Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 02 tháng 5 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược
Bắc Triều Tiên tố cáo chính quyền Biden có chính sách thù địch và đe dọa đáp trả
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, trong một sự kiện tại Bình Nhưỡng hôm 23/03/2021. AP
Chỉ ít lâu sau khi Washington cho biết đã hoàn tất việc rà soát lại chính sách Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng vào hôm nay 02/05/2021, đã lên tiếng đả kích Hoa Kỳ và đồng minh Hàn Quốc trong một loạt tuyên bố cho rằng Mỹ vẫn có một chính sách thù địch, cần phải được đáp trả bằng các phản ứng tương xứng.
Trong một thông cáo được hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA trích dẫn, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao nước này đã cáo buộc Washington xúc phạm nhân phẩm của lãnh tụ tối cao Kim Jong Un qua việc chỉ trích tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.
Người phát ngôn không xưng tên cho rằng những chỉ trích về nhân quyền là một hành động khiêu khích, cho thấy là Mỹ đang “chuẩn bị một cuộc đọ sức toàn diện” với Bắc Triều Tiên, và sẽ bị đáp trả tương xứng.
Trong một tuyên bố riêng biệt, ông Kwon Jong Gun, vụ trưởng Vụ Hoa Kỳ của Bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên đã trích dẫn bài phát biểu chính sách đầu tiên của ông Biden trước Quốc Hội Mỹ hôm thứ Tư, 28/04, theo đó các chương trình hạt nhân ở Bắc Triều Tiên và Iran đặt ra các mối đe dọa cần được giải quyết thông qua “ngoại giao và sự răn đe nghiêm khắc”.
Theo quan chức Bắc Triều Tiên, việc Hoa Kỳ gọi hành động răn đe để tự vệ của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa là một điều phi lý và vi phạm quyền tự vệ của Bắc Triều Tiên. Nhân vật này cho rằng giải pháp “ngoại giao” của Mỹ chỉ nhằm che đậy các hành vi thù địch của Washington, còn sự răn đe chỉ là một phương cách để đưa ra các mối đe dọa hạt nhân nhắm vào Bắc Triều Tiên.
PublicitéĐối với ông Kwon, giờ đây, khi chính sách của Biden đã trở nên rõ ràng, Bắc Triều Tiên “sẽ buộc phải thúc đẩy các biện pháp tương ứng, và theo thời gian, Mỹ sẽ thấy mình rơi vào một tình cảnh rất nghiêm trọng”.
Các phản ứng đả kích Mỹ được đưa ra sau khi Nhà Trắng hôm thứ Sáu 30/04 cho biết giới chức Mỹ đã hoàn thành một cuộc đánh giá kéo dài nhiều tháng về chính sách đối với Bắc Triều Tiên và nhấn mạnh những thách thức mà tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt khi ông tìm cách tránh những sai lầm đã dẫn đến thất bại của hai người tiền nhiêm Barack Obama và Donald Trump.
Hàng không mẫu hạm Sơn Đông của TQ tập trận ở Biển Đông
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Lính thủy trên một chiến hạm Trung Quốc (hình minh họa)
Hàng không mẫu hạm Sơn Đông gần đây đã tiến hành tập trận ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc tuyên bố hôm Chủ Nhật.
Bắc Kinh có kế hoạch sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận tương tự, theo tường thuật của báo quốc doanh Hoàn cầu Thời báo.
Không nêu rõ cuộc tập trận đã diễn ra vào thời điểm nào, nhưng Hoàn cầu Thời báo dẫn lời phát ngôn viên Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nói Trung Quốc “hy vọng thế giới bên ngoài có thể nhìn nhận việc đó một cách khách quan và đúng mực”.
Bắc Kinh lâu nay vẫn thường lặp đi lặp lại lời phản đối việc hải quân Hoa Kỳ cho tàu thuyền tới gần sát các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, nơi một số nước khác trong khu vực là Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Tàu mẹ Sơn Đông chính thức đi vào hoạt động từ 2019 và là chiếc mới hơn trong số hai hàng không mẫu hạm Trung Quốc hiện có.
“Việc này hoàn toàn hợp pháp, có lợi cho việc cải thiện khả năng của đất nước trong việc giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia,” phát ngôn viên Cao Tú Thành (Gao Xiucheng) nói.
Cách đây vài tuần, cả Hoa Kỳ và Philippines cùng lên tiếng quan ngại về sự hiện diện của hơn 200 tàu thuyền Trung Quốc – là các tàu mà Bắc Kinh nói là tàu cá vào tránh biển động nhưng Philippines nói là các tàu dân quân biển – tràn vào khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Mới đây, Trung Quốc hôm 24/4 đã hạ thủy đồng thời ba chiến hạm ở Hải Nam, một sự kiện lớn với sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình và được loan tin rầm rộ trên truyền hình cả nước.
Ba tàu mới “ra lò”, gồm tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh, khu trục hạm Đại Liên, và tàu đổ bộ Hải Nam, cùng nhiều tàu nữa đang sắp được hoàn tất chắc chắn sẽ tăng sức mạnh của Hải quân Trung Quốc, bất kể đối thủ của họ là ai.
Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân và ráo riết củng cố vị thế ở Biển Đông gây ra những lo sợ rằng Bắc Kinh có thể tìm cách không cho quân đội Mỹ tiếp cận vào vùng biển này.
Thái Lan báo cáo số ca tử vong vì COVID-19 kỉ lục trong một ngày
Reuters
Người dân xếp hàng tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 28 tháng 4, 2021.
Thái Lan ngày thứ Bảy báo cáo kỉ lục hàng ngày mới 21 ca tử vong vì virus corona trong một ngày, bộ y tế cho biết, trong khi quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị mở đăng ký cho chiến dịch tiêm chủng hàng loạt được chờ đợi từ lâu.
Bộ y tế báo cáo 1.891 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 67.044 kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái, với 224 ca tử vong.
Thái Lan đang chống chọi với đợt lây nhiễm thứ ba khốc liệt, nghiêm trọng nhất sau một năm kiểm soát virus tương đối thành công.
Đợt bùng phát mới bao gồm biến thể B.1.1.7 có khả năng lây truyền cao và đã chiếm khoảng một nửa tổng số trường hợp mắc bệnh và tử vong trong đại dịch.
Việc chậm triển khai vaccine đã khiến dư luận bất bình, với 2,5 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc nhận được cho đến nay chủ yếu chích cho nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu và những người dễ bị tổn thương nhất.
Việc đăng kí tiêm chủng cho công chúng bắt đầu vào ngày thứ Bảy thông qua các ứng dụng di động, với khoảng 16 triệu người trên 60 tuổi hoặc những người có sẵn các chứng bệnh như tiểu đường được ưu tiên.
Đến chiều muộn, gần 200.000 người trên khắp Thái Lan đã đăng kí và đặt lịch hẹn để tiêm ngừa, nhà chức trách y tế cho biết.
Việc tiêm chủng hàng loạt sẽ bắt đầu vào tháng Sáu, khi lô đầu tiên trong tổng số 61 triệu liều vaccine AstraZenec sản xuất trong nước sẵn sàng được phân phối.
Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số đến cuối năm nay.
Đảo chính Miến Điện: Hội Đồng Bảo An kêu gọi thực thi kế hoạch của ASEAN
Ảnh minh họa : một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. AP – Craig Ruttle
Ba tháng sau cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự lật đổ chính phủ dân cử tại Miến Điện, trong phiên họp hôm 30/04/2021, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua tuyên bố kêu gọi thực hiện kế hoạch của ASEAN nhằm chấm dứt bạo lực.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc yêu cầu thực thi « ngay lập tức » Kế hoạch 5 điểm của khối ASEAN về Miến Điện. Theo hãng tin Pháp AFP, trong ngày cuối cùng ở cương vị chủ tịch luân phiên, Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp Hội Đồng Bảo An về Miến Điện. Mục tiêu là nhằm chuẩn bị một tuyên bố, dựa trên thỏa thuận tìm giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện đã được khối Đông Nam Á thông qua nhân thượng đỉnh Jakarta hồi tuần trước (24/04/2021).
Văn bản thỏa thuận gồm 5 điểm : chấm dứt bạo lực, kêu gọi các bên liên quan đối thoại một cách xây dựng, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN với trọng trách tạo điều kiện cho phe dân chủ đàm phán với tập đoàn quân sự Miến Điện, đặc phái viên của ASEAN đến Miến Điện gặp gỡ các bên liên quan, và sau cùng là đề xuất viện trợ nhân đạo cho quốc gia Đông Nam Á này.
Vẫn theo AFP, để có được đồng thuận nói trên, 15 thành viên Hội Đồng Bảo An đã thảo luận gay go, phương Tây đã phần nào nhượng bộ quan điểm của Nga và Trung Quốc. Matxcơva và Bắc Kinh cương quyết bác bỏ một đoạn trong dự thảo Tuyên bố, theo đề xuất của Anh, ghi nhận Hội Đồng Bảo An « một lần nữa mạnh mẽ lên án bạo lực nhắm vào những người biểu tình ôn hòa » và đòi quân đội Miến Điện « kiềm chế tối đa ». Một nhà ngoại giao, được AFP trích dẫn, giải thích điều quan trọng là tránh để gây chia rẽ trong nội bộ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời gián tiếp nhìn nhận là đã phải chiều lòng Bắc Kinh, điểm tựa quan trọng nhất của chính quyền Naypyidaw. Từ sau cuộc đảo chính, đây là bản tuyên bố thứ tư của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, và cả bốn tuyên bố đều chỉ đạt được sau khi đã giảm nhẹ mức độ cứng rắn của dự thảo ban đầu, theo đòi hỏi của Trung Quốc.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christin Schraner Burgener, hy vọng rằng kế hoạch của ASEAN tháo gỡ bế tắc tại Miến Điện sẽ « được thực hiện sớm chừng nào tốt chừng nấy ».
Đúng 3 tháng sau cuộc đảo chính do tập đoàn quân sự tiến hành, phe chống đảo chính đã liên tục tổ chức tuần hành trên toàn quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Rangoon, Mandalay hay Dawei. Chính quyền quân sự đàn áp khốc liệt. Theo Hiệp hội Trợ giúp Tù chính trị Miến Điện (AAPP), từ khi chính quyền dân sự do đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo bị lật đổ hôm 01/02/2021, đã có gần 760 thường dân bị sát hại, gần 3.500 người bị quân đội bắt giữ.
Việt Nam: Tai nạn giao thông và ùn tắc tiếp tục xảy ra trong dịp lễ 30/4
Hình minh hoạ. Giao thông trên đường phố Hà Nội năm 2020
AFP
Mặc dù những ca lây nhiễm COVID đã bắt đầu xuất hiện trở lại trong cộng đồng, giao thông vẫn là vấn đề nóng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tại Việt Nam. Tai nạn giao thông đường bộ tiếp tục xảy ra làm 13 người chết và ách tắc giao thông xảy ra ở nhiều trục đường chính trong cả nước. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 30/4.
Tin dẫn nguồn từ Cục Cảnh Sát Giao Thông Việt Nam cho biết, tuy số lượng vụ tai nạn có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng từ 9h ngày 29/4 đến 9h ngày 30/4, toàn quốc vẫn xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 13 người chết và 11 nạn nhân bị thương.
Vào chiều và tối 29/4, tại Hà Nội, Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông ghi nhận năm vụ tai nạn xảy ra trên khu vực vành đai ba – cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Một ô tô bốc cháy lúc 13h30 ngày 29/4 và đến 18 h cùng ngày, một vụ va chạm liên hoàn xảy ra giữa bốn ô tô trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình.
CSGT cả nước đã xử lý hơn 8.300 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền 10,7 tỷ đồng, tạm giữ 47 ôtô, 1.319 xe máy, tước 692 bằng lái. Trong đó, 622 tài xế vi phạm nồng độ cồn và năm trường hợp dương tính với ma túy bị xử lý.
Cục CSGT cũng cho biết tình hình ùn tắc diễn ra “rất nóng” tại một số trục giao thông chính tại Hà Nội và TP.HCM.
Tại Hà Nội, ùn tắc kéo dài ở các tuyến đường vành đai và tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình trong đêm ngày 29/4 và sáng 30/4.
Trong khi đó tại TP.HCM, sáng 30/4, ùn tắc kéo dài hơn 8 km được ghi nhận tại cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương và quốc lộ 1, hàng nghìn người đổ về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu đợt nghỉ lễ bốn ngày khiến đoạn qua tỉnh Long An, Tiền Giang, ùn tắc nghiêm trọng. Một số tài xế mất ba giờ mới qua khỏi đoạn đường dài hơn 10 km.
Mỹ điều tra chống bán phá giá mật ong xuất xứ từ Việt Nam
Ảnh minh họa
AFP
Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ công Thương Việt Nam vừa nhận được thông tin về việc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận hồ sơ từ Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ, yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam. Báo Doanh nhân Việt Nam đưa tin hôm 30 tháng 4 năm 2021.
Theo đó, Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ yêu cầu DOC điều tra sản phẩm mật ong thô được phân loại theo mã HS 0409.00 cùng các doanh nghiệp cần kiểm tra đối chiếu với mã HS khi xuất khẩu và mô tả sản phẩm của Mỹ. Thời kỳ điều tra chống bán phá giá được đề xuất từ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến ngày 31 tháng 3 năm 2021. Thời kỳ điều tra thiệt hại tính từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.
Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã gửi bản câu hỏi lượng và giá trị (quantity and value questionnaire – Q&V) cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ có khoảng 14 ngày để hoàn thành bản câu hỏi Q&V. Việc trả lời bản câu hỏi Q&V là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị áp mức thuế bất hợp tác. Thời hạn cung cấp thông tin cho ITC đến ngày 5 tháng 5 năm 2021 (theo giờ Hoa Kỳ).
Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước nên trả lời bản câu hỏi của ITC để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Theo số liệu của Hải quan Mỹ, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt khoảng 50.700 tấn năm 2020, chiếm gần 26% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Mỹ.
FTA Anh Quốc-Việt Nam chính thức đi vào thực thi
Nguồn hình ảnh, Facebook/ukinvietnam
Chụp lại hình ảnh,
UKVFTA được ký chính thức tại London, Anh Vương ngày 29/12/2020
Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh – Việt Nam (UKVFTA) chính thức đi vào thực thi từ ngày 1/5/2021.
Thông cáo chung Anh – Việt do Bộ Thương mại Anh công bố nói rằng với tổng giá trị thương mại tương đương 5,1 tỷ Bảng Anh, hiệp định tạo ra nền tảng vững chắc nhằm phát triển thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp Anh và Việt Nam.
“Bên cạnh đó, UKVFTA đảm bảo giữ nguyên các lợi ích thuế quan giữa Vương quốc Anh với Việt Nam. 65% số dòng thuế xuất nhập khẩu đã được xóa bỏ và con số này sẽ tăng lên 99% sau sáu năm.
“Hiệp định UKVFTA cũng là một bước tiến quan trọng để Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam là một trong những nền kinh tế thành viên’.’
CPTPP là một trong các hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất trên thế giới, chiếm tỉ trọng 13% tổng GDP toàn cầu năm 2019.
Nếu Anh tham gia Hiệp định CPTPP, con số nói trên sẽ tăng lên 16% tổng GDP toàn cầu, theo dự đoán của London và Hà Nội.
“Về quyền sở hữu trí tuệ, hai bên tiếp tục cam kết bảo hộ ở mức độ cao. Các sản phẩm biểu tượng của Anh, bao gồm rượu whisky Scotland, cá hồi nuôi Scotland, rượu whisky Ireland và kem Ireland, cũng như 36 sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, bao gồm chè Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, gạo Hải Hậu và nước mắm Phú Quốc, tiếp tục được bảo vệ,” thông cáo ngày 1/5 cho biết.
UKVFTA được ký chính thức tại London, Anh Vương ngày 29/12/2020 và được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm ngoái.
UKVFTA được xem là hiệp định duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Vào cuối tháng 3/2021, đại diện hai nước trao đổi Công hàm tại Hà Nội khẳng định ngày có hiệu lực của UKVFTA và cam kết thực thi “nhằm bảo đảm tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định này, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam”.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh, Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại châu Âu của Việt Nam.
“Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Anh, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải nắm rõ văn hoá bản địa cũng như tìm hiễu kỹ hơn về phương thức thanh toán và các kênh phân phối tại đây và giải quyết tranh chấp thương mại tại đây,” bản tin kinh doanh TTXVN viết.
Bản tin này mô tả “dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn, nhất là với các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như sản phẩm gỗ, đồ gỗ, dệt may, cao su, cà phê, gạo, giày dép…”
Covid-19: Sau một tháng yên lành, Việt Nam có thêm 20 ca nhiễm mới
Nguồn hình ảnh, NICOLAS ASFOURI/Getty Images
Sau hơn một tháng yên lành, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 20 ca nhiễm Covid mới kể từ 29 tháng Tư.
Số người bị lây nhiễm mới được ghi nhận tại 5 tỉnh thành, gồm: Hà Nam 12 ca, Hà Nội 3 ca, TP HCM 1 ca, Hưng Yên 2 và Vĩnh Phúc 2, theo truyền thông Việt Nam.
Được biết, số ca nhiễm mới dự trù sẽ tăng trong chiều ngày 2/5.
Phần lớn của đợt lây nhiễm mới phát xuất từ Hà Nam, khởi đầu từ ‘bệnh nhân 2899’, một người về từ Nhật Bản đã kết thúc cách ly ở Đà Nẵng với 3 lần xét nghiệm âm tính.
Bệnh nhân 2899 về đến Hà Nam ngày 22/4. Đến 24/4 thì bị ho, sốt, đau họng, và xét nghiệm dương tính với Covid-19 ngày 29/4.
Sau khi rà soát và khám nghiệm, giới chức cho biết, bệnh nhân 2899 đã gây nhiễm cho 15 người khác ở 4 tỉnh, gồm Hà Nam (10), Hà Nội (3), Hưng Yên (2), TP HCM (1).
Trong khi đó, tại Vĩnh Phúc, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương trưa ngày 2/5 xác nhận đã có 2 người ở tỉnh này bị nhiễm Covid-19 từ người Trung Quốc đã hoàn thành cách ly.
Nguồn hình ảnh, Linh Pham/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Người nhập cảnh chui nhiễm Covid, Việt Nam loay hoay tìm lỗ hổng
Trước đó, các chuyên gia y tế cảnh báo một kịch bản tương tự như Ấn Độ có thể xảy ra tại Việt Nam, khi người dân bắt đầu bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày.
Nhiều người dự kiến sẽ đổ về các khu vui chơi, tham quan với tâm lý chủ quan do một tháng qua Việt Nam không có ca nhiễm Covid mới nào trong cộng đồng.
Lo ngại tăng cao khi các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia đang bùng phát dịch bệnh và nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép bị phát hiện.
Trong chuyến thăm tỉnh An Giang ở biên giới với Campuchia hôm 26/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết các nỗ lực phòng chống đại dịch phải được nâng lên mức cao nhất ngay từ bây giờ, theo VN Express.
Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.137 km với Campuchia ở Đồng bằng sông Cửu Long, gần TP HCM và ở Tây Nguyên. Việc bảo vệ các khu vực biên giới giờ đây có nghĩa là bảo vệ Việt Nam khỏi đại dịch, ông Sơn nói.
Mọi người nhập cảnh vào Việt đều phải cách ly trong 14 ngày và xét nghiệm ít nhất hai lần, nhưng gần đây đã có một số trường hợp người dân nhập cảnh chui qua đường mòn hoặc qua biển từ Campuchia và sau đó xét nghiệm dương tính với virus.
Tại nước láng giềng Thái Lan, tình trạng lây nhiễm gia tăng khiến chính quyền phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn đại dịch.
Các nhà hàng ở thủ đô Bangkok được lệnh không được tiếp khách ăn tại chỗ, mà chỉ được bán thức ăn mang đi, trong vòng tối thiểu 14 ngày, kể từ hôm 1/5.
TNS Philippines: Cần sự giúp đỡ của Mỹ để chống lại Trung Quốc
Ảnh: Youtube/DKN.TV.
Thượng nghị sĩ Panfilo “Ping” Lacson khẳng định rằng Philippines cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ về vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông để chống lại Trung Quốc, trang News Info cho hay.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài DZXL, ông Lacson nói rằng mặc dù Mỹ đã được ủy nhiệm hỗ trợ Philippines trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ thông qua Hiệp ước Phòng vệ lẫn nhau, nhưng Philippines nên chủ động.
Ông Lacson nói: “Mỹ đã chỉ ra rằng họ sẽ hỗ trợ chúng ta thông qua Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau của chúng ta nhưng Philippines phải chủ động. Mỹ không thể quyết liệt hơn khi chúng ta không có hành động cứng rắn ở khu vực tranh chấp”.
Tranh chấp tại Biển Đông một lần nữa leo thang sau khi hơn 200 tàu, được cho là chở lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc bị phát hiện tại bãi Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Theo ông Lacson, tăng cường quan hệ với Mỹ sẽ duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực nhưng Philippines cũng nên tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Australia và châu Âu bất chấp chính phủ quốc gia này có khuynh hướng đối với Trung Quốc.
Tổng thống Rodrigo Duterte thường nói về sự ngưỡng mộ đối với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi chính phủ Trung Quốc tặng vắc-xin Sinovac để hỗ trợ chương trình tiêm chủng của Philippines.
Ông Lacson cho rằng điều này không thể kết nối, hay liên quan với cuộc chiến giành chủ quyền của Philippines trên các đảo và vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.
Cựu Cảnh sát trưởng Quốc gia Philippines nói thêm rằng việc kết nối vắc-xin với tranh chấp lãnh thổ sẽ chỉ gây ra những cuộc cãi vã.
Ông nói: “Lập trường của chúng ta phải bắt đầu bằng việc giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Vắc xin không liên quan gì đến vấn đề này”.
California: 63.000 tội phạm nguy hiểm được trả tự do sớm
Thống đốc bang California Gavin Newsom (ảnh: Từ video của The View)
Tiểu bang “xanh” California sẽ cho 76.000 tù nhân – bao gồm cả những người phạm trọng tội bạo lực và tái phạm – ra tù sớm khi bang đặt mục tiêu giảm số tù nhân để đạt công bằng xã hội, theo Infowars.
Thống đốc bang Gavin Newsom, một thành viên Đảng Dân chủ, cho biết, hơn 63.000 tù nhân phạm trọng tội sẽ đủ điều kiện nhận các lệnh giảm án, trong số đó có 20.000 tù nhân đang thụ án chung thân.
Phát ngôn viên của Sở Chỉnh sửa và Phục hồi California, Dana Simas, cho biết trong một tuyên bố: “Mục tiêu [của việc trả tự do sớm] là tăng cường khuyến khích những người bị giam giữ thực hiện hành vi tốt và tuân theo các quy tắc trong thời gian thụ án, đồng thời tham gia vào các chương trình giáo dục và cải tạo, điều này sẽ dẫn đến các nhà tù an toàn hơn”.
Bà Simas cũng cho biết thêm, việc phóng thích các tù nhân còn giúp các nhà tù giảm tải.
Với quyết định trả tự do sớm cho các tù nhân nguy hiểm, Thống đốc Newsom, một người cháu của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đang phải đối mặt với chỉ trích vì thực hiện những thay đổi đơn phương đối với hệ thống giam giữ mà không có ý kiến đóng góp của cử tri.
Thượng nghị sĩ Jim Nielsen của đảng Cộng hòa cho biết: “Ông ấy đang làm việc đó theo thẩm quyền của mình, thay vì ý muốn của người dân thông qua các đại diện được bầu của họ hoặc trực tiếp thông qua các lá phiếu của chính họ”.
“Ông ấy đang đặt tất cả chúng ta vào nguy cơ lớn hơn và dường như không có hồi kết đối với những gì mà ông ấy muốn làm”.