Các Nghị Viên thế giới đoàn kết trước thách thức về Trung Quốc
Các Nghị Viên thế giới đoàn kết trước thách thức về Trung Quốc
Liên minh Nghị viện mới về Trung Quốc tạo ra một diễn đàn cho các nhà lập pháp hành động chung với những vấn đề đặt ra do sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Benedict Rogers
The Diplomat – Ngày 06 tháng 6 năm 2020
Một số ít vấn đề có thể đem cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh Iain Duncan Smith tới với người đứng đầu đảng Lao Động Anh là Nam tước Helena Kennedy cũng là luật sư nhân quyền hàng đầu (hai đảng đối lập với nhau – Lnd) – hoặc, trong hoàn cảnh chính trị đảng phái sôi bỏng hiện nay tại Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez. Ông Reinhard Butikofer, một thành viên Đảng Xanh lâu đời của Đức trong Nghị viện châu Âu, đã hợp tác với Miriam Lexmann của đảng Bảo thủ Slovakia vừa mới đắc cử là việc không bình thường. Thêm vào danh sách các chính trị gia cao cấp cánh tả và hữu ở Canada, New Zealand, Úc, Thụy Điển, Na Uy, Đức và Nhật Bản, chúng ta có được một trong những liên minh đa dạng về địa – chính trị nhất từ trước đến nay.
Vấn đề làm cho họ hợp tác với nhau là sự thách thức về ngoại giao lớn nhất trong thời đại: đó là Trung Quốc. Hay nói chính xác hơn câu hỏi: làm thế nào để đối phó với chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Tập Cận Bình.
Đại dịch COVID-19 đã buộc các nhà chính sách phải đối diện với các câu hỏi đã trở thành “con voi trong phòng” (vấn đề quá to lớn từ lâu) đã nhiều năm. Sự thật không thể phủ nhận là chế độ của ĐCSTQ đã che giấu sự thật về coronavirus khi nó được xác định lần đầu tiên. Họ đã bịt miệng những người “báo động” dũng cảm (về coronavirus) dám cảnh báo thế giới và họ đã không thông báo kịp thời cho Tổ chức Y tế Thế giới, khiến các chính phủ phải suy nghĩ lại chính sách về Trung Quốc của mình.
Thêm vào đó, việc vi phạm trắng trợn các hiệp ước quốc tế trong nghĩa vụ của mình đối với Hồng Kông, sự tàn bạo chống người Duy Ngô Nhĩ và những người dân khác ở Tân Cương, gia tăng đàn áp khắp nơi tại Trung Quốc đồng thời xâm lược ở bên ngoài, kết hợp với nhu cầu thực tại của Trung Quốc về biến đổi khí hậu, giảm căng thẳng với Đài Loan và ở Biển Đông, giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng của Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa, và chúng ta có một danh sách các vấn đề trên thế giới mà bất kỳ chính trị gia quan tâm nào đều có thể tham gia.
Do đó, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) ra mắt vào ngày thứ Sáu, một liên minh chưa từng có của các nghị sĩ cao cấp từ khắp nơi trên thế giới nhằm tạo ra các sáng kiến lập pháp và chính sách tại các cơ quan lập pháp của mình, hợp tác với các nước đồng minh khác để đối đầu với những thách thức từ Trung Quốc.
Ngoài tham vọng đó, IPAC sẽ tập trung vào năm lĩnh vực chính sách chính: bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo đảm Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn của trật tự luật pháp quốc tế; duy trì các quyền con người và bảo đảm những vấn đề trong các cam kết với Trung Quốc; thúc đẩy thương mại công bằng; tăng cường an ninh; thúc đẩy phát triển có trách nhiệm nhằm bảo vệ các nền kinh tế mới khỏi những tổn hại do việc đầu tư hoặc các khoản vay từ Trung Quốc.
Nói tóm lại, IPAC là một hành động muộn màng nhưng đáng được hoan nghênh để bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế.
Làm thế nào để liên minh sẽ hoạt động trong thực tế? Không giống như nhiều sáng kiến khác, IPAC không có ý định trở thành một nhóm chuyên gia tư tưởng (thinhk tank). Nó sẽ không đưa ra các bản báo cáo hoặc tài liệu về chính sách, hoặc tổ chức các chiến dịch. Thay vào đó, nó sẽ là một mạng lưới lỏng lẻo nhằm tạo ra các ý tưởng mà các nhà lập pháp cá nhân có thể đem vào bối cảnh tương ứng của riêng họ. Các cách tiếp cận có thể khác nhau, và mọi thành viên sẽ không nhất thiết phải đăng ký cho mọi khía cạnh hoặc vấn đề. Một số người có thể tập trung vào nhân quyền hoặc kinh tế, hoặc việc tách rời kinh tế (decouple); những người khác có thể theo đuổi biến đổi khí hậu hoặc an ninh. Một số người có thể kêu gọi biện pháp trừng phạt theo kiểu Magnitsky hoặc gói “cấp cứu khẩn cấp” để cung cấp nơi trú ẩn cho các nhà hoạt động dân chủ đang gặp nguy hiểm ở Hồng Kông, trong khi những người khác có thể theo đuổi sự tham gia xây dựng với Trung Quốc nếu không có lựa chọn nào khác nhưng để cố gắng làm việc với ĐCSTQ, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Cái hay của liên minh là nó không phải là “diều hâu”, cũng không phải là “bồ câu”, mà là mang đến cho những người “diều hâu”, “bồ câu”, và những người “hiện thực” (đứng giữa) với sự thừa nhận chung rằng nếu thế giới tự do cần bảo vệ các giá trị và lợi ích và bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế, chúng ta sẽ có một cách thức giải quyết phối hợp với Trung Quốc. Hoặc – ở mức tối thiểu – chúng ta ít nhất là đặt vấn đề về Trung Quốc.
IPAC sẽ được củng cố bởi một nhóm cố vấn gồm một số chuyên gia hàng đầu thế giới về luật pháp, chính trị, nhân quyền, chính sách đối ngoại và kinh tế về Trung Quốc. Những chuyên gia này – từ Giáo sư Anne-Marie Slaughter ở New Zealand đến Tiến sĩ Eva Pils ở London, từ Giáo sư Adrian Zenz và Shaomin Li ở Hoa Kỳ đến Vicky Xu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, từ nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Wei Jingsheng đến học giả Uyghur Erkin Ekrem – sẽ cung cấp tin tức, tóm tắt và tư vấn cho các nghị sĩ về nhiều khía cạnh của Trung Quốc hiện nay.
Tôi có hân hạnh được phục vụ trong nhóm tư vấn. Tôi cũng tự hào rằng Luke de Pulford, một trong những đồng nghiệp của tôi tại Hong Kong Watch, một tổ chức do tôi thành lập và chủ trì, là động lực đằng sau nó. Nhưng nó không phải là đóng góp nhỏ của riêng tôi trong sáng kiến này làm tôi phấn khích nhất, mà là bản chất thực sự đột phá của chính liên minh.
Tập hợp các chính trị gia cao cấp khác nhau như thế trên khắp thế giới là điều không dễ dàng, sự thành công và giá trị của IPAC sẽ được chứng tỏ trong khả năng của những thành viên có ý kiến khác nhau để xác định quan điểm chung, giá trị chung và nhu cầu phối hợp làm viêc với nhau. Thời gian sẽ cho biết những kết quả mà nó tác động. Nhưng nó nói lên điều gì đó quan trọng của thách thức mà chúng ta phải đối mặt là liên minh này đã kết hợp với nhau và gửi thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh: không còn có sự diễn ra bình thường nữa như trước đây (tất cả đều thay đổi – Lnd).
Benedict Rogers là thành viên Liên minh Nghị viện của nhóm cố vấn về Trung Quốc. Ông là một nhà hoạt động nhân quyền, là một nhà văn làm việc với tư cách Trưởng nhóm Đông Á tại tổ chức nhân quyền quốc tế CSW và là người đồng sáng lập và Chủ tịch của Hong Kong Watch.
Trần Vũ lược dịch