Tin tức thế giới ngày Thứ ba 24 tháng 8 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp
Pfizer trở thành vaccine Covid đầu tiên được FDA phê chuẩn đầy đủ
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Vaccine Covid-19 với hai mũi tiêm của Pfizer đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn đầy đủ, và trở thành loại vaccine đầu tiên được cấp phép tại nước này.
Vaccine của Pfizer lúc ban đầu đã được cấp phép để sử dụng khẩn cấp. Với hai mũi tiêm cách nhau ba tuần, vaccine này nay trở thành loại được phê chuẩn với đầy đủ các trình tự, được phép sử dụng cho những người từ 16 tuổi trở lên.
Việc phê chuẩn được trông đợi sẽ thúc đẩy tiến trình chủng ngừa từ các chủ lao động và các tổ chức trên toàn quốc.
Việc phê chuẩn diễn ra giữa lúc nhiều người Mỹ vẫn đang có tâm lý ngần ngại với vaccine.
Trong một thông cáo FDA nói việc cơ quan này xem xét để ra quyết định phê chuẩn bao gồm cả việc xem dữ liệu thu thập từ khoảng 44.000 người.
Vaccine Pfizer, nay sẽ được quảng bá với tên gọi Comirnaty, cho thấy đạt hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa bệnh Covid.
Quyền ủy hội viên FDA, Janet Woodcock nói rằng dân chúng “có thể tin tưởng cao” rằng vaccine này đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả cao, và đạt tiêu chuẩn chất lượng sản xuất.
Vaccine Pfizer vẫn được phép dùng khẩn cấp cho thiếu niên lứa tuổi từ 12 đến 15.
Việc tiêm vaccine hiện đang được thực hiện miễn phí cho dân Mỹ.
Ban đầu, FDA cho phép sử dụng tạm thời đối với vaccine Pfizer – là việc cho phép sử dụng khi cơ quan này xác định rằng những lợi ích mà sản phẩm đem lại vượt trội so với những rủi ro có thể phát sinh trong trường hợp cần khẩn cấp đối phó trong vấn đề y tế cộng đồng.
Việc phê chuẩn đầy đủ sẽ có giá trị dài hạn. Tiến trình cấp phép đòi hỏi các công ty phải cung cấp cho FDA thông tin về việc sản phẩm được sản xuất thế nào, ở đâu, cũng như các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng khác.
Những người chỉ trích đã kêu gọi FDA tăng tốc tiến trình phê chuẩn trong lúc đất nước đang phải vật lộn với tình trạng tỷ lệ tiêm vaccine giảm mạnh hồi đầu năm.
Mức lây lan mạnh của biến thể mới Delta khiến việc tiêm vaccine ở một số vùng bị ảnh hưởng nặng tăng tốc trong những tuần gần đây.
Tuy có các bước đi nhằm tăng nhân viên và nguồn lực, nhưng FDA trước đó nói có thể cần tới sáu tháng để có được các dữ liệu mà họ yêu cầu.
Việc phê chuẩn cuối cùng đã diễn ra trong vòng chưa đến bốn tháng, sau khi Pfizer-BioNTech nộp đơn xin cấp phép vào đầu tháng Năm – là quyết định phê chuẩn vaccine nhanh nhất mà FDA từng cấp trong suốt lịch sử hơn 100 năm hoạt động của cơ quan này.
Kết quả thăm dò dư luận được Quỹ Kaiser Family công bố hồi cuối tháng Sáu cho thấy khoảng 30% những người Mỹ chưa tiêm vaccine nói họ nhiều khả năng sẽ tiêm nếu như đó là vaccine được FDA chuẩn thuận đầy đủ. Con số này tăng lên gần 50% ở những người Mỹ đang “chờ xem sao” đối với việc có tiêm vaccine hay không.
Các công ty, hệ thống chăm sóc y tế, các trường đại học và các tổ chức khác nay được trông đợi sẽ công bố các yêu cầu về vaccine, vào lúc Hoa Kỳ đang chuẩn bị quay trở lại cuộc sống bình thường.
Quân đội Mỹ nói việc tiêm vaccine sẽ trở thành bắt buộc đối với 1,3 triệu quân nhân đang làm nhiệm vụ, sau khi vaccine được FDA phê chuẩn.
Tính đến nay, có hơn 92 triệu người Mỹ đã chích ngừa bằng vaccine Pfizer, chiếm quá nửa tổng số người đã tiêm ở nước này.
Anh chủ trì cuộc họp của G7 về Afghanistan
Hôm nay các lãnh đạo G7 sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh online để thảo luận về Afghanistan. Vì Anh là chủ tịch đương nhiệm của G7, thủ tướng Boris Johnson sẽ chủ trì. Anh và các đồng minh NATO khác đã lên tiếng bày tỏ thất vọng trước quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan vô cùng đột ngột của Joe Biden. Động thái này khiến chính phủ Afghanistan sụp đổ và Taliban chiến thắng.
Đội ngũ của ông Johnson nói ông sẽ thúc ép ông Biden kéo dài thời hạn rút quân qua ngày 31 tháng 8, để những người từng làm việc cho các đồng minh phương Tây có thể tiếp tục được sơ tán khỏi sân bay Kabul. Nhưng Taliban đã gọi ngày 31 tháng 8 là “lằn ranh đỏ” và cảnh báo “có hậu quả” nếu lực lượng nước ngoài tiếp tục ở lại sau hạn chót. Nhóm cũng tuyên bố những người có giấy tờ sẽ được phép xuất cảnh sau ngày 31/8. Tuy nhiên, những người Afghanistan đang lo sợ bị trả thù không tin tưởng lắm. Không quá ngạc nhiên khi hàng ngàn người đang tranh nhau chạy trốn.
Nguồn gốc của covid-19: câu hỏi không lời giải
Khoảng 18 triệu người có thể đã chết vì covid-19 kể từ ca nhiễm đầu tiên vào năm 2019. Hàng triệu người khác rơi vào cảnh nghèo đói vì đại dịch. Nhưng vẫn chưa ai biết virus đến từ đâu.
Vào tháng 5, tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh cho cấp dưới trong 90 ngày phải hoàn thành một báo cáo về nguồn gốc virus, tập trung vào giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc. Hôm nay là hạn chót báo cáo kết luận.
Trong báo cáo ban đầu, các cơ quan tình báo cho biết họ phân vân giữa một vụ tai nạn rò rỉ phòng thí nghiệm và “lây lan từ động vật.” Không nhiều khả năng báo cáo cuối cùng sẽ có đột phá. Việc Trung Quốc nhất quyết không hợp tác – liên tục từ chối cho phép mở rộng điều tra trên lãnh thổ của mình – có thể khiến thế giới không bao giờ tìm ra nguồn gốc thực sự của covid-19. Trong khi đó căn bệnh này tiếp tục tàn phá sinh mạng và cuộc sống của hàng triệu người.
Đảng Dân chủ tranh cãi nội bộ về các dự luật chi tiêu
Tổng thống Joe Biden khó có thể toàn quyền kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2022. Do đó phần lớn di sản lập pháp của ông sẽ phụ thuộc vào gói chi tiêu khổng lồ 3,5 nghìn tỷ đô la đảng Dân chủ đang chuẩn bị. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hy vọng khởi đầu quá trình bằng biện pháp hòa giải ngân sách trong tuần này.
Nhưng trong hàng ngũ của bà có nổi loạn – chín nghị sĩ ôn hòa tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống trừ khi Hạ viện thông qua trước dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng được Thượng viện phê chuẩn gần đây. Trong một bài bình luận trên Washington Post, chín người này cáo buộc một số đồng nghiệp tìm cách “ém dự luật cơ sở hạ tầng trong nhiều tháng, hoặc hoàn toàn hủy bỏ nó.” Bà Pelosi, với lo ngại phe tiến bộ sẽ trì hoãn dự luật cơ sở hạ tầng cho đến khi gói chi tiêu được thông qua, nhấn mạnh phải đưa được cả hai dự luật đến bàn tổng thống. Trước tiên bà phải ổn định trật tự trong đảng.
Tim Cook kỷ niệm 10 năm làm CEO Apple
Hôm nay Tim Cook kỷ niệm 10 năm làm giám đốc điều hành của Apple. Vào năm 2011, ngay cả những người hâm mộ lớn nhất của công ty cũng lo ông sẽ thất bại. Làm thế nào một người chỉ chuyên tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu và xem xét bảng tính lại có thể thế chỗ một người khổng lồ như Steve Jobs, nhà đồng sáng lập Apple?
Những nghi ngờ đó đã được xoa dịu. Về mặt tài chính, Cook thành công hơn Jobs, người qua đời ngay sau khi từ chức. Dưới thời Cook, lợi nhuận ròng của công ty tăng hơn gấp đôi lên ước tính 57 tỷ đô la vào năm ngoái. Vốn hóa thị trường tăng gấp bảy lần lên 2,5 nghìn tỷ đô la. Và “nền kinh tế Apple” – tức doanh thu hàng năm của công ty (274 tỷ đô la trong năm ngoái) cộng với số tiền các công ty khác kiếm được trên nền tảng Apple – cũng tăng gấp bảy lần lên hơn 1 nghìn tỷ đô la. Con số này bằng một phần 13 doanh thu 12 tháng qua của mọi công ty thuộc rổ chỉ số S&P500.
Phó Tổng thống Mỹ Harris chỉ trích TQ về chuyện Biển Đông
Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh,
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris có bài phát biểu ở Singapore trước khi khởi hành đến Việt Nam
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong bài phát biểu tại Singapore, nơi bà đang có chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á, đã công kích Trung Quốc.
Bà cáo buộc Bắc Kinh chèn ép và hăm dọa các nước khác tại Biển Đông, nơi vốn là điểm nóng trong khu vực từ nhiều năm nay.
Bà nói rằng Hoa Kỳ sẽ “sát cánh cùng các đồng minh của chúng tôi nhằm đương đầu với các đe dọa”.
Chuyến đi của bà Harris được coi như nỗ lực nhằm tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực.
Bài phát biểu của bà, với nội dung nói tới một số vấn đề khác nữa, cũng nhắc tới việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, điều mà bà nói rằng đó là một quyết định “dũng cảm và đúng đắn”.
Về vấn đề Trung Quốc, bà Harris chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với phần lớn diện tích Biển Đông, điều mà bà nói là được đưa ra dựa trên cơ sở chèn ép và hăm dọa các nước khác.
“Những tuyên bố bất hợp pháp này đã bị bác bỏ bởi quyết định của Tòa Trọng tài hồi năm 2016, và các hành động của Bắc Kinh tiếp tục làm xói mòn trật tự theo quy định pháp luật, đe dọa tới chủ quyền của các nước,” bà nói.
Bà Harris nhắc tới chiến thắng pháp lý lịch sử của Philippines trước Trung Quốc liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Kể từ 2012, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague hồi 2016, Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc vẫn liên tục có mặt có mặt tại đó, và các ngư dân Philippines báo cáo với chính quyền nước mình rằng họ bị quấy nhiễu.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ngày càng quyết tâm khẳng định điều mà nước này nói là quyền lịch sử có từ hàng trăm năm đối với vùng biển đang tranh chấp, và đã nhanh chóng thiết lập hiện diện quân sự của mình để củng cố cho những tuyên bố này.
Một số các nước khác, trong đó có Nhật Bản, tuyên bố chủ quyền đối với một số các đảo nhỏ và các rặng san hô nằm rải rác trên biển, và kèm theo đó là quyền tiếp cận tới các nguồn tài nguyên ở khu vực xung quanh.
Tuy Biển Đông là vấn đề lớn của khu vực, nhưng chuyến đi của bà Harris đã bị làm lu mờ bởi sự rút quân vội vã của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan – dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 31/8.
Bà không nói chi tiết về chủ đề này, là chủ đề đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, mà chỉ nói rằng Hoa Kỳ đã “đạt được điều chúng tôi muốn làm khi tới đó”, và nói thêm rằng Hoa Kỳ nay “tập trung chú ý” vào việc sơ tán những người Afghanistan đã từng làm việc với quân đội Mỹ.
Việc Taliban nhanh chóng chiếm được toàn bộ Afghanistan chỉ trong 10 ngày đã gây sốc cho toàn thế giới.
Đã có những so sánh được đưa ra về tình hình Afghanistan với sự sụp đổ của Sài Gòn hồi 1975.
Bà Harris có chặng dừng chân thứ hai chuyến công du Đông Nam Á tới Việt Nam, vào cuối ngày thứ Ba, 24/8.
Afghanistan: Mỹ đặt mục tiêu hoàn tất việc sơ tán trước thời hạn
Nguồn hình ảnh, Reuters – Chụp lại hình ảnh, Hàng chục nghìn người đã được sơ tán nhưng những người khác vẫn bị nhồi nhét quanh sân bay Kabul
Mỹ đang bị áp lực phải cho thêm thời gian để sơ tán khỏi Afghanistan do Taliban kiểm soát khi thời hạn rút quân sắp đến gần.
Theo thỏa thuận với Taliban, Mỹ phải rời đi trước ngày 31/8.
Nhưng Pháp, Anh và Đức đều đưa ra khả năng thêm thời gian trước cuộc gặp thượng đỉnh vào thứ Ba.
Lầu Năm Góc cho biết vẫn chưa đến thời điểm để tìm kiếm một sự thay đổi nào dù Anh, Pháp và Đức sẽ tăng cường sức ép tại hội nghị thượng đỉnh G7 trực tuyến.
Hàng chục nghìn người đã được sơ tán, nhưng những người khác tìm cách di tản vẫn bị nhồi nhét bên trong hoặc gần sân bay Kabul.
Hãng tin Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ quyết định trong vòng 24 giờ tới về việc có kéo dài thời hạn rút quân hay không.
Một quan chức giấu tên nói với cơ quan này rằng quyết định sẽ được đưa ra để Lầu Năm Góc có thời gian chuẩn bị.
Tại sân bay Kabul hôm thứ Hai, hàng chục người vây quanh phóng viên Secunder Kermani của BBC, tuyệt vọng chìa ra các tài liệu để cố lên chuyến bay mà họ chưa được phép cho lên.
Phóng viên của BBC nói rằng những người đã nhận được email yêu cầu họ phải đến sân bay để có được quyền vào máy bay sẽ gặp khó khăn.
Một quan chức Canada nói với Reuters rằng đám đông “dữ dằn, bạo lực đang trở nên phổ biến hơn”.
Theo Nhà Trắng, khoảng 10.900 người đã được sơ tán khỏi Kabul trong thời gian từ 11:30 đến 23:30 giờ địa phương hôm thứ Hai.
Nhà Trắng nói Mỹ đã sơ tán và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán khoảng 48.000 người kể từ cuộc không vận căng thẳng bắt đầu vào ngày 14 tháng 8.
Cuộc không vận bắt đầu từ khi Taliban tiến vào Kabul, sau một chiến dịch chớp nhoáng chiếm gần như toàn bộ đất nước sau khi Mỹ quyết định rút lực lượng.
Khu vực duy nhất còn lại được giữ lại dường như là khu Panjshir ở phía đông bắc Kabul, một thành trì của phe đối lập chống Taliban, những người nói rằng hàng nghìn người đã sẵn sàng tham gia cuộc chiến.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói Mỹ đang đàm phán mỗi ngày với Taliban thông qua các kênh chính trị và an ninh, mặc dù ông Biden không cân nhắc các cuộc đàm phán trực tiếp vào thời điểm này.
Ông nói Mỹ tin rằng tất cả những người Mỹ muốn rời khỏi Afghanistan có thể được sơ tán trước thời hạn, nhưng ông Biden cũng sẽ thực hiện cách tiếp cận “từng ngày” về việc có nên gia hạn hay không.
Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Trọng tâm của chúng tôi là hoàn thành việc này vào cuối tháng”.
Ông nói, nếu các chỉ huy trên mặt đất nói rằng cần gia hạn thì điều này sẽ được chuyển cho Tổng thống Biden, nhưng thêm rằng: “Hiện tại chúng tôi chưa tới thời điểm đó.”
Ông nói thêm: “Chúng ta đã xem các tuyên bố công khai của người phát ngôn Taliban về quan điểm của họ về ngày 31 tháng 8. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu góc nhìn đó.”
Ông Kirby miễn cưỡng đưa ra con số cụ thể về số người Mỹ đã được sơ tán cho đến nay, chỉ nói rằng khoảng “hàng nghìn”.
Ông cũng cho biết hiện tại không có kế hoạch tăng thêm 5.800 binh sĩ bảo vệ sân bay và giám sát việc sơ tán.
Có vẻ như lính Anh không thể ở lại nếu người Mỹ quyết định giữ nguyên thời hạn
Ông Kirby cho biết, ít nhất một lần Mỹ đã sử dụng trực thăng để đưa người đến sân bay.
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao, James Steinberg. nói với BBC rằng có nhiều khả năng Joe Biden sẽ gia hạn việc sơ tán để bảo vệ những người Mỹ còn lại – và tổng thống có thể sẽ không cho Taliban “lựa chọn phủ quyết”.
Anh, Pháp và Đức đều cho biết các cuộc sơ tán sẽ phải tiếp tục vượt qua thời hạn.
Phó TT Harris sẽ khai trương Văn phòng CDC Đông Nam Á của Mỹ ở Hà Nội
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến công du Đông Nam Á, sau Singapore, ngày 24/08/2021, bà Harris tới thăm Việt Nam. AFP – EVELYN HOCKSTEIN
Kết thúc chuyến thăm Singapore, phó tổng thống Mỹ lên đường đến Hà Nội chiều 24/08/2021, thăm chính thức Việt Nam ba ngày theo lời mời của phó chủ tịch nước Võ Thị Xuân Ánh.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, chủ đề an ninh dựa trên luật pháp quốc tế, tình hình dịch Covid-19, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ được phó tổng thống Mỹ đề cập với các quan chức Việt Nam trong chuyến công du. Ngoài ra, bà Harris có thể đề cập đến những khoản viện trợ của Washington trong bối cảnh Việt Nam đang phải chống đợt dịch nặng nhất từ trước đến nay.
Ngày mai, 25/08, theo lịch trình dự kiến, phó tổng thống Mỹ sẽ khai trương Văn phòng Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Theo trang VnExpress, tham gia sự kiện này còn có bộ trưởng Y Tế Mỹ Xavier Becerra, giám đốc CDC Rochelle Walensky, cùng quan chức y tế nhiều nước trong khu vực.
Theo lịch trình, bà Kamala Harris cũng tham dự lễ ký thỏa thuận thuê đất để xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Trước đó, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng cho biết chuyến công du của bà Harris, cũng như “các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và hoạt động trao đổi đoàn các cấp hai nước nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Hoa Kỳ là nước viện trợ vac-xin nhiều nhất cho Việt Nam để hỗ trợ chống dịch Covid-19, gồm 5 triệu liều Moderna thông qua cơ chế COVAX, theo hai đợt 10/07 và 24/07. Còn theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Washington đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 20 triệu đô la để chống đại dịch Covid-19.
Trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng Bẩy, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cam kết Hoa Kỳ tài trợ 77 tủ đông âm sâu giúp Việt Nam bảo quản và phân phối vac-xin ngừa Covid-19. Trong số này, 63 tủ đông được phân phối cho 63 tỉnh thành và 14 tủ cỡ lớn được cấp cho các cơ quan chức năng bảo quản vac-xin.
Hoa Kỳ : Bang New York có nữ thống đốc đầu tiên
Tân thống đốc bang New York Kathy Hochul (P) tuyên thệ nhậm chức tại thành phố New York, Mỹ, ngày 24/08/2021. REUTERS – POOL
Hôm nay, 24/08/2021, phó thống đốc Kathy Hochul chính thức nhậm chức thống đốc bang New York, thay thế ông Andrew Coumo, đã phải từ chức sau khi bị nhiều phụ nữ cáo buộc quấy rối tình dục. Như vậy bà là phụ nữ đầu tiên giữ chức thống đốc bang này.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình:
« Bà Hochul là cánh tay phải của Andrew Cuomo từ năm 2014 và bà chưa từng mong đợi được đẩy lên làm thống đốc bang đông dân thứ tư của Mỹ này. Ngày mà ông Cuomo từ chức, bà đã tuyên bố: « Tôi không hề nghĩ là mình sẽ đạt đến vị trí này, nhưng tôi sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao ».
Ở tuổi 62, là một người ít được dân chúng biết tới, hôm nay bà Hochul nhậm chức và trở thành nữ thống đốc đầu tiên của bang ở New York sau khi dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp chính trị.
Trước khi về làm phó của ông Cuomo, bà đã từng làm vụ trợ lý nghị sĩ tại Washington, rồi tại New York, cho đến khi đắc cử nghị sĩ Quốc hội.
Nói về Hochul, cựu thông đốc bang đánh giá bà là một phụ nữ thông minh và có năng lực. Bà nổi tiếng với cuộc đấu tranh chống bạo hành trong gia đình.
Tại New York, năng lực của bà đã ngay lập tức được kiểm nghiệm: dịch bệnh bùng phát, kinh tế của thành phố vẫn gặp khủng hoảng, thêm vào đó là tình trạng tội phạm…. Danh sách các hồ sơ nóng rất dài.
Sự ra đi của ông Cuomo khởi động cuộc chạy đua tranh cử năm 2022. Nếu như bà Hochul ra tranh chức thống đốc, bà sẽ phải đương đầu với rất nhiều đối thủ khác. »
Philippines: Ông Duterte đồng ý tranh cử phó tổng thống năm 2022
Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đồng ý trở thành ứng cử viên phó tổng thống của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử năm tới, đảng PDP-Laban cho biết hôm 24/8, theo Reuters. Tuyên bố của ông Duterte liền khiến các đối thủ tố cáo rằng đó là một âm mưu nhằm bám giữ quyền lực của ông.
Thông cáo được đưa ra trước thềm đại hội toàn quốc của đảng vào ngày 8/9, theo đó đảng này dự kiến cũng sẽ phê chuẩn ông Christopher “Bong”, phụ tá của ông Duterte, đồng thời là thượng nghị sĩ đương nhiệm làm ứng cử viên tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử năm 2022.
Ông Karlo Nograles, phó chủ tịch điều hành đảng PDP-Laban, nói rằng ông Duterte đáp lại “thỉnh cầu của người dân”.
Theo hiến pháp, một tổng thống chỉ có thể phục vụ một nhiệm kỳ, và thông cáo này như đã được nhiều người dự đoán trước đó rằng ông Duterte có thể tìm kiếm chức phó tổng thống, một động thái được các nhà quan sát và nhà phê bình chính trị coi là cửa hậu cho nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.
Họ tin rằng ông có thể đang thực hiện một màn kịch để duy trì quyền lực bằng cách nhậm chức tổng thống theo một kịch bản là ông Go sẽ thắng cử và sau đó từ chức.
“Đây thực sự là một phần trong kế hoạch của bè phái Duterte nhằm mở rộng cả ảnh hưởng và quyền kiểm soát chính phủ”, nghị sĩ đối lập Carlos Zarate nói.
Ông Nograles, người ủng hộ ông Duterte, cho biết động thái này sẽ “đảm bảo tính liên tục của các chương trình của chính quyền trong 5 năm qua”, bao gồm cả cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte, điều mà một công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) muốn điều tra.
Ông Salvador Panelo, Cố vấn pháp lý của Duterte, nói rằng việc ông Duterte sẽ kiểm soát văn phòng tổng thống nếu giành được chức phó tổng thống là điều “vô căn cứ và phi logic.”
Ở Philippines, chức danh tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng biệt.