Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 07 tháng 12 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Thủ tướng Campuchia công du Việt Nam từ ngày 11-12/12
07/12/2023
Thủ tướng Campuchia Hun Manet phát biểu tại một buổi lễ ở Siem Reap hôm 16/11/2023
AFP
Thủ tướng Campuchia Hun Manet sẽ công du Việt Nam trong hai ngày 11 và 12/12 này. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trong cương vị thủ tướng Campuchia của ông Hun Manet.
Truyền thông hai nước cùng loan tin về chuyến thăm của ông Hun Manet đến Việt Nam theo lời mời của người đồng cấp Phạm Minh Chính.
Ông Hun Manet chính thức được Quốc hội Campuchia phê chuẩn trở thành tân Thủ tướng vào tháng 8 vừa qua, kế tục chức vụ mà cha ông là Hun Sen giữ trong nhiều thập niên tại Xứ Chùa Tháp.
Năm 2024, chính phủ Hà Nội và Phnom Penh kỷ niệm 45 năm biến cố mà hai phía cho là lật đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng nhưng phe đối lập lại lên án Hà Nội xâm chiếm đất nước này hồi năm 1979.
Năm 2024, hai phía cũng kỷ niệm 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Vào tháng chín vừa qua, Thủ tướng hai nước Việt Nam và Campuchia Phạm Minh Chính và Hun Manet từng gặp nhau bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia. Sang tháng 10, hai ông cũng gặp nhau bên lề Hội nghi Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Ả rập Xê út.
Tân Hoa Xã: Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam từ 12 đến 13/12
BBC News
07/12/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình “sẽ thăm Việt Nam từ 12 đến 13/12”, theo Tân Hoa Xã.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước của người lãnh đạo Đảng Cộng sản và chủ tịch nước Trung Quốc sang Việt Nam, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói hôm thứ Năm.
Ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam theo lời mời của hai nhà lãnh đạo nước này, TBT Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Bản tin của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Năm chỉ có hai đoạn về sự kiện này mà chưa có các chi tiết rằng chuyến thăm được bố trí ra sao.
Nhìn trên bình diện quan hệ quốc tế của Việt Nam thì sự kiện này sẽ diễn ra đúng ba tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Hà Nội.
Trước đó, hãng tin Bloomberg đưa tin tương tự, trích nguồn ẩn danh ở Việt Nam, nói rằng Chủ tịch Tập “có thể sẽ thăm Hà Nội từ 12 -đến 13 tháng 12 này”.
Thế nhưng cho đến chiều 07/12, một số báo Việt Nam ban đầu chỉ thấy hiện tựa đề về chuyến thăm trên mạng Internet nhưng khi bạn đọc bấm vào thì không hiện ra tin cụ thể.
Chừng vài chục phút sau, vào khoảng 15:30 giờ HN, các trang Tiền Phong, VOV, VnExpress đã hiện tin bài về nội dung này.
Bloomberg hôm trước nói quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang thảo luận chi tiết chuyến thăm của ông Tập kể từ thứ Sáu tuần trước, khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của TQ thăm Việt Nam.
GS Steven Tsang: “Hai nước Việt Nam và TQ đều theo hệ thống XHCN nhưng lại có tranh chấp lớn về biển đảo”
BRI, Biển Đông và ‘cộng đồng chung vận mệnh’
Các hãng thông tấn Phương Tây và một số báo khu vực, như ở Ấn Độ tin rằng một kết quả trực tiếp của chuyến thăm hai ngày tuần qua tới Việt Nam của ông Vương Nghị là “hai bên đồng ý nâng cấp tuyến đường sắt đi từ vùng khai thác đất hiếm ở miền Bắc Việt Nam ra cảng biển cũng ở phía Bắc nước này”.
Riêng về Vành đai & Con đường (BRI) phía Trung Quốc nói trước đây về một số công trình ở Việt Nam nằm trong dự án này, nhưng báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam lại không nói rõ như vậy.
Tương tự, hiện không rõ công trình xe lửa được nâng cấp nói trên có được hai bên gọi là một phần của BRI hay không.
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập sang Việt Nam diễn ra sau khi Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ ngoại giao lên “đối tác chiến lược toàn diện”.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm tới Hà Nội, theo lời mời của TBT Đảng CS VN Nguyễn Phú Trọng.
Thông cáo báo chí nhà các báo VN đăng tải hôm 11/09/2023 có đoạn trích lời hai ông Nguyễn Phú Trọng và Joe Biden về tình hình khu vực và Biển Đông:
“Hai nhà Lãnh đạo khẳng định ủng hộ nhất quán việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi quốc gia, phù hợp với luật biển quốc tế được thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).”
Ngoài ra, quan điểm chung Mỹ-Việt về an ninh khu vực được ghi rõ:
“Hai nhà lãnh đạo nhất trí tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.”
Mới đây nhất, căng thẳng Trung Quốc-Philippines trên Biển Đông tiếp tục lên cao và bất cứ động thái gì của Việt Nam, nước tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, cũng được các bên chú ý.
Tuần qua, trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt về câu chuyện liệu Việt Nam có tham gia “cộng đồng có vận mệnh chung” mà Trung Quốc đề xuất hay không, Giáo sư Steve Tsang từ Học viện nghiên cứu Á-Phi (SOAS), ĐH London nêu ý kiến:
“Việt Nam đang là nước xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo giống như Trung Quốc. Mà VN cũng lại là quốc gia có tranh chấp lãnh thổ lớn với phía Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam có mối quan hệ rất phức tạp với Trung Quốc. Nhìn từ phía VN thì mối đe dọa lớn nhất với họ lại đến từ phía TQ cho nên tôi nghĩ chính quyền VN sẽ muốn lèo lái quan hệ này hết sức thận trọng.”
Theo GS Tsang, một chuyên gia hàng đầu tại Anh về Trung Quốc thì “yếu tố quan trọng là Việt Nam giữ quan hệ ổn định và tốt với Trung Quốc để không làm nổ ra tình trạng Trung Quốc có hành động đe dọa an ninh của Việt Nam. Cách giao tiếp tích cực còn đem lại lợi ích kinh tế. Tôi nghĩ đây là hướng Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đi tới.”
CSVN hoàn tất ‘quy trình cướp đất’ tại Vườn Rau Lộc Hưng
07/12/2023
An ninh và công an bao vây Vườn Rau Lộc Hưng vào sáng 7/12
Việc xây dựng trường học tại khu Vườn Rau Lộc Hưng là để hoàn tất quá trình cướp đất của người dân lương thiện mà nhà cầm quyền đã tính toán trong nhiều năm.
Sáng 7/12, lực lượng an ninh chìm nổi đã tràn tới Vườn rau Lộc Hưng tại phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn. Một người dân oan Vườn Rau Lộc Hưng cho biết, từ đêm ngày 6/12, các xe chở vật liệu xây dựng đã đổ gạch cát để chuẩn bị cho việc khởi công công trình vào ngày 12 tới như báo chí quốc doanh đã loan tin vào hai hôm trước. Xe cứu thương, xe chữa cháy và xe phá sóng được giấu ở hai trường học gần khu đất Vườn Rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình, TP.HCM.
Các ngả đường vào khu Vườn Rau Lộc Hưng đều bị canh gác và công an kiểm soát mọi sự đi lại, di chuyển của người dân tại khu vực này. Nơi ở của những người dân oan bên ngoài khu đất Vườn Rau Lộc Hưng đều bị canh gác và nhiều người bị cấm ra khỏi nhà.
Khu đất Vườn Rau Lộc Hưng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà con nơi đây từ năm 1954 đến nay. Hơn 60 năm qua, người dân vẫn sử dụng khu đất này một cách liên tục, ổn định và không tranh chấp với cá nhân, đoàn thể hay tổ chức nào.
Theo quy định của luật pháp hiện hành, họ đương nhiên được cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, “chính quyền mới” đã dùng luật rừng để ban hành Quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để rồi chính họ từ chối cấp giấy tờ hợp pháp cho bà con hầu cướp đất một cách trắng trợn.
Tháng 1/2019, đúng dịp giáp Tết, nhà cầm quyền huy động một lực lượng hùng hậu gồm an ninh, mật vụ, côn đồ, dân phòng… mang súng, dùi cui, chó nghiệp vụ và nhiều xe ủi đến phá hủy toàn bộ 503 căn nhà, đẩy hàng trăm con người vào cảnh tang thương không nhà không cửa. Vụ việc đã gây trấn động dư luận trong và ngoài nước.
Tính đến thời điểm này, gần 5 năm trôi qua, nhà cầm quyền địa phương chưa một lần tiếp xúc chính thức và thiện chí với người dân để giải quyết.
Việc xây dựng trường học tại khu Vườn Rau Lộc Hưng là để hoàn tất quá trình cướp đất của người dân lương thiện mà nhà cầm quyền đã tính toán trong nhiều năm.
Phạm Thanh Nghiên
Không gian dân sự ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, các tổ chức có đăng ký cũng gặp nguy hiểm
RFA
07/12/2023
Trang bìa báo cáo mới nhất về không gian dân sự của CIVICUS
CIVICUS Monitor
Không gian dân sự ở Việt Nam bị thu hẹp trong nhiều năm qua và không chỉ giới bất đồng chính kiến mà các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) có đăng ký với nhà nước cũng là đối tượng đàn áp bởi nhà nước độc đảng, theo Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang A.
Phát biểu được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) đưa ra hôm 07/12 sau khi tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) ra báo cáo mang tựa đề People Power under Attack 2023 (tạm dịch: Sức mạnh của dân chúng trước sự tấn công 2023).
Tổ chức có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi) cho biết Việt Nam là một trong tám quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có không gian dân sự đóng.
Trên bình diện toàn cầu, 27 quốc gia khác cũng bị xếp loại như quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á, đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội của dân chúng.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A có đánh giá cho rằng, không gian dành cho xã hội dân sự trong khoảng thời gian sáu năm qua bị thu hẹp lại một cách rất nghiêm trọng. Ông nói qua điện thoại với RFA:
“Điều mà dễ nhìn thấy nhất là các vụ bắt giữ người hoạt động xã hội dân sự. Trước đây, lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ có đăng ký hoạt động một cách hợp pháp theo luật Việt Nam là những tổ chức có những cơ hội hợp tác, thậm chí hợp tác với chính quyền Việt Nam một cách rất tích cực.”
Theo ông, mọi việc trở nên xấu đi bắt đầu bằng việc bắt giữ nhà báo độc lập Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách vào tháng 7/2021, và hiện nay, lãnh đạo các tổ chức XHDS có đăng ký cũng là mục tiêu trấn áp của chính quyền độc đảng ở Việt Nam.
“Lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự như thế cũng có thể bị bắt, từ cái vụ của ông Mai Phan Lợi, ông (Đặng Đình) Bách, cho đến bà Nguỵ Thị Khanh, luật sư Hoàng Ngọc Giao, rồi bà (Hoàng Thị Minh) Hồng.”
Cho tới nay, đã có năm nhà hoạt động xã hội dân sự có đăng ký bị bắt và kết án về tội danh “trốn thuế” với mức án từ 18 tháng đến năm năm, trong khi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển Hoàng Ngọc Giao bị bắt vào cuối năm ngoái về cùng cáo buộc nhưng vẫn còn bị tạm giam.
Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS cho rằng, Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tuy nhiên lại không thể hiện mình là một thành viên góp sức vào mục tiêu cải thiện nhân quyền toàn cầu.
Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 06/12, ông nói:
“Hơn một năm kể từ khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, rõ ràng Việt Nam đã đi ngược lại những cam kết của mình nhằm đảm bảo việc người dân được hưởng thụ tốt hơn các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Thay vào đó, những gì chúng ta đã thấy là những nỗ lực liên tục nhằm hình sự hóa và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền, bao gồm các nhà hoạt động môi trường và các nhà hoạt động vì quyền của người thiểu số, sử dụng một loạt điều luật an ninh quốc gia sau những phiên tòa xét xử không công bằng.”
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế không nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm này và hành động để buộc chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và bãi bỏ mọi điều luật hạn chế quyền con người.
Lạm dụng cáo buộc “trốn thuế”
Ông cho biết CIVICUS vô cùng lo ngại về việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng cáo buộc “trốn thuế” có động cơ chính trị đối với những người bảo vệ quyền đất đai và môi trường ở Việt Nam, nhằm hạn chế các hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của họ.
Báo cáo của CIVICUS nhắc đến trường hợp nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng- người bị kết án ba năm tù giam, và luật sư Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), bị kết án năm năm cũng về tội danh “trốn thuế” và đang bị đối xử tàn tệ trong Trại giam số 6 của Bộ Công an.
“Kể từ năm 2021, chiến thuật như vậy ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Nếu Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thì phải phóng thích tất cả các nhà hoạt động, nhà vận động và chuyên gia môi trường ngay lập tức,” ông Benedict nói.
Đàn áp xuyên quốc gia
Báo cáo của CIVICUS cũng nhắc đến vụ bắt cóc blogger Đường Văn Thái, người sang Thái Lan tị nạn từ 2018 và được Văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn của LHQ cấp quy chế.
Ông Benedict nói về tình trạng đàn áp xuyên quốc gia mà lực lượng an ninh Việt Nam đã thực hiện:
“Có những lo ngại nghiêm trọng rằng Việt Nam hiện đang sử dụng biện pháp đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào những người bất đồng chính kiến và người chỉ trích chế độ ở nước ngoài với vụ bắt cóc Đường Văn Thái bởi nhân viên an ninh Việt Nam khi đang sống lưu vong ở Thái Lan.”
Ông kêu gọi các quốc gia láng giềng của Việt Nam, đặc biệt Thái Lan, phải bảo đảm rằng các nhà hoạt động có quy chế tị nạn được bảo vệ và họ không bị cưỡng bức quay trở lại.
Báo cáo của CIVICUS đánh giá và theo dõi các quyền tự do cơ bản ở 197 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự đóng, 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự “bị kiềm chế” và 40 nước có không gian dân sự bị xếp hạng “cản trở,” 43 quốc gia có không gian dân sự “thu hẹp” và chỉ có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian dân sự mở.
Phóng viên có gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về đánh giá của CIVICUS, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Bộ Ngoại giao Việt Nam thường không trả lời câu hỏi báo chí của RFA.
Việt Nam tiếp tục bị xếp vào các quốc gia có không gian dân sự đóng trong năm 2023
06/12/2023
Thầy giáo Đặng Đăng Phước tại phiên tòa phúc thẩm ở Đà Nẵng vào tháng 10/2023
Ảnh chụp màn hình/ANTV
Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục việc đàn áp mạnh mẽ các tiếng nói đối lập trong năm 2023 bằng việc kết án tù nhiều nhà hoạt động dân sự vào khi nhiều nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đang gia tăng việc đàn áp xã hội dân sự, nhà báo và blogger.
Một báo cáo của tổ chức nhân quyền ở Nam Phi là CIVICUS Monitor hôm 6/12 được công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước có không gian dân sự bị đóng cùng với các nước khác bao gồm Afghanistan, Trung Quốc, Hong Kong, Bắc Hàn, Myanmar, Lào và Bangladesh.
Tổ chức CIVICUS Monitor trong báo cáo mới về tình hình Việt Nam đã liệt kê một số trường hợp đàn áp nhân quyền điển hình ở Việt Nam trong năm 2023 bao gồm việc kết án từ các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước, blogger Nguyễn Lân Thắng.
Báo cáo cũng nhắc đến trường hợp của nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người vừa bị kết án tù vào tháng 9 năm nay với cáo buộc tội “Trốn thuế”, nhưng theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế việc kết án này nằm trong một loạt các hoạt động đàn áp của chính quyền nhắm vào các nhà hoạt động môi trường thời gian qua.
Theo báo cáo, hiện có hơn 100 các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù với các cáo buộc chủ yếu liên quan đến tuyên truyền chống Nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ.
Báo cáo cũng nhắc đến các trường hợp những nhà hoạt động xã hội và nhân quyền bị gây khó dễ như trường hợp của tiến sĩ Nguyễn Quang A, người bị cấm đi nước ngoài hồi tháng năm vừa qua, trong khi một trường hợp blogger khác là Đường Văn Thái đang tị nạn ở Thái Lan bị an ninh bắt cóc đưa về nước.
Báo cáo mới có tên People Power Under Attack 2023 của CIVICUS Monitor đánh giá điều kiện môi trường dân sự ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, xem xét về khả năng người dân các nước này được thực hiện quyền tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến ra sao.
Theo báo cáo, toàn cầu, khoảng hơn 30% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có môi trường dân sự bị đóng. Đây là mức cao nhất kể từ khi tổ chức này tiến hành theo dõi môi trường này từ năm 2018 đến nay.
Chỉ có khoảng 2% dân số thế giới hiện sống tại các quốc gia có môi trường dân sự mở, tức tự do và được bảo vệ, theo báo cáo.
Dự án điện gió nghìn tỷ đầu tiên tại Việt Nam bị ngân hàng siết nợ
Một trụ điện gió ở Nhà máy Phong Điện 1 bất ngờ bốc cháy, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. (Ảnh: vov.vn)
Ngân hàng Agribank đang tìm tổ chức đấu giá khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình xây dựng Nhà máy Phong điện 1 – Bình Thuận.
Tính đến 30/11, Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) phát sinh dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khoảng 1.200 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ gốc là 730 tỷ và tiền lãi, lãi quá hạn, chậm nộp 460 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn phí bảo lãnh chưa trả ngân hàng gần 14 tỷ đồng.
Agribank đấu giá khoản nợ này với giá khởi điểm 1.205 tỷ đồng, bằng giá trị khoản nợ tính đến ngày 30/11. Giá bán chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác phải nộp theo quy định. Tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình xây dựng tại Nhà máy Phong Điện 1 – Bình Thuận đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Phong Điện 1 – Bình Thuận là nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam, do REVN đầu tư với tổng vốn 2.000 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn (80 tuabin). Dự án này đã hoàn thành ở giai đoạn 1, gồm 20 tuabin gió tổng công suất 30 MW, phát điện từ năm 2009. Song dự án giai đoạn 2 không kịp hoàn thành phát điện trước hạn tháng 11/2021 để hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT).
Tháng 8/2019, năm tuabin điện gió đầu tiên của dự án chính thức phát điện và hòa lưới điện quốc gia.
Đến tháng 5/2011, toàn bộ 20 tuabin điện gió thuộc giai đoạn 1 của dự án đã phát điện thương mại.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 hơn 800 tỷ đồng. Mỗi năm, Nhà máy Phong Điện 1 – Bình Thuận cung cấp cung cấp sản lượng điện khoảng 85 triệu kWh.
Ngày 5/1/2020, một tuabin điện gió của dự án bị cháy và phá hủy hoàn toàn. Tuabin điện gió bị cháy là một trong 5 tuabin được lắp đặt và vận hành đầu tiên của dự án.
Đến ngày 26/7/2023, một tuabin điện gió tại Nhà máy Phong Điện 1, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cũng bị cháy, gây thiệt hại bước đầu khoảng 70 tỷ đồng.
REVN được thành lập năm 2006. Chủ tịch Hội đồng thành viên của REVN là ông Phạm Văn Minh, cũng là đại diện tại một số doanh nghiệp khác, gồm Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng – Kinh doanh đô thị.
Chủ tịch của REVN là ông Phạm Văn Minh, cũng là đại diện tại một số doanh nghiệp khác, gồm Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng – Kinh doanh đô thị.
Giữa tháng 6 năm nay, Agribank cũng đấu giá khoản nợ 1.650 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng – Kinh doanh đô thị, do ông Minh làm tổng giám đốc.
Giá trị ghi sổ đến tháng 4 của khoản nợ khoảng 1.410 tỷ đồng và hơn 10 triệu USD. Trong đó, nợ gốc hơn 500 tỷ đồng và 5,8 triệu USD, còn lại gần 900 tỷ và 4,3 triệu USD tiền lãi.
Toàn bộ tài sản thế chấp của khoản nợ này là toàn bộ tài sản gắn liền với đất đã và đang hình thành trong tương lai gồm công trình nhà máy, các tòa nhà, công trình xây dựng và mọi công trình khác tại hai thửa đất thuê đến 2058, tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đây là thửa đất được dùng để xây dựng công trình turbine gió. Ngoài ra, khoản nợ này cũng được đảm bảo bằng toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị và các tài sản bảo đảm Nhà máy sản xuất turbine Việt Nam – Giai đoạn 1…
Minh Long
Dạy tiếng Trung Quốc và chương trình ngoại ngữ
Thái Hạo
06/12/2023
1. Ở Chương trình giáo dục 2006, ngoại ngữ là môn học chính thức từ lớp 6 đến lớp 12, trong đó đã bao gồm bốn môn: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Trung Quốc. Nghĩa là môn Tiếng Trung Quốc không phải bây giờ mới được đưa vào chương trình giáo dục.
Điểm khác của Chương trình 2018 là, bên cạnh bốn môn đã kể trên thì còn thêm ba môn nữa là Tiếng Nhật, Tiếng Hàn và Tiếng Đức (trong đó hai môn sau cùng thuộc diện thí điểm). Ngoài ra, đây là hệ 10 năm và có số tiết tăng lên rất nhiều so với chương trình 2006.
Vậy tại sao nhiều người lại tỏ ra bất ngờ với thông tin về việc Bộ GD&ĐT ban hành công văn trong đó có nội dung phê duyệt danh mục sách giáo khoa môn tiếng Trung? Vì dù trước đây tiếng Trung [bên cạnh ba môn ngoại ngữ khác] đã được quy định trong chương trình nhưng dường như không có học sinh đăng ký học, mà đến 99% đã chọn học tiếng Anh, thành ra không ai nhìn thấy việc học tiếng Trung diễn ra cả.
Thực tế này gây ra một sự hiểu sai rằng, trước đây tiếng Trung không có trong chương trình giáo dục phổ thông và nay mới đưa vào.
Sự hiểu lầm này cộng với một cái hiểu lầm khác nữa, là việc bỏ quy định bắt buộc thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025 bị diễn đạt thành “bỏ học môn tiếng Anh”, đã dẫn đến những suy diễn rất xa với sự thật. Ai cũng biết, bỏ việc bắt buộc thi, không đồng nghĩa với bỏ việc bắt buộc học, thế mà không ít người vẫn hiểu hai sự việc thành một.
2. Như đã nói trên, Chương trình 2018 có bảy môn ngoại ngữ 1 (bên cạnh ngoại ngữ 2) và học sinh được chọn một trong bảy môn ấy để theo học từ lớp 3 đến hết lớp 12. Có nghĩa là, rất có thể “lịch sử lại lặp lại” với con số 99% chọn học tiếng Anh mà không một ai chọn tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Nga như đã từng diễn ra với chương trình 2006.
Một khi học sinh được chọn học một trong các môn được quy định trong chương trình thì tất nhiên phải dẫn đến quyết định rằng không thể quy định môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc được. Vì giả sử trên cả nước có 5.000 học sinh chọn học tiếng Pháp mà quy định lại là bắt buộc thi tiếng Anh thì rõ ràng phi lý và không thể chấp nhận được.
Thêm nữa, chúng ta cũng cần nhắc lại rằng, các môn ngoại ngữ được quy định trong chương trình sẽ do học sinh tự chọn, chứ không phải bắt buộc. Và điều ấy là đúng, việc học phải tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu của mỗi người chứ không nên cưỡng ép. Nếu tiếng Anh vẫn là môn quan trọng nhất đối với tương lai của mỗi người thì tất yếu học sinh sẽ tự khắc chọn mà không cần lo lắng rằng môn này từ nay sẽ sa sút.
Theo thông tin từ đạo diễn Đoàn Hồng Lê, Mỹ cũng đưa tiếng Trung vào dạy trong trường phổ thông và hiện có 1.600 trường tiểu học và cấp 2 ở Mỹ có chương trình ngoại ngữ là tiếng Trung. Ở Anh đến 2016 có 13% trường công và 46% trường tư thục dạy tiếng Trung. Ở Đức và Tây Ban Nha, trẻ em mẫu giáo đã được học tiếng Trung để dễ tìm cơ hội việc làm trong tương lai. Hiện có hơn 70 nước đưa tiếng Trung vào chương trình học chính khoá trong đó có cả Nhật, Hàn.
Tóm lại, ngoại ngữ là một môn học luôn cần thiết, và cũng là một công cụ quan trọng trong việc hiểu biết các nền văn hóa để từ đó chủ động trong việc theo đuổi nhu cầu của mình. Học tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Trung, tiếng Nhật… đều tốt, miễn là nó mang lại hiệu quả thực tế.
Vấn đề đáng bàn hơn là làm thế nào để việc dạy môn ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông phải trở nên có chất lượng thực sự chứ không còn đáng thất vọng như từ trước đến nay. Học suốt từ lớp 6 đến hết lớp 12 mà đa số học sinh không sử dụng được tiếng Anh, đó là một điều vô lý và lãng phí ghê gớm. Hi vọng, và đòi hỏi rằng chương trình mới sẽ không còn lặp lại thảm trạng ấy nữa.
T.H.
Ngân hàng SCB tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch
SCB trong ngày khai trương trụ sở mới SCB Quận 1 (Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM), ngày 13/9/2022, tuyên bố đây là trụ sở thứ 12 của SCB được khai trương mới trong 9 tháng năm 2022. (Ảnh: SCB Ngân hàng TMCP Sài Gòn/Facebook)
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chấm dứt hoạt động của 4 phòng giao dịch tại TP.HCM từ ngày 6/12. Động thái này diễn ra trong làn sóng giải thể hàng loạt phòng giao dịch tại các tỉnh thành của SCB.
Ngày 5/12, Ngân hàng SCB ra thông báo tiếp tục chấm dứt hoạt động của 4 phòng giao dịch tại TPHCM, gồm phòng giao dịch Lũy Bán Bích (Chi nhánh Thống Nhất), phòng giao dịch Hiệp Thành (Chi nhánh Hóc Môn), phòng giao dịch An Hội (Chi nhánh Hóc Môn), phòng giao dịch Thị Nghè (Chi nhánh Tân Định).
Bốn ngày trước, từ ngày 2/12, SCB đã chấm dứt hoạt động của 2 phòng giao dịch gồm phòng giao dịch Bảy Hiền (Chi nhánh Thống Nhất) và phòng giao dịch Nguyễn Thông (Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch).
Kèm với thông báo chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch, SCB cho hay: “Mọi quyền lợi và giao dịch của Quý Khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB”.
Từ đầu tháng 6 tới nay, SCB đã thông báo đóng cửa 39 phòng giao dịch tại 9 tỉnh thành, gồm: TP.HCM (27 phòng giao dịch), Hà Nội (5 phòng giao dịch), Hải Phòng (1 phòng giao dịch), Nghệ An (1 phòng giao dịch), Bình Định (1 phòng giao dịch), Đồng Nai (1 phòng giao dịch), Đà Nẵng (1 phòng giao dịch), Gia Lai (1 phòng giao dịch), Long An (1 phòng giao dịch).
Gần đây nhất, trong một ngày 11/11, SCB thông báo đóng cửa cùng lúc 3 phòng giao dịch tại Đồng Nai (Phòng giao dịch Long Thành), Đà Nẵng (Phòng giao dịch Phan Đăng Lưu), Gia Lai (Phòng giao dịch Đắk Đoa).
Theo công bố của SCB, tính đến 30/9/2021, SCB có chi nhánh tại 28 tỉnh, thành phố với 239 điểm giao dịch với hơn 7.000 nhân sự. Tổng tài sản đạt 673.276 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 20.020 tỷ đồng.
Tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định kiểm soát đặc biệt đối với SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Động thái trên diễn ra khi xảy ra làn sóng người dân rút tiền gửi tiết kiệm tại SCB ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố bắt bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm.
Tại kết luận điều tra công bố hồi trung tuần tháng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (C03) – Bộ Công an cáo buộc bị can Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn từ người dân và tổ chức, sau đó sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân của mình. Bằng cách lập hồ sơ vay vốn giả mạo, bị can này đã chiếm đoạt 93% số tiền cho vay của Ngân hàng SCB.
Theo Cơ quan điều tra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB, chiếm đoạt hơn 300.000 tỷ đồng, gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.
Nguyễn Minh
Việt Nam thiếu vắc-xin, Úc viện trợ hơn 490.000 liều vắc-xin “năm trong một” trong tháng 12
07/12/2023
Những nông dân bế con nhỏ chờ tiêm vắc-xin ở một trung tâm y tế tại Bắc Ninh hôm 20/11/2009 (minh hoạ)
Reuters
Bộ Y tế Việt Nam mới đây cho biết Việt Nam sắp tiếp nhận 490.600 liều vắc-xin năm trong một do Úc viện trợ trong tháng 12 này để đối phó với tình trang thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng.
Báo Nhà nước cho biết, thông tin này được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra vào chiều ngày 6/12.
Người đại diện Bộ Y tế cho biết, để đối phó với tình trạng thiếu vắc-xin, Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của Luật Đấu thầu. Trong quá trình chờ hoàn tất các thủ tục mua sắm, bộ cũng chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vắc-xin từ các tổ chức quốc tế, trong nước cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hồi cuối tháng 8/2023, Bộ Y tế đã tiếp nhận 258.000 liều vắc-xin năm trong một được viện trợ, tài trợ từ WHO, UNICEF và các tổ chức khác. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã phân bổ số vaccine này cho các địa phương trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua.
Vắc-xin năm trong một giúp ngăn ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra. Đây là loại vắc-xin Việt Nam không sản xuất và phải nhập khẩu.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam hiện có khả năng sản xuất trong nước được 10 loại vắc-xin. Đối với những loại vắc-xin này, Bộ Y tế cho biết sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể và hoàn thành trong tháng 12 này. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có nhiệm vụ ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine để tiếp nhận vaccine và thực hiện phân bổ cho địa phương.
Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân thiếu vắc-xin ở Việt Nam thời gian qua là do năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vắc-xin từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên các địa phương đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.