Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 8
Total Users : 13508
Total views : 136671
Server Time : 2024-11-24

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Tin tức thế giới ngày Thứ hai 20 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Khủng hoảng ngoại giao Pháp – Mỹ : Thế cô lập của Paris

Tổng thống Pháp Macron (T) và đồng nhiệm Mỹ Biden trước cuộc họp của NATO, Bruxelles, ngày 14/06/2021. © BRENDAN SMIALOWSKI / AFP

Paris có thể trông cậy vào những đối tác nào để vượt qua « cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng giữa Pháp và các nước đồng minh truyền thống » Anh, Mỹ và Úc ? Sau khi Paris triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra để phán đối việc Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, rồi hủy cuộc họp với bộ trưởng Quốc Phòng Anh, giới phân tích nói đến « thế cô lập » của Paris trên bàn cờ quan hệ quốc tế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không đến New York tham dự cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày mai 21/09/2021, mà chỉ cử ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đại diện, trong bối cảnh căng thẳng giữa Pháp và các đồng minh truyền thống phương Tây, sau quyết định Anh, Mỹ và Úc thành lập liên minh quân sự trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương (AUKUS) và Canberra hủy hợp đồng mùa tàu ngầm của Pháp. Hiện giờ ngoại trưởng Pháp không dự trù các buổi làm việc bên lề khóa họp của Liên Hiệp Quốc lần này với các đồng sự trong liên minh AUKUS.

Trả lời AFP, Bertrand Badie, giáo sư quan hệ quốc tế trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po, lưu ý Pháp cần phải « tìm ra một lối thoát », bởi vì sau quyết định triệu hồi đại sứ tại Canberra và Washington, sớm muộn gì các vị đại sứ này cũng phải quay lại nhiệm sở. Cái khó ở đây, theo giáo sư Badie, là làm thế nào hàn gắn sự đổ vỡ mà « tránh tạo cảm tưởng là Pháp phải nhượng bộ và tránh để bị mất mặt ». Do vậy, thái độ cứng rắn của Paris hiện nay với Washington bị xem là một nước cờ « đầy rủi ro ».

Ngoại trưởng Le Drian mạnh mẽ chỉ trích các đồng minh « dối trá », xem thường Paris và nhất là đã ngấm ngầm đàm phán về một quyết định chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương … Nhưng các đối tác thân thiết nhất của Pháp trong Liên Âu đã hoàn toàn im lặng. Một tuần lễ trước ngày bầu cử Quốc Hội, chuẩn bị sang trang 16 năm dưới thời thủ tướng Merkel, Đức đã kiệm lời với tuyên bố tối thiểu là « ghi nhận » khủng hoảng Pháp-Mỹ.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Célia Belin, Viện nghiên cứu Brookings Institutions, trụ sở tại Washington, phân tích : Trong một cuộc khủng hoảng với tầm mức nghiêm trọng như lần này, hơn bao giờ hết « Pháp cần tập trung vào châu Âu, cần bảo đảm là được các nước trong Liên Âu yểm trợ ». Vấn đề là « Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong chính sách đối ngoại », đặc biệt là đối với Hoa Kỳ, như đánh giá của giáo sư trường Khoa Học Chính Trị Paris Bertrand Badie.

Hợp đồng tàu ngầm Pháp – Úc không liên quan đến các thành viên khác trong Liên Âu và trong khối này, Pháp là quốc gia duy nhất có quyền lợi và trọng lượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Trong khi đó, như giáo sư Badie ghi nhận, các nước Đông Âu cần dựa vào Mỹ trước mối đe dọa tiềm tàng là Nga. Bản thân nước Đức cũng không muốn làm phật lòng Hoa Kỳ. Tất cả những điều đó đi ngược lại với tham vọng của Pháp : Liên Âu tự chủ về chiến lược.

Bài toán càng thêm nan giải vào lúc Paris chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ đầu tháng Giêng 2022 và tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ.

Hoa Kỳ trục xuất người di cư khỏi lán trại trên biên giới Texas, đưa về Haiti 

Reuters

Hoa Kỳ tổ chức các chuyến bay hồi hương đến Haiti hôm 19/9/2021.

Hoa Kỳ tổ chức các chuyến bay hồi hương đến Haiti hôm 19/9/2021.

Các nhân viên biên phòng Hoa Kỳ đã bắt đầu trục xuất người di cư Haiti khỏi một khu lán trại lớn mà họ đã dựng lên sau khi lội qua sông Rio Grande ngăn cách Mexico và Hoa Kỳ, với các chuyến bay hồi hương đến Haiti hôm 19/9, theo Reuters.

Khu lán trại rộng lớn dưới gầm cầu này có lúc lên đến 12.000 người di cư và đánh dấu một thách thức mới đối với chính quyền Hoa Kỳ.

Kể từ ngày 17/9, nhà chức trách Hoa Kỳ đã di chuyển 3.300 người di cư rời khỏi thành phố Del Rio, bang Texas, và công bố lịch trình hàng ngày mới cho các chuyến bay đến thủ đô Port-au-Prince của Haiti, nơi một số quan chức hôm 19/9 bày tỏ lo ngại về một lượng lớn người di cư hồi hương trong những ngày tới.

Trưởng nhóm Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ Raul Ortiz nói trong một cuộc họp báo ở thành phố Del Rio rằng trong tuần tới, chính phủ đặt mục tiêu “nhanh chóng” xử lý 12.662 người di cư từ gầm cầu nối thành phố Del Rio với thành phố Ciudad Acuña, Mexico.

Ông Rolin Petit Homme, một người Haiti, 35 tuổi, người đã cắm trại dưới gầm cầu cho biết: “Không có sự an toàn ở Haiti và không có việc làm,” nhưng giờ ông ấy sẽ cố gắng kiếm sống ở Mexico hơn là quay trở về nhà.

Cuối ngày 19/9, ba chuyến bay đầu tiên đã đến Haiti chở 327 người di cư hồi hương, theo một quan chức Hoa Kỳ. Khi đến nơi, một số người nói rằng họ không bao giờ được cho biết họ đang bị đưa đi đâu.

Những người di cư vẫn tiếp tục vượt sông vào cuối tuần mặc dù an ninh ở phía Hoa Kỳ đã được tăng cường, bao gồm các đặc vụ cưỡi ngựa tuần tra.

Ít nhất 100 người Haiti, bao gồm cả các gia đình có con nhỏ, đã rời khỏi gầm cầu này quay trở lại Mexico vào tối ngày 19/9.

Nhiều người mang theo ba lô và túi nhựa đựng đồ đạc, và một số người nói với Reuters rằng họ trước mắt dự định ở lại Mexico vì họ không muốn bị trả về Haiti.

Anh phát hành trái phiếu xanh

Kho bạc của Anh rất thành thạo việc phát hành “gilt” — các loại giấy trái phiếu có cạnh vàng được phát hành nhiều năm qua. Nhưng giờ đây chúng có màu xanh. Tuần này chính phủ sẽ bán đấu giá lô đầu tiên trong ít nhất 15 tỷ bảng (20,6 tỷ đô) trái phiếu được bán trong năm tài chính này nhằm thực hiện tham vọng cơ sở hạ tầng xanh của Anh.

Động thái này giúp Anh tham gia một câu lạc bộ gồm những nước phát hành nợ cho mục đích chống biến đổi khí hậu. Nhiều nước láng giềng châu Âu đã làm như vậy. Trong khi đó Colombia sẽ trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên bán trái phiếu xanh trên thị trường tài chính vào tuần tới. Chính phủ Anh cũng muốn đi trước chương trình 250 tỷ euro (293,1 tỷ USD) khởi động vào cuối năm nay của EU. Các nhà quản lý châu Âu còn đang bận tranh luận về mức độ nghiêm ngặt của các tiêu chuẩn nợ xanh — do đó Anh nhận thấy cơ hội thu hút các nhà đầu tư khí hậu bằng cách đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.

Canada tổ chức bầu cử sớm

Một trong những vấn đề chính của cuộc bầu cử quốc hội Canada vào thứ Hai là liệu có nên tổ chức nó hay không. Lãnh đạo Đảng Bảo thủ đối lập Erin O’Toole nói phải loại bỏ thủ tướng Justin Trudeau vì tổ chức bầu cử sớm ngay giữa đại dịch. Trước cuộc bầu cử đó, ông Trudeau chỉ được lãnh đạo một chính phủ thiểu số. Hầu hết người dân Canada đồng ý khi ấy không cần thiết phải tổ chức bầu cử. Song như vậy cũng ngụ ý họ không thấy cần phải gạt bỏ thủ tướng.

Trên đường vận động tranh cử, ông Trudeau đã khai thác việc đối thủ của ông miễn cưỡng ủng hộ hộ chiếu vắc-xin. Chiến lược đó có vẻ hiệu quả. Các cuộc thăm dò hiện cho thấy cả hai Đảng Tự do và Bảo thủ mỗi bên chỉ giành được hơn 30% phiếu bầu. Đảng Tự do có vẻ sẽ thắng cao nhất nhưng không đủ đạt thế đa số, mục tiêu của ông Trudeau. Điều đó sẽ chỉ củng cố niềm tin của người dân Canada rằng cuộc bầu cử là vô nghĩa.

Anh hùng Rwanda bị kết án vì chống chính phủ

Phiên điều trần diễn ra trong phòng xử án; người ra phán quyết là thẩm phán. Nhưng phiên tòa chỉ để biểu diễn. Paul Rusesabagina, người cứu hơn 1.200 người trong cuộc diệt chủng Rwanda, và là người đã truyền cảm hứng cho bộ phim “Hotel Rwanda,” sẽ nghe phán quyết vào thứ Hai về bản án khủng bố của ông. Có thể ông sẽ bị kết tội.

Điều này không phải vì thiếu bằng chứng, nhưng vì các công tố viên Rwanda, những người yêu cầu án chung thân, đã làm mọi thứ để thiên vị phiên tòa. Việc ông chỉ trích tổng thống tham nhũng Paul Kagame chính là nguyên nhân. Chính phủ chặn thư từ riêng tư giữa ông Rusesabagina và luật sư người Bỉ của ông (người sau đó đã bị trục xuất) trong khi người bào chữa của ông cũng không được thẩm vấn các nhân chứng. Tất cả là để gửi đi thông điệp rằng, nếu chỉ trích chính phủ, thì dù có nổi tiếng đến đâu, bạn cũng sẽ không được tha thứ.

Chỉ số DAX của Đức đón thành viên mới

DAX, chỉ số thị trường chứng khoán của các công ty giá trị nhất nước Đức, sẽ có thêm 10 thành viên mới vào thứ Hai, nâng tổng số thành viên lên 40. Mười thành viên này sẽ gia nhập nhóm các công ty giá trị nhất nước Đức (miễn là còn báo cáo thu nhập dương hai năm liên tiếp). Chúng bao gồm Puma (một thương hiệu quần áo thể thao), Porsche (một công ty xe hơi) và Sartorius (một công ty sinh học).

Đợt thay máu này xuất phát từ vụ sụp đổ khó tin vào năm ngoái của Wirecard, một công ty xử lý thanh toán trở thành thành viên DAX đầu tiên nộp đơn xin phá sản. Giờ đây các công ty DAX phải công bố báo cáo hàng quý và kết quả hàng năm đã được kiểm toán. Các quỹ giao dịch dựa trên Chỉ số DAX sẽ thuộc nhóm đầu tiên bị tác động. Các quỹ với tổng tài sản ước tính 19 tỷ đô la sẽ phải chuyển đầu tư từ MDAX, địa chỉ niêm yết cũ, sang DAX.

Thủ tướng Úc khởi hành tới Mỹ dự cuộc họp của Nhóm Quad 

Reuters

Thủ tướng Australia Scott Morrison khởi hành đi Washington, ngày 20/9/2021.

Thủ tướng Australia Scott Morrison khởi hành đi Washington, ngày 20/9/2021.

Hôm 20/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã khởi hành đến Washington để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Nhóm Quad, còn gọi là bộ Tứ, trong bối cảnh bị chỉ trích về quyết định của chính phủ ông từ bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỷ đôla với Pháp, theo Reuters.

Tuần trước, Australia cho biết họ sẽ hủy bỏ thỏa thuận với Tập đoàn Hải quân Pháp để xây dựng một hạm đội tàu ngầm thông thường và thay vào đó sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh, sau khi đạt được quan hệ đối tác an ninh ba bên.

Pháp cho biết mối quan hệ với Australia và Mỹ đang ở trong “khủng hoảng” và đã triệu hồi đại sứ từ cả hai nước.

Trong khi Australia đã giảm bớt căng thẳng, bày tỏ sự lấy làm tiếc về vụ việc, thì cuộc gặp của ông Morrison với các nhà lãnh đạo nhóm Quad, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden, có nguy cơ làm gia tăng sự bực tức của Pháp.

Ông Haydon Manning, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Flinders ở Nam Úc, cho biết: “Người Pháp rất không ấn tượng và việc các ông Morrison, Biden và Johnson gặp nhau sẽ chẳng giúp gì để hàn gắn mối quan hệ.”

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng sẽ tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo của Nhóm Quad vào cuối tuần này.

Nhóm Quad sẽ thảo luận về các vấn đề COVID-19, biến đổi khí hậu và an ninh khu vực, hai nguồn tin thân tín với nghị trình làm việc của nhóm cho Reuters biết.

Thủ tướng Morrison nói với các phóng viên ở Sydney khi lên máy bay đến thủ đô Washington: “Tất cả là nhằm đảm bảo rằng lợi ích chủ quyền của Australia sẽ được đặt lên hàng đầu để đảm bảo rằng người Australia có thể chung sống hòa bình với nhiều người khác trong khu vực của chúng ta.”

Một nguồn tin chính phủ cấp cao cho biết sẽ có những thỏa thuận mới nhằm thúc đẩy hợp tác giữa bộ Tứ, nhưng Australia sẽ không công bố các mục tiêu tăng cường về khí hậu mà Mỹ đang tìm kiếm.

Các nhà nghiên cứu dơi Campuchia thực hiện sứ mệnh truy tìm nguồn gốc của COVID-19 

Reuters

Các nhà khoa học Campuchia lấy mẫu từ dơi, ngày 30/8/2021.

Các nhà khoa học Campuchia lấy mẫu từ dơi, ngày 30/8/2021.

Các nhà nghiên cứu đang thu thập mẫu từ những con dơi ở miền bắc Campuchia trong nỗ lực tìm hiểu về đại dịch coronavirus. Họ quay trở lại khu vực nơi một loại virus rất giống virus COVID-19 được tìm thấy cách đây một thập kỷ, theo Reuters.

Hai mẫu dơi móng ngựa được thu thập vào năm 2010 ở tỉnh Stung Treng gần Lào và được giữ trong tủ đông tại Viện Pasteur du Campuchia (IPC) ở thủ đô Phnom Penh.

Các thử nghiệm được thực hiện vào năm ngoái cho thấy virus từ hai mẫu dơi này có mối liên hệ gần với loại virus gây dịch bệnh COVID-19 hiện đã khiến hơn 4,6 triệu người trên toàn thế giới thiệt mạng.

Một nhóm nghiên cứu IPC gồm tám thành viên đã thu thập mẫu từ dơi và ghi lại loài, giới tính, tuổi tác và các thông tin chi tiết khác của chúng trong một tuần. Nghiên cứu tương tự cũng đang diễn ra ở Philippines.

“Chúng tôi hy vọng rằng kết quả từ nghiên cứu này có thể giúp thế giới hiểu rõ hơn về COVID-19”, điều phối viên thực địa Thavry Hoem nói với Reuters khi bà dùng lưới bắt dơi.

DDùng lưới bắt dơi ở tỉnh Steung Treng, Campuchia, ngày 31/8/2021.

Dùng lưới bắt dơi ở tỉnh Steung Treng, Campuchia, ngày 31/8/2021.

Các loài vật chủ như dơi thường không có biểu hiện của mầm bệnh, nhưng chúng có thể lan truyền sang người hoặc động vật khác và gây hậu quả nghiêm trọng.

Bác sĩ Veasna Duong, Trưởng khoa Virus học tại IPC, cho biết viện của ông đã thực hiện bốn chuyến đi như vậy trong hai năm qua, với hy vọng có manh mối về nguồn gốc và sự tiến hóa của virus có từ loài dơi này.

Ông nói với Reuters: “Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu virus này có còn ở đó hay không và … để biết virus đã tiến hóa như thế nào”.

Virus gây chết người có nguồn gốc từ dơi bao gồm Ebola và các loại virus corona khác như Hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) và Hội chứng suy hô hấp Trung Đông (MERS).

Bà Julia Guillebaud, một kỹ sư nghiên cứu tại Khoa virus học của IPC, cho biết, dự án do Pháp tài trợ cũng nhằm xem xét việc buôn bán động vật hoang dã có thể đóng vai trò như thế nào trong việc lan truyền bệnh.

“(Dự án) nhằm mục đích cung cấp kiến thức mới về các chuỗi buôn bán thịt thú rừng ở Campuchia, ghi lại sự đa dạng của các betacoronavirus lưu thông qua các chuỗi này và phát triển một hệ thống phát hiện sớm linh hoạt và tích hợp các sự kiện lây lan do virus”, bà Gillebaud nói.