Tin tức thế giới Thứ năm 16 tháng 12 năm 2021
Võ Thái Hà tổng hợp
Một số khám phá mới về biến thể Omicron – Reuters
Sự khác biệt chính trong cách biến thể Omicron và các biến thể khác nhân lên sẽ giúp dự đoán tác hại của Omicron, các nhà nghiên cứu cho biết hôm 15/12.
So với Delta, biến thể Omicron tự nhân lên nhanh hơn gấp 70 lần trong các mô trong đường thở và điều này càng làm cho sự lây bệnh từ người này sang người khác dễ dàng hơn, theo các nhà khoa học. Tuy nhiên, trong mô phổi, quá trình tự nhân lên của Omicron chậm đi gấp 10 lần so với phiên bản gốc của virus corona, và điều này có thể góp phần làm cho bệnh đỡ trầm trọng hơn.
Báo cáo chính thức của các khám phá này đang được phối kiểm chéo để đăng tải và chưa được nhóm nghiên cứu công bố. Trong thông cáo báo chí do Đại học Hong Kong phát hành, lãnh đạo cuộc nghiên cứu, Tiến sĩ Michael Chan Chi-wai nói: “Quan trọng cần lưu ý là tính trầm trọng của bệnh COVID nơi người không chỉ được định đoạt bởi sự nhân lên của virus” mà còn bởi đáp ứng miễn dịch của mỗi người một khi bị nhiễm virus mà đôi khi tiến triển lên thành những chứng viêm chết người.
Omicron bám chặt tế bào hơn, chống cự một số kháng thể
Cách biến thể Omicron bám víu vào tế bào và kháng thể cho thấy cách vận hành của chúng và sẽ giúp thiết lập ra các kháng thể trung lập hoá virus, theo các nhà nghiên cứu.
Dùng các mô hình máy tính của gai protein trên bề mặt Omicron, các nhà khoa học phân tích sự tương tác phân tử xảy ra khi gai của Omicron bám vào protein trên bề mặt tế bào gọi là ACE2, cửa ngõ chính để virus đi vào tế bào con người.
Nói một cách ví von, virus giống như bắt tay với ACE2, nhưng cái ‘nắm tay’ của Omicron trông như ‘cặp tình nhân siết chặt tay, từng ngón tay đan vào nhau,’ nhà nghiên cứu Joseph Lubin thuộc Đại học Rutgers ở New Jersey mô tả. Sự bám chặt này có thể giúp giải thích cách biến thể Omicron phối hợp để xâm nhập vào tế bào, ông Lubin nói.
Toán nghiên cứu này cũng tạo mẫu hình gai protein qua máy tính với nhiều lớp kháng thể tìm cách tấn công. Các kháng thể tấn công từ nhiều góc cạnh, một số dường như bị hất tung, một số dường như vẫn hiệu quả. Các mũi vaccine tăng cường tăng mức kháng thể lên, tạo ra nhiều ‘cầu thủ phòng vệ’ hơn. Kết quả cuộc nghiên cứu đăng trên trang web bioRxiv trước khi được giới chuyên môn trong ngành phối kiểm chéo. Kết quả này cần được xác minh bằng các mẫu bệnh phẩm trong đời thực, ông Lubin nói.
Ngoại trưởng Mỹ rút ngắn chuyến công du Đông Nam Á vì COVID
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Sân bay Subang Airport, ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 14 tháng 12, 2021.
Sau một ca COVID trong phái đoàn báo chí tháp tùng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/12 cắt ngắn chuyến công du Đông Nam Á có trọng tâm vực dậy các mối quan hệ với khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng cao.
Ngoại trưởng Blinken lẽ ra có các cuộc họp tại Thái Lan ngày 15/12 nhưng đã thông báo với Ngoại trưởng Thái rằng ông sẽ trở lại Washington để phòng hờ các rủi ro, một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Hôm 14/12 tại Kuala Lumpur của Malaysia, Ngoại trưởng Blinken và các giới chức cao cấp xét nghiệm âm tính COVID nhưng một ký giả trong đoàn báo chí tháp tùng có kết quả dương tính với COVID.
Đây là chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của ông Blinken kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức đầu năm nay.
Trong diễn văn tại một đại học ở Indonesia hôm 14/12, Ngoại trưởng Blinken đề cập tới chiến lược thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tăng cường các chuỗi cung ứng, đồng thời thăng tiến các liên minh có hiệp ước với Hoa Kỳ, mở rộng hợp tác tình báo và quốc phòng với các nước khác.
Bài diễn văn chỉ trích thẳng hành vi của các công ty Trung Quốc và các ‘hành động gây hấn’ của Bắc Kinh mà ông Blinken nói là đã khiến cho khu vực ngày càng quan ngại.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng 770 tỉ đô
Thượng viện Mỹ ngày 15/12 biểu quyết áp đảo thông qua một phiên bản của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho phép chi tiêu quốc phòng 770 tỉ đô la, tức hơn mức đề nghị của Tổng thống Joe Biden 25 tỉ đô la. Dự luật nay được chuyển sang Toà Bạch Ốc để Tổng thống ký ban hành thành luật.
Tỉ lệ phiếu biểu quyết là 88-11, được cả phe Cộng hoà lẫn Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ. Tuần trước, dự luật này được Hạ viện thông qua với tỉ lệ phiếu là 363-70.
Cho phép tăng chi tiêu quân sự khoảng 5% so với năm ngoái, NDAA trong năm tài khoá 2022 là một sự thoả hiệp sau các thương lượng căng thẳng và tranh cãi về chính sách của Nga và Trung Quốc.
Dự luật này cho phép tăng lương 2,7% cho binh sĩ, mua thêm tàu hải quân và máy bay chiến đấu cùng với các sách lược đối phó với các mối đe doạ địa chính trị, đặc biệt từ Nga và Trung Quốc.
NDAA cho năm tài khoá mới cũng bao gồm 300 triệu đô la dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, 4 tỉ đô la cho Sáng kiến Phòng thủ Châu Âu và 150 triệu đô la cho hợp tác an ninh vùng Baltic.
Về Trung Quốc, dự luật bao gồm 7,1 tỉ đô la cho Sáng kiến Nghênh cản ở Thái Bình Dương, một tuyên bố về sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ dành cho quốc phòng Đài Loan, cùng lệnh cấm Bộ Quốc phòng Mỹ mua sắm các sản phẩm sản xuất từ sự cưỡng bức lao động ở Tân Cương, Trung Quốc.
Thượng đỉnh trực tuyến: Putin-Tập Cận Bình ca tụng quan hệ “kiểu mẫu” Nga-Trung
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện qua cầu truyền hình với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tư dinh ở vùng ngoại ô Matxcơva (Nga) ngày 15/12/2021. via REUTERS – SPUTNIK
Theo AFP, hôm nay, 15/12/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm qua video, giữa lúc cả hai nước đều có những căng thẳng trong quan hệ với phương Tây.
Cuộc hội đàm được truyền một phần qua truyền hình Nga, cho thấy nguyên thủ hai nước đều tỏ ra thân thiện, hiểu biết nhau và đoàn kết với nhau trước những chỉ trích của phương Tây đối với Matxcơva trên hồ sơ Ukraina và với Bắc Kinh trong hồ sơ Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Đó là những màn tán tụng nhau. Ông Vladimir Putin ca ngợi mối quan hệ giữa hai cường quốc dựa trên cơ sở « không can thiệp » và « tôn trọng lợi ích của nhau » và quyết tâm biến đường biên giới chung thành vành đai hòa bình vĩnh cửu và láng giềng tốt. Tổng thống Nga khẳng định mối quan hệ hai nước là hình mẫu của quan hệ giữa các quốc gia trong thế kỷ 21.
Rõ ràng cuộc nói chuyện giữa nguyên thủ hai nước Nga –Trung thân thiện hơn rất nhiều so với các cuộc đối thoại gần đây của hai ông với tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bắc Kinh và Matxcova đều đánh giá hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vì dân chủ mà tổng thống Mỹ chủ trì tuần trước như là một hoạt động thù địch với Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Putin khẳng định lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại Bắc Kinh vào tháng Hai năm tới, nhân sự kiện Thế Vận Hội mùa đông khai mạc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án quyết định tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 của các nước Hoa Kỳ, Anh, Canada và Úc vì những lý do vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương
Nhận thấy Nga cũng từng bị phương Tây bài xích trong lĩnh vực thể thao, ông Putin lên án và phản đối « mọi ý đồ chính trị hóa thể thao và phong trào Olympic ».
Nhật Bản và Mỹ dự định tổ chức họp 2+2. (NHK)
Theo nguồn tin chính phủ, cuộc họp của bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao hai nước sẽ diễn ra vào ngày 07/01/2022 để tăng cường hợp tác song phương về mặt quốc phòng. Hai chủ đề chính sẽ được quan chức hai nước đề cập là sự tăng cường hoạt động hàng hải của Trung Quốc và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Moldova khẳng định lựa chọn muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. (Reuters)
Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 14/12/2021, tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết là đã thông báo cho Nga về lựa chọn này. Những bình luận của nữ nguyên thủ quốc gia giành độc lập khỏi Liên Xô năm 1991, khẳng định rõ hơn chiến lược xích lại với phương Tây kể từ khi đảng cải cách của bà Maia Sandu giành chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử tổng thống tháng 07/2021.
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất dọa hủy hợp đồng F-35 với Mỹ. (AFP)
Tuy nhiên, phát biểu tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 15/12/2021, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trấn an Washington vẫn sẵn sàng bán chiến đấu cơ cho quốc gia vùng Vịnh. Trước đó một ngày, một quan chức của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất nêu lý do « những đòi hỏi kỹ thuật, hạn chế hoạt động » và « phân tích kinh phí và lợi ích » không có lợi như mong muốn nên đã thông báo cho Hoa Kỳ là sẽ ngừng các cuộc đàm phán để mua khoảng 50 chiến đấu cơ F-35.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản huấn luyện cho Cảnh sát biển Việt Nam
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Cảnh sát biển Việt Nam trong một đợt huấn luyện chung ở Đà Nẵng trước đây. AFP PHOTO
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với sự phối hợp của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã tiến hành khóa huấn luyện trực tuyến cho Cảnh sát biển Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 15/12/2021.
The Foreign Broadcast Information Service (FBIS) dẫn từ truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 15/12.
Khóa đào tạo này nằm trong chương trình hợp tác kỹ thuật ‘Đào tạo nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam’ được tổ chức cho 10 học viên là sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã trình bày các bài giảng về ‘Luật pháp quốc tế và thực thi luật pháp trên biển’ và ‘Kỹ thuật dự báo và xử lý vật thể trôi dạt trên biển’, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật hạn chế tội phạm.
Được biết, chương trình hợp tác kỹ thuật này cùng với dự án cho vay ‘Tăng cường năng lực bảo đảm an toàn và an ninh trên biển ở Việt Nam’ nhằm nâng cao nhanh chóng năng lực cứu hộ và thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, đảm bảo tự do hàng hải và an toàn trong Lãnh hải của Việt Nam.
Chương trình hợp tác này cũng nhằm đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững, hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tàu chiến Đức vào Biển Đông, TQ tập trận ở Vịnh Bắc Bộ
Nguồn hình ảnh, Getty Images Chụp lại hình ảnh,
Tàu Bayern khởi hành hôm 2/8 từ căn cứ hải quân Wilhelmshaven ở tây bắc Đức
Chiến hạm Bayern của Đức hôm thứ Tư 15/12 tiến vào Biển Đông, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua.
Bước đi này cho thấy Berlin đang cùng các quốc gia phương Tây khác mở rộng hiện diện quân sự của mình tại khu vực giữa lúc đang có những báo động ngày càng tăng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Cùng ngày, Trung Quốc lại tiến hành tập trận ở vùng biển có tranh chấp, trong lúc Hoa Kỳ đẩy mạnh hoạt động do thám, South China Morning Post tường thuật, trong lúc căng thẳng dâng cao trong khu vực.
Trung Quốc liên tiếp diễn tập bắn đạn thật
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu từ hôm thứ Tư tiến hành ít nhất ba cuộc diễn tập bắn đạn thật tại vùng biển ở phía đông và nam Đảo Hải Nam và trong Vịnh Bắc Bộ, theo thông báo của các cơ quan an toàn hàng hải địa phương.
Mới chỉ tuần trước, quân đội Trung Quốc đã diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông ‘trong vài ngày’, nhật báo PLA của quân đội Trung Quốc đưa tin.
Theo tường thuật của PLA hôm Chủ Nhật, Hạm đội Nam Hải đã có các hoạt động bắn súng, dò mìn, bay trực thăng bên trên và diễn tập công tác cứu hộ.
Tin cho hay hôm thứ Ba, phi cơ do thám đã rời căn cứ quân sự của Hoa Kỳ đóng tại Okinawa, bay tới gần đường bờ biển Quảng Đông và đảo Hải Nam, thực hiện cuộc tuần tra “rất sát” với các điểm dự kiến diễn tập trong tuần này của quân đội Trung Quốc.
Sự lựa chọn của Đức
Nếu như Hoa Kỳ và Trung Quốc không ngần ngại tỏ rõ thái độ qua mỗi hoạt động ở Biển Đông, thì Đức dường như đang chọn cách tiếp cận mềm dẻo hơn.
Tàu Bayern của hải quân Đức đi vào vùng biển này, dự kiến sẽ tới Singapore trong vài hôm tới, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết hôm thứ Tư.
Tàu Bayern với sứ mệnh tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương rời Đức khi bà Merkel còn dẫn dắt đất nước và tới nơi khi ông Olaf Scholz đã lên thay vị trí thủ tướng
Khu trục hạm Bayern là chiến hạm đầu tiên của Đức vào Biển Đông kể từ 2002 tới nay.
Tàu khởi hành hôm 2/8 từ căn cứ hải quân Wilhelmshaven ở tây bắc Đức, dưới thời chính quyền bà Angela Merkel.
Giới chức từ Berlin, nay dưới sự lãnh đạo của ông Olaf Scholz, nói hải quân Đức sẽ đi theo tuyến hải hành thương mại chung.
Khu trục hạm của Đức được trông đợi là sẽ không đi qua Eo biển Đài Loan, hoạt động mà hải quân Hoa Kỳ thường tiến hành và luôn bị Bắc Kinh lên án.
Đức hiện đang đi dây giữa vấn đề an ninh và quyền lợi kinh tế, bởi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Bắc Kinh.
Phương Tây lo ngại
Hải quân Hoa Kỳ trong những năm qua đã thường xuyên thực hiện chiến dịch được gọi là “tự do hàng hải”, cho tàu đi tới gần một số hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc phản đối, cho rằng hành động của Hoa Kỳ là gây bất ổn cho hòa bình khu vực.
Hoa Kỳ và các đồng minh tập trận vì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Washington coi việc duy trì đối trọng với Trung Quốc là điều then chốt, nằm ở trung tâm chính sách an ninh quốc gia, và muốn các đồng minh tập hợp lại để đối phó với điều mà Hoa Kỳ gọi là chính sách kinh tế, ngoại giao ngày càng mang tính cưỡng bức.
Tuy không áp dụng cách tiếp cận như Hoa Kỳ, nhưng khi gửi tàu chiến tới khu vực, chính phủ trước của Đức đã tỏ rõ rằng sứ mệnh của tàu Bayern là nhằm nhấn mạnh việc Đức không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đây là vùng biển 40% tổng giá trị ngoại thương của EU cần đi qua, theo Reuters.
Các nước trong đó có Anh, Pháp, Nhật, Úc và New Zealand cũng đã mở rộng hoạt động tại Thái Bình Dương để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Là vùng biển giàu tài nguyên và cũng nắm giữ vị trí giao thương then chốt toàn cầu, Biển Đông cũng là nơi gây tranh chấp gay gắt giữa Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực.
Một phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại The Hague (PCA) hồi 7/2016 đã bác các yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích vùng biển này, nhưng Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận nội dung phán quyết, và không ngừng tiếp tục gia tăng các hành động nhằm xác quyết chủ quyền lãnh thổ.
Trung Quốc thuê công ty Mỹ quảng cáo cho Olympic 2022
Biểu tượng Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 tại Olympic Green (ảnh: Shuttestock).
Trong bối cảnh phong trào tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 ngày càng tạo ra sức ép mạnh mẽ, chính quyền Trung Quốc đã thuê một công ty Vippi Media quảng cáo giúp họ sự kiện Olympic dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 4/2, theo Vision Times.
Hiện các tổ chức nhân quyền đã yêu cầu NBC và các đài truyền hình khác của Mỹ không phát sóng thế vận hội mùa đông diễn ra tại Bắc Kinh. Một số công ty Mỹ như Coca-Cola, Visa, Intel cũng chịu áp lực rút khỏi tài trợ cho Olympic Bắc Kinh.
Phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu Vippi Media thuê 8 người có sức ảnh hưởng lớn trong truyền thông để sản xuất ít nhất 24 nội dung về Olympic, sau đó đưa lên các nền tảng mạng xã hội có ảnh hưởng lớn như Instagram, Twitter và TikTok.
Hợp đồng giữa chính quyền Trung Quốc và Vippi Media quy định rằng 70% nội dung mà Vippi chuyển tải là những điều thú vị và ý nghĩa về Olympic Bắc Kinh vào thời điểm “trước, trong, và sau mỗi trận đấu”.
20% nội dung tiếp theo nói về hợp tác Mỹ – Trung và những điều tốt đẹp khác, ví dụ như hợp tác Mỹ – Trung trong chống biến đổi khí hậu và tìm kiếm nguồn năng lượng mới.
10% nội dung còn lại tập trung vào các tìm kiếm nóng và các tin tức thời sự được cung cấp bởi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Công ty Vippi Media có trụ sở chính tại Englewood, bang New Jersey. Hợp đồng giữa Đại sứ quán Trung Quốc tại New York và Vippi Media có hiệu lực từ ngày 22/11 đến ngày 13/3 năm sau. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ phải trả cho Vippi 300.000 USD, và Vippi đã nhận trước 210.000 USD.
Vào đầu tháng này, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Vương quốc Anh và các quốc gia khác đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh để chống lại các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
XEM THÊM QUA GOOGLE DRIVE
Ls. Nguyễn Văn Miếng – Tiếng vọng Đồng Tâm – 16/12/2021
Một phiên tòa xét xử vội vã, liên tục, không nghỉ trưa, hạn chế phần tranh luận, không trình chiếu chứng cứ, không triệu tập người làm chứng và giám định viên tư tưởng, nghị án trong 10 phút và tuyên một bản án 16 năm tù cho hai nông dân như chạy đua với thời gian.
Ông Phương và bà Tâm bình thản lắng nghe tòa tuyên án và nói với các luật sư: chúng tôi sẽ kháng cáo.
Viết trong gác trọ, Hà Nội chuông nhà thờ đang đổ, lời thánh ca Maranatha(*) nhà ai vọng lại, báo hiệu Lễ Giáng Sinh sắp đến và năm cũ sẽ trôi vào dĩ vãng.
Phạm Nguyên Trường – Đọc tác phẩm bàn về Tự Do, nghĩ về Đa Nguyên Đa Đảng – 15/12/2021
Ngày 14 tháng 12 năm 2021 Phạm Đoan Trang nói trước tòa: “Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả 6 tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào…
I. Đa nguyên
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một khu rừng tự nhiên chỉ có một loại cây hay chưa? Câu trả lời chắc chắn là: Chưa! Rừng tự nhiên bao giờ cũng có nhiều loại cây, nhiều tầng lá, cây nọ sống dựa vào cây kia, cây này che nắng cho cây kia, cây này giữ nước cho cây kia, lá của cây này bị sâu ăn thì cây kia có hoa thu hút ong tới để diệt bớt sâu đi… vì thế mà rừng tự nhiên không cần bón phân, không cần tưới nước hay bắt sâu. Nhưng nếu muốn khu rừng chỉ có một loại cây thì sẽ phải can thiệp thường xuyên: làm cỏ, bón phân, tưới nước, phun thuốc trừ sâu…
Đại sứ quán Mỹ hứng bình luận trái chiều sau khi kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang – RFA – 16/12/2021
Đại sứ quán Mỹ hứng bình luận trái chiều sau khi kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang
Bài đăng trên Fanpage của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang, thu hút sự quan tâm của dư luận khi có đến hơn 1.500 bình luận sau một ngày đăng tải, trong số đó có nhiều bình luận trái chiều.
“Hoa Kỳ lên án việc buộc tội và kết án chín năm tù đối với nhà báo và tác giả Phạm Đoan Trang, người chỉ đơn thuần bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà.” – Tuyên bố của ông Ned Price – Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14/12 thể hiện.
Bình luận nhận được nhiều lượt tương tác nhất (300 reactions) dưới bài đăng của Đại sứ quán Mỹ là bình luận của Facebook N.H.K.
Người này cho rằng: “Đừng mang giá trị Mỹ đi áp đặt ở các quốc gia khác vì không phải nơi nào cũng giống nước Mỹ”, và khẳng định “Mỹ có thể dạy Việt Nam về kinh tế, khoa học, công nghệ. Ngược lại Việt Nam có thể dạy Mỹ hiểu cho đúng về nhân quyền đó”.
Gs. Nguyễn Văn Tuấn – Biến thể Omicron: hiểu như thế nào cho đúng? – 16/12/2021
Một cách ngắn gọn: không ai biết. Tất cả các vaccine được thiết kế phòng chống biến thể gốc, do đó vaccine hiện hành có hiệu quả thấp đối với biến thể Delta (và đó cũng là lí do tại sao nhiều nước ghi nhận sự gia tăng số ca với biến thể Delta). Suy ra từ đó, chúng ta có thể đoán rằng các vaccine cũng có hiệu lực với biến thể mới nhưng chắc chắc không cao như thấy trong thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, có vài thông tin đáng chú ý về biến thể Omicron. Ở Hồng Kong, các giới chức y tế phát hiện 2 người phát hiện bị nhiễm biến thể Omicron và cả hai đều được tiêm chủng 2 liều vaccine Pfizer. Ở Phi châu, người ta cũng ghi nhận hơn 100 ca nhiễm đột phá với Omicron là thủ phạm. Những thông tin này khó nói lên điều gì, nhưng nó cho thấy vaccine không hẳn là cái ‘áo giáp’ chống lại tất cả biến thể của con nCov.
Tuệ Sỹ : Thời kỳ Hốt Tất Liệt và Phật giáo Trung nguyên – Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021
Sự kiện quy định hành trì hệ Luật Căn bản Hữu bộ thay cho hệ Luật Tứ phần đáng được nhận thức rằng một khi thay đổi chế độ sinh hoạt của tăng-già, vốn là mạng mạch của Phật pháp, tất cũng thay đổi cả tập quán tư duy, và rồi người Mông Cổ sẽ ngự trị Trung nguyên không phải chỉ bằng vũ lực, mà thống trị cả mặt văn hóa. Văn tự Mông Cổ do Bát-tư-ba sáng chế thay thế văn tự Hán, đó là cơ sở để thiết lập cơ sở cho một nền văn hóa Mông Cổ đối trị văn hóa lâu đời của người Hán. Luật Căn bản Hữu bộ thay thế Luật Tứ phần, là cơ sở cho một ý thức mới: ý thức hệ dân tộc Mông Cổ.
Nhưng ý đồ của Hốt-tất-liệt, dựa trên Phật giáo Tây Tạng để thống trị Trung Quốc không chỉ bằng vũ lực mà còn cả về tư tưởng, tôn giáo, chính trí xã hội; nếu suy luận này của chúng ta không lạc hướng, thế thì lịch sử chứng tỏ ý đồ này đã thất bại. Ý nghĩa của sự thất bại này thuộc phạm vi nghiên cứu của các nhà văn hóa và sử học.
Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt nhân quyền lên Trung Quốc, Myanmar và Triều Tiên – Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp) – 15/12/2021
Các bức ảnh do truyền thông Myanmar đăng lên cho thấy những con phố và khu chợ vắng vẻ ở các thị trấn trên khắp cả nước, trong khi những người biểu tình ở thành phố Shwebo, miền bắc nước này mặc quần áo đen và tuần hành trong im lặng.
“Chúng tôi cần gửi một thông điệp ra thế giới về những vi phạm nhân quyền khủng khiếp ở Myanmar”, thủ lĩnh cuộc biểu tình Khin Sandar nói với truyền thông.
“Im lặng là tiếng thét lớn nhất. Chúng tôi muốn giành lại quyền lợi của mình. Chúng tôi muốn cách mạng. Chúng tôi bày tỏ nỗi đau đối với những anh hùng đã ngã xuống”, bà Khin Sandar nói thêm.
Đài Loan bị Nhà Trắng Mỹ “kiểm duyệt” ngay tại Thượng Đỉnh vì Dân Chủ – Trọng Nghĩa / RFI – 15/12/2021
Tổng thống Biden bị đối lập tố cáo mềm yếu trước Bắc Kinh
Dẫu sao thì sự cố tấm bản đồ Đài Loan đã khiến chính quyền Biden bị chỉ trích. Trong một bức thư đề ngày 14/12/2021, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Marco Rubio, một chính khách nổi tiếng cứng rắn với Trung Quốc đã yêu cầu tổng thống Joe Biden phải xin lỗi Đài Loan về vụ kiểm duyệt phát biểu của bà bộ trưởng Đài Loan nhân Thượng Đỉnh vì Dân Chủ.
Ông Rubio còn tố cáo tổng thống Mỹ là mềm yếu trước Bắc Kinh khi “giáng cấp” đại diện của Đài Loan tại thượng đỉnh, không mời tổng thống hay thủ tướng Đài Loan như trong trường hợp các nước khác, đồng thời yêu cầu ông Biden sửa chữa sai lầm nhân hội nghị Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần thứ hai, dự trù tổ chức trực tiếp vào năm tới.