Thời sự TG Thứ Năm 29/9/2022: Rò ống dẫn khí thứ tư, ai đã phá hoại – Viện trợ thêm cho Ukraine – Aung San Suu Ky lãnh thêm 3 năm tù..
Võ Thái Hà tổng hợp
Đường ống Nord Stream: Xác định thêm vụ rò rỉ thứ tư dưới biển Baltic
Ảnh minh họa : Bản đồ lộ trình hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2. AFP/File
Sau ba vụ rò rỉ được loan báo trong những ngày qua, bị tình nghi là do phá hoại, hôm nay 29/09/2022, nhà chức trách Thụy Điển xác nhận thêm một vụ rò rỉ thứ tư trên các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dưới biển Baltic.
Một quan chức của lực lượng tuần duyên Thụy Điển đã xác nhận với hãng tin Pháp AFP: “Có hai điểm rò rỉ bên phía Thụy Điển và hai điểm rò rỉ bên phía Đan Mạch”.
Cho đến nay, giới hữu trách của cả hai nước chỉ nói đến một vụ rò rỉ phía Thụy Điển, trên đường ống Nord Stream 1, và hai vụ rò rỉ phía Đan Mạch, trên cả Nord Stream 1 lẫn Nord Stream 2.
Tuần duyên Thụy Điển trước mắt không nói rõ vì sao việc xác định vụ rò rỉ thứ tư lại muộn như vậy, mà chỉ cho biết thêm rằng hai điểm rò rỉ bên phía Thụy Điển nằm trong cùng một khu vực, và rất “gần nhau”.
Truyền thông Thụy Điển cũng tiết lộ rằng điểm rò rỉ mới nằm trên đường ống dẫn khí Nord Stream 2 chưa được chính quyền xác nhận.
Xin nhắc lại, các vụ rò rỉ đã xẩy ra sau hai vụ nổ đáng ngờ vào buổi sáng và buổi tối thứ Hai, 26/09, ở vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch, nhưng trong vùng đặc quyền kinh tế tương ứng của Đan Mạch và Thụy Điển. Lượng khí lớn thoát ra từ những điểm rò rỉ đã làm mặt biển sủi bọt trên một chiều rộng hàng trăm mét, khiến cho việc kiểm tra chưa thể được thực hiện ngay lập tức.
Về nguyên nhân vụ rò rỉ, khả năng sự cố ngẫu nhiên xẩy ra đồng thời đã bị loại bỏ, trong lúc giả thuyết về hành động phá hoại ngày càng được chú trọng. Cơ quan tình báo Thụy Điển đã được lệnh điều tra về một vụ “phá hoại có tầm mức nghiêm trọng”, trong lúc Phần Lan cũng nói đến một “tác nhân chính phủ” dính líu đến hành vi phá hoại này.
Là đối tượng bị tình nghi nhiều nhất, Nga vào hôm qua, 28/09 đã phản công, gián tiếp cáo buộc Mỹ là thủ phạm vụ phá hoại, đồng thời tuyên bố cho mở cuộc điều tra về hành vi “khủng bố quốc tế”, và yêu cầu triệu tập ngay một phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vấn đề này. Yêu cầu họp của Nga đã được đáp ứng. Pháp, nước hiện là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An, hôm qua cho biết là định chế này sẽ họp lại vào ngày mai 30/09, theo yêu cầu của Matxcơva.
Về phần mình, sau khi bị Nga cáo buộc là thủ phạm vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream, Hoa Kỳ vào hôm qua đã phản bác, cho rằng ám chỉ Mỹ là thủ phạm là một điều “lố bịch”, nhất là khi Nga nổi tiếng là hay phao tin thất thiệt.
Miến Điện: Cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi lãnh thêm 3 năm tù
Biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi tại Rangun, Miến Điện, ngày 08/04/2022, ít tháng sau cuộc đảo chính quân sự. AP
Trong phiên xử hôm 29/09/2022, tập đoàn quân sự Miến Điện vừa tuyên án thêm ba năm tù đối với bà Aung San Suu Kyi. Chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, nguyên là lãnh chính quyền dân sự Miến Điện, trước đó đã bị tuyên án tổng cộng 20 năm tù vì tội tham nhũng và gian lận bầu cử. Lần này bà lãnh thêm 3 năm tù giam với lý do « vi phạm luật liên quan đến những bí mật quốc gia ».
Theo một nguồn tin thông thạo được AFP trích dẫn, bà Aung San Suu Kyi sẽ kháng án. Từ sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021 tập đoàn quân sự đã nhiều lần đưa bà Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, ra xét xử. Giải Nobel Hòa Bình bị khép nhiều tội danh và có thể lãnh án tổng cộng lên tới 120 năm tù.
Cũng trong phiên xử hôm nay, công dân Úc Sean Turnell, nguyên là cố vấn kinh tế cho bà Aung San Suu Kyi, và ba cựu bộ trưởng Miến Điện trong chính quyền dân sự trước đây, đều bị tuyên án ba năm tù. Ngoại trưởng Úc Penny Wong bác bỏ bản án nhắm vào Turnell, đồng thời kêu gọi tập đoàn quân sự Miến Điện trả tự do ngay lập tức cho ông . Kinh tế gia Sean Turnell đã bị bắt chỉ vài ngày sau khi quân đội Miến Điện tiến hành đảo chính, lật đổ chính quyền do dân bầu lên.
Giám đốc đặc trách khu vực châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, bà Elaine Pearson, nhận định: Một loạt các bản án vừa tuyên hôm nay cho thấy tập đoàn quân sự « không chút ngần ngại khẳng định là một chế độ bất hảo bị quốc tế tẩy chay ». Human Rights Watch kêu gọi cộng đồng quốc tế « phối hợp hành động » để « khôi phục tình hình nhân quyền tại Miến Điện ».
Thế giới sẽ thiếu lúa mì?
Lynn Huỳnh
Nông dân Nga bị bắt lính nên lúa mì thế giới sẽ bị thiếu hụt nguồn cung?
Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Mùa thu là mùa bận rộn của nông dân khi họ bắt đầu gieo lúa mì vụ đông và thu hoạch đậu nành và hạt hướng dương.
Ngày 21-9, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh động viên một phần nhằm huy động khoảng 300.000 quân dự bị, và đến hôm 27-9, Putin xác nhận nông dân là đối tượng động viên vào quân đội.
Nông dân Nga buộc phải cầm súng
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này có kế hoạch huy động cả quân nhân và sĩ quan các cấp. Lính dự bị từ 35 tuổi trở xuống có thể được gọi, với sĩ quan, ngưỡng tuổi là 50 – 55, tùy cấp bậc. Những người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng, những người không đủ sức khỏe, có ít nhất bốn con, hoặc đang chăm sóc người thân bị khuyết tật, được miễn huy động.
Hồi giữa năm nay, phía Nga hồ hởi thông báo là vụ thu hoạch ngũ cốc ở Nga năm 2022 này có thể đạt mức tối đa so với những năm gần đây. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev công bố tại Diễn đàn ngũ cốc toàn Nga rằng năm ngoái Nga thu hoạch hơn 120 triệu tấn ngũ cốc và năm nay chắc chắn sẽ cao hơn.
Phó Chủ tịch Liên minh ngũ cốc Nga Alexandr Korbut dự báo, vụ thu hoạch ngũ cốc năm nay ở Nga sẽ đạt từ 128 đến 133 triệu tấn. “Theo lời những nông dân Nga giàu kinh nghiệm, mùa màng không được tính vào ruộng mà tính vào kho thóc, nên chúng tôi vẫn phải đợi. Nhưng chúng tôi tin rằng thu hoạch ngũ cốc năm nay sẽ rất cao. Ngưỡng thấp ở đâu đó khoảng 128 triệu tấn, và mức cao nhất là 133 triệu tấn ngũ. Đây là một vụ thu hoạch rất lớn và bội thu, và bất kỳ con số nào trong số này sẽ là một thành công” – ông Alexandr Korbut tin tưởng.
Phó chủ tịch Liên minh ngũ cốc Nga cho biết thêm, một mùa thu hoạch ngũ cốc bội thu như vậy đồng nghĩa với việc Nga sẽ có thể xuất khẩu khoảng 50 triệu tấn ngũ cốc. “Đối với chúng tôi, vụ thu hoạch lớn như vậy đồng nghĩa với việc dư thừa nguồn cung ngũ cốc. Chúng tôi sẽ đáp ứng mọi nhu cầu trong nước, khoảng 81 triệu tấn. Và chúng tôi cũng sẽ có thể xuất khẩu tới 50 triệu tấn. Sẽ là một vụ mùa bội thu nhờ công việc tuyệt vời của các nhà sản xuất nông nghiệp, điều này mang lại hy vọng cho tương lai tốt đẹp” – ông Alexandr Korbut nói.
Đầu ra nông sản Nga đã khó, giờ càng thêm khốn
Sovecon, một công ty tư vấn nông nghiệp ở Mátxcơva, từng ước tính rằng xuất khẩu lúa mì 2022-2023 của Nga đạt 41 triệu tấn, chiếm hơn 20% thương mại lúa mì toàn cầu. Andrey Sizov, giám đốc Sovecon, cho biết, tầm quan trọng của Nga đối với cán cân lúa mì toàn cầu trong mùa vụ mới là chưa từng có.
Tuy nhiên mọi việc đã không thuận lợi như những gì mà phía Nga từng lạc quan.
Nga và Ukraine hồi tháng 7-2022 đã ký các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc về việc mở đường cho hoạt động xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt của Ukraine qua biển Đen; cũng như dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu với ngũ cốc và phân bón của Nga.
Một tháng rưỡi từ khi thỏa thuận có hiệu lực, Ukraine cho biết 61 tàu hàng đã rời cảng Ukraine ở biển Đen, đưa 1,5 triệu tấn lương thực ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya ngày 6-9 khẳng định, “chưa có bất cứ tàu Nga nào có thể đưa ngũ cốc Nga ra khỏi các cảng của Nga đi xuất khẩu”. “Chúng tôi đã cố gắng đạt thỏa thuận, nhưng thỏa thuận đó chẳng lợi ích gì với Nga”, ông nói.
Hiện Úc đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới kể từ đầu năm 2022. Dự kiến khối lượng xuất khẩu lúa mì của Úc sẽ tăng gấp ba lần, lên hơn 1 tỷ giạ trong năm nay so với niên vụ 2019-2020.
Trong 5 năm qua, các khu vực sản xuất lúa mì lớn như EU, Mỹ, Canada và Úc chiếm khoảng 50% lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới, cộng với Argentina đóng góp thêm 7%.
Brazil – quốc gia thường nhập khẩu nguồn cung lúa mì từ nước láng giềng Argentina – dự kiến sẽ tăng gần gấp ba lần xuất khẩu lúa mì trong năm nay. Ưu đãi về xuất khẩu và thời tiết ở Brazil và Argentina từ 2022-23 sẽ có thể kích hoạt nông dân mở rộng diện tích.
Vậy là trong khi nông dân các nước đang thỏa sức làm giàu trên đồng ruộng của mình, thì nông dân Nga lại buộc phải cầm súng ra trận để xâm lược quốc gia láng giềng Ukraine.
Chính phủ TT Biden cung cấp thêm 1.1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine
Tác giả Katabella Roberts
Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) trong cuộc tập trận Namejs 2022 hôm 26/09/2022, tại Skede, Latvia. (Ảnh: Gints Ivuskans/AFP qua Getty Images)
Hôm 28/09, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD) thông báo, chính phủ Tổng thống (TT) Biden chuẩn bị cung cấp khoảng 1.1 tỷ USD hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine như một phần trong cam kết hỗ trợ nhu cầu quốc phòng lâu dài đối với Ukraine, trong bối cảnh nước này đang có chiến tranh với Nga.
Gói mới nhất được cung cấp trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), vốn không rút vũ khí trực tiếp từ kho dự trữ của Hoa Kỳ mà thay vào đó tài trợ cho các hợp đồng mua vũ khí và thiết bị thông qua khu vực tư nhân.
Gói này nâng tổng số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine lên hơn 16.2 tỷ USD kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng Hai. Kể từ khi TT Biden nhậm chức hồi tháng 01/2021, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ an ninh khoảng 16.9 tỷ USD cho Ukraine. Trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự trị giá khoảng 1.8 tỷ USD cho Ukraine.
Tài trợ cho hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao
DoD cho biết gói hỗ trợ sẽ tài trợ cho 18 Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao (hay HIMARS), có tầm bắn khoảng 40 dặm và có thể tấn công các mục tiêu ở xa với độ chính xác cao hơn. Các quan chức nói rằng HIMARS đã đóng một vai trò quan trọng trong những thắng lợi của Ukraine chống lại Nga trong những tuần gần đây. Kinh phí này cũng bao gồm đạn dược cho họ.
Ngoài ra, gói sẽ tài trợ 150 chiếc Humvee và 150 phương tiện chiến thuật cần thiết để kéo vũ khí hạng nặng, 40 xe tải và 80 xe kéo dùng để vận chuyển thiết bị hạng nặng; hai radar cho hệ thống phi cơ không người lái; 20 radar đa nhiệm; hệ thống phi cơ chống lại phi cơ không người lái; hệ thống thông tin liên lạc an toàn chiến thuật, hệ thống giám sát, và kính quang học; thiết bị xử lý vật liệu nổ.
Gói viện trợ bổ sung này cũng sẽ cung cấp kinh phí cần thiết cho áo chống đạn và các thiết bị dã chiến khác, cũng như việc đào tạo, bảo trì, và duy trì.
Trong một tuyên bố công bố vòng tài trợ mới nhất, Ngũ Giác Đài cho biết: “Cùng với các Đồng minh và đối tác, những nỗ lực thống nhất của chúng tôi sẽ giúp Ukraine tiếp tục thành công ngày hôm nay đồng thời xây dựng sức mạnh bền bỉ của các lực lượng Ukraine để bảo đảm nền tự do và độc lập của người dân Ukraine được tiếp tục.”
Các cuộc trưng cầu ‘giả tạo’
Thông báo liên quan đến vòng tài trợ mới nhất được đưa ra sau khi các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại bốn khu vực bị chiếm đóng của Ukraine: Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, và Kherson, để quyết định xem cư dân ở những khu vực đó có muốn trở thành một phần của Nga hay không.
Nga cho biết kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý đó cho thấy sự ủng hộ áp đảo của người dân đối với việc gia nhập Nga, trong đó Luhansk bỏ phiếu 98.2% để sáp nhập vào Nga, 99.23% Donetsk ủng hộ việc sáp nhập, vùng Kherson bỏ phiếu 87.05% và vùng Zaporizhzhia bỏ phiếu 93.1% đồng ý trở thành một phần của Nga, theo kết quả được công bố vào đầu ngày thứ Tư (28/09) và được tờ The Moscow Times đưa tin.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ, Ukraine, và NATO đã mô tả đó là những cuộc trưng cầu dân ý “giả tạo” và đã phản ứng bằng cách tăng cường ủng hộ Ukraine với đợt trừng phạt mới nhằm vào các quan chức Nga bị cáo buộc tham gia dàn dựng các cuộc trưng cầu này, đồng thời tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Các quan chức NATO cho biết trong một tuyên bố hôm 23/09 : “Các cuộc trưng cầu dân ý tại các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, và Kherson của Ukraine không có tính hợp pháp và sẽ là một sự vi phạm trắng trợn đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”
“Các Đồng minh NATO sẽ không công nhận sự sáp nhập bất hợp pháp và bất chính của họ. Những vùng đất này là của Ukraine. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia bác bỏ những nỗ lực trắng trợn của Nga trong việc xâm chiếm lãnh thổ.”
Hồng Ân và Minh Ngọc biên dịch
Mỹ đồng ý quan hệ đối tác với các đảo quốc Thái Bình Dương
29/9/2022
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tham dự hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương ngày 28/9/2022 tại Washington D.C.
Hoa Kỳ ngày 28/9 khởi sự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương và cho biết họ đã đồng ý mối quan hệ đối tác cho tương lai và đưa ra triển vọng về hỗ trợ dồi dào dành cho khu vực mà nơi đó Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo từ 12 quốc đảo Thái Bình Dương tham gia thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Washington. Ngoài ra, có hai nước cử đại diện tham gia và Úc cùng New Zealand tham dự với tư cách quan sát viên.
Điều phối viên Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc Kurt Campbell tuần trước cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và y tế. Washington và các đồng minh muốn tăng cường an ninh hàng hải và liên kết thông tin liên lạc của các quốc đảo này với các quốc gia như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, ông cho hay.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo từ khu vực mà Washington coi là sân sau hàng hải kể từ Thế chiến Thứ hai, nhưng Trung Quốc đã và đang có những bước tiến vững chắc. Một số quốc gia đã phàn nàn về việc bị kẹt giữa cuộc chiến giành ảnh hưởng của các siêu cường.
Các nhà lãnh đạo sẽ được đưa đi khắp Washington, bao gồm Bộ Ngoại giao, Quốc hội Hoa Kỳ, đại bản doanh của Tuần Duyên Hoa Kỳ, được tiếp đón bởi các lãnh đạo doanh nghiệp và tại Tòa Bạch Ốc bởi Tổng thống Joe Biden.
Phát biểu khai mạc phiên họp tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hai bên đã đồng ý “công bố về quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Thái Bình Dương.”
Ông nói việc này cho thấy Hoa Kỳ và Thái Bình Dương có “tầm nhìn chung cho tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai đó.”
Ông Blinken nói tầm nhìn chung đó “công nhận rằng chỉ bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể thực sự giải quyết những thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta mà tất cả các công dân của chúng ta đang đương đầu.”
Ông Blinken nhắc tới cuộc khủng hoảng khí hậu và các trường hợp khẩn cấp về y tế, đồng thời thúc đẩy cơ hội kinh tế và “gìn giữ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi mọi quốc gia – dù lớn đến đâu, dù nhỏ đến đâu, đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình.”
Quần đảo Solomon và mối quan hệ với Trung quốc
Quần đảo Solomon trước đó đã nói với các quốc gia được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh rằng họ sẽ không ký vào bản tuyên bố đó, theo một ghi chú mà Reuters nhìn thấy, khiến các nước thêm lo ngại về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Damukana Sogavare đã nhiều lần tỏ ra dè bỉu Hoa Kỳ, làm gia tăng lo ngại của Washington.
Cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương gia tăng đáng kể trong năm nay sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận an ninh với Solomon, gây ra những cảnh báo về việc quân sự hóa khu vực này.
Ông Blinken cam kết 4,8 triệu đô la cho một chương trình được gọi là Các nền kinh tế Xanh Kiên cường để hỗ trợ ngư nghiệp, nông nghiệp và du lịch bền vững.
Các cuộc đàm phán ngày 28/9 bao gồm một phiên họp do đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu, John Kerry, chủ tọa.
Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận cho hay Tòa Bạch Ốc đang làm việc với khu vực tư nhân để đưa ra một thỏa thuận về các tuyến cáp dưới biển cho khu vực, gọi đó là “phản ứng đối với hoạt động ngoại giao và mở rộng quân sự của Trung Quốc.”
Các quốc gia Thái Bình Dương mong muốn kết nối nhiều hơn với nhau và với các đồng minh, tuy nhiên họ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Washington nên chấp nhận các ưu tiên của họ, biến biến đổi khí hậu – chứ không phải cạnh tranh giữa các siêu cường – là nhiệm vụ an ninh cấp bách nhất.
Một quan chức của Hoa Kỳ cho biết các nhà lãnh đạo từ Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall, Palau, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Samoa, Tuvalu, Tonga, Fiji, Quần đảo Cook, Polynesia thuộc Pháp và New Caledonia tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ. Vanuatu và Nauru cử đại diện tham gia.
Nord Stream: EU siết chặt an ninh ống dẫn khí đốt sau các vụ tấn công bí ẩn
Elsa Maishman
BBC News
Nguồn hình ảnh, EPA
Chụp lại hình ảnh,
Một tàu hải quân của Đan Mạch neo gần đảo Bornholm, gần nơi vụ rò rỉ xảy ra
Các quốc gia châu Âu tuyên bố sẽ siết chặt an ninh các đường ống dẫn dầu và khí đốt sau vụ phá hoại tình nghi nhằm vào hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nato đưa thông tin với ý rằng việc phá hoại các đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Đức là cố tình, nhưng không trực tiếp lên án Nga.
Nga cho biết họ không liên quan và đặt câu hỏi liệu có phải là Mỹ.
Nga trước đó đã bị cáo buộc sử dụng các đường ống dẫn khí đốt vũ khí chống lại phương Tây liên quan đến sự hậu thuẫn cho Ukraine.
Các vụ rò rỉ tại hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 bị phát hiện hôm thứ Hai 26/09 và thứ Ba 27/09.
Cả hai đường ống không hoạt động vào thời điểm trên, dự án Nord Stream 2 đã bị tạm dừng sau khi Nga xâm lược Ukraine, và Nga đã đóng Nord Stream 1 hồi tháng 9, viện dẫn nhu cầu bảo trì.
Thế nhưng cả hai đường ống này vẫn còn có khí đốt, nổi bọt trên bề mặt biển rộng một km.
Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch Dan Jorgensen nói các vụ rò rỉ có thể kéo dài ít nhất một tuần, cho đến khi hết khí đốt từ các ống dẫn. Một cuộc điều tra cũng đã được khởi động.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết có “phản ứng mạnh nhất có thể” nếu vụ tấn công được chứng minh là do cố tình gây ra.
Người phát ngôn Tổng thống Nga, Dmitry Peskov đã bác bỏ các cáo buộc phá hoại, nói đây là “điều đã được đoán trước, ngu xuẩn”.
Ông Peskov nói ông “cực kỳ quan ngại” về các vụ rò rỉ, và nói thêm vẫn còn khả năng về một vụ cố ý tấn công.
Theo sau vụ tấn công bị cáo buộc, Na Uy – hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu – đã quyết định huy động binh sĩ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre nói trong một cuộc họp báo rằng quân đội sẽ nên “hiện diện” tại các cơ sở dầu và khí đốt.
“Bất kỳ vụ tấn công nào sẽ được giải quyết với các đồng minh, ông cho biết.
Hải quân sẽ được huy động để bảo vệ các cơ sở khai thác dầu và khí đốt ngoài khơi, trong khi cảnh sát có thể tăng cường sự hiện diện tại các cơ sở trên đất liền, Thủ tướng Na Uy nói.
Equinor, một công ty năng lượng do nhà nước sở hữu của Na Uy nói hôm 28/09 đã tăng cường các biện pháp an ninh.
Tổng Thư ký Nato Jens Stoltenberg nói ông đã thảo luận về việc bảo vệ các cấu trúc quan trọng với Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, vụ rò rỉ xảy ra gần một đảo của quốc gia này.
Và tại Mỹ, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói quốc gia này sẽ tiếp tục công việc đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu.
Một người phát ngôn nói rằng hải quân Mỹ đã sẵn sàng ủng hộ đồng minh.
“Chúng tôi đã sẵn sàng hỗ trợ và trợ giúp trong sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, nếu cầu thiết”, đại tá Tamara Lawrence nói.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 – bao gồm hai nhánh song song trải dài 1.200 km dưới biển Baltic từ bờ biển của Nga gần thành phố St Petersburg cho đến đông bắc Đức.
Các nhà địa chấn nêu thông tin các vụ nổ dưới dước trước khi vù rò rỉ xuất hiện.
Tư lệnh Phòng vệ Đan Mạch đã công bố các hình ảnh về vụ rò rỉ, cho thấy bọt biển – lớn nhất có đường kính 1 km – trên bề mặt biển Baltic.
“Không còn nghi ngờ gì nữa đó là các vụ nổ,” ông Bjorn Lund từ Trung tâm Địa chấn Quốc gia Thụy Điển nói.
Mike Fulwood, nhà nghiên cứu cấp cao từ Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford nói với BBC vụ phá hoại thật sự là nguyên nhân khả thi nhất gây ra các vụ rò rỉ. “
Để gây nổ một đường ống ngoài khơi là chuyện hiếm xảy ra, vì thế ba vụ trong 18 giờ là một sự trùng hợp lớn,” ông Mike Fulwood cho biết.
Nếu vụ phá hoại thật sự do Nga gây ra, đây là một động thái “kỳ quặc”, ông Mike Fulwood nhận định, vì đường ống này đã bị cắt nguồn cung.
Ông Mike Fulwood ước tính công tác sửa chữa có thể mất từ ba đến sáu tháng, các vùng bị hư hại sẽ cần được thay thế.
Hư hại tương tự tại một đường ống dẫn khác trong quá khứ cũng mất chín tháng để sửa chữa.