Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 7
Total Users : 13507
Total views : 136669
Server Time : 2024-11-23

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Thời sự Thứ tư 31 tháng 01 năm 2024: *TT Biden đáp trả vụ tấn công khiến 3 binh lính Hoa Kỳ thiệt mạng. *Trung Quốc ‘đơn phương’ thay đổi đường bay qua eo biển Đài Loan. *Công ty Neuralink của Elon Musk cấy chip vào não người. *Mỹ thắt chặt visa di dân, *Sinh viên Trung Quốc bị trục xuất tại sân bay Washington

Võ Thái Hà tổng hợp


TT Biden quyết định đáp trả vụ tấn công khiến binh lính Hoa Kỳ thiệt mạng 

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết Tổng thống Biden sẽ ‘làm những gì ông ấy phải làm’ để làm giảm mối đe dọa đối với quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông.

TT Biden quyết định đáp trả vụ tấn công khiến binh lính Hoa Kỳ thiệt mạng

Một căn cứ quân sự được gọi là Tháp 22 ở phía đông bắc Jordan, hôm 29/01/2024. (Ảnh: Planet Labs PBC qua AP)

Andrew Thornebrooke

Thứ tư, 31/01/2024

Tổng thống (TT) Joe Biden đã quyết định ông sẽ thực hiện hành động nào để trả đũa nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn chịu trách nhiệm về vụ tấn công khiến ba binh lính Hoa Kỳ thiệt mạng hồi cuối tuần qua.

Nói với các phóng viên ở Florida hôm 30/01, TT Biden nói rằng ông sẽ không tầm cầu một cuộc chiến tranh toàn diện với Iran.

Ông nói: “Tôi buộc [Iran] phải chịu trách nhiệm theo nghĩa là họ đang cung cấp vũ khí cho những người đã thực hiện vụ [tấn công] đó.”

“Tôi không nghĩ chúng ta cần một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông. Đó không phải là điều tôi đang tìm kiếm.”

Tổng thống không xác nhận liệu chính phủ có xác thực rằng chế độ Hồi Giáo ở Tehran chắc chắn dính líu đến cuộc tấn công vào quân đội Hoa Kỳ hay không nhưng ông cho biết “cuộc thảo luận” sẽ diễn ra.

Khi được hỏi liệu ông có tin rằng các cuộc tấn công mới rốt cuộc sẽ ngăn chặn số lượng ngày càng tăng các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ ở Trung Đông hay không, tổng thống chỉ trả lời đơn giản: “Chúng ta sẽ thấy.”

Bất chấp việc tổng thống thừa nhận rằng ông đã quyết định cách phản ứng, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết chính phủ vẫn chưa hoàn thành cuộc điều tra xem nhóm nào chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Tuy nhiên, ông nói rằng, “Rõ ràng, điều này có tất cả những đặc điểm nổi bật của các nhóm được IRGC và Kata’ib Hezbollah hậu thuẫn.”

Khi được hỏi liệu tổng thống có cam kết trả đũa mạnh mẽ hơn trước đây hay không, ông Kirby nói rằng Tổng thống Biden sẽ “làm những gì ông ấy phải làm.”

Ông Kirby nói thêm rằng tổng thống đã dành thời gian vào sáng thứ Ba để nói chuyện với các thành viên gia đình của ba người Mỹ thiệt mạng.

Thanh Nguyên lược dịch


Trung Quốc ‘đơn phương’ thay đổi đường bay qua eo biển, Đài Loan tức giận 

31/01/2024

Reuters

Tuyến bay M503.

Tuyến bay M503.

Chính phủ Đài Loan bày tỏ sự tức giận sau khi Trung Quốc “đơn phương” thay đổi đường bay gần đường ranh giới nhạy cảm ở eo biển Đài Loan, cho rằng đây dường như là một nỗ lực có chủ ý nhằm thay đổi hiện trạng để có thể đi đến các biện pháp quân sự, theo Reuters.

Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc nói trong một tuyên bố ngắn vào tối ngày 30/1 rằng kể từ thứ Năm 1/2 họ sẽ hủy bỏ “biện pháp đi lệch” đối với hoạt động bay về phía nam của tuyến bay M503, nằm ngay phía tây đường phân cách của eo biển.

Đường phân cách này trong nhiều năm đã đóng vai trò là ranh giới không chính thức giữa Đài Loan và Trung Quốc, nhưng Trung Quốc nói rằng họ không công nhận sự tồn tại của nó và các máy bay chiến đấu của Trung Quốc hiện thường xuyên bay qua đường này khi Bắc Kinh tìm cách gây áp lực buộc Đài Bắc phải chấp nhận yêu sách chủ quyền của mình.

Trung Quốc cũng nói rằng họ sắp mở các tuyến bay từ Tây sang Đông – hay nói cách khác là theo hướng Đài Loan – trên hai đường bay từ các thành phố Hạ Môn và Phúc Châu của Trung Quốc, gần với các nhóm đảo Kinmen (Kim Môn) và Matsu (Mã Tổ) do Đài Loan kiểm soát, nơi có các chuyến bay thường xuyên đến Đài Loan.

Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Đài Loan và Hội đồng đại lục sự vụ của Đài Loan đều coi các động thái này là “đơn phương” và họ phản đối mạnh mẽ điều đó.

Hội đồng này nói rằng Trung Quốc đang phớt lờ an toàn bay, không tôn trọng Đài Loan và cố gắng “o ép” hàng không dân dụng vì những cân nhắc chính trị hoặc quân sự nhằm có khả năng thay đổi hiện trạng ở eo biển.

“Nếu phía đại lục ngoan cố bám theo đường lối của mình, họ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến quan hệ hai bờ eo biển”, hội đồng nói.

Ông Chieh Chung, nhà nghiên cứu quân sự tại Quỹ Chính sách Quốc gia Đài Loan, nhận xét rằng tuyến bay mới sẽ cách đường ranh giới khoảng 7 km, điều này sẽ hạn chế thời gian cảnh báo trước và phản ứng của lực lượng phòng không Đài Loan.

Ông nói: “Họ đang cố gắng loại bỏ hoàn toàn và phủ nhận sự tồn tại của đường phân cách”.

Bộ Quốc phòng Đài Loan đánh giá rằng những hành động “thô lỗ và vô lý” của Trung Quốc có thể dễ dàng dẫn đến căng thẳng gia tăng.

“Đối với những máy bay không rõ số hiệu đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của chúng tôi, chúng sẽ bị xử lý theo quy trình vận hành và quy định xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho không phận của chúng tôi”, bộ nói thêm.

Trung Quốc coi nhẹ sự giận dữ của Đài Loan.

Văn phòng Đài Loan sự vụ của Trung Quốc mô tả những thay đổi này là “việc thông thường” nhằm giúp giảm bớt áp lực lên không phận và Trung Quốc không cần phải thảo luận vấn đề này trước với Đài Loan.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 31/1, ông Trần Bân Hoa (Chen Binhua), người phát ngôn của văn phòng, nhấn mạnh “cái gọi là đường phân cách không hề tồn tại”.

Ông nói: “Tuyến M503 dành cho hàng không dân dụng và nằm trong khu vực thông báo bay Thượng Hải. Nó nhằm giảm bớt tắc nghẽn cho các không phận và tuyến đường liên quan, đồng thời đảm bảo an toàn hàng không”.


Chiến tranh leo thang khiến Mỹ phải xem xét lại quyết định rút khỏi Trung Đông

Lý Ngọc biên dịch

Chiến tranh leo thang khiến Mỹ phải xem xét lại quyết định rút khỏi Trung Đông

Máy bay chở ông Biden đến thăm Israel vào ngày 18/10 để thể hiện sự ủng hộ “sắt thép” khi Washington cố gắng ngăn chặn cuộc chiến leo thang chống lại Hamas ở Gaza từ việc lan sang một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông. (Ảnh của MANDEL NGAN/AFP qua Getty Images)

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã liên tục rút bớt nguồn lực tình báo và quân sự khỏi Trung Đông để tập trung vào các khu vực khác. Giờ đây, hậu quả của sự chuyển dịch này đang được cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết.

Theo Politico ngày 30/1, thông tin tình báo mà Mỹ và các đồng minh phương Tây thu thập được cho thấy, các tổ chức vũ trang do Iran hậu thuẫn có thể sẽ phát động các cuộc tấn công quy mô lớn, khiến Washington phải cảnh giác.

Các quan chức Mỹ giấu tên, đã trả lời phỏng vấn của tờ Politico, dự đoán rằng Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công hơn nữa từ các tổ chức vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông, bao gồm cả các cuộc tấn công nhắm vào quân đội Mỹ đóng tại Iraq và Syria. Theo những quan chức này, tình hình có thể dễ dàng xấu đi. Các quan chức Mỹ cũng đang thu thập một lượng lớn manh mối và thông tin tình báo, bao gồm cả thông tin tình báo tín hiệu và thông tin từ các chính phủ đồng minh.

Kể từ thời chính quyền Obama, các quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều năm thúc đẩy Mỹ rút quân khỏi Trung Đông và chuyển nguồn lực sang các khu vực khác, tập trung vào các quốc gia rủi ro cao hơn như Nga và Trung Quốc (CPC).

Trong thập kỷ qua, CIA đã đóng cửa dự án đào tạo Lực lượng Quân đội Tự do Syria , một tổ chức nổi dậy được thành lập năm 2011 nhằm chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad và quân đội của ông.

Lầu Năm Góc đã rút hàng nghìn binh sĩ khỏi Iraq; Mỹ đã hoàn toàn rút quân khỏi Afghanistan; Washington đã ngừng ủng hộ hành động của Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen; Văn phòng các vấn đề Trung Đông của Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao đã bị thu hẹp.

Theo Politico, trích dẫn lời của một cựu quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, “Chúng tôi bắt đầu thực sự nhận ra quy mô tham vọng của Tập Cận Bình. Tham vọng của họ không chỉ mang tính khu vực mà còn mang tính toàn cầu. Sự thay đổi này ngày càng trở nên khó có thể bỏ qua”.

Nhà bình luận chính trị nổi tiếng của Mỹ, ông Joshua Eisenman, từng viết trên báo The Epoch Times rằng, “Lãnh đạo của chính quyền Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở đường cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và thông qua việc cung cấp vũ khí và các hình thức hỗ trợ khác, ông Tập đã ủng hộ cuộc chiến này. Ở Bắc Phi, Bắc Kinh đã hợp tác với Moscow để thúc đẩy các hoạt động nổi dậy tương tự. Ở Trung Đông, CPC đã ủng hộ các cuộc tấn công khủng khiếp của Hamas vào Israel”.

Ông Joshua Eisenman, cho rằng CPC đang tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, nhằm cô lập Mỹ. Chính sách hiện tại của Mỹ là không đủ để đối phó với mối đe dọa này, cần phải có các biện pháp để đánh bại các tay sai của CPC.

Bây giờ, các nhà phân tích vốn tập trung vào các khu vực khác đang bị buộc phải nhanh chóng chuyển sang Hamas và Trung Đông. Trong quá trình này, họ đang cố gắng phân tích và sàng lọc hàng trăm báo cáo về các tổ chức vũ trang khác nhau (bao gồm cả các tổ chức do Iran hậu thuẫn) có thể gây ra mối đe dọa tiềm ẩn, và tìm ra cách ứng phó.

Nỗ lực này và sự không chắc chắn đi kèm đã buộc các cơ quan an ninh quốc gia cấp cao của chính quyền ông Biden phải suy ngẫm lại chiến lược Trung Đông của họ.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, các thông tin tình báo về các mối đe dọa thực sự đối với Hoa Kỳ đã tăng lên đáng kể. Các quan chức tiết lộ với Politico rằng họ cũng bắt đầu thấy một số người bị truyền cảm hứng bởi các cuộc tấn công của Hamas, họ đang cố gắng gia nhập các tổ chức khủng bố.

Giám đốc Trung tâm Tình báo Khủng bố Quốc gia (NCTC), Christine Abizaid hôm 31/10 năm ngoái cho biết, vụ tấn công ngày 7/10 đã “kích động các tổ chức khủng bố thuộc nhiều thành phần khác nhau trên toàn cầu”, và Hoa Kỳ nên tiếp tục đầu tư vào chống khủng bố để ngăn chặn các vụ tấn công trong tương lai.

Trong những tuần gần đây, Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển các nguồn lực trở lại Trung Đông khi bạo lực leo thang ở Gaza, Iraq, Iran, Pakistan, Biển Đỏ, giữa Hezbollah và Israel ở biên giới với Lebanon. Lầu Năm Góc đã điều động nhiều tàu, tàu ngầm và 1.200 binh sĩ tới Trung Đông.

Theo Politico, Lầu Năm Góc ước tính sẽ tốn hơn 1 tỷ USD để tái lập ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông sau ngày 7/10.

Kể từ các cuộc tấn công của Hamas, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn đã bắn hàng trăm tên lửa vào quân đội Mỹ ở Iraq và Syria. Cuối tuần qua, ba lính Mỹ đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Jordan. Phiến quân Houthi ở Yemen liên tục tấn công tàu chở hàng của Mỹ. Politico dẫn lời các quan chức giấu tên suy đoán rằng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon đang lên kế hoạch tấn công người Mỹ.


Công ty Neuralink của Elon Musk cấy chip vào não người đầu tiên

Anh Nguyễn, theo Reuters

31/01/2024

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/hry564.jpg

Bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép chip não của công ty Neuralink vào Chủ nhật (28/1) và đang hồi phục tốt, ​​nhà sáng lập công ty – tỷ phú Elon Musk cho biết.

“Kết quả ban đầu cho thấy khả năng phát hiện đột biến tế bào thần kinh đầy hứa hẹn”, ông Musk đăng trên mạng xã hội X hôm thứ Hai (29/1).

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vào năm ngoái đã cho phép công ty tiến hành thử nghiệm đầu tiên cấy ghép trên người, một cột mốc quan trọng trong tham vọng của công ty nhằm giúp bệnh nhân vượt qua tình trạng tê liệt và một loạt các bệnh về thần kinh.

Vào tháng 9/2023, Neuralink cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận cho thử nghiệm trên người.

Nghiên cứu sử dụng robot để phẫu thuật đặt bộ phận cấy ghép giao diện não-máy tính (BCI) vào vùng não kiểm soát ý định di chuyển, Neuralink nói thêm rằng mục tiêu ban đầu của nó là cho phép mọi người điều khiển con trỏ hoặc bàn phím máy tính chỉ bằng suy nghĩ của họ.

Neuralink cho biết các sợi “siêu mịn” của bộ cấy giúp truyền tín hiệu trong não của người tham gia.

Sản phẩm đầu tiên của Neuralink sẽ được gọi là ‘Thần giao cách cảm’ (Telepathy), ông Musk cho biết.

Công ty đã phải đối mặt với những lời kêu gọi xem xét kỹ lưỡng về các giao thức an toàn của mình. Reuters đưa tin hồi đầu tháng này rằng công ty đã bị phạt vì vi phạm các quy định của Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (DOT) liên quan đến việc vận chuyển các vật liệu nguy hiểm.

Công ty được định giá khoảng 5 tỷ USD vào tháng 6 năm ngoái, nhưng bốn nhà lập pháp vào cuối tháng 11 đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ điều tra xem liệu Musk có lừa dối các nhà đầu tư về sự an toàn của công nghệ hay không sau khi hồ sơ thú y cho thấy các vấn đề liên quan đến việc cấy ghép trên khỉ, bao gồm chứng tê liệt, co giật và sưng não.

Ông Musk đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 10 tháng 9 rằng “không có con khỉ nào chết do cấy ghép của Neuralink”. Ông nói thêm rằng công ty đã chọn những con khỉ “yếu ớt” để giảm thiểu rủi ro cho những con khỏe mạnh.

Trung Quốc vẫn là nguồn sản xuất hàng giả lớn nhất trong danh sách của Mỹ

Trí Đạt

31/01/2024

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/taobao-1.jpg

(Ảnh chụp màn hình – Epoch Times)

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh sách “Những chợ hàng giả khét tiếng” (Notorious Markets) năm 2023 vào thứ Ba (30/1/2024), trong đó có WeChat, Taobao và Pinduoduo của Trung Quốc. USTR cho biết Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp hàng giả lớn nhất thế giới.

Danh sách “Những chợ hàng giả khét tiếng” năm 2023 xác định 39 chợ trực tuyến và 33 chợ thực thể. Những chợ này được cho là có liên quan hoặc tạo điều kiện cho một lượng lớn hoạt động làm giả nhãn hiệu hoặc đánh cắp bản quyền. Chúng bao gồm Taobao của Alibaba, phần mềm nhắn tin tức thời WeChat của Tencent, dịch vụ lưu trữ đám mây Baidu Netdisk và DHgate, và Pinduoduo. Những thị trường khác bao gồm 7 chợ thực thể ở Trung Quốc nổi tiếng về sản xuất, phân phối và bán hàng giả.

Chợ thương mại điện tử xuyên biên giới Aliexpress đã bị xóa khỏi danh sách trong năm nay.

Báo cáo của USTR chỉ ra rằng người dùng có thể lấy được nhiều video vi phạm khác nhau thông qua Baidu Cloud Disk và chủ sở hữu của các video đó phải liên tục theo dõi và yêu cầu Baidu xóa chúng; ngoài ra, nhãn do Pinduoduo cấp cho người bán được ủy quyền sẽ đánh lừa người tiêu dùng mua phải hàng giả có vẻ ngoài hợp pháp; hệ thống thương mại điện tử WeChat (Weixin) là một trong những nền tảng hàng giả lớn nhất ở Trung Quốc Đại Lục, hàng giả nhanh chóng được lan truyền và phân phối thông qua nền tảng này.

Mặc dù Shopee, có trụ sở chính tại Singapore, đã đầu tư rất nhiều trong năm qua để bảo vệ thương hiệu và tăng cường khả năng chống hàng giả, đồng thời thúc đẩy các biện pháp như chủ động tăng cường sàng lọc và đào tạo, nhưng vẫn có một số lượng lớn hàng giả trên một số nền tảng (ở một số nước), và cũng tồn tại những vấn đề như phản ứng chậm thực thi pháp luật yếu kém đối với những người vi phạm nhiều lần.

Tuy nhiên, Shopee tại Đài Loan và Việt Nam là những ví dụ tích cực về việc tăng cường hợp tác với các chủ thể quyền và cơ quan thực thi pháp luật, giúp giảm số lượng hàng giả. Vì thế Đài Loan không điểm tên.

33 chợ thực thể được nêu tên đến từ 18 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines. Chỉ riêng ở Trung Quốc, 7 khu chợ bao gồm Chợ Điện tử Hoa Cường Bắc (Huaqiangbei, ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông), Luo Hu Commercial City (ở quận La Hồ, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông), Phố Thủy Tú (Xiushui) ở Bắc Kinh và Chợ Ngũ Ái (Wuai) ở tỉnh Liêu Ninh, v.v.

Trung Quốc vẫn là nguồn hàng giả lớn nhất

USTR cho biết trong báo cáo rằng Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp hàng giả lớn nhất thế giới. Hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc, kết hợp với hàng hóa trung chuyển từ Trung Quốc sang Hồng Kông, chiếm 60% giá trị của hàng giả, hàng lậu bị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) tịch thu năm 2022 (giá trị tính theo giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất).

Khi các hạn chế về COVID-19 kết thúc, lượng người qua lại tại các chợ thực thể đã tăng lên và doanh số bán hàng giả đã quay trở lại. Ngoài ra, người bán hàng giả tiếp tục sử dụng mặt tiền cửa hàng thực thể làm điểm liên hệ với khách hàng, địa điểm thử nghiệm mẫu/sản phẩm và làm trung tâm bán hàng trực tuyến.

Báo cáo cho biết: “USTR khuyến khích Trung Quốc sửa đổi và mở rộng phạm vi các hành thực thi pháp luật mạnh mẽ của mình để ứng phó với sự thay đổi liên tục của các chợ thực thể bán hàng giả.”

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết: “Việc buôn bán hàng giả và hàng lậu gây tổn hại cho người lao động, người tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và cuối cùng là nền kinh tế Mỹ.”

Bà cũng nhấn mạnh rằng, danh sách “Các chợ hàng giả khét tiếng” năm nay rất quan trọng vì nó nêu bật những nguy cơ tiềm ẩn của hàng giả và tại sao việc trấn áp mạnh mẽ việc buôn bán những hàng hóa này lại quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Năm 2006, USTR lần đầu tiên xác định các chợ khét tiếng trong “Báo cáo đặc biệt 301” (Special 301 Report). Kể từ tháng 2/2011, USTR đã công bố Danh sách “Các chợ hàng giả khét tiếng” hàng năm bên cạnh “Báo cáo đặc biệt 301” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giúp các nhà điều hành thị trường cũng như chính phủ ưu tiên các nỗ lực thực thi pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

Chất gây ung thư trong hàng giả Trung Quốc vượt mức 930 lần

Bình Minh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/gdt575.jpg

Biểu tượng ứng dụng Temu. Công ty con Temu của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo có trụ sở tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa: yanishevska / Shutterstock)

Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã cảnh báo thông qua một cuộc điều tra rằng hàng giả sản xuất tại Trung Quốc có chứa kim loại nặng gây ung thư. Chì và cadmium được phát hiện trong một số sản phẩm vượt quá giới hạn cho phép ít nhất 2 lần đến 930 lần, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.

Các công ty mua sắm trực tuyến của Trung Quốc như AliExpress và Temu phiên bản nước ngoài của Pinduoduo đã nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài thông qua các sản phẩm giá cực thấp. Người tiêu dùng nước ngoài gặp rắc rối với giá cao đã bị cám dỗ bởi hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, nhược điểm của sản phẩm giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng cảnh giác.

Gần đây, Hải quan Hàn Quốc tuyên bố, do hàng giả tăng gấp 6 lần trong 4 năm qua, cơ quan này đã tiến hành kiểm soát tập trung đối với các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhập khẩu vào Hàn Quốc trong 4 tuần, từ ngày 6/11 – 1/12/2023.

Kết quả cho thấy, 142.930 mặt hàng giả đã bị thu giữ, trong đó 62,3% đến từ Trung Quốc Đại Lục và 27,5% đến từ Hồng Kông, nghĩa là khoảng 90% hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng giả đến từ Việt Nam chiếm 10%.

Việc kiểm soát tập trung này được thực hiện trong các sự kiện giảm giá quy mô lớn như ngày 11/11 và ngày 24/11 trong mùa mua hàng trực tiếp, và được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực thông quan nhập khẩu, bao gồm chuyển phát nhanh, gửi bưu điện và nhập khẩu thông thường.

Cục Hải quan Hàn Quốc đã chỉ định quần áo, giày dép và túi xách có nhiều hàng giả nhất là 3 danh mục được kiểm soát thường xuyên.

Hải quan tập trung kiểm soát nguồn cung cấp thời trang tại sân bay quốc tế Sân bay quốc tế Incheon, Seoul. Các sản phẩm điện tử, thực phẩm và dược phẩm được kiểm soát tập trung tại Cảng Sân bay quốc tế Incheon. Đồng hồ và điện tử được quản lý tập trung tại cảng Pyeongtaek.

Trong số hàng giả bị tịch thu, quần áo chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40%, tiếp theo là văn phòng phẩm 16%, phụ kiện 14%, móc chìa khóa 8%, túi xách 5%. Ngoài ra, đồ chơi, giày dép, ví mỗi loại chiếm 2%.

Trong đó, khuyên tai, túi xách và các mặt hàng khác tiếp xúc trực tiếp với da cũng được nhập khẩu mà không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

Viện Phân tích Thuế quan Trung ương Hàn Quốc cũng tiến hành phân tích bổ sung về thành phần của 83 loại sản phẩm trực tiếp tiếp xúc vào da.

Kết quả phát hiện, 25 loại (chiếm 30%) sản phẩm chứa hàm lượng chì, cadmium và kim loại nặng khác vượt quá mức cho phép. Chì và cadmium được phát hiện trong một số sản phẩm vượt quá giới hạn cho phép ít nhất 2 lần đến 930 lần.

Trong số 24 chiếc khuyên tai giả của các thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài như Louis Vuitton, Dior, Chanel và các mặt hàng thời trang bình dân khác, có 20 chiếc (83%) được phát hiện chứa cadmium. 3 chiếc trong số đó cũng bị phát hiện có hàm lượng chì quá cao.

Phân tích thành phần cũng cho thấy, để giảm giá thành, các công ty sản xuất hàng giả không chỉ sử dụng cadmium trong xử lý bề mặt, mà còn sử dụng chì và cadmium làm nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất.

Trong số 20 chiếc khuyên tai được phát hiện có chứa cadmium, 15 chiếc được phát hiện có hàm lượng cadmium vượt quá giới hạn cho phép tới 600 lần, một số sản phẩm có hàm lượng cadmium vượt quá giới hạn cho phép tới 930 lần. Hàm lượng chì gấp 153 lần so với tiêu chuẩn cũng được phát hiện trên trâm cài áo Chanel.

Ngoài ra, một số túi, ví giả cũng bị phát hiện có chứa hàm lượng chì và cadmium quá cao.

Theo Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp, một bộ phận của Bộ Lao động Hoa Kỳ, cadmium và các hợp chất của nó có độc tính cao. Việc tiếp xúc với kim loại này có thể gây ung thư và làm tổn thương hệ thống tim mạch, thận, đường tiêu hóa, hệ thần kinh, sinh sản và hệ thống hô hấp.

Theo Viện Ung thư Quốc gia, cadmium chủ yếu liên quan đến ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận và ung thư tuyến tụy ở người, đồng thời cũng liên quan đến ung thư vú và ung thư bàng quang.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã xác định rằng chì và các hợp chất chì có thể gây ung thư ở người.

Chì có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Ngộ độc chì ở trẻ em và người lớn chủ yếu gây hại cho hệ thần kinh. Tiếp xúc lâu dài có thể làm giảm khả năng học tập, trí nhớ và sự tập trung, cũng như ngón tay, cổ tay hoặc mắt cá chân suy yếu.

Tiếp xúc với chì có thể gây thiếu máu (nồng độ sắt trong máu thấp) và tổn thương thận, đồng thời cũng có thể làm tăng huyết áp, đặc biệt ở người trung niên và người lớn tuổi.

Cục Hải quan Hàn Quốc đưa ra cảnh báo, rằng việc lưu thông và tiêu thụ hàng giả không chỉ là vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Các công ty mua sắm trực tuyến của Trung Quốc cũng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Hàn Quốc. Năm 2023, thị phần của Trung Quốc trong thị trường mua sắm trực tuyến thương mại điện tử xuyên biên giới của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt qua Hoa Kỳ, trở thành thị trường mua sắm ở nước ngoài lớn nhất của Hàn Quốc.

Không chỉ Hàn Quốc phát hiện số lượng lớn sản phẩm kém chất lượng, độc hại từ Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới, gồm cả Việt Nam, cũng không tránh khỏi tai họa này.

Bản thân người dân Trung Quốc cũng phải đương đầu với nạn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trong nước chứa chất gây ung thư.

Đầu năm 2007, Trung Quốc xôn xao trước việc Tuần báo Tin tức Quảng Châu báo buộc một số nhà hàng tại tỉnh Thiểm Tây đã sử dụng dầu ăn chứa hóa chất gây bệnh ung thư để chế biển đồ ăn. Vụ bê bối sữa bột trẻ em chứa chất Melamine năm 2008 khiến 6 em tử vong và 51.900 em phải nhập viện.

Hàng loạt sản phẩm cũng bị phanh phui có chứa hóa chất gây bệnh ung thư như hạt trân châu (làm từ bột sắn và nhựa), bánh bao tái chế bằng hóa chất, giá đỗ nhiễm độc, hạt hướng dương rang sẵn…


Tại sao nhập cư hàng loạt tốt cho các xã hội Phương Tây?

Nguồn: Gideon Rachman, “In praise of mass immigration,” Financial Times, 22/01/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

31/01/2024

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2024/01/41.-In-praise-of-mass-immigration.jpg

Tỷ lệ nhập cư cao là dấu hiệu cho thấy một xã hội lành mạnh và năng động.

“Khi nhìn về phía trước, tôi chợt thấy có linh cảm. Giống như người La Mã, tôi như đang thấy sông Tiber sủi đầy máu…”

Đó là lời cảnh báo hồi năm 1968 của Enoch Powell về nguy cơ nhập cư ồ ạt vào Anh. Giờ đây, những người xem chính trị gia quá cố của Đảng Bảo thủ như một nhà tiên tri sẽ cảm thấy như mình được minh oan. Phản đối làn sóng nhập cư đang ngày càng trở thành vấn đề trọng tâm trong nền chính trị phương Tây.

Cuối tuần vừa qua, người ta đã chứng kiến biểu tình rầm rộ trên khắp nước Đức chống lại đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD), vốn là đảng đang có tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò – và cũng là đảng bị cáo buộc đang xem xét việc trục xuất hàng loạt người nhập cư. Tại Mỹ, Donald Trump từng nói rằng những người nhập cư bất hợp pháp đang “đầu độc dòng máu” của đất nước. Về phần mình, chính phủ Anh cũng đang bị ám ảnh bởi kế hoạch thất bại nhằm trục xuất những người xin tị nạn đến Rwanda.

Phải chăng điềm báo của Powell đang được xác nhận – hơn 50 năm sau phát biểu về “dòng sông máu” của ông?

Có lẽ là không. Bởi vẫn có hai khuyết điểm lớn trong quan điểm cho rằng nhập cư hàng loạt là một sai lầm khiến xã hội phương Tây bị chia rẽ.

Đầu tiên, ý tưởng cho rằng đồng nhất sắc tộc sẽ đảm bảo hòa bình xã hội ở phương Tây rõ ràng là vô lý. Thứ hai, chúng ta sẽ phải trả giá đắt về kinh tế và xã hội nếu hạn chế nhập cư một cách đáng kể. Những người hiện đang phàn nàn về việc “có quá nhiều người nhập cư” rồi sẽ cảm thấy phẫn nộ trước cái giá phải trả khi có quá ít người nhập cư.

Nói như thế không có nghĩa là làn sóng nhập cư ồ ạt không tạo ra căng thẳng. Gần như bất kỳ thay đổi lớn nào trong xã hội cũng sẽ gây ra căng thẳng. Và căng thẳng xoay quanh vấn đề nhập cư ở châu Âu thường gia tăng mạnh mẽ sau các vụ khủng bố – chẳng hạn như vụ tấn công ở Pháp hồi năm 2015, do những kẻ cực đoan Hồi giáo thực hiện.

Tuy nhiên, việc cho rằng thế giới phương Tây không có người di cư sẽ có thể chung sống trong sự hòa hợp hoàn hảo là một suy nghĩ ngu ngốc nếu xét về mặt lịch sử. Khi tôi lớn lên ở Anh vào thập niên 1970, khủng bố là một mối đe dọa lớn. Nhưng kẻ đánh bom lại là những người da trắng đến từ Bắc Ireland. Lịch sử châu Âu từ trước khi có làn sóng nhập cư vẫn luôn tràn ngập cảnh đổ máu và hỗn loạn. Tại Anh, Pháp, Nga, và Tây Ban Nha, các cuộc nội chiến man rợ đã xảy ra từ rất lâu trước thời đại nhập cư ồ ạt. Đơn giản thì thời yên bình đã qua lâu rồi.

Giờ đây, một số người ở phương Tây lại tỏ ra ghen tị với các quốc gia khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia có quy định hà khắc hơn đối với việc nhập cư, theo đó có khối dân đồng nhất về mặt sắc tộc hơn nhiều. Nhưng vấn đề là các nước này cũng không tránh khỏi bạo lực chính trị. Shinzo Abe, cựu thủ tướng Nhật Bản, đã bị ám sát vào năm 2022, trong khi lãnh đạo đảng đối lập chính của Hàn Quốc vừa bị đâm hồi tuần trước. Và tất cả người dân Hàn Quốc đều đang sống dưới bóng đen hạt nhân từ những người anh em cùng sắc tộc với họ ở Triều Tiên.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Vì không có dân nhập cư để bù đắp, dân số của hai nước này đang sụt giảm và già đi nhanh chóng – và điều đó sẽ gây ra những căng thẳng lớn về kinh tế và xã hội.

Các chính trị gia chống nhập cư thường nói rằng câu trả lời cho tỷ lệ sinh thấp là hãy sinh nhiều trẻ hơn, thay vì chào đón nhiều người nhập cư hơn. Nhưng các chính sách ủng hộ sinh đẻ lại có kết quả rất kém.

Những người phản đối việc nhập cư hàng loạt nói rằng nó gây ra những tổn thất kinh tế và xã hội nặng nề. Matthew Goodwin, một học giả và nhà hoạt động chống nhập cư người Anh, lập luận: “Gần một nửa tổng số nhà ở xã hội ở London thuộc về các hộ gia đình do người không sinh ra ở Anh làm chủ. Tôi không nghĩ đó là một tình huống bền vững.”

Nhưng con số này không có gì đáng ngạc nhiên vì có tới 41% người London sinh ra ở nước ngoài. Nếu tính cả những người như tôi, có cha mẹ sinh ra ở nước ngoài, thì số người London có “xuất thân nhập cư” (như cách gọi của người Đức) còn cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, London rõ ràng là thành phố thịnh vượng và năng động nhất nước Anh. Nó đang hoạt động tốt hơn rất nhiều so với phần còn lại của đất nước, đến mức mà việc “nâng cấp” để phần còn lại của Anh có mức sống và năng suất tương tự như London đã trở thành mục tiêu trọng tâm của chính phủ Anh. Các trường học ở London, nơi có rất nhiều người nhập cư mới, cũng đang hoạt động tốt hơn những trường học ở phần còn lại của đất nước.

Phải chăng mức độ nhập cư cao chính là một phần quan trọng trong câu chuyện thành công của London? Hãy thử loại người nhập cư khỏi London và thành phố này sẽ ngừng hoạt động. Mới hôm nọ, tôi đã được một anh chàng người Syria cắt tóc cho mình, sau đó đến cuộc hẹn với bác sĩ trên chiếc Uber do một người Nigeria lái. Tại bệnh viện, tôi đã được chụp chiếu bởi hai nhân viên người Tây Ban Nha, trước khi đến gặp bác sĩ chuyên khoa được đào tạo ở Delhi.

Thật vậy, Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS) được đánh giá cao của Anh sẽ sụp đổ nếu không có sự đóng góp của người nhập cư. Khoảng 35% bác sĩ làm việc tại NHS là người nước ngoài. Nếu tính cả những người đến từ nước ngoài và đã nhập quốc tịch Anh, con số còn cao hơn nhiều. Giống như câu nói “chẳng có kẻ nào là vô thần khi phải ra chiến trường,” tôi cho rằng sẽ chẳng có bệnh nhân nào lại phân biệt chủng tộc khi phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Tất nhiên, tranh luận về mức độ nhập cư là hoàn toàn hợp pháp trong một nền dân chủ. Các cuộc vượt biên bất hợp pháp đặt ra một vấn đề đặc biệt vì chúng cho thấy nền pháp quyền đang bị phá vỡ. Nhưng ở cả Anh và Mỹ, đại đa số người nhập cư đều đến nơi một cách hợp pháp.

Cánh hữu thường nói rằng các chính trị gia nên nói sự thật về vấn đề nhập cư. Tôi đồng ý. Sự thật ở đây là mức độ nhập cư cao là dấu hiệu của một xã hội năng động và lành mạnh – chứ không phải là điềm báo về sự diệt vong hay “những dòng sông máu.”

https://nghiencuuquocte.org/2024/01/31


Fed sẽ họp chính sách vào hôm nay

Thị trường toàn cầu luôn dừng lại và lắng nghe khi Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, phát biểu. Dù vậy, họ vẫn sẽ chú ý hơn hẳn bình thường vào thứ Tư. Tại họp báo sau cuộc họp chính sách thường kỳ, Fed sẽ công bố kết quả bỏ phiếu mới nhất về lãi suất. Hầu hết mọi người đều mong đợi ngân hàng trung ương giữ lãi suất ổn định như trong sáu tháng qua. Nhưng điều không chắc chắn là ông Powell sẽ mô tả lập trường của Fed như thế nào trong cuộc họp báo sau đó.

Lạm phát ở Mỹ đã chậm lại đáng kể trong năm qua và đang tiến gần đến mục tiêu 2% hàng năm của ngân hàng trung ương. Một số nhà phân tích cho rằng Fed nên cắt giảm lãi suất nhanh chóng ngay bây giờ để phòng ngừa lực cản tiền tệ đối với nền kinh tế. Nhưng tăng trưởng đã phục hồi đáng kể và các nhà phân tích diều hâu hơn cho rằng việc cắt giảm lãi suất là không cần thiết. Tệ hơn nữa, chúng thậm chí có thể giúp lạm phát ngoi đầu dậy. Thị trường sẽ theo dõi từng cử chỉ của ông Powell để đi tìm quan điểm chủ đạo trong nội bộ Fed.

Boeing giữa bê bối bung cửa máy bay

Vào tháng 1, bảng điều khiển lối thoát hiểm trên một chiếc Boeing 737 MAX 9 của Alaskan Airlines đã bị bung trong chuyến bay qua Oregon. Hình ảnh chiếc máy bay phản lực bay với một lỗ hổng trên thân máy bay sẽ hiện lên trong tâm trí các nhà đầu tư khi Boeing công bố kết quả kinh doanh quý 4 vào thứ Tư. Boeing đã mất hơn 17% giá trị thị trường kể từ sau vụ việc.

Bu lông lỏng lẻo có thể là nguyên nhân. Sau một loạt cuộc kiểm tra, chúng được phát hiện có ảnh hưởng đến các máy bay tương tự khác. Cơ quan quản lý Mỹ cho rằng Boeing hiện phải tập trung vào kiểm soát chất lượng hơn là tăng sản lượng.

Nhưng khi các hãng hàng không đổ xô mua máy bay mới, điều đó có thể khiến gã khổng lồ hàng không vũ trụ của Mỹ càng bị tụt lại so với Airbus. Đối thủ châu Âu của Boeing đang dẫn đầu trong cuộc đua giao máy bay đường ngắn và có lượng đơn đặt hàng tồn đọng tới khoảng 7.800 chiếc loại này. Boeing có sổ đặt hàng nhỏ hơn khoảng 4.800 chiếc cho 737 MAX. Và họ sẽ rất nỗ lực để bắt kịp.

Một năm ấn tượng của Novo Nordisk

Novo Nordisk, công ty có giá trị nhất châu Âu, sẽ công bố kết quả thường niên vào thứ Tư. Các nhà đầu tư sẽ háo hức muốn biết về triển vọng của hãng dược Đan Mạch đối với Ozempic và Wegovy, hai loại thuốc bom tấn điều trị bệnh tiểu đường và béo phì. Ngân hàng đầu tư Jefferies dự đoán nhu cầu hàng năm về thuốc giảm cân có thể đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Nhưng Novo có những khó khăn nhất định. Tại Mỹ, thị trường lớn nhất của họ, các công ty bảo hiểm đã chậm chi trả cho Wegovy, vốn có chi phí lên tới 1.300 USD mỗi tháng. Bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh. Tháng 11 năm ngoái, các cơ quan quản lý đã phê duyệt Zepbound, một loại thuốc tương tự do hãng dược Eli Lilly của Mỹ sản xuất. Các loại thuốc khác cũng đang được phát triển. Trang tin về y tế Stat ước tính có hơn 90 ứng viên cho thuốc giảm cân đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng dù sao thì hiện tại cầu vẫn đang vượt xa cung. Trong năm 2023, cổ phiếu của Novo đã tăng 53%, vượt xa các công ty cùng ngành dược khác. Các cổ đông kỳ vọng vận may của họ sẽ tiếp tục trong năm nay.


Quốc hội Mỹ điều trần về lạm dụng trẻ em trên không gian mạng

Giám đốc điều hành của các công ty truyền thông xã hội lớn nhất sẽ về Đồi Capitol vào thứ Tư để điều trần trước các thượng nghị sĩ Mỹ. Các CEO của Meta, TikTok, X, Snap và Discord sẽ trả lời các câu hỏi từ ủy ban tư pháp Thượng viện về nỗ lực bảo vệ trẻ em của họ.

Kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội là một vấn đề gây tranh cãi và mang tính đảng phái. Đảng Dân chủ nói rằng các ứng dụng xã hội không làm đủ để dập tắt ngôn từ căm thù và thông tin sai lệch. Đảng Cộng hòa phản bác rằng các nền tảng này bị kiểm duyệt quá mức và không đề cao quyền tự do ngôn luận. Kết quả là Quốc hội bế tắc.

Dù vậy vẫn có những lĩnh vực mà hai bên đều đồng thuận, trong số đó có việc buôn bán hình ảnh lạm dụng trẻ em, lạm dụng trẻ vị thành niên, và các video deepfake (trong đó Taylor Swift là nạn nhân mới nhất). Hai dự luật kiểm soát nạn lạm dụng trẻ em trực tuyến đã được Thượng viện thông qua vào năm ngoái. Từ đó có thể thấy, phiên điều trần vào thứ Tư sẽ không hề chỉ là một cuộc nói chuyện.


Mỹ thắt chặt visa di dân, Đảng viên ĐCSTQ xin visa thân nhân cũng bị từ chối

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/7656423.jpg

Có dấu hiệu cho thấy nhà chức trách Mỹ đang thắt chặt visa nhập cư, theo đó hạn chế nghiêm ngặt thành viên của ĐCSTQ nhập cảnh Mỹ (Ảnh minh họa: Artiom Photo / Shutterstock)

Mỹ đang thắt chặt visa đối với những người nhập cư từ Trung Quốc, theo đó trong vấn đề liên quan là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), visa nhập cư thân nhân (family based immigration visa) cũng khó được cấp. Có phân tích cho rằng Mỹ ngày càng rõ ràng hơn về phân biệt giữa người Trung Quốc và ĐCSTQ.

Cha của Xiaoyue (biệt danh), ông Li, là giảng viên đại học, cũng từng là Đảng viên. Vào tháng Giêng năm nay, khi ông đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu để phỏng vấn xin visa nhập cư Mỹ, ông đã bị người phụ trách của Mỹ liên tục thẩm vấn về tư cách Đảng viên của ông và cuối cùng bị từ chối cấp visa.

Theo lời kể, viên chức phụ trách nhập cảnh hỏi: Ông có phải là Đảng viên không? Vào Đảng khi nào? Tại sao vào Đảng? Lần cuối cùng tham dự một hoạt động Đảng là khi nào? Ông Li trả lời thành thật, ông vào Đảng vì công việc và đã 5 năm không tham gia hoạt động tổ chức. Cuối cùng, nhân viên phụ trách hỏi: Ông có đồng ý với cương lĩnh của ĐCSTQ không? Ngay khi ông Li đang do dự thì visa của ông đã bị từ chối.

Thông báo của lãnh sự quán do Xiaoyue chia sẻ cho thấy, ông Li được thông báo rằng đơn xin visa không thể được chấp thuận, vì theo Khoản (a)(3)(D) Điều 212 của Luật Di trú và Quốc tịch Mỹ cho thấy người nộp đơn là thành viên của một đảng chính trị toàn trị.

Vì là đảng viên ĐCSTQ, ông Li bị từ chối cấp visa nhập cư thân nhân (Người được phỏng vấn cung cấp).

Ông Li cũng đã nhận được hướng dẫn về thủ tục xin miễn trừ đặc biệt (franchise exemption application), theo đó có thể xin visa bằng cách nộp mẫu đơn xin miễn trừ đặc biệt (Mẫu I-601).

Vốn dĩ Xiaoyue tin vào quảng cáo của cơ quan nhập cư rằng việc nhập cư theo diện thân nhân [công dân Mỹ] có thể được chấp thuận 100%. Nhưng sau nhiều năm chờ đợi vì dịch bệnh COVID-19, đến nay thì hy vọng của Xiaoyue đoàn tụ với cha đã trở thành thất vọng, cô hối hận vì đã không thuyết phục được cha cô thoái Đảng.

Yi Rong – Chủ tịch Toàn cầu Trung tâm Thoái ĐCSTQ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times trước đó rằng, ngay cả những người Trung Quốc đến từ biên giới cũng được hỏi liệu họ có phải là thành viên của ĐCSTQ hay không, có tham gia liên quan gì hay không trong hoạt động cấy ghép nội tạng mà nguồn gốc liên quan tội ác mổ cướp nội tạng. “Việc một người có phải là thành viên (ĐCSTQ) hay không đã trở thành một vấn đề rất quan trọng. Đối với người dân Trung Quốc, việc ‘thoái Đảng’ không chỉ là nhu cầu tinh thần mà còn là nhu cầu thiết thực trong cuộc sống, nhất định mọi người phải nắm vững điều quan trọng này”.

Các luật sư chuyên hướng dẫn nhập cư Mỹ cũng chỉ ra chính sách nhập cư của Mỹ đang bị thắt chặt nghiêm ngặt. Hầu như tất cả các loại vụ việc đều phải đối mặt với các vấn đề như thời gian xử lý lâu hơn, ngưỡng tăng cao và tỷ lệ hồ sơ bổ sung cao hơn.

Theo luật nhập cư Mỹ, những lý do phổ biến khiến người nhập cư bị từ chối visa bao gồm: gian lận và xuyên tạc; từng cư trú bất hợp pháp tại Mỹ; buôn lậu hoặc hỗ trợ người khác vào Mỹ bất hợp pháp; và người nộp đơn là thành viên của một đảng chính trị toàn trị.

Phóng viên Epoch Times tìm hiểu được biết rằng, trước đây việc từ chối loại visa nhập cư liên quan tư cách đảng viên này chỉ dành cho những ngành nghề nhạy cảm như quân nhân, công an, nhà nghiên cứu khoa học, nhưng bây giờ vấn đề có thể đã được mở rộng sang các ngành nghề thông thường.

Mỹ thắt chặt yêu cầu visa, trong khi Trung Quốc thúc đẩy miễn visa

Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (Immigration And Nationality Act) Mỹ từ lâu đã hạn chế việc nhập cư của các thành viên ĐCSTQ và các đảng chính trị toàn trị, nhưng việc thực thi luật này trước đây rất lỏng lẻo. Năm 2020, Sở Di trú Mỹ đã ban hành điều chỉnh vào ngày 2/10, theo đó đơn xin nhập cư của các thành viên Đảng Cộng sản hoặc các đảng phái chính trị toàn trị khác hoặc thành viên của các tổ chức liên kết của họ sẽ không được chấp nhận.

Theo dữ liệu nhập cư do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, năm 2022 đã cấp 22.108 visa nhập cư, trong khi 10 năm trước vào năm 2012 là 40.303 visa. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 và những điều chỉnh về chính sách nhập cư nên tổng số visa nhập cư Mỹ năm 2020 chỉ là 12.217.

Đối với người nhập cư Thân nhân Trực hệ (Immediate Relatives), mức cao nhất là 15214 vào năm 2012. Trước năm 2012, số lượng visa tương đối cao nhưng giảm dần trong những năm tiếp theo, đến năm 2022 còn 5.467 visa, so với mức đỉnh giảm chỉ còn 1/3. Trong 2 tháng đầu năm tài chính 2024, lần lượt chỉ có 508 và 545 người có được visa nhập cư cho thành viên gia đình trực hệ.

Visa không nhập cư (NIV) cũng ngày càng khó khăn. Theo dữ liệu visa năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, tổng số visa không nhập cư được Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, Lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải, Quảng Châu và Thẩm Dương phê duyệt chỉ còn hơn 120.000, bằng 10% so với năm 2019 lên tới 1,21 triệu.

Trái ngược với việc Mỹ thắt chặt visa, ĐCSTQ lại cố gắng mở rộng phạm vi các nước miễn visa. Ví dụ tháng 11 năm ngoái, ĐCSTQ tuyên bố đơn phương miễn visa cho 7 nước, bao gồm Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Malaysia.

Nhà văn độc lập Zhuge Mingyang (Gia Cát Minh Dương) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng, đây là một hiện tượng rất thú vị, cũng là điều không thể tránh khỏi. Từ góc độ của ĐCSTQ, trong hoàn cảnh Trung Quốc với môi trường chính trị hà khắc, suy thoái kinh tế và thực trạng rút vốn nước ngoài quy mô lớn, việc nhà cầm quyền đơn phương mở miễn visa, thứ nhất là mang lại cho cộng đồng quốc tế cảm giác rằng ĐCSTQ tiếp tục mở cửa, thứ hai là hy vọng có thêm nhiều người phương Tây có thể trải nghiệm sự thịnh vượng giả tạo của Trung Quốc để tẩy não họ. Ngoài ra, còn có nghi vấn một khả năng xảo quyệt hơn, đó là trả đũa toàn thế giới qua việc cho lây lan dịch bệnh thông qua sự xâm nhập của nhiều người phương Tây hơn; khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, ĐCSTQ đã cho phép người dân từ Vũ Hán tùy ý đi ra nước ngoài, từ đó lây lan dịch bệnh ra khắp thế giới.

Ông nói, đối với cách tiếp cận của Mỹ, tất nhiên dựa trên lập trường chống ĐCSTQ. Từ khi ông Trump làm Tổng thống, các chính trị gia Mỹ ngày càng phân biệt rõ hơn về người Trung Quốc và nhà cầm quyền ĐCSTQ, qua đó bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp hơn để hạn chế việc nhập cư của các thành viên ĐCSTQ vào Mỹ. Ngay từ vài năm trước, Đại sứ quán Mỹ đã hỏi các công dân Trung Quốc xin visa Mỹ những câu hỏi như: “Bạn có tham gia hoặc giúp đỡ phụ nữ phá thai không”, “Bạn có tham gia cấy ghép nội tạng không?”…

Vương Nghĩa / Epoch Times


Nhiều sinh viên Trung Quốc bị Mỹ thẩm vấn và trục xuất tại sân bay Washington

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/gfty575-768x480.jpg

Kiểm tra hộ chiếu tạ Sân bay Baltimore / Washington International Thurgood Marshall, Mỹ, ngày 8/4/2019 (Ảnh minh họa: everythingforall / Shutterstock)

Gần đây, nhiều sinh viên Trung Quốc đã bị các quan chức thực thi pháp luật biên giới Hoa Kỳ thẩm vấn khi nhập cảnh vào nước này từ Sân bay Quốc tế Dulles Washington. Họ bị hủy thị thực và bị trục xuất về nước.

Ngày 28/1, trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đưa ra thông cáo cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã tổ chức tiệc kỷ niệm 45 năm du học Trung – Mỹ vào cùng ngày.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tạ Phong (Xie Feng), Đại sứ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho biết luật gần đây của Florida cấm sinh viên Trung Quốc vào làm việc tại phòng thí nghiệm của trường công.

Ngày 29/1, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đưa ra thông tin rằng những sinh viên quốc tế này đã bị kiểm tra khi họ trở về Hoa Kỳ sau kỳ nghỉ, chuyến du lịch đến nước thứ ba, hoặc tham dự hội nghị, gồm cả việc khám xét các thiết bị điện tử mà họ mang theo.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ không tiết lộ số lượng sinh viên Trung Quốc bị thẩm vấn hay hoàn cảnh cụ thể.

Ngày 29/1, China News và nhiều kênh truyền thông chính phủ khác đã đăng lại vụ việc sinh viên Trung Quốc họ Lý đã bị đưa vào “căn phòng tối nhỏ” được đề cập trong một báo cáo của Mạng lưới người Hoa hải ngoại Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái.

Tháng 1/2023, anh đến Đại học Maryland ở Hoa Kỳ để học lấy bằng tiến sĩ về khoa học máy tính. Khi đến sân bay Dulles Washington, anh bị đưa đến một “phòng tối nhỏ” để thẩm vấn theo luật pháp Hoa Kỳ.

Theo báo cáo, các quan chức thực thi pháp luật Hoa Kỳ không chỉ cưỡng bức kiểm tra điện thoại di động, máy tính và các sản phẩm điện tử khác của anh, mà còn liên tục thẩm vấn anh và các thành viên gia đình anh, về việc họ có phải là đảng viên ĐCSTQ hay đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc hay không.

Cuối cùng, nhân viên Hoa Kỳ đã cấm anh nhập cảnh trong 5 năm, hủy thị thực hợp lệ và trục xuất anh.

Trước đó, hôm 4/1, truyền thông Trung Quốc đưa tin, hàng chục sinh viên Trung Quốc đã bị thẩm vấn, thậm chí bị trục xuất khi nhập cảnh vào Mỹ.

Ngày 19/12/2023, anh T, một trong những sinh viên Trung Quốc là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Yale, trở về Hoa Kỳ từ Trung Quốc và nhập cảnh vào nước này tại Sân bay Dulles gần Washington.

Sau khi hỏi về chuyên ngành của T, hải quan sân bay đã đưa anh vào phòng thẩm vấn suốt 8 tiếng đồng hồ. Họ hỏi anh có nhận được học bổng trong thời gian học đại học không, có được chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tài trợ hay không, v.v., đồng thời kiểm tra các thiết bị điện tử cầm tay của anh.

Sau đó, anh T được thông báo visa F-1 của anh dùng để đi du học đã bị hủy, anh sẽ không được phép nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Một sinh viên Trung Quốc khác bị thẩm vấn là M. M đến Trung tâm Ung thư Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2022 để tiến hành nghiên cứu, và bị thẩm vấn khi nhập cảnh từ Sân bay Dulles vào ngày 22/11/2023.

M được hỏi liệu nội dung nghiên cứu hiện tại có được chính quyền ĐCSTQ tài trợ du học hay không, và liệu kế hoạch nghiên cứu khoa học này có liên quan đến chính quyền ĐCSTQ, quân đội và các phòng thí nghiệm trọng điểm hay không.

ĐCSTQ sử dụng sinh viên quốc tế cho hoạt động gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ. Trong nhiều năm, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã cảnh báo, sinh viên Trung Quốc liên kết với quân đội Trung Quốc, gây rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.

Tháng 5/2020, Tổng thống Trump khi đó đã ban hành Sắc lệnh số 10043, cấm nhập cảnh đối với sinh viên và học giả Trung Quốc có thị thực F (visa sinh viên) và thị thực J (visa học giả thăm thân) có liên quan đến quân đội của ĐCSTQ.

Trên thực tế, từ lâu “Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch Hoa Kỳ” (INA) đã hạn chế việc nhập cư của các đảng viên ĐCSTQ và các đảng chính trị toàn trị, nhưng việc thực thi luật này trước đây rất lỏng lẻo.

Năm 2020, Sở Di trú Hoa Kỳ đã quy định rõ ràng rằng mọi đơn xin nhập cư của các thành viên ĐCSTQ, hoặc các đảng chính trị toàn trị khác hoặc thành viên của các tổ chức liên kết của họ sẽ không được chấp nhận.

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, nhà văn độc lập Gia Cát Minh Dương cho biết, cách tiếp cận của Hoa Kỳ dựa trên lập trường chống cộng của họ.

Từ khi cựu Tổng thống Trump nhậm chức đến nay, các chính trị gia Mỹ ngày càng hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Trung Quốc, đồng thời bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp hơn, nhằm hạn chế việc nhập cư của các thành viên ĐCSTQ vào Hoa Kỳ.

Sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, mặc dù tiếp tục cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc, nhưng ông cũng kiểm tra điện thoại di động của họ và trục xuất những người có vấn đề.

Ngay từ vài năm trước, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã hỏi các công dân Trung Quốc xin thị thực Hoa Kỳ những câu hỏi như “Bạn có tham gia hoặc giúp đỡ phụ nữ phá thai không” “Bạn có tham gia cấy ghép nội tạng không?”

Điều đáng nói là vào ngày 22/1, phiên tòa xét xử sinh viên quốc tế Trung Quốc Ngô Khiếu Lôi vì tội đe dọa các thành viên của “Phong trào Sách Trắng” đã bắt đầu tại tòa án liên bang Boston.

Ngô Khiếu Lôi bị FBI bắt giữ vào ngày 14/12/2022. Sau đó, các công tố viên đã cáo buộc anh ta tội “theo dõi qua mạng” “truyền thông tin đe dọa xuyên tiểu bang”.

Theo VOA, Công cáo số 10043 của Tổng thống không làm giảm đáng kể số lượng sinh viên Trung Quốc học tập tại Hoa Kỳ. Trong năm tài chính 2022, Hoa Kỳ đã cấp hơn 155.000 thị thực cho sinh viên và học giả Trung Quốc. Trong năm tài chính 2023, nước này đã cấp gần 290.000 thị thực.

Sinh viên Trung Quốc đã trở thành nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất tại Hoa Kỳ trong 13 năm liên tiếp. Điều này cho thấy, đại đa số sinh viên Trung Quốc được cấp thị thực đều có thể vào Hoa Kỳ thành công.

Bình Minh


Nông dân Pháp thất vọng về diễn văn của thủ tướng Attal

Thu Hằng /RFI

31/01/2024

Chiều 30/01/2024, thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã trình bày trước Hạ Viện chính sách chung của chính phủ. Bài diễn văn dài 1 giờ 20 chỉ dành 5 phút nói về nông nghiệp và chỉ nêu những biện pháp chung chung. Không thỏa mãn với phát biểu của thủ tướng, nông dân Pháp tiếp tục biểu tình ngày 31/01 và chặn các tuyến đường cao tốc dẫn đến thủ đô Paris.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đọc diễn văn về chính sách chung tại Hạ Viện ngày 30/01/2024.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đọc diễn văn về chính sách chung tại Hạ Viện ngày 30/01/2024. REUTERS – SARAH MEYSSONNIER

Nông dân vùng Ile-de-France ( Paris và vùng phụ cận ) và các tỉnh lân cận đã lập 9 chốt để « phong tỏa » Paris. Trên cả nước hiện có « 100 điểm bị chặn » với khoảng « 10.000 người biểu tình ». Trả lời đài truyền hình France 2 sáng 31/01, bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin nhắc lại là sẽ không buộc người nông dân biểu tình di dời, vì họ « không phải là những kẻ lưu manh », nhưng đồng thời ông đặt ra những giới hạn rõ ràng : « Không được vào Paris, không được chặn chợ đầu mối Rungis, không được phong tỏa các sân bay ».

Đoàn xe khoảng 200 máy kéo, xuất phát từ thành phố Agen (tây nam Pháp) đang tiến gần đến chợ đầu mối quốc tế Rungis, ở phía nam Paris. Tối 30/01, khoảng 15.000 hiến binh, cảnh sát được huy động đóng chốt trên đường quốc lộ A6, cách chợ Rungis vài km và để ngăn máy kéo tiến vào các sân bay, cũng như thủ đô Paris. Người biểu tình cũng đang tiến gần đến Lyon, thành phố lớn thứ 3 của Pháp. Chiều 30/01, rất nhiều máy kéo bị chặn trên đường cao tốc A89 nối Lyon với Clermont-Ferrand.

Trả lời đài phát thanh Sud Radio, bộ trưởng Nông Nghiệp Marc Fesneau cho biết « thủ tướng sẽ sớm phát biểu trước cuối tuần này » với nhiều thông báo để hành động trong ngắn hạn, cũng như nhằm thay đổi những « vấn đề tồn đọng từ quá lâu ». Bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp đến Bruxelles để đề cập cuộc khủng hoảng với Ủy Ban Châu Âu. Vấn đề này cũng sẽ được tổng thống Pháp nêu tại cuộc họp thượng đỉnh bất thường của Liên Âu ngày 01/02 tại Bruxelles.

Thái Lan: Tư pháp ra lệnh đảng Move Forward từ bỏ cải cách luật khi quân

Thu Hằng /RFI

31/01/2024

Ngày 31/01/2024, Tòa Bảo Hiến Thái Lan đã ra lệnh cho đảng Move Forward « từ bỏ ngay lập tức » biện pháp hủy luật về tội khi quân. Các thẩm phán đánh giá dự án của đảng ủng hộ dân chủ, do dân biểu trẻ Pita Limjaroenrat lãnh đạo, đi ngược với Hiến Pháp Thái Lan.

Nguyên chủ tịch đảng Move Forward Pita Limjaroenrat họp báo ngày 31/01/2024. Bangkok, Thái Lan.

Nguyên chủ tịch đảng Move Forward ông Pita Limjaroenrat, họp báo. Ảnh ngày 31/01/2024. AP – Sakchai Lalit

Theo Tòa, một chương trình cải cách như vậy cho thấy rõ « ý đồ tách hoàng gia khỏi Nhà nước Thái Lan, điều này nguy hiểm cho an ninh quốc gia ».

AFP nhắc lại là đảng Move Forward là đảng duy nhất ở Thái Lan công khai nêu vấn đề cải cách luật khi quân và vận động cải tổ các cơ quan, chấm dứt một số đặc quyền. Hàng triệu cử tri đã ủng hộ đảng của nhà lãnh đạo trẻ Pita Limjaroenrat với hy vọng lật sang trang mới sau hơn một thập niên sống dưới thời tập đoàn quân sự.

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án chính quyền lạm dụng luật khi quân để bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2020 và 2021. Ngay sau phán quyết của Tòa, nhà đối lập Juangroongruangkit chỉ trích « luật không phải là bản fax mà Chúa gửi đến. Đó là văn bản do tay người viết ra nên con người có thể sửa đổi nó ».