Thời sự thế giới Thứ Tư 28/9/2022: Trưng cầu dân ý giả hiệu, đa số ủng hộ sáp nhập vào Nga – Iran chìm trong bất ổn – Bắc Hàn không hợp tác phi hạt nhân hóa…
Võ Thái Hà tổng hợp
Phó Tổng thống Harris lên án các hành động ‘đáng lo ngại’ của Trung Quốc
Phó Tổng thống Harris phát biểu trên tàu USS Howard tại căn cứ Yokosuka, Nhật, ngày 28/9/2022.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hôm 28/9 lên án các hành động “đáng lo ngại” của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, trong khi cam kết làm sâu sắc hơn “quan hệ không chính thức” với Đài Loan, vài ngày sau khi chính quyền Hoa Kỳ cam kết các lực lượng của họ sẽ bảo vệ hòn đảo này, theo Reuters.
Bà Harris phát biểu như vậy trên tàu khu trục USS Howard trong chuyến thăm căn cứ hải quân lớn nhất ở nước ngoài của Hoa Kỳ tại Yokosuka, gần thủ đô Nhật Bản.
“Trung Quốc đang phá hoại các yếu tố chính của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, bà Harris, người đang công du châu Á 4 ngày, nói.
Bà nói thêm: “Trung Quốc giương sức mạnh quân sự và kinh tế để cưỡng ép và uy hiếp các nước láng giềng. Và chúng ta đã chứng kiến những hành vi đáng lo ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và gần đây nhất là những hành động khiêu khích qua eo biển Đài Loan”.
Trung Quốc nói Đài Loan là một tỉnh của họ. Từ lâu, họ quyết sẽ đưa Đài Loan vào quyền kiểm soát của mình và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để làm như vậy.
Chính phủ Đài Loan phản đối mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có quyền quyết định tương lai của họ.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan vào tháng 8, khiến Trung Quốc tức giận, và sau đó đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay xung quanh hòn đảo này.
Bà Harris cho biết các lực lượng của Hoa Kỳ sẽ hoạt động trong khu vực “không hề nao núng và không sợ hãi” bất chấp Trung Quốc sẽ “tiếp tục gây hấn”.
Bà nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ khả năng tự vệ của Đài Loan, nhất quán với chính sách lâu đời của chúng tôi. Đài Loan là một nền dân chủ sôi nổi đóng góp vào lợi ích toàn cầu – từ công nghệ đến y tế và hơn thế nữa, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm sâu sắc các hoạt động của mối quan hệ không chính thức của chúng tôi”.
Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng Hoa Kỳ cần quay trở lại chính sách một Trung Quốc và “dứt khoát nói rõ rằng nước này phản đối tất cả các hoạt động ly khai của Đài Loan”.
Quan chức Mỹ ủng hộ Đài Loan tham gia cơ quan hàng không dân dụng của LHQ
Pete Buttigieg
Bộ trưởng Giao thông vận tải Hoa Kỳ Pete Buttigieg hôm thứ Ba (27/9) đã kêu gọi ủng hộ Đài Loan tham gia cơ quan giám sát hàng không dân dụng của Liên Hợp Quốc. Điều này đã vấp phải nhiều chỉ trích từ chính quyền Trung Quốc.
“Chúng tôi tin rằng tất cả các bên có liên quan đến hàng không dân dụng quốc tế – đặc biệt là những bên quản lý không phận quan trọng, như Đài Loan – nên có cơ hội tham gia một cách thiết thực vào công việc của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO),” ông Buttigieg phát biểu tại cuộc họp của ICAO được tổ chức ba năm một lần. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức này tiến hành hội nghị kể từ đại dịch COVID-19.
Một đại diện của chính quyền Trung Quốc tại ICAO phản hồi: “Bình luận của Mỹ dường như cố tạo ra hai Trung Quốc, một Trung Quốc và một Đài Loan. Điều này trái với hiến chương của Liên Hợp Quốc.”
Đầu tháng này, trong một bài báo đăng trên tờ The Diplomat, Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông Đài Loan Wang Kwo-tsai đã kêu gọi thế giới ủng hộ đảo quốc này tham gia ICAO.
Ông lưu ý, Vùng Thông báo bay Đài Bắc của Đài Loan là một phần trong mạng lưới các khu vực của ICAO, và Cục Hàng không Dân dụng (CAA) Đài Loan là “cơ quan duy nhất giám sát và chịu trách nhiệm quản lý không lưu an toàn trong toàn bộ khu vực”.
Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được kiểm soát bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trong khi đó, Chính phủ Đài Loan phản đối mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Wang Kwo-tsai cho hay: “Trung Quốc đã đơn phương tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan trong một thời gian ngắn. Điều này ảnh hưởng đến các tuyến đường hàng không quốc tế và gây nguy hiểm cho an toàn hàng không ở khu vực Đài Bắc cùng các khu vực lân cận.”
“Trong nỗ lực ngăn chặn nguy hiểm và giảm bớt lo ngại về an toàn, CAA Đài Loan đã phải gấp rút lập kế hoạch và hướng dẫn các máy bay (bao gồm nhiều máy bay nước ngoài) khởi hành, bay đến hoặc quá cảnh khu vực Đài Bắc,” ông nói thêm. “Tình trạng này khiến các hãng hàng không phải gánh thêm chi phí do họ phải thực hiện các hành trình dài hơn, đắt hơn và về cơ bản làm tăng rủi ro không lường trước được.”
Minh Ngọc (Theo Reuters)
RIA (truyền thông Nga): Kết quả biểu quyết sơ khởi cho thấy đa số ủng hộ Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine (trong cuộc trưng cầu dân ý “giả hiệu”)
28/9/2022
Cư dân thuộc hai vùng Luhansk và Donetsk do các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát, hiện sống tại Crimea, bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tại Sevastopol, Crimea, ngày 23/9/2022.
Một phần kết quả sơ khởi từ các cuộc bỏ phiếu bên trong nước Nga về việc có nên sáp nhập bốn khu vực Nga chiếm đóng của Ukraine hay không cho thấy đại đa số ủng hộ, hãng thông tấn nhà nước RIA loan tin ngày 27/9, sau cái gọi là trưng cầu dân ý mà Kyiv và phương Tây tố cáo là một trò giả dối.
Các cuộc bỏ phiếu được sắp xếp vội vã đã diễn ra trong năm ngày tại 4 khu vực – Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson – chiếm khoảng 15% lãnh thổ Ukraine. Những người sơ tán từ các khu vực đó có thể bỏ phiếu ở Nga.
RIA cho biết số liệu ban đầu từ các điểm bỏ phiếu trên đất Nga cho thấy đại đa số ủng hộ việc gia nhập Nga. Con số này dao động từ 96,97% cho vùng Kherson, dựa trên 14% số phiếu được kiểm, đến 98,19% ở Zaporizhzhia, dựa trên 18% số phiếu được đếm.
Đối với cái gọi là cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk thì tỷ lệ ủng hộ xấp xỉ 98% trong số 14% và 13% số phiếu được kiểm đếm.
Tại các khu vực bị chiếm đóng, các quan chức do Nga bổ nhiệm bưng các thùng phiếu từ nhà này sang nhà khác mà Ukraine và phương Tây gọi là một hành động cưỡng ép phi pháp nhằm tạo cớ hợp pháp cho việc Nga sáp nhập bốn khu vực vừa kể của Ukraine.
Sau động thái này, Tổng thống Vladimir Putin có thể miêu tả bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm chiếm lại các nơi này là một cuộc tấn công nhắm vào chính Nga. Tuần trước, ông tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga.
Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, kêu gọi Liên hiệp châu Âu áp đặt thêm các chế tài kinh tế đối với Nga để trừng phạt nước này vì đã dàn dựng các cuộc bỏ phiếu, mà theo ông sẽ không thay đổi hành động của Ukraine trên chiến trường.
Kyiv đã nhiều lần cảnh báo rằng việc Nga sáp nhập thêm các vùng lãnh thổ sẽ phá hủy bất kỳ cơ hội hòa đàm nào, bảy tháng sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược nước láng giềng. Kyiv nói rằng những người Ukraine giúp Nga tổ chức các cuộc bỏ phiếu sẽ đối mặt với cáo trạng phản quốc.
Các lá phiếu này nhắc nhớ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea sau khi Nga chiếm giữ khu vực này của Ukraine vào năm 2014, khi các nhà lãnh đạo Crimea tuyên bố 97% phiếu bầu để ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Nga.
Ông Putin nói trên kênh truyền hình nhà nước hôm 27/9 rằng cuộc biểu quyết nhằm bảo vệ người dân khỏi điều mà ông gọi là cuộc đàn áp người sắc tộc Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine, điều mà Kyiv đã phủ nhận.
Ông nói: “Việc cứu người dân ở tất cả các vùng lãnh thổ mà cuộc trưng cầu này đang được tổ chức là tâm điểm của chúng tôi và là tâm điểm chú ý của toàn xã hội và đất nước chúng tôi.”
Trong những tháng gần đây, Moscow đã “Nga hóa” các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của mình, bao gồm việc cấp cho cư dân hộ chiếu Nga và viết lại giáo trình của các trường học.
Các cuộc trưng cầu dân ý đã được vội vã tiến hành trong tháng này sau khi Ukraine giành được đà tiến trên chiến trường bằng cách đẩy lùi các lực lượng Nga ở khu vực đông bắc Kharkiv.
Bà Valentina Matviyenko, người đứng đầu Thượng viện Nga, cho biết nếu kết quả bỏ phiếu thuận lợi, Thượng viện có thể xem xét việc hợp nhất bốn khu vực này vào ngày 4 tháng 10, ba ngày trước khi ông Putin kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình.
Bắc Hàn không hợp tác trong nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa
Tác giả Aldgra Fredly
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price trình bày về tình hình ở Afghanistan tại Bộ Ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 18/08/2021. (Ảnh: Andrew Harnik/Reuters)
Hôm thứ Hai (26/09), một quan chức Hoa Kỳ cho biết quốc gia này đã cố gắng thúc đẩy Bắc Hàn tham gia đối thoại về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều tiên, nhưng chính quyền ông Kim Jong Un chỉ đáp trả bằng những hành động khiêu khích.
Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết: “Ít nhất cho đến nay, lời đề nghị đối thoại và ngoại giao này chỉ được đáp ứng bằng các hành động khiêu khích nhiều hơn.”
Các quan chức Nam Hàn và Nhật Bản cho biết Bắc Hàn đã bắn một hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía đông hôm 25/09, chỉ hai ngày sau khi hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ đến Nam Hàn để tập trận hải quân.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các chi tiết của vụ phóng hỏa tiễn đang được điều tra nhưng hỏa tiễn chắc hẳn đã bay khoảng 400km (249 dặm) ở độ cao 50km (31 dặm) theo quỹ đạo thông thường.
Bắc Hàn đã tiến hành một loạt vụ phóng hỏa tiễn trong năm nay, trong đó có một vụ liên quan đến hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của nước này, Hwasong-17, tất cả các vụ phóng này đều bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“CHDCND Bắc Hàn có xu hướng trải qua các giai đoạn khiêu khích, các giai đoạn can dự. Rõ ràng là hiện nay chúng ta đang ở trong một giai đoạn khiêu khích,” ông nói, khi đề cập đến tên chính thức của Bắc Hàn, tức là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn.
Ông Price cho biết Hoa Thịnh Đốn vẫn mở cửa đàm phán và sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh hiệp ước để tăng cường khả năng phòng thủ của họ.
Phi hạt nhân hóa đòi hỏi một ‘đối tác có thiện chí’
Mới đây, đặc phái viên Sung Kim cho biết Hoa Thịnh Đốn đã đề nghị đàm phán với Bắc Hàn thông qua một kênh liên lạc ở New York nhưng không nhận được phản hồi từ chính quyền ông Kim.
Korea Times đưa tin cho biết ông đã nói với các phóng viên tại Seoul, “Tôi tin rằng cuộc trao đổi cuối cùng của chúng tôi với CHDCND Bắc Hàn là vào mùa hè. Chúng tôi đã gửi thông điệp nhắc lại việc tái kết nối và cũng tái lặp lại sự hỗ trợ của chúng tôi trong các hạng mục liên quan đến đại dịch COVID.”
Ông Sung Kim cho biết Nam Hàn và Hoa Kỳ có “nhiều ý tưởng sáng tạo” trong việc tái kết nối với Bắc Hàn để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, nhưng họ cần sự hợp tác của các bên để thực hiện điều này.
“Vấn đề là để chúng tôi thử nghiệm những ý tưởng này, chúng tôi cần một đối tác. Nhưng một điều chúng tôi không muốn chính là sự độc thoại,” ông nói.
“Chúng tôi cần một đối tác có thiện chí ở phía bên kia của bàn đàm phán, vốn sẽ thu hút chúng tôi trong một cuộc thảo luận nghiêm túc về tất cả những ý tưởng mà chúng tôi có … nhiều ý tưởng sáng tạo, trong đó có những ý tưởng để giải quyết mối lo ngại của họ,” vị đặc phái viên này nói thêm.
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol đã đề nghị cung cấp cho Bắc Hàn một kế hoạch kinh tế để giúp cải thiện sinh kế của người dân Bắc Hàn theo từng giai đoạn để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng Bắc Hàn đã từ chối lời đề nghị của ông Yoon.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã nói rằng sẽ không có các cuộc đàm phán, thương lượng, hay “mặc cả” về phi hạt nhân hóa trong quá trình đó.
Hôm 08/09, quốc gia này đã thông qua học thuyết hạt nhân sử dụng lần đầu, trong đó ông Kim tuyên bố sẽ khiến vị thế một quốc gia có vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là “không thể thay đổi được.”
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Khánh Ngọc biên dịch
Iran chìm trong bất ổn
Hơn 11 đêm nay, người Iran đã xuống đường phản đối chính phủ trên khắp đất nước bất chấp bạo lực và nguy cơ bị bắt giữ. Nguyên nhân xuất phát từ cái chết khi bị giam giữ hồi đầu tháng của một phụ nữ trẻ bị cảnh sát đạo đức buộc tội sai quy chuẩn trang phục. Nhưng rồi biểu tình trở thành một cơn bão dữ dội chống lại chế độ. Các khẩu hiệu như “tự do” hay “cái chết của kẻ độc tài” không chỉ đơn thuần nhằm kêu gọi sửa đổi luật khăn trùm đầu. Người dân Iran đang muốn có thay đổi triệt để.
Tất nhiên chế độ đã chống lại. Cho tới nay các lực lượng chính phủ đã giết chết hàng chục người biểu tình, bắt giữ vô số người khác và gán cho họ là điệp viên nước ngoài. Một chiến lược quen thuộc. Nhưng nền tảng mục nát của chế độ thần quyền đang lung lay hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Iran đang khủng hoảng (lạm phát trên 50%), bộ máy hành chính trì trệ, và nhiều người không còn muốn bị cô lập khỏi thế giới. Biểu tình chắc chắn sẽ còn kéo dài.
ECB muốn thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng trung ương
Các ngân hàng trung ương đã đủ đau đầu với nhiệm vụ chống lạm phát nhưng không để kinh tế trì trệ. Trong đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đặc biệt vật lộn với một cú sốc lạm phát gây ra bởi giá năng lượng cao. Một cách để ngăn những vấn đề lớn vượt quá tầm kiểm soát trong tương lai có thể là khuyến khích “hợp tác địa kinh tế” giữa châu Âu và châu Mỹ. Đây sẽ là chủ đề mà người đứng đầu ECB, Christine Lagarde, muốn nhấn mạnh tại viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ vào thứ Tư.
Nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương gặp nhiều khó khăn như vậy là do các gián đoạn toàn cầu — đại dịch, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng —làm phức tạp hoá các vấn đề kinh tế. Bà Lagarde có thể sẽ lập luận rằng Mỹ và châu Âu có lợi ích chung trong việc tăng cường hợp tác nhằm ổn định kinh tế, tăng sức chống chịu cho chuỗi cung ứng và chống biến đổi khí hậu. Nhưng thú vị hơn là việc bà Lagarde nghĩ các ngân hàng trung ương có thể làm được những gì để đối phó tình hình.
Tổng thống Biden muốn giải quyết nạn béo phì ở Mỹ
Nhà Trắng sẽ tổ chức một hội thảo vào thứ Tư về vấn đề nạn đói, dinh dưỡng và sức khỏe ở Mỹ. Các vấn đề thực phẩm này làm ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là người nghèo, các cộng đồng nông thôn và người thiểu số. Trong đó béo phì lan rộng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tỉ lệ béo phì ở trẻ em Mỹ lên tới 1/5 vào năm 2020, gần gấp 4 lần so với năm 1970. Tỉ lệ này cao hơn ở trẻ em da đen, gốc Mỹ Latin và trẻ em nghèo. Ngoài ra còn có các thiệt hại về kinh tế. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, vào năm 2017, bệnh tiểu đường khiến Mỹ bị mất 327 tỷ đô la chi phí y tế trực tiếp và chi phí mất năng suất lao động.
Ông Biden dự kiến sẽ tăng khả năng tiếp cận bữa ăn miễn phí tại trường học và khuyến khích mua trái cây và rau quả bằng phiếu thực phẩm. Ông cũng muốn phát triển một kế hoạch dán nhãn bao bì nhiều thông tin hơn như đã có ở châu Âu. Nhưng với cuộc bầu cử giữa kỳ đến gần, ông Biden có thể sẽ không có sự ủng hộ của Quốc hội đủ lâu để thực hiện các biện pháp này.
Giới lập pháp Mỹ muốn ngăn các khoản đầu tư đổ vào Trung Quốc
28/9/2022
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo Khối đa số ở Thượng viện Chuck Schumer.
Một nhóm các nhà lập pháp Mỹ bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Lãnh đạo Khối đa số ở Thượng viện Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn ngày 27/9 kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ban hành lệnh hành pháp ngăn cản các khoản đầu tư đổ vào Trung Quốc và những nước khác.
Quốc hội đang xem xét luật cho phép chính phủ Hoa Kỳ các quyền hạn mở rộng để chặn hàng tỷ đô la đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc. Đề nghị này đã bị loại ra khỏi luật trợ cấp cho việc nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn của Hoa Kỳ được thông qua vào tháng 8.
Các nhà lập pháp, bao gồm đảng viên Dân chủ Bill Pascrell và đảng viên đảng Cộng hòa Brian Fitzpatrick, viết trong thư gửi Tổng thống Biden rằng trong lúc các cuộc đàm phán tiếp diễn, “an ninh quốc gia của chúng ta không thể chờ đợi” và kêu gọi Tổng thống nên hành động ngay lập tức “để bảo vệ an ninh quốc gia và khả năng phục hồi chuỗi cung cấp của chúng ta trong các khoản đầu tư ra nước ngoài sang các đối thủ nước ngoài.”
Tòa Bạch Ốc và Tòa đại sứ Trung Quốc chưa phản hồi về việc này.
Quan chức an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Peter Harrell hồi đầu tháng cho biết chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về cơ chế đầu tư ra nước ngoài quy định các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
Ông Harrell nhấn mạnh rằng bất kỳ biện pháp nào nhắm mục tiêu vào các khoản đầu tư như vậy nên được quy định chặt chẽ để giải quyết các lỗ hổng hiện có và các rủi ro an ninh quốc gia.
“Khi chúng ta nhường quyền sản xuất và bí quyết công nghệ của mình cho các đối thủ nước ngoài, chúng ta đang làm tổn hại đến nền kinh tế, khả năng cạnh tranh toàn cầu của chúng ta, người lao động Mỹ, ngành công nghiệp và an ninh quốc gia. Hành động của chính phủ trên mặt trận này đã quá chậm để xử lý phạm vi và mức độ của những nguy cơ trầm trọng này,” thư của các nghị sĩ nêu rõ.
Luật được đề nghị nhằm giúp chính phủ có tầm nhìn rõ hơn về các khoản đầu tư của Hoa Kỳ. Luật bắt buộc phải thông báo cho chính phủ về các khoản đầu tư có thể rơi vào các quy định mới này và Hoa Kỳ có thể sử dụng các thẩm quyền hiện có để chặn đầu tư hoặc giảm thiểu rủi ro.
Việt Nam khẩn cấp chuẩn bị chống bão Noru sau khi Philippines bị thiệt hại nặng nề
Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam trước khi siêu bão Noru đổ bộ. Ảnh chụp ngày 27/09/2022. AFP – NHAC NGUYEN
Chính quyền Việt Nam vào hôm nay 27/09/2022 đã ra lệnh sơ tán đối với hàng trăm ngàn cư dân nhiều tỉnh miền trung vào lúc cơn bão Noru đang tăng cường độ hướng về khu vực Đà Nẵng sau khi thổi qua Philippines khiến ít nhất tám người chết và tạo ra lũ lụt trên diện rộng.
Quảng cáo
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, vào sang nay, gần một nửa số phi trường tại Việt Nam đã phải dừng hoạt động, cơ quan và trường học nhiều tỉnh ở miền Trung đã phải đóng cửa, trong lúc người dân đổ xô đi tìm một chỗ trú ẩn trước khi cơn bão được cọi là dữ dội nhất năm nay đổ bộ.
Các nhà chức trách cho biết sức gió của bão Noru có thể lên tới 160 km/giờ, tương đương với cơn bão Xangsane, từng đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006 và giết chết 76 người. Hãng Reuters cho biết là khoảng 270.000 quân nhân đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chống bão.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất dự kiến là các tỉnh miền Trung, cụ thể là Quảng Ngãi, nơi có nhà máy lọc dầu Dung Quất và Quảng Nam, nơi có thành phố Hội An được xếp loại là Di Sản Thế Giới.
Hãng tin Mỹ AP trích đài truyền hình Việt Nam cho biết là chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam đã ban hành lệnh giới nghiêm ngay từ tối nay, cấm người dân ra đường, ngoại trừ những ai có phận sự
Chính phủ Việt Nam, theo Reuters, cũng đang chạy đua với thời gian để bảo vệ các vùng trồng cà phê của đất nước ở phía bắc khu vực Tây Nguyên.
Tại Philippines, nơi cơn bão đổ bộ vào đêm Chủ Nhật, có ít nhất 8 người đã chết, khoảng 74.000 người đang phải trú ẩn tại các trung tâm sơ tán.
Nord Stream: Ukraine cáo buộc Nga tấn công khủng bố đường ống dẫn khí đốt
Merlyn Thomas và Robert Plummer
BBC News
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Tư lệnh Phòng vệ Đan Mạch cung cấp hình ảnh vụ rò rỉ cho thấy bọt biển nổi tại biển Baltic gần đảo Bornholm
Ukraine đã cáo buộc Nga gây rò rỉ tại hai đường ống dẫn khí đốt quan trọng đến châu Âu và mô tả đây là “một vụ tấn công khủng bố”.
Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak nói việc phá hoại Nord Stream 1 và 2 là “hành động hung hãn” nhằm vào EU.
Ông cho biết thêm Nga muốn tạo sự hoảng loạn trước mùa đông và kêu gọi EU tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Các nhà địa chấn học đã ghi nhận các vụ nổ dưới nước trước khi các vụ rò rỉ xuất hiện.
“Không còn nghi ngờ gì nữa đó là các vụ nổ,” truyền thông địa phương dẫn lời ông Bjorn Lund từ Trung tâm Địa chấn Quốc gia Thụy Điển.
Cơ quan điều hành đường ống dẫn Nord Stream 2 cũng cảnh báo về việc mất áp suất trong đường ống vào chiều thứ Hai 26/09. Điều này dẫn đến lời cảnh báo từ giới chức Đan Mạch cho biết tàu thuyền nên tránh xa khỏi khu vực gần đảo Bornholm.
Cơ quan điều hành đường ống dẫn Nord Steam 1 cũng cho biết các đường dưới biển cũng cùng lúc chịu hư hại “chưa từng có” trong một ngày.
Tư lệnh Phòng vệ Đan Mạch cũng cung cấp hình ảnh vụ rò rỉ cho thấy bọt biển nổi trên bề mặt biển Baltic gần đảo Bornholm.
Phần nhiễu động lớn nhất trên biển có đường kính 1 km, cơ quan này cho biết.
Các đường ống dẫn khí đốt bị hư hại “chưa từng có
“Khí đốt rò rỉ từ NS-1 [Nord Stream 1] không gì khác hơn là một cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và là một hành động hung hãn nhằm vào EU.
Nga muốn gây bất ổn tình hình kinh tế tại châu Âu và gây nên sự hoảng loạn trước mùa đông,” Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak viết trong dòng tweet bằng Tiếng Anh.
Ông cũng kêu gọi các đối tác châu Âu, đặc biệt là Đức tăng cường sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
“Phản ứng tốt nhất và sự đầu tư an ninh là xe tăng cho Ukraine. Đặc biệt là xe tăng Đức,” ông nói.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng đưa ra ý là các đường ống dẫn khí đốt đã bị cố ý gây hư hại.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho đây là sự phá hoại và cho biết có thể có liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói vẫn còn quá sớm để kết luận, nhưng cũng khó tưởng tượng là các vụ rò rỉ liên tiếp lại có thể là sự trùng hợp.
Cùng lúc đó, các thông tin chưa xác nhận trên truyền thông Đức cho biết giới chức không loại trừ khả năng một vụ tấn công mạng lưới khí đốt dưới biển.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói ông “cực kỳ quan ngại” về vụ việc, và không thể loại trừ khả năng có một cuộc tấn công cố ý.
EU trước đó cũng cáo buộc Nga lợi dụng việc giảm lượng cung cấp khí đốt là một vũ khí kinh tế, để đáp trả các lệnh trừng phạt từ châu Âu áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ điều này, cho biết các lệnh trừng phạt khiến việc duy trì cơ sở hạ tầng khí đốt đúng cách trở nên không khả thi.
Bất kỳ điều gì là nguyên nhân thì lượng khí đốt cung cấp đến châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng, vì không có đường ống nào đang hoạt động.
Dự án Nord Stream 1 – bao gồm hai nhánh song song – đã không vận chuyển khí đốt kể từ tháng 8 khi Nga đóng đường ống này để bảo trì.
Đường ống này trải dài 1.2000 km dưới biển Baltic từ vùng duyên hải Nga gần thành phố St Petersburg đến đông bắc Đức. Dự án đường ống Nord Stream 2 cũng bị dừng sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Mặc dù không hoạt động thế nhưng cả hai đường ống vẫn còn chứa khí đốt.
Nhà chức trách từ Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đang điều tra vụ việc.
Cơ quan năng lược Đan Mạch nói với Reuters rằng vụ rò rỉ có thể diễn ra trong vài ngày và có lẽ thậm chí là một tuần.
Công ty quản lý đường ống – Nord Stream AG – nói không thể ước tính khi nào hạ tầng của hệ thống được phục hồi.
Giá năng lượng đã tăng vọt kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine và lượng cung thiếu hụt có thể đẩy giá cả còn tăng cao hơn.
Cũng có mối lo sợ ngày càng gia tăng về việc các gia đình tại EU sẽ không thể trang trải chi phí sưởi ấm trong mùa đông này.
Ba Lan đang đi đầu nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào Nga, vốn từng là quốc gia cung cấp năng lượng chính cho châu Âu, bằng việc khai trương một dự án đường ống dẫn khí đốt mới.
Đường ống Baltic sẽ là một đường dẫn mới khí đốt của Na Uy sang châu Âu, sẽ cho phép các quốc gia phía nam Ba Lan, bao gồm Slovakia và Cộng hòa Czech tiếp cận.
Mỹ phát hiện tàu chiến Nga-Trung ngoài khơi Alaska
Thanh Hải
Tàu tuần duyên John Midgett của Lực lượng Phòng vệ biển Hoa Kỳ (USCGC) và một chiếc thuyền cơ giới nhỏ trong cuộc tập trận chung tìm kiếm và cứu nạn của Philippines và Hoa Kỳ ở Biển Đông, gần Philippines, hôm 03/9/2022. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Giới chức Mỹ hôm thứ Hai (26/9) cho biết, một tàu tuần duyên của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Hoa Kỳ đã bắt gặp một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc hoạt động tại vị trí cách phía bắc đảo Kiska của Alaska 138 km hôm 19/9, theo AP.
Vào ngày 27/9, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo rằng họ đã thành lập Văn phòng Chiến lược Bắc Cực để ứng phó với các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc, cũng như đảm bảo chiến lược và lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực Bắc Cực.
Hoa Kỳ phát hiện tàu chiến Trung-Nga ở Biển Bering
Hôm 27/9 hãng tin AP đưa tin, một quan chức Hoa Kỳ đã tiết lộ vào hôm 26/9 rằng, một tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Hoa Kỳ trong nhiệm vụ tuần tra định kỳ ở Biển Bering đã chạm trán với một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc vào ngày 19/9.
Nhưng hóa ra tàu tuần dương này không đơn độc khi nó cách phía bắc Đảo Kiska của Alaska khoảng 86 dặm (138 km), vào ngày 19/9.
Một tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ mang tên USS Kimball sau đó đã phát hiện hai tàu hải quân khác của Trung Quốc và bốn tàu hải quân Nga, trong đó có một tàu khu trục. Bảy tàu chiến cũng được phát hiện xếp thành một đội hình duy nhất.
Tàu tuần duyên này của Mỹ, chiếc USCG Kimball, có trọng tải khoảng 4,500 tấn, được tuần duyên Mỹ biên chế tháng 8/2019 và đóng quân tại Honolulu, Hawaii. Chiếc USCG Kimball tiếp tục bám theo, trong khi các chiến hạm Trung Quốc và Nga nhanh chóng phân tán khỏi đội hình.
Một chiếc máy bay C-130 Hercules từ trạm Cảnh sát biển ở Kodiak, Alaska, được điều động đến trợ giúp cho chiếc Kimball.
“Mặc dù đoàn tàu trên hoạt động đúng quy tắc và chuẩn mực quốc tế, song chúng tôi sẽ hiện diện tại khu vực để bảo đảm lợi ích của Mỹ ở môi trường hàng hải xung quanh Alaska không bị ảnh hưởng”, Chuẩn tướng Nathan Moore, quan chức Lực lượng Phòng vệ Bờ biển của Mỹ, cho biết.
Sự hiện diện của tàu Trung Quốc và Nga ở Alaska diễn ra một tháng sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo về sự quan tâm của Bắc Kinh đối với Bắc Cực và việc Nga xây dựng quân đội ở đó.
Ông Stoltenberg cho biết Nga đã thành lập Bộ Tư Lệnh Bắc Cực mới (Arctic Command) và mở lại hàng trăm địa điểm quân sự ở Bắc Cực có từ thời Liên Xô cũ, bao gồm các cảng nước sâu và sân bay. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố mình là một quốc gia “gần Bắc Cực” và có kế hoạch xây dựng tàu phá băng lớn nhất thế giới, ông nói.
“Bắc Kinh và Moscow cũng đã cam kết tăng cường hợp tác thiết thực ở Bắc Cực. Điều này tạo thành một phần của quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc, thách thức các giá trị và lợi ích của NATO”, ông Stoltenberg nói trong chuyến thăm tới miền bắc của Canada.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc đi gần vùng biển Alaska. Vào tháng 9/2021, các tàu tuần duyên Mỹ ở Biển Bering và Bắc Thái Bình Dương đã chạm trán với tàu Trung Quốc, cách quần đảo Aleutian khoảng 50 dặm (80 km).
Mỹ thành lập Văn phòng Chiến lược Bắc Cực để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc-Nga
Theo tin tức do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố vào ngày 27/9, Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc ở Bắc Cực, đã thành lập “Văn phòng Chiến lược Bắc Cực” để đảm bảo chiến lược cũng như lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực này. Bà Iris A. Ferguson đã được bổ nhiệm làm Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề ở Bắc Cực, một vị trí mới thể hiện tầm quan trọng của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ đối với khu vực Bắc Cực.
Bà Ferguson cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Bắc Cực là một khu vực trọng yếu trong việc xây dựng quyền lực và bảo vệ quê hương”.
Bà nói thêm: “Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng hoạt động địa chính trị của Nga và Trung Quốc trong khu vực”.
Nga chỉ cách Hoa Kỳ 55 dặm (88 km) qua eo biển Bering. Bà Ferguson cho biết Nga có diện tích đất liền lớn nhất ở Bắc Cực và các nhà lãnh đạo Nga luôn coi họ là cường quốc thống trị trong khu vực.
ĐCSTQ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược khác của Hoa Kỳ ở Bắc Cực, cho dù Trung Quốc ở cách xa hàng nghìn dặm. Bà Ferguson cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng chen chân vào Bắc Cực, nơi mà họ gọi là một quốc gia ‘cận Bắc Cực’, mặc dù họ không chỉ ở xa khu vực này.
Bà Ferguson lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh các chuẩn mực quốc tế và cấu trúc quản trị theo hướng có lợi cho họ. ĐCSTQ hiểu rõ rằng bản thân họ tham gia vào các hành động cưỡng bức kinh tế không chỉ trên toàn cầu mà còn nhắm tới Bắc Cực.
“Vì vậy chúng tôi rất quan tâm đến các hoạt động của họ và muốn đảm bảo rằng lợi ích của Mỹ cần được bảo vệ trong khu vực”, bà nói.
Phó trợ lý thư ký Văn phòng Chiến lược Bắc Cực cho biết: “Điều quan trọng là phải thiết lập một văn phòng ngay bây giờ, đặt nền tảng để Mỹ có sự chuẩn bị tốt nhất và hiểu rõ những thách thức tiềm tàng. Có thể chưa nổ ra xung đột – tôi hy vọng rằng Bắc Cực sẽ không bao giờ xung đột – nhưng Mỹ cần sẵn sàng hoạt động ở đó”.
Thanh Hải