Tưởng nhớ Khái Hưng (1896-1947) – Phạm Văn Duyệt
16/02/2024
” Rủi ro cho đất nước sớm mất đi những người con ái quốc ưu tú. Khái Hưng cả một đời luôn ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước khỏi ách thống trị ngoại bang và cổ xúy tình đoàn kết giữa mọi thành phần phe phái trong cộng đồng dân tộc Việt.
Ông chết đi, chúng ta không còn cái may mắn được thưởng thức thêm những tác phẩm chơn chất, đậm đà tình nghĩa thanh cao. Thật tiếc lắm thay !!!
Xin nguyện cầu Nhà Văn đất Cổ Am yên nghỉ. Những lớp người hậu sinh mãi nhớ tên Ông”.
Khái Hưng (1896-1947)
Trong cuộc đời nổi trôi thăng trầm theo vận nước, tôi đã đọc say sưa biết bao tác phẩm của hằng trăm văn thi nhân tăm tiêng. Nhờ họ mà tôi từng trải qua những tháng ngày đam mê sách báo có khi quên ăn quên ngủ.
Đến nay dẫu đang xấp xỉ tuổi già bóng xế song vẫn còn nhớ đâu đây tên họ của nhiều nhà báo, văn thi nhạc sĩ đã dày công xây dựng nên kho tàng văn chương nghệ thuật đồ sộ của đất nước. Một số người mất đi nhưng những đứa con tinh thần của họ vẫn còn sống mãi với thời gian.
Nhiều bài thơ hay lời nhạc tuy ra đời gần cả trăm năm nhưng tôi vẫn thuộc nằm lòng để rồi thỉnh thoảng ca hát ngâm nga cho quên chuỗi ngày gió bụi phong sương. Nhưng trong tận đáy tâm hồn, tôi vẫn hay nhắc nhở Nhà Văn Khái Hưng (Trần Khánh Giư) với tủ sách quý giá bao gồm nhiều thể loại của Ông.
Một phần vì mến nhân cách và văn tài, phần khác nữa là cứ mãi đau đớn xót xa cho cái chết oan khiên nghiệt ngã của Ông do bọn côn đồ bán nước nhẫn tâm gây ra.
Khái Hưng là Nhà Văn chân chính, yêu thương quê hương đất nước hết lòng. Nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi của Ông cũng đủ minh chứng cho nhận xét đó. Ông ra đi để lại hàng chục tác phẩm gối đầu giường cho bao thế hệ. Văn dĩ tải đạo. Văn chương đã thể hiện một con người Khái Hưng nồng nàn với non sông, đậm đà tình tự với dân tộc, với đồng bào.
Ai có dịp đọc qua sách Khái Hưng, đặc biệt là Hồn Bướm Mơ Tiên hay Nửa Chừng Xuân mà không kinh ngạc thiên tài xuất chúng của tác giả. Từ xây dựng bố cục đến tâm tư tình cảm của Lan, Ngọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên hay Mai, Lộc trong Nửa Chừng Xuân. Hấp dẫn tuyệt vời. Lôi cuốn từ đầu đến cuối. Ai cũng muốn biết câu chuyện sẽ đi về đâu. Tôi đã đọc đi đọc lại cả chục lần mà vẫn còn trân trọng và khâm phục Khái Hưng. Kỳ diệu là lắm chỗ không sao ngăn được dòng nước mắt xúc động ngậm ngùi trước cảnh đời đau thương bi lụy của các nhân vật chính.
Cứ tự hỏi trong buổi bình minh của nền văn học Việt Nam, lúc tiếng Việt hãy còn phôi thai, làm sao Ông có thể cho ra đời những tuyệt tác phẩm văn chương về luận đề hay tình yêu lý tưởng mà mãi 90 năm sau còn có lắm người ham mê tìm kiếm.
Bên cạnh tiểu thuyết, Khái Hưng còn sáng tác loại Sách Hồng dành cho giới trẻ, qua đó Ông đã góp phần giáo dục thanh thiếu niên trau dồi tiếng Việt, giúp họ hiểu rõ thêm những giá trị luân lý đạo đức truyền thống của dân tộc. Hơn nửa thế kỷ rồi mà nhiều Ông Bà vẫn còn nhớ Cái Ấm Đất, Ông Đồ Bể, Cóc Tía, Bông Cúc Huyền… để kể lại cho cháu chắc nghe trong những dịp kỵ giỗ Tết nhứt sum họp gia đình.
Một điểm son nữa của Khái Hưng là dịch thơ với bài Tình Tuyệt Vọng từ nguyên bản tiếng Pháp Sonnet D’arvers của Felix Arvers. Đã có tới mười người làm công việc này nhưng không ai có thể lột tả tâm tư tình cảm của tác giả sâu sắc bằng Khái Hưng. Nhiều người khen ngợi bản dịch của Ông còn hay hơn cả nguyên tác. Chúng ta thử đọc hai câu đầu:
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu…
Nhờ thành công đặc sắc này mà tên Ông lưu danh thiên cổ về tài dịch thơ. Thật không quá đáng khi văn giới thường ví von Ông là Nhị Linh, thứ nhì sau Nhất Linh – sáng lập viên Tự Lực Văn Đoàn.
* Ý Kiến của vài nhà văn:
– Nguyễn Vỹ kể trong Văn Thi Sĩ Tiền Chiến: Khái Hưng người gầy ốm, đôi má hóp và nước da hơi tái, nhưng nụ cười rất tươi ngụ nét hóm hỉnh. Tính tình hiền lành khả ái chứ không hời hợt đãi bôi như Thế Lữ và không trào lộng như Nguyễn Tường Tam. Khái Hưng không tự kiêu tự đắc, luôn điềm đạm tao nhã, thành thật và lịch sự. Thỉnh thoảng khôi hài đôi chút và không làm mích lòng ai.
– Vũ Ngọc Phan nhận định trong Nhà Văn Hiện Đại: “Nhà Văn mà được thanh niên yêu chuộng, được họ coi là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẻ chỉ có Khái Hưng. Ông là văn sĩ của thanh niên Việt Nam, cũng như Alfred de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa. Khái Hưng là tiểu thuyết gia có biệt tài. Ông lại để tâm đến những việc cải cách hủ tục trong gia đình Việt Nam nên những tiểu thuyết phong tục của Ông đều là những tác phẩm có giá trị”.
– Vương Trùng Dương trong “Khái Hưng, Hành Trình Nhân Bản” thì đưa ra ý kiến: Khái Hưng chọn nghề văn, nghề báo như là nguồn sống cao quý để dâng hiến cho tha nhân. Ông là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng chân chính…, luôn mang tâm hồn nhân bản để xây dựng cái hay, cái đẹp, nhân cách con người, giá trị đạo đức trong từng cá nhân, gia đình và xã hội.
Tuy không ưa cộng sản nhưng Khái Hưng mang tâm hồn nhân bản nên vẫn nghĩ rằng họ chẳng nỡ nhẫn tâm tàn sát tiêu diệt thành phần chân chính đối lập. Vì vậy mà Ông không nghe lời khuyên can của bạn hữu, quyết rời Hà Nội, về quê vợ để rồi hai tuần sau bị thủ tiêu một cách dã man.
Con người tài hoa dễ thương dễ mến như thế mà kẻ thủ ác nở ra tay chém giết trước giờ giao thừa Đinh Hợi 1947 rồi bỏ vào bao bố thả trôi sông như lời kể của Nhà Văn Phạm Ngọc Lũy. Thật là lòng lang dạ thú !
Có nguồn tin cho hay tên công an Việt Minh Lê Văn Thoan, em chú bác ruột bà Khái Hưng là người lãnh thi hành bản án tàn bạo ngoài sức tưởng tượng. Y dùng dao sắc bén đâm Khái Hưng nhiều nhát cho đến chết rồi vất xác ngay bãi giữa Bến Đò Cựa Gà.
Bà Khái Hưng cũng sớm lìa đời sau mấy năm bệnh tật và buồn tủi sống trong nỗi khổ đau tột cùng.
* Lời kể của con nuôi trong những ngày Khái Hưng bị bắt: Vợ Chồng Khái Hưng không có con. Người bạn văn nối khố Nhất Linh cho đứa con đẻ Tường Triệu làm con nuôi. Vào buổi chiều Khái Hưng bị bắt, Triệu chạy theo và thuật lại: Tôi thấy khuôn mặt Papa võ vàng, mắt như sâu lại dưới gò má. Để ý trên ve áo cái huy hiệu của Trần Huy Liệu tặng ngày nào không còn nữa !
Papa nhắn: “Triệu ! Con về đi. Me con cuốc đất trồng rau sống qua ngày. Papa đi lần này không biết ra sao nữa”. Tôi run lẩy bẩy nắm lấy cánh tay gầy guộc của Papa, nhưng viên công an sẳng giọng: “Đi ngay, đường còn dài” !…
Rồi Me chạy quanh dò la tin tức Papa, viết đơn lên Ủy Ban Hành Kháng Tỉnh xin cứu xét.
Bất chợt Papa trở về với người mang phù hiệu “Công An Thành Nam Định” đi kèm. Papa cho biết: Bị bắt lên Trực Ninh, giải qua Lạc Quần. Giam ở đó sợ lắm vì mỗi lần báo động oanh tạc chúng chạy hết còn tù thì xích chân lại trong đồn, có ý mượn tay thằng Tây giết mình.
Lúc Papa ăn cơm vội vã, tên công an vẫn lảo đảo ngoài hiên lừ lừ nhìn mọi người. Me khóc nức nở, hắn đến gần nói mấy câu: “cứ yên tâm, sẽ có ngày về, chính sách của chính phủ bao giờ cũng đại đoàn kết để kháng Pháp”.
Ăn xong lên đường, tên công an còn ngoảnh lại nói như máy: “Đến nơi sẽ có tin về nhà ngay, không sao cả”.
Tôi tiễn Papa tới đầu làng. Dáng Người thất thểu vác tay nải mệt nhọc lê bước, tên công an vạm vỡ đi sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau lũy tre.
Từ cái ngày đó về sau, tôi không còn được gặp lại “Papa tòa báo”.
Ai cũng biết Việt Cọng học theo quan thầy Trung Cọng với chủ trương “sát nhất nhân vạn nhân cụ” (giết một người vạn người sợ). Chính vì vậy mà chúng không ngần ngại thủ tiêu khủng bố thành phần đối kháng bằng cách dùng mã tấu chặt đầu, mổ bụng, bịt mắt xẻo thịt cắt da, giam đói bỏ khát, trói tay cột chân, trùm bao bố thả trôi sông mà chúng gọi là cho đi mò tôm. Để làm gì ? Chúng muốn gây nên nỗi niềm hoang mang khiếp hãi cho mọi người. Chủ nghĩa phi nhân nào tàn bạo hơn cọng sản?
Chỉ vì Khái Hưng không theo đường lối khát máu phản dân hại nước của chúng nên bị thủ tiêu, chịu chung số phận hẩm hiu như Học Giả Phạm Quỳnh, Tuần Phủ Ngô Đình Khôi, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, Nhà Cách Mạng Lý Đông A, Đảng Trưởng Đại Việt Trương Tử Anh, Lãnh Tụ Cọng Sản Đệ Tứ Tạ Thu Thâu, Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, Nhà Báo Từ Chung, Sinh Viên Lê Khắc Sinh Nhật, Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn, Chiến Sĩ Bất Khuất Kha Tư Giáo…
Phải chăng mệnh số của họ vận với thuyết tài mệnh tương đố của Thi Hào Nguyễn Du “chữ tài liền với chữ tai một vần” ?
Rủi ro cho đất nước sớm mất đi những người con ái quốc ưu tú. Khái Hưng cả một đời luôn ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước khỏi ách thống trị ngoại bang và cổ xúy tình đoàn kết giữa mọi thành phần phe phái trong cộng đồng dân tộc Việt.
Ông chết đi, chúng ta không còn cái may mắn được thưởng thức thêm những tác phẩm chơn chất, đậm đà tình nghĩa thanh cao. Thật tiếc lắm thay !!!
Xin nguyện cầu Nhà Văn đất Cổ Am yên nghỉ. Những lớp người hậu sinh mãi nhớ tên Ông.
Khái Hưng Trần Khánh Giư (1896-1947)
Nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư sinh năm 1896, không rõ ngày tháng, là con cụ Trần Thế Mỹ, làm quan Tuần Phủ và là con rể cụ Lê Văn Đính làm quan đến chức Tổng Đốc. Ông thi đỗ Tú tài phần thứ nhất rồi ra dạy ở Trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội.
1932: Ông cộng tác với Nhất Linh xuất bản tờ tuần báo “Phong Hóa” (Customs)
1935: Xuất bản tờ “Ngày Nay” (Today)
1939: Bắt đầu hoạt động chống Pháp.
1940: Sang Trung Hoa.
1941: Bị Pháp bắt giam sau khi ở Trung Hoa về.
1943: Xuất bản tờ “Ngày Nay – Kỷ Nguyên Mới.”
1945: Điều hành tờ “Chính Nghĩa” và tờ “Việt Nam,” cơ quan tranh đấu của Việt Nam Quốc Dân Đảng; nội dung cả hai tờ đều chống Cộng và chống thực dân Pháp.
1946-1947: Bị Cộng Sản giam ở Lạc Quần (Nam Định) và sau đó bị hạ sát ở bến đò Cựa Gà (gần Cổ Lễ, Nam Định).
Tác phẩm của Khái Hưng:
1933: Hồn Bướm Mơ Tiên
1934: Nửa Chừng Xuân
1936: Trống Mái
Cả ba đều là tiểu thuyết có khuynh hướng lý tưởng.
1940: Thừa Tự, Thoát Ly, Gia Đình: Tất cả đều là tiểu thuyết phong tục.
1940: Hạnh
1941: Đẹp, Những Ngày Vui: Cả ba quyển đều là tâm lý tiểu thuyết.
Linh Tinh:
1940: Tiêu Sơn Tráng Sĩ (lịch sử tiểu thuyết).
Truyện ngắn:
Dọc Đường Gió Bụi (1936); Tiếng Suối Reo.
Viết chung với Nhất Linh:
1934: Gánh Hàng Hoa, Đời Mưa Gió, Anh Phải Sống.
Kịch:
1937: Tục Lụy
1940: Đồng Bệnh
Viết sau 1945 trước khi bị thủ tiêu:
Bóng Giai Nhân
Truyện trẻ con:
Ông Đồ Bể, Cóc Tía, Quyển Sách Ước, Bông Cúc Huyền, Cái Ấm Đất …
Tác phẩm dịch chưa xuất bản:
Liêu Trai Chí Dị toàn tập, nguyên văn của Bồ Tùng Linh. Bản thảo đã mất. Thấy quảng cáo sẽ xuất bản hồi năm 1943-1944 trên bìa sau cuốn tiểu thuyết Thanh Đức (tức Tội Lỗi).
Khái Hưng bắt đầu viết tiểu thuyết có khuynh hướng lý tưởng. Rồi ông quay sang viết tiểu thuyết phong tục. Sau cùng là tiểu thuyết tâm lý. Ông là một tiểu thuyết gia viết rất phong phú của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Về phương diện hình thức, lời văn của ông có lúc giản dị, trong sáng, có lúc điêu luyện, giàu nhạc tính như thơ.
Khái Hưng cũng là người viết truyện nhi đồng rất hay. Những tập truyện nhỏ “Sách Hồng” như Cái Ấm Đất, Ông Đồ Bể … đã được nhiều người cho là những kiệt tác. Ngoài ra ông cũng là một nghệ sĩ rất có hồn thơ, và ông vẽ cũng rất đẹp.
Ông mất đi là cả một thiệt thòi lớn cho nền văn học Việt Nam.
Hoàng Trúc
(Hoài Châu Tô Cao Hòa,
cựu biên tập viên Đài BBC Luân Đôn,
Thế Kỷ 21 số 104, Dec 1997)
Ít dòng bổ túc về “Tác phẩm của Khái Hưng” (Thế Kỷ 21 số 105&106, Jan&Feb 1998, mục Bạn đọc viết)….
A. Tác phẩm xuất bản trước khi Khái Hưng qua đời (Chưa được nhắc đến trên Thế Kỷ 21 số 104 – số đặc biệt kỷ niệm 50 năm nhà văn qua đời – có những cuốn sau đây):
1. Đợi Chờ: Một tập truyện ngắn, xuất bản lần đầu năm 1939. Trong 16 truyện, bảy truyện được Vũ Ngọc Phan đưa ra phân tích để ca ngợi: “Khái Hưng là một nhà quan sát lão luyện và dùng ngòi bút thật tài tình.”
2. Đội Mũ Lệch: Một tập truyện ngắn, đa số là truyện vui, xuất bản lần đầu năm 1941. Cũng được Vũ Ngọc Phan đề cập đến trong Nhà Văn Hiện Đại.
3. Cái Ve: Một tập truyện ngắn, đa số viết về những người nghèo khổ. Nhân vật chính trong truyện Cái Ve là một cô gái nhỏ tuỏi, nhẫn nại và nết na, giúp mẹ coi sóc quán cơm bán cho những người lao động. Xuất bản lần đầu năm 1943.
4. Thanh Đức: Mang tựa này khi xuất bản lần đầu năm 1943. Sau khi được tái bản (rất nhiều lần từ 1953 trở đi), truyện lại mang tựa đề Băn Khoăn. Đây là một tiểu thuyết tâm lý tương đối dài (bản do nhà Phượng Giang in tại Sài Gòn năm 1958 có 278 trang). Truyện này cũng mới được nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp ở Hà Nội in lại năm 1992 (với lời giới thiệu của giáo sư Phan Cự Đệ và cũng mang tựa đề Băn Khoăn).
B. Di cảo xuất bản sau khi tác giả qua đời:
1. Khúc Tiêu Ai Oán: Đây là một vở kịch dài, gồm bốn hồi. Theo nhà văn Nguyễn Thạch Kiên, Khái Hưng viết tác phẩm này năm 1946, ít tháng trước khi ông bị Cộng sản bắt giữ và sát hại. Được xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1969.
2. Lời Nguyền: Một tập gồm chín truyện ngắn (trong có các truyện “Lời Nguyền,” “Bóng Giai Nhân” …) và hai vở kịch ngắn (“Câu Chuyện Văn Chương,” “Dưới Ánh Trăng”). Cũng theo nhà văn Nguyễn Thạch Kiên, Khái Hưng viết tập này trong các năm 1945-1946. Do nhà xuất bản Phượng Hoàng in tại Sài Gòn lần đầu năm 1966. Theo nhiều người từng biết tác giả, trong các di cảo của Khái Hưng còn tập truyện “Bóng Giai Nhân.”
3. Số Đào Hoa: Do nhà xuất bản Đời Nay in tại Sài Gòn lần đầu năm 1961. Theo bản in hồi đó, tập truyện này gồm 157 trang.
Sau biến cố 1975, tất cả các tác phẩm trên đều đã được chụp in lại ở Pháp hay Hoa Kỳ. Người đôc cũng có thể tìm thấy những cuốn ấy trong các thư viện nghiên cứu của các Đại học Cornell, Hawaii, Michigan …, cùng nhiều thư viện công cộng ở California.
Ít nhất một tác phẩm của Khái Hưng đã được dịch và in ra ngoại ngữ. Đó là tập truyện Anh Phải Sống (viết chung với Nhất Linh). Một bản song ngữ Pháp-Việt được xuất bản ở Paris năm 1994 với tựa đề Tu Dois Vivre.
C. Sách hồng: Thế Kỷ 21 đã nhắc tới năm cuốn đặc sắc nhất: Ông Đồ Bể, Cái Ấm Đất, Cóc Tía, Quyển Sách Ước, Bông Cúc Huyền. Theo chỗ biết của chúng tôi, Khái Hưng còn viết những cuốn sau đây: Cây Tre Trăm Đốt (viết lại truyện cổ tích, in chung với chuyện Ai Mua Hành Tôi), Cắm Trại, Để Của Bí Mật, Thầy Đội Nhất.
Theo nhiều người biết Khái Hưng, ông cũng đã dịch Liêu Trai, nhưng tới nay vẫn chưa tìm được di cảo.
Từ Mai (Carson, CA)