Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 3
Total Users : 13503
Total views : 136660
Server Time : 2024-11-22

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Chuyện Việt Nam Thứ sáu 21/4/2023: CSVN yêu cầu xóa tin về nhà phê bình Đặng Tiến * Nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An cầu cứu bị từ chối * Có bất thường không treo cờ Mỹ khi VN tiếp đón NT Blinken?

Quê Hương tổng hợp

TPHCM yêu cầu báo chí xóa tin về nhà phê bình Đặng Tiến


RFA
21/4/2023

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến năm 2009

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFB Lý Đợi

Ban Tuyên giáo Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các tờ báo dưới quyền như Tuổi Trẻ và Phụ nữ TPHCM không được đưa hoặc “phải” gỡ bản tin về việc nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời ở Pháp.

Giáo sư Đặng Tiến, tác giả cuốn Vũ trụ thơ, qua đời ở Pháp ngày 17/4, thọ 83 tuổi. Ông là thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, một tổ chức độc lập với Hội Nhà văn Việt Nam và không được Nhà nước công nhận, thậm chí còn bị sách nhiễu, đàn áp.

Các bài viết về sự ra đi của nhà phê bình Đặng Tiến ở các trang Tuổi Trẻ Online và Phụ Nữ Online đã không còn truy cập được, trong khi một số trang khác như VnExpress hay Thể thao Văn hoá người đọc vẫn còn có thể xem bài viết về chủ đề này.

Thông tin về việc gỡ bỏ bài viết được Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Dũng, thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, khẳng định với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 21/4:

Chuyện gỡ bài là có thật và tôi có thông tin của người bạn của tôi làm nghề báo. Tôi có đọc được cái chỉ thị, tin nhắn thì đúng hơn.

Nguyên văn: Về trường hợp ông Đặng Tiến vừa qua đời tại Pháp, đề nghị các cơ quan báo chí không thông tin (nếu đã thông tin thì gỡ ngay), vì đây là nhân vật tham gia tổ chức chống Đảng và Nhà nước Việt Nam (Văn đoàn Độc lập). Trân trọng.”

Báo Tuổi trẻ là cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TPHCM, trong khi báo Phụ nữ TPHCM là cơ quan ngôn luận của Thành ủy TPHCM.

Tờ Thanh Niên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tuy không thuộc sự quản lý của Thành uỷ thành phố HCM, nhưng cũng gỡ bài. Phó giáo sư Hoàng Dũng, người điều hành trang Văn Việt- diễn đàn của Ban vận động, cho rằng “ở Việt Nam nỗi sợ hãi nhà nước nó hay lây và lan rộng nên tờ Thanh Niên thấy Tuổi Trẻ gỡ thì cũng gỡ cho nó lành.”

Phóng viên gọi điện thoại cho Thành uỷ TPHCM, hai toà soạn báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy. Một phụ nữ của báo Phụ nữ Online nói không trả lời qua điện thoại và cúp máy.

Chúng tôi gửi email tới toà soạn của ba tờ báo trên nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo Văn Việt, nhà phê bình Đặng Tiến tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963. Ông bắt đầu viết điểm sách và phê bình từ năm 1960. Ra nước ngoài từ năm 1966, lập nghiệp tại Pháp, dạy văn chương Việt Nam trong Ban Việt học, Đại học Paris 7, từ  năm 1969 đến lúc nghỉ hưu năm 2005.

Sau năm 1975, ông viết cho nhiều tạp chí trong nước. Các tác phẩm chính bao gồm “Vũ trụ thơ” và “Thơ, thi pháp và chân dung.”

Ông Hoàng Dũng cho biết, việc yêu cầu gỡ các bài liên quan đến một thành viên của ban vận động là một phần của sự đàn áp mà nhà chức trách Việt Nam áp dụng lên tổ chức này kể từ khi tuyên bố thành lập năm 2014 với Trưởng ban vận động là nhà văn Nguyên Ngọc cùng 60 thành viên trong và ngoài nước, trong đó có các nhà văn/nhà thơ như Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Trọng Văn, Võ Thị Hảo, Vũ Thư Hiên…

Một số tờ báo Nhà nước viết bài trong đó nhìn nhận hội ái hữu nghề nghiệp của các nhà văn độc lập với chính quyền là một tổ chức bất hợp pháp, cho rằng đây là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Theo công văn số 4112/CV/BTGTW ký ngày 15/3/2018 bởi Phó trưởng Võ Văn Phuông gửi Ban Cán sự Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu bộ này chỉ đạo Ban Soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một số nội dung, trong đó đáng chú ý là việc “rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả thuộc tổ chức ‘Văn đoàn độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa môn học Ngữ văn mới.”

Theo Phó giáo sư Hoàng Dũng, văn bản này hiện vẫn còn hiệu lực, thậm chí những người không còn là thành viên ban vận động như hai ông Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Duy, vẫn bị phân biệt đối xử.

Giáo sư Đặng Tiến lúc sinh thời có nhiều lần về thăm quê hương, lần cuối cùng là vào năm 2020. Trong những lần đó, ông đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người mà không bị chính quyền ngăn cản, theo nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng (Hoàng Hưng), thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập.

Phạm Lan Phương – Lời kêu cứu bị chối từ 


Không giống với những người trẻ chọn ra đi bất thần để lại người thương yêu bàng hoàng không hiểu lý do, bạn nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An đã cầu cứu và nói về những gì xảy ra với em trước khi em chọn từ bỏ cuộc sống. 

Em lên trường xin chuyển lớp. Hiệu trưởng nói em chỉ lên một mình không có phụ huynh.

Em nói mẹ đi xin chuyển lớp. Mẹ lên gặp hiệu trưởng một lần, gặp giáo viên quốc phòng lần sau (vì không gặp hiệu trưởng).

Em hỏi cô giáo chủ nhiệm xin mẫu để viết đơn xin chuyển lớp. Cô giáo trả lời không có.

Em xin giáo viên bộ môn cho ngồi riêng, giáo viên bộ môn thì cho, đến giờ chủ nhiệm cô lại bắt em đến ngồi cạnh với nhóm bắt nạt.

Em bị chặn đánh. Em nói điều đó với mẹ. Mẹ và người thân phải đến tận nơi đón em hàng ngày.

Em đã kêu cứu, có lẽ nhiều hơn số lần mà những nạn nhân tự tử chủ động tìm đến nơi có thể cứu họ.

Nhưng những lý do mà không gian giáo dục, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường đưa ra thật đúng đắn và vô cảm: “Lý do thực hiện chương trình mới, mỗi lớp ngoài các môn bắt buộc còn có các môn lựa chọn do học sinh đăng ký và không giống nhau giữa các lớp.” (Ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh nói).

Trong cuộc họp báo này, ông Chung cũng giải thích, Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng quy định giải quyết các trường hợp xin chuyển lớp sau khi hết năm học, trừ trường hợp đặc biệt.

Có lẽ bước đường cùng của bạn gái lớp 10 chưa đủ đặc biệt, chuyện ngồi khóc trong lớp hay phụ huynh phải lên xuống trao đổi nhiều lần cũng không có gì đặc biệt.

Trong cuộc họp báo mà báo giới quay video lại, tôi được thấy ông Chung xuất hiện với nụ cười xã giao mềm mại của người làm lãnh đạo, giải thích mọi việc đã làm đúng quy định. Đúng quy định cho nên một đứa trẻ chọn cái chết. Hôm trả lời báo chí, không biết ông hiệu trưởng có nghĩ cái chết là đủ đặc biệt và đúng quy định chưa?

Cô giáo chủ nhiệm của em học trò trả lời báo Nghệ An: “Tôi đã làm hết sức mình để gần gũi hơn, tìm hiểu học sinh”. Và cũng chính cô không cho phép em được ngồi chỗ khác, dù xin chuyển chỗ chỉ là quy định nhỏ trong phạm vi lớp học mà cô có quyền điều khiển. Cô cũng chẳng có mẫu đơn xin chuyển lớp. Tất nhiên, chuyện cô không biết có một nhóm tấn công nhiều học sinh trong lớp cũng là điều dễ hiểu.

Tôi không thấy ai sai trong chuyện này cả. Mọi người đều vận hành đúng đắn và làm theo quy định.

Nhưng nếu không có ai sai ở đây hết, thì cái chết của một người trẻ học giỏi, có học bổng cho thấy những con người làm công tác đào tạo đó đã không coi giáo dục là dạy người. Trong không gian lớp học đó, nỗi đau khổ thể xác và tinh thần của một đứa trẻ chỉ là chuyện nhỏ. Những nhà giáo trăm công nghìn việc đó từ chối nhìn đứa trẻ như một thân phận có phẩm giá, tính cách, có buồn vui, có cơ thể bị đau khi bị đánh đập. Nó nhìn đứa lớp 10 chỉ là con số trên bảng thành tích: học lớp chất lượng cao thứ 3, có học bổng, bỗng nhiên nghỉ học nhiều ngày.

Tất cả những gì họ nhắc về đứa bé đều có thể tìm thấy trong quyển học bạ hay sổ liên lạc. Còn những tin nhắn em gửi mẹ. Còn những học sinh khác cũng bị bắt nạt y hệt trong cùng lớp, còn những ngày nghỉ học triền miên trong khủng hoảng. Và cô bé từ bỏ cuộc sống. Chúng là biên niên ký cho một hành trình giáo dục lạnh lùng, nơi lời kêu cứu đến chết mới được nghe thấy – trong không gian phòng họp báo và những lời lẽ quan liêu.

PHẠM LAN PHƯƠNG 20.04.2023

Hoàng Nguyên Vũ – Cái chết của nữ sinh có đủ thức tỉnh được sự lạnh lùng tàn nhẫn của các thầy cô ? 


Tôi đã cố kìm nén cho đến hết chiều nay, sau kết quả buổi họp báo của trường để nắm thêm thông tin về cái chết của nữ sinh lớp 10A15, trường chuyên đại học Vinh (Nghệ An).

Trên các trang báo khá thận trọng những ngày qua, cái chính vẫn là thông tin một nữ sinh treo cổ tự vẫn. Dù gia đình em có lên tiếng trên mạng xã hội nhưng vẫn chỉ là thông tin một chiều dẫu ai cũng biết, họ không thể tự bịa đặt lý do về cái chết của con cháu họ.

Hôm nay, sau cuộc họp báo, các thông tin tôi lọc ra được là như thế này:

– Cô giáo chủ nhiệm Đặng Việt Hà đã gián tiếp thừa nhận việc nữ sinh bị một nhóm học sinh bắt nạt (đã tách em khỏi nhóm học sinh đó, nhưng lại ép em ngồi cùng nhóm này trong giờ của cô chủ nhiệm). Chẳng biết bắt ngồi cùng để làm gì? Và để giải quyết vấn đề gì từ phía cô giáo này. Nhưng kết quả cuối cùng, nữ sinh không học nổi và sự ức chế tăng thêm.

– Cô giáo đã hành xử trên cả mức lạnh lùng (nữ sinh nhắn tin hỏi mẫu giấy chuyển lớp – chắc chắn là hỏi khéo nhắc về việc chuyển lớp – khi vấn đề của nữ sinh đã quá trầm trọng – cô giáo chỉ trả lời “không biết”).

–  Cô giáo rất vô trách nhiệm (phụ huynh đã báo vấn đề này cho cô nhiều lần, cô chỉ nhận thông tin cho có và lấy các lý do của mình để không giải quyết). Cảm giác như, cô chỉ dạy chữ cho xong, còn một số vấn đề của nữ sinh liên quan đến môi trường học tập, cứ như không phải là trách nhiệm của cô.

–  Thầy hiệu trưởng nhà trường đưa ra các nguyên tắc không chuyển lớp cho nữ sinh. Các nguyên tắc ấy chỉ dựa trên thành tích học tập cũng như sự cố định của chương trình (Vâng, lại là thành tích và nguyên tắc).

Không có bất cứ một nguyên tắc nào dành cho sự lắng nghe và thấu hiểu, cũng chẳng có một nguyên tắc nào vì sự an nguy của học sinh.

Nhà trường đã quá cứng nhắc, quá lạnh lùng, thậm chí là quá tàn nhẫn, khi áp dụng các nguyên tắc mang tính chất hành chính, mệnh lệnh và kỷ luật. Thay vì cần phải nới lỏng các nguyên tắc ấy ra, để trái tim và trách nhiệm của nhà giáo lên tiếng bảo vệ chính học sinh của mình.

Họ đã hành động như vậy và họ đã hành xử như vậy. Chính những điều đó, đã giết chết nữ sinh.

Là một cái giá vô cùng đắt, đắt đến mức vô lý. Là một học sinh giỏi phải lấy cái chết của mình ra để chứng minh cho người lớn thấy sự cô lập và nạn bắt nạt học đường, là có thật. Thậm chí, ngay trong môi trường là trường chuyên lớp chọn, nơi sản sinh ra nhiều những “tinh hoa” tương lai.

Có lẽ, những em bắt nạt bạn này, trong hành trang đi đến tương lai làm người có ích cho xã hội như điều các em được dạy, đã có nước mắt và cái chết tức tưởi của một người bạn cùng trang lứa. Không biết, cái chết ấy có làm cho những “tinh hoa” này thức tỉnh không, hay vẫn lại là dửng dưng bình thường như khi xúm nhau bắt nạt bạn?

Là một cái giá vô cùng đắt, đắt đến mức vô lý, là một học sinh giỏi phải lấy cái chết của mình để vén cái bức màn vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm. Thiếu trái tim ấm áp con người của những người làm thầy, làm cô, vẫn đứng trên bục giảng rao giảng đạo đức và nhân danh những điều tốt đẹp.

Không biết ngày mai, ngày kia và những ngày mãi về sau, họ sẽ nói về chữ nhân, chữ đức, về trái tim con người đập vì nỗi đau người khác như thế nào, khi mà hình bóng em học sinh phải đánh mất mạng sống vì những sự thiếu thốn những điều đạo lý đó ở họ?

Có thức tỉnh được không, sự lạnh lùng vô cảm đến tàn nhẫn không, hỡi những thầy cô đã dạy nữ sinh?

Mà, chắc chắn, các vị cũng có con, phải không nhỉ?

HOÀNG NGUYÊN VŨ 18.04.2023

Cướp nhà băng dồn dập hơn ở Việt Nam


21/4/2023

Thạch Hãn/VNTB

 “Bần cùng sinh đạo tặc”

Một vụ cướp ngân hàng đã thành công hồi trưa ngày 20-4 tại thành phố Đà Nẵng.

Thông tin ban đầu, khoảng 11g ngày 20-4, một nam thanh niên cầm súng, roi điện đi vào chi nhánh ngân hàng Vietinbank, địa chỉ số 1 đường Đống Đa, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Trong ngân hàng lúc này có 6 người là các nhân viên và bảo vệ. Một bảo vệ cho biết, tên cướp mặc áo đen, đeo khẩu trang, một tay cầm súng, một tay cầm roi điện. Hắn dùng súng và roi điện uy hiếp bảo vệ, sau đó yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào bao ny-lon. Theo miêu tả của người dân, tên cướp đi xe máy Yamaha Grande màu xám. Biển số đã được ghi lại, thông báo cho công an.

Trước đó ít hôm, ở vụ cướp xảy ra tại phòng giao dịch của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, bất chấp kẻ cướp bắn đến “hết đạn trong ổ”, nhưng bảo vệ nơi đây cùng các khách hàng đã bắt giữ được kẻ cướp được cho là còn một đồng phạm đã bỏ trốn.

Điểm trùng hợp hy hữu là địa bàn huyện Bàu Bàng liên tục có phòng giao dịch ngân hàng bị cướp. Trước vụ cướp phòng giao dịch ngân hàng Sacombank ngày 17-4, phòng giao dịch của ngân hàng BIDV tại huyện Bàu Bàng cũng liên tiếp bị cướp 2 lần trong vòng 3 tháng (tháng 12-2021 và tháng 3-2022).

Một chi nhánh ngân hàng Sacombank ở đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, TP.HCM cũng bị cướp hồi đầu tháng 3-2023. Theo đó, chiều 3-3, nhóm đi xe máy tới gần chi nhánh ngân hàng trên rồi dừng lại. Sau đó, 2 thành viên trong nhóm đi trong vào ngân hàng, rút súng uy hiếp các nhân viên cướp tiền. Ít phút sau, do lo sợ nên 2 tên bỏ chạy ra ngoài, lên xe đồng bọn tẩu thoát.

Phía Sacombank xác nhận 2 nghi phạm là nam giới giả dạng khách hàng. Thời điểm vụ việc xảy ra, phòng giao dịch này vắng khách, tài sản đều được cất giữ từ trước, nên nhóm cướp không đạt được mục đích.

Chục tiếng sau đó, công an đã bắt giữ được 2 tên ở vụ cướp bất thành tại Sacombank quận 8. Đến trưa ngày 7-3, tên còn lại đã ra đầu thú.

Sacombank ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cũng từng bị cướp như bất thành hồi trung tuần tháng 11 năm ngoái. Vụ việc tóm tắt: khoảng 16g15 ngày 15-11-2022, Trần Thanh Luân, sinh năm 1997, ngụ ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, đi xe buýt từ xã Tân Khánh Đông đến trạm gần ngân hàng Sacombank. Lúc này, Luân đi vào ngân hàng Sacombank rồi dùng súng, bom tự chế khống chế yêu cầu các nhân viên ngồi im, đồng thời yêu cầu 1 nhân viên bỏ tiền vào ba lô.

Lúc nhân viên ngân hàng bỏ hơn 1,7 tỷ đồng vào ba lô cho Luân thì công an ập vào khống chế, bắt giữ nghi phạm. Công an thu giữ 1 bật lửa hình khẩu súng, 1 kích nổ, 1 vật giống bom tự chế và hơn 1,7 tỷ đồng. Luân chưa có tiền án, tiền sự. Tại cơ quan Công an, Luân khai do vay tiền của công ty tài chính 50 triệu và vay bên ngoài 15 triệu đồng, không có khả năng chi trả, Luân mua hộp quẹt hình cây súng và một số đồ dùng chế tạo bom giả để gây án.

Lý do tương tự trên là trường hợp của tên cướp có vũ trang ở huyện Bàu Bàng hôm 17-4-2023. Theo đó nghi phạm bị bắt tên Nguyễn Tấn Phát, 26 tuổi, ngụ thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Số tiền phát hiện trong ba lô của Phát sau vụ cướp là khoảng 700 triệu đồng. Công an cũng thu giữ một khẩu súng của nghi phạm (đã bắn hết đạn trong ổ) và 6 viên đạn còn đựng trong túi ni lông.

Phát khai đi cướp vì từng bị công ty tài chính đòi nợ. Phát cho biết từng vay của một công ty tài chính số tiền 20 triệu đồng nhưng không đủ khả năng chi trả, nên nhiều lần bị công ty này hăm dọa bản thân và gia đình. Mặt khác, Phát nói do thấy mẹ phải lao động vất vả nên nảy sinh ý định cướp ngân hàng để lấy tiền tiêu xài.

Để chuẩn bị cho vụ cướp, Phát đã lên Facebook mua 1 khẩu súng Rulo thể thao và 20 viên đạn với giá 5 triệu đồng. Sau đó Phát đi khảo sát nhiều phòng giao dịch của các ngân hàng từ thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) về huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương). Cuối cùng, Phát chọn phòng giao dịch của Sacombank tại Bàu Bàng vì thấy vắng người…

Một vụ cướp ngân hàng đã xét xử hôm cuối tháng 3 vừa qua cho thấy góc khuất đời sống đầy u ám ở Việt Nam.

Tình tiết vụ án tóm tắt như sau: Qua nhóm “Hội những người vỡ nợ  muốn làm liều”’ trên facebook, hai bị cáo ở Hà Nội quen biết nhau rồi rủ nhau lên kế hoạch đi cướp ngân hàng, tiệm tạp hóa…

Ngày 7-3-2022, hai bị cáo lên kế hoạch đi cướp ở Phòng giao dịch Tây Hồ Tây, ngân hàng Vietinbank. Lúc này, tại tầng một của Phòng giao dịch có 2 nhân viên ngân hàng ở trong quầy giao dịch và một người bảo vệ ở cửa ra vào. Một bị cáo vào quầy giao dịch, nói muốn rút 500 triệu đồng. Khi nhân viên ngân hàng yêu cầu xuất trình căn cước công dân, bị cáo này mở ba lo lấy dao nhọn và một vật giống như khẩu súng ra để khống chế nhân viên và hô: “Cướp đây”.

Bị cáo đi vào trong quầy lấy trong két tiền được hơn 537 triệu đồng, cho vào ba lo. Trong lúc đó một bị cáo khác dùng dao khống chế nhân viên bảo vệ ở cửa. Sau khi lấy được tiền, cả hai lên xe tẩu thoát.

Phân tích nguyên nhân thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng, có ý kiến cho rằng, do một số đối tượng tiếp xúc với những phim ảnh, những trò game bạo lực nên có suy nghĩ dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội. Một số đối tượng cờ bạc, cá độ bóng đá thua lỗ, không có tiền trả nợ đành làm liều.

“Do thời gian dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh tế có nhiều biến động nên nhiều người lâm vào tình trạng khó khăn, túng quẫn. Đây là một lý do cần quan tâm hơn là đổ thừa vào phim ảnh bạo lực hay lười biếng làm việc” – luật sư T.T., có nhận định bước đầu như vậy từ một số vụ cướp táo tợn hiện nay.

Thúy Nga và Tân Hiệp Phát: quan hệ bình thường hay bất chấp? 


VOA Tiếng Việt

21/4/2023

Cô Trần Uyên Phương, phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, xuất hiện trong một show của Paris By Night bên cạnh MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên

Mối quan hệ giữa Trung tâm Thúy Nga ở hải ngoại và Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong nước bị nhiều người, đặc biệt là người Việt hải ngoại, ác cảm, nhất là sau khi lãnh đạo tập đoàn này bị bắt để điều tra, theo tìm hiểu của VOA.

Tân Hiệp Phát là nhà tài trợ kim cương cho chương trình Paris By Night của Thúy Nga trong nhiều năm qua và các sản phẩm nước giải khát của họ được Thúy Nga quảng cáo rầm rộ trong chương trình.

Hôm 10/4, ông Trần Quí Thanh cùng hai người con gái của ông là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã bị công an bắt tạm giam để điều tra về tội ‘Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản’ sau khi có đơn tố cáo của nhiều người dân về việc ông cho vay nặng lãi rồi siết tài sản của họ không khoan nhượng.

Trước khi bị bắt, Trần Uyên Phương từng nhiều lần được Thúy Nga ưu ái cho xuất hiện và phát biểu trong các chương trình Paris By Night. Cô chào mời, giới thiệu các sản phẩm của Tân Hiệp Phát cũng như quảng bá sách cô viết về tập đoàn và cha của cô, và được người dẫn chương trình ca ngợi.

Trong một trong những show gần đây nhất là Paris By Night 133 có xuất hiện hình ảnh ông Trần Quí Thanh trong video clip chúc mừng kỷ niệm 40 năm Trung tâm Thúy Nga. Còn trong số 129, Trung tâm Thuý Nga đã cho biểu diễn bài hát ‘Yêu bằng hạnh phúc cuối’ phổ nhạc bài thơ của ông Trần Quí Thanh.

‘Thúy Nga bất chấp’

Từ Melbourne, Úc, ông Tuấn Phan, một người kinh doanh tự do, nói trước đây ông từng là khán giả trung thành của Paris By Night và thậm chí còn mua vé đến xem trực tiếp khi Thúy Nga sang Úc trình diễn.

“Vì Paris By Night làm về văn hóa Việt Nam rất hay để kết nối những người con xa xứ muốn theo dõi về văn hóa Việt Nam để khỏi quên cội quên nguồn,” ông giãi bày.

Tuy nhiên, ông cho rằng trong những năm gần đây, Paris By Night ‘không còn hướng về nền văn hóa Việt Nam Cộng hòa nhân bản như trước nữa’ mà ‘đi theo đường hướng kinh doanh nhiều hơn’.

“Họ hướng về khán giả Việt Nam và bắt tay với những tập đoàn trong nước,” ông chỉ ra và cho biết chính vì vậy ông đã ‘rời xa Thúy Nga’ và ‘không còn tình cảm như trước’.

“Tôi không còn chú tâm coi như trước, chỉ khi nào bạn bè có ai mở thì coi sớt qua thôi.”

Nhận xét về việc Thúy Nga nhận tài trợ của Tân Hiệp Phát, ông Tuấn nói: “Thật tình mà nói thì khi kinh doanh cần lợi nhuận để duy trì trung tâm nhưng đứng trên lập trường của Thúy Nga thì họ bất chấp khi hợp tác với tư bản đỏ.”

Ông thừa nhận Thúy Nga cần nguồn tiền tài trợ trong bối cảnh khó khăn khi không còn bán được băng đĩa như trước nhưng ‘không nên vì thế mà bất chấp tất cả’.

“Mình đã bỏ nước ra đi, đã chịu nhiều đau khổ khi miền Nam bị miền Bắc chiếm thì không có lý do gì mình ủng hộ việc bắt tay với tư bản đỏ, điều đó đi ngược lại lý tưởng của mình,” ông giải thích.

Theo lời ông những người làm giàu từ bất động sản, trong đó Tân Hiệp Phát, ‘chắc có sự cấu kết với chính quyền để cướp đất của người dân’. “Tôi đã nghe thấy những tiếng nói thống khổ của người dân bị mất đất, tôi thấy họ quá nhẫn tâm nên không có thiện cảm với tư bản đỏ giàu lên từ bất động sản,” ông nói.

Không chỉ riêng mảng bất động sản, trong mảng kinh doanh nước giải khát, người Việt kiều đã sống ở Úc được 35 năm này cũng lên án cách kinh doanh ‘dựa vào cường quyền ức hiếp người dân’ của Tân Hiệp Phát qua vụ việc chai nước tăng lực của tập đoàn bị cáo buộc ‘có con ruồi’ hồi năm 2015.

Ông nói ông ‘không có hy vọng Thúy Nga quay trở lại như trước’ vì ‘họ đã xác định hướng về khán giả trong nước rồi, không còn coi trọng khán giả hải ngoại nữa’.

‘Tâm lý tức giận’

Trao đổi với VOA, nhạc sỹ Tuấn Khanh từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc chỉ trích Trung tâm Thúy Nga ‘thật ra phản ánh tâm lý của người dân tức giận trước việc một hệ thống sản xuất của đại gia tư bản đỏ được chính quyền nhiều mặt bao che’.

Nhạc sỹ này nhắc lại có một giai đoạn người dân Việt Nam kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Tân Hiệp Phát vì ‘có vẻ họ cần chính quyền chứ không cần ý kiến người dân’.

Ông cho rằng trước Tân Hiệp Phát, nhiều sản phẩm ở trong nước cũng đã thâm nhập vào thị trường người Việt ở hải ngoại nhưng ‘mọi chuyện có vẻ lớn hơn khi người ta nhìn thấy hình ảnh mà đám đông không ưa thích lại xuất hiện trên một chương trình mà rất nhiều người Việt Nam yêu mến’.

“Về vấn đề thương mại thì không chỉ Thúy Nga Paris By Night đồng ý nhận quảng cáo từ trong nước, mà hầu như rất nhiều cơ sở của người Việt ở Mỹ cũng đã chấp nhận cho quảng cáo,” ông chỉ ra.

VOA đã liên hệ bà Marie Tô Ngọc Thủy, giám đốc điều hành Trung tâm Thúy Nga, và được bà nói rằng: “Quý vị khán giả nên lưu ý: Thúy Nga đang quảng cáo cho sản phẩm của Tân Hiệp Phát, chứ không quảng cáo cho ông Trần Quí Thanh.”

“Mà sản phẩm của Tân Hiệp Phát được thị trường Mỹ chấp nhận,” bà Thủy nói thêm.

Có bất thường khi Việt Nam không treo cờ Mỹ khi Thủ tướng Việt Nam tiếp Ngoại trưởng Blinken?


RFA – 20/4/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ở Hà Nội hôm 15/4/2023

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP

Báo chí Nhà nước Trung Quốc và mạng xã hội nước này tuần qua xôn xao một “phát hiện” là Việt Nam không treo cờ Mỹ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Hà Nội và cho rằng đây là điều sỉ nhục đối với Mỹ. Tuy nhiên những tìm hiểu của Đài Á Châu Tự Do cho thấy điều khác biệt.

Khi đến thăm Việt Nam từ 14-16/4/2023, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và các quan chức cấp cao khác. Mạng truyền thông “Hoàn Cầu thời báo” của Trung Quốc đã phát một đoạn video ngắn trên nền tảng Douyin, chỉ ra rằng trong cuộc gặp giữa ông Antony Blinken và ông Phạm Minh Chính, chỉ có lá cờ Việt Nam được đặt trong phòng họp mà không có cờ Mỹ. Theo mạng Hoàn Cầu, đây là điều cực kỳ bất thường đối với một sự kiện ngoại giao.

Vụ việc này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận trên nhiều nền tảng mạng xã hội như NetEase và Zhihu. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng điều này cho thấy “Hoa Kỳ đã bị Việt Nam sỉ nhục nặng nề”.

Phòng Phối kiểm Tính Xác thực Thông tin của Đài Á Châu Tự Do đã phối kiểm các quy định của Chính phủ Việt Nam liên quan đến việc tiếp khách nước ngoài cũng như các thông tin liên quan khác. Chúng tôi thấy rằng khi Chính phủ Việt Nam tiếp khách nước ngoài cấp bộ trưởng, nếu cấp bậc của hai quan chức bằng nhau thì quốc kỳ của cả hai nước sẽ được treo tại nơi đón tiếp, còn nếu cấp bậc của khách thấp hơn cấp của chủ nhà thì chỉ treo quốc kỳ Việt Nam.

Điều này lý giải tại sao chỉ có cờ Việt Nam xuất hiện trong sự kiện Thủ tướng Việt Nam tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken tại Văn phòng Chính phủ. Điều tương tự cũng đã diễn ra khi Thủ tướng Việt Nam tiếp Ngoại trưởng Canada, Nga và các nhà ngoại giao Trung Quốc trước đây.

Phân tích sâu:

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm Việt Nam từ ngày 14 đến 16/4, trong đó ông có cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ông Blinken mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời bày tỏ Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực nâng cao nhận thức về tình hình trên biển và đối phó với việc các nước khác cưỡng chế tàu cá của họ. Về vấn đề này, Trung Quốc chỉ trích Mỹ “chuyên đi xúc xiểm và gieo rắc bất hòa”.

Những chia sẻ của ông Blinken trên Twitter về chuyến thăm Việt Nam và hình ảnh ông gặp ông Phạm Minh Chính đã thu hút sự chú ý. Nhiều cư dân mạng để lại lời nhắn hỏi: Tại sao không thấy cờ Mỹ?

Về vấn đề này, mạng truyền thông Hoàn Cầu của Trung Quốc đã phát hành một đoạn video ngắn 10 giây trên nền tảng Douyin, có tiêu đề “Khi Thủ tướng Việt Nam gặp Blinken, họ không cắm lá cờ Mỹ” và phụ đề ở dưới cùng: “Đây là điều cực kỳ bất thường trong các sự kiện ngoại giao, bởi vì việc treo cờ quốc gia của cả hai bên là một nghi thức cơ bản cho các cuộc gặp song phương, ngay cả khi hai bên có những khác biệt lớn.”

Các bức ảnh và video liên quan lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, đồng thời có nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo, Netease, Zhihu… Một số cây viết trên mạng cho rằng “Mỹ đã bị Việt Nam sỉ nhục nặng nề và “Việt Nam không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Chuyến thăm của Blinken tới Việt Nam để lại một hình ảnh nhục nhã”, “Việt Nam xem thường Hoa Kỳ.” Ngoài ra còn có một số cơ quan truyền thông như Zhongtian News (Trung Thiên Tân Văn), tổ chức chương trình hội luận để phân tích lý do tại sao Hoa Kỳ đã phải bị đối xử “nhục nhã” như vậy.

Hầu hết các video hội luận và bài viết phân tích nêu trên đều có một điểm chung là tập trung vào việc lá cờ Mỹ không được treo khi ông Phạm Minh Chính gặp ông Blinken. Nhưng họ bỏ qua một chi tiết khác là quốc kỳ của hai nước được treo khi ông Blinken gặp người đồng cấp Bùi Thanh Sơn.

Phòng Phối kiểm Tính Xác thực Thông tin của Đài Á Châu Tự Do đã xác minh các bức ảnh Thủ tướng Việt Nam tiếp quan chức nước ngoài trong Văn phòng Chính phủ trước đây và nhận thấy rằng Việt Nam cũng chỉ treo quốc kỳ của mình khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko, gặp Lưu Ninh (Liuning) Bí thư Khu ủy Khu Tự trị người Choang Quảng Tây của Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly. Năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc là Vương Nghị thì cũng chỉ có quốc kì Việt Nam được treo lên.