Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 25 tháng 01 năm 2024
Việt Nam “gánh” phần lớn rác thải nhựa từ Châu Âu
25/01/2024
Dòng sông Nam Bắc Ninh chảy qua làng nghề ken đặc rác nhựa
Báo Hưng Yên
Bất chấp những quy định ngặt nghèo của EU về tái chế nhựa, phần lớn các rác thải nhựa từ EU cuối cùng vẫn đến Việt Nam và đang gây ô nhiễm môi trường.
Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utrecht của Hà Lan và Việt Nam mới đây đã tiến hành một nghiên cứu về tình trạng này và công bố báo cáo trên Circular Economy and Sustainability.
Một bài báo về nghiên cứu do Đại học Utrecht công bố hôm 24/1 đã phỏng vấn chuyên gia Kaustubh Thapa, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, các chuyên gia đã đến thăm làng nghề tái chế nhựa Minh Khai ở Hưng Yên và chứng kiến người dân ở đây ăn uống, sinh hoạt giữa những cơ sở tái chế nhựa, làng nghề bị bao phủ bởi mùi của nhựa bị đốt cháy, trẻ em chơi trong môi trường được miều tả là nghẹt thở vì khói nhựa.
Theo nghiên cứu, khoảng bảy triệu lít nước thải độc bị xả ra môi trường nước của làng nghề này mỗi ngày.
Cũng theo nghiên cứu, khoảng một nửa rác thải nhựa từ EU được xuất sang một số nước ở nam bán cầu và phần lớn trong số này là tới Việt Nam.
Trước đây, báo Nhà nước Việt Nam cũng đã có những bài phóng sự tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm ở làng nghề Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm).
Một bài phóng sự của báo Hưng Yên năm 2022 cho biết, làng nghề có “những bãi rác nhựa chất đống, mùi ô nhiễm đặc trưng của phế thải nhựa và mùi hôi của nước thải xả bừa bãi.”
Theo báo, “các điểm tồn đọng rác thải của làng nghề ước tính khối lượng khoảng 150.000 tấn chất thải rắn và nhựa phế thải tại các bãi rác tự phát khu vực xung quanh làng.”
Người dân phản ánh khói đen từ đốt nhựa khiến bầu không khí ngột ngạt, khó thở, nhiều người bị đau đầu, tức ngực.
Bốn năm ngày giỗ cụ Lê Đình Kình: “Nước mắt chảy vòng quanh thôi!”
RFA 25/01/2024
Cảnh sát cơ động sau đêm tấn công vào tư gia của ông Lê Đình Kình
Reuters – RFA edited
Đã bốn năm trôi qua kể từ ngày hàng ngàn cảnh sát cơ động tấn công vào thôn Hoành lúc rạng sáng, bắn chết cụ Lê Đình Kình – thủ lĩnh tinh thần của người Đồng Tâm, nhưng những ký ức đau buồn vẫn còn hiển hiện đối với những người liên quan như mới hôm qua.
Hôm 25/01/2024 (nhằm ngày 15 tháng Chạp âm lịch), cô Lê Thị Nhung – con gái cụ Kình cho biết như nhiều năm qua, gia đình tổ chức giỗ ông đơn giản và gói gọn trong gia đình vì hai chữ “buồn đau.” Cô Nhung nói qua điện thoại với phóng viên RFA như sau:
“Mẹ con nhà em rất là buồn nói chung là cũng chỉ có biết nước mắt chảy vòng quanh thôi, chị em ra vào sụt sịt thôi. Bởi vì ra nhìn thấy nhà cửa, bố mẹ, rồi thì anh em như thế này mà chả được ở, bây giờ nó khổ quá.”
Cô cũng cho biết chính quyền địa phương không gây khó khăn gì cho gia đình trong việc tưởng niệm ông. Chỉ có giỗ đầu là họ đưa người đến canh gần nhà vì “sợ người ở các nơi khác đến chia buồn.”
Gia đình vẫn giữ nguyên các vết tích gây ra bởi đạn của lực lượng công an trong vụ tấn công bốn năm trước vì “Nhà em bảo cứ để đấy để ví dụ như có ai về thăm hoặc gì thì nó vẫn còn nguyên hiện trường, chứ bây giờ mình sửa sang đi thì có khi người ta lại bảo mình nói không đúng sự thật.”
Sau khi cúng giỗ trong nhà xong, những người phụ nữ còn lại của gia đình ra mộ phần của ông Kình và tổ tiên để dọn cỏ, sửa sang để chuẩn bị đón năm mới.
Những người đàn ông trụ cột trong nhà, người thì bị bắn chết như ông Lê Đình Kình, người thì bị tuyên án tử hình như hai con trai của ông là Lê Đình Công và Lê Đình Chức, cháu nội ông Kình là Lê Đình Doanh bị án chung thân, và ba người khác bị án tù từ 12 năm đến 16 năm về tội “giết người” trong khi sáu người khác bị kết án từ 5-6 năm về tội “chống người thi hành công vụ.”
Mười bốn người khác bị kết án tù từ 15 tháng đến ba năm tù nhưng được hưởng án treo về tội danh “chống người thi hành công vụ.”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của RFA trước ngày giỗ chồng lần thứ tư, bà quả phụ Dư Thị Thành cho biết đến nay, chính quyền xã không làm giấy khai tử cho ông Kình vì bà không đồng ý ký giấy thừa nhận ông bị bắn chết ở Đồng Sênh, là cánh đồng mà dân Đồng Tâm cho là của mình còn chính quyền thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức nói là đất quốc phòng.
“Nó bắn chết ông ở nhà mà nó bắt tôi là nhận ở trên Đồng Sênh, tôi không nhận nên bây giờ nó đã làm khai tử cho ông đâu. Phải nhận ở trên Đồng Sênh thì nó mới làm khai tử cho!
Năm 2017 đã đánh ông gãy chân rồi thì tôi toàn ẩn (đẩy) xe lăn đưa ông đi họp đi các nơi thì sao nửa đêm tôi có thể ẩn ông lên Đồng Sênh?!”
Trong vụ tấn công vào thôn Hoành ngày 9/1/2020 (nhằm ngày 15 tháng Chạp âm lịch), chính quyền Hà Nội đã điều động các lực lượng khác nhau lên tới hàng ngàn người, nhưng chủ lực là cảnh sát cơ động với khiên và dùi cui. Trong đêm tối, phía công an đã sử dụng pháo sáng, hơi cay, súng để tấn công vào nhà ông Kình.
Bà Thành, người chứng kiến việc chồng mình bị sát hại tại buồng ngủ, nhớ lại:
“Bọn chúng nó quá là độc ác dã man. Người già hơn 100 tuổi người ta nói chưa bao giờ thấy vụ như thế này, tàn sát dân còn hơn đi đánh nhau, trang bị đầy đủ còn hơn đi đánh nhau.”
Bà Thành cho biết những người được hưởng án treo bị quản chế vô cùng hà khắc ở địa phương, và họ vẫn bị sách nhiễu sau khi hết hạn.
“Bây giờ thì được tự do rồi nhưng mà xin đi đâu đi làm đi ăn thì nó (chính quyền địa phương- PV) không cho đi, vẫn chưa cho đi đâu. Hàng tháng công an nó gọi lên xã làm biên bản.”
Để kiểm chứng thông tin bà Thành cung cấp, phóng viên gọi điện cho Uỷ ban Nhân dân huyện Mỹ Đức nhưng không có ai nghe máy. Cán bộ trực ban của Công an huyện Mỹ Đức đề nghị phóng viên đến cơ quan này để được cung cấp thông tin từ lãnh đạo.
Những người đàn ông trụ cột trong gia đình không còn, bà và gia đình của các con, cháu đang phải chật vật mưu sinh để lấy tiền đi thăm nuôi người thân đang ở tù nhưng luôn bị chính quyền địa phương gây khó dễ.
“Cuộc sống ở nhà bây giờ khó khăn quá. Làm cái gì người ta (chính quyền địa phương- PV) cũng cứ o ép. Chúng nó chèn ép hết các kiểu,” bà Thành chua xót nói.
Tròn bốn năm linh hồn vĩ đại ấy đã bay đi
Nguyễn Thông
25/01/2024
Hôm nay rằm tháng chạp. Bốn năm trước, cái đêm hôm ấy đêm gì, đêm 9.1.2020 Tây, trúng rằm tháng chạp, thứ năm, ngày Tân Hợi tháng Đinh Sửu năm Kỷ Hợi, xứ này xảy ra vụ kinh thiên động địa Đồng Tâm, cụ thể ở làng Hoành. Chính quyền huy động lực lượng tấn công làng. Cụ Lê Đình Kình 57 năm tuổi đảng, từng là bí thư đảng ủy xã, mà chính quyền coi là người cầm đầu lực lượng chống đối (thực ra là giữ đất), bị bắn chết giết ngay tại chỗ, ngay trong nhà “đương sự”, nhiều người khác bị bắt giam.
Nguyên do cũng từ chính sách về đất đai, bắt nguồn từ Luật Đất đai sở hữu toàn dân đầy những phi lý. Rồi sau này, khi thời thế đổi thay, lịch sử được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, vụ việc sẽ được đánh giá lại, con người cụ Kình sẽ được trả về tầm cỡ lịch sử. Còn tới khi nào thì chưa biết được.
Đêm khuya ngày này bốn năm trước ấy, tôi đang ở quê Phòng, cùng với anh trai tôi, một cựu chiến binh, thương binh. Hai anh em về quê bởi bà chị cả mất trước đó mấy ngày. Xong chuyện “hậu sự” cùng về quê làng, nơi thày bu tôi và mấy chị em đã gắn bó. Đêm lạnh, nhà chỉ có hai anh em cùng nơi xa về, cứ rủ rỉ rù rì trò chuyện suốt đêm, moi móc ký ức đủ điều vui buồn. Thương nhớ những người đã khuất, cả những người còn sống, người làng sang người nước. Gần sáng bạch mới chuẩn bị đi… ngủ, thì đọc tin trên mạng, trên báo vụ Đồng Tâm, vụ cụ Kình bị đồng chí đồng đội đồng đảng bắn chết.
Ông anh tôi, gần 50 năm tuổi đảng, chiến binh vào sinh ra tử, từng bị thấm câu thơ của nhà nước “ta giữ cho ai mảnh đất này” cứ ngồi thần ra không nói không rằng. Tôi sợ anh mình trời rét bị làm sao, lay nhẹ và hỏi anh có bị sao không. Anh tôi, mắt rực lửa, nói nhỏ “khốn nạn, cực kỳ khốn nạn, ác độc”. Một chút sau, anh nói thêm “những người như cụ Lê Đình Kình không bao giờ chết. Cái linh hồn vĩ đại ấy đã bay đi”. Tôi biết, anh tôi từng đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo nên vận ngay câu ấy vào thời sự.
Giờ anh tôi cũng đã đi rồi, không tránh được trời định. Bốn năm đã trôi, trong cái tiết đông hàn của miền Bắc lạnh giá, tôi lại bồi hồi nhớ tới anh và lời nói của anh mình về nhân vật lịch sử Lê Đình Kình, đúng bốn năm trước.
Tuần báo Anh ‘The Economist’ nhận định gì về Việt Nam?
Thái Ngọc/SGN
24/01/2024
Một góc Sài Gòn ngày nay (ảnh: tron le/Unsplash)
Tuần báo nổi tiếng của Anh, The Economist (trong số ra ngày 23 Tháng Giêng 2024) vừa có một bài ngắn phân tích về bức tranh chính trị-kinh tế Việt Nam. Xã luận này có gì đáng chú ý? Dưới đây là những ý chính…
Ngày 12 Tháng Giêng, nhà lãnh đạo 79 tuổi Nguyễn Phú Trọng đã không gặp Tổng thống Indonesia. Tên ông Trọng bị xóa khỏi lịch chính thức mà không có lời giải thích. Tin đồn lan truyền rằng ông đã chết. Trong suốt ba ngày, thiên hạ đồn đoán về người kế nhiệm ông… Sau đó, ngày 15 Tháng Giêng, các phương tiện truyền thông chính thức cho thấy hình ảnh ông Trọng yếu đuối dự một phiên họp chán ngắt của Quốc hội ở Hà Nội, như thể để hét lên “Tôi chưa chết!” – giống như gã nạn nhân bệnh dịch của gánh xiếc hài Monty Python. Công chúng có thể không bao giờ biết liệu bệnh tật hay điều gì khác đã khiến người đứng đầu Đảng Cộng sản biến mất.
Mọi người đều muốn trở thành bạn của Việt Nam. Điều này một phần là yếu tố địa chính trị. Việt Nam, quốc gia với dân số 100 triệu, đã khéo léo đặt họ vào vị trí giữa Trung Quốc và Mỹ, khiến cả hai siêu cường phải ra sức tán tỉnh. Năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất vinh dự đón các chuyến thăm cấp nhà nước của Joe Biden lẫn Tập Cận Bình. Tháng Chín 2023, họ đã nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, đặt ngang hàng với Nga và Trung Quốc.
Dù đảng cầm quyền Việt Nam có nhiều điểm chung với đảng (cộng sản) Trung Quốc, nhưng người dân Việt Nam vẫn luôn nghi ngờ người hàng xóm khổng lồ luôn bày trò bắt nạt. Một cuộc thăm dò của Asian Barometer cho thấy chỉ 25% người Việt Nam có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, trong khi 85% có cái nhìn tích cực về Mỹ… Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa giữa những năm 1980, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ bằng một nửa so với Kenya. Nhờ các chính sách thực tế và ngày càng ủng hộ doanh nghiệp, thu nhập bình quân giờ đây tăng gấp sáu, lên $3,700. Tham vọng đưa Việt Nam trở thành nước giàu vào năm 2045 không phải không có lý. Về mặt kinh tế, Việt Nam có lẽ chưa bao giờ đối mặt một môi trường toàn cầu lành tính hơn thế.
Địa chính trị đang thúc đẩy đầu tư vào đất nước này, khi Mỹ tìm cách tách khỏi Trung Quốc và các công ty tư nhân thuộc mọi quốc tịch cảm nhận được gió đang thổi theo hướng nào. Các công ty xuất khẩu sang phương Tây đang chuyển sản xuất sang Việt Nam. Trong ba quý đầu năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tính theo tỷ trọng trong GDP lớn gấp đôi Indonesia, Philippines hoặc Thái Lan, theo tính toán của ngân hàng CLSA.
IMF nhận định, nếu thế giới tiếp tục bị phân mảnh thành các khối thương mại cạnh tranh nhau, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Và với tỷ lệ linh kiện Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao trong nhiều sản phẩm được dán nhãn “Made in Vietnam”, không rõ Mỹ thực sự đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức nào bằng cách chuyển chuỗi cung ứng sang đó. Nhưng cho đến nay sự thay đổi này vẫn có lợi cho Việt Nam.
Tăng trưởng GDP rất gập ghềnh: Sụt giảm trong thời kỳ đại dịch, tăng trở lại 8% vào năm 2022, giảm xuống 4.7% vào năm 2023 trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng và dự kiến sẽ phục hồi lên 5.8% trong năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ở vị trí thuận lợi để tiếp tục thu hút đầu tư – Tony Nafte thuộc CLSA lập luận. Việt Nam cởi mở trong thương mại so với các nước Đông Nam Á. Thương mại vào năm 2022 tương đương với con số khổng lồ là 186% GDP, so với 45% ở Indonesia, 72% ở Philippines và 134% ở Thái Lan.
Lực lượng công nhân sản xuất trẻ, dồi dào của Việt Nam rất siêng năng, có trình độ học vấn khá cao và lương bổng chỉ bằng một nửa so với công nhân ở các vùng ven biển Trung Quốc. Một ông chủ nhà máy nhận xét rằng Việt Nam, không như Indonesia và Philippines, không gặp vấn đề gì với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Việt Nam cung cấp những ưu đãi béo bở cho giới nhà đầu tư nước ngoài, từ giảm thuế đến giá đất rẻ…
Tuy nhiên, đất nước này đang gặp phải một vấn đề chính trị lớn: Chính phủ bị tê liệt vì sự thiếu quyết đoán. Nguyễn Phú Trọng phải rút lui trước năm 2026. Nỗi hoảng sợ về tin đồn Trọng “băng hà” nhắc mọi người rằng thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông vẫn chưa rõ ràng. Do chẳng ai biết mình phải làm hài lòng ai trong vài năm tới, các quan chức ngần ngại đưa ra những quyết định quan trọng. Cuộc trấn áp tham nhũng bằng chiến dịch “đốt lò” do Trọng khởi xướng khiến họ càng lo lắng hơn. Hàng trăm người đã bị bắt, và năm ngoái chủ tịch nước (người đứng thứ ba trong hệ thống cấp bậc) đã bị buộc phải từ chức.
Trong cuộc cải tổ sắp tới, bất kỳ vụ bê bối nào cũng có thể được sử dụng để hủy hoại sự nghiệp của họ, hoặc tệ hơn. Do đó, cách an toàn nhất là không làm gì. Thử xem xét ngành năng lượng. Việt Nam đã làm rất tốt việc kết nối lưới điện hộ gia đình (gần 100% dân cư nông thôn có điện, tăng từ 14% năm 1993). Nhưng khi ngành công nghiệp phát triển thì nhu cầu về điện tăng theo. Một ông chủ sản xuất cho biết nguồn cung cấp điện rất chập chờn. Việc cắt điện năm ngoái là “khủng khiếp”.
Dù giới đầu tư nước ngoài muốn nói với khách hàng và cổ đông rằng họ muốn sử dụng năng lượng sạch nhưng Việt Nam đang gặp khó khăn khi nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá. Không khí ô nhiễm ở Hà Nội còn tệ hơn Thượng Hải. Lời hứa đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 chỉ có thể được thực hiện trừ khi đất nước tận dụng được gió từ bờ biển dài 3,000 km. Tuy nhiên, một nhà điều hành năng lượng gió phàn nàn rằng quy trình cấp phép khảo sát đáy biển để tìm địa điểm phù hợp là “cực kỳ chậm”. Ông thở dài: Có rất ít khung pháp lý cho việc lắp đặt tua-bin hoặc bán điện lên lưới điện. Các bộ liên quan hầu như không trao đổi với nhau, mọi việc đều phải thông qua nhà cung cấp điện quốc doanh…
Giới bảo vệ môi trường phàn nàn rằng các nhóm lợi ích (tức là các ông lớn đã đầu tư vào than) đang cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước. Một số nhà bảo vệ môi trường đã bị bỏ tù, với tội “gian lận thuế”. Trong khi đó, một số người trong đảng cầm quyền hiểu rằng Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng như thế nào bởi hiện tượng nóng toàn cầu. Đồng bằng Mekong đang chìm, có nghĩa biển có thể nuốt chửng nó.
Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại và môi trường kinh doanh toàn cầu vốn đang thay đổi với tốc độ cực nhanh, do đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải theo kịp. Thực tế lại không. Ví dụ, chính sách giảm thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài đã trở nên kém hấp dẫn hơn kể từ khi OECD, câu lạc bộ các nước giàu, đồng ý áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Giám đốc một nhà sản xuất nước ngoài cảnh báo, các công ty đa quốc gia trả ít hoặc không trả gì ở Việt Nam có thể phải chịu mức phí cao hơn ở những nơi khác. Ông cho rằng thay vì đề nghị giảm thuế, chính phủ nên đơn giản hóa các quy định. Bruno Jaspaert, ông chủ của Deep C, một khu công nghiệp ở Hải Phòng, đồng tình: “Cơ hội là rất lớn nhưng quan liêu là vấn đề lớn nhất”. Các quy định thường mâu thuẫn; một số dự án cần sự phê duyệt của hàng chục bộ.
Ngoài ra, mạng giao thông công cộng còn kém. Và dù bị trấn áp nhưng tham nhũng vẫn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Một doanh nhân nước ngoài phàn nàn việc phải tuân theo hai bộ quy tắc: Quy tắc chính thức, chẳng hạn đóng thuế hoặc tuân thủ qui định phòng cháy chữa cháy; và quy tắc không chính thức, như chi tiền cho quan chức địa phương để họ không làm khó dễ bằng những cuộc “kiểm tra”.
Việt Nam đã vươn lên từ tình trạng nghèo đói trầm trọng đến khá thịnh vượng chỉ trong một thế hệ. Nhưng nước này cần tiếp tục cải cách. Những cơn gió địa chính trị có thể thay đổi. Các đối thủ có thể cạnh tranh mạnh hơn. Trong khi đó, dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng. Dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm sau năm 2038. Và người dân nước này có thể chán đảng cầm quyền nếu mức sống không tiếp tục tăng nhanh. Chế độ nào cũng vậy, tương tự các nhà lãnh đạo, không thể tồn tại mãi.
Trung Quốc bác bỏ yêu sách của Việt Nam ở Biển Đông
REUTERS – 25/01/2024
BẮC KINH – Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông đã được “lịch sử” chứng minh sau khi Việt Nam cuối tuần qua nhắc lại rằng họ có đủ bằng chứng để yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo này.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được Việt Nam gọi là quần đảo Hoàng Sa và Trọng Sa, nằm ở Biển Đông, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở hầu hết ở tuyến đường thủy toàn cầu sầm uất này . Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei nằm trong số các bên tranh chấp khác.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm thứ Bảy cho biết Việt Nam có “cơ sở pháp lý đầy đủ và bằng chứng lịch sử phong phú” để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này, khi trả lời câu hỏi của giới truyền thông về việc Trung Quốc “xâm lược” quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
“Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được xác lập ít nhất từ thế kỷ 17 phù hợp với luật pháp quốc tế và được các quốc gia Việt Nam kế tiếp nhau thực hiện một cách hòa bình, liên tục và công khai”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tuyên bố của Trung Quốc “hoàn toàn được lịch sử và luật pháp chứng minh”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, phát triển và quản lý các đảo và quần đảo này, đồng thời tiếp tục thực thi quyền tài phán chủ quyền đối với chúng”.
“Trung Quốc luôn phản đối các yêu sách bất hợp pháp của các nước liên quan đối với lãnh thổ Trung Quốc và sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền của mình.”
Việc Việt Nam tái khẳng định các yêu sách của mình trùng hợp với việc Philippines tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ lâu nay ở các khu vực khác trên Biển Đông sau các cuộc chạm trán kịch tính trên biển giữa các tàu Trung Quốc và Philippines gần vùng lãnh thổ tranh chấp.
Vào tháng 12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam và ký thỏa thuận hướng tới xây dựng một cộng đồng có “tương lai chung” giữa hai nước.
Xung đột tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023
Tác giả: Vince McDonagh
25/01/2024
(VNTB) – Việt Nam không đạt được xuất khẩu thủy sản năm trong năm 2023 do xung đột Nga-Ukraine và rắc rối ở Trung Đông
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 – chủ yếu liên quan đến nuôi trồng thủy sản – đạt 9,2 tỷ USD, chỉ kém một chút so với mục tiêu 10 tỷ USD đã đặt ra vào đầu năm.
Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết các loài xuất khẩu chính là tôm với giá trị 3,45 tỷ USD và cá tra với giá 1,9 tỷ USD , cả hai đều được nuôi nhiều. Tiếp theo hai loài này là nhuyễn thể và cá ngừ.
Ban Giám đốc cho biết lý do chính khiến họ không đạt được mục tiêu là do tác động tổng hợp của cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần hai năm và gần đây hơn là rắc rối ở Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel-Gaza. Cả hai đều có tác động làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
Lạm phát cũng đang có tác động do giá một số hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào phát triển nuôi trồng thủy sản vẫn còn cao.
Chính phủ cho rằng chi phí hậu cần cao đang gây áp lực lên hoạt động sản xuất, đặc biệt khi nhu cầu tiêu dùng chậm lại.
Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong xuất khẩu sang châu Âu, với việc Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng” về truy xuất nguồn gốc đối với một số loại thủy sản, đồng nghĩa với việc xuất khẩu không đạt mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Quản lý tàu cá và Dịch vụ hậu cần nghề cá cho biết, việc hoàn thiện phần mềm Nhật ký điện tử (“E-logbook”) để truy xuất nguồn gốc hải sản là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Nhật ký điện tử là ứng dụng dành cho ngư dân và người sản xuất hải sản, hiện đang được thử nghiệm.
Ông cũng muốn thấy việc tăng cường kiểm tra xung quanh việc giám sát và thực hiện các quy định quản lý ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh số hóa dữ liệu là cơ sở quan trọng để quản lý, điều hành và minh bạch nghề cá.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chỉ ra những khó khăn ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục gặp phải trong năm nay khi nguồn lợi thủy sản suy giảm và EU tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng” ở một số lĩnh vực.
_____________
Nguồn:
Vince McDonagh – Fishfamer magazine – Conflicts impact on Vietnam 2023 seafood exports
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng bị bắt
Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
Tối ngày 24/1, ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Quận bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Động thái trên đưa ra trong quá trình Cơ quan điều tra mở rộng điều tra vụ án Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Lâm Đồng và các đơn vị dự án Khu đô thị Thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Theo ông Xô, hành vi vi phạm của ông Quận được xác định liên quan đến dự án Đại Ninh gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Vụ án này thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Ông Trần Đức Quận (SN 1966, quê tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) trải qua nhiều vị trí từ Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai (Lâm Đồng), Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Phó bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng. Tháng 10/2020, ông Quận được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Trước đó, ngày 2/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội “Nhận hối lộ”, vì sai phạm liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Hồi năm 2021, ông Trần Văn Hiệp và ông Trần Đức Quận bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau khi xem xét kết quả giám sát một số tổ chức đảng và đảng viên.
Theo đó, ông Hiệp và ông Quận bị kết luận đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đầu tư, đất đai, nhà ở, bảo vệ môi trường.
Liên quan đến dự án của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh, tháng 3/2023, C03 đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra hành vi Nhận hối lộ.
Tháng 8/2023, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan vụ án nhận hối lộ nói trên.
Cơ quan chức năng xác định bà Ngọc đã lợi dụng vị trí công tác làm trái chức trách, nhiệm vụ được phân công trong việc giải quyết thanh tra, khiếu nại đối với dự án Công ty Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư ở Lâm Đồng.
Phạm Toàn
Vụ AIC: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị bắt
Ông Nguyễn Nhân Chiến bị điều tra về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến Công ty AIC. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
Ông Nguyễn Nhân Chiến bị điều tra về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến Công ty AIC.
Chiều 24/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Ông Chiến bị điều tra về tội Nhận hối lộ, quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.
Liên quan vụ án này, trước đó, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị can gồm: Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế; Nguyễn Đằng An, cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế; Nguyễn Kim Huân, cựu Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế; Nguyễn Viết Toản, cựu nhân viên Công ty AIC; Nguyễn Đăng Linh, cựu nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE và Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty AIC.
Mới đây, ngày 19/1, C03 tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Hạnh Chung, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, hiện là Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, cùng về tội Nhận hối lộ.
Khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Tiến Nhường, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, về tội Đưa hối lộ.
Phạm Toàn
Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức tiếp tục bị đề nghị truy tố liên quan Việt Á
TS.Bs Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức khi đưa ra các việc cần làm tại bệnh viện trong đợt dịch COVID-19, hồi năm 2020. (Ảnh: benhvienthuduc.vn)
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đề nghị truy tố ông Nguyễn Minh Quân trong việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa và Nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức, Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong.
Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố các bị can, gồm: Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Phạm Vũ Phong (Giám đốc Công ty Nam Phong) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Bà Trương Thị Bảo Trân, nhân viên vật tư trang thiết bị y tế (Bệnh viện Thủ Đức), bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ; Bà Mai Lệ Quyên, trưởng khoa vi sinh, Bệnh viện TP. Thủ Đức, bị đề nghị truy tố về Tội nhận hối lộ; Bà Nguyễn Lan Anh (cựu Phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra bổ sung, ngày 20/8/2020, Bệnh viện Thủ Đức có kế hoạch triển khai xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 nên đã tìm các đối tác đảm bảo nguồn vật tư, kit xét nghiệm…
Sau khi bệnh viện liên hệ Công ty Việt Á, ông Lê Trung Nguyên (nhân viên kinh doanh) đã giới thiệu kit xét nghiệm do công ty này sản xuất. Ông Nguyên giới thiệu bạn thân là ông Phạm Vũ Phong bán kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất trực tiếp từ Công ty Nam Phong.
Ông Quân với vai trò là giám đốc Bệnh viện Thủ Đức đã ký các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong khi chưa thẩm định hồ sơ; thẩm định hồ sơ đề xuất của nhà thầu, xếp hạng nhà thầu…
Bản chất việc thực hiện hồ sơ các gói thầu cho Công ty Việt Á và Nam Phong để hợp thức hóa hồ sơ nhằm thanh toán số lượng kit xét nghiệm do Công ty Việt Á và Nam Phong cung ứng trước; không xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu… gây thiệt hại cho Bệnh viện Thủ Đức hơn 14,9 tỷ đồng.
Ông Phong dù biết công ty của mình không đủ tính hợp lệ với tư cách pháp nhân của nhà thầu, nhưng vẫn sử dụng pháp nhân của Công ty Nam Phong nhằm gian dối, thông thầu.
Thực hiện 1 gói thầu chào hàng cạnh tranh, 4 gói thầu chỉ định rút gọn và 33 gói chỉ định thầu mua kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ Công ty Nam Phong.
Theo kết luận điều tra bổ sung, về hậu quả thiệt hại, giá kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận) tối đa là 143.461 đồng/kit.
Bệnh viện Thủ Đức đã thanh toán cho Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong để mua kit xét nghiệm là hơn 24,9 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Thủ Đức thanh toán hơn 640 triệu đồng cho Công ty Việt Á và thanh toán 24,3 tỷ đồng cho Công ty Nam Phong (còn 8,9 tỷ đồng chưa thanh toán).
Các cá nhân tại Bệnh viện Thủ Đức không làm đúng quy trình đấu thầu, dẫn đến thiệt hại cho bệnh viện hơn 14,9 tỷ đồng.
Phạm Toàn
XEM THÊM
VNTB – Đòi lại Tòa Thánh Tây Ninh
Hà Nguyên
(VNTB) – Các tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài Việt Nam đang ráo riết vận động lấy lại các cơ sở tôn giáo cho kịp kỷ niệm 100 năm khai đạo gần cuối năm 2025.
Hôm 23-1-2024, tổ chức Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, là mạng lưới gồm khoảng 800 nhà vận động cho tự do tôn giáo, bắt đầu luân lưu lá thư chung để lấy chữ ký ủng hộ chiến dịch của các tín đồ Cao Đài nhằm đòi lại nhiều trăm cơ sở tôn giáo đang bị chiếm dụng bởi một tổ chức được nhà chống lưng bởi nhà nước Việt Nam nhưng bị xét là tổ chức tội phạm bởi toà án Hoa Kỳ.
Danh sách chữ ký tiên khởi gồm 10 tổ chức và 25 nhân sĩ.
“Mục tiêu của chúng tôi là đạt tối thiểu 50 chữ ký trước ngày 30 tháng 1, ngày khai mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế” – Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhấn mạnh.
Hội nghị này, năm nay là lần thứ 4, sẽ được tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ trong hai ngày 30 và 31 tháng 1. Ước tính sẽ có trên một ngàn người tham gia. BPSOS, đồng tổ chức hội nghị, sẽ phân bổ nhiều tình nguyện viên để hỗ trợ khoảng 7, 8 tín đồ Cao Đài trong công tác lấy chữ ký. “Chúng tôi cố gắng đạt mục tiêu thêm 50 chữ ký trong 2 ngày hội nghị”, Ts. Thắng giải thích: “Sau đó, thư chung sẽ được gửi đến các giới chức Liên Hiệp Quốc và 42 quốc gia quan tâm đến tự do tôn giáo”.
Phía BPSOS nhận định rằng các tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài Việt Nam đang ráo riết vận động lấy lại các cơ sở tôn giáo cho kịp kỷ niệm 100 năm khai đạo gần cuối năm 2025. Nhằm hỗ trợ chiến dịch đòi lại cơ sở tôn giáo, một nhóm tín đồ Cao Đài đang lập danh sách các cơ sở tôn giáo đang bị chiếm dụng bởi tổ chức tội phạm kể trên. (Danh sách sơ khởi: https://vnforb.org/danh-sach-
BPSOS kêu gọi các tổ chức tôn giáo và các chức sắc tôn giáo tham gia ký tên trực tiếp tại đây , hoặc dùng tiếng Việt ký tên tại đây.
Từ giác độ pháp lý cho thấy các yêu sách kể trên là nhằm phủ nhận tính hợp pháp mà Bộ Nội vụ Việt Nam đã cấp về chứng từ hành chính với tôn giáo Cao Đài. Ngoài ra ở đây còn là vấn đề liên quan đến đất đai thuộc sở hữu tôn giáo theo pháp luật dân sự của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Theo quy định của Chỉ thị số 1940/CT-TTg “Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 31-12-2008, thì “Đối với nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 thì thực hiện theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan”.
Theo Nghị quyết 23/2003/QH11, thì ở Điều 1 ghi rõ “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.
Như vậy giả dụ như BPSOS có thành công trong yêu cầu thay đổi “chứng từ hành chính với tôn giáo Cao Đài”, song việc đòi lại các cơ sở đất đai tôn giáo, bao gồm Thánh Thất là điều là giới hạn của pháp luật Việt Nam được ghi rõ ở Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội.
Một lưu ý khác cần được khuyến cáo về tính cẩn trọng: BPSOS là tổ chức vận động đến từ nước ngoài. Phía tín đồ Cao Đài hiện sống ở Việt Nam cần biết tiết chế cảm xúc trong hưởng ứng để tránh bị nhà nước cộng sản Việt Nam quy chụp về “Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác theo Điều 164 Bộ luật Hình sự 2015”.VNTB
Cháy nhà 6 tầng ở Hà Nội, cảnh sát giải cứu 3 người mắc kẹt
Thứ năm, 25/01/2024 – 21:59
(Dân trí) – Khi tiếp cận hiện trường vụ hỏa hoạn, cảnh sát PCCC nắm được thông tin có người mắc kẹt nên đã lên phương án giải cứu, đưa 3 nạn nhân thoát ra khỏi đám cháy an toàn.
Vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 17h15 ngày 25/1 tại số nhà 37, ngõ 11A Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), theo thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội).
Theo cơ quan chức năng, căn nhà xảy ra cháy có diện tích khoảng 75m2, dạng nhà ống, gồm 6 tầng. Đám cháy xuất phát tại khu vực phòng thờ tại tầng 2 của ngôi nhà, với chất cháy chủ yếu là các vật dụng gia đình như giường, tủ thờ…
Vì vậy, khi hỏa hoạn xảy ra đã tỏa nhiều khói lên phía các tầng trên.
Sau khi nhận được tin báo, cảnh sát PCCC đã điều 2 xe chữa cháy cùng 13 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Khi tiếp cận hiện trường, cảnh sát PCCC nắm được thông tin có người mắc kẹt trong đám cháy nên đã mang theo thiết bị phá dỡ đa năng cùng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, bình thở…, để tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên các tầng.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết cảnh sát sau đó đã cứu hộ, đưa được 3 người bị mắc kẹt tại tầng 5 ra ngoài, trong đó có 1 người bị thương ở chân không tự di chuyển.
Sau khoảng 20 phút ngọn lửa bùng phát, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Nguyên nhân vụ cháy đang được làm rõ.
Theo Dân Trí VN