Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 0
Total Users : 13500
Total views : 136655
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Nếu Việt Nam không có đảng Cộng sản – Trần Trung Đạo

By thoisu 02 , April 10, 2023 0 Comments

10/04/2023

Những nghĩa binh bị Pháp bắt trong vụ Hà Thành Đầu Độc 1908 và nhiều trong số đó đã bị chém đầu.

Không ít người đến nay vẫn lấy làm tiếc vì chính phủ Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội khi không đoái hoài gì đến những lá thư của Hồ Chí Minh gởi TT Truman và Bộ Ngoại Giao Mỹ. Thật ra niềm hối tiếc này chỉ dựa vào những lá thư mà không tìm hiểu nguyên nhân tại sao TT Truman không trả lời.

Sự việc bắt đầu từ hội nghị giữa TT Franklin Roosevelt, TT Winston Churchill và Thống Chế Tưởng Giới Thạch tại Cairo, Ai Cập, cuối tháng 11, 1943. Những vấn đề của Á Châu trong đó có Việt-Miên-Lào hay còn gọi là Đông Dương (Indo-China) được đem ra bàn.

Bản thân tổng thống Franklin D. Roosevelt vốn có cảm tình với các dân tộc bị trị. TT Roosevelt là người khẳng định việc tôn trọng quyền tự quyết dân tộc của các quốc gia như ông đã đề ra trong Hiến Chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter) tháng 8, 1941. Hiến chương gồm 6 điểm, trong đó các điều 2 và 3 tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc.

Tại Cairo, TT Franklin D. Roosevelt và Thống Chế Tưởng Giới Thạch đồng ý Đông Dương nên độc lập nhưng chưa tự quản được mà nên đặt dưới sự quản trị quốc tế (international trusteeship) một thời gian.

Sau hội nghị Cairo, tại hội nghị Tehran, đề nghị đặt Đông Dương dưới sự quản trị quốc tế lần nữa được đưa ra. Đặc biệt lần này, đề nghị này của TT Roosevelt lại được Stalin tán thành. Người không tán thành là TT Winston Churchill. Nước Anh, giống như Pháp với nền kinh tê cạn kiệt trong chiến tranh chỉ mong tiếp tục bóc lột các nước bị trị sau khi Thế Chiến Thứ Hai. (Nguồn: Foreign relations of the United States diplomatic papers, The Conferences at Cairo and Tehran, 1943. Department of State, US).

Ngày 24 tháng 1, 1944, TT Roosevelt khẳng định lần nữa ước muốn của ông để đặt Đông Dương dưới sự quản trị của quốc tế thay vì trả lại cho Pháp. TT Roosevelt viết: “Tôi gặp Halifax [Ngoại trưởng Anh] tuần trước và nói với ông ta một cách thẳng thắng rằng một điều hoàn toàn đúng là hơn một năm trước tôi đã bày tỏ ý kiến Đông Dương không nên trả lại cho Pháp mà đặt dưới sự quản trị của một cơ quan ủy thác quốc tế. Pháp đã chiếm dân tộc này, với ba chục triệu người, gần cả thế kỷ, và điều kiện của người dân còn tệ hại hơn lúc bắt đầu. (Nguồn: Memorandum by President Roosevelt to the Secretary of State, Office of Historian, USA)

Trong cùng tài liệu, TT Roosevelt cũng viết một câu cảm động “Pháp đã vắt sữa các dân tộc Đông Dương suốt một trăm năm và người dân của các nước Đông Dương xứng đáng được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.” (France has milked it for one hundred years and people of Indo-china are intitled to something better than that).

Nhưng ngày 12 tháng 4, 1945, TT Roosevelt qua đời.

Chính phủ Anh, vì quyền lợi của một đế quốc thực dân đã thông đồng để đưa Pháp trở lại Việt Nam. Nhưng Mỹ thì không. Theo tổng kết của Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ: “Những năm sau Thế Chiến Thứ Hai, cuộc chiến tranh ở Đông Dương đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Viện trợ cho người Pháp có thể khiến các dân tộc Đông Nam Á xa lánh các cường quốc phương Tây. Ủng hộ nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam có thể sẽ dẫn đến một nhà nước cộng sản ở Đông Dương.” (Nguồn: The Joint Chiefs of Staff and The First Indochina War 1947-1954)

Đầu năm 1949, cuộc chiến tranh Quốc Cộng tại Trung Quốc sắp đến hồi chung cuộc với phần thắng đang nghiêng về đảng CSTQ. Tháng Giêng 1949, Bắc Kinh thất thủ và tháng Tư Nam Kinh rơi vào tay Mao. Thất bại của Tưởng Giới Thạch đã làm thay đổi toàn bộ chính sách Đông Nam Á của Hoa Kỳ. LX thử nghiệm thành công bom nguyên tử. Quân TC vượt biên giới tiến vào Bắc Việt. Vị trí của nước Pháp tại Việt Nam không còn là vị trí của một nước thực dân mà trở thành phòng tuyến chống CS bành trướng về hướng Nam Châu Á. Mỹ chọn đứng hẳn về phía Pháp.

Mặc dù Mỹ đã có tài liệu và bằng chứng Hồ Chí Minh là nhân viên của Đệ Tam Quốc Tế, những lá thư của Hồ không phải vì thế mà được tự động đưa vào văn khố. Chính phủ Mỹ qua trung gian tòa đại sứ Mỹ tại Paris trực tiếp liên lạc với Hồ Chí Minh để lần nữa xác nhận.

Ngày 12 tháng 9 năm 1946, George M. Abbott, lúc đó là Đệ nhất Tham Vụ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Paris, đã điện đàm với Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ vẫn là gốc gác của họ Hồ. Theo báo cáo của George M. Abbott cho đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, Hồ Chí Minh không thừa nhận ông ta là Cộng Sản. Không những thế, Hồ còn chỉ ra cho George M. Abbott thấy “không một người nào trong nội các của ông ta là Cộng Sản.” Trong thực tế, các chức vụ then chốt gồm Chủ tịch (Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Quốc Phòng (Võ Nguyên Giáp), Bộ trưởng Tài Chánh (Lê Văn Hiến), Bộ trưởng Tư Pháp (Vũ Đình Hòe) trong nội các liên hiệp kháng chiến đều do các đảng viên đảng CS hay đảng Dân Chủ (ngoại vi của đảng CS) nắm giữ.

Khi George M. Abbott hỏi có hay không có một đảng CS tại Việt Nam, Hồ Chí Minh thừa nhận là trước đây có nhưng đã giải tán mấy tháng trước rồi. Dĩ nhiên, như viết trong báo cáo, George M. Abbott cũng biết những câu trả lời của Hồ Chí Minh chỉ là những câu nói dối. Với đảng CS, việc thay tên đổi họ, từ một người hay thậm chí cả đảng, theo nhu cầu chiến lược mỗi thời kỳ là chuyện bình thường. Đảng CS tổ chức tinh vi và chặt chẽ đến mức dù dùng tên gì vẫn hoạt động thống nhất và tuân chỉ triệt để một cương lĩnh. Vào thời điểm 1946, trước khi CSTQ chiếm toàn lục địa Trung Hoa, nếu Mỹ viện trợ, Hồ Chí Minh sẽ nhận và nếu Mỹ lên tiếng phản đối Pháp, Hồ Chí Minh sẽ cám ơn nhưng chắc chắn không bao giờ có chuyện “giải tán đảng CS” hay thật sự từ bỏ đảng CS. (Nguồn: VIETNAM AND THE UNITED STATE 1940 – 1950 Top Secret Sensitive, Declassified per Executive Order13526, Section 3.3NND Project Number: NND 63316 . By: NWD Date: 2011).

Ngay trong lúc Hồ Chí Minh nói với George M. Abbott không có một đảng viên CS nào trong chính phủ thì Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn và Vương Thừa Vũ đang ra tay tận diệt các đảng phái không CS như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt v.v.. Vụ Ôn Như Hầu tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng vào tháng 8, 1946 là một bằng chứng. “Cuối tháng 5 [1946] khi quân đội Trung Quốc bắt đầu rút hết ra khỏi Việt Nam, Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các lực lượng Việt Minh tấn công vào các cánh quân quốc gia tại miền Trung, tiêu diệt số lực lượng nhỏ nhoi của các đảng quốc gia tại vùng này.” (Nguồn: Lê Mạnh Hùng, Nhìn Lại Sử Việt, thời cận hiện đại 1945-1975, chương 6).

Truyền thống lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam khẳng định nếu không có đảng CS, cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, 1858 với Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Công Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Duy Hiệu, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám, chắc chắn cuối cùng sẽ thắng thực dân Pháp.

Về mặt tư tưởng, hình thành từ cuộc đấu tranh chống Thực Dân Pháp, Việt Nam có nhiều chính đảng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Dân Xã đảng v.v.. nhưng tất cả đều mang một mục đích xây dựng một chế độ Cộng Hòa đa nguyên phong phú hơn bất cứ quốc gia nào ở Đông Nam Á. Cương lĩnh của Việt Nam Quang Phục Hội ghi rõ: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hoà Dân quốc Việt Nam”. Tương tự, cương lĩnh của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng nhằm “lập nên một nước Việt Nam Độc Lập Cộng Hòa”. Tinh thần Cộng Hòa đó đã ảnh hưởng đến Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, với xu hướng giải thể chế độ thực dân, sự suy yếu của Pháp, quyết tâm ủng hộ của các TT Mỹ, nếu không có đảng CSVN thì ngày nay Việt Nam không phải sống dưới chế độ độc tài lạc hậu, rơi rớt từ thời Lenin, Stalin, mất đất, mất biển, lệ thuộc mọi thứ vào Trung Cộng mà là một cường quốc dân chủ giàu mạnh, đứng oai hùng và kiêu hãnh như bên bờ Thái Bình Dương.

Lịch sử không có “nếu” nhưng cần phải đặt lại để đọc, để ôn, để học và để đi về phía trước là trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam yêu nước ngày nay. Nhiều quốc gia, như Ba Lan, Tiệp Khắc, vùng Baltic v.v.. cũng vướng vào vòng oan nghiệt như Việt Nam nhưng họ đã kiên trì tranh đấu và đầu thập niên 1990 vượt qua được quá khứ CS độc tài.

https://www.facebook.com/trantrungdao