Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 3
Total Users : 13503
Total views : 136662
Server Time : 2024-11-22

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Chuyện Việt Nam Thứ sáu 10 tháng 11 năm 2023

Quê Hương tổng hợp



Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc đến Hà Nội thảo luận về thắt chặt quan hệ

Minh Anh /RFI – 10/11/2023

Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong), hôm qua, 09/11/2023, đã đến Hà Nội và trao đổi với người đồng cấp Nguyễn Minh Dương về quan hệ song phương, các vấn đề về đường biên giới trên bộ và trên biển.

Ảnh minh họa : Cờ Việt Nam - Trung Quốc tại phủ chủ tịch Việt Nam, Hà Nội, trong lễ đón tiếp phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/12/2011.

Ảnh minh họa : Cờ Việt Nam – Trung Quốc tại phủ chủ tịch Việt Nam, Hà Nội, trong lễ đón tiếp phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/12/2011. REUTERS/Kham

Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc gặp này đã không được Bắc Kinh thông báo trước. Truyền thông Trung Quốc mô tả một cuộc trao đổi « thẳng thắn và thân thiện ».

Trả lời báo chí hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết đôi bên khẳng định là vẫn duy trì được một sự năng động tốt trong quan hệ song phương. Hai lãnh đạo ngoại giao Trung – Việt còn “đánh giá cao” các tiến bộ đạt được trong việc mở cửa và tăng cường hoạt động trao đổi xuyên biên giới, cũng như tính kết nối cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí cố gắng xử lý và ổn định vấn đề biên giới đất liền Trung – Việt thành đường biên giới « hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng », ổn định tình hình trên biển, cũng như tăng cường đối thoại, tham vấn và quản lý các khác biệt giữa hai nước trong những lĩnh vực trên, theo lời ông Uông Văn Bân.

Tuy nhiên, khi được hỏi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sẽ đến thăm Hà Nội hay không, ông Uông Văn Bân nói là chưa có thông tin để cung cấp.

Hồi tháng 10/2023, hãng tin Reuters đã tiết lộ rằng giới chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến công du của ông Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2023.


Chủ tịch nước VNCS Võ Văn Thưởng sắp đi Mỹ dự Thượng đỉnh APEC 

09/11/2023

VOA Tiếng Việt

Chủ tịch Thưởng chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng thống Joe Biden sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện

Chủ tịch Thưởng chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng thống Joe Biden sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện

Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng cùng phu nhân sẽ tới Mỹ vào ngày 14/11 trong chuyến công du 4 ngày để tham dự Thượng đỉnh APEC ở San Francisco cũng như có các hoạt động song phương với Mỹ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Chuyến đi Mỹ của ông Thưởng nối tiếp các hoạt động thăm viếng cao cấp dồn dập giữa hai nước trong thời gian qua, sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam hôm 10/9 để nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện và chuyến đi New York Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi cuối tháng 9 để phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kết hợp với chuyến thăm Mỹ.

Theo lịch trình được bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, công bố tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 9/11, ông Thưởng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước bên lề hội nghị.

Ông Thưởng sẽ phát biểu vào ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC vào ngày 15/11 bên cạnh Thủ tướng Thái Lan, Tổng thống các nước Hàn Quốc, Chile, Philippines, Peru, Thống đốc California Gavin Newsom, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và CEO của các tập đoàn công nghệ Mỹ như Uber và Microsoft.

Với chủ đề ‘Kiến tạo tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người’, Thượng đỉnh APEC năm nay tập trung vào các chủ đề như ‘kết nối’, ‘đổi mới sáng tạo’ và ‘bao trùm cho tất cả mọi người’.

Về quan hệ song phương, ông Thưởng đến Mỹ là để thúc đẩy hợp tác về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác giữa các địa phương, theo lời bà Hằng được tờ Tuổi Trẻ dẫn lại.

Bà Hằng nói các hoạt động này là nhằm triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden hồi tháng Chín.

Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Thưởng trên cương vị nguyên thủ Việt Nam. Ông Thưởng từng tiếp xúc với ông Biden ở Hà Nội và được ông Biden mời đến Mỹ dự hội nghị APEC.

Năm nay cũng tròn 30 năm Hội nghị Cấp cao APEC đầu tiên diễn ra vào năm 1993. Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị và có cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên rất được chờ đợi với Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông Biden vào Nhà Trắng.
Hiện chưa rõ liệu ông Thưởng có tiếp xúc song phương với ông Biden và ông Tập bên lề hội nghị hay không.
San Francisco cũng là nơi đặt Lãnh sự quán Việt Nam – cơ quan đại diện ngoại giao duy nhất của chính quyền Việt Nam ở Bờ Tây nước Mỹ – và từng chứng kiến các cuộc biểu tình chống đối của người Việt ở Mỹ nhân chuyến thăm của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam đến Mỹ.


42 người Việt bị bắt ở Hàn Quốc vì tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy

An Vui /SGN
09/11/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/9.11.23_Anh-12.jpg

Cảnh sát Hàn Quốc phát giác ma túy giấu trên trần nhà (trái) và thuốc lắc được bán và sử dụng tại quán karaoke – Ảnh: YNA

Khám xét hai quán karaoke dành cho người ngoại quốc tại Busan và Kyungnam (Hàn Quốc) ngày 13 Tháng Năm và 7 Tháng Mười, Cảnh sát Hàn Quốc đã bắt tổng cộng 42 người Việt, với cáo buộc tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy.

Thông tin được Sở Cảnh sát TP. Busan (Hàn Quốc) đưa ra hôm 8 Tháng Mười Một 2023, Chosun và YNA đưa tin.

Khi cảnh sát đột kích vào quán karaoke này, các nghi phạm đã khóa cửa, giấu ma túy trên trần nhà, bình nóng lạnh. Giới chức Hàn Quốc đã bắt 13 người Việt Nam, trong đó có chủ cơ sở và những người đang sử dụng ma túy bên trong.

“Sau khi đặt phòng karaoke, họ tập hợp những người tham gia thông qua mạng xã hội đồng thời bán thuốc lắc và ketamine ngay tại chỗ với giá KRW80,000-300,000 ($60-$230). Ba đến bốn người vào một phòng, hát và sử dụng ma túy”, Cảnh sát Busan cho biết.

Sau khi thẩm vấn và phân tích dữ liệu trên điện thoại của 13 người Việt Nam bị bắt, cảnh sát Busan bắt thêm 29 người, nâng tổng số người Việt bị bắt trong đợt truy quét lên 42.

Trong đó có năm chủ cơ sở karaoke, 28 người bán ma túy và chín người sử dụng. Sở Cảnh sát TP. Busan đã truy tố 12 nghi phạm và bàn giao hai người nhập cư bất hợp pháp cho cơ quan xuất nhập cảnh để chờ lệnh trục xuất. Đến ngày 8 Tháng Mười Một, Cảnh sát Busan cho biết, có 30 nghi phạm vẫn bị tạm giam, 12 người bị buộc tội nhưng không bị tạm giam.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định ba đại lý chính trong đó có A (24 tuổi) nhận thuốc lắc và ketamine từ các nhà cung cấp ma túy ở Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, rồi bán lại tại Hàn Quốc.

Cảnh sát Busan công bố thêm: “Thông qua hợp tác quốc tế, chúng tôi có kế hoạch truy tìm đến cùng con đường buôn lậu ma túy và bắt giam những kẻ cung cấp ở Việt Nam”.

Năm ngoái, ngày 26 Tháng Chín, Cảnh sát Busan cũng bắt 72 người Việt (du học sinh và người lao động, độ tuổi 20 – 30, trong đó có 37 người nhập cảnh trái phép) và hai chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc, với cáo buộc tổ chức tiệc ma túy trong câu lạc bộ karaoke dành cho người nước ngoài.

Trong số 72 người Việt, có năm người bị cảnh sát cáo buộc mua bán ma túy tổng hợp, thuốc lắc. Từ Tháng Ba tới Tháng Chín 2022, họ chào bán tiệc ma túy tại những câu lạc bộ và quán karaoke dành cho người nước ngoài ở Changwon, Gyeongam và Sasang-gu, Busan, qua mạng xã hội.

Số người Việt bị bắt khai họ sử dụng ma túy để quên đi công việc vất vả. Cảnh sát Hàn Quốc thông báo cấm nhập cảnh vĩnh viễn với những người bị bắt lần này.

Ngày 3 Tháng Bảy 2022, cảnh sát Hàn Quốc cũng mở đợt truy quét tội phạm và bắt 33 người Việt, trong đó có du học sinh, tham gia tiệc ma túy tại một phòng karaoke ở quận Masanhoewon, thuộc TP.Changwon, tỉnh Gyeongsangnam, lúc rạng sáng.

Trong số 33 người thì có bốn người đã có quốc tịch Hàn Quốc, còn lại là công dân Việt Nam cư trú bất hợp pháp. Theo Văn phòng Quản lý xuất nhập cảnh thành phố Busan, các đối tượng cư trú bất hợp pháp này từng nhập cảnh Hàn Quốc năm 2018 với tư cách là du học sinh, sau đó lưu trú bất hợp pháp, sử dụng ma túy, đồng thời bán ma túy cho du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.

Những công dân này bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc tạm giữ và làm thủ tục trục xuất về nước.

Trong một hội nghị ở Hà Nội cuối Tháng Sáu 2022, Bộ Công an Việt Nam cho biết tình trạng công dân Việt Nam phạm pháp ở nước ngoài vẫn rất “phức tạp”.

Hiện có khoảng 5.3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển, theo thông cáo của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài.

Theo Một Thế Giới ngày 17 Tháng Chín 2023, Việt Nam có khoảng 46,600 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài, trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có số lao động “chui” người Việt cao nhất, lên đến hơn 12,000 người.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc mới đây đã thực hiện chính sách ân hạn đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước năm 2023.

Chính sách ân hạn được áp dụng cho tất cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 11 Tháng Chín 2023 đến hết ngày 31 Tháng Mười Hai 2023.

Theo chính sách của Hàn Quốc, người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên sẽ được miễn phạt tiền và hoãn hạn chế nhập cảnh.

Có nghĩa là sau khi về nước, họ vẫn có thể nộp hồ sơ xin thị thực nhập cảnh vào Hàn Quốc và có thể được cấp thị thực nhập cảnh, sau khi phía Hàn Quốc thẩm tra, xem xét hồ sơ.


Trung tá công an đùa về súng làm hoãn chuyến bay, đối mặt khoản phạt trăm triệu đồng 

09/11/2023

An Tôn – VOA

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Đà Nẵng (ảnh tư liệu, tháng 7/2020, Hoang Khanh/AFP)

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Đà Nẵng (ảnh tư liệu, tháng 7/2020, Hoang Khanh/AFP)

Một chuyến bay bị hoãn lại ở sân bay Đà Nẵng vào tối 7/11 do hai người đàn ông đùa giỡn với nhau, đề cập đến súng trong hành lý, và một trong hai người là trung tá công an, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động và nhiều báo khác đưa tin.

Riêng Thanh Niên cho hay hôm 9/11 rằng nhà chức trách xác định danh tính của hai người gây ra vụ việc là Nguyễn Đức Trọng, 30 tuổi, và Lê Xuân Quang, 40 tuổi, đều là người của tỉnh Thái Bình.

Ông Lê Xuân Quang, còn được viết tắt là L.X.Q trong các bài báo của Tuổi Trẻ, Lao Động…, là trung tá, phó trưởng phòng an ninh mạng, thuộc công an tỉnh Thái Bình, theo các bản tin trong nước.

Tin cho hay vụ việc xảy ra trên chuyến bay số hiệu VN 186, mà theo lịch bay thường lệ, máy bay xuất phát lúc 19 giờ 25 phút đi từ Đà Nẵng đến Hà Nội.

Tuy nhiên, vào buổi tối 7/11, hai hành khách có tên nêu trên đã “đùa giỡn” với nhau là họ “cất súng trong hành lý” khi đi lên máy bay, bị tiếp viên nghe thấy, dẫn đến chuyến bay “phải dừng khẩn cấp”, các báo tường thuật.

Cơ trưởng đã yêu cầu an ninh hỗ trợ, đồng thời quyết định từ chối vận chuyển hai vị khách đó và lập biên bản về vụ việc, các bản tin cho hay. Lực lượng an ninh trật tự của sân bay Đà Nẵng đã triển khai đến hiện trường, áp giải hai hành khách rời máy bay.

Ngoài ra, họ cũng đưa toàn bộ hành khách và hành lý xách tay trên máy bay vào lại nhà ga và tái kiểm tra an ninh. Toàn bộ máy bay cũng được kiểm tra lại, theo các báo trong nước. Phải đến 22h đêm 7/11, máy bay mới lên đường đi từ Đà Nẵng đến Hà Nội.

Riêng hai vị hành khách gây ra rắc rối bị đưa về phòng trực ban an ninh hàng không. Qua lục soát người, hành lý xách tay, nhà chức trách không phát hiện súng, hàng nguy hiểm hay chất cấm, cháy nổ.

Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, nhiều người chê trách và bày tỏ bức xúc về hiểu biết pháp luật, ý thức và trách nhiệm của viên trung tá công an.

Viên công an này và vị hành khách cùng đùa cợt với ông hiện đối diện với khoản phạt và bồi thường thiệt hại cho hãng hàng không có thể lên đến cả trăm triệu đồng, theo tìm hiểu của VOA.

Một nghị định năm 2018 của chính phủ Việt Nam có các điều khoản nói rằng người cung cấp thông tin thất thiệt về súng đạn, bom mìn, vật liệu nổ v.v… gây ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không dân dụng, tùy theo mức độ nghiêm trọng, sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 20 triệu đồng, chưa kể phải đền bù thiệt hại do phía hãng hàng không chứng minh bằng các hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Việt Nam từng có tiền lệ xử án và phạt một nữ hành khách hồi năm 2012 vì bà này nói đùa có bom trong hành lý khi lên máy bay, theo tìm hiểu của VOA. Người phụ nữ có tên là Hồ Thị Thanh Tuyền đã bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 15 tháng tù, cho hưởng án treo, và bồi thường cho hãng hàng không 100 triệu đồng.


Vụ “chiếc xe tử thần” khiến 39 người Việt bỏ mạng : Bốn bị cáo bị đề nghị án tù lên đến 10 năm

Chi Phương /RFI

10/11/2023

Sau hơn ba tuần xét xử, tòa tiểu hình Paris của Pháp hôm nay, 10/11/2023, sẽ công bố bản án đối với 19 bị can trong vụ 39 di dân Việt bỏ mạng trong chiếc xe tải đông lạnh sang Anh hồi tháng 10/2019.

Kí họa phiên xử mạng lưới tại Pháp liên quan đến vụ "xe tải tử thần" tại Anh khiến 39 người Việt bị chết ngạt ở Grays, Anh Quốc, ngày 23/10/2019.

Kí họa phiên xử mạng lưới tại Pháp liên quan đến vụ “xe tải tử thần” tại Anh khiến 39 người Việt bị chết ngạt ở Grays, Anh Quốc, ngày 23/10/2019. © Tòa Tiểu hình Paris

Đặc phái viên Chi Phương tường trình từ Tòa Tiểu hình Paris :

“Viện Công tố Paris hôm 07/11 đã đề nghị mức án từ 9 đến 10 năm đối với 4 bị can người Việt, có biệt danh Tony, Hoàng, Long, Thắng, bị cáo buộc tội ngộ sát, tổ chức lưu trú bất hợp pháp cho người không có giấy tờ. 15 bị can còn lại là các tài xế taxi, chủ nhà trọ, hoặc những người hỗ trợ tiếp đón các di dân Việt tại Pháp, mang quốc tịch Pháp, Algérie, Trung Quốc, hay Maroc, bị đề nghị các mức án từ 1 đến 3 năm tù và các khoản tiền phạt lên đến 10.000 euro.

Trước tòa, công tố viên Alexis Liberge nhận định: “Trước các bị cáo coi lợi nhuận là trên hết, đặt các nạn nhân vào tính huống nguy hiểm, coi họ như là những con gà “chất vào xe tải”, nói thực là chúng tôi có rất ít lời giải thích, thậm chí là hoài nghi đối với những người tự nhận là nạn nhân của hệ thống này”. 

Một hệ thống, hay một “ngành công nghiệp” môi giới di dân, phân khúc, được cho là khó có thể xác định được ai là lãnh đạo đường dây tại Pháp. Đó là một “ngành công nghiệp lợi dụng con người, mà nếu như bị cáo với biệt danh Tony không ở đó”, thì cũng không thay đổi được thảm kịch chết chóc đối với 39 di dân Việt, theo như lời biện hộ của luật sư Gaspard Lindon trước tòa hôm qua. Không chỉ luật sư Lindon mà các luật sư khác cũng đưa ra lý lẽ tương tự, cho rằng các bị cáo không đóng vai trò chủ chốt trong đường dây môi giới đưa di dân vượt biên tại châu Âu. 

Trả lời RFI, luật sư Lindon, biện hộ cùng luật sư Antoine Ory cho bị cáo Tony, người bị đề nghị bản án cao nhất, nhận định “điều đặc biệt trong vụ án này là các bị cáo có thể là những nạn nhân của thảm kịch di dân rời khỏi Việt Nam, mong tìm cuộc sống ở miền đất mới”, đồng thời họ bác bỏ cáo buộc về tội ngộ sát. Theo luật sư, việc tổ chức lưu trú, đưa đón các di dân từ vùng ngoại ô Paris đến miền bắc nước Pháp để sang Anh,“có thể chỉ là hành động giúp đỡ, giống như giúp đồng hương, gia đình nơi xa xứ”.

Đại diện bên nguyên đơn, văn phòng luật sư Dethomas, biện hộ cho 7 người trong số 39 nạn nhân trong thảm kịch nói trên, lấy làm tiếc là thân nhân các nạn nhân vắng mặt trong các phiên xử. Kết thúc 3 ngày biện hộ từ hai bên, hôm qua, hầu hết các bị cáo đều hối lỗi, xin giảm nhẹ tội trước tòa. Bản án sẽ được công bố vào 18 giờ hôm nay, giờ Paris”.


Trung Quốc nói đã hội đàm thẳng thắn và thân thiện với Việt Nam về quan hệ song phương

RFA
10/11/2023

Trung Quốc nói đã hội đàm thẳng thắn và thân thiện với Việt Nam về quan hệ song phương

Cô bé cầm cờ Trung Quốc và Việt Nam ở Phủ Chủ tịch vào tháng 11/2017

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters

Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao nước này đã có cuộc hội đàm thẳng thắn và thân thiện với người đồng cấp Việt Nam tại Hà Nội hôm 9/11 bao gồm các mối quan hệ song phương, biên giới đất liền và các vấn đề hàng hải.

Cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ trước đó không được Bắc Kinh tiết lộ, cuộc gặp này đến nay cũng không được báo chí Nhà nước Việt Nam loan tin.

Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm 10/11 rằng, cả hai ông nhất trí rằng quan hệ song phương đã duy trì động lực tốt dưới sự lãnh đạo hiện tại của cả hai nước.

Hai bên đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong việc mở và nâng cấp các cửa khẩu biên giới và kết nối cơ sở hạ tầng.

Ông nói thêm rằng họ đã nhất trí nỗ lực biến biên giới đất liền Trung-Việt thành biên giới “hòa bình vĩnh viễn” và “tình hữu nghị giữa các thế hệ và phát triển thịnh vượng”.

Ông cho biết, hai bên hoàn toàn khẳng định những nỗ lực chung nhằm duy trì sự ổn định của tình hình hàng hải trong những năm gần đây, tái khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường đối thoại và tham vấn cũng như quản lý hợp lý những khác biệt giữa hai bên.

Khi được hỏi liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thăm Hà Nội hay không, ông Uông nói ông không có thông tin gì có thể cung cấp.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, quốc gia vào tháng 9 đã nâng mối quan hệ với Washington lên thành đối tác chiến lược toàn diện, đặt kẻ thù một thời của họ ngang hàng với Bắc Kinh và Moscow.

Reuters tháng trước đưa tin rằng các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể của ông Tập tới Hà Nội.

Vào thời điểm đó, kế hoạch chuyến đi dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Ba nhà ngoại giao ở Hà Nội sau đó cho biết chuyến thăm có thể sẽ bị hoãn lại đến tháng 12.


Nhà sản xuất tai nghe cho Apple đầu tư thêm 330 triệu USD vào tỉnh Bắc Giang

RFA
10/11/2023

Nhà sản xuất tai nghe cho Apple đầu tư thêm 330 triệu USD vào tỉnh Bắc Giang

Tai nghe Airpod Pro 2 trong sự kiện ra mắt hồi tháng 9/2022

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAP

Nhà sản xuất tai nghe của Apple, Luxshare đã được cấp giấy phép đầu tư thêm 330 triệu USD vào nhà máy tại tỉnh Bắc Giang, nâng tổng vốn đầu tư lên 504 triệu USD.

Chính quyền Bắc Giang cho biết, cơ sở mới tại Luxshare-ICT, chi nhánh của Luxshare tại Việt Nam, sẽ nằm trên khu đất rộng 29,1 ha) và sẽ sản xuất dây cáp cho các thiết bị thông minh, thiết bị liên lạc, viết cảm ứng, thiết bị định vị thông minh và đồng hồ thông minh.

Theo hãng tin Reuters, cơ sở này dự kiến sẽ được hoàn thành trong vòng 12 đến 24 tháng.

Luxshare có trụ sở tại Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất tai nghe AirPod chính của Apple, bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2019.

Khoản đầu tư bổ sung của họ vào Việt Nam diễn ra khi các nhà sản xuất khác đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất hơn nữa khỏi Trung Quốc.

Đầu năm nay, một nhà cung cấp khác của Apple, Foxconn (Đài Loan) đã thành lập một nhà máy mới ở miền trung Việt Nam và huy động vốn đầu tư vào đây thêm 250 triệu USD để sản xuất xe điện và linh kiện viễn thông.

Luxshare đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.


Bộ trưởng KH&ĐT: Intel dừng mở rộng còn có nguyên nhân Việt Nam áp dụng “thuế tối thiểu toàn cầu”

RFA
10/11/2023

Bộ trưởng KH&ĐT: Intel dừng mở rộng còn có nguyên nhân Việt Nam áp dụng "thuế tối thiểu toàn cầu"

Phó Chủ tịch Intel Brian Krzanich phát biểu trong buổi lễ ngày 10/11/2006 công bố việc Intel tăng đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Việt Nam

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP/ Hoàng Đình Nam

Ngoài nguyên nhân “thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà”, Intel dừng kế hoạch mở rộng đầu tư trị giá tỷ đô còn có nguyên do là Việt Nam sẽ áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 1/2024.

Theo Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 9/11 về quan điểm của bộ trước thông tin hãng Intel của Mỹ gác kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định ông cũng mới tiếp nhận được thông tin Intel như báo chí nêu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lặp lại thông tin từ hãng tin Reuters trước đó đưa ra, “lý do họ nói chúng ta thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà.”

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Chí Dũng “vấn đề thiếu hụt điện mới chỉ xảy ra ở cục bộ một số nơi, thời gian. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp không chỉ riêng doanh nghiệp nào.”

Ngoài ra, theo bộ trưởng còn có nguyên nhân khác như “địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ tiếc nuối về việc hãng Intel dừng kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Việt Nam nhưng cho rằng đó là quyền của doanh nghiệp.

Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được hồi năm 2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, tuy nhiên (dù không ai bắt buộc) Việt Nam cũng sẽ áp dụng vào đầu năm 2024 nhằm tăng thu ngân sách từ phần thuế bổ sung, tránh cạnh tranh và giảm chuyển giá, lợi nhuận.

Tuy vậy, bộ trưởng Bộ KH&ĐT lưu ý rằng hãng Intel có thể cân nhắc một số ưu đãi, hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Trước đó, hãng tin Reuters của Anh dẫn nguồn tin riêng cho biết, hãng sản xuất chip Intel đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất vào Việt Nam với trị giá hơn 1 tỷ USD với nguyên nhân là “thiếu điện và tệ quan liêu nặng nề.”

Báo Chính phủ một ngày sau đó phỏng vấn ông Kim Huat Ooi – Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, công ty vẫn tiếp tục thực hiện đầu tư theo các giai đoạn đã cam kết và vận hành hoạt động sản xuất ổn định.

Về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Kim khẳng định “Intel luôn đánh giá cao môi trường chính trị – xã hội ổn định của Việt Nam, sự sẵn sàng của lực lượng lao động trẻ và tài năng, cũng như vị trí địa lý nằm ngay trung tâm châu Á, những điều kiện để Intel tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.”


Vì sao Intel giảm đầu tư ở Việt Nam, tăng ở Ba Lan?

November 10, 2023

https://eadn-wc04-9642573.nxedge.io/wp-content/uploads/2023/11/image_2023-11-10_193210707-696x479.pngI

ntel gác lại khoản đầu tư ở Việt Nam

“Ở Ba Lan, vào thời XHCN cũng có những quan liêu hành chính nhưng tôi nghĩ nó không trầm trọng bằng Việt Nam trong những năm gần đây. Vừa là cảm nhận trực tiếp, vừa là nghe dư luận, vừa là tiếp nhận các nguồn thông tin, tôi thấy Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia quan liêu và thủ tục hành chính rườm rà nhất”.

Một số người ở Ba Lan nói rằng có mối liên hệ giữa việc Intel quyết định vào tháng 7 không tăng đầu tư vào Việt Nam và việc cũng chính hãng này đã loan báo vào tháng 6 về khoản đầu tư lên tới 4,6 tỷ đô vào Ba Lan.

Nhiều hãng tin, trong đó có Reuters, đưa tin hồi giữa tháng 6 rằng Intel đã chọn một địa điểm ở Wroclaw, tây nam Ba Lan, để xây nhà máy mới chuyên lắp ráp và kiểm nghiệm chip, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2027 và tạo ra khoảng 2.000 việc làm.

Như vậy, Ba Lan trở thành một trong những nước được hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư lên tới hơn 33 tỷ đô la vào khối EU.

Trong khi đó, cũng vào tháng 6, Việt Nam đã rơi vào cảnh thiếu điện nghiêm trọng dẫn đến cắt điện luân phiên ở nhiều nơi, các báo trong nước đưa tin ở thời điểm đó, và đây có thể là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định của Intel, theo một số nhà quan sát.

Doanh nhân Trần Quốc Quân, người đã sinh sống và kinh doanh ở Ba Lan trong 35 năm, chia sẻ:

“Thiếu điện thì Ba Lan chưa từng. Từ thời Ba Lan xã hội chủ nghĩa cho đến khi chuyển sang thể chế mới được 34 năm rồi, suốt chiều dài lịch sử từ thời cộng sản đến thời dân chủ ngày nay, Ba Lan chưa bao giờ thiếu điện. Có thể nói, nguồn cung điện của Ba Lan rất ổn định”.

Theo ông Quân, có được điều đó là vì đất nước này nằm trong nhóm các quốc gia có lượng khai thác, xuất khẩu than đá và than non nhiều nhất thế giới. Ông cho biết đôi khi có việc cắt điện để xử lý kỹ thuật như sửa đường dây hoặc bàn giao thiết bị truyền tải điện, chứ chưa bao giờ phải cắt đường truyền vì thiếu điện.

Vẫn doanh nhân này, người thường xuyên đi lại giữa Ba Lan và Việt Nam trong nhiều năm nay, đưa ra so sánh về mức độ quan liêu và thủ tục hành chính giữa hai nước:

“Ở Ba Lan, vào thời XHCN cũng có những quan liêu hành chính nhưng tôi nghĩ nó không trầm trọng bằng Việt Nam trong những năm gần đây. Vừa là cảm nhận trực tiếp, vừa là nghe dư luận, vừa là tiếp nhận các nguồn thông tin, tôi thấy Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia quan liêu và thủ tục hành chính rườm rà nhất”.

Ông Quân nêu ra các nguyên nhân của tình trạng này gồm thể chế, tuyển dụng cán bộ không đúng năng lực, con ông cháu cha, cán bộ luôn tìm cách gây phiền hà để trục lợi cá nhân ở mọi cơ quan và tất cả các cấp, kể cả cấp trung ương. Đây cũng là những điều chính báo chí Việt Nam đã nêu lên nhiều lần, trích dẫn các ý kiến của giới chuyên gia và người dân.

Nhà kinh doanh sinh sống ở Ba Lan có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, với hàng chục nghìn người theo dõi trên Facebook, đưa ra cảnh báo:

“Thủ tục hành chính quan liêu của Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng triệt để để cải cách nó thì khó thay đổi được. Không những là người dân trong nước, đối với các cơ sở kinh tế trong nước, mà đối với các nguồn đầu tư nước ngoài, người ta vào người ta rất là ngán thủ tục quan liêu hành chính, chạy giấy tờ, chạy bao nhiêu cửa, gõ bao nhiêu nơi”.

(Theo VOA)


Việt Nam ‘sẽ phải vật lộn để đạt mục tiêu điện gió ngoài khơi năm 2030’

Vietnam, wind power

Nguồn hình ảnh, Getty Images

7 giờ trước

Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu điện gió ngoài khơi vào năm 2030, giám đốc điều hành một công ty năng lượng do nhà nước sở hữu cho biết. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cảnh báo về nhiều rào cản pháp lý cần phải được giải quyết, theo Reuters.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi tốt do gió mạnh và vùng nước nông gần các khu vực đông dân cư. Ước tính ngành này có thể mang lại thêm ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam.

Gió ngoài khơi cũng là ưu tiên hàng đầu của các thành viên G7 vốn đã hứa tài trợ Việt Nam để thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo của đất nước và giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Tuy nhiên, môi trường pháp lý và các điều kiện đầy thách thức đối với ngành này trên toàn cầu đang làm phức tạp thêm kế hoạch lắp đặt 6 gigawatt (GW) công suất gió ngoài khơi của Việt Nam vào năm 2030 – từ con số 0 hiện nay – gần tương đương với công suất bổ sung trên toàn thế giới vào nửa đầu năm 2023, theo tới hiệp hội Diễn đàn Thế giới Gió ngoài khơi.

“Rất khó để đạt được 6 GW vào năm 2030,” vị giám đốc điều hành này – người từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông – cho biết.

Các chuyên gia trong ngành ước tính rằng việc xây dựng một trang trại gió ngoài khơi thường mất hơn 5 năm và thậm chí còn lâu hơn nữa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam – nơi phụ trách chính sách khí hậu và các cuộc đàm phán với các đối tác G7 về quỹ đầu tư cho điện gió – đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Bộ Công thương Việt Nam và công ty PetroViệt Nam cũng không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về khả năng đạt được mục tiêu năng lượng gió vào năm 2030.

Việt Nam hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi, mặc dù công suất năng lượng gió và mặt trời trên đất liền tăng đột biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều cơ sở điện gió và mặt trời mới lắp đặt đã gặp khó khăn trong việc kết nối với mạng lưới điện kém phát triển của đất nước.

Sự đột phá của Việt Nam vào lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi diễn ra đúng lúc ngành này phải đối mặt với chi phí vay cao hơn và sự chậm trễ về nguồn cung khiến các dự án trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Hoa Kỳ và Anh, bị đình trệ.

Các thành viên G7 đã nêu quan ngại về việc Việt Nam “thiếu các chính sách, quy định và thủ tục phù hợp” trong một tài liệu được chuẩn bị trước Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc bắt đầu vào ngày 30/11 tại Dubai.

Tài liệu này ghi lại các cuộc thảo luận với Hà Nội về tài trợ khí hậu và cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon.

Được hoàn thiện vào cuối tháng 10 và được Reuters xem xét, tài liệu cảnh báo thiếu dữ liệu về tốc độ gió ngoài khơi và cấu trúc đáy biển ngoài khơi Việt Nam. Nó cũng lưu ý rằng Việt Nam có năng lực tài chính trong nước hạn chế và ít kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Tài liệu cho biết, không gian biển cũng cần phải được xác định rõ ràng, điều này sẽ giúp tránh nguy cơ các khu vực sau này có thể được giao cho mục đích quân sự hoặc vận chuyển và xâm lấn các trang trại gió ngoài khơi.

Hà Nội đã liệt kê quy hoạch không gian biển và các quy định về gió ngoài khơi là những hành động có khả năng được hoàn thiện vào năm 2025, theo một tài liệu dự thảo được Reuters xem xét liệt kê các dự án có thể đủ điều kiện nhận tài trợ quốc tế.

Tài liệu này dự kiến sẽ được thông qua trước hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Dubai trong tháng này.