường hợp này cần nói để làm nhân chứng: Tôi [người viết] gia nhập VNQDĐ năm 1968, khi ra hải ngoại từng lãnh đạo VNQDĐ nhiều thập niên, nhưng cũng không bao giờ biết về “Tam Dân Chủ Nghĩa”. Khẳng định rằng VNQDĐ đang hoạt động hiện nay không có “Tam Dân Chủ Nghĩa”.

Từ những đảng viên lão thành thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai đến thế hệ hôm nay của VNQDDĐ nay đều không liên hệ đến “Tam Dân Chủ Nghĩa” của Trung Hoa Quốc dân Đảng.


Còn người ngoài VNQDĐ thì sao?

Gần đây, vào cuối năm 2019, Luật Sư Tạ Thu Phong, nhà nghiên cứu lịch sử và là người sưu tầm sách hiếm viết cuốn sách “Tiếng Thét Yên Báy – Lịch Sử Đẫm Máu và Bi Hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng” do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Tác giả đã căn cứ trên các điều lệ của VNQDĐ ở Hội Nghị Tổng Bộ VNQDĐ lần thứ ba vào tháng 12/1928 thì chính cương của Đảng được tu chính như sau (8):
– Làm Cách Mạng Dân Tộc
– Xây dựng một thể chế Cộng Hòa trực tiếp
– Giúp đỡ các dân tộc bị áp bức
Chính cương được bổ sung chương Trình hoạt động thành 4 giai đoạn:
– Giai đoạn bí mật: Tổ chức phát triển Đảng, mở rộng hoạt động;
– Giai đoạn bán công khai: Chuẩn bị lương thực vũ khí cho việc khởi nghĩa;
– Giai đoạn công khai: Phát động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền;
– Giai đoạn kiến thiết: Xây dựng chính thể Cộng Hòa.
Cũng trong cuốn sách này: Luật Sư Tạ Thu Phong trích tờ báo Độc Lập số 174, phát hành ngày 16/06/1946 đã phỏng vấn hai cán bộ cao cấp VNQDĐ về vấn đề chính cương của Đảng được đã trả lời:
Người thứ nhất: “Tư tưởng của anh [Nguyễn Thái Học] là tư tưởng tưởng của một người dân chủ, trong những khi đàm đạo với tôi [người được phỏng vấn] anh cho biết rằng nếu cách mạng thành công thì anh sẽ dựa theo nền dân chủ của Pháp và Thụy Sỹ để tổ chức chính quyền. Tức là anh tán thành nguyên tắc tam quyền và bài xích ngũ quyền của Trung Hoa”.
Người thứ hai: Khi được hỏi về tư tưởng chính trị của Nguyễn Thái Học, đã trả lời: “Anh [Nguyễn Thái Học] là một người hoàn toàn theo chủ nghĩa quốc gia và chủ trương của anh là “dĩ đảng trị quốc” [dùng đảng để tổ chức và điều hành đất nước]” (9)

Qua những nguồn tài liệu trưng dẫn ở trên của:
– Những cuốn sách dùng làm Đảng Sử cho hậu duệ VNQDĐ,
– Những vị lãnh đạo và cán bộ cao cấp VNQDĐ của thế hệ đầu tiên đến hiện nay.
– Nhà nghiên cứu trong nước,
Đều cho rằng VNQDĐ không liên hệ gì với “Tam Dân Chủ Nghĩa” của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Chủ trương của VNQDĐ khi cách mạng thành công sẽ đưa đất nước theo chế độ độ Cộng Hòa.


Tại sao có những ngộ nhận đáng tiếc mang tính lịch sử kéo dài nhiều thế hệ?

https://lh3.googleusercontent.com/pw/ABLVV85Zm6MbnbZ9wpB1G4rpMwiVAtdNmLNYkfO7h9fX2kOgW2CdEfsPNBbYvrpKXjc8Y86RnnKuiL_eo6HBN-egSn6ynLvklcBkdqnAnQ5OXNjosBC6d0RfhZIp3XooeGKlbIzR0EoD3IVL4BwfbTofYr-cRQ=w208-h301-s-no?authuser=1

Cụ Phan Bội Châu (hình Internet)

Ngộ nhận thứ nhất: Cho rằng VNQDĐ của Nguyễn Thái Học là kế thừa VNQDĐ của cụ Phan Bội Châu lập ra bên Tàu. Nếu hiểu như vậy thì chỉ nghe nói, chứ không nghiên cứu nghiêm chỉnh. Trong sách “Phan Bội Châu Tự Phán” do Nhân Chủ Học Xã in lại năm 1987 tại Nam California cụ Phan viết rằng Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) do cụ Phan và cụ Cường Để lập ra năm 1912 nay chỉ còn là bức thần vị trên bàn thờ cho nên cụ có ý định cải tổ VNQPH thành Việt Nam Quốc Dân Đảng dựa vào cách tổ chức của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (10). Theo cụ Phan, sau khi bản thảo xong thì giao cho ông Hồ Tùng Mậu (đảng viên Cộng Sản). Sau đó ông Mậu có đưa về trong nước không thì cụ không hề hay biết. Đến giữa năm 1925 thì cụ Phan bị Pháp bắt ở Thượng Hải. Những điều cụ Phan viết trong cuốn “Phan Bội Châu Tự Phán” khá trùng hợp với trang Wikipedia viết về việc này như sau: “Năm 1922, phỏng theo Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tôn Dật Tiên, cụ Phan [Phan Bội Châu] dự định cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng”… nhưng chưa kịp cải tổ thì ông bị Pháp bắt cóc ngày 30/06/1925” (11).

Cụ Phan bị Pháp bắt cóc như thế nào trong cuốn “Thành Ngữ – Điển Tích – Danh Nhân Từ điển” của Giáo Sư Trịnh Vân Thanh, nhà xuất bản Văn Học ấn hành 2008 ở trang 742 viết rằng: “Lý Thụy [Hồ Chí Minh] đã bán Phan Bội Châu cho thực dân Pháp với giá 15 vạn bạc” (12), thời đó con trâu trị giá từ 50-80 đồng bạc.

Qua những tài liệu trên, thì cụ Phan Bội Châu có ý định chứ chưa thành lập VNQDĐ ở Trung Hoa thì bị bắt, do đó VNQDĐ của cụ Phan ở Trung Hoa chỉ là dự tính chứ chưa ra đời và nó không liên hệ gì với VNQDĐ mà ông Nguyễn Thái Học thành lập tại Hà Nội ngày  25/12/1927.

Ngộ nhận thứ 2: 

Tiêu chí của VNQDĐ là “Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc” trùng hợp với tiêu chí Trung Hoa Quốc Dân Đảng (13). Có thể đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì ba mục tiêu đó là khát vọng chung của những tổ chức cách mạng đứng lên giành lại độc lập cho tổ quốc bị ngoại xâm.

Sau nhiều tìm hiểu và nghiên cứu, Đại Hội VNQDĐ tháng 6 năm 2022 trong Cương Lĩnh Chính Trị của VNQDĐ đã tái khẳng định: “Căn cứ vào những văn bản thành lập Đảng và những tài liệu sách sử của những bậc tiên liệt thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng ghi lại thì đường lối và chính sách của Đảng hoàn toàn lấy tinh thần yêu nước chân chính của dân tộc Việt Nam chứ không vay mượn bất kỳ một chủ thuyết nào từ nước ngoài.” (14).

Thật ra “Tam Dân Chủ Nghĩa” rất đáng ngưỡng mộ như Đài Loan đang theo đuổi hiện nay có một xã hội hưng thịnh, kinh tế phát triển, lợi tức bình quân đầu người trong năm 2022 là $35,510 qua mặt cả Nhật và Nam Hàn (15). Tuy nhiên, không phải như vậy mà VNQDĐ “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Sự thật bao giờ cũng là sự thật cần trả lại đúng vị trí của nó một cách nghiêm chỉnh.

Những ngộ nhận trên đã tồn đọng trong xã hội người Việt qua nhiều thế hệ, từ Bắc vào Nam  từ trong nước ra hải ngoại. Mong rằng khi đọc bài này những ai còn ngộ nhận về VNQDĐ theo Tam Dân Chủ Nghĩa sẽ được hóa giải một cách thanh thỏa. Trong thời đại tin học, việc truy cập tin tức khá dễ dàng và không tôn kém công sức nhiều, hãy trả lại đúng sự thật cho lịch sử VNQDĐ.

Ngày 29 tháng 12 năm 2023
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)


Diễn giải và Chú thích:

Diễn giải:

(@) Trong sách của Hoàng văn Đào có viết chế độ “thực dân phong kiến” – thực ra tên của một chế độ với 4 chữ như vậy không có. Tại Việt Nam, đặc biệt Pháp đô hộ nước ta lúc đó là một chế độ thực dân; Việt Nam thời đó dưới chế độ phong kiến vua quan bù nhìn được Pháp bảo hộ. Mục đích của VNQDĐ là một lúc vừa đánh đuổi quân Thực Dân Pháp ra khỏi đất nước để dành độc lập lại vừa loại bỏ chế độ phong kiến lỗi thời. Nên tác giả Hoàng Văn Đào đã dùng chế độ “thực dân phong kiến” là vậy. Gần đây có một bài viết trên mạng xã hội chỉ trích về bốn chữ chế độ “thực dân phong kiến” là không có. Vậy khi đọc giải thích này mong có sự đồng cảm.

Chú thích:

(1)https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/2002/68110/ky-niem-86-nam-thanh-lap-viet-nam-quoc-dan-dang
(2)https://www.trade.gov/press-release/us-department-commerce-initiates-review-non-market-economy-status-vietnam
(3) Hoàng Văn Đào: Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại (1927-1954) Việt Nam Quốc Dân Đảng (Trang 28, xuất bản kỳ 4 năm 2006).
(4) Hoàng Văn Đào: Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại (1927-1954) Việt Nam Quốc Dân Đảng (Trang 31, xuất bản kỳ 4 năm 2006)
(5) Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống
(6) Ký Thân Nguyễn Hãi Hàm: Từ Yên Báy đến Côn Lôn (1930-1945) xuất bản tại Việt Nam 1970, tái xuất bản tại Hoa Kỳ tháng 5 năm 1995.
(7) Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông
(8) Tạ Thu Phong: “Tiếng Thét Yên Báy – Lịch Sử Đẫm Máu và Bi Hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng” – (trang 56)
(9) Tạ Thu Phong: “Tiếng Thét Yên Báy – Lịch Sử Đẫm Máu và Bi Hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng” (trang 58)
(10) Phan Bội Châu: “Tự Phán”, Nhân Chủ Học Xã tái xuất bản tại Nam California năm 1987 (trang 227)
(11) https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan Boi Chau
(12) GS Trịnh Vân Thanh: “Thành Ngữ – Điển Tích – Danh Nhân Từ Điển” nhà xuất bản Văn Học ấn hành 2008 (trang 742)
(13) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trung Hoa Quốc Dân Đảng 
(14) Cương Lĩnh Chính Trị của Việt Nam Quốc Dân Đảng
(15) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cevgkylzj8ko