Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 4 4 8
Total Users : 13448
Total views : 136556
Server Time : 2024-11-10

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 17 tháng 9 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Thủ tướng Australia từng nói rõ với Pháp về khả năng hủy thỏa thuận tàu ngầm 

Reuters

Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) họp báo chung với lãnh đạo của Mỹ và Anh qua đường truyền video, 16/9/2021.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) họp báo chung với lãnh đạo của Mỹ và Anh qua đường truyền video, 16/9/2021.

Hôm thứ Sáu 17/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết ông từng nêu ra khả năng nước ông có thể hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm năm 2016 với một công ty Pháp trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp hồi tháng 6. Như vậy, thủ tướng Australia bác bỏ những lời chỉ trích của Pháp về chuyện không cảnh báo trước điều đó.

Australia hôm 16/9 cho biết sẽ hủy thỏa thuận trị giá 40 tỷ đô la với Tập đoàn Hải quân của Pháp về chế tạo một hạm đội tàu ngầm thông thường. Thay vào đó, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh sau khi ba nước này nhất trí về chương trình đối tác an ninh ba bên.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả quyết định kể trên như là một nhát dao đâm sau lưng.

Thủ tướng Australia Morrison hôm 17/9 thừa nhận quan hệ Australia-Pháp bị tổn hại, nhưng ông khẳng định đã từng nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 6 rằng Australia đã thay đổi tư duy về thỏa thuận và có thể phải đưa ra quyết định khác.

“Chúng tôi ăn tối rất lâu ở Paris. Tôi đã nói rất rõ ràng đến mối quan ngại to lớn của chúng tôi về các tàu ngầm thông thường có khả năng đối phó ra sao với môi trường chiến lược mới mà chúng tôi phải đối mặt”, ông Morrison nói với đài 5aa Radio.

Ông nói tiếp: “Tôi đã nói rất rõ rằng đây là vấn đề mà Australia cần phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi”.

Mối quan hệ giữa Australia và Pháp trở nên căng thẳng giữa lúc Hoa Kỳ và các đồng minh tìm kiếm thêm sự ủng hộ ở châu Á và Thái Bình Dương trong bối cảnh có mối quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của một nước Trung Quốc lấn lướt hơn.

Pháp sắp nhậm chức chủ tịch Liên hiệp châu Âu, khối này hôm 16/9 công bố chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cam kết tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Đài Loan và triển khai thêm tàu thuyền để giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở.

Evergrande đứng trên bờ vực phá sản

Trước đây không lâu, không ai có thể tưởng tượng tập đoàn bất động sản nhiều nợ nhất thế giới Evergrande sẽ sụp đổ. Với khoản nợ 300 tỷ đô la, nếu phá sản, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này chắc chắn sẽ làm rung chuyển toàn bộ hệ thống tài chính của đất nước. Song trong những tuần gần đây, khả năng vỡ nợ càng ngày càng cao. Bản thân Evergrande cũng đã cảnh báo nhà đầu tư về khả năng vỡ nợ.

Do đó, một nhóm nhà đầu tư đã mua trái phiếu phát hành ở nước ngoài của công ty đã chỉ định một đội cố vấn để giúp kiểm soát cuộc khủng hoảng, theo hãng nghiên cứu Reorg. Trong khi đó, các nhà đầu tư tức giận tiếp tục bao vây các văn phòng Evergrande, sau khi đã mua các sản phẩm tài chính thông qua công ty. Một gói cứu trợ là kết quả khả dĩ nhất. Nhưng cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc khả năng cao sẽ bênh vực những người dân đã bỏ ra hơn 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (200 tỷ USD) tiền ứng trước để mua nhà mới. Do vậy các nhà đầu tư trái chủ không nên mong đợi nhiều.

Anh, Úc, Mỹ ký hiệp ước an ninh

Hôm thứ Tư, các lãnh đạo Mỹ, Anh và Úc đã công bố một “quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường” mang tên AUKUS. Ba nước sẽ hợp tác chế tạo tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong tương lai cho Hải quân Hoàng gia Úc — phản ánh mối quan ngại chung trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tính biểu tượng của hiệp ước đủ để kích động Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hiệp ước này làm tổn hại hòa bình khu vực, thúc đẩy chạy đua vũ trang, và phá hoại hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra họ cũng làm phật lòng Pháp, nước trước đó đã ký một thỏa thuận – hiện đã bị hủy bỏ – cung cấp tàu ngầm thông thường cho Australia. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã gọi hiệp ước là một “quyết định đơn phương, tàn bạo, bất ngờ” gợi nhớ đến phong cách của Tổng thống Donald Trump. Đại sứ quán Pháp tại Washington đã ngay lập tức hủy bỏ một buổi dạ tiệc tổ chức vào thứ Sáu này để kỷ niệm những đóng góp của Pháp cho cách mạng Mỹ. Thay vì chúc mừng quan hệ hai nước, ông Le Drian sẽ phải hồi phục từ “một nhát đâm sau lưng”.

Người ủng hộ Trump chuẩn bị xuống đường

Cảnh sát đang tăng cường an ninh trước khi người ủng hộ Trump xuống đường biểu tình ở Washington, D.C. vào thứ Bảy. Hàng rào đang được dựng lại xung quanh điện Capitol, bổ sung thêm camera giám sát và ban hành tuyên bố khẩn cấp cho phép Cảnh sát Capitol gọi hỗ trợ, dù sự kiện lần này có ít người hâm mộ Trump hơn hồi tháng 1. Song vì cảnh giác, cảnh sát sẽ làm mọi thứ để đảm bảo thứ Bảy không lặp lại sự kiện 6 tháng 1.

Hệ quả của vụ việc vẫn kéo dài đến nay. Hơn 600 vụ án cấp liên bang đã được đệ trình chống lại những kẻ bạo loạn. Ít nhất 60 trong số những người bị buộc tội đã nhận tội; trong khi hầu hết các vụ vẫn đang chờ xử lý. Các nhà điều tra cũng đề nghị hình thức kỷ luật đối với sáu sĩ quan Cảnh sát Capitol vì hành vi của họ trong ngày hôm đó. Ủy ban Tình báo Hạ viện đang xử lý hàng nghìn tài liệu do các cơ quan liên bang và các công ty truyền thông xã hội đệ trình vào tuần trước để phục vụ cuộc điều tra. Hy vọng thứ Bảy không làm phức tạp hóa quá trình điều tra.

Nga bầu cử quốc hội, phe đối lập tìm cách gây khó cho Putin

Trong ba ngày tới, người Nga sẽ bầu quốc hội mới. Nhưng kết quả đã được quyết định bởi Điện Kremlin. Với việc đối lập chính trị bị cấm, truyền thông bị kiểm soát, và lãnh đạo đối lập Alexei Navalny ngồi tù, đảng nước Nga Thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin chắc chắn sẽ chiếm đa số. Thậm chí, việc tỷ lệ ủng hộ theo thăm dò của Levada Centre của đảng chỉ dưới 30% cũng không quá quan trọng.

Kịch tính thực sự của cuộc bầu cử là cuộc chiến giữa Điện Kremlin và ông Navalny, người đang cố gắng vận động cử tri phản đối bằng cách làm theo chiến lược “bỏ phiếu thông minh” của ông. Thông qua mạng xã hội, ông kêu gọi những người ủng hộ bỏ phiếu cho bất kỳ đảng nào khác ngoài Nước Nga Thống nhất. Nhóm của ông cũng đã tuyên bố ủng hộ những ứng viên phù hợp nhất để đánh bại các ứng viên của ông Putin.

Điện Kremlin phản ứng bằng cách chặn bất kỳ trang web nào có liên quan đến kế hoạch của ông Navalny và đàn áp những người ủng hộ ông. Đây là một ván bài sống còn. Mạng sống của ông Navalny phụ thuộc vào khả năng thể hiện tầm ảnh hưởng của ông. Và quyền lực của Putin cũng vậy.

Đức hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam 

Vaccine AstraZeneca.

Vaccine AstraZeneca.

852.480 liều vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19 mà chính phủ Đức hỗ trợ Việt Nam đã về đến Hà Nội hôm thứ Năm.

Theo đại sứ quán Đức ở Hà Nội, đây là đóng góp của chính phủ Đức cho chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam, và việc hỗ trợ vắc-xin này được thực hiện qua cơ chế phân bổ vắc-xin quốc tế COVAX với sự phối hợp của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như chính phủ Việt Nam.

Thông báo của đại sứ quán Đức dẫn lời Đại sứ Guido Hildner cho biết rằng ông “rất vui mừng về lô vắc-xin của Đức được chuyển đến qua cơ chế COVAX này” và rằng “nước Đức luôn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19”.

“Chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi nó được khống chế ở khắp mọi nơi. Chính vì vậy, Đức và Liên minh Châu Âu ủng hộ chiến dịch tiếp cận công bằng và minh bạch vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu qua cơ chế COVAX”, ông Hildner nói, theo đại sứ quán Đức.

Về hỗ trợ này của Đức cho Việt Nam, tin cho hay, ông Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đã “thay mặt các tổ chức Liên Hợp Quốc, cảm ơn chính phủ và nhân dân Đức đã chia sẻ với nhân dân Việt Nam những liều vắc-xin cứu sống sinh mạng được chuyển tới qua cơ chế COVAX này”.

Thông báo của đại sứ quán Đức dẫn lời ông Park nói thêm rằng “trước tình hình dịch bệnh đầy thách thức như hiện nay tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục ủng hộ kế hoạch của chính phủ trong việc ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu chống dịch cũng như người cao tuổi, người có bệnh nền và người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao nhất”.

Theo cơ quan đại diện ngoại giao Đức ở Hà Nội, với lô vắc-xin do chính phủ Đức ủng hộ này, Việt Nam đã nhận 12.578.110 liều vắc-xin COVID-19 qua COVAX – cơ chế do WHO, Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh và Liên minh Vắc-xin đồng khởi xướng và UNICEF là đối tác thực hiện chính.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam hôm thứ Năm cho biết, trong ngày 15/9 có 715.550 liều vắc-xin phòng COVID-19 được tiêm, nâng tổng số liều vắc xin đã được tiêm ở Việt Nam lên 32.296.517 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 26.307.653 liều và tiêm mũi 2 là 5.988.864 liều.

‘‘Khủng hoảng tầu ngầm’’ : Paris nổi giận, Washington xoa dịu

Chiến thuyền Hermonie của Pháp tại cảng Bayonne, tây nam nước Pháp, ngày 16/09/2021, chuẩn bị cho kỷ niệm 240 năm trận hải chiến lịch sử Pháp giúp Mỹ trong cuộc chiến tranh giành độc lập. AP – Bob Edme

Hai ngày sau thông báo thành lập Liên minh Mỹ-Anh-Úc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, khiến hợp đồng tầu ngầm Pháp – Úc bị hủy bỏ, Paris vẫn không nguôi giận. Sứ quán Pháp tại Hoa Kỳ thông báo hủy bỏ dạ tiệc dự kiến được tổ chức tại Washington hôm nay, 17/09/2021, để kỷ niệm 240 năm một chiến thắng hải quân quan trọng thời Chiến tranh giành độc lập của Mỹ, chiến thắng vốn được coi như một biểu tượng của quan hệ đồng minh lâu đời Pháp – Mỹ.

Trước sự giận dữ của Pháp, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm qua 16/09 lên tiếng tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Washington – Paris. Tuy nhiên, hành động được ví như « một cú đâm sau lưng » của Mỹ và Úc, theo diễn đạt của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, khiến Paris rất thất vọng.

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

« Ngay vào lúc thông báo về liên minh Mỹ – Anh – Úc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương (gọi tắt là AUKUS), chính tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của nước Pháp tại khu vực này. Trên thực tế, Pháp đúng là cường quốc châu Âu duy nhất có một sự hiện diện đáng kể ở khu vực với một số lãnh thổ và lực lượng quân sự có mặt tại chỗ.

Hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken nhắc lại rằng các quan chức Pháp đã được thông báo về một thỏa thuận như vậy, trước khi thông tin được đưa ra chính thức. Theo New York Times, chính Úc, với tư cách là bên ký hợp đồng, đã được giao phó nhiệm vụ nói về vấn đề tầu ngầm, nhưng dường như Canberra chỉ thực hiện điều này vào giờ chót.

Paris, thông qua các bộ trưởng liên quan đến hồ sơ này, đã không giấu nỗi giận dữ. Để tỏ thái độ, đại sứ quán Pháp ở Washington đã quyết định thu hẹp tầm mức của nhiều hoạt động dự kiến tổ chức hôm nay, thứ Sáu 17/09, để kỷ niệm 240 năm một cuộc hải chiến, trong đó hạm đội Pháp đã giúp nước Mỹ trong cuộc Chiến tranh giành độc lập chống lại Anh Quốc.

Theo các nhà ngoại giao Pháp, được New York Times trích dẫn, không có chuyện làm như thể là mọi thứ vẫn ổn thỏa giữa hai nước. Nỗi thất vọng rất là lớn, và phải nhấn mạnh đến điều đó ».

Sau thông báo của Nhà Trắng hôm thứ Tư về việc « nhiều giới chức cao cấp của chính quyền Mỹ đã có các tiếp xúc với các đồng nhiệm Pháp để thảo luận về liên minh AUKUS, kể cả trước khi chính thức thông báo », trả lời AFP, người phát ngôn của đại sứ quán Pháp tại Washington, Pascal Confavreux, khẳng định đã không hề được báo về dự án này trước khi được đọc các thông tin đầu tiên mà truyền thông Mỹ và Úc đăng tải, ít giờ trước tuyên bố chính thức của tổng thống Joe Biden.

Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục gọi Đài Loan là ‘quốc gia’

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/09/pjimage-73-700x366.jpg

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (ảnh: Youtube/CNBC Television).

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Hai (ngày 13/9) đã gọi Đài Loan là một “quốc gia” lần thứ hai trong nhiệm kỳ của ông, trang Taiwan News cho hay.

Hôm thứ Hai, ông Blinken đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc rút quân thảm hại khỏi Afghanistan, trong buổi làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, thông qua hội nghị truyền hình. Dân biểu Brian Fitzpatrick đã thúc ép ông Blinken đưa ra cam kết chắc chắn rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi các đồng minh dễ bị tổn thương trong trường hợp bị Nga hoặc Trung Quốc tấn công.

Dân biểu Fitzpatrick nói rằng ông vừa trở về từ Ukraine và nói rằng họ “lo sợ” sau cuộc sơ tán khẩn cấp của các lực lượng và nhân viên Mỹ khỏi Afghanistan. Fitzpatrick cho biết thêm, điểm dừng chân tiếp theo của ông sẽ là Đài Loan.

Ông Fitzpatrick sau đó hỏi Blinken, “Chúng ta có thể ghi những lời ông nói vào hồ sơ ở đây hôm nay không, thưa ông, để nói với ủy ban này, Quốc hội này và quốc gia của chúng ta rằng chúng ta sẽ dứt khoát và không biện hộ, làm bất cứ điều gì cần thiết – để có được sự ủng hộ bạn bè của chúng ta ở Ukraine và bạn bè của chúng ta ở Đài Loan?”.

Ngoại trưởng Blinken nhanh chóng đáp lại: “Hoàn toàn có thể, chúng ta thực hiện cam kết của mình với cả hai quốc gia”. Việc ông sử dụng thuật ngữ “hai quốc gia” rất có ý nghĩa vì đây là lần thứ hai ông Blinken gọi Đài Loan là một quốc gia kể từ khi trở thành ngoại trưởng.

Tuy nhiên, khi ông Fitzpatrick yêu cầu ông Blinken khẳng định rằng Mỹ sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ họ”, ông Blinken nói, “Chúng ta sẽ thực hiện các cam kết của mình”. Khi Fitzpatrick bắt đầu lặp lại câu hỏi, ông Blinken nói rằng Mỹ sẽ tôn trọng các nghĩa vụ của mình theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan và các cam kết với Ukraine.

Lần đầu tiên ông Blinken sử dụng thuật ngữ “quốc gia” để gọi Đài Loan là trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của chính quyền Biden được tổ chức vào ngày 10/3. Khi Đại diện Young Kim đề nghị chính quyền ông Biden đưa Đài Loan vào Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ sắp tới. Ông Blinken trả lời rằng ông  ấy “hoàn toàn cam kết” với những đề xuất của bà và ông ấy chia sẻ quan điểm của bà rằng, “Đài Loan là một nền dân chủ mạnh” và “một  cường quốc công nghệ rất mạnh”.

Vào ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức dỡ bỏ các hạn chế về tiếp xúc chính thức với Đài Loan. Trong số đó có những lệnh cấm sử dụng thuật ngữ “quốc gia” hoặc “chính phủ” khi đề cập đến Đài Loan.

‘Nhân quyền không phải để bán’, EU sẽ cấm các sản phẩm làm từ ‘lao động cưỡng bức’

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/09/gan-nhu-toan-bo-nganh-thoi-trang-toan-cau-dang-dung-lao-dong-kho-sai-duy-ngo-nhi-1-700x366-1-700x366.jpg

Gần như toàn bộ ngành thời trang toàn cầu đang dùng lao động khổ sai Duy Ngô Nhĩ (ảnh: Youtube/CCTV).

Hôm 15/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vừa xác nhận rằng Liên minh châu Âu sẽ tiến tới việc cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức, một động thái được nhiều người coi là nhắm vào Trung Quốc.

Theo SCMP, phát biểu tại Strasbourg, bà Von der Leyen nói rằng để bảo đảm các sản phẩm do những người bị đe dọa hoặc cưỡng bức lao động làm ra không “được bán trong các cửa hàng ở đây ở châu Âu… chúng tôi sẽ đề xuất một lệnh cấm đối với các sản phẩm trên thị trường được tạo ra bởi lao động cưỡng bức”.

Bà nói: “Nhân quyền không phải để bán – với bất kỳ giá nào”.

EU dự kiến ​​sẽ công bố dự thảo luật thẩm định chuỗi cung ứng nhằm giải quyết vấn đề này vào cuối năm nay, trong số các biện pháp chính sách được thiết kế để giải quyết các vấn đề mà khối có với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã bị cáo buộc tiến hành chương trình lao động cưỡng bức trên quy mô lớn ở khu vực phía tây Tân Cương.

Trong tuần này, Brussels cũng sẽ công bố thêm chi tiết về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới ra đời của mình. Bà Von der Leyen cho biết kế hoạch này được lấy cảm hứng từ “thực tế là các chế độ chuyên quyền đang sử dụng [khu vực này] để cố gắng mở rộng ảnh hưởng của họ”.

Bài phát biểu của bà được đưa ra trong bối cảnh Nghị viện châu Âu (MEP) đang chịu áp lực phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. MEP đã đề xuất một báo cáo với quan điểm mới về Trung Quốc, trong đó đưa ra các khuyến nghị về những thay đổi trong mối quan hệ của EU với Bắc Kinh.

Quan hệ của EU với Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng kể từ khi cả hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng trước việc Bắc Kinh đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Brussels coi Bắc Kinh là đối tác trong các vấn đề như thương mại và biến đổi khí hậu, nhưng đã tăng cường nỗ lực để đối phó với Trung Quốc về các vấn đề như Hồng Kông và Tân Cương.

Rạn nứt mới gần đây giữa EU – Trung Quốc cũng xảy ra ở Lithuania khi quốc gia này mở “Văn phòng đại diện Đài Loan” ở thủ đô Vilnius. Bắc Kinh cho biết động thái này vi phạm chính sách “một Trung Quốc” của Brussels, một tuyên bố bị cả Lithuania và EU phủ nhận.