Nga-Trung Cộng đang gầm gừ khúc xương Kazakhstan
Kazakhstan trước năm 1990 nằm trong khối Cộng Sản Liên Xô. Khi khối này sụp đổ, thì Kazakhstan được độc lập và thành nước Cộng Hòa Kazakhstan vào tháng 12/1991. Nhưng vẫn bị kềm kẹp dưới cái dù chính trị của Nga (Putin).
Diện tích Kazakhstan rất rộng 2.7 triệu cây số vuông, đứng hàng thứ 9 trên thế giới; Dân số 18 triệu, đa số theo đạo Hồi; Bình quân đầu người chừng $822/tháng. Tổng Thống hiện nay là Kassym Tokayev. Kazakhstan có đường biên giới với nước Nga dài 6648 cây số và với Trung Cộng là 1533 cây số.
Dân nghèo, nhưng Kazakhstan rất giàu tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản…
Đất rộng chứa tài nguyên phong phú, dân ít lại nghèo, quốc phòng yếu kém, đó là miếng mồi ngon cho các cường quốc xâu xé. Nhất là Nga và Trung Cộng đang nằm sát biên giới, làm sao để miếng mồi này lọt vào các nước tây phương… Họ đang dành nhau, thì có ngày sẽ đánh nhau đó là quy luật.
Kazakhstan nơi xung khắc chiến lược chính trị và kinh tế giữa Nga-Tàu
Ngày nay, thế giới đang khan hiếm tài nguyên, nhất là Trung Cộng cần nhiên liệu mà lúc ngủ họ cũng nằm mơ. Ngoài những giếng dầu ở Trung Đông bị khai thác cạn kiệt, thì vùng Trung Á vẫn còn nguyên si, cũng là nơi tranh dành của các nước đói khát dầu. Nga không thiếu nhiên liệu, nhưng lòng tham lam, nên phải giữ cho được kho dầu khí và tài nguyên quý hiếm dưới lòng đất bao la của Kazakhstan để hưởng lợi về sau, Nga xem Kazakhstan như của hiếm đang giữ trong túi. Hơn thế nữa, Nga cũng muốn vương lên làm thế chân vạc ba chân Tam Quốc Mỹ-Nga-Tàu trên quả địa cầu này. Do đó, dù khối khối Liên Xô giải tán nhưng Nga vẫn kềm kẹp Kazakhstan trong chốn hồn ma Cộng Sản giống y như Điện Kremlin mà Putin đang điều khiển. Mọi hình thức cai quản đất nước Kazakhstan đều nằm trong vòng tay của điện Kremlin. Nga nắm chặt những con bài chính trị tại Kazakhstan, nhất là Cơ Quan Mật Vụ được gọi là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Kazakhstan (KNB) gồm Cơ Quan An Ninh Nội Địa, Cơ Quan Phản Gián Quân Sự, Lực Lượng Biên Phòng, Lực Lượng Commando, và Tình Báo đều dưới sự đều động của Nga.
Về chính trị của Kazakhstan là vậy, nhưng về kinh tế thì Nga không thể ngăn đà phát triển kinh tế khi đất nước này theo gương Nga-Tàu tiến lên kinh tế thị trường theo định hướng Cộng Sản. Tháng 3/2002, dưới thời Tổng Thống Bush (con), Kazakhstan đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ Donald Evans ưu ái trao quy chế kinh tế thị trường theo luật thương mại Hoa Kỳ. Một mặt, Mỹ muốn Kazakhstan có điều kiện làm ăn với Tây Phương để phát triển hướng về dân chủ, nhưng chuyện chính là Mỹ dùng quà để kết thân với Kazakhstan nhằm vây Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố vào thập niên năm 2000…
Cũng trong giai đoạn tranh tối tranh sáng này, điểm quan trọng mang bước ngoặt lịch sử là Kazakhstan bị lọt vào chiến lược “Vành Đai, Con Đường” của Trung Cộng do Tập Cận Bình chủ xướng vào năm 2012. Hãy nhìn vào tầm quan trọng địa chính trị của Kazakhstan đối với chiến lược này:
“Vành đai, con đường” là một hệ thống giao thông để phân phối hàng hóa theo chuỗi cung ứng của Trung Cộng đi khắp thế giới, nó không những trên biển mà còn trên bộ, Trung Cộng đầu tư vào đường sắt và đường bộ gia tăng khả năng vận chuyển xuyên biên giới và trong vùng Trung Á. Trong chiến lược “Vành Đai, Con Đường” có điều chúng ta cần phân biệt là “hành lang chiến lược” và “tuyến chiến lược”. Nói nôm na cho dễ hiểu là đường cái là hành lang và đường rẽ là tuyến. Hiện có hai trong số sáu hành lang chiến lược của “Vành Đai, Con Đường” nằm trên lãnh thổ Kazakhstan dùng để nối Trung Cộng – châu Âu, Iran và Tây Á. Hành lang này gồm các tuyến: ở phía bắc tuyến xuyên vùng Tây Bá Lợi Á (Siberia) đến Nga, nối kết Bắc-Nam INSTC (International North–South Transport Corridor); Phía nam tuyến nối Trung Cộng và Tây Âu qua Kazakhstan – Nga – Belarus– Ba Lan – Đức. Các tuyến này là con đường giao thông huyết mạch cho hàng xuất khẩu của Trung Cộng đến các nền kinh tế Trung Á và châu Âu. Điều đó, khiến Kazakhstan trở thành một trung tâm tiếp cận Trung Á nằm trong chiến lược “Vành Đai, Con Đường” tối quan trọng của Trung Cộng. Mất Kazakhstan là Trung Cộng bị chặt đứt hành lang chiến lược trên bộ. Cũng như mất Biển Đông thì Trung Cộng sẽ bị chặt con đừng xuống phía nam Thái Bình Dương.
Như vậy, chúng ta hình dung ra rằng Nga thì nắm cái đầu của giới chóp bu lãnh đạo, còn Trung Cộng đang nắm bao tử Kazakhstan. Cả hai đều không muốn miếng mồi ngon này rơi vào tay ai để bị nắm trọn quyền từ kinh tế đến chính trị, vì một ngày nào đó sự việc không lành xẩy ra với Nga thì TC bị mất trắng. Mặt khác, Nga muốn dùng Kazakhstan làm vùng trái độn ở biên giới, và về lâu dài để lần lượt khai thác kho báu kinh tế còn nguyên si này. Còn Trung Cộng không thể thiếu Kazakhstan trong chiến lược “Vành Đai, Con Đường” của mình, và không muốn Nga một mình hoàn toàn kiểm soát chính phủ Kazakhstan.
Cuộc biểu tình nổi dậy, Nga đưa quân vào can thiệp, Trung Cộng lên tiếng
Cuộc biểu tình nổ ra vào ngày 2/01/2022 lúc đầu ở thành phố ở thành phố Zhanaozen, sau lan rộng đến thủ đô Nu-Sultan và các thành phố lớn khác, ban đầu dân chúng tham gia biểu tình đòi giảm giá và yêu cầu ổn định giá xăng.
Ngày 3/01 tổng thống Kazakhstan là Kassym Tokayev viết trên tài khoản Twitter của ông chỉ thị cho chính phủ: “xem xét tình hình ở Vùng Mangystau [tỉnh quan trọng, có nền kinh tế lớn nhất] bằng cách “tính đến tính khả thi về kinh tế trong lĩnh vực pháp lý”. Ông cũng kêu gọi “những người biểu tình không làm mất trật tự công cộng, nhắc nhở rằng công dân Kazakhstan có quyền công khai bày tỏ tiếng nói của mình với chính quyền địa phương và trung ương bằng cách nói rằng điều đó phải như vậy là phù hợp với hiến pháp”. Đồng thời thành lập Một Ủy Ban Chính Phủ do Phó Thủ Tướng Eraly Togjanov đứng đầu để xem xét tình hình kinh tế xã hội ở Mangystau.
Vào ngày 5/1, Tổng Thống Tokayev chấp nhận đơn từ chức của ông Nursultan Nazarbayev – nguyên là tổng thống 29 năm từ 1990-2019. Dù hết làm tổng thống năm 2019, nhưng vẫn giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (Cơ Quan Mật vụ Kazakhstan). Sự từ chức này nhằm xoa dịu đám biểu tình với khẩu hiệu “Nursultan Nazarbayev phải ra đi”. Trong hôm đó, Tokayev cắt mạng Internet, điện thoại để chống lại biểu tình.
Việc Nursultan Nazarbayev từ chức và chống lại làng sóng biểu tình của dân chúng bằng việc cúp mạng Internet và điện thoại không có kết quả. Tiếp theo, các văn phòng chính phủ tại địa phương tại thành phố lớn Almaty đã bị đoàn biểu tình đốt cháy như bảo lửa, các kho vũ khí nhỏ bị đoàn biểu tình chiếm giữ. Tông Thống Tokayev liền ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp để chống biểu tình.
Ngày 6/01, Tokayev chính thức yêu cầu Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể do Nga cầm đầu giúp đỡ. Lập tức Nga nhanh chóng gửi 3,000 lính nhảy dù đến Kazakhstan.
Ngày 7/01 Tokayev tuyên bố “Trật tự hiến pháp phần lớn đã được khôi phục trên các vùng đất nước”. Ông cũng ra lệnh cho “quân đội bắn mà không báo trước vào bất kỳ ai biểu tình, gọi những người biểu tình là “kẻ cướp và khủng bố”, cho nên việc sử dụng vũ lực sẽ được tiếp tục”. Tokayev còn nói rằng những lời kêu gọi từ nước ngoài yêu cầu hai bên đàm phán để tìm ra giải pháp hòa bình cho các vấn đề là vô nghĩa. Tokayev cám ơn Nga đã đưa hàng ngàn binh lính vào giúp ổn định trật tự.
Các ngày 8, 9, 10 và 11 tháng 01/2022 tình hình bên ngoài yên ắng dù lò lửa đang ngấm ngầm còn sôi sục bên trong. Trong cuộc biểu tình này có nhân vật cao cấp là cựu Thủ tướng Karim Massimov của Kazakhstan đã bị bắt vì tình nghi âm mưu lật đổ chế độ. Sự nghi ngờ này được giới quan sát quốc tế cho là có cơ sở, còn thế lực nào chống lưng Massimov thì còn trong bí ẩn, vì liên hệ của ông ta khá phức tạp: Năm 1988-1989, Massimov qua Trung Cộng học tiếng Tàu tại Viện Ngôn Ngữ Bắc Kinh, ông là giảng viên tại Đại Học Luật Khoa Vũ Hán từ năm 1989-1991; Sau đó đến Mỹ vào Đại học Columbia ở New York. Rồi đến Nga học tiến sĩ tại Đại Học Kỹ thuật và Quản trị Quốc Gia ở Moscow. Cùng năm đó, ông trình luận án tiến sĩ với chủ đề “Các vấn đề hình thành nền công nghiệp của Cộng hòa Kazakhstan và cách giải quyết”.
Vấn đề không phải trong nội bộ Kazakhstan
Trong khẩu hiệu của đoàn người biểu tình lúc đầu đòi giảm giá xăng và sau đó đòi chính quyền Kazakhstan phải từ chức.
Đòi hỏi thứ nhất chỉ để yểm trợ cho đòi hỏi thứ hai. Chính quyền ở Kazakhstan hiện nay dưới sự đều khiển của Nga, trong khi kinh tế do Trung cộng điều khiển. Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan thì Trung Cộng càng tăng tốc độ đẩy nhanh quyền lực mềm vào Kazakhstan. Khi cán cân chính trị bị chuyển dịch bới sức hút của đồng tiền qua chiến lược “Vành Đai, Con Đường” buộc Nga phải giữ ưu thế của mình. Mặc dù bên ngoài Nga-Trung hữu hảo bắt tay nhau để chống Mỹ, nhưng bên trong, nhất là tại Kazakhstan đã thấy ló ra sự đối đầu vì quyền lực và quyền lợi. Khi Nga đưa quân vào Kazakhstan thì truyền thông Trung Cộng đưa tin Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị tuyên bố “… BTNG/TC mô tả các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kazakhstan là “khủng bố” và cam kết bảo vệ đất nước Trung Á trước “sự can thiệp của nước ngoài”. Vế thứ nhất “chống khủng bố” là nói xạo nhằm xoa dịu và lấy lòng Mỹ và các nước Tây Phương, nhưng vế thứ hai rõ ràng chống Nga đưa quân vào Kazakhstan.
Miếng xương khó gặm
Khi Nga đã đem quân vào, thì họ khó rút ra, cho nên Trung Cộng kẹt trong thế “tiến thoái lưỡng nan”! Im lặng thì một ngày nào đó hành lang chiến lược “Vành Đai, Con Đường” bị Nga kiểm soát. Chống Nga thì rơi vào điều mà Mỹ muốn.
Một bài toán nữa mà Trung Cộng phải giải đáp, nếu Bắc Kinh không kiểm soát được giới lãnh đạo Kazakhstan thì theo thời gian họ sẽ tiến đến dân chủ (dù dân chủ nửa vời). Đặc biệt dân nước này theo Hồi Giáo và chỉ cách Tân Cương 300 cây số. Dân Hồi Giáo tin Alla chứ không tin tư tưởng nào khác, còn tư tưởng Mao thì người Hồi Giáo bịt mũi! Do đó họ sẽ không bỏ rơi đồng đạo của họ là người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang bị Trung Cộng diệt chủng.
Tình hình bất ổn gia tăng đột ngột ở Kazakhstan cho thấy một góc khuất của thế giới đang nổi sóng, làm cho tình hình Trung Á vốn bấp bênh nay lại trở thành nguy hiểm. Nó một lần nữa cho thấy một số thế lực nước ngoài vì quyền lợi chẳng bao giờ để thế giới yên.
Ngày 12/01/2022
Lê Thành Nhân