Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 28 tháng 10 năm 2020 – Võ Thái Hà tóm lược
Một phần lớn người ủng hộ TT Trump là cử tri Đảng Dân chủ và trung lập
Những người ủng hộ tham dự sự kiện tranh cử của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Martinsburg, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 26/10/2020 (ảnh: Reuters / Leah Millis).
Mọi người đều nghĩ rằng, những người hâm mộ nhiệt thành của Tổng thống Trump chắc hẳn cũng là những người ủng hộ Đảng Cộng hòa, nhưng thực tế không phải vậy.
Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 3/11, Tổng thống Trump đã liên tục tổ chức các cuộc vận động tranh cử trên khắp nước Mỹ. Ngay cả khi bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán chưa kết thúc, mọi cuộc mít-tinh của Tổng thống Trump vẫn thu hút đông đúc người tham gia, điều này cho thấy sức hút của Tổng thống Trump quả thực không bình thường.
Theo báo cáo mới nhất, phần lớn những người hâm mộ Tổng thống Trump là những người trước đây đã không bỏ phiếu cho ông. Thậm chí trong đó có một tỷ lệ đáng kể người của Đảng Dân chủ. Nền tảng cử tri của Tổng thống Trump đã được mở rộng đến mức chưa từng thấy trước đây.
Việt Nam bất ngờ loan báo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Hà Nội
Nguồn hình ảnh, LUONG THAI LINH/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Mike Pompeo và ông Phạm Bình Minh trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn lần hai tại Việt Nam năm 2019
Việt Nam thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm chính thức ngày 29 và 30/10, không lâu sau khi một công dân Mỹ bị kết án 12 năm được Việt Nam trả tự do.
Tin ông Pompeo thăm Việt Nam được giữ kín tới phút chót, vì chỉ có thông báo chính thức của Việt Nam hôm 28/10, trong khi Mỹ chưa nói gì.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ không hề nói ông Pompeo sẽ đến Hà Nội.
Ông Pompeo đang ở Ấn Độ và sẽ ghé Indonesia hôm 29/10.
Chính phủ Việt Nam cho biết chuyến thăm của ông Pompeo để “đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao” giữa hai nước.
Bản tin tiếng Anh trên trang web chính phủ Việt Nam nói Việt Nam “luôn xem Hoa Kỳ là một trong các đối tác hàng đầu”.
Vài ngày trước có tin xác nhận một công dân Mỹ gốc Việt, Michael Nguyễn, được Hà Nội thả tự do.
Ông Michael Nguyễn bị kết án 12 năm tù hồi năm ngoái về cáo buộc “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền”.
Hãng chip AMD mua lại đối thủ Xilinx
Hôm qua, Advanced Micro Devices đã công bố kế hoạch mua Xilinx, một đối thủ có chip chuyên dụng có thể được cấu hình để tăng tốc các tác vụ cụ thể. Thỏa thuận trị giá 35 tỷ USD là thương vụ mới nhất trong một năm bom tấn về sáp nhập các hãng chất bán dẫn, được thúc đẩy bởi giá cổ phiếu tăng cao của các công ty công nghệ. Ngoài sự bùng nổ công nghệ nói chung, AMD đang tận hưởng một thời kỳ ăn nên làm ra. Trong nhiều năm, họ đã phải vật lộn để cạnh tranh với Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Nhưng Intel chững lại, trong khi các chip gần đây nhất của AMD được đón nhận nồng nhiệt, giúp hãng này chiếm được miếng bánh to hơn trên thị trường laptop, máy tính để bàn và trung tâm dữ liệu.
Doanh thu tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận tăng 58%. AMD kỳ vọng việc sáp nhập sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ theo hai cách. Xilinx làm ăn ở những ngành mà AMD ít hiện diện, chẳng hạn như hàng không vũ trụ và thiết bị điện tử trong xe hơi. Và danh mục các chip trung tâm dữ liệu chuyên biệt của họ có thể nâng cao thị phần nhỏ nhưng đang lớn dần của AMD tại một trong những mảng sinh lợi nhất của ngành bán dẫn.
Các CEO công nghệ Mỹ điều trần trước ủy ban Thượng viện
Hôm nay, các sếp công nghệ lớn lại đến Washington, mặc dù chỉ là online. Mark Zuckerberg của Facebook, Jack Dorsey của Twitter và Sundar Pichai của Alphabet (công ty mẹ của Google) sẽ xuất hiện trước ủy ban thương mại của Thượng viện. Họ phải đối mặt với màn tra hỏi về cách họ kiểm duyệt nội dung do người dùng tạo ra trên nền tảng của họ và liệu Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép Giao tiếp có bảo vệ họ khỏi trách nhiệm pháp lý xoay quanh các nội dung đó hay không.
Có thể đoán các nghị sĩ Dân chủ của ủy ban sẽ yêu cầu các công ty làm nhiều hơn nữa để chống lại thông tin sai lệch và phát ngôn kích động thù địch. Trong khi đó, những người Cộng hòa sẽ cáo buộc họ kiểm duyệt “quan điểm bảo thủ”, mặc dù không có nhiều bằng chứng. Diễn ra vài ngày trước các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, phiên điều trần không có khả năng tác động nhiều đến các cuộc đua. Nhưng một khi nó kết thúc và chính quyền tiếp theo nhậm chức, Mục 230 có thể sẽ phải thay đổi. Các công ty truyền thông xã hội có thể sẽ phải giám sát nền tảng của họ chặt chẽ hơn nếu không muốn bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.
Cuộc bầu cử hỗn loạn của Tanzania
Người dân Tanzania bỏ phiếu hôm nay trong một cuộc bầu cử mà Tổng thống John Magufuli đã hứa là tự do và công bằng. Nhưng ông Magufuli, biệt danh “máy ủi”, không được biết đến về tính trung thực. Đối thủ chính của ông, Tundu Lissu, gần đây đã trở về sau khi tự nguyện lưu vong ở Bỉ. Ông ta đến đó vào năm 2017 sau khi các tay súng không rõ danh tính bắn ông tới 16 phát. Trong một cuộc đấu công bằng, ông Lissu, người hứa hẹn thúc đẩy kinh doanh và tháo xiềng xích cho truyền thông, sẽ có cơ hội tốt.
Nhưng ủy ban bầu cử gồm những người trung thành với ông Magufuli — tháng này họ đã đình chỉ chiến dịch tranh cử của ông Lissu trong một tuần, cáo buộc ông đưa ra “các tuyên bố nổi loạn”. Chính trị còn trở nên đặc biệt tồi tệ trên các hòn đảo bán tự trị Zanzibar. Hôm Chủ nhật, Nassor Ahmed Mazrui, phó lãnh đạo đảng ACT Wazalendo đối lập, đã bị bắt cóc trong 5 giờ đồng hồ bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính. Hôm qua Maalim Seif Sharif, ứng viên cho chức chủ tịch khu vực của Zanzibar, đã bị bắt khi đang bỏ phiếu. Người dân trên đảo đang chuẩn bị tinh thần cho nhiều bạo lực hơn nữa. Xem ra “máy ủi” chạy ầm ầm.
Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể tệ hơn con số của chính phủ
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay sẽ công bố báo cáo lạm phát quý 3, trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ và giá tiêu dùng tăng vọt. Trong báo cáo trước đó, ngân hàng dự đoán lạm phát đạt 8,9% vào cuối năm. Điều đó bây giờ trông cực kỳ phi thực tế. Lạm phát đã ở mức 11,8% trong tháng 9. Kể từ đó, đồng lira giảm mạnh (trong năm 2020 nó đã mất 27% giá trị so với đô la) đã tạo thêm áp lực lạm phát.
Người ta cũng ngày càng lo ngại chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã ngụy tạo các con số. Theo một tính toán gần đây của Nhóm Nghiên cứu Lạm phát, bao gồm các học giả Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy lạm phát trong tháng 9 có thể gấp hơn ba lần con số chính thức. Nhưng với việc chính phủ cố tình đếm thiếu số ca nhiễm covid-19, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu chính phủ cũng đang làm điều tương tự trong những chuyện khác.
Các bảo tàng phải bán tài sản để sống sót trong đại dịch
Những bức tranh của Henri Matisse, Joan Miró và Claude Monet, từng được treo trên tường của Bảo tàng Brooklyn, tối nay sẽ được bán đấu giá bởi Sotheby’s ở New York. Số tiền thu được sẽ góp phần tạo ra khoản tài trợ trị giá 40 triệu đô la để trả chi phí nhân viên, chăm sóc, và bảo tồn bộ sưu tập còn lại của bảo tàng. Các bảo tàng, vốn thường dựa vào vé để kiếm thu nhập, đã bị đại dịch giáng một đòn nặng nề về tài chính.
Hồi tháng 5, một báo cáo của Mạng lưới Các Tổ chức Bảo tàng Châu Âu cho thấy các bảo tàng lớn đang mất doanh thu từ 100.000 đến 600.000 euro (118.000–710.000 đô la) mỗi tuần. Một nghiên cứu của UNESCO về 95.000 bảo tàng trên khắp thế giới cho thấy một phần mười bảo tàng sẽ không thể mở cửa trở lại. Các bảo tàng khác đang học hỏi Bảo tàng Brooklyn. Tháng này, Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore đã thông báo sẽ bán ba bức tranh từ bộ sưu tập thường xuyên của mình để gây quỹ 65 triệu đô la.
Gần 70 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, vượt nhiều lần năm 2016
Khi thời gian chỉ còn chưa đến 1 tuần là tới Ngày Bầu cử chính thức 3/11, hơn 68 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, cao hơn nhiều so với tổng số 47 triệu cử tri bỏ phiếu sớm năm 2016, theo số liệu của tổ chức U.S Elections Project.
Texas đang là bang có số phiếu bầu được bỏ sớm nhiều nhất, gần 8 triệu phiếu, gần bằng 90% tổng số phiếu bầu tại bang này trong kỳ bầu cử 4 năm trước.
Các bang như Bắc Carolina, Georgia, New Mexico và Montana, số cử tri bỏ phiếu sớm cũng đã gần bằng 75% tổng số cử tri tham gia bầu cử năm 2016. Tiếp đến là các bang Washington, Florida và Tennessee, số phiếu được bỏ sớm cũng đã chiếm khoảng 70% tổng số cử tri của mỗi bang tham gia bầu cử lần trước.
Ông Michael McDonald, phó giáo sư Đại học Florida, điều hành tổ chức U.S Elections Project, hôm 25/10 nhận định: “Với tốc độ bỏ phiếu sớm tại một số bang như hiện nay, thì một số bang nhất định số lượng phiếu bầu được bỏ sớm có thể vượt qua cả tổng số phiếu bầu của mỗi bang đó trong năm 2016”.
Trong số gần 70 triệu phiếu bầu đã được bỏ sớm, hầu hết là bỏ phiếu qua thư. Số lượng người Mỹ bỏ phiếu qua thư kỷ lục vào năm nay, một phần bởi vì những quan ngại về đại dịch virus corona và phần khác là do nhiều bang đã chủ động thúc đẩy bỏ phiếu qua thư là cách thức ưu tiên và đã làm cho tiến trình bỏ phiếu này thuận tiện hơn.
Ông Pompeo nói Bắc Kinh là ‘kẻ săn mồi’
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục đưa ra bình luận cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du châu Á. Ông cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang hoạt động như “kẻ săn mồi” ở Sri Lanka.
“Từ các giao dịch tồi tệ, vi phạm chủ quyền và vô luật pháp trên đất liền cũng như trên biển, chúng tôi thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ săn mồi, và Hoa Kỳ đi theo một chiến lược khác, chúng tôi tiếp cận với tư cách là một bằng hữu và đối tác”, ông Pompeo nói với một cuộc họp báo trên truyền hình tại thủ đô Colombo, Sri Lanka.
Trái ngược với Ấn Độ, Sri Lanka là một đồng minh thân cận của Bắc Kinh. Bộ trưởng Ngoại giao Dinesh Gunawardena cho biết Sri Lanka muốn muốn duy trì hòa bình và quan hệ tốt đẹp với mọi quốc gia.
Máy bay Trung Quốc lại xâm nhập Đài Loan
Theo Taiwan News, một máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan vào thứ Ba (27/10), lần thứ 25 kể từ ngày 16/9.
Một máy bay vận tải Thiểm Tây Y-8 của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực phía tây nam của ADIZ, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan. Đài Loan đã điều chiến đấu cơ, phát cảnh báo bằng sóng vô tuyến và triển khai tên lửa phòng không để theo dõi máy bay Y-8.
Hơn 1 tháng qua, Bắc Kinh liên tục điều máy bay xâm nhập ADIZ của Đài Loan. Mới đây, vào ngày 22/10, một máy bay không người lái của Trung Quốc cũng đã tiến vào ADIZ phía tây nam của hòn đảo, theo Phó chánh văn phòng Quốc phòng Đài Loan.
Chính phủ Nga yêu cầu đeo khẩu trang toàn quốc
Chính phủ Nga hôm thứ Ba (27/10) đã công bố quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc.
Tờ New York Times đưa tin, quyết định này được cơ quan y tế hàng đầu của Nga, Rospotrebnadzor, công bố trong bối cảnh Nga đã ghi nhận hơn 1,5 triệu trường hợp nhiễm virus Vũ Hán và hơn 16.000 ca bệnh mới được công bố hôm thứ Ba. Đây cũng là ngày nước này ghi nhận số ca tử vong kỷ lục vì virus, với hơn 320 người.
Một nhà lập pháp đã nói với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, vào hôm thứ Ba rằng có tới 91 trong tổng số 450 thành viên của Hạ viện Nga đã nhiễm virus Vũ Hán, hàng chục người đã phải nhập viện.
92% bản tin tiêu cực, 3 kênh truyền hình lớn của Mỹ tấn công ông Trump
Tổng thống Trump trả lời phỏng vấn của các phóng viên (ảnh: Reuters).
Các bản tin buổi tối trên ABC, NBC và CBS tiêu cực hơn đáng kể khi đề cập đến Tổng thống Trump so với ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden, theo một nghiên cứu mới.
Theo một nghiên cứu gần đây, 3 kênh truyền hình lớn của Mỹ là ABC (American Broadcasting Company), NBC (National Broadcasting Company) và CBS (Columbia Broadcasting System) có 92% báo cáo tiêu cực về Tổng thống Trump trong bản tin buổi tối của họ, cao hơn nhiều so với ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chỉ có 34%.
Điều này cho thấy các kênh tin tức cánh tả này đang nỗ lực hết sức để chống lại Tổng thống Trump, hơn nữa có thái độ thù địch hơn so với 4 năm trước.
Trung tâm nghiên cứu Truyền thông (MRC) đã phân tích “Bản tin đêm của NBC” (NBC Nightly News), “Tin tức thế giới tối nay” (World News Tonight) của ABC và “Tin tức buổi tối” (Evening News) của CBS từ ngày 29/7 đến ngày 20/10, đồng thời kiểm tra cách họ báo cáo về Tổng thống Trump và ứng cử viên Tổng thống Biden.
Nghiên cứu này cho thấy Tổng thống Trump đã nhận được 839 phút báo cáo, trong đó 92,4% báo cáo là tiêu cực, so với Biden chỉ có 269 phút báo cáo với 34% báo cáo được coi là tiêu cực.
Thái Lan: Hàng nghìn người áo vàng diễu hành ở Bangkok ủng hộ Quốc vương
Những người bảo hoàng áo vàng ở Thái bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà vua (ảnh chụp màn hình YouTube / Global News).
Hôm qua (ngày 27/10), hàng nghìn người thuộc phái bảo hoàng áo vàng Thái Lan (yellow-shirted Thai royalists) đã tuần hành trên đường phố Bangkok, thủ đô Thái Lan bày tỏ sự ủng hộ đến Quốc vương Maha Vajiralongkorn, theo RTI.
Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng người biểu tình ủng hộ hoàng gia là tương đối nhỏ so với hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người biểu tình phản đối chính phủ.
Nhóm người biểu tình phản đối chính phủ cáo buộc nhà vua Thái Lan can thiệp quá sâu vào chính trị. Hôm thứ Hai (26/10), một lượng lớn những người biểu tình đã tuần hành đến Đại sứ quán Đức tại Thái Lan gửi đơn yêu cầu chính phủ Đức hỗ trợ điều tra Quốc vương Thái Lan có xử lý các công việc của Thái Lan trong thời gian khi còn ở Đức hay không. Chính quyền Berlin cũng bày tỏ không hài lòng với việc nhà vua Thái Lan sinh sống ở Đức trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, hoàng gia Thái Lan chưa bao giờ lên tiếng bình luận trên các phương tiện truyền thông, vậy nên kể từ sau các cuộc biểu tình phản đối chính phủ kể từ hồi tháng 7 đến nay, hoàng gia Thái Lan trước sau vẫn chưa bày tỏ quan điểm của mình về các cuộc biểu tình.
Reuters cho hay, quốc vương Thái Lan hiện đang ở Thái Lan.
Trung Quốc áp đặt hạn chế thêm 6 cơ quan tin tức Hoa Kỳ
Bắc Kinh sẽ áp đặt thêm hạn chế đối với các chi nhánh tại Trung Quốc của 6 tổ chức truyền thông Hoa Kỳ. Đây được xem là một động thái trả đũa sau khi Washington chỉ định một số cơ quan truyền thông Trung Quốc là phái bộ nước ngoài vào tuần trước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm thứ 2 (26/10) rằng 6 cơ quan truyền thông của Mỹ bao gồm ABC, Los Angeles Times và Newsweek phải nộp các chi tiết về nhân sự, tài chính và bất động sản của chi nhánh đặt tại Trung Quốc của họ trong vòng bảy ngày.
Cũng bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu mới là Đài Phát thanh Công cộng Minnesota (Minnesota Public Radio – MPR); Văn phòng Các vấn đề Quốc gia và Tin tức nổi bật (Bureau of National Affairs and Feature Story News); và Tập đoàn Công nghiệp Bloomberg (Bloomberg Industry Group) chuyên cung cấp tin tức pháp lý và quy định cho các chuyên gia trong ngành.
Ông Triệu cho biết hành động này là để đáp trả việc Washington từ chối hủy bỏ quyết định chỉ định thêm 6 cơ quan truyền thông của Trung Quốc là các phái bộ nước ngoài, khiến các cơ quan này phải chịu các hạn chế tương tự những các cơ quan tin tức khác của Trung Quốc hồi tháng 6.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các hãng truyền thông khác chưa có bình luận về vụ việc.