Thời sự thế giới Chủ nhật 05 tháng 12 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp
Pháp : Cánh hữu chọn nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên
Bà Valérie Pécresse tại cuộc họp báo ngày 02/12/2012 tại Paris, Pháp. AP – Christophe Ena
Lần đầu tiên, cánh hữu tại Pháp có một nữ ứng cử viên tổng thống. Hôm nay, 04/12/2021, các đảng viên của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) đã bầu chọn bà Valérie Pécresse, chủ tịch vùng Ile-de-France, làm ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Trong cuộc bỏ phiếu vòng đầu hôm 02/12, các đảng viên đảng Những Người Cộng Hòa đã chọn bà Pécresse vào vòng hai cùng với ông Eric Ciotti, dân biểu Quốc Hội vùng Alpes-Maritimes, một nhân vật theo xu hướng nghiêng về phía cực hữu hơn. Kết quả rất sát sao vì ông Ciotti đã bất ngờ về nhất, loại cả 2 ứng cử viên nặng ký là Xavier Bertrand và Michel Barnier, với 25,6% số phiếu, trong khi bà Pécresse, về nhì, thu được 25%, tức là cách biệt chưa tới 700 phiếu.
Ngay sau khi có kết quả, 3 ứng cử viên bị loại ở vòng đầu Xavier Bertrand, Michel Barnier et Philippe Juvin đều kêu gọi dồn phiếu cho bà Valérie Pécresse, một nhân vật có xu hướng ôn hòa. Ngoài ra, tính đến tối 02/12, nữ ứng cử viên này nhận được sự ủng hộ của tổng cộng 170 nghị sĩ Quốc Hội.
Nhờ những sự ủng hộ nói trên mà trong cuộc bầu cử hôm nay, bà Pécresse đã thu được đến 69,95%, còn đối thủ Ciotti chỉ được 39,05%.
Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò cho tới nay, ứng cử viên của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa cũng sẽ đứng sau hai ứng cử viên tổng thống đã từng lọt vào vòng hai trong cuộc bầu cử năm 2017 : tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron và chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia Marine Le Pen.
Bị Bắc Kinh chặn hàng xuất sang Trung Quốc, Litva kêu gọi Liên Âu đáp trả
Ảnh minh họa: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (P) trong cuộc họp báo tại Litva, cùng với thủ tướng Ingrida Simonyte (T), chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tổng thống Litva Gitanas Nauseda ngày 28/11/2021. © AP Photo/Mindaugas Kulbis
Chính quyền Vilnius ngày 03/12/2021 chỉ trích việc Trung Quốc ngăn chặn, phong tỏa xuất khẩu hàng hóa của Litva nhằm trả đũa việc Litva cho mở văn phòng đại diện của Đài Loan tại Vilnus.
Theo AFP, ông Vidmantas Janulevicius, chủ tịch Liên đoàn các nhà công nghiệp Litva, ngày 03/12/2021 nói với truyền thông trong nước rằng ông đã biết về việc 5 công ty của Litva đang phải đối mặt với vấn đề Trung Quốc phong tỏa xuất khẩu. Ông Janulevicius nói : “Litva bị loại khỏi hệ thống hải quan” và dường như “không còn tồn tại trong hệ thống hải quan Trung Quốc”.
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Litva cho biết họ sẽ tìm cách để Liên Hiệp Châu Âu có phản ứng đáp trả Trung Quốc : “Tuần tới, Litva sẽ chính thức yêu cầu Ủy Ban Châu Âu tham gia vào việc bảo vệ lợi ích của Litva liên quan đến quyết định của Trung Quốc ngừng chấp nhận các sản phẩm của Litva”.
Mâu thuẫn giữa Vilnus và Bắc Kinh thời gian qua chủ yếu liên quan đến quyết định của Vilnius cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Vilnus với tên gọi Đài Loan chứ không phải Đài Bắc, điều vẫn bị Trung Quốc phản đối vì tên gọi Đài Loan sẽ mang lại tính hợp pháp quốc tế cho hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ phải được thống nhất với Hoa lục, nếu cần sẽ sử dụng cả vũ lực.
Việc mở văn phòng Vilnius là dấu hiệu mới nhất cho thấy một số quốc gia vùng Baltic và một số nước Trung Âu đang tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan, cho dù vấp phải thái độ khó chịu của Trung Quốc.
Vào tháng 5/2021, Litva thông báo rời Diễn đàn hợp tác 17+1 (gồm Trung Quốc và 16 nước Đông – Trung Âu), bởi vì theo Vilnius, đây là “nguồn gốc của sự chia rẽ”. Đến tháng 07/2021, tuyên bố mở cơ quan đại diện của Đài Loan tại Vilnius đã châm ngòi cho một chiến dịch gây áp lực của Trung Quốc nhằm cô lập thêm Đài Loan trên trường quốc tế. Vào ngày 25/11, Trung Quốc đã thông báo ngưng hoạt động cấp thị thực nhập cảnh tại Litva, 4 ngày sau khi cắt giảm các quan hệ thương mại và ngoại giao với Vilnius.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ: Các chuyến bay của TQ gần Đài Loan giống như ‘diễn tập’ – 05/12/2021 – Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày thứ Bảy cho biết các chuyến bay quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan trông giống như “các cuộc diễn tập” mặc dù ông không nói ông dự liệu Bắc Kinh sẽ thực sự tiến hành các hoạt động như vậy.
Căng thẳng giữa xuyên eo biển đã gia tăng trong những tháng gần đây. Đài Loan từ hơn một năm qua đã phàn nàn về các phi vụ mà không quân Trung Quốc liên tục thực hiện gần hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
“Tôi không muốn suy đoán, nhưng chắc chắn … trông rất giống các cuộc diễn tập,” ông Austin nói trong khi phát biểu tại một hội nghị ở California.
Các chuyến bay huấn luyện quân sự theo định nghĩa là các cuộc diễn tập cho các hoạt động tác chiến tiềm năng.
Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thu phục Đài Loan, bất chấp việc hòn đảo này tuyên bố rằng họ là một quốc gia độc lập sẽ bảo vệ nền tự do và dân chủ của mình.
Mỹ ủng hộ quyết định của WTA ngừng giải đấu ở Trung Quốc – 04/12/2021 – Reuters
Tay vợt Trung Quốc Bành Soái không được nhìn thấy ở nơi công cộng trong gần ba tuần sau khi cô cáo buộc cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ ép buộc cô quan hệ tình dục.
Mỹ nói họ “hoan nghênh” Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) về quyết định đình chỉ các giải đấu ở Trung Quốc vì cách đối xử với Bành Soái, người từng là tay vợt đánh đôi số một thế giới.
Mỹ đang theo dõi tình hình xung quanh cô Bành và chưa nhìn thấy hoặc nghe thấy bất cứ điều gì xoa dịu những lo ngại về sự an toàn của cô, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói ngày thứ Sáu.
Cô Bành không được nhìn thấy ở nơi công cộng trong gần ba tuần sau khi cô đăng một thông điệp lên mạng xã hội vào tháng 11 cáo buộc cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ ép buộc cô quan hệ tình dục. Tung tích của cô trở thành vấn đề được quốc tế quan tâm.
Cả ông Trương, người đã nghỉ hưu vào năm 2018, và chính phủ không bình luận gì về cáo buộc của cô Bành và chủ đề này bị chặn trên mạng internet bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc.
Quyết định của WTA, có thể khiến tổ chức quần vợt nữ này mất hàng trăm triệu đôla tiền phát sóng và quảng cáo, đã được những người trong giới hoan nghênh.
Hôm thứ Năm, Bắc Kinh bày tỏ phẫn nộ về việc tạm dừng các giải đấu WTA ở Trung Quốc, với việc bộ ngoại giao nước này nói rằng Trung Quốc “phản đối chính trị hóa thể thao.”
Cô Bành, vận động viên ba lần tham dự Thế vận hội, tái xuất hiện vào giữa tháng 11 tại một bữa ăn tối với bạn bè và một sự kiện quần vợt trẻ em ở Bắc Kinh, theo các bức ảnh và video được truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết họ đã tổ chức cuộc gọi video thứ hai với tay vợt 35 tuổi vào ngày thứ Tư sau một cuộc gọi vào cuối tháng trước.
Miến Điện : Quân đội tông xe vào người biểu tình ở Rangoon
(Ảnh minh họa) – Người biểu tình đòi dân chủ đối diện với cảnh sát, Rangoon 2021. Ảnh chụp của nhà báo ẩn danh, tác giả bộ ảnh phóng sự “Cuộc cách mạng Mùa Xuân”, được trao giải phóng sự ảnh Prix Bayeur des correspondants de guerre. © Ảnh The New York Times / Giải thưởng quốc tế phóng viên chiến trường Bayeur
Tập đoàn quân sự Miến Điện vẫn tiếp tục tấn công dã man những người ủng hộ dân chủ và biểu tình một cách ôn hòa. Ngày 05/12/2021, quân đội đã cố tình tông xe vào một nhóm người biểu tình ở thành phố Rangoon, khiến 3 người bị thương.
Theo một nhà báo có mặt tại chỗ, được AFP trích dẫn, khi một nhóm người biểu tình ôn hòa ở một phố thương mại tại thủ phủ kinh tế Rangoon để yêu cầu « trả lại chính quyền cho dân » thì một chiếc xe ô tô lớn đã tông thẳng vào họ. Lái xe cố tình « tăng tốc khi lao vào đám đông », « tông vào nhiều người ». « Sau đó, quân nhân trên xe nhảy xuống và bắt đầu bắn » vào người biểu tình. Trong ba người bị thương, có một nhà báo Miến Điện đến đưa tin sự kiện. Nhóm quân nhân đánh ba người đã bị xe tông và ngã dưới đất, « chĩa súng vào những người qua đường ra lệnh giải tán ».
Từ cuộc đảo chính ngày 01/02, đã có hơn 1.300 thường dân bị thiệt mạng, theo thống kê của Hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị Miến Điện (AAPP). Lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi, bị tập đoàn quân sự Miến Điện truy tố với nhiều cáo trạng, trong đó có tội kích động và vi phạm các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19. Tòa đã hoãn tuyên án đến ngày 06/12.
Cũng trong ngày 05/12, tướng Min Aung Hlaing đã đến thăm ông Tin Oo, đồng sáng lập đảng đối lập NLD, và hứa « hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nếu ông Tin Oo thấy cần và bệnh viện quân y sẽ giúp ông ». Theo AFP, đây là cuộc tiếp xúc quan trọng đầu tiên với đảng đối lập NLD kể từ khi tập đoàn quân sự đảo chính.
Tuy nhiên, chuyến thăm này chỉ mang tính hình thức vì ông Tin Oo đã rời chính trường do tuổi cao (98 tuổi) và không còn vai trò quan trọng trong đảng NLD. Theo nhận định của ông Richard Horsey, cố vấn về Miến Điện của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), « vì ông Min Aung Hlaing dường như kiên quyết loại Aung San Suu Kyi và sẽ không gặp bà, nên có thể ông sẽ có những cuộc gặp vô thưởng vô hại khác về mặt chính trị ».
Phải cần một loại vắc xin mới – 04/12/2021
Sếp Biontech, Ugur Sahin, tin rằng về lâu dài người ta cũng sẽ cần một loại vắc xin mới cho biến thể mới Omicron. Ông lo ngại rằng virus có thể lây nhiễm sang những người đã được chích ngừa dễ dàng hơn. Nhưng những người đã được chích ngừa vẫn được bảo vệ khỏi một đợt bệnh nghiêm trọng.
Virus Corona
“Về cơ bản, tôi tin rằng chúng ta sẽ cần một loại vắc-xin mới chống lại biến thể mới này từ một thời điểm nhất định”, Sahin cho biết hôm thứ Sáu tại hội nghị Reuters Next của hãng tin Reuters. Câu hỏi duy nhất chỉ là khi nào thì thời điểm đó sẽ đến. Theo Sahin, về nguyên tắc, không có gì đáng ngạc nhiên khi virus đột biến. Tuy nhiên: “Loại virus đột biến cao này đến sớm hơn tôi dự kiến. Tôi nghĩ nó sẽ đến vào năm sau nhưng bây giờ nó đã có ở đây với chúng ta.”
Người đàn ông 56 tuổi này giả định rằng Omicron sẽ phát triển như một dạng gọi là biến thể thoát kháng thể. Điều này có nghĩa là những người đã được chích ngừa và khỏi bệnh có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn. Biến thể Omicron được phát hiện ở Nam Phi, nhưng đã lan sang nhiều quốc gia khác trước đó và nguồn gốc của nó không rõ ràng. Nó có một số lượng lớn các đột biến trên cái gọi là protein spike, điều này khiến các nhà nghiên cứu lo lắng. Virus sử dụng protein spike để xâm nhập vào các tế bào của con người.
Trước đó, Stéphane Bancel, người đứng đầu nhà sản xuất vắc xin Moderna, cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự. Bancel cho biết hôm thứ Ba trên tờ báo Anh “Financial Times” rằng sẽ cần một loại vắc-xin thích ứng. “Tất cả các nhà khoa học mà tôi đã nói chuyện đều có cùng quan điểm: Trông có vẻ không tốt.”
Tuy nhiên, Biontech có thể thích ứng vắc-xin của mình tương đối nhanh chóng, Sahin cho biết hôm thứ Sáu – trong vòng 100 ngày. Công nghệ mRNA mới của vắc-xin từ Biontech và Moderna cho phép thích ứng nhanh chóng với các đột biến. Các nhà sản xuất vắc xin trên khắp thế giới ngay từ bây giờ đã xét nghiệm tác động của biến thể Omikron.
Sahin cho biết các loại vắc xin hiện có vẫn tiếp tục bảo vệ chống lâm bệnh nghiêm trọng. Những người đã được tiêm vắc xin “tăng cường” lần thứ ba cũng có thể được bảo vệ khỏi mắc bệnh ở bất cứ mức độ nào trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, khả năng ngày càng tăng là trong tương lai có thể phải tiêm vắc xin cúm tàu hằng năm, tương tự như bệnh cúm. Sẽ có nhiều điều rõ ràng hơn trong những tuần tới.
Các nhà khoa học Mỹ – cho biết robot sống đầu tiên trên thế giới có thể sinh sản
Các nhà khoa học Mỹ mới tạo ra những robot sống đầu tiên tên là xenobots, có thể sinh sản theo cách chưa từng thấy ở động vật và thực vật với sự trợ giúp của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí khoa học PNAS.
(Ảnh minh họa: Par Anton Gvozdikov/Shutterstock)
Xenobots được hình thành từ các tế bào gốc của loài ếch có móng vuốt châu Phi (Xenopus laevis). Vậy nên, nó đã được đặt tên dựa trên loài ếch này. Xenobots có chiều rộng chưa đến 1 mm (khoảng 0,04 inch), được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020 sau khi các thí nghiệm chỉ ra rằng chúng có thể di chuyển, làm việc nhóm và tự chữa lành (self-heal)
Robot đầu tiên trên thế giới có thể sinh sản được phát triển bởi nhóm các nhà khoa học tại Đại học Vermont, Đại học Tufts và Viện Kỹ thuật Cảm hứng Sinh học thuộc Đại học Harvard. Họ cho biết họ đã phát hiện ra một hình thức sinh sản hoàn toàn mới, khác biệt với bất kỳ động vật hoặc thực vật nào mà giới khoa học từng biết đến trước đây.
Giáo sư sinh học Michael Levin, Giám đốc Trung tâm Khám phá Allen tại Đại học Tufts, đồng tác giả của nghiên cứu mới, chia sẻ: “Tôi vô cùng kinh ngạc về điều đó. Cách sinh sản của ếch rất đặc biệt. Chúng giải phóng các tế bào khỏi phần còn lại của phôi thai, qua đó tìm ra cách để tái tạo trong môi trường mới”.
Tế bào gốc là những tế bào không chuyên biệt, có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác nhau. Để tạo ra xenobots, các nhà nghiên cứu đã lấy các tế bào gốc sống từ phôi ếch và đem ủ chúng. Ngoài ra, họ không can thiệp vào bất kỳ quy trình nào liên quan gen.
Giáo sư Josh Bongard đến từ Đại học Vermont, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng robot được làm bằng kim loại, sắt thép, gốm sứ. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là chúng được làm ra từ đâu, mà là chúng ta có thể làm được gì để thay thế con người. Chúng tôi tạo ra một loại robot mang đầy đủ đặc tính của sinh vật và được tạo ra từ tế bào ếch chưa qua biến đổi gen”.
Giáo sư Bongard cho biết họ phát hiện ra các xenobots, ban đầu có hình cầu và được tạo ra từ khoảng 3.000 tế bào và có thể tái tạo. Các xenobots đã sử dụng cơ chế “sao chép động học (kinetic replication)”, quá trình xảy ra ở cấp độ phân tử nhưng chưa từng được quan sát ở quy mô toàn bộ tế bào hoặc sinh vật.
Với sự trợ giúp của AI, các nhà khoa học sau đó đã thử nghiệm hàng tỷ hình dạng cơ thể để các xenobots có thể tái tạo một cách hiệu quả hơn. Họ phát hiện các xenobot “bố mẹ” có hình chữ C, nó có thể tìm thấy tế bào gốc nhỏ li ti trong một đĩa petri. Sau đó, chúng thu thập hàng trăm tế bào vào trong miệng, chỉ vài ngày sau, bó tế bào (bundle of cell) sẽ trở thành xenobot mới.
Xenobots hiện đang là công nghệ rất sơ khai. Nó tựa như chiếc máy tính những năm 1940 và chưa có bất kỳ ứng dụng thực tế nào.
Trên thực tế, công nghệ AI có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho nhân loại, với nguy cơ thay thế con người trong tương lai. Trước đó, hồi năm 2017, câu chuyện về người máy Sophia (được vận hành bởi một hệ thống AI) trở thành robot đầu tiên được cấp quyền công dân hợp pháp (thậm chí có nhiều quyền hơn phụ nữ ở quốc gia này) đã gây xôn xao dư luận. Robot Sophia có hình người, mang quốc tịch Ả Rập Xê-út, đã đưa ra một số tuyên bố gây tranh cãi, nhưng gần đây nhất, một câu nói của Robot Sophia đã khiến cả thế giới “cạn lời”: Tôi muốn có một đứa con robot và bắt đầu xây dựng gia đình.
Trong một cuộc trò chuyện với David Hanson, người tạo ra robot này, nói rằng Sophia sẽ tiêu diệt con người. Tất nhiên, điều đó đã gây ra sự lo lắng, bởi kể từ thời kỳ đầu của robot và công nghệ AI, người ta đã lo sợ rằng chúng sẽ nổi dậy chống lại loài người.
Robot này còn xuất hiện một cách đầy tranh cãi với tư cách là giảng viên về các chủ đề khoa học và công nghệ, xuất hiện cùng với các nhân vật nổi tiếng trong các hội nghị truyền hình, chương trình truyền hình và các trường đại học trên khắp thế giới. Đầu năm 2021, Hanson Robotics thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất hàng trăm robot sử dụng công nghệ AI kiểu như Sophia.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Robot Sophia giờ muốn có đứa con robot và xây dựng gia đình
Robot Sophia: Trí tuệ nhân tạo hay chỉ là 1 “con rối”?
Giáo sư Israel: Con người sắp bị tấn công bởi trí tuệ nhân tạo
LHQ cảnh báo trí tuệ nhân tạo gây ra mối đe dọa “tiêu cực, thảm hoạ” cho nhân quyền
Tổ chức AI: ĐCSTQ dùng trí tuệ nhân tạo nhằm giết hại người Hồng Kông
Những vấn đề “ngoài tầm với” của trí tuệ nhân tạo