Chuyện Việt Nam Thứ Tư 11 tháng 10 năm 2023: *Quảng Ninh: Quan chức nhận hàng chục tỷ ‘nghĩ là quà cảm ơn’ *Nhật và Việt Nam củng cố quan hệ song phương *Dự án chống ngập 10,000 tỷ đồng *NASDAQ cảnh báo cổ phiếu VinFast *Bê-tông hóa thành phố !
Quê Hương tổng hợp
Vụ NSJ-AIC ở Quảng Ninh: Quan chức nhận hàng chục tỷ ‘nghĩ là quà cảm ơn’
BBC News
11/10/2023
Nguồn hình ảnh, Bộ Công an VN
Chụp lại hình ảnh,
Lời khai của bà Hoàng Thị Thuý Nga – trong hình trên, được các báo VN tường thuật lại chi tiết sau phiên xử 11/10
2 giờ trước
Một số cựu quan chức tỉnh Quảng Ninh nói tại phiên tòa xử vụ án đưa và nhận hối lộ khi đấu thầu liên quan đến công ty NSJ của người phó cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, lãnh đạo tập đoàn AIC đã nêu ra những lời khai khá ngộ nghĩnh.
Theo các báo Việt Nam, tại phiên xử hôm 11/10/2023 trước Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, bà Hoàng Thị Thuý Nga, bị cáo trong vụ án, đã bác bỏ chuyện mang một vali chứa 4,5 tỷ VND tới tặng cho Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Ninh khi đó, bà Vũ Liên Oanh, nhân dịp Tết 2020.
Theo bị cáo Nga thì “trong vali không hề có tiền” mà chỉ có đôi ba món quà nhỏ.
Bà Hoàng Thị Thuý Nga một mực bác bỏ tội “đưa hối lộ” nhưng lời khai của bà cho thấy quan hệ thân thiết và liên tục của bên trúng thầu các hợp đồng thiết bị giáo dục và các quan chức Quảng Ninh.
Ngược lại, ba bị cáo khác Vũ Liên Oanh, Ngô Vui và Hà Huy Long thì đều xác nhận họ đã nhận tiền nhiều lần, hàng chục tỷ VND trong mấy năm liền từ bà Nga, người mà báo VN nói là “phó tướng của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn”.
Bà Nhàn đã bị khởi tố vì các hoạt động “vi phạm pháp luật” xảy ra tại Quảng Ninh và Đồng Nai nhưng không rõ bà đang ở đâu.
Theo báo VN, các bị cáo Vũ Liên Oanh, Ngô Vui và Hà Huy Long đều nói rằng “khi nhận tiền chỉ nghĩ đơn giản là quà cảm ơn, cho đến khi điều tra viên nói đó là sai, các bị cáo mới nhận thức được cái sai này”, trang Pháp luật Online tường thuật.
Con số tiền cáo trạng nói là tiền hội lộ sau 6 dự án từ năm 2016 đến 2019, mà công ty NSJ trúng thầu và thực hiện xong các gói thầu là rất lớn.
“Hoàng Thị Thuý Nga đưa tiền để cảm ơn cho ba bị cáo tổng số 18,7 tỉ đồng và 500.000 USD. Trong đó, Hoàng Thị Thúy Nga đã 4 lần đến gặp Vũ Liên Oanh đưa tổng số 14 tỉ đồng để cảm ơn và chúc Tết. Với Ngô Vui, Hoàng Thị Thuý Nga đã trao 14,8 tỉ đồng. Với Hà Huy Long là bốn lần nhận tiền 1,36 tỉ đồng.”
Nguồn hình ảnh, Vietnamese media
Chụp lại hình ảnh,
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Thắng thầu bằng cách ‘mua quan hệ’
Cơ chế “chạy tiền” các dự án công tương tự như trên ở Việt Nam được báo chí nước này nêu ra từ lâu nhưng vụ án ở Quảng Ninh chỉ có thêm màu sắc, hình ảnh bằng những khoản tiền khổng lồ và cách giao dịch giữa doanh nghiệp và quan chức và các lời khai không còn gây ngạc nhiên của nhiều bị cáo.
Hoạt động của AIC mà bà Hoàng Thị Thuý Nga từng làm Phó Tổng giám đốc trong việc “bày quân xanh quân đỏ” – để lập ra “liên minh thông thầu” – thực ra khá đơn giản.
Ví dụ cuối năm 2022, trong vụ án ở ngành y tế liên quan tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC và Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC, cùng bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Hồ sơ vụ án cho thấy các quan chức Đảng Cộng sản ở địa phương đã can thiệp để chỉ định thầu và bên nhận thầu thuê công ty tư vấn “chỉnh sửa” hồ sơ.
Tại Đồng Nai, qua các hoạt động trên, “AIC trúng 12 gói thầu, ba công ty khác do AIC chỉ định trúng bốn gói thầu; tổng giá trị 16 gói thầu là hơn 665 tỉ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 152 tỉ đồng”, báo VN đăng tin.
Điều tra của nhà chức trách cho biết:
“AIC liên tiếp trúng các gói thầu không chỉ xuất phát từ ưu ái của loạt cựu quan chức Đồng Nai mà còn do sự tiếp tay từ một hệ thống bài bản, gồm các đơn vị tư vấn, thẩm định giá và công ty ‘vệ tinh’.”
Việc các ban cán sự Đảng ở Quảng Ninh, Đồng Nai và một số tỉnh khác bị kỷ luật gần đây cho thấy Ban Lãnh đạo ĐCS đã nhận ra rằng không có các quan chức cao nhất ở các tỉnh “bảo trợ” thì những việc làm của AIC khó có thể xảy ra.
Tháng 9 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề nghị thi hành kỷ luật một loạt ban và các bộ đảng này ở Quảng Ninh vì các “vi phạm, khuyết điểm” trong 10 năm liền, từ 2011 đến 2021.
Các vụ việc liên quan đến dự án, gói thầu với công ty AIC, và tập đoàn FLC được nêu ra trong văn bản công bố hôm 21/09/2023, theo báo Nhân Dân.
Ngoại trưởng Nhật tới Việt Nam củng cố quan hệ song phương
10/10/2023 – VOA Tiếng Việt
Ngoại trưởng Nhật Yoko Kamikawa bắt tay với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hà Nội hôm 10/10/2023.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa hôm 10/10 gặp gỡ các quan chức Việt Nam trong chuyến công du bốn nước Đông Nam Á để củng cố quan hệ.
Theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã tiếp bà Kamikawa tại Phủ Chủ tịch và “đánh giá cao những đóng góp tích cực của bà vào quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam – Nhật Bản trong những năm qua trên nhiều cương vị khác nhau”.
TTXVN dẫn lời ông Thưởng nói thêm rằng Nhật Bản là “đối tác hợp tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trên các lĩnh vực ODA, đầu tư, thương mại, lao động, du lịch…”
Ông Thưởng cũng được dẫn lời nói tiếp rằng Việt Nam và Nhật Bản “có nhiều điểm chung và dư địa để tiếp tục đưa quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên mọi lĩnh vực”.
Theo VTV, trong cuộc gặp với bà Kamikawa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng Việt Nam “luôn ủng hộ vai trò, vị trí của Nhật Bản ở khu vực và thế giới”. Ông Chính cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục tạo thuận lợi cho hơn 500.000 người Việt Nam tại Nhật Bản. Trước cuộc gặp với ông Thưởng và ông Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp người đồng cấp Nhật Bản và đề nghị Nhật Bản “đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực cho công dân Việt Nam”. Tin cho hay, chuyến thăm của bà Kamikawa diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản năm nay kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo Kyodo, ngoài Việt Nam, bà Kamikawa còn tới thăm Brunei, Lào và Thái Lan.
Dự án chống ngập 10,000 tỷ đồng, TP.HCM tự phá vỡ quy định
Lê Thiệt /SGN 10 tháng 10, 2023
Cống Phú Định trên kênh Đôi (quận 8), ngăn triều từ sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố. Theo chủ đầu tư, họ đã đạt khoảng 90% tiến độ – Ảnh: VNExpress
Giữa năm 2016, dự án dự án chống ngập 10,000 tỷ (hơn 400 triệu đô la Mỹ) được khởi công với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Hồi đó, lãnh đạo thành ủy Đinh La Thăng và ông Nguyễn Thành Phong là chủ tịch UBND thành phố.
Dự án được đầu tư theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) do Trung Nam Group là nhà đầu tư, kinh phí do UBND TP.HCM trả (tiền mặt và đổi đất), với tiến độ thực hiện dự kiến ban đầu là 36 tháng từ 6/2016 đến 4/2018.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2018 công trình vẫn chưa hoàn thành, và chủ đầu tư quyết định tạm ngưng thi công vì hết vốn, các ngân hàng không đồng ý tiếp tục giải ngân. Giữa tháng 11/2020 dự án tiếp tục ngưng do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020).
Dù đã trễ tiến độ hơn 5 năm nhưng đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Không những vậy, kể từ khi được triển khai nhiều người dân sinh sống gần khu vực công trình rơi vào cảnh ngập úng ngày một trầm trọng hơn. Đất đá, vật liệu xây dựng bít cả miệng cống thoát nước. Mỗi khi mưa xuống hay triều cường lên cao, người dân sinh sống tại cống Tân Thuận, Quận 7 chỉ biết kêu trời vì không biết ai sẽ đứng ra giải quyết.
Người dân sống trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, đứng trước cống Tân Thuận. “Lúc đầu nghe nói cống làm trong 3 năm mà giờ 7 năm vẫn chưa thấy nhúc nhích gì. Triều cường lên, nước vẫn tràn vào nhà suốt mấy năm nay”, bà Nguyễn Hoàng Phụng, 54 tuổi (thứ 2 từ trái sang) nói – Ảnh: VNExpress
Một bà sống ở đường Trần Xuân Soạn (quận 7), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dự án cho biết một điều “lạ lắm”. Lạ ở chỗ là hồi trước, khi chưa thực hiện dự án chống ngập thì dù ngoài đường có bị ngập nhưng nhà dân không bị nước tràn vô, nhưng giờ thì khác. Bà nói tiếp:
“Nhưng mà từ hồi cái công trình này làm rồi nghỉ, rồi làm, nay mấy năm rồi nhưng mà làm không tới. Bây giờ nó đổ cát đầy ở đây lấp cống hết rồi, đâu có chảy được đâu. Nước lên thì nước dưới cống trào ngược lên, ngập nhà. Ngập mấy tiếng đồng hồ luôn”.
Đương nhiên là chuyện chậm trễ như thế cũng có một lời “lý giải”, dù ai cũng biết nó chẳng có giá trị gì, vì “họ nói cho có thôi, chứ sự thật nó khác”, một người dân nói thế.
Một trong những người có trách nhiệm về dự án này là ông Nguyễn Ngọc Minh Phú – Trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật – Sở xây dựng TP.HCM cho biết (tại là vì) còn một số trục trặc về mặt pháp lý, liên quan cả đến UBND TP.HCM và phía nhà thầu, hiện chính quyền Thành phố đang cố gắng hoàn tất các thủ tục để dự án sớm tái khởi động ở tất cả các hạng mục.
Nhiều người nói họ nghe ông Phú “lý giải” xong, họ cũng chẳng hiểu nguyên nhân chậm trễ vì đâu. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM “lý giải” chi tiết hơn một chút. Ông nói, khó khăn lớn nhất hiện nay là gia hạn khoản tín dụng, quy trình vận hành… Cụ thể công trình phải được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn để Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giải ngân.
Sau nhiều năm dừng thi công, rác thải, vật liệu xây dựng ngổn ngang trước khuôn viên cống Tân Thuận – Ảnh: VNExpress
Có thể hiểu là nhà đầu tư Trung Nam Group hết tiền làm, mượn tiền ngân hàng làm tiếp nhưng chẳng có ngân hàng nào cho cả. Đương nhiên ngân hàng luôn có lý do để từ chối một khoản vay, nếu thấy khả năng thu hồi nợ còn khó hơn “bắt thang lên trời”. Chẳng lẽ Trung Nam Group lại mất uy tín đến thế?
Cái khó của Trung Nam Group là họ nhận dự án theo kiểu (xây dựng – chuyển giao) nên phải tự xoay tiền thôi. Không xoay được tiền thì họ đành ngưng thi công, theo kiểu “chí phèo”: “So-rì mấy anh (lãnh đạo), em đuối quá rồi, giờ mấy anh tác động sao cho tụi ngân hàng cho em mượn tiền để làm tiếp, chứ giờ tụi nó cấm hết các cửa mượn thì em chỉ còn cửa tử”. Đại khái họ “ăn vạ” như thế.
Vụ này UBND TP.HCM không dám quyết. Mà nghĩ cho cùng, ông Chủ tịch Phan Văn Mãi dại gì mà quyết, vì đâu phải chuyện của ông ấy, nên chẳng ngu gì đi “đổ vỏ”. Thế là ông trình bày lên Trung ương. Ông Chính bèn thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng tới TP.HCM tìm cách khởi động lại dự án cho xong, chứ để như thế thì không chỉ chính quyền TP.HCM muối mặt, mà chính phủ của ông Chính cũng bị vạ lây.
Nghe nói sau khi bàn bạc, chính quyền TP.HCM đưa ra 3 phương án tháo gỡ dự án, trong đó ủy thác ngân sách để nhà đầu tư vay và thi công hoàn thành công trình được cho khả thi nhất.
Theo phương án này, UBND TP.HCM sẽ cấp cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố (HFIC) 1.800 tỷ đồng, rồi quỹ này cho Trung Nam Group, để tiếp tục thực hiện (theo lời họ) 10% khối lượng công việc còn lại của dự án.
Công trường hiện không có công nhân làm việc. Máy móc, thiết bị ngổn ngang, rỉ sét – Ảnh: VNExpress
Khi xong công trình, UBND TP.HCM sẽ thanh toán khối lượng công việc cho Trung Nam Group, công ty này hoàn trả lại cho HFIC 1.800 tỷ tiền mượn, rồi quỹ này trả lại cho UBND TP.HCM.
Tiền phải đi lòng vòng như thế vì theo quy định, chính quyền thành phố chỉ trả tiền cho nhà đầu tư khi mọi việc đã được nghiệm thu và quyết toán, không có chuyện tạm ứng trước.
Theo nhiều chuyên gia xây dựng, tài chính thì đây là phương án khả thi nhất trong 3 phương án đã được UBND TP.HCM bàn tới bàn lui với ông Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, và có lẽ sẽ được thực hiện.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri chiều ngày 10 Tháng Mười, ông chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết nếu có chủ đầu tư được cấp 1.800 tỷ đồng, họ chỉ cần 1,5 tháng để chuẩn bị và 6 tháng để hoàn thành toàn bộ dự án, thế nên đồng bào đừng lo.
Thế nhưng, một luật sư (chẳng dám nêu tên) nói rằng: “Nếu một đơn vị khác phá vỡ quy định ‘xây dựng – chuyển giao’ cung cấp vốn cho chủ đầu tư như phương án này thì có lẽ mau chóng vào khám ngồi rồi. Chỉ có ‘ông ủy ban thành phố’ mới dám ‘chơi lớn’ như thế này thôi”.
NASDAQ đăng tải bài viết cảnh báo về cổ phiếu VinFast
Doanh thu tăng nhưng chi phí lớn khiến VinFast lỗ hơn 600 triệu USD trong quý 2 và 3 của năm 2023. (Ảnh minh họa: Minh K Tran/Shutterstock)
Ngày 9/10/2023, Nasdaq cho đăng tải nguyên gốc bài viết của tác giả Mohit Oberoi viết cho Barchart.com tựa đề “Tránh xa cổ phiếu của hãng xe điện định giá quá cao này, ngay cả khi xuống thấp tại mọi thời điểm”. Bài viết khuyến cáo được đưa lên sau 55 ngày kể từ khi Sàn giao dịch chứng khoán này cho niêm yết cổ phiếu Vinfast.
Cổ phiếu Vinfast đã giảm hơn 90% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 8.
Sáng 9/10, Cổ phiếu Vinfast (VFS) đã chạm mức 7,55 USD, giảm khoảng 24% so với giá IPO của công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) là 10 USD, giảm hơn 90% so với mức đỉnh 93 USD đạt được vài ngày sau khi niêm yết.
Đây cũng là diễn biến bình thường khi các công ty xe điện gia nhập thị trường thông qua phương thức SPAC. Điều đặc biệt chỉ ở chỗ tốc độ lao dốc của Vinfast quá nhanh, trong thời gian quá ngắn.
Dù đã rớt giá rất nhiều, VinFast vẫn đạt mức vốn hóa thị trường hơn 17,5 tỷ USD – cao hơn mức vốn hóa thị trường riêng lẻ của Rivian (RIVN) , Lucid Motors (LCID) , NIO (NIO) và Xpeng Motors (XPEV). Bốn nguyên nhân cổ phiếu Vinfast lao dốc.
Lý giải về tình huống cổ phiếu Vinfast lao dốc, tác giả Mohit Oberoi chỉ ra 4 nguyên nhân.
1) Cổ phiếu Vinfast niêm yết đúng thời điểm thị trường chứng khoán tồi tệ nhất năm 2023. Lợi suất trái phiếu tăng mạnh khiến thị trường bán tháo toàn bộ.
2) Cổ phiếu Vinfast được định giá trên tưởng tượng của doanh nghiệp, không có cơ sở.
3) Nội bộ Vinfast đang chào bán rất nhiều cổ phiếu
4) Vinfast đang lỗ nặng. Riêng trong quý 3.2023, Vinfast lỗ ròng 622.9tỷ đồng, cao hơn 33,7% so với cùng kỳ, tăng 19,7% so với quý trước. Cổ phiếu Vinfast sẽ tiếp tục giảm
Tác giả cho rằng cổ phiếu Vinfast vẫn tiếp tục giảm vì các lý do:
Thứ nhất, cuộc chiến xe điện sẽ càng ngày càng khốc liệt hơn. Cụ thể, Testla (TSLA) sẽ tiếp tục hạ giá xe để tăng sản lượng xuất xưởng, Với tỷ suất lợi nhuận hoạt động dẫn đầu ngành và lượng tiền mặt khổng lồ trị giá 23 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán vào cuối tháng 6, Tesla có nhiều dư địa để giảm giá xe.
Thứ hai, Vinfast đang cần thêm tiền để bù lỗ. Sớm muộn gì Vinfast cũng phải gọi thêm vốn vì hiện nay, doanh nghiệp này chỉ còn 131 triệu USD trong khi nhu cầu tốc độ chi tiêu rất lớn. Dù nhận được tiền tài trợ hay các khoản vay từ chủ tịch Phạm Nhật Vượng thì Vinfast cũng chỉ đủ để cải thiện bảng cân đối kế toán. Đồng thời, tăng vốn sẽ dẫn đến việc pha loãng cổ phiếu của cổ đông hiện hữu.
Thứ ba, so với các mẫu xe điện khác của NIO, Rivian, Lucid, xe của Vinfast không được đánh giá cao. Cơ hội của xe điện Vinfast tại Mỹ không mấy sáng sủa, còn kế hoạch mở rộng thị trường ở Ấn Độ, Indonesia cũng khó sinh lời cao.
Thứ tư, một nửa doanh số của Vinfast đến từ công ty cùng tập đoàn là GSM – một công ty cho thuê taxi do cùng công ty mẹ VinGroup thành lập.
Với các phân tích trên, tác giả Mohit Oberoi đưa ra nhận định “Với môi trường vĩ mô hiện tại và mức định giá vẫn còn cao của VinFast, tôi sẽ tránh mua cổ phiếu này vào lúc này.”.
Ghi chú:
Barchart.com là website cung cấp dữ liệu thị trường hàng hóa và hợp đồng tương lai quản lý bởi công ty Barchart – công ty công nghệ tài chính, cung cấp dữ liệu và dịch vụ thị trường.
Tới thời điểm hiện tại, tác giả Mohit Oberoi đã từng giữ chức vụ tại chức vụ tại: NIO , XPEV , F , GM .
Tất cả thông tin và dữ liệu trong bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin.
Hoàng Mai
Mai Bá Kiếm – Bê-tông hóa thành phố !
Mỗi lần đi máy bay, cất cánh từ Tân Sơn Nhất, nhìn xuống hai quận Tân Phú, Bình Tân thấy toàn một màu trắng toát của bê tông, thiếu mảng xanh của thực vật. Tôi thấy nhức mắt và ngột ngạt cho Sài Gòn hòn ngọc ngày xưa.
Nay, nghe bà phó giám đốc Sở Nội vụ nói 5 huyện ngoại thành không đủ tiêu chuẩn, tiêu chí lên quận, vì tỉ lệ đất nông nghiệp còn cao, chưa đạt 100% đất đô thị.
Nhưng cũng còn “an ủi” là đang có đề án nâng các huyện lên thành phố, vì tiêu chí lên thành phố dễ hơn lên quận, chỉ cần 70 % đất đô thị, 30% đất nông thôn là OK !
Nhớ lại hội nghị Nhà ở và Môi trường ở Dinh Thống Nhất năm 1994, một tiến sĩ người Singapore nói, ở nước của ông muốn xây cất một công trình (hoặc nhà ở) phải xin phép ở Cục Thoát nước trước. Xem mật độ xây dựng sẽ làm mất bao nhiêu phần trăm sự thẩm thấu của nước mưa xuống lòng đất, và công trình có cản trở dòng chảy bề mặt tại lưu vực đó không? Nếu Cục Thoát nước OK mới xin phép ở Cục Xây dựng.
Tôi ở Nhà Bè bốn đời, nơi sông rạch chằng chịt, ruộng bán ngập, nước sông sạch, dừa nước, bần, mắm giữ bờ sông không sạt lở. Hồi nhỏ tụi tôi tắm sông, chọi đất vui lắm.
Bây giờ nhìn xuống sông Phú Xuân (từ vàm Esso đến vàm Mương Chuối) nước lười không muốn chảy, lòng sông bồi phù sa, nước ròng ghe chài không chạy được. Đường Huỳnh Tấn Phát cứ năm năm nâng lên 6 tấc vẫn tái ngập. Tôi không mong Nhà Bè được nâng lên thành phố!
Theo tiêu chí Việt Nam, thủ đô Canberra của Úc vẫn là huyện. Vì trong Canberra có 1.060 km2 công viên quốc gia Namagi, rừng bạch đàn nguyên sinh!
MAI BÁ KIẾM 09.10.2023