Kỷ niệm 46 năm trấn thủ Hoàng Sa: Lần đào thoát ở hải chiến Hoàng Sa (19/01/1974)
Sau gần 21 năm xa quê hương, tháng 3 năm 1996 tôi về thăm Mẹ tôi và anh chị em tôi ở Nha trang. Khi trở lại Mỹ, tôi không quên mang theo tập hồi ký lần đào thoát ở Hoàng Sa mà tôi đã viết khi còn nằm ở bệnh viện Đà nẵng.
Mẹ tôi đã dấu kỹ tập hồi ký này nên đã không bị đốt theo Văn bằng tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt của tôi. Nay Mẹ tôi không còn, nhưng Mẹ vẫn mãi bên tôi như tập hồi ký này mà tôi đã nâng niu như một bảo vật.
Trong không khí của mùa Xuân hôm nay tôi xin gửi đến quí vị những diễn biến của trận hải chiến đầu tiên và cũng là cuối cùng của Hải quân Việt nam Cộng Hòa và Trung cộng tại Hoàng Sa.
Chiều 18/01/1974:
Con tàu mang số bù vẫn lầm lũi lướt sóng với cấp phỏng định 083 kể từ khi ra khỏi tầm hoạt động của đài kiểm báo 102 đêm qua. Chiều nay lên nhận phiên, tôi hơi mệt.
Hồi trưa phải lo cho các ban tiếp tục sơn phết phần còn lại của chiến hạm kể cả hai hầm máy tả và hữu để chuẩn bị thanh tra sau chuyến công tác khi về tới Sài gòn, nên tôi không chợp mắt được giây phút nào.
Với vận tốc phỏng định 10 knots (18.5 km) một giờ, có lẽ tàu sẽ đến Hoàng sa trong ca (shift) của mình và thời điểm phỏng định là 18 giờ ngày 18/01/1974. Với tầm hoạt động của chiếc SPS 53, các đảo có thể nhận thấy trên màn ảnh ra đa khoảng 16 giờ 30 phút là tối đa. Thế nhưng đến 16 giờ 30 phút, rồi 17 giờ trôi qua, nhân viên đi ca ở CIC báo lên đài chỉ huy vẫn chưa thấy.
Đến 17 giờ 30 phút mới thấy một vài vệt mờ trên màn ảnh ra-đa với khoảng cách 26 hải lý. Giờ này tôi mới xác định được vị trí của chiến hạm mình. Sánh với đường vẽ, con tàu nằm bên mặt đường chừng 6 hải lý. Nhưng HPA của Hoàng sa báo cho HQ4 lúc ấy tôi vẫn báo cáo là 18 giờ ngày 18/01/74 như ban đầu.
Sau khi bàn giao ca lại cho Trung úy Vũ văn Bang xong, khoảng chừng 18:00 giờ, bằng viễn vọng kính tôi có thể nhìn thấy được hình dáng của những chiến hạm khác cùng hòn đảo gần nhất là hòn Money ở hướng 2 giờ. Sau đó tôi và Thiếu úy Huân (SQ/Phụ tá Trưởng phiên) mới đi ăn tối.
Cho đến giờ phút này, với mấy miếng mứt và ít hạt dưa trong đĩa, tôi cùng Huân bên tách trà đậm với điếu thuốc lá Capstan trong tay, vẫn tươi cười thoải mái chuyện trò, chưa một điềm cỏn con nào báo trước rằng mai đây chúng tôi sẽ vĩnh viễn xa nhau. Chúng tôi sau đó ai về phòng ngủ để chuẩn bị ca sáng hôm sau.
Ngày 19/01/74:
Chưa chợp mắt được bao lâu, thì tất cả sĩ quan được đánh thức ra họp ở bàn ăn sĩ quan theo lệnh của Hạm phó Nguyễn Thành Trí.
Lúc đó là 02 giờ sáng. Hạm phó cho biết theo tinh thần bức công điện vừa nhận được, phần thiệt hại có thể về ta hết 80% tới 90%, bởi chúng ta không được khai hỏa trước, chỉ được nổ súng khi bị chiến hạm địch nổ trước.
Sau câu nói này, tôi không thể không đặt lại vấn đề khai hỏa với Hạm phó trước mặt đông đủ các sĩ quan HQ10 rằng tại sao giữa chốn này chỉ có ta và địch lại để địch khai hỏa trước mà không phải là ta để yếu tố bất ngờ nằm về phía ta có hơn không?
Lúc ấy Hạm phó Trí mới bảo tôi rằng đây là lệnh từ Sài gòn, chúng ta phải thi hành theo lệnh. Tôi đành im (Sở dĩ đặt câu hỏi này bởi vì tôi nghĩ rằng nếu ta khai hỏa trước, sau này bảo là địch khai hỏa trước, có ai cấm ta?!).
Buổi họp xong hồi 02 giờ 30 phút sáng. Tôi về phòng cố ru giấc ngủ, nhưng đó cũng chỉ là ý định, bởi tôi không sao chợp mắt được. Nhảy xuống giường xem đồng hồ – đã 3 giờ 10 sáng. Tôi đành đi đánh răng, rửa mặt rồi thay đồ.
Tôi xuống bếp làm gói mì để dằn bụng. Lần xuống hướng phòng chief tôi đánh thức Thiếu Úy Huân dậy cùng ăn cho vui. Không ngờ vừa lúc ấy Thuỷ thủ trọng pháo (TT/TP) Thi văn Sinh mang lại đưa tôi một tách cà phê sữa.
Sung sướng thật! Không ngờ thằng em nó lại mến mình vậy. Từng đĩa cơm chiên khuya, từng điếu Bastos xanh, những ngày cuối tháng hắn vẫn mang vô phòng ăn sĩ quan là gì! Ăn uống xong, đồng hồ chỉ đúng 03 giờ 45 phút sáng.
Lệnh làm tối chiến hạm (darken ship) từ tối qua, nên giờ này tôi phải dò dẫm từng bước một theo cầu thang lên đài chỉ huy. Chưa hết nấc thang chót tôi đã phải dội ngược chạy xuống vì còi nhiệm sở tác chiến liên hồi vang lên.
Khoảng 5 phút sau, nhân viên đã sẵn sàng và đầy đủ ở nhiệm sở. Bằng một vòng kiểm soát sân lái, tôi thấy thiếu một nhân viên ở khẩu 24. Nhân viên này là Trung sĩ/Vận chuyển (TS/VC) Lân đã nằm bệnh viện trước khi tàu đi công tác.
Tôi chuyển bớt một nhân viên ở khẩu 81 ly là Thành sang làm phụ xạ thủ khẩu 24. Như vậy khẩu 81 ly giờ còn hai nhân viên: Trung Sĩ Trọng Pháo (TS/TP) Trọng và Hạ sĩ vận chuyển (HS/VC) Ngô văn Sáu.
Được lệnh tôi, TS/TP Trọng xuống hầm đạn 81 ly ở sân lái lấy lên 15 viên xuyên phá (Heat). HS/VC Sáu tháo các nắp bao ra và để đạn giữa chân khẩu 81 ly và cầu thang gỗ.
Với ý định lấy thêm đạn nữa, nhưng sáng nay biển động mạnh nên TS/TP Trọng chỉ mang thêm được 5 viên nữa và xếp hàng ở chân khẩu 81.
Theo đề nghị của TS/TP Trọng Hạ Sĩ Quan ngành trọng pháo – thì cần bớt charge lại để giảm sự thông nòng cùng những trở ngại khác liên quan tới vấn đề bảo trì.
Tôi không đồng ý với TS/TP Trọng bởi lý do rằng ở đây tôi sẽ dùng trực xạ chứ đâu phải bắn yểm trợ cho đơn vị bạn trên bờ đâu?
Khoảng 04 giờ 30 phút sáng theo báo cáo từ Đài Chỉ Huy, nhìn lên đỉnh đầu tôi thấy hai đốm sáng bay thật nhanh.
Tất cả các khẩu súng, ngoại trừ khẩu 76.2 ly và cây 81 ly, đều quay về hai mục tiêu di động này. Chừng một tiếng đồng hồ sau, lại hai đốm sáng bay từ hướng 9 giờ qua hướng 3 giờ rồi biến mất.
Đến 06 giờ sáng hai đốm sáng bay ngang chòm Đại hùng tinh. Lần này đốm sáng thấy rõ hơn hai lần đầu, có lẽ 2 phản lực cơ này bay thấp hơn. Lại một phen nữa các khẩu súng không ngừng bám theo các mục tiêu di động.
Bấy giờ trời cũng đã gần sáng, tôi cho ba nhân viên vận chuyển tháo các dây an toàn và cột cờ ở sân lái luôn. Khoảng 08 giờ 30 phút sáng nhân viên than đói, tôi cho ở mỗi khẩu súng được cử một nhân viên vào nhà ăn lấy phần ăn cho đồng đội.
Nhìn họ chuyền những ca cháo (tép?) từ người này sang người khác để điểm tâm, tôi không khỏi xót lòng cho họ hay xót xa cho chính thân phận mình cũng thế – bởi tôi có hơn gì họ đâu?
Kể từ lúc vào nhiệm sở tác chiến cho đến khi tác chiến thực sự xảy ra, tôi không nhớ lệnh CHUẨN BỊ TÁC XẠ đã ra bao nhiêu lần!
Mười phút sau khi khai hỏa, chúng tôi được biết qua earphone là Đài Chỉ Huy bị thương nặng. Lúc này HQ-10 hầu như vẫn bình thường. Bao nhiêu hỏa lực hầu như vẫn ào ạt vào chiếc 396 của Trung Cộng.
Cho đến giờ phút này tôi vẫn còn nhớ rõ sau phát súng đầu từ khẩu 81 ly, đến phát thứ hai được điều chỉnh cao hơn, TS/TP Trọng đã chính xác nhắm vào chiếc 396 của địch. Ngay Đài Chỉ Huy của tàu địch lóe sáng với cột lửa lớn trong tiếng hò reo của nhân viên.
Các khẩu 40 ly và 20 ly ào ạt nhả đạn, không chịu buông tha tàu địch. Cũng chính trong lúc này nhân viên ở hầm máy trước được kéo lên mình mẩy nám đen trong tiếng rên thét thảm khốc của họ.
Bấy giờ chiếc 396 như tiến lại gần tôi hơn từ phía lái. Hạ Sĩ Ngô Văn Sáu và Hạ Sĩ Lê Văn Tây vẫn ngang nhiên ghì nòng súng làm tròn phận sự của mình trước tinh thần hầu như bấn loạn của các nhân viên khác. Rồi chừng 15 phút sau một tiếng va chạm mạnh làm chúng tôi té nhào trên sàn tàu.
Tôi chợt nghĩ đến chuyện tàu lên cạn vì vùng này có nhiều san hô. Sau này khi đào thoát tôi mới biết HQ-10 đâm vào bên trái chiến hạm chiếc 396 của Trung Cộng.
Giờ này mọi nhân viên trên chiến hạm hầu như đều hoang man nếu không nói mất hết tinh thần trong tiếng đạn nổ khắp tứ tung và khói đen mịt mùng của con tàu.
Đâu đây thoáng bóng một nhân viên từ lỗ cửa tròn trên sân giữa bước xuống cho biết tàu địch sắp tràn qua bắt sống. Bằng cánh cửa ra sân lái, tôi chạy ra sân sau xem xét tình hình.
Ôi thôi! HQ-10 của tôi đã bất động. Dưới chân tôi, sát chân cầu thang lên sân giữa, Trung úy Cơ khí Thành, người bạn thân thiết của tôi đang sõng sượt thở dốc từng hồi. Nhìn kỹ hơn, tôi thấy hai chân của Thành hầu như lìa khỏi thân mình, mặt mày cháy đen.
Tất cả hệ thống liên lạc nội bộ không còn, chiến hạm tối đen. Nhân viên phòng hỏa báo cáo không dập tắt được ngọn lửa và nước đang vào các hầm máy. Chạy lên sân giữa, tôi gặp nhân viên dìu Hạm Phó (HP) Nguyễn Thành Trí tựa lưng vào thành khẩu 42. Hạm Phó ra lệnh đào thoát gấp, giờ chúng ta không làm được gì hơn.
Một vài nhân viên chạy ra sân sau thông báo đào thoát theo lệnh Hạm Phó. Từ sân giữa, phía hữu hạm, nhìn về chiếc bè cấp cứu giờ này đã trôi quá xa chúng tôi. Tôi ngao ngán nhảy khỏi tàu như những nhân viên khác để bơi về phía chiếc bè giờ này nhìn thấy nhỏ chỉ còn bằng ngón tay cái.
Có lẽ tôi đã mất ít lắm là mươi phút mới đến bè nổi cùng chiếc phao cá nhân bên hông. Khi lên được bè nổi nhìn lại đồng hồ thì nó đã đứng từ hồi 11 giờ 07 trưa.
Hướng về chiếc HQ-10, con tàu vẫn còn mịt mùng trong khói đen. Sau lưng tôi còn mỗi mình chiếc HQ-16 vừa nghiêng vừa chạy về hướng tây.
Sau mấy vòng chạy quanh bắn xối xả vào HQ-10, hai chiếc tàu quân địch 281 và 282 bỏ chạy và trả lại sự yên lặng thê lương cho biển cả trong màu nắng héo hon của những ngày cuối năm (âm lịch).
Chiều 19/01/74:
Chiều nay biển vẫn còn động. Từng đợt sóng vô tình vồ vập lên bốn chiếc bè tập thể của chúng tôi trong sự vắng lặng thê thảm của một ngày lâm chiến mệt mỏi.
Trên chiếc bè thứ hai sau tôi, Trung Sĩ Tuấn sắp ra đi vì vết thương nặng trên trán, Trung sĩ Đa dùng những sợi ny-lông buộc chặt thân mình vào chiếc bè cho chắc ăn. Vào khoảng 17 giờ 30 phút chiều, xa xa ở hướng Đông Bắc chúng tôi thấy có bãi cát trắng cùng hàng cây xanh của đảo Drummond (Duy Mộng).
Tôi đứng lên khuyến khích mọi người hãy cùng nhau ráng sức chèo về hướng này. Những tiếng dzô dzô… vang lên mỗi khi mái chèo xoắn vào nước (mái chèo thật ra đúng hơn là những mảnh gỗ gỡ ra từ chiếc bè nhỏ mà ban vận chuyển đóng lấy để sơn tàu khi còn ở Sài gòn).
Nhưng chẳng bao lâu những tiếng hò dzô dzo… đó cũng thưa thớt dần theo màu nắng của chiều tàn. Rồi hòn đảo Drummond cũng biến theo bóng đêm.
Mọi người không ai bảo ai đều dừng tay như ngầm bảo giờ đây ta tạm nghỉ, rồi sáng mai hãy tiếp tục. Thế là chúng tôi tựa lưng vào nhau nghỉ khi nước ngập tới ngực.
Ngày 20/01/74:
Hạm Phó Nguyễn Thành Trí đã trút hơi thở cuối cùng vào 02 giờ sáng vào ngày 20, tháng 01 này. Đây là báo cáo của các nhân viên từ trên bè thứ năm, chiếc bè đã không trôi chung theo nhóm bốn bè của chúng tôi. Sáng sớm hôm nay bừng mắt dậy, từng người đứng lên cố tìm hòn đảo Drummond thấy ngày hôm qua, nhưng than ôi, dịp may không hai lần đến!
Chúng tôi đã trôi dạt tới phương nào rồi, có lẽ đã quá xa vùng hải chiến ngày hôm qua. Căn cứ vào sự trôi dạt của chiếc bè tập thể ngày hôm qua khi đào thoát khỏi chiếc HQ-10, tôi cho rằng Drummond phải nằm hướng Tây Bắc của chúng tôi.
Bốn chiếc bè buộc vào nhau vẫn nổi trôi theo dòng nước, lềnh bềnh theo con sóng. Hai mảnh gỗ dùng chèo được chuyền từ tay người này sang tay người khác. Sáng nay chúng tôi vẳng nghe như trong gió có tiếng súng lớn nhỏ.
Tôi cũng không quên căn dặn nhân viên trên bốn bè khi giao cho họ ba lon nước ngọt rằng đến tối mới được uống nữa. Tôi vẫn nhắc đi nhắc lại hoài với nhân viên rằng đói không chết nhanh như chết khát đâu.
Ta có thể nhịn đói không ăn nhưng chịu khát không quá một ngày để khuyên nhủ họ uống thật tiết kiệm. Rồi một ngày cũng trôi qua trong sự mỏi mòn chờ đợi và hy vọng … Hy vọng một bàn tay vô hình nào đó sẽ đưa đẩy chúng trôi dạt về với loài người, đến một vùng nào cũng được mang hình ảnh của sự sống. Một hoang đảo nào đó cũng được, cho dù chưa một lần loài người đặt chân tới, chúng tôi cũng mưu sinh được nhờ vào loài hải âu và cây lá…
Và với quần áo này trên người, chúng tôi sẽ mang cất để dành cho một ngày tháng ngày nào đó cho dù là mười, hai mươi hay bao lâu sau nếu còn sống, tôi sẽ mặc vào trở về với loài người khi loài người tìm được chúng tôi …
Nhưng bài học hôm qua đối với chúng tôi quá đắt đã kéo tôi về với thực tại, tôi cố khuyên nhủ các nhân viên đừng bước lên vết xe cũ … Rằng nếu đêm qua chúng ta đồng lòng không nản chí thì đâu đến nỗi giờ này còn lênh đênh trong vô vọng.
Thế là chúng thay phiên đi ca. Mỗi phiên có hai người chèo từ mỗi bè. Trung Sĩ Vương Thương đã giao cho Chuẩn Úy Tất Ngưu một la bàn bỏ túi để kiểm soát hướng, còn nhân viên chèo để ý hướng nhờ vào chòm sao Thiên Hậu (hướng Tây Bắc).
Ngày 21/01/74:
Tin Tức Thời Tiết hôm nay: Biển cấp 2; Vân độ 6/8; Gió: Đông Bắc; VKĐ: 8 Hải lý. Có lẽ để bù đắp lại công lao suốt một đêm nhọc mệt thay phiên đi ca, sáng nay khoảng hơn 06 giờ sáng, chúng tôi nhìn thấy có ánh châu lóe lên từ hướng Bắc.
Có lẽ tàu bạn tìm cứu?! Sau hai ngày vô vọng sáng nay chúng tôi như bừng tỉnh thấy ánh châu màu đầy hy vọng. Khi thấy được ánh châu, Thiếu Úy Hùng đề nghị rằng bè anh sẽ tách rời khỏi ba bè để có thể chèo nhanh về hướng có hỏa châu để cầu cứu.
Chúng tôi đều đồng ý vì cùng đi bốn bè một lúc thì quá khó khăn, chi bằng để một bè đi đến gặp sẽ thông báo đơn vị tìm cứu nhanh hơn. Đám mây xám có hình dáng một con quái vật nơi phát ra ánh châu giờ này gần như cũng tan biến vào những cụm mây khác.
Niềm hy vọng chúng tôi vừa tìm được lại sáng nay cũng tan theo. Tiếng rên của Trung Sĩ Vương Thương càng lúc càng yếu dần, chưa đầy nửa tiếng sau thì anh vĩnh viễn ra đi. Đến trưa hôm nay trên ba bè chỉ còn hai lon nước ngọt, phần kẹo đã hết từ chiều hôm qua.
Kể từ lúc này tình trạng lương thực thật bi đát. Mọi người đều như tuyệt vọng. Không một tia hy vọng nào còn le lói được trong chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn ngồi chờ.
Chờ gì đây? Chờ chết! – Phải, cái chết ở ngay trước mắt. Hay chờ được cứu sống? – Cũng có thể với hy vong của một phần triệu: cứ ngồi yên đây, không hoạt động gì, rồi lịm đi ít ra cũng thoi thóp được năm hay sáu ngày nữa nhờ vào số lượng mỡ dự trữ trong cơ thể.
Đây là giải pháp bắt buộc và cuối cùng của chúng tôi (không làm gì được hơn). Đến 18 giờ tối thì chiếc bè của Thiếu Úy Hùng về nhập lại thành bốn bè và buột chùm nhau.
Như thường lệ, mỗi người tìm một vị thế thoải mái nhất cho mình (nhưng vẫn phải tôn trọng sự cân bằng cho chiếc bè vốn đã bị đạn địch bắn vỡ) để có thể ngồi ngủ yên suốt đêm. Nếu bảo là ngủ thì không đúng nghĩa, mà là ngồi yên để thiếp đi vì mỏi mệt, đói khát và lạnh giá.
Có khi chúng tôi chập chờn được vài giấc mà đồng hồ mới 21 giờ đêm. Thượng sĩ Quản Nội Trưởng Châu và Trung sĩ trọng pháo Vang suốt đêm mê sảng nhảy xuống nước hoài làm khổ lây những nhân viên khác lọt xuống nước luôn vì bè mất thăng bằng.
Ngày 22/01/74:
Còn chờn vờn trong cơn mê mệt, lại bị đánh thức dậy vì bè đã bị đứt. Mở mắt nhìn quanh, không một bóng dáng chiếc bè nào khác hơn ngoài chiếc của mình. Giờ này đã rạng đông. Phải đợi sáng nhân viên trên bè tôi mới thay phiên đứng lên tìm những chiếc bè kia.
Mãi đến khi mặt trời lên cao, chúng tôi mới thấy tít tận ngoài xa một chiếc bè đỏ.
Nhìn kỹ hơn nữa quanh tôi thật xa cũng có hai chiếc bè đỏ nữa. Từ phút này tôi chỉ còn biết sức khỏe nhân viên trên bè tôi thôi gồm bảy người: Trung Úy Hoà, Thì, Mai, Chuẩn Uý Ngưu, Thủy thủ (TT) Thành và TT Hà và Hoà. Đến trưa hôm nay có ba nhân viên trên bè tôi sức khoẻ đã kiệt sau bao ngày không ăn uống, có lẽ không qua khỏi đêm nay. Đó là: Trung Uý Hòa, Chuẩn Úy Ngưu và Thủy thủ Hoà. Họ than lạnh, khát và tiểu không được. Từ sáng nay tôi phải dùng nước tiểu của mình sau khi chộp được một con cua con nhai ngấu nghiến.
Đến xế chiều TT Thành lếch tấm thân bồ tượng ra giữa tấm bửng làm gãy hết mấy miếng gỗ kê lên trưa qua. Giận thằng này thật, to con không được tích sự gì, lại hay than van rên rỉ nữa! Lại tiếp tục ngâm mình trong nước như những ngày trước. Chiều nay một chiếc B52 bay từ hướng Tây sang Đông.
Giống như chiều ngày hôm qua (bay từ Đông sang Tây) chiếc B52 chiều nay vẫn hiên ngang băng mình về hướng Guam mặc tình cho chúng tôi mỏi mòn lắc lư mãnh giấy bạc trong tay xin cấp cứu.
Thêm lần nữa chúng tôi thấm thía chữ BỊ BỎ RƠI! Chúng tôi tiếp tục tìm về giấc ngủ ngồi ngâm trong nước…
Kìa! Có tàu!
Tiếng từ một nhân viên nào đó trên bè tôi la lên. Bao cặp mắt mở bừng. Một thương thuyền sơn đỏ và đen. Như một cái máy, chúng tôi ai nấy đều khoắn hai tay trong nước cố đưa bè mình về hướng con tàu “một, hai, ba, ỚIII”.
Tay khoắn nước, miệng la ới lên một lượt may ra tàu mới nghe được. Chiếc áo phao cá nhân trên người, tôi cởi ra, đưa lên cao tôi vẫy. Bây giờ là 6:00 giờ chiều, và nắng cũng sắp tắt.
Tôi đề nghị tất cả mọi người nhảy khỏi bè, vừa bơi vừa đẩy bè đi may ra nhanh hơn. Chiếc bè vẫn ì ra đó, chẳng thấy nhích thêm được tí nào. Không biết vì trông mau tới tàu hay sức khỏe chúng tôi chẳng còn bao nhiêu. Có lẽ cả hai nguyên do đều đúng.
Rồi ánh đèn từ chiếc tiểu đỉnh cũng hướng về phía chúng tôi. Tiếng Trung Úy Ph.V. thì thì thào bên tôi: Mai ơi, đây là thực hay ảo đây Mai?
Khi nhân viên thương thuyền đưa tôi lên tàu thì đã 9:00 giờ đêm. Đây là bè thứ ba được vớt lên tàu. Đêm nay tôi đón giao thừa trong cơn sốt mê man như các bạn đồng hành khác …
Ðông Hải
hqvnch.org