Thời sự thế giới Thứ năm 20/10/2022: Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức – Phần Lan xây tường biên giới với Nga – Giá dầu tăng cao ở Mỹ – Hội Đồng Bảo An họp kín về hồ sơ Iran Drone.
Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức sau 45 ngày nhậm chức
Truss có nhiệm kỳ thủ tướng ngắn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh, kéo dài 45 ngày.
LONDON – Tờ USA Today đưa tin, Liz Truss đã trở thành nhà lãnh đạo tại vị ngắn nhất trong lịch sử chính trị Anh sau khi bà từ chức hôm thứ Năm chưa đầy hai tháng.
Thông báo của bà được đưa ra sau khi bà cố gắng thực hiện các đợt cắt giảm thuế mạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đã làm chao đảo thị trường tài chính một cách đáng kể, dẫn đến sự can thiệp chưa từng có của ngân hàng trung ương và khiến xếp hạng cuộc thăm dò của bà xuống mức thấp nhất đối với một thủ tướng.
Bà Truss, 47 tuổi. Vì Anh bầu chọn một đảng chứ không phải một nhà lãnh đạo cụ thể, bà sẽ được thay thế bởi một nhà lập pháp khác từ Đảng Bảo thủ cầm quyền của bà. Quá trình thay thế Truss sẽ diễn ra trong vòng một tuần tới. Truss sẽ vẫn là thủ tướng cho đến lúc đó.
“Tôi nhậm chức vào thời điểm kinh tế và quốc tế bất ổn lớn”, Truss nói trong một tuyên bố ngắn gọn bên ngoài dinh thủ tướng số 10 phố Downing. “Tôi thừa nhận, với tình hình, tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ mà tôi đã được Đảng Bảo thủ bầu cho tôi.”
Nhiệm kỳ ngắn nhất trước đó của một nhà lãnh đạo Anh do Sir Alec Douglas-Home, người phục vụ trong một năm và một ngày, từ năm 1963 đến năm 1964.
Theo tờ The Telegraph có thể Boris Johnson, cựu thủ tướng, dự kiến sẽ tham gia cuộc tranh cử để thay thế bà Truss sau khi bà từ chức. Ông Johnson đã bị buộc phải rời khỏi vị trí thủ tướng vào ngày 6 tháng 9 năm nay nhưng ông được cho là hiện đang cố gắng khôi phục lại công việc cũ của mình.
HDP
Thời sự thế giới do Võ Thái Hà tổng hợp
Phần Lan dự định xây tường biên giới với Nga để ngăn chặn người di cư vượt biên
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết hôm thứ Ba rằng bà tin sẽ nhận được “sự ủng hộ rộng rãi” trong Quốc hội cho việc xây dựng hàng rào ở biên giới phía đông của đất nước với Nga, một động thái mà Lực lượng Biên phòng Phần Lan đã kêu gọi gần đây.
Theo đề xuất của Lực lượng Biên phòng Phần Lan, nước này sẽ xây dựng hàng rào dọc theo một phần của biên giới dài hơn 1.300km với Nga, hàng rào dài nhất trong số các thành viên của Liên minh châu Âu.
Tổng hàng rào biên giới được đề xuất sẽ dài từ 130km đến 260km, với phần chính nằm xung quanh các chốt kiểm soát biên giới ở đông nam Phần Lan
Theo các báo cáo, một đoạn thử nghiệm hàng rào dài 3km sẽ được xây dựng nhanh chóng, trong khi quyết định cuối cùng về việc xây dựng toàn bộ hàng rào có thể sẽ được giao cho chính phủ tiếp theo vào năm 2023.
Dự án sẽ được hoàn thành trong vòng ba đến bốn năm và ước tính sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu euro, theo ước tính của các quan chức biên giới.
Hiện tại, chỉ có một hàng rào bằng gỗ nhẹ đánh dấu biên giới giữa Phần Lan và Nga. Nhưng sự thù địch đã gia tăng giữa hai nước sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, khi Phần Lan tìm kiếm tư cách thành viên NATO, và Helsinki lo ngại Moscow có thể sử dụng vấn đề di cư để gây áp lực chính trị lên Phần Lan.
Hàng rào được đề xuất sẽ ngăn chặn người nhập cư quy mô lớn vào nước này từ Nga, một viễn cảnh đã bất ngờ thành hiện thực sau lệnh triệu tập quân sự gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vào cuối tháng 9, chính phủ Phần Lan thông báo họ sẽ đóng cửa biên giới đối với người Nga đi du lịch hoặc quá cảnh tới đất nước này “cho đến khi có thông báo mới” sau khi ước tính có khoảng 17.000 người Nga đã vượt biên vào để trốn quân dịch ở quê nhà.
Bà Marin nói với các phóng viên sau cuộc họp giữa các bên để thảo luận về đề xuất hôm thứ Ba rằng việc này “nhằm đảm bảo giám sát thích hợp biên giới [phía đông] của Phần Lan trong tương lai.”
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi có đủ sự hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ biên giới của chúng tôi để thực hiện kiểm soát biên giới hiệu quả và phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cần chuẩn bị cho bất kỳ tình huống gây rối nào”, bà nói thêm.
Việc xây dựng hàng rào mới đã được cho phép theo một luật mới được Quốc hội Phần Lan thông qua vào tháng 7, khi nước này phê duyệt việc tăng cường hàng rào dọc biên giới Phần Lan với Nga.
“Do hoạt động chính trị và sức ép của Đảng Phần Lan, Quốc hội Phần Lan đã thông qua luật cần thiết vào mùa hè, cho phép tạm thời đóng cửa biên giới phía đông và đình chỉ quy trình xin tị nạn”, chủ tịch Đảng Phần Lan Riikka Purra nói với Newsweek.
Bà nói thêm: “Để bảo vệ hiệu quả biên giới phía đông của Phần Lan, một số phần nhất định của biên giới phải được bảo vệ bằng hàng rào biên giới và các biện pháp kỹ thuật khác. Tất cả các quốc gia có biên giới khác đều đã có hàng rào chống lại Nga.”
Kể từ đầu cuộc chiến, Phần Lan đã lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Nga đối với quốc gia láng giềng và ủng hộ độc lập và chủ quyền của Ukraine.
Kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố ý định gia nhập NATO, Nga đã đe dọa hai nước, nói rằng sẽ có “hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị” nếu họ tham gia liên minh.
Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan cho biết: “Lực lượng Phòng vệ Phần Lan đang theo dõi tình hình an ninh ở châu Âu rất kỹ lưỡng và chúng tôi đã thực hiện các biện pháp liên quan đến sự chuẩn bị sẵn sàng của mình, chẳng hạn như tăng cường số lượng các cuộc tập trận và mức độ đào tạo bồi dưỡng cho các quân nhân dự bị của chúng tôi.”
Ngân Hà (theo Newsweek)
Chiến tranh Ukraina : Hội Đồng Bảo An họp kín về hồ sơ drone Iran
Ảnh minh họa do quân đội Iran đăng ngày 25/08/2022 cho thấy drone được phóng từ một tầu chiến trong một cuộc tập trận tại Iran. AP
Thứ Tư 19/10/2022, theo đề xuất của Pháp, Mỹ và Anh, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tổ chức họp kín, bàn về việc Nga sử dụng drone của Iran để tấn công Ukraina, trong bối cảnh quân đội Ukraina khẳng định là tính từ giữa tháng 09 tới nay họ đã bắn hạ được tổng cộng 233 drone do Iran chế tạo. Tổng thống Ukraina Zelensky cho biết các drone của Iran nhắm vào Kiev hôm qua giết hại 4 người, trong đó có một phụ nữ mang thai.
Cuộc họp kín của Hội Đồng Bảo An kéo dài 2 giờ đồng hồ. Theo phương Tây, việc Nga sử dụng drone của Iran vi phạm nghị quyết 2.231 được phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Mặc dù Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, nhưng theo Ukaina và phương Tây, các quy định hạn chế Iran xuất khẩu tên lửa và các công nghệ tiên tiến như drone vẫn phải được duy trì đến tháng 10/2023.
Trên Twitter, sau cuộc họp, phó đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, James Kariuki, khẳng định « Iran không được xuất khẩu những vũ khí như vậy (…) Là thành viên Liên Hiệp Quốc, Iran có trách nhiệm không hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược » Ukraina.
Về phía Nga và Iran, sau cuộc họp kín, phát biểu trước báo giới, đại diện cả hai nước đều kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc. Đại sứ Iran bên cạnh Liên Hiệp Quốc khẳng định Teheran muốn xung đột Nga – Ukraina được giải quyết « hòa bình ». Trong khi đó, phó đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Dmitri Polianski gọi đó là những « cáo buộc vô căn cứ », « thuyết âm mưu » và cho rằng « không có bằng chứng nào » được đệ trình lên Hội Đồng Bảo An. Quan chức Nga khẳng định các loại drone mà quân Nga dùng để oanh kích Ukraina được chế tạo tại Nga chứ không có nguồn gốc từ Iran.
Phó đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc còn có những lời đe dọa nhắm vào ban thư ký Liên Hiệp Quốc và tổng thư ký Antonio Guterres, khẳng định nếu Liên Hiệp Quốc tiến hành một cuộc điều tra « hoàn toàn không chuyên nghiệp và mang tính chính trị » để xác định nguồn gốc drone được sử dụng để bắn phá Ukraina, Matxcơva sẽ buộc phải xem xét lại việc hợp tác với ban thư ký Liên Hiệp Quốc và điều đó « chẳng có lợi cho bất cứ ai ».
Mỹ tháo khoán dự trữ dầu, tìm cách kiềm chế giá xăng – 20/10/2022
Giá xăng dầu tăng cao tại Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 19/10 công bố kế hoạch bán 15 triệu thùng dầu thô từ nguồn cung khẩn cấp của quốc gia và bắt đầu cho bù đắp lại những khoản vơi trong kho dự trữ này trong khi tìm cách giảm giá xăng dầu trước cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8/11 mà các đảng viên Dân chủ của ông có thể mất quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện tại Quốc hội
Động thái này diễn ra hai tuần sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ do Ả Rập Xê-út dẫn đầu khiến ông Biden phẫn nộ khi đứng về phía Nga, đồng ý cắt giảm sản lượng, làm dấy lên lo ngại về một đợt tăng giá xăng dầu đột biến mới tại Mỹ.
“Với loan báo của tôi hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục ổn định thị trường và giảm giá vào thời điểm mà hành động của các quốc gia khác đã gây ra sự biến động như vậy”, ông Biden nói tại một sự kiện của Tòa Bạch Ốc.
Ông Biden đổ lỗi cho cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine khiến giá dầu thô và xăng cao hơn, trong khi lưu ý rằng giá đã giảm 30% so với cao điểm trước đây trong năm.
Ông cũng lặp lại yêu cầu đối với các công ty năng lượng, các nhà bán lẻ xăng và các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ, yêu cầu họ ngừng sử dụng lợi nhuận kỷ lục để mua lại cổ phiếu và thay vào đó hãy đầu tư vào sản xuất.
Ông nói: “Các gia đình đang bị thiệt hại,” và giá xăng dầu đang siết hầu bao của họ.
Kế hoạch của ông Biden nhằm bổ sung đủ nguồn cung dầu cho thị trường để ngăn chặn giá tăng đột biến có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo với các công ty khoan dầu rằng chính phủ sẽ nhanh chóng tham gia thị trường với tư cách là người mua nếu giá giảm xuống quá thấp.
Tổng thống, đối mặt với những lời chỉ trích từ các đảng viên Cộng hòa cho rằng ông khai thác Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) vì lý do chính trị chứ không phải vì trường hợp khẩn cấp, cũng tuyên bố ông sẽ nạp đầy kho dự trữ của quốc gia trong những năm tới.
Ông Biden đã tuyên bố tháo khoán kỷ lục 180 triệu thùng dầu thô từ SPR vào đầu năm nay để chống lại cuộc khủng hoảng nguồn cung tiềm năng do các chế tài đối với nước Nga giàu dầu mỏ sau cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.
SPR, hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1984, hiện còn hơn phân nửa với trên 400 triệu thùng dầu, ông Biden nói, “quá đủ cho bất kỳ đợt rút hàng khẩn cấp nào”.
Ông cho biết mục đích của ông là bổ sung kho dự trữ khi dầu thô Mỹ ở mức 70 đô la/thùng, mức cho phép các công ty thu lợi nhuận trong khi vẫn tốt cho người thọ thuế. Giá dầu Mỹ hôm 19/10 là khoảng 85 đô la/thùng.
Những nỗ lực của ông Biden trong việc sử dụng quyền lực liên bang để cân bằng thị trường dầu mỏ Hoa Kỳ cho thấy cuộc chiến ở Ukraine, nạn lạm phát tràn lan và sự cắt giảm của OPEC đã làm đảo ngược kế hoạch của Tổng thống Biden tới mức nào. Khi nhậm chức, ông thề sẽ phục hồi ngành công nghiệp dầu mỏ và đưa đất nước nhanh chóng đến một tương lai không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
“Chúng ta cần tăng sản lượng dầu của Mỹ một cách có trách nhiệm mà không trì hoãn hoặc làm chậm lại quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của chúng ta”, ông Biden nói ngày 19/10.
Các tổng thống Mỹ có rất ít quyền kiểm soát giá xăng dầu, nhưng mức tiêu thụ xăng lớn của nước này – cao nhất thế giới – có nghĩa là giá xăng cao có thể là liều thuốc độc chính trị. Giá xăng bán lẻ đã giảm từ mức cao trong tháng 6, nhưng vẫn ở trên mức trung bình trong lịch sử và là nguyên nhân chính gây ra lạm phát.
Kế hoạch của chính quyền là tới tháng 11 sẽ chấm dứt việc bán 180 triệu thùng công bố trước đó. Tuy nhiên việc mua của các công ty, bao gồm Marathon Petroleum, Exxon Mobil và Valero Energy đã chậm hơn dự kiến trong mùa hè và khoảng 15 triệu thùng vẫn chưa bán được.
Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết những thùng dầu này sẽ được đưa ra đấu thầu để giao hàng vào tháng 12. Ông Biden ngày 19/10 hứa cũng có thể cung cấp thêm dầu nếu cần.
Thúc đẩy các công ty năng lượng làm thêm nữa
Ông Biden nói các công ty dầu mỏ nên cảm thấy tự tin hơn khi đầu tư vào sản xuất với cam kết mới về việc làm đầy lại kho dự trữ.
“Do đó, thông điệp của tôi cho tất cả các công ty là: Bạn đang có lợi nhuận kỷ lục và chúng tôi đang mang lại cho bạn sự chắc chắn hơn. Vì vậy, bạn có thể hành động ngay bây giờ để tăng sản lượng dầu”, ông nói.
Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Các công ty không nên sử dụng lợi nhuận để mua lại cổ phiếu hoặc cổ tức. Không phải bây giờ, không phải trong khi chiến tranh đang hoành hành”, đồng thời yêu cầu họ giảm giá bán cho người tiêu dùng.
Trong những tuần gần đây, ngành công nghiệp dầu mỏ ngày càng gia tăng lo ngại rằng chính quyền có thể thực hiện bước quyết liệt cấm hoặc hạn chế xuất khẩu xăng hoặc dầu diesel để giúp tăng lượng hàng tồn kho của Hoa Kỳ đang bị sụt giảm. Họ đã kêu gọi chính quyền loại bỏ phương án này, một động thái mà các quan chức không muốn làm.
“Chúng tôi đang giữ tất cả các phương án trên bàn, bất cứ phương án nào có thể giúp đảm bảo nguồn cung trong nước ổn định”, một quan chức Mỹ cho biết.
Liên Hiệp Châu Âu thảo luận về vấn đề năng lượng
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (P) đón thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tham dự cuộc họp tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 20/10/2022. AP – Geert Vanden Wijngaert
Lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tuần, các nhà lãnh đạo của 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) họp trong vòng hai ngày, hôm nay 20/10/2022 và ngày mai, để tìm những biện pháp đối phó với giá năng lượng tăng cao.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo Liên Âu sẽ phải tìm ra những giải pháp nhất định, như đề xuất lập giá tham khảo cho khí hóa lỏng (LNG) và mua chung khí đốt.
Tuy nhiên, các thành viên Liên Âu vẫn còn bất đồng trong vấn đề áp giá trần đối với khí đốt nhằm ngăn chặn lạm phát và tránh suy thoái, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraina và ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
15 quốc gia, trong đó có Pháp và Ba Lan, kêu gọi áp giá trần, tuy nhiên, Đức hay Hà Lan kiên quyết phản đối việc áp dụng biện pháp này.
Các nước Liên Âu cũng thảo luận các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng năng lượng. Một số quốc gia đã kêu gọi Liên Âu lập khoản nợ chung mới. Tuy nhiên, nhiều nước khác cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu sử dụng hàng trăm tỷ euro đã được huy động trong khuôn khổ các chương trình khác mà khối này vẫn chưa sử dụng.
Liên Âu cũng đang phân vân trong việc nên trợ cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp hay là đầu tư vào năng lượng tái tạo để giúp khối này có nhiều khả năng chống chọi hơn với khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
EU họp thường kỳ
Các lãnh đạo EU sẽ gặp nhau vào thứ Năm để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng và cuộc chiến ở Ukraine. Trong chương trình nghị sự sẽ là các biện pháp khẩn cấp do Ủy ban châu Âu tại Brussels đề xuất nhằm buộc 27 chính phủ EU cùng mua khí đốt tự nhiên. Làm vậy sẽ ngăn các nước châu Âu đấu giá với nhau làm tăng giá. Với việc các chính phủ quốc gia tiến hành nhiều biện pháp khắc phục khủng hoảng khác nhau, các nhà ngoại giao đang giảm nhẹ khả năng có các hành động sâu rộng như giới hạn giá khí đốt nhập khẩu.
Do đó các bên sẽ có nhiều thời gian hơn để nói về tình hình Ukraine. Cần có tiền để tài trợ chính phủ Kyiv, cũng như để tái thiết trong tương lai. Các quốc gia diều hâu, chủ yếu ở Trung và Đông Âu, đang yêu cầu các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Ukraine; gói trừng phạt mới nhất chỉ vừa được các lãnh đạo EU đồng ý vào hai tuần trước.
Triều Tiên tiếp tục khiến Mỹ và đồng minh đau đầu
Khi các bộ óc quân sự hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gặp nhau vào thứ Năm, họ sẽ nghiền ngẫm một vấn đề đã khiến họ đau đầu suốt ba mươi năm qua: chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Kể từ đầu năm, nước này đã liên tiếp thử công nghệ tên lửa mới. Tháng trước, họ thậm chí tổ chức nhiều cuộc tập trận để xem xét khả năng tác chiến vũ khí. Mỹ và Hàn Quốc dự đoán sẽ sớm có một vụ thử hạt nhân mới, có thể là loại vũ kí “chiến thuật” dùng được trên chiến trường.
Cho đến nay, phản ứng vẫn theo một khuôn mẫu quen thuộc: phô trương sức mạnh quân sự, nói về liên minh “sắt đá” Mỹ-Hàn, và đe dọa tiêu diệt Triều Tiên nếu nước này đi quá đà. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ giúp Kim Jong Un có thêm thời gian để phát triển vũ khí của mình. Có thể sẽ có chiến lược mới.
Nhân viên nhà máy Zaporizhia bị Nga ép đổi phe
Thứ Năm sẽ là ngày mà các quan chức Nga đang giữ quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhia phải yêu cầu các kỹ thuật viên Ukraine chuyển sang đầu quân cho Nga. Những người tuân thủ sẽ được bảo lưu thâm niên, ngày nghỉ phép và lương hưu, còn nếu từ chối sẽ đối mặt hậu quả tệ hơn cả sa thải. Trong những tháng sau khi Nga chiếm giữ nhà máy này, hàng chục nhân viên ủng hộ Ukraine đã bị tra tấn, bị giam giữ để đòi tiền chuộc hoặc bị giết. Hôm thứ Hai, có thêm hai nhân viên quản lý nữa bị bắt cóc.
Số nhân viên của nhà máy đã giảm hơn 2/3 so với trước cuộc xâm lược. Nhiều nhà quan sát phương Tây, bao gồm cả cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, lo ngại việc giảm nhân công có thể dẫn đến tai nạn hạt nhân. Nhà điều hành quốc doanh của Ukraine, Energoatom, đã kêu gọi nhân viên tiếp tục làm việc nhưng không đổi phe. Hơn nữa, lực lượng Ukraine không ở quá xa nhà máy và đang trên đà tiến công. Chính phủ Ukraine đã nói sẽ truy tố những người cộng tác với Nga, mặc dù các quan chức đề nghị có ngoại lệ cho trường hợp này.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giảm lãi suất dù lạm phát kỷ lục
Với lạm phát tăng 83% và đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá gần 40% so với đồng đô la kể từ đầu năm, liệu Recep Tayyip Erdogan có cân nhắc đảo ngược chính sách giảm lãi suất để kiềm chế lạm phát của ông? Câu trả lời là không. “Miễn là người anh em này của các bạn còn nắm quyền, lãi suất sẽ tiếp tục giảm,” tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hồi đầu tháng. Ông Erdogan đã buộc ngân hàng trung ương phải cắt giảm lãi suất chuẩn từ 18% xuống 12% trong năm qua.
Do đó, giới phân tích kỳ vọng lãi suất sẽ giảm hẳn một điểm phần trăm nữa tại cuộc họp ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng vào thứ Năm. Với việc ông Erdogan muốn duy trì tăng trưởng kinh tế, vốn đạt 7,6% trong quý hai, cho đến trước bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm tới, lãi suất có thể sẽ bị kéo xuống còn một con số. Hậu quả là lạm phát càng thêm nghiêm trọng.
Thượng nghị sĩ Mỹ: Apple, Tesla làm ngơ trước vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ
Thượng nghị sĩ Warner tại một sự kiện tranh cử ngày 3/11/2020 (Ảnh: Eli Wilson / Shutterstock)
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, ông Mark Warner, cho biết hôm thứ Ba (18/10) rằng ông cảm thấy rất thất vọng trước các công ty như Apple và Tesla. Vì các công ty đa quốc gia này quảng cáo các tư tưởng của công ty họ, nhưng vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thị trường Trung Quốc, nên đã phớt lờ các vấn đề rõ ràng về nhân quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thượng nghị sĩ Warner, đảng viên Đảng Dân chủ tiểu bang Virginia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm thứ Ba (ngày 18/10) rằng các công ty đa quốc gia có thể nhấn mạnh cam kết của họ đối với các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG), nhưng cũng có lý do để nghĩ rằng “thị trường Trung Quốc quá lớn, nên chúng tôi đành làm ngơ (trước những vi phạm nhân quyền).”
Ông Warner chỉ ra rằng sự “mù quáng” này của các công ty thể hiện trên mọi phương diện, “dù là sự áp bức (của ĐCSTQ) đối với người dân Hồng Kông, hay cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, hay việc sử dụng điện của Tân Cương để sản xuất pin cho xe Tesla của các ông.”
Nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế vẫn luôn cáo buộc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền trên diện rộng đối với đa số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, đặc biệt là cuộc đàn áp và bức hại người tập Pháp Luân Công và thu hoạch nội tạng sống…, hơn nữa họ vẫn đang tiếp tục.
Năm 2017, “Trại cải tạo” Tân Cương nổi bật trên quốc tế và gây chấn động thế giới. Tuy nhiên, các trại cải tạo được chính quyền ĐCSTQ gọi là “trung tâm giáo dục và bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp”.
Thượng nghị sĩ cho biết ông “thất vọng với những người bạn của chúng ta tại Apple” và “rất thất vọng không chỉ với các công ty Mỹ, mà với cả các công ty đa quốc gia khác”.
Doanh số bán hàng trong quý 3 của Tesla tại Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe của công ty. Năm 2021, doanh thu của gã khổng lồ ô tô điện tại Trung Quốc cũng chiếm 1/4 tổng doanh thu.
Theo dữ liệu của Bloomberg, Apple cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về chuỗi cung ứng và thị trường bán hàng, 99% sản phẩm của họ được sản xuất tại Trung Quốc và khoảng 1/5 doanh thu đến từ quốc gia này.
Ông Warner lặp lại những lời kêu gọi trong quá khứ của mình, về việc loại bỏ Hoa Kỳ khỏi sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và các biện pháp khác. Ông cũng lưu ý rằng việc Trung Quốc phong bế Đài Loan sẽ là “một thảm họa kinh tế.”
Ông nói: “Nếu Trung Quốc thống trị một loạt công nghệ, họ có thể có lợi thế trên bàn đàm phán.”
Ông Warner mong đợi nhiều hành động lập pháp hơn từ Quốc hội, để duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ trong các lĩnh vực gồm sinh học tổng hợp, năng lượng tiên tiến, điện toán lượng tử và các công nghệ mới nổi khác.
Gần đây, chính phủ Mỹ đã công bố các biện pháp mới nhằm hạn chế việc bán thiết bị và công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc. Động thái này sẽ cắt đứt hoàn toàn con đường vận chuyển công nghệ cao và thiết bị công nghệ cao tới Trung Quốc của các nhà sản xuất chip Mỹ, một số trong số đó có hiệu lực ngay lập tức.
Bình Minh
Mỹ tính chuyện hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan
20/10/2022
Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Đài Loan Rupert Hammond-Chambers
Chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét kế hoạch hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan, giới vận động hành lang cho biết ngày 19/10, một sáng kiến nhằm tăng tốc chuyển giao vũ khí để tăng cường khả năng răn đe của Đài Bắc đối với Trung Quốc.
Các tổng thống Mỹ đã phê duyệt hơn 20 tỷ đô la trong các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan kể từ năm 2017 khi Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự lên hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Nhưng Đài Loan và Quốc hội Hoa Kỳ đã cảnh báo về sự chậm trễ giao hàng vì những khó khăn trong chuỗi cung ứng và tồn đọng do nhu cầu tăng đối với một số hệ thống võ khí vì cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Đài Loan, nơi có nhiều nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ là thành viên, cho biết chưa xác định loại vũ khí nào sẽ được coi là một phần của nỗ lực này, mặc dù họ có thể sẽ tập trung vào việc cung cấp cho Đài Loan nhiều vũ khí và công nghệ phi đạn đã có từ lâu.
Nhưng ông lưu ý rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất vũ khí phải có giấy phép hợp tác sản xuất từ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Ông Hammond-Chambers nói thêm rằng có thể có sự phản đối trong chính phủ Hoa Kỳ về việc cấp giấy phép đồng sản xuất do không thoải mái về việc phê duyệt công nghệ quan trọng cho nước ngoài.
Tờ Nikkei của Nhật đi đầu loan tin về kế hoạch này, trích dẫn 3 nguồn tin ẩn danh.
Nikkei nói các khả năng sẽ bao gồm việc Hoa Kỳ cung cấp công nghệ để sản xuất vũ khí tại Đài Loan, hoặc sản xuất vũ khí tại Hoa Kỳ sử dụng linh kiện của Đài Loan.
Khi được hỏi về nỗ lực này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Hoa Kỳ đang xem xét tất cả các lựa chọn để đảm bảo chuyển giao nhanh chóng các khả năng phòng thủ cho Đài Loan” và rằng việc Hoa Kỳ nhanh chóng cung cấp vũ khí phòng thủ và bền vững cho Đài Loan là cần thiết cho an ninh của Đài Loan.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với ngành công nghiệp để hỗ trợ mục tiêu đó,” phát ngôn nhân này nói thêm.
Tin tức về kế hoạch vừa kể được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại Đại học Stanford ngày 17/10 rằng “Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất (với Đài Loan) theo một mốc thời gian nhanh hơn nhiều”, mặc dù ông không nói rõ ngày tháng.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/10 tuyên bố Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực đối với Đài Loan nhưng sẽ nỗ lực cho một giải pháp ôn hòa.
Văn phòng tổng thống Đài Loan trong tuần này cho biết Đài Loan sẽ không lùi bước trước chủ quyền của mình và sẽ không thỏa hiệp về tự do và dân chủ, nhưng đối mặt trên chiến trường không phải là một lựa chọn.
Các quan chức Mỹ đang thúc đẩy Đài Loan hiện đại hóa quân đội để có thể trở thành “con nhím” khó bị Trung Quốc tấn công.
Các quan chức Hoa Kỳ đã chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8 làm cái cớ để thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan bằng cách tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần đó.
WHO: COVID vẫn còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
20/10/2022
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus
Tổ chức Y tế Thế giới ngày 19/10 nói COVID vẫn còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, gần ba năm sau khi lần đầu tiên COVID được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Ủy ban khẩn cấp của WHO lần đầu tiên đưa ra tuyên bố rằng COVID là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1/2020. Quyết định đó giúp đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế công cộng quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong những tháng gần đây, WHO nói dù ca bệnh đang giảm ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng các nước vẫn cần phải duy trì cảnh giác và thúc đẩy các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất đi tiêm chủng.
Ủy ban của WHO nói: “Mặc dù công chúng nhận thức được rằng đại dịch đã kết thúc ở một số nơi trên thế giới, nhưng nó vẫn là một sự kiện sức khỏe cộng đồng tiếp tục ảnh hưởng xấu và mạnh mẽ đến sức khỏe của dân số thế giới.”
Ủy ban lưu ý rằng mặc dù số người chết hàng tuần đang ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng vẫn còn cao so với các loại virus khác.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên: “Đại dịch này từng khiến chúng ta bàng hoàng và rất có thể sẽ khiến chúng ta bàng hoàng thêm một lần nữa”.