Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 3 9
Total Users : 13539
Total views : 136739
Server Time : 2024-12-03

DƯƠNG LỊCH

December 2024
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Thời sự Thứ Năm 08/12/2022: Âm mưu đảo chánh ở Đức; Starlink mở cho quân sự; Pompeo: “nỗi ám ảnh” Biden về biến đổi khí hậu; Biểu tình tại đại học Vũ Hán; Nhân viên New York Times đình công…

Võ Thái Hà tổng hợp


Đức cảnh báo về nguy cơ đến từ phần tử cực đoan sau âm mưu đảo chính bị phá vỡ

08/12/2022

An ninh Đức truy lùng nghi phạm âm mưu đảo chính, ở Frankfurt, ngày 7/12/2022. AP – Boris Roessler

Một hoàng tử, nhiều cựu quân nhân lực lượng tinh nhuệ, một phụ nữ Nga và một nữ cựu dân biểu cực hữu được coi là đầu não trong một âm mưu đảo chính tại Đức vừa bị triệt phá. Ngày 07/12/2022, khoảng 3.000 nhân viên an ninh đã được huy động, tiến hành hơn 130 vụ khám xét và thẩm vấn 25 người. Truyền thông đánh giá đây là chiến dịch có quy mô lớn chưa từng thấy của cảnh sát Đức.

Theo chưởng lý chống khủng bố Peter Frank, khi trả lời truyền thông Đức và được AFP trích dẫn, mạng lưới trên được thành lập « muộn nhất là vào cuối năm 2021 », theo đuổi tư tưởng « Reichsbürger » (Công dân của Đế chế) và được tổ chức như một chính phủ thu nhỏ. Các bước chuẩn bị đảo chính « ở giai đoạn hoàn thiện », dù chưa ấn định ngày tấn công vào Quốc Hội Đức nhưng « chắc chắn là họ sẽ hành động ».

Truyền thông Đức đưa thông tin về một số nhân vật đầu não, gồm hoàng tử Heinrich XIII, 71 tuổi, hậu duệ nhà Ruess ở bang Thuringen. Ông hiện là một doanh nhân và bị bắt ở Frankfurt. Một công dân Nga tên là « Vitalia B », được báo chí Đức cho là bạn gái của hoàng tử Heinrich XIII và được coi là trung gian để liên lạc với chính quyền Nga nhằm tìm kiếm ủng hộ. Điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc « Nga can thiệp » trong vụ này.

Tiếp theo là một cựu trung tá, chỉ huy một tiểu đoàn lính dù trong thập niên 1990, và là nhà sáng lập một lực lượng đặc biệt (KSK) của Quân Đội Đức. Nhiều quân nhân khác tham gia âm mưu đảo chính, trong đó có một người vẫn tại chức và là thành viên của KSK. Ngoài ra còn có một nữ thẩm phán, bà Birgit Malsack-Winkemann, từng là dân biểu của đảng cực hữu AfD.

Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin cho biết về phản ứng của công luận Đức :

« Nhìn chung các cơ quan truyền thông nhấn mạnh rằng mối nguy hiểm đối với nền dân chủ tại Đức là rất ít nhưng không nên đánh giá thấp những vụ việc như vậy. Nhật báo thiên tả « Taz » đưa tít : « Steinmeier vẫn là tổng thống » về việc nguyên thủ Đức không bị lật đổ. Tuy nhiên, vẫn nhật báo đó viết trong một bình luận rằng « Đừng vội yên tâm. Cho đến giờ, xã hội chúng ta vẫn chưa tìm ra được cách đáp trả những xu hướng cực đoan đang xuất hiện. Mối nguy hiểm không biến mất sau chiến dịch hôm qua ».

Đối với tờ báo bảo thủ « Frankfurter Allgemeine », thành công của lực lượng an ninh cho thấy những kẻ mưu phản bị cô lập đến chừng nào. Coi họ một cách nghiêm túc có lẽ tôn vinh họ quá mức. Việc đó giống như trò hề so với những kẻ cực hữu Mỹ đã tấn công điện Capitol.

Trong giới chính khách, bộ trưởng Nội Vụ Nancy Faeser nói đến « sự hèn hạ của một mối đe dọa khủng bố ». Người phát ngôn của thủ tướng Olaf Scholz thì nhắc đến một « nhóm đặc biệt nguy hiểm có mục tiêu hủy hoại Nhà nước pháp quyền của chúng ta ».

Ngoài việc lên án, các nhà lãnh đạo hoan nghênh sự kiện mối nguy hiểm đã bị phá vỡ. Nhiều biện pháp triệt để hơn cũng đã được yêu cầu. Ủy Ban Quốc Phòng đã đưa vấn đề trên vào chương trình nghị sự, trong khi nhiều thành viên tại chức của Quân Đội cũng tham gia ».

Các nhà lãnh đạo của đảng cực hữu AfD, đang bị nghi ngờ vì vụ bắt giữ một cựu dân biểu, hiện là thẩm phán ở Berlin, đã lên án âm mưu của nhóm khủng bố. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đánh giá rằng « các vụ bắt giữ trên cho thấy mối nguy hiểm của những học thuyết phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và đi ngược với nhân quyền ».


SpaceX sẽ mở rộng Starlink Starshield dùng cho lĩnh vực quân sự

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/spaceX-840x480.png

SpaceX đã viết trên trang web chính thức của mình: “Starlink được thiết kế cho người tiêu dùng và mục đích thương mại, trong khi Starshield được thiết kế cho chính phủ.”

Công ty cho biết rằng dự án (Starshield) ban đầu tập trung vào việc phát triển các cảm biến và vệ tinh quan sát Trái đất, cũng như hệ thống chòm sao liên lạc toàn cầu, với mức độ bảo mật cao hơn hệ thống mã hóa dữ liệu hiện tại của Starlink cung cấp cho quân đội và chính phủ.

Hiện tại, không nhiều người biết về phạm vi ứng dụng của chương trình “Starshield” và khả năng của nó. Công ty SpaceX trước đó thậm chí còn chưa thông báo công khai rằng họ sẽ thử nghiệm hoặc phát triển công nghệ Starshield.

Trên trang web của mình, SpaceX chỉ nói rằng hệ thống sẽ tập trung ban đầu vào ba lĩnh vực: hình ảnh, thông tin liên lạc và “ủy thác quản lý tải trọng” (Hosted Payloads). Trên thực tế, lĩnh vực thứ ba là cung cấp các vệ tinh của công ty (phần thân chính của thiết bị vũ trụ) như một nền tảng linh hoạt cho các khách hàng chính phủ.

Công ty cũng đang định vị Starshield như một trung tâm có thể cung cấp các dịch vụ “quy trình đầu cuối” (end-to-end) cho an ninh quốc gia. Trong dự án Starshield, SpaceX sẽ chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng mọi thứ từ ăng-ten mặt đất đến vệ tinh và sử dụng tên lửa của công ty để phóng vệ tinh cũng như hình thành và vận hành các mạng trong không gian.

SpaceX lưu ý rằng ngoài mã hóa dữ liệu hiện đang được sử dụng bởi hệ thống Starlink của mình, Starshield có “khả năng mã hóa đảm bảo cao bổ sung, có khả năng mang tải trọng bí mật, được phân loại và xử lý dữ liệu an toàn để đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của chính phủ”.
Một tính năng quan trọng khác của hệ thống Starshield là liên kết “giao tiếp bằng laser giữa các vệ tinh”. SpaceX hiện đang sử dụng liên kết để kết nối tàu vũ trụ trên mạng Starlink của mình. Công ty lưu ý rằng các thiết bị đầu cuối cũng có thể được thêm vào “các vệ tinh đối tác” để kết nối các hệ thống chính phủ của các công ty khác “vào mạng Starshield”.

Hiện tại, SpaceX vẫn đang tiếp tục mở rộng hệ thống Starlink của mình. Hồi tuần trước, công ty đã nhận được sự chấp thuận quan trọng từ Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cho việc mở rộng. Ban lãnh đạo của công ty trước đó đã ước tính rằng Starlink có thể mang lại doanh thu hàng năm lên tới 30 tỷ USD.

Starshield đại diện cho một bước để công ty vượt ra khỏi lĩnh vực thị trường thương mại. Lầu Năm Góc đã nói rõ rằng họ sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ để giao cho các công ty phụ trách xây dựng thế hệ tiếp theo của lực lượng vệ tinh của quân đội Mỹ.

Nga và Ukraina cùng trao đổi 60 tù binh mỗi bên

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/nga-ukrainna-trao-doi-tu-binh.jpeg

Nga và Ukraina hôm 6/12 công bố đã thực hiện trao đổi 60 tù binh chiến tranh cho mỗi bên. Nhiều binh sĩ từng cầm cự ở thành phố cảng Mariupol cũng nằm trong danh sách trao đổi lần này.

Theo Hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 60 binh sĩ Nga được trả tự do sẽ được đưa đến Matxcơva để nhận chăm sóc y tế và hỗ trợ tâm lý.

Cùng ngày, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraina Andriy Yermak ca ngợi những người Ukraina trở về là những anh hùng.

Ông Yermak cho biết trong số những tù binh trở về trong đợt này có hàng chục người từng cầm cự ở thành phố Mariupol, bao gồm cả tại nhà máy thép Azovstal. Lực lượng Ukraina tại Mariupol đã buộc phải đầu hàng dưới sức ép từ lực lượng Nga hồi tháng 5.

Theo ông Yermak, một số người được thả đã bị giữ lại trên lãnh thổ Nga, trong khi một số người khác ở Olenivka – trại tù binh chiến tranh ở vùng Donetsk do Nga kiểm soát.

Hồi tháng 7, Ukraina cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh với cuộc tấn công vào Olenivka khiến hàng chục tù nhân thiệt mạng. Nga đã phản bác, tuyên bố chính Ukraina mới là bên bắn vào trại giam này.

Trong vài tháng qua, cả Nga và Ukraina đã trao đổi hàng trăm tù nhân trong một loạt các đợt trao đổi như trên.


Hungary chặn gói viện trợ 19 tỷ USD của EU cho Ukraina

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/Zbynek-Stanjura.jpeg

Hungary đã chặn gói viện trợ 19 tỷ USD cho Kyiv để gây áp lực với EU, khiến khối này thêm chia rẽ giữa xung đột Nga – Ukraina.

Quyết định được Hungary đưa ra hôm 6/12 tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ, ngăn liên minh cung cấp gói hỗ trợ tài chính vốn rất cần thiết cho Ukraina, quốc gia đang bị xung đột tàn phá.

Đây là một trong nhiều sáng kiến của EU đang bị Hungary ngăn cản, khi Thủ tướng Viktor Orban tìm cách gây sức ép với khối để giải phóng hàng tỷ USD tiền viện trợ cho nước này. EU trước đó đã đóng băng gần 14 tỷ USD tiền viện trợ cho Hungary, do nước này không thực hiện được các cải cách cần thiết để ngăn chặn tham nhũng và bảo đảm độc lập tư pháp.

Hungary cũng phủ quyết nỗ lực về áp đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn EU.

Cộng hòa Czech, chủ tịch luân phiên của EU, cho biết sẽ cố tìm cách để 26 quốc gia còn lại vượt qua sự phản đối của Hungary và cung cấp viện trợ tài chính cho Kyiv.

Bộ trưởng Tài chính Czech Zbynek Stanjura nói: “Chúng tôi sẽ không nản lòng. Tham vọng của chúng tôi vẫn là bắt đầu giải ngân khoản viện trợ cho Ukraina vào đầu tháng 1 năm sau”.

Các bộ trưởng tài chính EU ban đầu dự kiến phản hồi đề xuất của Ủy ban châu Âu về đóng băng ngân sách cho Hungary vào hôm nay. Nhưng vấn đề đã vấp tranh cãi khi một số nước EU muốn giảm lập trường cứng rắn với Budapest.

Chính phủ của ông Orban đã cam kết thực hiện loạt cải cách theo yêu cầu của EU nhưng chưa đủ khiến Brussels hài lòng. Một số nhà ngoại giao châu Âu cho hay các nghị sĩ Hungary sẽ nhóm họp trong tuần này để thông qua nhiều luật hơn, giúp nước này tiến gần các mục tiêu cải cách.

Các thành viên EU sẽ có thời gian từ nay đến ngày 19/12 để bỏ phiếu về việc ủng hộ, từ chối hoặc thay đổi khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về đóng băng khoản viện trợ cho Hungary. Vấn đề này dự kiến được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo EU ở Brussels vào ngày 15/12.


Cựu Ngoại Trưởng Mỹ: ‘Nỗi ám ảnh’ về biến đổi khí hậu của ông Biden giúp Trung Quốc giàu có hơn

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/mike-pompeo-840x480.png

Thứ 2 (05/12), cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng “nỗi ám ảnh về khử carbon” của Tổng thống Joe Biden đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên giàu có và quyền lực hơn, trong khi khiến người dân Mỹ chịu nhiều tổn thất.
Trong bài xã luận xuất bản vào ngày 05/12 trên tờ Washington Examiner, ông Pompeo cho rằng việc chính quyền Biden tập trung vào chống biến đổi khí hậu là bước đi sai lầm, làm cuộc sống của các gia đình Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, trong khi giúp các kẻ thù của Mỹ mạnh mẽ hơn.

Ông Pompeo nói về cái gọi là Đạo luật Giảm lạm phát mà Tổng thống Biden gần đây đã mô tả là “dự luật khí hậu lớn nhất, quan trọng nhất trong lịch sử” Hoa Kỳ.

Con ngựa thành Troy
Khi tuyên truyền Đạo luật Giảm lạm phát cho người dân, chính quyền Biden nói rằng nó nhằm mục đích giảm lạm phát tại Mỹ- vốn lập đỉnh 40 năm vào tháng 06/2022.

Ông Pompeo lập luận rằng “trên thực tế, nó [Đạo luật Giảm lạm phát] là con ngựa thành Troy mang tính thao túng tâm lý, có mục đích che giấu ưu tiên thực sự của chính quyền Biden”. Ưu tiên thực sự này, theo ông Pompeo, chính là việc bóp nghẹt ngành năng lượng nhiên liệu hóa thạch.

Ông Pompeo cũng chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Biden là quá tập trung vào chống biến đổi khí hậu đến mức làm dư luận chuyển sự chú ý ra khỏi “các mối đe dọa thực sự” do các kẻ thù của Mỹ tạo ra trên trường thế giới.

Ông nói: “Nỗi ám ảnh của ông Biden về việc khử carbon ở Mỹ sẽ làm giàu và trao quyền lực cho ĐCSTQ”.

“Một phần lớn nội dung của đạo luật này sẽ hướng tới năng lượng mặt trời, mặc dù chính quyền Biden nhận thức rõ ràng rằng các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm lĩnh 80 [%] thị trường tấm pin mặt trời và nhiều trong số họ có liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương”, ông Pompeo nói.

Khi ông Mike Pompeo giữ chức Ngoại trưởng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông từng nói rằng ĐCSTQ phạm tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người vì ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tất nhiên, các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc như vậy.

Quốc hội Mỹ sau đó thông qua Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), trong đó cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương và các khu vực khác có liên quan đến lao động cưỡng bức.

Ông Pompeo nói: “Thật là mỉa mai khi người Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than với tốc độ nực cười và họ đang làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn”.

Ông Pompeo khẳng định rằng bằng cách ưu tiên biến đổi khí hậu một cách “dại dột”, đồng thời lờ đi các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, các hành động hung hăng chống lại đồng minh của Mỹ và các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở Mỹ, chính quyền Biden đang giúp Trung Quốc trở nên mạnh mẽ và quyền lực hơn.

Tranh cử Tổng thống 2024
Gần đây, ông Pompeo nói rằng ông đang cân nhắc việc tranh cử vào Tòa Bạch Ốc năm 2024, nhưng chưa đưa ra quyết định.

“Chúng tôi vẫn đang nỗ lực”, ông Pompeo nói với Fox News vào cuối tháng trước. “Chúng tôi đã tính đến quý đầu tiên của năm tới, chúng tôi cần phải nỗ lực hết sức nếu chúng tôi làm điều đó [tranh cử Tổng thống]”.

Ông Pompeo, người cũng từng là giám đốc CIA dưới thời chính quyền Trump, nói thêm rằng việc ông chủ cũ của ông chính thức khởi động cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2024 sẽ không ngăn cản ông ra tranh cử.

“Việc ai khác quyết định tham gia cuộc đua sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của chúng tôi”, ông Pompeo nói.

Đồng thời, trong một cuộc phỏng vấn với CBS, ông Pompeo nói rằng nếu ông Trump giành được đề cử Tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa, ông sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.


Biểu tình rầm rộ tại Đại học Vũ Hán, sinh viên yêu cầu tự do trở về nhà

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/bieu-tinh-vu-han.jpeg

Những nguồn tin từ cộng đồng mạng người Hoa cho thấy vào tối ngày 4/12, đông đảo sinh viên Đại học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã tập trung trong khuôn viên trường để biểu tình. Khoảng 2.000 sinh viên cầm ô tập trung biểu tình hô vang khẩu hiệu: “Thông tin minh bạch, quy trình công khai!”.

Nguồn tin cho biết trước đó, khi hàng chục trường đại học trên khắp Trung Quốc đã biểu tình chống ‘Zero COVID’ nhưng không có Đại học Vũ Hán, nhà trường vì vậy vẫn phong tỏa sinh viên trong khuôn viên trường mà không cho nghỉ, nguồn cung cấp nước nóng bị cắt khiến học sinh bị lạnh nên tụ tập biểu tình.

Theo ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện được sinh viên Đại học Vũ Hán tiết lộ trên Internet, tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán gần đây vẫn rất nghiêm trọng, mỗi ngày có hàng trăm ca mắc mới, ở Đại học Vũ Hán cũng có ca nhiễm mới, các trường đại học khác ở Vũ Hán đã tuyên bố thống nhất cho sinh viên về nhà, nhưng Đại học Vũ Hán không những không thu xếp cho sinh viên về nhà mà còn muốn khôi phục giảng dạy ngoại tuyến.

Sinh viên tố cáo: Họ đã nhiều lần phản ánh với văn phòng đảng, chính phủ, ban giám hiệu nhà trường và viện sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng nhân viên công tác đã đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, phải mất một thời gian dài mới có câu trả lời chắc chắn, nhưng dịch bệnh đã làm gián đoạn nghiêm trọng cuộc sống của sinh viên. Bao gồm chuyển phát nhanh bị dừng vận chuyển, một số ký túc xá cung cấp nước nóng không đủ. Dưới áp lực kép của dịch bệnh và việc học, tâm lý của sinh viên chịu phải sự giày vò. Tuy nhiên, nhà trường để ngoài tai lời thỉnh cầu của sinh viên, không nghe học sinh kiến nghị.

Theo Aboluowang, một số sinh viên đã để lại lời nhắn trên Weibo: “Sinh viên không phải buộc nhà trường cho trở về nhà, nhưng tất cả các cửa hàng trong trường đều đóng cửa ngoại trừ căng tin trong khuôn viên trường. Dịch vụ chuyển phát nhanh đã ngừng hoạt động và nhiều sinh viên không có quần áo ấm. Ban giám hiệu đùn đẩy  trách nhiệm cho nhau và không có phản hồi tích cực, trong trường đồn thổi rằng, trong trường có ca dương tính nhưng không thông báo chính thức, sinh viên có thể ở lại trường nhưng không thể đối đãi như này được”.

Có sinh viên lo lắng cho biết: “Sinh viên khu vực Vũ Hán rất lo lắng về việc thu xếp đi học trở lại, vì vé về quê ngày càng khó mua. Điều quan trọng nhất là mọi người sợ rằng không thể về sớm được, sợ có gì thay đổi, sợ phải ở lại trường đón tết”.

Ngoài ra, sinh viên trường Cao đẳng nghề và học viện kỹ thuật Vũ Hán cũng lên mạng lên án nhà trường vì các trường khác đã cho sinh viên về quê, nhưng do trường này phải điều tra những trường hợp dương tính nên trường đã đóng cửa một tòa nhà và tổ chức các lớp học ngoại tuyến như bình thường.

Vào ngày 5 tháng 12, một cư dân mạng là “Cao Phạt Lâm” đã đăng một đoạn video cho thấy số lượng lớn sinh viên cầm ô và hét lên: “Thông tin minh bạch, quy trình công khai!”.

Một video khác cho thấy một nhóm thông báo trước cuộc biểu tình rằng họ tập trung trước tòa nhà hành chính lúc 5:30, mọi người không mang giấy trắng, không hô khẩu hiệu chính trị. “Khẩu hiệu của chúng tôi là: Đáp ứng yêu cầu, tự nguyện về quê. Thông tin minh bạch, quy trình công khai”.

Ngày 4/12, Twitter “Thầy Lý không phải giáo viên của bạn” (@whyyoutouzhele) được biết đến là người đưa tin tích cực nhất về “Phong trào Giấy trắng” chống ‘Zero COVID’ tại Trung Quốc đã tweet rằng nguyên nhân của vụ việc tại Đại học Vũ Hán là do các trường đại học khác ở Hồ Bắc (Hubei) đã sắp xếp để sinh viên trở về quê, nhưng ban giám hiệu trường Đại học Vũ Hán không có động thái gì, vẫn không dỡ bỏ phong tỏa và xét nghiệm axit nucleic hàng ngày.

Tài khoản này cho biết, có khoảng 2.000 sinh viên tập trung tại hiện trường, lúc này nhà trường nhiều lần cố gắng để một hoặc hai học sinh “đại diện” đứng ra thương lượng, nhưng “các sinh viên đã phản đối yêu cầu này”. Các sinh viên tập trung tại hiện trường rất kiên quyết, “một mực yêu cầu không chia rẽ và phải thương lượng tập thể”, đồng thời yêu cầu nhà trường ban hành văn bản ngay tại hiện trường.

Tài khoản Twitter “Thầy Lý không phải giáo viên của bạn” chỉ ra rằng, nhân viên bảo vệ của trường không đến hiện trường cũng không gọi lực lượng an ninh ở Vũ Hán đến giải quyết, “nhưng lòng tin của học sinh đối với trường rất thấp”.

Các sinh viên đã nhiều lần từ chối thương lượng với lãnh đạo tại chỗ để chuyển đến tòa nhà giảng dạy hoặc nhà thi đấu thể thao.

Nguồn tin cho biết giải pháp cuối cùng cho sự việc ở Đại học Vũ Hán đại khái là: “(1) Tự nguyện về quê, tự nguyện lựa chọn phương thức thi và học, tất cả các ngày thi sẽ được quyết định trước ngày 6/12; (2) Đối với lớp học trực tuyến, sinh viên không cần tập trung trong lớp để nghe giảng trực tiếp; (3) Đối với du học sinh sẽ dần mở cung cấp cơ sở vật chất trong khuôn viên trường; (4) Sẽ không truy cứu trách nhiệm sinh viên nào.

Sau khi nhà trường ra thông báo này trên trang web thì các sinh viên đã lần lượt rời khỏi hiện trường biểu tình.”

Trước đó ngày 27/11, hàng chục ngàn người dân Vũ Hán đã tự phát xuống đường biểu tình phản đối chính sách ‘Zero COVID’ chống dịch bệnh của chính quyền.

Một đoạn video được đăng tải trên Internet cho thấy tại con phố Hán Chính phồn hoa nhất ở thành phố Vũ Hán có rất đông người dân biểu tình, trong khi đó cảnh sát đã đến hiện trường để ngăn cản đám đông, trong quá trình này cảnh sát đã đánh đập người dân một cách thô bạo. Thời điểm đó không chỉ Vũ Hán nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn mà còn đồng thời nổ ra “Phong trào Giấy trắng” ở những nơi khác như Thượng HảiBắc Kinh, Quảng Châu, Thành Đô


Triển vọng của kinh tế Nhật Bản 

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang hoạt động không tốt. GDP của Nhật Bản đã giảm 1,2% theo năm trong quý 3 năm 2022, theo một ước tính được công bố vào tháng trước. Dữ liệu điều chỉnh công bố vào thứ Năm dự kiến ​​sẽ lạc quan hơn. Giới kinh tế cho rằng có tăng trưởng trong quý ba, nhưng đợt bùng dịch trong mùa hè và lạm phát tăng, một phần vì đồng yên mất giá, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Phía trước có thể có tin tốt. Gói kích thích của chính phủ sẽ sớm tạo ra sự khác biệt, và việc dỡ bỏ hạn chế đi lại sẽ hút khách du lịch quay lại. Song vẫn còn phải xem liệu bấy nhiêu có đủ để bù đắp cho các vấn đề khác hay không, chẳng hạn như lương thực tế giảm và niềm tin kinh doanh đi xuống. Ngay cả khi nhu cầu trong nước hồi phục, kinh tế Nhật vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu.


Nhân viên tờ New York Times sắp đình công

Hôm nay tròn sáu mươi năm ngày hàng trăm nhân viên vận hành máy in của tờ New York Times đình công. Năm ấy, số lượng người đình công trong ngành cuối cùng lên tới 17.000 người, bao gồm cả các phóng viên, thợ ảnh và nhân viên điều hành thang máy của bảy nhật báo ở New York. Cuộc đình công kéo dài 114 ngày và khiến bốn tòa soạn phá sản.

Vào thứ Năm, một liên minh tương tự gồm 1.100 nhân viên của Times dự định đình công từ nửa đêm. Yêu cầu của họ là tăng lương, đúng vào lúc nhiều công ty truyền thông Mỹ đang phải sa thải nhân viên trước cuộc suy thoái kinh tế sắp tới – mặc dù Times vẫn ghi nhận lợi nhuận đáng kể.

Times, vốn là tờ báo tiếng Anh có nhiều thuê bao kỹ thuật số trả tiền nhất trên thế giới, dường như không muốn thỏa thuận để ngăn đình công. Nhưng dù thành công hay không, cuộc đình công vẫn có thể khích lệ nhân viên tại các hãng tin khác.