Bình luận: Sự tiếp tục hiện diện của Mỹ ở châu Á có lợi cho Việt Nam – VOA Tiếng Việt
18/03/2021
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (phải), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Tokyo ngày 16/3/2021.
Chuyến công du đầu tiên của hai bộ trưởng Hoa Kỳ dưới chính quyền của Tổng thống Joe Biden đến châu Á để tái khẳng định sự hiện diện của Washington ở khu vực chắc chắn sẽ có lợi cho Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, giới chuyên gia nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken vừa kết thúc chuyến thăm Nhật từ ngày 16-17/3 với nghị trình phần lớn dành để lên tiếng phản đối “hành vi cưỡng ép và gây bất ổn” của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) cùng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ngày 17/3/2021.
Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, các bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản cảnh báo cái gọi là “Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hữu, tạo ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Chúng tôi cam kết phản đối hành vi cưỡng ép và gây bất ổn nhắm vào những quốc gia khác trong khu vực.”
Ông Blinken nói tại một cuộc họp báo: “Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ đáp trả khi Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng ép và gây hấn.”
Từ Tokyo, nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh nêu nhận định với VOA đề mục đích chuyến công du của hai bộ trưởng Mỹ:
“Nhật cần sự hỗ trợ của Mỹ để bảo đảm rằng nếu như có việc gì xảy ra cho đảo Senkaku (Điếu Ngư) thì Mỹ sẽ đứng về phía Nhật. Việc Mỹ cử hai bộ trưởng của Tổng thống Joe Biden đến Nhật trong chuyến đi xuất ngoại lần đầu tiên cũng để xác định lại điều này. Như vậy việc quan trọng nhất là đối phó với Trung Quốc.”
Ông Đỗ Thông Minh tin rằng sự tiếp tục chính sách của Washington tại khu vực, cùng với sự hợp tác với đồng minh Nhật, sẽ có lợi cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
“Nhật và Việt Nam có mối quan hệ tương đối tốt vì hai bên cùng có kẻ thù là Trung Cộng đang phát triển, lấn át quyền lợi của Việt Nam và lấn át con đường giao thông huyết mạch ở Biển Đông. Trong trường hợp như vậy Mỹ cũng bị ảnh hưởng.”
“Mỹ có thái độ rất tích cực, từ thời ông Obama đã nói chuyển trục 60% qua đây, thời ông Trump vẫn tiếp tục, và bây giờ (thời Biden) thì cũng sẽ tiếp tục.”
Hôm 16/3, ông Derek Grossman, một phân tích gia của tổ chức nghiên cứu chiến lược chính trị Rand Corporation, viết trên tạp chí Diplomat bài có nhan đề: “Việt Nam phần nhiều ắt đã hài lòng với chính quyền Biden,” trong đó tác giả nhận định về mối quan hệ giữa hai kẻ cựu thù sau khi có sự thay đổi quyền lực ở Washington với nhiều chủ trương, đường lối đối chọi nhau từ hai đảng phái chính trị.
“Hà Nội đánh giá cao sự tập trung của Washington vào khu vực, đặc biệt là về các tranh chấp chủ quyền Biển Đông [của Hà Nội] với Bắc Kinh. Việt Nam hoan nghênh sự hỗ trợ của Mỹ trong các hình thức hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và các tuyên bố chính thức,” chuyên gia Grossman viết.
Lực lượng Mỹ hành động giữ cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” được gia tăng hai tháng qua và hiện đang có các cuộc họp liên kết chính trị-quân sự giữa “bộ tứ” gồm Mỹ-Nhật-Hàn Quốc-Ấn Độ thành một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc.
Ông Grossman nhận định: “Đó là điều tốt cho Hà Nội vì Washington đang chứng tỏ quyết tâm lâu dài đối phó với tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.”
Vẫn theo nhà phân tích của công ty Rand, Hà Nội thấy có thể dựa vào chính quyền Biden khi mới đây Washington xác định Việt Nam là đối tác trụ cột ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong bản hướng dẫn tạm về chiến lược an ninh quốc gia công bố ngày 3/3, chính quyền Biden viết: “Chúng ta hợp tác với New Zealand cũng như với Singapore, Việt Nam và các nước ASEAN khác để tiến hành những mục tiêu chung.”