Chuyện Việt nam Thứ Năm 14/9/2023: *Cựu tướng Nguyễn Chí Vịnh qua đời 65 tuổi *BT Công an Tô Lâm thăm Trung Quốc *Hỏa hoạn, con dao treo người dân cả nước *Ngộ độc bánh mì Phượng tại Hội An
Quê Hương tổng hợp
Cựu thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh qua đời ở tuổi 65
14/9/2023 – Reuters
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear tại lễ động thổ dự án làm sạch dioxin ở sân bay Đà Nẵng, ngày 9/8/2012.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người có những phát biểu cứng rắn về tranh chấp Biển Đông, qua đời ngày 14/9/2023 “vì bệnh hiểm nghèo”, hưởng thọ 65 tuổi, truyền thông Việt Nam loan tin.
Tướng Vịnh từng giữ chức thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam trong 12 năm, trước khi nghỉ hưu vào tháng 12/2021. Khi tại vị, ông đồng thời là Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương.
Báo Chính phủ cho biết ông từ trần rạng sáng 14/9 tại nhà riêng “sau một thời gian lâm bệnh nặng”, nhưng không nêu chi tiết.
“Trong 12 năm làm Thứ trưởng Quốc phòng, ông Vịnh có nhiều đóng góp thúc đẩy đối ngoại quốc phòng Việt Nam phát triển như cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; tổ chức các chuỗi hội nghị quốc phòng – quân sự ASEAN…”, trang này viết.
“Tôi tin rằng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nổi tiếng với lập trường không khoan nhượng trong các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông… Ông đã giành được sự tôn trọng quốc tế”, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski chia sẻ trên Twitter.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc ở Tp. Hồ Chí Minh, nêu nhận định với VOA rằng trong thời bình, tướng Vịnh là người “nổi trội” trong số các tướng lĩnh Việt Nam khi bàn đến chủ quyền dân tộc và tranh chấp lãnh hải.
“Những đóng góp của ông cho an ninh khu vực, cho nền hòa bình của Việt Nam và trong bang giao quốc tế có những điểm sáng, mà có thể ông nổi trội hơn những tướng lĩnh khác cùng thời. Có thể nhờ thời gian ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng, ông thu nhập được rất nhiều tin tức nhiều chiều, trái chiều, đa nguồn, do đó ông có cơ sở để đánh giá tình hình trong nước, tình hình khu vực, quốc tế để có những quyết sách, tham mưu cho lãnh đạo cấp trên”.
Tiến sĩ Đinh Kim Phúc đánh giá cao lập trường và thái độ của vị tướng vừa qua đời:
“Trong các diễn đàn an ninh khu vực, ví như như Shangri-la, AFR…ông có thái độ hết sức cương quyết, khôn ngoan, giữ vững lập trường bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và không để có sự va chạm bởi các siêu cường đang tranh giành quyền lực, cũng không làm mất lòng Trung Quốc, nhưng cũng không phải quỵ lụy Trung Quốc để mưu cầu một nền hòa bình gì đó cho Việt Nam”.
“Không một ai ở đất nước này có suy nghĩ rời bỏ hoặc nhân nhượng về chủ quyền, đặc biệt là những nhà lãnh đạo. Nếu để mất Biển Đông thì quân đội Việt Nam, các nhà lãnh đạo sẽ có tội với đất nước. Trong quân đội, từ trên xuống dưới, đều coi Biển Đông là sống còn. Chủ quyền lãnh thổ là điều chúng ta tuyệt đối không bao giờ buông tay”, ông Vịnh nói với báo giới trong nước, vài tháng trước khi ông nghỉ hưu vào năm 2021.
“Không ai và không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên vì chúng tôi độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình”, ông Vịnh nói với truyền thông trong nước vào năm 2020.
Trong quan hệ với Hoa Kỳ, ông Vịnh được các quan chức ở Washington đánh giá rất cao về những nỗ lực trong việc bình thường hóa, giải quyết những vấn đề hậu chiến tranh, tẩy độc dioxin, quan hệ song phương về an ninh quốc phòng…
“Tướng Vịnh là quan chức Việt Nam chính của tôi trong việc giải quyết di sản của ô nhiễm dioxin tại các căn cứ quân sự cũ của Mỹ và nhu cầu của người Việt Nam bị khuyết tật nặng về thể chất và nhận thức do phơi nhiễm dioxin. Tôi xem ông ấy như là một người bạn…” Thượng nghị sĩ Patrick Leahy phát biểu tại Thượng viện Mỹ vào tháng 3/2021.
Thượng tướng Vịnh, quê ở Thừa Thiên Huế, là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – cố chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Việt Nam. Cha ông là người đã lãnh đạo lực lượng Cộng sản trong “Chiến tranh chống Mỹ” cho đến khi ông qua đời trong một hoàn cảnh được cho là “đáng ngờ” vào năm 1967, hưởng dương 53 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thăm Trung Quốc
Liên Thành
Bộ trưởng Tô Lâm và ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban bí thư, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng. (Ảnh: bocongan).
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 12 – 16/9.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 12 – 16/9, chiều 13/9, tại thủ đô Bắc Kinh, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, đã chào xã giao ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng và ông Vương Tiểu Hồng, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đồng chủ trì Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng, chống tội phạm lần thứ 8 giữa Bộ Công an hai nước.
Cùng tham dự các hoạt động với Bộ trưởng Tô Lâm có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo các đơn vị chức năng Bộ Công an và Giám đốc công an một số tỉnh, thành.
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hưởng lợi từ ngân hàng của bà Nguyễn Thanh Phượng?
Cát Tường/VNTB
13/9/2023
Tin chắc rằng việc chọn ngân hàng làm lãnh vực đầu tư của bà Nguyễn Thanh Phượng, đã được hưởng lợi từ chức danh là người đứng đầu chính phủ…
Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường theo cách hiểu của người Mỹ, vậy thì những hành vi tương tự trong làm ăn của “con ông cháu cha” có bị xử trí?
Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.
Giả dụ khi Hoa Kỳ công nhận, vậy thì luật pháp của Việt Nam có tu chỉnh để có thể thích hợp với cách mà Hoa Kỳ – tạm gọi là “đốt lò” cho chuyện chống tham nhũng trong các nhóm lợi ích về chính sách?
Có thể dẫn chứng trường hợp của ông Biden, Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, người vừa rời Hà Nội hôm 11-9-2023.
Ngày 12-9 (giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tuyên bố bắt đầu quá trình luận tội ông Biden với việc mở cuộc điều tra. Theo đó, Tổng thống Mỹ đối mặt cáo buộc đã hưởng lợi từ công việc kinh doanh ở nước ngoài của con trai mình, ông Hunter Biden, trong giai đoạn làm phó tổng thống từ năm 2009 đến năm 2017.
Ông McCarthy cho biết: “Chúng tôi sẽ đi đến nơi mà các bằng chứng chỉ đến”.
Phản hồi quyết định trên, người phát ngôn Nhà Trắng Ian Sams tuyên bố trên mạng xã hội: “Chính trị cực đoan ở mức tồi tệ nhất”.
Trong đời sống chính trị ở Mỹ thì tin tức trên là bình thường, không cực đoan – tồi tệ như nhận xét cảm tính của Ian Sams. Bởi rất đơn giản Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền cho Quốc hội luận tội các quan chức liên bang, bao gồm cả tổng thống về tội phản quốc, hối lộ và “các tội trọng và tội nhẹ khác”.
Một tổng thống có thể bị cách chức nếu Hạ viện thông qua các điều khoản luận tội theo đa số đơn giản và Thượng viện bỏ phiếu với đa số 2/3 để kết án sau một phiên xét xử.
Đảng Cộng hòa cáo buộc rằng con trai của ông Biden là Hunter Biden đã thu lợi từ các giao dịch kinh doanh với các thực thể nước ngoài bằng cách sắp xếp quyền tiếp cận Phó Tổng thống Biden khi đó. Họ cũng cáo buộc rằng bản thân ông Biden đã được hưởng lợi. Ngoài ra, họ cũng nói rằng Bộ Tư pháp đã can thiệp vào các cuộc điều tra về thuế của ông Hunter Biden.
Mang chuyện xứ Cờ Hoa đặt vào xứ Việt Nam với thắc mắc dễ bị chụp mũ 331: Lúc còn đương chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hưởng lợi từ ngân hàng Bản Việt của con gái ông là bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ hay không?
Lý lịch trích ngang về nghề nghiệp cho biết: bà Nguyễn Thanh Phượng là Chủ tịch Hội đồng Quản Trị, Sáng lập viên Bản Việt (Viet Capital).
Nữ doanh nhân này cũng là thành viên sáng lập của Công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities – VCSC) và Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (Viet Capital Asset Management – VCAM). Bà đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VCSC và VCAM kể từ thời điểm thành lập năm 2007. Bà Phượng cũng là Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bản Việt.
Trong vai trò Chủ tịch, Bà Phượng chịu trách nhiệm về định hướng tầm nhìn, quản trị chiến lược, hỗ trợ Ban Điều hành với mục tiêu đưa Viet Capital trở thành những đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu trên thị trường.
Bà từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Tài chính Công ty Liên doanh Holcim Việt Nam – thuộc Tập đoàn đa quốc gia Thụy Sĩ, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Bà cũng từng giữ vai trò Giám đốc đầu tư của Công ty Vietnam Holding Asset Management.
Bà Nguyễn Thanh Phượng là con gái duy nhất của ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên là Thủ tướng thứ sáu của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2016.
Từ năm 1997 đến năm 2016, thân phụ của bà Nguyễn Thanh Phương cũng đồng thời là Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa X, XI, XII, XIII thuộc đơn vị bầu cử khu vực 3 thành phố Hải Phòng (huyện Tiên Lãng), Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X, XI, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án EPCO – Minh Phụng từ năm 2002.
Ông Nguyễn Tấn Dũng từng giữ chức Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sau Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), ban này chuyển sang cho Bộ Chính trị quản lý, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ ngày 6 tháng 4 năm 2016 ông thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, nghỉ hưu theo chế độ. Ông làm Thủ tướng vào cuối khóa X sau khi ông Khải từ chức rồi làm Thủ tướng qua 2 khóa XI và XII nên ông có 3 nhiệm kỳ làm Thủ tướng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có hàm công an là Thiếu tướng. Tháng 5 năm 1998, Quốc hội thông qua cử ông Nguyễn Tấn Dũng kiêm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chức vụ này ông giữ đến ngày 11 tháng 12 năm 1999 thì bàn giao lại cho ông Lê Đức Thúy, một trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.
…Tin chắc rằng việc chọn ngân hàng làm lãnh vực đầu tư của bà Nguyễn Thanh Phương, đã được hưởng lợi từ chức danh là người đứng đầu chính phủ, và cũng từng đứng đầu hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là thân phụ của bà.
Tham nhũng chính sách là một nghi vấn cho trường hợp cụ thể ở trên, và điều này nếu Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường dành cho Việt Nam, thì “người đốt lò vĩ đại” có lẽ cũng phải “tu chỉnh” hoặc “xây mới” cho phù hợp hơn về “lò đốt” này (!?).
Hỏa hoạn, con dao treo trên đầu người dân cả nước
Kim Ngữ /SGN 13 tháng 9, 2023
Cứu nạn nhân vụ hoả hoạn trong ngõ 29/70 phố Khương Hạ. Ảnh: Dân Trí
Một vụ hỏa hoạn khiến cả nước chấn động vì gây ra cái chết thương tâm của 56 người và 37 người bị thương trong lúc có đến 17 người không còn nhận diện được.
Vụ cháy xảy ra tại chung cư mini 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ (Q.Thanh Xuân). Theo UBND Q.Thanh Xuân, lực lượng chức năng đã cứu được hơn 70 người, đưa đi cấp cứu 54 người, ngay hôm sau vụ hỏa hoạn chủ chung cư này là ông Nghiêm Quang Minh hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã bị bắt và tạm giam khởi tố về tội xây dựng trái phép.
Theo giấy tờ mà ông Minh đưa ra thì giấy phép xây dựng được cấp là 6 tầng nhưng ông Minh xây đến 9 tầng. Giấy phép cấp cho theo diện nhà ở đơn lẻ nên vấn đề phòng cháy chữa cháy không yêu cầu như một chung cư gồm nhiều gia đình chung sống. Lỗ hổng to lớn này là nguyên nhân gây ra cái chết cho 56 con người trong đó có nhiều người cùng chung một gia đình bị chết cháy toàn bộ, tạo ra chấn động lương tâm không những của người dân trong khu vực mà còn trên khắp nước, đánh động những căn hộ chung cư trong cái tên gọi mini mà thực chất là những chung cư như tất cả mọi thể loại chung cư khác trên khắp nước.
Người Việt từng chứng kiến những vụ chữa cháy của các đơn vị phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên cả nước. Với phương tiện chính là xe cứu hỏa nhưng cách vận hành không khác gì những chiếc xe có chở nước nhưng máy bơm thường không bao giờ hoạt động hiệu quả.
Những chiếc xe gọi là cứu hỏa nhưng khi chạy tới hiện trường thì nước không có, phải chờ tìm nguồn nước tại khu phố nơi có những cột nước không hoạt động. Nhân viên cứu hỏa lại cho thấy không được huấn luyện mà chỉ là những nhân viên rất bình thường, họ đến vùng bị cháy trong tư thế vừa thờ ơ chen lẫn sợ sệt, làm lấy có và chưa khi nào có thói quen cứu hỏa thật sự của người chuyên nghiệp.
Hai nữa, nhiều vụ cháy do chập điện cũng được người dân ghi hình lại nhìn mà thấy thương cho người trách nhiệm chữa cháy. Điện chập lại làm sao dùng nước mà cứu được, trong khi trên nguyên tắc cứu điện phải dùng foam, vì nước không thể đủ để dập tắt một vụ hỏa hoạn do điện gây ra.
Trong vụ cháy tại chung cư mini Khương Hạ, ông bảo vệ chung cư là Ngô Phó Điền cho báo chí biết khi lửa bắt đầu trên bảng điện tại tầng chứa xe của chung cư thì chỉ bằng một bàn tay, khi phát hiện ông dùng bình cứu hỏa xịt vào ngọn lửa nhưng không dập tắt được và sau đó lửa lan nhanh lên các tầng trên.
Đây là cách mà người dân trị lửa khi thấy một đám cháy thường do điện gây ra, nhất là khi pin điện thoại phát nổ hay cháy. Thật ra muốn cứu lửa trong các vụ hỏa hoạn này thì phải dùng thật nhiều nước mới mong dập tắt được ngọn lửa, còn các loại bình xịt cứu hỏa thông thường khó mà dập tắt vì các loại pin lithium-ion tự giải phóng được oxy để duy trì sự cháy.
Việc bắt giữ chủ chung cư sau khi hỏa hoạn chết người xảy ra là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu vụ án chỉ chấm dứt tại đó. Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan trách nhiệm trước sự việc rất phổ biến này là trách nhiệm của thanh tra xây dựng, phương án PCCC của cơ quan chức năng và luật lệ hiện đang áp dụng trên khắp cả nước.
Chung cư mini 9 tầng bị cháy trong ngách nhỏ ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Ảnh: Dân Trí)
Khi bắt đầu đổ những xe cát đầu tiên chuẩn bị xây dựng một căn nhà thì hầu như bạn sẽ gặp ngay những toán người rảo bước trước cái đống cát, gạch vụn, hay xi măng ấy. Chỉ cần nhát cuốc đầu tiên vừa hạ xuống là bạn nhận ngay sự chiếu cố của toán người của cơ quan quản lý xây dựng tới hỏi giấy phép cùng các việc linh tinh khác.
Những câu hỏi đưa ra cốt để moi tiền vì họ biết chắc không ai dám xây dựng một căn nhà, hay sửa sang một căn phòng mà không có phép. Nhưng bạn yên tâm, nếu chung chi đủ bạn sẽ không gặp bất cứ rắc rối nào, còn không thì… cứ đợi đấy!
Vì bạn xây nhà để ở nên việc PCCC sẽ không là vấn đề, miễn là bạn tự khéo léo trong căn nhà của bạn. Ở một cấp độ khác khi bạn xin phép nhà ở bạn có thể chia phòng nhỏ ra rồi cho thuê, như chung cư mini, thì bạn không cần theo tiêu chuẩn PCCC của một chung cư, có nghĩa không cần có lối thoát hiểm, có phương tiện chữa cháy tại chung cư và nhất là phải có nơi cho xe cứu hỏa vào được.
Cái lỗ hổng này đã xuất hiện rất nhiều năm qua nhưng chính quyền các cấp không hề lo sợ một vụ cháy như hôm nay. Cứ chung chi thoải mái là xong và việc cấp phép xây dựng không hề vi phạm bất cứ một điều khoản nào. Từ những quy định lỏng lẻo như vậy mọi khâu thanh tra, cấp phép đều thoát hiểm một cách ngoạn mục, chỉ có anh chủ nhà, tức là nhân dân, là phải đưa tay vào còng vì cái tội tham lam.
Nếu ông chủ nhà bị bắt khi căn nhà sụp đổ thì còn có lý, vì anh ta cố tình cất thêm 3 tầng không phép, còn bắt giam anh ta vì hỏa hoạn thì e rằng không hợp lý, vì bản thân anh ta đã tuân thủ xin phép và được nhà nước cấp phép mà không hề vi phạm điều lệ PCCC. Không khác gì bà bán dao bị truy tố vì tên giết người dùng con dao bà bán cho hắn ta làm hung khí thủ ác.
Có lẽ nhận thấy lỗ hổng quá lớn này mà Bộ Xây dựng lập tức cùng Bộ Công an bàn thảo biện pháp khắc phục sau vụ hỏa hoạn. Cái người dân cần thấy nhất là quy hoạch nhà ở từ đầu phải có phương tiện PCCC chứ không phải là luật lệ càng đặt ra càng phiền hà người dân.
Hãy dùng tiền của dân mà mua sắm phương tiện đàng hoàng, nước phải có đủ, nhân viên phải chuyên nghiệp, máy móc phải hoạt động hiệu quả và nhất là dừng lại ngay những chung cư mini xây lên cùng với lưỡi dao hỏa hoạn treo trên đầu người thuê chúng.
Ở các nước tiên tiến một căn nhà chỉ được cấp phép khi có gắn hệ thống báo động (alarm) trong nhà, chiếc máy nhỏ bé này từng cứu biết bao sinh mạng khi có khói trong nhà là nó tự động réo to lên cho mọi người chạy trốn.
Cái thứ hai, những chiếc cột nước nằm dọc đường luôn được sơn màu vàng cho dễ thấy và không chiếc xe nào được đậu ngay phần đất dành riêng cho nó, vì vậy khi có hỏa hoạn, xe cứu hỏa tới đâu là cột nước sẵn sàng tới đó. Thứ ba, ở mọi khu dân cư đông đúc hay các khu thương mại đông người khu vực dành riêng cho xe cứu hỏa luôn là ưu tiên một, vì vậy sẽ không hề có sự chen lấn nào ngăn cản người lính cứu hỏa tác nghiệp.
Tiếc thay cách quy hoạch nghiêm khắc này Việt Nam có thể làm theo dễ dàng nhưng bao năm qua vẫn trì trệ và vẫn liên tục “tự hào” vì những điều vô bổ.
Hơn 90 người, gồm du khách ngoại quốc, bị ngộ độc bánh mì Phượng tại Hội An
13/9/2023
Bánh mì Phượng là một thương hiệu được nhiều người Việt trong nước, nước ngoài và du khách ngoại quốc biết đến.
VOV
Hơn 90 người phải nhập viện do bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại Phố cổ Hội An hôm 11/9. Trong số này có hàng chục du khách nước ngoài.
Truyền thông Nhà nước ngày 13/9 dẫn xác nhận của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, bác sĩ Mai Văn Mười, về số nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng như vừa nêu.
Vụ việc được xác minh từ khoảng 8 giờ sáng ngày 11/9, một số người dân và du khách nước ngoài đã ăn bánh mì mua tại tiện Phượng. Bánh mì có pa tê, thịt xá xíu, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo.
Tiệm bánh mì Phượng cho cơ quan chức năng địa phương biết trong ngày 11/9 bán ra tổng cộng 1.920 ổ bánh mì.
Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, một số người ăn bánh mì Phượng mua trong sáng đó bị sốt cao, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy… Tin cho biết đến ngày 13/9 có 32 ca xuất viện; còn 1 ca phải chuyển ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng; ba ca điều trị tạ Bệnh viện Thái Bình Dương, Thành phố Hội An; bốn ca tại Bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Đức.
Cục An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế Việt Nam vào chiều ngày 13/9 gửi công văn cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng để kiểm tra.
Bánh mì Phượng là một thương hiệu được nhiều người Việt trong nước, nước ngoài và du khách ngoại quốc biết đến.