Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 1 8
Total Users : 13518
Total views : 136689
Server Time : 2024-11-27

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Tin tức thế giới ngày Thứ năm 04 tháng 11 năm 2021

Võ Thái Hà tổng hợp

Tướng Mỹ Milley không nghĩ TQ sẽ cố đánh chiếm Đài Loan trong tương lai gần 

Reuters

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Vị tướng quân ở cấp cao nhất của Mỹ nói hôm thứ Tư 3/11 rằng không có khả năng là Trung Quốc sẽ cố chiếm Đài Loan bằng quân sự trong vài năm tới, ngay cả khi quân đội của Trung Quốc phát triển được các năng lực để dùng vũ lực cưỡng chiếm lại hòn đảo tự trị.

Tại Diễn đàn An ninh Aspen, khi được hỏi liệu Trung Quốc có chuẩn bị cho động thái gì đối với Đài Loan trong tương lai gần hay không, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói: “Căn cứ vào phân tích của tôi về Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng điều đó có khả năng xảy ra trong tương lai gần – mà như quý vị biết đấy, được xác định là 6, 12 hoặc có thể là 24 tháng, khoảng như vậy”.

“Tuy nhiên, có một điều cũng rõ ràng, đó là Trung Quốc đang xây dựng năng lực mang lại các phương án cho giới lãnh đạo quốc gia, nếu họ chọn làm như vậy vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng có phải là tương lai gần hay không thì có lẽ là không. Nhưng điều gì cũng có thể xảy ra”, Tướng Milley nói thêm.

Mỹ – Nhật tăng cường hợp tác đối phó Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia trong chiến lược 

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên hôm 2/11 đã nhất trí tăng cường liên minh song phương và hợp tác chặt chẽ hướng tới một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và quyết đoán trong khu vực.

Theo truyền thông Nhật Bản, cuộc gặp của Thủ tướng Nhật với các lãnh đạo thế giới diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow của Scotland. Tại đây, ông Kishida đã có các cuộc gặp trực tiếp mà tờ Kyodo của Nhật mô tả là “không chỉ thể hiện cam kết của ông đối với các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu mà còn kết nối với các quốc gia quan trọng có chung mối quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Ngoài Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Kishida còn có các cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ba quốc gia mà Tokyo coi là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Từng giữ chức ngoại trưởng lâu năm, tân thủ tướng Nhật Bản cho biết ông đã có một “khởi đầu rất tốt” trong hoạt động ngoại giao trực tiếp và xúc động trong các cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo trên, vẫn theo tường thuật của Kyodo.

Tờ báo Nhật dẫn lời các chuyên gia nói rằng chỉ vài giờ có mặt ở Glasgow thì rất khó để tân thủ tướng Nhật chuyển tải nhiều nội dung trong lần “ra mắt” ngoại giao, nhưng ông Kishida cũng đã kịp thể hiện “cam kết chính trị mang tính biểu tượng quan trọng” đối với các quốc gia mà ông đã gặp, trong đó có Việt Nam, quốc gia mà Nhật Bản hy vọng sẽ hợp tác để chống lại các hành vi quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Kishida đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Kishida và người đồng cấp Việt Nam cũng đã nhất trí hợp tác trong các vấn đề về chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy nhanh các cuộc đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng của Nhật Bản.

Pháp mâu thuẫn cùng lúc với Anh và Úc

Vào thứ Năm, chính phủ Pháp sẽ cố gắng giải quyết mâu thuẫn với Anh về quyền đánh bắt cá hậu Brexit. Nhà đàm phán Anh David Frost sẽ đến Paris để gặp Clément Beaune, Bộ trưởng Châu Âu của Pháp. Trong khi đó, mối quan hệ của Pháp với Úc vẫn lạnh nhạt. Ông Macron đã cáo buộc thủ tướng Scott Morrison nói dối về thỏa thuận tàu ngầm AUKUS. Đại sứ Pháp tại Australia cho biết việc Australia rò rỉ tin nhắn riêng từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là việc làm “thấp kém chưa từng thấy”.

Với Mỹ, chính sách ngoại giao của Pháp đã tan băng. Ông Macron và Tổng thống Joe Biden đã trao cho nhau những lời tốt đẹp tại Rome vào ngày 29/11. Ông Biden thừa nhận Mỹ “vụng về” trong việc dàn xếp hiệp ước AUKUS. Khi phần còn lại của thế giới nói tiếng Anh trở nên xa lạ, nếu không muốn nói là thù địch, Pháp đánh giá cao nỗ lực lấy lại lòng tin từ phía Mỹ.

Nội chiến Ethiopia đi đến giai đoạn quyết định

Ngày càng rõ ràng sẽ có một trận chiến giành Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia và là nơi đóng trụ sở Liên minh châu Phi. Hôm thứ Ba, thủ tướng Abiy Ahmed đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau khi phiến quân từ Tigray, một khu vực phía bắc đang chiến tranh với chính quyền trung ương, chiếm được hai thị trấn chiến lược trên đường hành quân tới thủ đô. Sắc lệnh khẩn cấp trao cho chính phủ quyền bắt giữ rộng khắp, cùng một số luật hà khắc khác. Những người Tigray bình thường ở Addis Ababa đang bị vây bắt. Đáp lại, quan chức Tigray kêu gọi người dân tự tổ chức thành các nhóm tự vệ.

Mỹ đã đe dọa sẽ áp đặt trừng phạt đối với các quan chức nếu chính phủ không tham gia đàm phán. Hôm thứ Ba, họ đã đình chỉ quyền miễn thuế đối với hàng hóa Ethiopia. Ngay ngày hôm sau, ông Abiy hứa người Ethiopia sẽ nhanh chóng “chôn vùi kẻ thù này bằng máu xương chúng ta và làm cho vinh quang của Ethiopia lên cao trở lại.” Đó chính xác là lời hứa của ông kể từ đầu cuộc chiến, đúng một năm trước vào thứ Năm tới.

Ngân hàng Trung ương Anh xem xét tăng lãi suất

Cuộc họp vào thứ Năm của ủy ban chính sách tiền tệ Ngân hàng Trung ương Anh là rất đáng theo dõi. Lo ngại lạm phát đồng nghĩa họ có thể bắt đầu tăng lãi suất, qua đó đi trước các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới. Lạm phát giá tiêu dùng hàng năm có thể vượt 5% trong năm tới, như đã thấy ở Mỹ. Nhưng nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ đợi đến năm sau để nâng lãi suất chính của mình.

Dù ủy ban của Ngân hàng Trung ương Anh có tăng lãi suất, họ cũng khó đạt được quyết định này dựa trên sự nhất trí hoàn toàn. Những nhân vật bồ câu như Silvana Tenreyro nói chống lại gián đoạn chuỗi cung ứng bằng chính sách tiền tệ sẽ chỉ càng gây thêm rối loạn, với tác động tăng lãi suất xuất hiện ngay khi lạm phát vừa có dấu hiệu được kiềm chế. Nhưng vào ngày 17 tháng 10, Andrew Bailey, thống đốc ngân hàng, đã nhấn mạnh cần phải hành động nếu kỳ vọng lạm phát trung hạn tăng quá cao. Nếu ngân hàng Anh tăng lãi suất trước các ngân hàng trung ương khác, thì đó là do mức độ khả tín của họ đang bị đe dọa.

Việt Nam cùng 17 nước cam kết không xây dựng nhà máy điện than

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/GettyImages-1346454620.jpg

Một công nhân mang khẩu trang đạp xe ngang một nhà máy điện chạy bằng than đá ở Hồ Bắc, gần Vũ Hán, Trung Quốc hôm 13 tháng Mười. Tại COP26, 18 nước đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than mới. Ảnh Getty Images

Thêm mười tám quốc gia, trong đó có Việt Nam, cam kết chấm dứt đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới và loại bỏ dần việc đốt than trong những thập niên tới.

Cam kết do Vương quốc Anh dẫn đầu, được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland, hôm nay thứ Tư 03 Tháng Mười Một.

Theo thông cáo báo chí của Vương quốc Anh, các nước này đồng ý không xây dựng hoặc đầu tư xây dựng các nhà máy điện đốt than mới trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các quốc gia này cam kết loại bỏ nhiệt điện than vào những năm 2030 nếu là các nền kinh tế lớn hoặc những năm 2040 nếu là nền kinh tế đang phát triển.

Các nước này cũng đồng thời cam kết sẽ mở rộng quy mô sản xuất điện sạch từ những nguồn có thể tái tạo được như điện gió và điện mặt trời.

Đáng chú ý Việt Nam là một nước ký tên vào cam kết mới cùng với 17 quốc gia khác. Cam kết của Việt Nam gây bất ngờ và hoài nghi sâu sắc cho những người quan tâm tới xu thế biến đổi khí hậu và vai trò gây ô nhiễm hàng đầu của nhiệt điện than.

Mới đây, hôm 8 Tháng Mười, Bộ Công Thương Việt Nam đã trình lên chính phủ Hà Nội bản dự thảo Quy hoạch Điện Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, gọi tắt là Quy hoạch Điện 8, trong đó đề nghị trong 15 năm tới Việt Nam tiếp tục xây dựng 27 nhà máy nhiệt điện đốt than với tổng công suất phát điện là 30,792 megawatt (MW). Hiện các nhà máy điện than Việt Nam phát ra khoảng 21,000 MW. Bộ này cho rằng, để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế đang phát triển nhanh, cần phải xây dựng mỗi năm ít nhất hai nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá trong vòng 15 năm tới.

Theo một chuyên gia năng lượng trong nước, sản lượng điện than của Việt Nam đã tăng liên tục từ năm 2012 và có bước “đại nhảy vọt” từ sau năm 2017, hiện chiếm 52.9% tổng nguồn điện, mức tỷ trọng gấp gần 1.6 lần mức trung bình của thế giới trong khi trên toàn cầu, tỷ trọng điện than đã giảm liên tục từ mức 40.1% năm 2011 xuống còn 33.8% tổng nguồn điện hiện nay.

Đốt than đá để phát điện là nguồn gây ô nhiễm chính. Khi bị đốt cháy, than phát ra nhiều khí thải carbon (CO2), góp phần gây ra biến đổi khí hậu nhiều hơn so với các nhiên liệu hóa thạch khác như dầu mỏ hoặc khí đốt tự nhiên. Vì vậy một trong những giải pháp quan trọng của việc ngăn chặn biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên là dần dần đóng cửa các nhà máy điện than, thay bằng sản xuất điện sạch.

Hôm nay thứ Tư, 20 quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ tuyên bố ​​sẽ sớm kết thúc việc tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch, kể cả nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên, ở nước ngoài. Cam kết được công bố hôm thứ Tư được đưa ra sau khi một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo họ sẽ chấm dứt việc tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.

Nghiên cứu của Mỹ: Triều Tiên có thể sản xuất uranium nhiều hơn mức hiện nay 

Reuters

Ảnh vệ tinh do Maxar Technologies công bố cho thấy việc mở rộng cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, 1/9/2021.

Ảnh vệ tinh do Maxar Technologies công bố cho thấy việc mở rộng cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, 1/9/2021.

Một nghiên cứu học thuật mới đây kết luận rằng Triều Tiên có thể có đủ lượng uranium cần thiết để làm vũ khí hạt nhân nhờ nhà máy Pyongsan hiện có, ngoài ra, ảnh vệ tinh về các đống chất thải khai khoáng cho thấy Triều Tiên có thể sản xuất nhiều nhiên liệu hạt nhân hơn mức hiện nay.

Cho dù tự tuyên bố không thử vũ khí hạt nhân nữa từ năm 2017, song Triều Tiên cho biết họ đang tiếp tục xây dựng kho vũ khí và trong năm nay dường như họ đã khởi động lại một lò phản ứng được cho là đã sản xuất plutonium đạt cấp độ để làm vũ khí.

Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford và một công ty tư vấn về khai khoáng có trụ sở ở Arizona, được công bố hồi tháng trước trên tạp chí Khoa học và An ninh Toàn cầu, Triều Tiên có thể tăng sản lượng và không cần có các nhà máy uranium khác.

Bản báo cáo viết: “Rõ ràng là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cho thấy họ có năng lực sản xuất cao hơn đáng kể so với mức độ mà họ đã và đang sử dụng cho đến nay. Điều này đồng nghĩa là Triều Tiên có thể làm ra lượng uranium tự nhiên lớn hơn nhiều nếu họ muốn”.

Theo các nhà phân tích, Nhà máy Cô đặc Uranium Pyongsan và mỏ gắn với nhà máy là nguồn cung cấp quặng uranium được thừa nhận công khai duy nhất của Triều Tiên.

Báo cáo được đưa ra cùng lúc các ảnh vệ tinh khác cho thấy Triều Tiên đang xây dựng mở rộng thêm nhiều tại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, nơi mà các nhà phân tích cho rằng có thể được sử dụng để sản xuất uranium đạt cấp độ làm vũ khí.

“Xét đến chương trình hạt nhân đang hoạt động của CHDCND Triều Tiên, điều hết sức quan trọng là cần phải đánh giá và hiểu đúng các năng lực sản xuất vật liệu hạt nhân của nước này”, các tác giả của báo cáo viết, họ đưa ra kết quả hồi tháng 4.

Các năng lực này chi phối tốc độ mà Triều Tiên có thể mở rộng kho vũ khí hạt nhân, quyết định về mức độ đe dọa đến an ninh quốc tế và mức độ khó khăn của việc giải trừ hạt nhân tiềm tàng, cũng như đo lường khả năng của Triều Tiên trong việc cung cấp nhiên liệu cho chương trình năng lượng hạt nhân trong tương lai, theo báo cáo.

Giới khoa học nhìn thấy đại dịch COVID đang bắt đầu kết thúc 

Reuters

Bảng khyến khích mọi người tiêm vaccine vào lúc biến thể Delta hoành hành tại Melbourne, Úc (ảnh chụp ngày 31/8/2021)

Bảng khyến khích mọi người tiêm vaccine vào lúc biến thể Delta hoành hành tại Melbourne, Úc (ảnh chụp ngày 31/8/2021)

Trong lúc đà sát thương của biến thể Delta giảm dần tại nhiều nơi trên thế giới, các nhà khoa học đang tính toán xem khi nào và nơi nào đại dịch COVID sẽ giảm cấp chỉ còn là một bệnh dịch.

Các chuyên gia dự kiến những nước đầu tiên thoát đại dịch sẽ là những nước có một số yếu tố phối hợp giữa tỉ lệ tiêm chủng cao và miễn dịch tự nhiên nơi những người đã hồi phục từ COVID như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha và Ấn Độ. Tuy nhiên, họ cảnh báo SARS-CoV-2 vẫn là một virus khó lường đang đột biến trong lúc lây lan giữa những người chưa chích ngừa.

Không ai loại trừ khả năng về “kịch bản tận thế,” khi mà virus biến thể tới mức vượt qua được sự miễn dịch mà khó khăn lắm loài người mới có được. Tuy nhiên, các nhà khoa học ngày càng tin tưởng rằng nhiều nước trong những năm tới sẽ bỏ lại đại dịch sau lưng.

“Chúng tôi nghĩ là từ nay cho đến cuối năm 2022 là điểm chúng ta kiểm soát được virus này…có thể giảm đáng kể bệnh nặng và tử vong,” bà Maria Van Kerkhove, một nhà dịch tễ học đứng đầu toán đáp ứng COVID của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với Reuters.

Quan điểm của WHO căn cứ vào việc cộng tác với các chuyên gia đang lập biểu đồ về khả năng đường đi của đại dịch trong 18 tháng tới. WHO nhắm tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trước cuối năm sau.

Bà Van Kerkhove đồng thời cũng quan ngại về việc các nước gỡ bỏ những biện pháp giãn cách quá sớm.

Các ca nhiễm COVID và tử vong đã sụt giảm kể từ tháng 8 tại hầu hết các khu vực trên thế giới, theo phúc trình của WHO ngày 26/10.

Châu Âu là một ngoại lệ, với biến thể Delta gây thêm tác hại mới tại nhiều nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp như Nga và Romania cũng như những nơi gỡ bỏ yêu cầu mang khẩu trang. Biến thể Delta cũng góp phần làm cho số ca nhiễm gia tăng tại những nước như Singapore và Trung Quốc, là những nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng miễn dịch tự nhiên thấp vì các biện pháp phong tỏa gắt gao.

Một số chuyên gia nói họ hy vọng đợt Delta tại Mỹ sẽ kết thúc trong tháng 11 này, và đây cũng là đợt bùng phát lớn cuối cùng.

Thậm chí những nơi có số ca đang tăng mạnh vì gỡ bỏ những quy định, chẳng hạn như Anh, vaccine dường như giúp cho nhiều người khỏi phải nhập viện.

Nhà dịch tễ học Neil Ferguson thuộc Đại học Hoàng gia London nói đối với nước Anh, “tầm vóc của đại dịch khẩn cấp hiện đã ở phía sau chúng ta.”

‘Một sự tiến hóa dần dần’

COVID-19 vẫn được xem là một yếu tố chính góp phần gây bệnh và tử vong trong nhiều năm nữa, giống như các dịch bệnh khác, chẳng hạn như sốt rét.

Một số chuyên gia cho rằng virus corona cuối cùng sẽ như bệnh thủy đậu, vốn vẫn gây ra các đợt bùng phát tại những nơi có tiêm chủng thấp.

Những người khác xem COVID-19 đang trở thành bệnh đường hô hấp theo mùa như cúm. Hoặc, virus có thể trở nên ít sát thương hơn, ảnh hưởng chủ yếu nơi trẻ em, nhưng điều này có thể phải mất nhiều chục năm nữa, theo một số chuyên gia.

Ông Ferguson ở Đại học Hoàng gia nghĩ rằng số người chết tại Vương quốc Anh do bệnh hô hấp vì COVID trong hai tới năm năm tới sẽ cao hơn mức trung bình, nhưng ông nói thêm rằng việc này không thể làm hệ thống y tế quá tải hay đòi hỏi phải tái lập giãn cách xã hội.

Ông Trevor Bedford, một nhà virus học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson theo dõi tiến hóa của SARS-CoV-2, dự báo một mùa đông dễ chịu hơn tại Mỹ và tiếp sau đó là cuộc chuyển tiếp thành một bệnh dịch trong năm 2022-2023. Ông dự đoán hàng năm sẽ có khoảng 50.000 đến 100.000 người chết vì COVID tại Mỹ, ngoài 30.000 người chết vì cúm hàng năm.

Virus corona sẽ có thể tiếp tục đột biến, đòi hỏi phải chích vaccine tăng cường hàng năm dựa trên biến thể luân lưu mới nhất, ông Bedford nói.

Nếu kịch bản về COVID theo mùa là đúng, nghĩa là virus luân lưu đồng thời với cúm, thì các chuyên gia dự kiến sẽ có tác động đáng kể lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ông Richard Hatchett, giám đốc điều hành của Liên minh Sáng kiến Chuẩn bị Dịch bệnh, cho rằng khi một số nước được bảo vệ bởi vaccine trong khi những nước khác không có gì cả thì thế giới vẫn còn dễ bị tổn thương.