Chuyện Việt Nam Thứ Tư 07 tháng 6 năm 2023 *Hãy phóng thích nhà vận động chống tham nhũng *Chủ tịch CS VN kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ
Quê Hương tổng hợp
HRW – Việt Nam: Hãy phóng thích nhà vận động chống tham nhũng
Thầy giáo âm nhạc Đặng Đăng Phước bị truy tố vì viết về các vấn đề nhân quyền
(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc và ngay lập tức phóng thích nhà vận động chống tham nhũng Đặng Đăng Phước.
Công an tỉnh Đắk Lắk bắt ông Phước hồi tháng Chín năm 2022 và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự. Một tòa án dự kiến sẽ xử vụ án của ông vào ngày mồng 6 tháng Sáu năm 2023. Nếu bị kết luận có tội, ông phải đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù.
“Chính quyền Việt Nam vận dụng các điều luật có nội dung điều chỉnh quá rộng và mang tính đàn áp để truy tố những người lên tiếng kêu gọi cải cách,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc đối với Đặng Đăng Phước và các nhà hoạt động khác – những người đóng vai trò thiết yếu trong việc tầm soát những sai phạm và tham nhũng mà chính quyền Việt Nam tuyên bố muốn phòng chống.”
Đặng Đăng Phước, 60 tuổi, đã phục vụ trong quân đội Việt Nam và đóng quân tại Lào trong hơn 4 năm. Sau khi xuất ngũ, ông trở thành một giảng viên âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Đặng Đăng Phước thường xuyên bình luận về các vấn đề xã hội, chính trị và môi trường, và ủng hộ những người nghèo và yếu thế, như những người dân oan khiếu kiện đất đai và các nhóm thiểu số người Thượng. Ông viết rằng: “Tôi bênh vực lẽ phải/ Người thân cô, thế cô/ Chẳng màng hơn với thiệt/ Lợi danh chuyện hư vô!…” Vì lẽ đó, ông tuyên bố rằng mình “lên tiếng để nhằm hạn chế những bất công xã hội.”
Trong thập niên vừa qua, Đặng Đăng Phước đã đấu tranh chống tham nhũng và lạm quyền ở cấp cơ sở. Ông đã vận động để các quyền dân sự và chính trị được bảo vệ tốt hơn, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp và tự do tôn giáo. Ông công khai phản đối bộ luật an ninh mạng năm 2018 mang nặng tính đàn áp.
Đặng Đăng Phước đã ký một số kiến nghị ủng hộ dân chủ, trong đó có bản Kiến nghị 72 công bố vào tháng Giêng năm 2013, kêu gọi sửa đổi hiến pháp để cho phép bầu cử đa đảng. Ông cũng ký tên vào Lời Tuyên bố của các Công dân Tự do, công bố vào tháng Hai năm 2013, đề nghị hủy bỏ điều 4 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992 có nội dung trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam vị trí độc tôn về quyền lực. Bản tuyên bố kêu gọi xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng, phân quyền và phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang.
Ông cũng lên tiếng để nâng cao nhận thức về các dự án kinh tế chụp giật, có tác động tiêu cực đến môi trường. Tháng Năm năm 2016, ông ký bản tuyên bố phản đối Formosa, một công ty thép Đài Loan đã xả chất thải độc hại và gây ra một thảm họa ô nhiễm biển quy mô lớn dọc vùng biển miền trung Việt Nam. Những người ký tên vào bản tuyên bố kêu gọi phải điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về vụ việc, đền bù cho những người dân bị mất nguồn kiếm sống do thảm họa, và quy trách nhiệm. Tháng Bảy năm 2022, không lâu trước khi bị bắt, ông lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng khai thác quặng titan mà ông gọi là “liều lĩnh” ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đặng Đăng Phước thể hiện tình đoàn kết với các nhà bất đồng chính kiến khác qua việc lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt bỏ tù, trong đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng, Đinh Văn Hải, Nguyễn Tường Thuy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Thành, Đinh Thị Thu Thủy và Bùi Văn Thuận.
Ngày mồng 8 tháng Chín năm 2022, ông viết một bài đăng Facebook để ủng hộ nhà hoạt động nhân quyền Bùi Tuấn Lâm (còn được gọi là “Thánh Rắc Hành”) bị công an Đà Nẵng bắt ngày mồng 7 tháng Chín. Chưa đầy hai tiếng sau, công an Đắk Lắk đến bắt Đặng Đăng Phước.
Sau khi bắt Đặng Đăng Phước, công an triệu tập vợ ông, bà Lê Thị Hà, để thẩm vấn ít nhất là hai lần và tra vấn bà về một số bài hát mà ông Đặng Đăng Phước đã hát rồi đăng trên tài khoản Facebook của ông. Một trong những bài hát đó là “Con đường Việt Nam,” do Việt Khang, một cựu tù nhân chính trị, sáng tác để vinh danh người tù chính trị nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức, người đã “đi tù vì đồng bào, vì quê hương.” Đặng Đăng Phước cũng hát bài “Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ,” là sáng tác của blogger nhân quyền Tuấn Khanh, ta thán về những vấn nạn ở Việt Nam dưới quyền lực của Đảng Cộng sản.
“Giới lãnh đạo Việt Nam căm ghét quyền tự do biểu đạt đến mức đàn áp cả những nhà hoạt động chỉ hát lên một vài bài ca phê phán họ,” ông Robertson nói. “Liên minh Châu Âu, bên đã ký kết một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam trong đó có các điều kiện về nhân quyền, và các đối tác thương mại khác, cần lên tiếng với chính phủ Việt Nam về các vi phạm nhân quyền liên tục của họ.”
Các cựu lãnh đạo Cienco1 hầu tòa trong vụ sai phạm 239 tỷ đồng
RFA
06/6/2023
Bị cáo Phạm Dũng (tóc bạc, ở giữa) cựu Chủ tịch HĐTV.
PLO/CTV
Cựu tổng giám đốc Cienco1-Cấn Hồng Lai cùng các đồng phạm hầu tòa với cáo buộc liên quan sai phạm khi cổ phần hóa doanh nghiệp, gây thiệt hại gần 240 tỷ đồng.
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 6/6 mở lại phiên xét xử vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty cổ phần (Cienco 1).
Hầu tòa lần này gồm các ông Cấn Hồng Lai – cựu Tổng giám đốc Cienco1, Phạm Dũng – cựu Chủ tịch hội đồng thành viên Cienco1, Lê Văn Long – cựu kế toán trưởng, Nguyễn Thị Bích Hạnh – phó phòng tài chính kế toán, Nguyễn Ngọc Tuyển – cựu kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C; Nguyễn Mạnh Tiến (cựu trưởng phòng kế hoạch thị trường Cienco1), và Nguyễn Anh Tuấn (cựu thẩm định viên Công ty Kiểm toán A&C).
Vụ án này từng được đưa ra xét xử hồi tháng 4, nhưng phải hoãn do nhiều luật sư vắng mặt.
Theo cáo trạng, Cienco1 thành lập từ năm 1995, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Giao thông vận tải đại diện làm chủ sở hữu.
Năm 2013, Bộ Giao thông vận tải có quyết định phê duyệt danh sách doanh nghiệp thuộc bộ thực hiện cổ phần hóa, trong đó có Cienco 1. Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp này do ông Phạm Dũng làm trưởng ban, ông Lai làm phó.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa, dàn cựu lãnh đạo Cienco 1 đã có nhiều sai phạm gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền lớn.
Viện kiểm sát cáo buộc ông Dũng và ông Lai cùng các thuộc cấp đã thống nhất cùng nhau xử lý các khoản nợ phải thu trái quy định pháp luật dẫn đến không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa số tiền gần 185 tỷ.
Ngoài ra, Cienco1 khi cổ phần hóa còn không xác định giá trị quyền sử dụng bốn khu đất vào giá trị doanh nghiệp.
Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự tại bốn tỉnh TPHCM, Long An, Tiền Giang và Gia Lai xác định năm 2013, tổng giá trị bốn khu đất của Cienco1 là hơn 67,4 tỷ đồng. Do vậy, hành vi “bỏ quên” bốn khu đất của các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng.
Chủ tịch Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ
06/6/2023
Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng hôm thứ Hai 5/6 tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, trong buổi tiếp, hai bên thảo luận về nhiều vấn đề song phương.
Cổng thông tin chính phủ (VGP News) đăng một bài viết của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), trong đó dẫn lời ông Thưởng “đề nghị hai bên mở rộng hơn nữa hợp tác quốc phòng, an ninh”, bao gồm cả việc khắc phục hậu quả chiến tranh, “nhất là xử lý ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam”.
Điều đó được cho là “góp phần quan trọng” vào quá trình hòa hợp, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực quan trọng khác.
Theo TTXVN, liên quan tới vấn đề kinh tế, ông Thưởng nói rằng Việt Nam “luôn tạo điều kiện thuận lợi” cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Tin cho hay, ông Thưởng cũng đề nghị hai phía “khai thác tốt hơn nữa” trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhất là các chương trình giáo dục của Hoa Kỳ đang triển khai tại Việt Nam như Đại học Fulbright, đem lại “nhiều ý nghĩa thiết thực” cho nhân dân hai nước.
Vẫn TTXVN cho hay Đại sứ Knapper nói rằng việc hai nước tăng cường hợp tác có ý nghĩa quan trọng vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo quan sát của VOA tiếng Việt, trang web và Facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội chưa đăng tải bất kỳ thông tin nào về cuộc gặp này.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi đầu năm nay, ông Knapper được dẫn lời nói trên Facebook của Đại sứ quán Mỹ kèm theo một bức ảnh ông đang trồng cây rằng “tôi tin rằng quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam sẽ tiếp tục lớn mạnh, giống như cây non tôi trồng tại miền Trung vừa qua”.
Ông cũng bày tỏ lời “cảm ơn” chính quyền các tỉnh cùng các tổ chức phi chính phủ vì “đã là những đối tác mạnh mẽ của Hoa Kỳ” và “vì công việc rà phá bom mìn của các bạn ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, và Quảng Bình”.
Nguyễn Thông – Củi cho lò
Bà mẹ viên tướng ở Hà Tĩnh không có lỗi gì, xin mọi người đừng chê bai dè bỉu cụ.
Lỗi là ở bọn báo chí mậu dịch đã tâng bốc, xuyên tạc, viết nhăng viết cuội, khiến cụ phải chịu liên lụy về thằng con.
Chuyện tướng Hà Tĩnh với những nhà cửa dinh thự ăn uống, sớm muộn cũng được xử lý, đâu có đó.
Nói thật, cái lâu đài ấy chưa là gì so với nhà cửa đất đai, tiền bạc, vàng, đô la, của chìm của nổi của ối đứa trong bộ máy cai trị xứ này.
Nhưng cái lò chống tham nhũng tiêu cực của cụ chủ lò đừng bỏ qua chuyện đám lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vô công rồi nghề, chúng hết việc làm hay sao mà dành hẳn cả buổi kéo nhau tụ tập tổ chức chúc mừng một người địa phương được thăng tướng.
Đâu có cái thói công bộc của dân lại đi làm những điều nhảm nhí thế.
Tướng tiếc thời này nhiều như lợn con, có là cái gì mà phải họp hành chúc tụng.
Lò mà không đốt bọn quan Hà Tĩnh ấy, chỉ đáng gọi là lò tôn.
Ảnh: Tập thể lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chúc tướng được phong (Nguồn: Báo Hà Tĩnh)
Hai tàu chiến của Đức sẽ đến Biển Đông vào năm 2024
Hiếu Bá Linh (Biên dịch)
(VNTB) – Chính phủ Liên bang Đức sẽ gửi một tàu khu trục một tàu tiếp vận tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm 2024.
Từ ngày 2 đến ngày 8‐6-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đến thăm các nước Singapore, Indonesia và Ấn Độ. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, ông đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do tầm quan trọng của chính sách thương mại và an ninh, khu vực này rất quan trọng đối với Đức và Châu Âu.
Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Đức cam kết sự hiện diện lâu dài của Đức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như thực hiện các quan hệ đối tác và liên minh hiện có.
“Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một trong những khu vực quan trọng khi chúng ta nhìn vào an ninh và thịnh vượng trong thế kỷ 21”, ông Pistorius nói sau khi đến Singapore. Pistorius là Bộ trưởng Quốc phòng Đức đầu tiên tham gia Đối thoại Shangri-La ở Singapore, hội nghị an ninh quan trọng nhất của vùng Á châu.
Đức cam kết tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như đảm bảo an ninh và ổn định. Xét cho cùng, sự thịnh vượng ở Đức cũng phụ thuộc vào khu vực này: hơn 20% thương mại của Đức là với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Pistorius nhấn mạnh: “Đức có lợi ích chiến lược đối với các tuyến đường biển tự do”.
Đức lo ngại về nỗ lực địa chiến lược của Trung Quốc để giành quyền tối cao, vốn đang thách thức các nước láng giềng khác. Trên hết, căng thẳng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang bồi đắp đảo nhân tạo để xây dựng căn cứ quân sự ở đó, và căng thẳng xung quanh Đài Loan đang góp phần tạo nên tình hình an ninh bất ổn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một hậu quả của tình trạng này là các nước trong khu vực gia tăng đáng kể chi phí mua sắm vũ khí.
Hôm 4/6, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Pistorius nói các nước cần phải bảo vệ trật tự pháp luật quốc tế và bảo vệ những tuyến đường hàng hải quan trọng.
“Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Liên bang Đức đã gửi một tàu khu trục tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi năm 2021, và trong 2024 sẽ lại triển khai, mà lần này sẽ là một tàu khu trục và một tàu tiếp vận, tới khu vực”.
Ông nói thêm rằng việc triển khai các tàu chiến không nhằm trực tiếp chống lại bất kỳ quốc gia nào, điều được cho là rõ ràng nhằm nhắc tới Trung Quốc.
Với việc hiện diện nhiều hơn tại khu vực, Đức đang đi dây giữa vấn đề an ninh và lợi ích kinh tế của mình, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin.
Trong năm nay, lính dù Đức và lực lượng của tiểu đoàn hải quân Đức có kế hoạch sẽ tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre 23 của Úc. “Chúng tôi hiện diện và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai”, ông Pistorius nói.
Lực lượng Không quân Đức cũng có kế hoạch tham gia một lần nữa cuộc tập trận Pitch Black ở Úc vào năm 2024.
Hồi năm 2021, Đức đã lần đầu tiên trong vòng gần 20 năm gửi tàu chiến tới Biển Đông, một động thái cho thấy Berlin gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phương Tây mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực vào lúc đang có những báo động ngày càng gia tăng về tham vọng của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền ở những vùng có tranh chấp.
Khu trục hạm Bayern là chiến hạm đầu tiên của Đức vào Biển Đông kể từ 2002.
______________
Nguồn: Bộ Quốc phòng Đức https://www.bmvg.de/de/themen/dossiers/engagement-im-indopazifik/minister-besucht-strategisch-bedeutsame-indo-pazifik-region
Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai bị bắt vì ‘làm thất thoát’ 63 tỷ đồng
Lê Thiệt /SGN
6 tháng 6, 2023
Ông Trần Minh Hùng (nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai, nguyên Phó bí thư Đảng ủy) trong thời gian đương chức – Ảnh: cắt từ video clip
Ngày 6 Tháng Sáu, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt tạm giam Trần Minh Hùng (58 tuổi, Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai đã bị cách chức) và ông Phan Văn Thanh (64 tuổi, trưởng phòng tài chính kế hoạch trường Đại học Đồng Nai cũng đã bị cách chức) để điều tra vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” xảy ra tại trường này.
Lúc đương chức, ông Hùng còn là đảng viên cao cấp, giữ chức Phó bí thư Đảng ủy Đại học Đồng Nai. Đương nhiên, trước khi bị bắt, ông Hùng cũng đã bị các “đồng chí” của ông trong đảng ủy “đuổi ra” khỏi đảng để đảng luôn được “trong sạch vững mạnh”.
Chẳng biết ông Hùng giữ hai chức vụ hiệu trưởng và phó bí thư đảng ủy trong bao lâu, mà trong cáo trạng ghi rõ lý do bắt ông như sau: Hiệu trưởng Trần Minh Hùng tổ chức thu chi từ các nguồn đào tạo nhưng không hạch toán đầy đủ, bỏ ngoài sổ sách trên 63 tỷ đồng, vi phạm Luật Ngân sách, Luật Phòng chống tham nhũng…
Tiếp tay cho ông Hùng là ông Thanh, trưởng phòng tài chính kế hoạch. Ông Thanh trước đây cũng oai lắm, vì chỉ dưới ông Hùng thôi, ông ta còn là Bí thư Chi bộ Quản lý 1 nên quyền “sinh sát” rất lớn. Nay thì giống như ông Hùng, ông Thanh chỉ còn một chữ “nguyên”.
Không có ông Thanh giúp sức thì ông Hùng làm sao tham nhũng được, nên cả hai trở thành “cặp bài trùng” rút ruột trường đại học.
Theo hồ sơ điều tra thì ông Thanh phải chịu trách nhiệm chính những sai phạm trong việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, hợp đồng cho thuê tài sản công, quản lý các nguồn thu chi… nhưng để thất thoát, lãng phí.
Dựa vào những từ ngữ kết tội “bóng bảy” này, người ta phải vận dụng sự suy luận, liên tưởng mới hiểu đúng vấn đề: Chẳng có sai phạm gì trong vấn đề “tham mưu” cả, chẳng qua hai ông cấu kết với nhau ăn cắp tiền nhà nước thôi.
Trong khi ông Hùng bị cho là làm thất thoát 63 tỷ đồng, thì ông Thanh chỉ bị kết tội “lợi dụng vị trí công tác chiếm đoạt tiền học phí và tiền tạm thu thuế thu nhập cá nhân trong thời gian dài với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng” mà thôi.
Sự chênh lệnh về số tiền tham ô này rất đáng ngờ. Nhiều người cho rằng, với chức vụ quan trọng như ông Thanh, ông ta không thể chỉ lấy chưa tới 4% tổng số tiền ông Hùng tham ô được.
Ngoài hai nhân vật chính Hùng – Thanh bị bắt, còn 13 ông đảng viên ở trường Đại học Đồng Nai nữa, cũng đang bị điều tra vì có liên quan đến vụ tham nhũng này.
Xem thêm: https://dongtam2020.org/