Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 1
Total Users : 13501
Total views : 136658
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 24 tháng 4 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

Thượng đỉnh Jakarta: Các lãnh đạo ASEAN kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Miến Điện

Ảnh Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta bàn về Miến Điện. Ảnh 24/04/2021. via REUTERS – Indonesian Presidential Palace

Hôm nay, 24/05/2021, trong cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Jakarta, Indonesia, các lãnh đạo ASEAN gặp tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo nhóm đảo chính ở Miến Điện. Theo dự kiến họ sẽ kêu gọi chấm dứt bạo lực của lực lượng an ninh Miến Điện, đã khiến hơn 700 người chết, đồng thời yêu cầu tập đoàn quân sự trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các tù chính trị khác.

Dự cuộc họp kín ở Jakarta hôm nay chỉ có lãnh đạo của 6 nước Indonesia, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Cam Bốt, Singapore. Ba nước Philippines, Thái Lan và Lào chỉ cử ngoại trưởng đến thủ đô Indonesia. Theo nhận định của hãng tin cuộc họp chỉ kéo dài 2 tiếng đồng hồ khó mà đạt được ngay một bước đột phá. Nhưng đây là dịp hiếm có để ASEAN nói chuyện trực tiếp với viên tướng đã lật đổ một lãnh đạo dân cử của Miến Điện.

Theo hãng tin AFP, Retno Marsudi, ngoại trưởng của nước chủ nhà Indonesia tối qua đã tuyên bố:  « Chúng tôi hy vọng là cuộc họp của các lãnh đạo ASEAN sẽ đạt được một thỏa thuận về những biện pháp tốt nhất cho nhân dân Miến Điện để giúp Miến Điện thoát ra khỏi tình thế tế nhị này ».

Theo một nhà ngoại giao Đông Nam Á được hãng tin AP trích dẫn, toàn bộ các quốc gia ASEAN đồng ý gặp tướng Min Aung Hlaing, nhưng không xem ông là lãnh đạo của Miến Điện tại thượng đỉnh. Nhưng những người chống tập đoàn quân sự và các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích, xem quyết định của ASEAN gặp tướng Min Aung Hlaing là không thể chấp nhận được, vì cuộc gặp này tạo tính chính đáng cho cuộc đảo chính và cuộc đàn áp đẩm máu tiếp theo đó.

Theo AFP, trong một thông cáo, chính phủ do phe đối lập thành lập đã phản đối : «  Các cuộc họp loại trừ nhân dân Miến Điện nhưng lại có mặt kẻ sát nhân hàng đầu Min Aung Hlaing không thể nào mang lại các giải pháp ». Về phần Ân Xá Quốc Tế, tổ chức này kêu gọi nhà chức trách Indonesia tiến hành truy tố tướng Min Aung Hlaing và các thành viên khác của tập đoàn quân sự Miến Điện đến Jakarta hôm nay.

Nhiều nhân vật tên tuổi đã kêu gọi ASEAN khai trừ Miến Điện, nhưng tổ chức này, vốn hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước thành viên, sẽ không thi hành một giải pháp triệt để như thế.

Các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn cũng không tin là thượng đỉnh Jakarta sẽ giúp đạt được ngay một kế hoạch toàn diện đưa Miến Điện ra khỏi khủng hoảng, nhưng cuộc họp này là dịp để thuyết phục tập đoàn quân sự chấp nhận đối thoại.

Theo một nhà ngoại giao châu Á nói với hãng tin AP, một trong những đề nghị có thể được đưa ra đó là thủ tướng của Brunei, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, sẽ đến Miến Điện để gặp các lãnh đạo tập đoàn quân sự và gặp phe của bà Aung San Suu Kyi để thúc đẩy đối thoại giữa hai bên.

Biển Đông: Thêm 2 công hàm phản đối tàu Trung Quốc trong vùng biển Philippines

Ảnh minh họa : Tuần duyền Philippines giám sát tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu, Trường Sa. Ảnh ngày 15/04/2021. © Philippine Coast Guard/Handout via REUTERS

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Philippines ngày 23/04/2021 gửi thêm hai công hàm đến Trung Quốc để phản đối vụ tàu cá nước này « hiện diện bất hợp pháp » trong vùng biển của Philippines. Manila khẳng định sự hiện diện của tàu Trung Quốc « vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán » của Philippines.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao được Reuters trích dẫn giải thích Manila gửi thêm công hàm do « việc triển khai tàu của Trung Quốc tiếp diễn, kéo dài sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc » trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines, chủ yếu là tại Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines.

Các giới chức hàng hải Philippines hôm 20/04/2021 ghi nhận 160 tàu cá và dân quân của Trung Quốc hiện diện « bất hợp pháp » gần quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Thêm vào đó 5 tàu hải cảnh Trung Quốc cũng lai vãng trong khu vực này.

Truyền thông Philippines đi sâu hơn vào chi tiết cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện gần đảo Pag Asa, tức đảo Thị Tứ và hai bãi cạn Scaborough và Second Thomas (Bãi Cỏ Mây), tất cả đều « ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ».

Công hàm Manila gửi đến Bắc Kinh nhấn mạnh sự hiện diện « liên tục » và những « hoạt động » của các tàu Trung Quốc  « tạo không khí bất ổn » và điều này vi phạm « trắng trợn những cam kết của Bắc Kinh thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực ».

Hãng tin Reuters lưu ý, cho đến sáng nay, tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila từ chối bình luận về tin trên. Đến nay Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc về sự hiện diện của các tàu dân quân Trung Quốc ở Biển Đông. Hôm đầu tuần tổng thống Rodrigo Duterte xác định lại là Manila đang chuẩn bị điều thêm tàu hải cảnh đến các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines để bảo vệ các nguồn tài nguyên trong khu vực.

Trung Quốc có thể kiểm soát ‘hệ điều hành’ thế giới’

Reuters

Tây phương phải hành động khẩn cấp để đảm bảo là Trung Quốc không chế ngự những công nghệ quan trọng của thế kỷ 21; hoặc quốc gia Cộng sản này sẽ kiểm soát hữu hiệu hệ điều hành toàn cầu của thế giới, người đứng đầu tình báo mạng Anh nói ngày 23/4.

“Đe dọa của hành động của Nga là tìm chỗ yếu trong một ứng dụng rõ rệt trên điện thoại của bạn-việc này có tiềm năng nghiêm trọng, nhưng bạn có thể sử dụng một phương cách thay thế,” ông Jeremy Fleming, Giám đốc Trụ sở Thông tin Liên lạc của Chính phủ (GCHQ) nói với Đại học Hoàng gia London.

“Tuy nhiên mối quan tâm là kích cở và sức nặng công nghiệp của Trung Quốc, có nghĩa là nước này có khả năng kiểm soát hệ điều hành toàn cầu,” ông nói.

“Những quốc gia như Trung Quốc là những nước thi hành nhiều công nghệ mới nổi đang thay đổi môi trường kỹ thuật số,” ông Fleming nói. “Họ có một tầm nhìn cạnh tranh đối với không gian mạng trong tương lai và đang đóng một vai trò mạnh mẽ trong những cuộc tranh luận về các qui định và tiêu chuẩn quốc tế.”

Bộ trưởng Quốc phòng Úc tuyên bố sẽ không đầu hàng Bắc Kinh

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton (ảnh: Youtube/Al Jazeera English).

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton mới đây đã tuyên bố rằng nước này sẽ không từ bỏ chủ quyền để xoa dịu Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tức giận vì Canberra huỷ bỏ thoả thuận thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) với bang Victoria.

Bình luận của Bộ trưởng Dutton được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa nếu Úc không thu hồi quyết định của mình, theo Epochtimes.

Ông Dutton tuyên bố hôm 23/4: “Chúng tôi sẽ không để các giá trị của mình bị xâm phạm. Chúng tôi sẽ không từ bỏ chủ quyền của mình.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang đứng lên vì người dân của chúng tôi. Chúng tôi có quan hệ ngoại giao rất quan trọng với nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ không bị tổn hại bởi các nguyên tắc của Bắc Kinh”.

Bộ trưởng Dutton cũng nhắm vào chế độ Trung Quốc vì họ đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông và thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào Úc.

“Tất cả những điều đó không phải là hành động của một người bạn,” ông tuyên bố: “Chúng tôi cần bảo đảm rằng, chúng tôi có một mối quan hệ thương mại quan trọng, nhưng Trung Quốc và những nước khác cần hiểu rằng Úc sẽ không bị bắt nạt”.

Vào tối 21/4, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã tuyên bố hủy bỏ bốn thỏa thuận đã ký giữa bang Victoria và các quốc gia khác bao gồm Iran, Syria và Trung Quốc trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Bà Payne nói: “Tôi cho rằng bốn thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc có hại cho quan hệ đối ngoại của chúng tôi.”

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã chỉ trích động thái này, cho rằng hành động này là “vô lý và khiêu khích”. Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân kêu gọi Úc “thu hồi” quyết định này nếu không Bắc Kinh sẽ “kiên quyết thực hiện các hành động mạnh mẽ”.

BRI là quỹ cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ đô la của Bắc Kinh đã bị cáo buộc là phương tiện để ĐCSTQ bành trướng bá quyền toàn cầu.

Một số nước đang phát triển đã phải vật lộn để trả các khoản vay theo BRI, và trong một số trường hợp, họ buộc phải giao quyền kiểm soát các tài sản và cơ sở hạ tầng quan trọng cho Bắc Kinh.
Vào đầu tháng 4, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ không hỗ trợ Montenegro trả Bắc Kinh khoản vay trị giá 1 tỷ USD mà họ đã vay để xây dựng đường cao tốc Bar-Boljare.

Ukraine nói Nga rút quân không đủ giải quyết xung đột ở Donbass

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (ảnh: Youtube/UkraineMFA).

Ukraine khẳng định việc Nga rút quân khỏi biên giới hai nước có thể xoa dịu căng thẳng nhưng chỉ riêng bước đi này không ngăn được leo thang hay xung đột ở Donbass.

Theo Reuters, tuyên bố này được Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đưa ra hôm 23/4.

Ông Kuleba cũng kêu gọi các đối tác phương Tây của Ukraine tiếp tục theo dõi sát tình hình và đưa ra các biện pháp hữu hiệu để răn đe Nga.

Hôm 22/4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hoàn thành cuộc diễn tập gần Ukraine và ra lệnh rút quân về căn cứ sau khi triển khai ồ ạt quân áp sát biên giới Ukraine.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, binh lính sẽ trở về căn cứ trước ngày 1/5. Ông cho rằng, quân đội phải sẵn sàng phản ứng nhanh trong những tình huống “bất lợi” từ các cuộc tập trận quy mô lớn do Mỹ, NATO và các đồng minh dẫn đầu, mang tên Defender-Europe.

Không rõ liệu lệnh triệu hồi quân trở về căn cứ thường trực này có bao gồm tất cả các lực lượng tham gia cuộc điều quân đến biên giới Ukraine mới đây hay không.

Tổng thống Ukraine Zelenskiy hoan nghênh quyết định trên dù khẳng định Kiev vẫn đang cảnh giác.

Ông Zelenskiy nói: “Việc dần rút quân khỏi biên giới giữa hai nước sẽ hạ nhiệt căng thẳng. Ukraine vẫn cảnh giác, nhưng rất hoan nghênh bất cứ động thái nào nhằm giảm sự hiện diện quân sự và xuống thang tại vùng Donbass”.

Kiev bị cuốn vào cuộc xung đột với lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk và Lugansk kể từ năm 2014 sau khi Matxcơva sáp nhập Crimea năm 2014.

Cuộc xung đột cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người và khiến khoảng 30 binh sỹ Ukraine thiệt mạng kể từ đầu năm, gần gấp đôi so với năm 2020.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng gần đây sau khi Kiev tố Matxcơva điều động hàng chục nghìn binh sỹ tới gần biên giới.

Mỹ kết tội gián điệp kinh tế gốc Hoa ăn cắp bí mật thương mại trị giá 120 triệu USD

Một nhà hóa học người Mỹ gốc Hoa đã bị kết tội vào ngày 22/4 vì vai trò trong một âm mưu đánh cắp bí mật thương mại trị giá khoảng 120 triệu đô-la Mỹ từ các công ty Mỹ với mục đích thành lập một công ty Trung Quốc sản xuất sản phẩm cho thị trường toàn cầu, theo Epochtimes.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, sau 12 ngày xét xử, You Xiaorong, 59 tuổi – còn được gọi là Shannon You – ở Lansing, Michigan, bị kết tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, âm mưu gián điệp kinh tế, sở hữu bí mật thương mại bị đánh cắp, gián điệp kinh tế , và gian lận điện tử.

Theo các công tố viên, khi làm việc tại hai công ty Mỹ- Coca-Cola ở Atlanta, Georgia và Công ty hóa chất Eastman ở Kingsport, Tennessee – Xiaorong đã đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến công nghệ phủ không chứa BPA (bisphenol-A), một công nghệ dùng để lót bên trong lon và các hộp đựng đồ uống để ngăn ngừa mất hương vị, ăn mòn và các phản ứng với thành phần thực phẩm hoặc đồ uống. Các công tố viên cho biết Xiaorong đã đánh cắp bí mật thương mại để giúp thành lập một công ty sơn phủ không chứa BPA mới ở Trung Quốc .

Báo cáo cũng cho biết Tập đoàn Weihai Jinhong đã tài trợ cho Xiaorong trong đơn đăng ký tham gia “Kế hoạch ngàn nhân tài” vào năm 2018, qua đó cô ấy sẽ được thưởng 3 triệu nhân dân tệ (443.000 USD) từ chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh Sơn Đông và chính quyền thành phố Uy Hải vì đã đưa công nghệ không có BPA đánh cắp đến Trung Quốc. Đồng thời, dây chuyền sản xuất cũng nhận được 50 triệu nhân dân tệ (khoảng 7,4 triệu USD) tài trợ.

Đầu tuần này, một nhà nghiên cứu của bệnh viện đã bị kết án 33 tháng tù vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ một bệnh viện nhi ở Ohio để bán ở Trung Quốc. Một giáo sư toán đại học cũng bị truy tố về tội liên quan đến việc không tiết lộ sự hỗ trợ mà ông nhận được từ ĐCSTQ và một trường đại học nhà nước Trung Quốc.

Mỹ nói Úc đã ‘chịu tổn thất to lớn’ vì Trung Quốc

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price (ảnh: Youtube/DKN.TV).

Liên quan đến căng thẳng Úc và Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm thứ Năm (ngày 22/4) cho biết Úc đã tự đưa ra quyết định hủy thỏa thuận về cơ sở hạ tầng với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng đồng minh của Washington đã “chịu tổn thất to lớn” từ hành động của Bắc Kinh, Channelnews Asia cho hay.

Ông Price nói: “Chúng tôi tiếp tục đứng về phía người dân Úc khi họ phải chịu hành vi ép buộc của Trung Quốc”.

Chính phủ Úc ngày 21/4 quyết định hủy hai thỏa thuận do tiểu bang Victoria ký kết với Trung Quốc về tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án mà Chủ tịch Tập Cận Bình tham vọng giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Úc cho rằng thỏa thuận không phù hợp với chính sách đối ngoại của nước này. Bắc Kinh cảnh báo động thái của Canberra sẽ gây “tác hại nghiêm trọng” đối với mối quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden từ chối bình luận trực tiếp về quyết định của Úc. Phát ngôn viên Price nói rằng quan hệ với Úc là dựa trên “các giá trị được chia sẻ”, không phải vì Trung Quốc.

Ông Price nói: “Chúng tôi biết các đối tác của mình trên khắp thế giới sẽ có mối quan hệ với Bắc Kinh và chúng có thể hơi khác với mối quan hệ mà chúng tôi đang có. Điều này không sao cả”.

Tàu thuyền Trung Cộng ở lỳ tại Đá Ba Đầu, quyết dùng chiến thuật ‘sự đã rồi’

Theo một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện bền vững xung quanh một rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông trong hai năm – bất chấp tuyên bố của Bắc Kinh rằng các tàu của họ chỉ trú ẩn trong khu vực, theo SCMP.

Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, theo dõi chương trình phát sóng hệ thống nhận dạng tự động của các tàu, cũng xác định được 14 tàu Trung Quốc trong các bức ảnh và video do lực lượng tuần duyên Philippines quay tại Bãi đá ngầm Đá Ba Đầu.

Theo AMTI, 14 tàu, tất cả đều đến từ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, lần đầu tiên được các Ngân hàng Liên minh tuần tra theo dõi vào đầu năm 2019 và 9 trong số đó đã phát sóng AIS từ Đá Ba Đầu nhiều lần.

AMTI cho biết trong một báo cáo hôm thứ Tư (21/4) rằng: “Cũng như các đợt triển khai lực lượng dân quân đã biết khác, hành vi của các tàu này bất chấp giải thích thương mại. Hầu hết đã ở lại khu vực này trong nhiều tuần, hoặc thậm chí vài tháng, thả neo thành từng cụm mà không tham gia vào bất kỳ hoạt động đánh bắt nào. Theo định nghĩa, tàu đánh cá thì phải chuyển sang đánh cá khi thời tiết tốt. Và bầu trời xanh đã phủ nhận lý do ban đầu từ đại sứ quán Trung Quốc ở Manila rằng họ đang phải đối mặt với một cơn bão”.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã gia tăng trong những tháng gần đây sau khi Manila báo cáo hơn 200 tàu Trung Quốc gần Đá Ba Đầu vào đầu tháng 3 và 44 tàu của “lực lượng dân quân biển” Trung Quốc vẫn ở đó bất chấp thời tiết tốt vào đầu tháng này.

Bắc Kinh khẳng định vào thời điểm đó các tàu này là tàu đánh cá dân sự đang trú ẩn khi thời tiết xấu và họ “không có kế hoạch” ở lại đó vĩnh viễn, chính phủ Philippines đã yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu này. Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin cảnh báo rằng Manila sẽ phản đối ngoại giao mỗi ngày cho đến khi “người cuối cùng biến mất, nếu nó thực sự đánh cá”.

Sự hiện diện của các tàu Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về việc liệu Bắc Kinh có triển khai lực lượng dân quân hàng hải – tàu đánh cá hoạt động bán quân sự theo yêu cầu của luật pháp Trung Quốc – để giành quyền kiểm soát vùng biển tranh chấp hay không.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phá vỡ sự im lặng của mình về tranh chấp tại Đá Ba Đầu và nói rằng ông “không quan tâm lắm” đến việc đánh bắt cá nhưng đã sẵn sàng cử quân đội để “đưa ra yêu sách” về dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông mặc dù “nó sẽ đẫm máu”.

 Indonesia đã xác định được vị trí tàu ngầm mất tích, khó có hy vọng tìm thấy người sống sót

Theo Sputnik, lực lượng cứu hộ Indonesia bước đầu đã xác định được vị trí tàu ngầm KRI Nanggala-402 gặp nạn ở phía Bắc Đảo Bali.

Hãng thông tấn Sputnik dẫn một thông báo của Hải quân Indonesia vào đầu chiều nay (24/4) cho biết, lực lượng cứu hộ bước đầu đã xác định được vị trị tàu ngầm KRI Nanggala-402 gặp nạn, nằm ở độ sâu khoảng 850m ngoài khơi đảo Bali.

Cũng theo thông báo trên, Hải quân Indonesia đang cố gắng đẩy nhanh công tác cứu nạn nhằm tiếp cận tàu KRI Nanggala-402 cũng như tìm kiếm thủy thủ đoàn.

Còn hãng tin AP dẫn nguồn tin từ Hải quân Indonesia lại cho biết lực lượng cứu hộ đã trục vớt được một số mảnh vỡ cũng như vật dụng bên trong tàu KRI Nanggala-402 ngay trên vùng biển con tàu xuất hiện lần cuối.

AP còn dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cho biết, khó có hy vọng tìm thấy được người sống sót. Đô đốc Margono khẳng định với những bằng chứng hiện tại nhiều khả năng thân tàu KRI Nanggala-402 đã vỡ.

 

Vị trí cuối cùng của tàu ngầm KRI Nanggala-402 được ghi nhận trước khi nó mất tích. Ảnh: BBC.

Trước đó, trong một cuộc tập trận vào ngày 21/4, Hải quân Indonesia đã mất liên lạc với tàu ngầm KRI Nanggala-402 cùng thủy thủ đoàn 53 người sau khi các hoạt động diễn tập kết thúc, vị trí cuối cùng của còn tàu là ở ngoài khơi phía Bắc Đảo Bali.

Ngay sau khi tàu KRI Nanggala-402 mất tích, Hải quân Indonesia đã lập tức thành lập lực lượng cứu hộ đến vùng biển nơi tàu ngầm này xuất hiện lần cuối cùng. Jakarta cũng đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Singapore và Australia trong việc tìm kiếm, cứu nạn.

Trong cuộc họp báo hôm 23/4, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono cho biết lượng giữ trự oxy trên tàu KRI Nanggala-402 chỉ đủ dùng trong 72 giờ và nhiều khả năng đã cạn vào sáng sớm nay 24/4.