Cưỡng chế đất Đồng Tâm 3 công an và 1 người dân tử vong
Sáng ngày 09/01, người dân tại khu vực xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội đã phản đối lực lượng cưỡng chế đất đai trong một vụ đụng độ khiến ít nhất 3 công an và 1 người dân địa phương chết, cùng nhiều người bị thương.
Bộ Công an Việt Nam loan tin: “Một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.”
Anh Trịnh Bá Tư, nhà hoạt động đất đai ở Hà Nội, nói với VOA: “Đây là một vụ cưỡng chế cực kỳ hung bạo khi mà chính quyền huy động đến 3 ngàn cảnh sát cơ động, công an và cán bộ đến uy hiếp người dân từ nửa đêm hôm 08/1.”
“Từ nhiều ngày trước công an đã bao vây làng Đồng Tâm họ phát đi thông tin là sẽ đàn áp người dân.
“Rạng sáng nay, khoảng 2 giờ sáng bà con cho biết các lực lượng đã vây kín Đồng Tâm và đến khoảng 4 giờ sáng có khoảng 3 ngàn cảnh sát cơ động đã tấn công, chia cắt người dân thành các nhóm nhỏ, tiến vào bắt những thủ lĩnh của nhóm, làm gãy cánh tay của anh Lê Đình Công, con trai của ông Lê Đình Kình.
“Họ bắt đi 10 người và đánh đập nhiều người khác, bao gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em.”
Anh Trịnh Bá Tư cho biết, trong số những người bị bắt có anh trai của anh là Trịnh Bá Phương, cùng một số thành viên trong gia đình ông Lê Đình Kình, người có 57 tuổi Đảng, hiện được xem là “thủ lĩnh tinh thần” của người dân Đồng Tâm.
Luật sư Trần Đình Dũng mô tả trên Facebook cá nhân: “Tờ mờ sáng lực lượng cảnh sát lên con số nhiều trăm người tiến về Đồng Tâm, như một cuộc hành quân “đánh úp, bất ngờ, thần tốc” trong giáo trình đánh giặc.”
Nhà báo Trần Đình Thu viết trên Facebook tối ngày 9/1: “Việc nhà cầm quyền cho phép một đơn vị quân đội bao vây và giải quyết vấn đề, dù dưới góc độ nào cũng không thể chấp nhận. Quân đội không phải là cơ quan tố tụng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp.”
Ông Thu viết tiếp: “Ngay sau đó, lại cấm báo chí tác nghiệp và bắt buộc chỉ đưa tin theo thông tin của Bộ công an là một sự vi phạm Luật báo chí trắng trợn mà chính Quốc hội đã ban hành.”
Trong khi đó, báo Thanh Niên trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, các phóng viên nước ngoài muốn tác nghiệp tại Đồng Tâm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ “xem xét.”
“Đối với các cơ quan báo chí nước ngoài khi tác nghiệp tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định của Việt Nam. Yêu cầu của báo chí nước ngoài đưa tin tại Đồng Tâm sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét”, bà Lê Thị Thu Hằng trả lời báo giới chiều ngày 9/1.
Luật sư Trần Đình Dũng nhận định: “Biến cố Đồng Tâm (ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bắt nguồn từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và trở thành điểm nóng khi người dân xã Đồng Tâm cho rằng, hàng chục ha đất đồng Sênh được quyết định giao cho Tập đoàn Viettel thực hiện dự án là đất nông nghiệp của xã chứ không phải đất quốc phòng.”
Ngay hôm 9/1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ đụng độ giữa người dân và công an tại xã Đồng Tâm khiến ít nhất 4 người chết.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW viết trong thông cáo: “Giới chức Việt Nam cần tiến hành một cuộc điều tra minh bạch và khách quan về những vụ việc này để tìm được gốc rễ của vấn đề, ai là người chịu trách nhiệm cho vụ bạo lực, liệu cảnh sát có sử dụng lực lượng quá mức. Những người sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm.”
HRW cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép các nhà báo, các nhà ngoại giao và các quan chức thuộc LHQ đến tìm hiểu tình hình ở Đồng Tâm và giám sát việc điều tra vụ việc của chính phủ.
https://www.voatiengviet.com/a/dung-do-cuong-…/5238378.html…