Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 6
Total Users : 13506
Total views : 136667
Server Time : 2024-11-23

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Điểm tin thế giới ngàyThứ hai 5 tháng 4 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

TNS Barrasso: Chính quyền Biden cố gắng che giấu khủng hoảng biên giới 

TNS John Barrasso trong buổi phỏng vấn với Fox News (ảnh chụp video).

Trong chương trình Sunday Morning Futures của Fox News hôm Chủ nhật, Thượng nghị sĩ John Barrasso (bang Wyoming) đã thảo luận về chuyến thăm của ông cùng một phái đoàn thượng nghị sĩ Cộng hòa tới biên giới trong bối cảnh khủng hoảng biên giới đang diễn ra.

TNS đã đưa ra những nhận xét rất nghiêm trọng về tình hình biên giới. Ông cho rằng chính quyền Biden đang cố gắng che giấu điều mà ông gọi là khủng hoảng nhân đạo và an ninh quốc gia.

Ông nói: “Đây vừa là một cuộc khủng hoảng nhân đạo vừa là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia. Tôi đã thấy cả hai điều này ở biên giới. Và bạn có lẽ đã thấy hôm nay, con số trẻ vị thành niên không có người đi kèm [đến biên giới] hiện đang bị tạm giữ là cao nhất trong lịch sử. Các em bị nhồi nhét như lũ cá mòi. Và đây là điều mà chính quyền Biden đang cố gắng che giấu công chúng Mỹ, đó là lý do tại sao chúng tôi quay video [tại cơ sở tạm giữ ở biên giới], và chính quyền Biden đã cố gắng ngăn cản chúng tôi. Khi nhốt nhiều người như vậy theo cách này, và 10% trong số họ xét nghiệm dương tính với virus corona, Joe Biden đang tạo ra sự kiện siêu lây truyền virus ở đất nước chúng ta.”

Thượng nghị sĩ cũng nói với người dẫn chương trình rằng, ông ấy nghi ngờ về các biện pháp chống COVID-19 mà các cơ sở biên giới đã áp dụng.

Ông Barrasso cho biết “Chúng tôi được yêu cầu xóa những bức ảnh đã chụp. Chúng tôi đã không làm như vậy. Bạn đã xem đoạn video quay cảnh những đứa trẻ chen chúc dưới tấm chăn bằng giấy bạc, túm tụm lại với nhau và 10% trong số chúng dương tính [với COVID-19]”.

Ông thuật lại, những đứa trẻ sẽ được xét nghiệm COVID vào ngày chúng rời khỏi khu tạm giữ. Theo luật, các cơ sở này sẽ chỉ tạm giữ những người di cư trong 3 ngày, nhưng nhiều người đã ở đây tới 10 ngày.

TNS kể lại: “Tôi đã xem cách họ xét nghiệm virus cho chúng. Họ đưa những đứa trẻ vào sân… Họ xét nghiệm ngay lập tức. Và sau đó những đứa trẻ được xét nghiệm dương tính chỉ được chuyển sang một bên của [sân], những người âm tính sang phía bên kia của sân. Nhưng tôi nói với bạn, Maria, tất cả lũ trẻ đều bị phơi nhiễm. Và sau đó chúng được gửi đi khắp đất nước”.

“Đó là bi kịch thực sự. Và chúng ta không chắc chúng đang mang biến thể nào của virus corona. Tuy nhiên, chúng đang mang trong mình virus và đi khắp nước Mỹ. Chúng không bị cách ly. Tất cả chúng phải bị cách ly.”, TNS cho biết thêm.

Texas: Chính sách biên giới của Biden khiến tiểu bang thiệt hại nặng

Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh: Từ video của ESPN)

Tổng chưởng lý tiểu bang Texas Ken Paxton cho biết các chính sách biên giới của Tổng thống Joe Biden đang khiến tiểu bang mất đi “hàng tỷ đô-la”, theo Fox News.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 4/4 (theo giờ địa phương), ông Paxton nói rằng làn sóng di cư vào Mỹ là “một thảm họa nhân đạo và các thị trấn biên giới đang phải gánh chịu nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác”.

Ông Paxton cho biết thêm: “Tiểu bang chúng tôi phải chịu gánh nặng. Chúng tôi sẽ phải giáo dục họ và chăm sóc sức khỏe của họ, chúng tôi phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của họ và giải quyết các vấn đề thực thi pháp luật. Nó tiêu tốn của tiểu bang Texas hàng tỷ đô la”.

“Mỗi lần chính quyền mở cửa biên giới, ví dụ như chính quyền Obama, chính quyền Biden, điều đó làm tăng chi phí của chúng tôi. Chúng tôi cũng phải gánh chịu chi phí xã hội, vấn đề tội phạm, tội phạm gia tăng. Tôi ước rằng Tổng thống [Joe] Biden sẽ nói chuyện với những gia đình chịu ảnh hưởng bởi tội ác và mất đi người thân vì chính sách nhập cư. Tôi nghĩ việc này có thể tác động đến ông ấy và cho ông ấy một cái nhìn khác về mặt trái của các chính sách đang tàn phá một số gia đình ở tiểu bang của tôi ”, ông Paxton nói.

Nhóm tàu Hàng Không Mẫu Hạm Trung Cộng đi ngang biển Nhật Bản

Hình ảnh nhóm Tàu sân bay Liêu Ninh chụp từ trên cao (ảnh: Từ video của OedoSoldier)

5 tàu chiến đã hộ tống Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua một tuyến đường thủy quan trọng ngoài khơi Nhật Bản trên đường đến Thái Bình Dương, Văn phòng Tham mưu Liên hợp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hôm Chủ nhật (4/4), theo Nikkei.

Nhóm tàu ​​sân bay Trung Quốc được phát hiện vào khoảng 8 giờ sáng thứ Bảy, cách quần đảo Danjo của tỉnh Nagasaki khoảng 470 km về phía tây nam. Đoàn tàu sau đó đi qua eo biển Miyako, tuyến đường thủy rộng 250 km giữa đảo Okinawa và đảo Miyako.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, tàu Liêu Ninh được cho là đi qua tuyến đường thủy này, và nó diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc tập trận giữa hải quân Mỹ và Australia ở Đông Thái Bình Dương.

Phía Nhật Bản đã triển khai tàu khu trục, một máy bay tuần tra hàng hải P-1 và một máy bay tuần tra tác chiến chống ngầm P-3C để thu thập thông tin và giám sát chuyển động của các tàu Trung Quốc.

Một máy bay vận tải quân sự Y-9 của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako vào Chủ nhật và Nhật Bản đã điều một máy bay chiến đấu phản lực để đáp trả.

Các động thái này diễn ra khi Hải quân Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các đối tác Quad gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Úc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Sau chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Nhóm tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ đã tiến hành các hoạt động tập trận với hải quân và không quân của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương vào ngày 28 và 29 tháng 3.

Tiếp sau đó là một cuộc diễn tập chung kéo dài hai ngày với sự tham gia của Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia Úc ở Đông Thái Bình Dương vào 30 và 31/3.

Bộ trưởng Philippines: Trung Quốc muốn chiếm thêm các khu vực ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (ảnh: Từ video của RTVMalacanang)

Reuters đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm Chủ nhật (4/4) cho biết chính quyền Trung Quốc đang tìm cách chiếm thêm nhiều khu vực ở Biển Đông, bằng chứng là Bắc Kinh liên tục cho các tàu dân quân hiện diện tại các khu vực tranh chấp của tuyến đường thủy chiến lược.

“Sự hiện diện liên tục của các lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của họ nhằm chiếm đóng [các khu vực] ở Biển Tây Philippines”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết trong một tuyên bố, sử dụng tên địa phương cho Biển Đông.

Đây là tuyên bố mạnh mẽ thứ hai của ông Lorenzana trong ít ngày qua khi ông lặp lại yêu cầu của chính phủ Philippines rằng các tàu Trung Quốc phải rời khỏi Đá Ba Đầu, mà Manila gọi là Rạn Julian Felipe, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của nước này.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng những chiếc thuyền neo đậu gần Đá Ba Đầu đang trú ẩn khi biển động và không có lực lượng dân quân nào trên tàu như cáo buộc của phía Philippines.

Hôm thứ Bảy, ông Lorenzana cho biết vẫn còn 44 tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu mặc dù điều kiện thời tiết đã được cải thiện.

“Tôi không ngốc. Thời tiết tốt cho đến nay, vì vậy họ không có lý do gì để ở lại đó”, ông Lorenzana nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phản hồi các bình luận của ông Lorenzana, nói rằng việc các tàu Trung Quốc đánh cá trong khu vực và trú ẩn gần Đá Ba Đầu trong điều kiện biển động là “hoàn toàn bình thường”, và khẳng định rằng: “Không ai có quyền đưa ra những nhận xét vu vơ về những hoạt động như vậy”.

Một tòa án quốc tế đã vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 90% Biển Đông vào năm 2016, nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết này và đã xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp với trang bị radar, tên lửa và nhà chứa máy bay chiến đấu.

“Họ đã làm điều này [chiếm các khu vực tranh chấp] trước đây tại Bãi cạn Panatag hoặc Bajo de Masinloc và tại Rạn san hô Panganiban, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Philippines và các quyền chủ quyền theo luật pháp quốc tế”, ông Lorenzana nói trong tuyên bố hôm Chủ nhật.

Việt Nam yếu thế trước Trung Quốc trong cuộc đấu về bản đồ Biển Đông?

Bản đồ có “đường lưỡi bò” trên trang web của Chanel phục vụ thị trường Trung Quốc, 5/4/2021.

Trong 3 ngày qua, kể từ hôm 3/4, theo quan sát của VOA, đông đảo người Việt kêu gọi trên mạng xã hội hãy tẩy chay hãng quần áo Thụy Điển H&M vì có tin Bắc Kinh đã thành công trong việc buộc hãng này tuân thủ yêu cầu sửa “bản đồ có vấn đề” liên quan đến chủ quyền Trung Quốc.

Sự việc bắt đầu từ tối 1/4, theo tin của Vietnambiz.vn, khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin là H&M “’chiều lòng’ người tiêu dùng Trung Quốc, chấp nhận đổi bản đồ trên website của họ, thêm đường lưỡi bò trái phép”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VOA, trang web của H&M ở Trung Quốc không có bản đồ về hệ thống cửa hàng, chỉ có danh sách cửa hàng ở các tỉnh, thành trên đất nước láng giềng khổng lồ của Việt Nam.

Cho đến nay, chưa có thông tin hay hình ảnh cụ thể nào cho thấy H&M in hay sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trong sản phẩm hay nhãn mác của họ.

Trang web của H&M ở Trung Quốc không có bản đồ các cửa hàng. 5/4/2021

Giữa làn sóng kêu gọi tẩy chay, chỉ lác đác có vài tiếng nói như của phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh hay nhà báo Hoàng Tư Giang, hai Facebooker có đông người theo dõi, khuyên rằng mọi người ở Việt Nam nên bình tĩnh, tỉnh táo đối với những bài đăng không có nguồn khả tín.

Trong khi đó, VOA nhận thấy các trang web phục vụ thị trường Trung Quốc của một loạt các hãng thời trang lớn nổi danh toàn thế giới thực sự có sử dụng bản đồ thể hiện đường 9 đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò”, trên phần vẽ về Biển Đông.

Đó là các hãng Burberry, Chanel, Gucci, Louis Vuitton, YSL và một số hãng khác. Hầu hết những hãng này không có website riêng cho thị trường Việt Nam.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở đó. Một số nước khác trong khu vực cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền về một phần biển, đảo ở Biển Đông.

Chính quyền Trung Quốc củng cố cho yêu sách chủ quyền của họ bằng cách phổ biến bản đồ có “đường lưỡi bò”. Đáp lại, chính quyền Việt Nam nhiều lần phản bác và phạt các cá nhân, tổ chức đưa vào hoặc sử dụng bản đồ này ở Việt Nam.

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên đại học chuyên ngành kinh tế ngoại thương, nói với VOA rằng mặc dù tồn tại thực tế là các hãng làm ăn ở Trung Quốc phải dùng bản đồ “đường lưỡi bò”, song không nên đặt nặng vấn đề là Việt Nam yếu thế trước Trung Quốc trong cuộc đấu về bản đồ:

“Kinh doanh thì các hãng tránh xa các tranh luận về chính trị. Quy tắc kinh doanh quốc tế là ở đâu thì tuân thủ luật pháp của nước đó, nên các hãng buộc phải làm vậy. Trừ khi họ tuyên bố trên website của họ là họ ủng hộ nước nào đấy, thì chúng ta mới thấy như thế là sốc”.

Những người tiêu dùng không thể đòi hỏi các hãng kinh doanh tham gia vào các vấn đề chính trị, bà Ánh nói thêm. Bà cũng lưu ý rằng Trung Quốc là công xưởng sản xuất cho cả thế giới, điều đó đặt người Việt vào thế khó nếu họ muốn tẩy chay bất cứ những gì dính líu đến Trung Quốc khi có mâu thuẫn về chủ quyền:

“Bây giờ chúng ta sẽ tẩy chay Gucci, H&M, tẩy chay Zara, Uniqlo. Xong rồi chúng ta sẽ chuyển sang dùng hãng Quảng Đông à? Tôi tin rằng hàng Quảng Đông trên đấy không in cái bản đồ nào đâu [cười]. Cách đấy không phải là cách hay, chưa kể làm thế có thể gây nên thất nghiệp cho rất nhiều lao động Việt Nam. Cho nên tôi có kêu gọi bạn bè nên cẩn trọng, suy nghĩ sâu xa hơn”.

Nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Lân Thắng, người cũng tích cực đấu tranh bảo vệ chủ chủ quyền Việt Nam, có chung cách nhìn:

“Họ là các hãng kinh doanh, hoạt động ở Trung Quốc phải theo luật Trung Quốc. Không chỉ các hãng thời trang phải làm như vậy mà kể cả các hãng ô tô lớn của Đức, Mỹ cũng phải dùng bản đồ của Trung Quốc. Chẳng nhẽ người Việt Nam chúng ta tẩy chay hết tất cả các hãng sản xuất tham gia vào thị trường Trung Quốc à? Tôi cho rằng điều đó rất là phi lý”.

Trung Quốc, với hơn 1,4 tỉ dân có GDP bình quân đầu người xấp xỉ 11.000 đô la năm 2020, là thị trường béo bở được các hãng sản xuất, kinh doanh nước ngoài ưu tiên.

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho giới kinh doanh nước ngoài, song quy mô nền kinh tế Việt Nam vẫn quá nhỏ bé khi đặt cạnh Trung Quốc, nước có GDP đạt 14,7 nghìn tỉ đô la vào năm 2020, lớn gấp 37 lần GDP của Việt Nam.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói với VOA rằng việc người dân Việt Nam bày tỏ thái độ để ủng hộ chủ quyền, lãnh thổ là điều đáng quý nhưng cần làm đúng cách, không thể tràn lan hô hào, có thể gây thiệt hại cho các hãng sản xuất một cách không công bằng.

Vẫn ông Thắng lưu ý rằng tiếng nói của người dân không thể thay thế vai trò của nhà nước, mà ông cho rằng nhà nước chưa làm đủ:

“Phía nhà nước, phía chính phủ Việt Nam quá yếu trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Rõ ràng chính phủ sử dụng tiền thuế của người dân, đại diện cho người dân trong những vấn đề quốc gia, vấn đề quốc tế, thì trách nhiệm trong những chuyện này thuộc về chính phủ”.

Tuy nhiên, khác với ông Nguyễn Lân Thắng, nhận định về việc chính quyền Việt Nam nên ứng xử như thế nào trước việc các hãng kinh doanh sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng chừng nào các hãng chỉ sử dụng bản đồ đó ở Trung Quốc và không mang sang Việt Nam, chính quyền Việt Nam không có lý do gì để phản ứng với họ.

Lở đất và lũ lụt làm ít nhất 41 người thiệt mạng ở Indonesia

Hình ảnh một trận lở đất ở Indonesia.

Cơ quan phòng chống thiên tai của Indonesia hôm 4/4 cho biết, lở đất và lũ quét do những trận mưa xối xả gây ra ở miền đông nước này đã làm ít nhất 41 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải di dời.

Ngoài ra, tin cho hay, hơn hai chục người khác vẫn mất tích.

Bùn, đất từ những ngọn đồi xung quanh tràn xuống hàng chục ngôi nhà ở làng Lamenele trên đảo Adonara thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara. Lenny Ola, người đứng đầu cơ quan phòng chống thiên tai địa phương, cho biết lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 35 thi thể và ít nhất 5 người bị thương.

Theo Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia, lũ quét đã giết chết ít nhất 6 người ở những nơi khác. Người phát ngôn của cơ quan này, Raditya Jati, cho biết các nỗ lực cứu hộ đã bị cản trở bởi việc mất điện, các con đường bị chặn bởi bùn đất và đống đổ nát cũng như sự xa xôi, hẻo lánh của khu vực, vốn bị bao quanh bởi biển động và sóng cao.

Những trận mưa như trút nước gây ra lở đất và lũ lụt thường xuyên, giết chết hàng chục người mỗi năm ở Indonesia.

Cơ quan ngăn ngừa thảm họa Indonesia đã hạ số người chết vào cuối ngày 4/4 xuống 41 người – giảm từ 44 người – sau khi đội tìm kiếm và cứu hộ xác minh dữ liệu của các nạn nhân. Ít nhất 27 người vẫn mất tích.

Ông Jati cho biết trong một cuộc họp báo rằng tính tới cuối ngày 4/4, hàng trăm người vẫn đang tham gia vào các nỗ lực cứu hộ.

Việt Nam khó cưỡng lại chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc

Một phụ nữ được chích ngừa tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, tỉnh Hải Dương, Việt Nam, ngày 08/03/2021. REUTERS – THANH HUE

Là nơi xuất phát đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc cung cấp vac-xin ngừa virus corona như một chính sách ngoại giao để gia tăng ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Nhưng Việt Nam đang cố cưỡng lại chính sách ngoại giao vac-xin này của Bắc Kinh, cho tới nay vẫn chưa dùng thuốc tiêm ngừa “made in China”. Vấn đề là, về lâu dài, để có đủ vac-xin chích cho toàn dân, chính phủ Hà Nội chắc sẽ buộc phải nhập luôn cả vac-xin Trung Quốc.

Mặc dù đã phê chuẩn tổng cộng 4 loại vac-xin, nhưng chính phủ Trung Quốc lại không vội vã chích ngừa Covid cho người dân nước họ. Tính đến tháng 3, chỉ mới có chưa tới 50 triệu dân Trung Quốc được tiêm chủng, tức chỉ khoảng 4% tổng dân số, so với tỷ lệ 19% ở Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã từng tuyên bố họ có thể sản xuất ít nhất 2,6 tỷ liều vac-xin trong năm 2021. Là nước sản xuất vac-xin hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu vac-xin nhiều nhất : 560 triệu liều, tức là một phần tư sản lượng quốc gia. Bắc Kinh đã ký hiệp định thương mại về cung cấp vac-xin với 27 quốc gia, tặng các liều vac-xin cho hơn 50 quốc gia. Theo tổng kết của hãng tin AP, Trung Quốc đã cam kết cung cấp tổng cộng nửa tỷ liều vac-xin cho hơn 45 quốc gia.

Mục tiêu chính trị, ngoại giao, kinh tế

Nhằm mục đích quảng bá cho vac-xin “made in China”, gần đây Bắc Kinh còn đề nghị sẽ cho nhập cảnh dễ dàng đối với những du khách nào đã chích ngừa Covid-19 bằng một vac-xin của Trung Quốc.

Như nhận định của chuyên gia Pháp về chính sách ngoại giao và an ninh của Trung Quốc Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trả lời đài TV5MONDE ngày 27/03/2021, một mặt cố làm cho mọi người quên đi trách nhiệm của họ trong việc để cho đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu, mặt khác, Bắc Kinh “kể từ nay tìm cách lợi dụng đại dịch để thúc đẩy ngoại giao y tế nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, ngoại giao và kinh tế”.

Theo nhận định của nhật báo Anh The Guardian ngày 27/03/2021, chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc đang bị quốc tế chỉ trích, vì việc cung cấp thuốc tiêm ngừa kèm theo nhiều điều kiện và bị xem như là một công cụ để gia tăng ảnh hưởng địa chính trị. Ấy là chưa kể những cáo buộc rằng kiều dân Trung Quốc tại những nước nhận vac-xin “made in China” đã được ưu tiên chích ngừa.

Cũng theo đài TV5MONDE, đa số các liều vac-xin xuất khẩu là sang châu Phi. Vào lúc mà Mỹ và châu Âu đang phải lo chích ngừa cho dân của họ và chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc không thể đáp ứng nhu cầu của các nước nghèo, dĩ nhiên là các nước châu Phi rất hoan nghênh món quà “made in China” này. Trung Quốc nay đã cung cấp thuốc tiêm ngừa Covid cho 17 nước châu Phi, chủ yếu là loại vac-xin Sinopharm. Vac-xin này có ưu điểm là vừa rẻ tiền, vừa dễ lưu giữ, vì chỉ cần được giữ với độ lạnh từ 2 đến 8 độ, tức là trong những tủ lạnh thường, chứ không phải trong những tủ đá cực lạnh, như với các loại vac-xin Pfizer/BioNtech và Moderna.

Vac-xin “made in China” ở Đông Nam Á

Chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc cũng có vẻ thành công đối với các nước Đông Nam Á. Theo The Guardian, Bắc Kinh đã hứa tặng thuốc tiêm ngừa cho các nước Brunei, Cam Bốt, Lào và Miến Điện. Philippines, tuy đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng đã được tặng hơn 600.000 liều, trước khi đặt mua 25 triệu liều. Indonesia thì đã mua hơn 150 triệu liều vac-xin Sinovac, Sinopharm và CanSino. Malaysia, Thái Lan cũng đã đặt mua vac-xin Trung Quốc. Nói chung, các nước Đông Nam Á tiếp nhận chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc như thế nào, trả lời RFI Việt ngữ ngày 31/03/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết:

“Hiện tại đã có rất nhiều nước ở Đông Nam Á phê duyệt và bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc, nhất là Indonesia. Malaysia, Thái Lan, Cam Bốt … đều đã triển khai sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Kể cả Philippines, nước có quan hệ khá là căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông, cũng đã duyệt sử dụng vac-xin Sinovac của Trung Quốc.

Nhìn rộng ra hơn, chúng ta thấy có một số khác biệt trong thái độ đối với vac-xin Sinovac ở cấp độ chính phủ và cấp độ người dân. Chẳng hạn như Philippines, chính phủ đã phê duyệt sử dụng đại trà vac-xin Sinovac, tuy nhiên đa số người lại ngờ vực và không muốn được chích bằng vac-xin này.

Singapore thì mặc dù chưa phê duyệt vac-xin Sinovac của Trung Quốc và cũng chưa có đề nghị gởi vac-xin này sang Singapore, nhưng Trung Quốc đã chủ động gởi một lô vac-xin Sinovac cho Singapore cách đây hai tháng, hàm ý hối thúc Singapore phê duyệt sử dụng vac-xin này. Singapore là một quốc gia phát triển và có tiêu chuẩn rất cao về an toàn y tế, cho nên nếu Singapore phê duyệt vac-xin Sinovac của Trung Quốc thì uy tín của loại vac-xin này sẽ tăng lên trên thế giới.

Cùng quan điểm thận trọng như Singapore thì có Việt Nam. Cho tới nay Việt Nam cũng chưa phê duyệt sử dụng vac-xin nào của Trung Quốc cả. ” Ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc nhìn chung có một số bước tiến trong khu vực. Tuy nhiên, những bước tiến này không đồng đều và vẫn gặp phải một số trở ngại đáng kể.

Ngay trong người dân Trung Quốc cũng có rất nhiều người e ngại về sự an toàn và hiệu quả của vac-xin Trung Quốc, thì cũng dễ hiểu khi các quốc gia khác hay người dân ở các quốc gia khác không tin tưởng vào các loại vac-xin này.”

Riêng tại Philippines, công luận đã tỏ ra quan ngại khi thấy có 400.000 liều vac-xin CoronaVac mà Trung Quốc tặng đã được đưa đến nước này vào ngày 24/03, chỉ một ngày sau khi Manila vừa lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Phó chủ tịch Hạ Viện Philippines Rufus Rodriguez đã yêu cầu làm sáng tỏ một điều: chính phủ có đã “ đổi chác ” gì với Trung Quốc hay không khi nhận món quà tặng này, bởi vì thời điểm tặng vac-xin trùng hợp với việc Trung Quốc đưa tàu xâm nhập lãnh hải của Philippines? Nhưng ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khẳng định là hai vấn đề này không có liên hệ gì với nhau.

Việt Nam: Cưỡng lại trong bao lâu?

Còn Việt Nam thì đang cố cưỡng lại chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc, nhưng trong bao lâu nữa?

Với chưa tới 3000 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong cho tới nay, theo các số liệu chính thức, Việt Nam hiện chưa phải gấp rút chích ngừa Covid-19 như nhiều nước khác. Nhưng để có thể mở cửa biên giới trở lại đón khách nước ngoài, về lâu dài, Việt Nam cũng phải làm sao tiêm phòng cho toàn dân.

Việt Nam đã khởi động chiến dịch chích ngừa từ ngày 08/03 với 117.600 liều vac-xin AstraZeneca nhận được vào tháng trước trong khuôn khổ chương trình COVAX. Nhưng chương trình này đang bị chậm trễ đối với toàn bộ các nước, kể cả Việt Nam. Cho nên, ngoài AstraZeneca, Việt Nam sau đó đã phải cấp phép cho vac-xin Sputnik V của Nga. Vì sao cho tới nay Hà Nội vẫn chưa muốn sử dụng vac-xin của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải thích :

“Có lẽ là do Việt Nam đã thành công đáng kể trong việc dập dịch vào năm ngoái, cho nên các giới chức Việt Nam có phần nào đây hơi chậm trễ so với các nước khác trong việc ký các hợp đồng mua vac-xin và triển khai sử dụng vac-xin.

Chỉ tới khoảng tháng 1, tháng 2 vừa rồi, khi dịch bùng lên trở lại, tôi mới thấy có sự cấp bách trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với vac-xin. Điều này cũng dẫn tới việc là Việt Nam chưa xét duyệt nhiều loại vac-xin, cho tới nay chỉ mới phê duyệt hai loại vac-xin AstraZeneca và Sputnik V của Nga.

Ngoài lý do có sự chậm trễ, còn có lý do về sự an toàn. Các dữ liệu về vac-xin Trung Quốc thì không minh bạch, đầy đủ, cho nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở để phê duyệt loại vac-xin này. Hôm nay (31/03/2021), bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long có đề nghị là Trung Quốc nộp đơn đăng ký để cho các loại vac-xin này được kiểm tra và phê duyệt sử dụng ở Việt Nam.

Ngoài ra cũng có những người nói đến lý do tâm lý bài Trung Quốc, e ngại Trung Quốc, hay lý do nhạy cảm về chính trị. Cũng có thể như thế, nhưng tôi nghĩ lý do quan trọng nhất đó là sự an toàn. Nếu trong thời gian tới các loại vac-xin của Trung Quốc được chứng minh là an toàn và hiệu quả, thì Việt Nam sẽ sử dụng vac-xin này. Nếu như các nước khác đã sử dụng được, thì Việt Nam không có lý do gì để từ chối, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cũng rất cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngừa Covid-19, để có thể sớm khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương và du lịch.”

Để có đủ thuốc tiêm ngừa cho dân số gần 100 triệu, Việt Nam hiện đang tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung cấp vac-xin Covid-19. Theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 25/03, cho đến nay, Việt Nam “đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vac-xin và đã có cam kết cung ứng trong khuôn khổ chương trình COVAX từ nhà sản xuất vac-xin AstraZeneca và vac-xin Sputnik V của Nga”. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang “khẩn trương làm việc với một số nhà sản xuất khác trên thế giới tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc”.

Trước đó, Cục Quản lý Dược phẩm của bộ Y Tế Việt Nam cũng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu đẩy mạnh việc nhập vac-xin Covid-19 từ nhiều nguồn khác kể cả AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, Sputnik V, Moderna và cả Sinovac của Trung Quốc. Như vậy là không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ buộc phải nhờ đến vac-xin của Trung Quốc, trong khi chờ hoàn tất việc nghiên cứu và phát triển vac-xin “made in Vietnam”, theo dự kiến sẽ được sử dụng vào năm tới. Về khả năng này, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định :

” Trung Quốc đang gia tăng áp lực với các nước khác để đẩy nhanh chiến dịch “ngoại giao vac-xin” của họ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng sẽ chịu sức ép. Trong khi Việt Nam đã phê duyệt các vac-xin khác rồi mà các dữ liệu của vac-xin Trung Quốc chứng minh là an toàn và hiệu quả mà Việt Nam không sử dụng, thì Việt Nam sẽ rất là khó ăn, khó nói với Trung Quốc.

Điều mà chúng ta phải xem xét sau đó là ngay cả khi chính quyền Việt Nam đã phê duyệt cho sử dụng các vac-xin Trung Quốc thì thái độ của người dân Việt Nam sẽ như thế nào. Điều này sẽ là một thách thức đối với chính phủ Việt Nam, bởi vì ở Việt Nam, tâm lý thận trọng và e ngại các sản phẩm của Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, thì rất phổ biến. Trong bối cảnh đó, cũng sẽ có rất nhiều người ngần ngại hoặc không muốn sử dụng vac-xin của Trung Quốc, nếu họ không có nhu cầu đi sang Trung Quốc hoặc không cảm thấy có rủi ro cao để chích.”

Nói chung công luận Việt Nam vẫn nghi kỵ các sản phẩm của Trung Quốc và chính phủ vẫn dè chừng đồng chí phương Bắc. Vào năm 2019, Việt Nam đã từng loại tập đoàn viễn thông Hoa Vi ra khỏi kế hoạch phát triển mạng di dộng 5G, do những lo ngại về an ninh quốc gia.

Bị kềm kẹp trong nước, các hãng công nghệ Trung Quốc sang Singapore « lánh nạn » ?

Ảnh tư liệu : Mã Hóa Đằng (Pony Ma – trái), chủ tịch tổng giám đốc Đằng Tấn (Tencent) nói chuyện với Mã Vân (Jack Ma), chủ tịch tập đoàn Alibaba, sau lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cừa, Bắc Kinh, ngày 18/12/2018. AP – Mark Schiefelbein

Singapore đang là miền đất hứa cho những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Sự kềm tỏa ngày càng chặt của Bắc Kinh và áp lực ngày càng lớn từ nhiều thị trường quan trọng khác do những căng thẳng địa chính trị là những nguyên nhân chính của hiện tượng di dời hoạt động. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nguồn nhân lực khan hiếm tại đảo quốc nhỏ bé này có lẽ sẽ là một trong những cản trở lớn cho các hãng công nghệ Trung Quốc.

Tuy có dòng vốn đầu tư từ các hãng công nghệ Trung Quốc ồ ạt đổ vào, Singapore cũng đang bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 và hiện đang tìm cách xây dựng cho mình một hình ảnh như là « trung tâm công nghệ » khu vực Đông Nam Á.

Sau Facebook, Google và Twitter, sắp tới Singapore sẽ có Tencent, Tiktok và Alibaba. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, từ tháng 9/2020 – 02/2021, AFP nhận thấy 1/3 số tin thông báo tuyển dụng của Tiktok – chủ sở hữu ứng dụng ByteDance là ở Singapore, nhiều gấp hai lần so với các quảng cáo ở Trung Quốc. Và các vị trí tuyển dụng chủ yếu là kỹ sư chuyên ngành, theo như nhận định của ông Ajay Thalluri, một chuyên gia về phân tích dữ liệu thuộc hãng GlobalData.

Cũng theo AFP, tập đoàn Alibaba của Mã Vân (Jack Ma) trong năm 2020 đã mua 50% cổ phần một tòa tháp văn phòng. Ant Group, một nhánh tài chính của Alibaba còn giành được một giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác ngân hàng kỹ thuật số bán buôn tại đảo quốc.

Vẫn theo lời chuyên gia Thalluri, Alibaba « đang xây dựng các đội ngũ nhân viên tại Singapore, ở các vị trí trung – cao cấp quan trọng liên quan đến việc tuyển dụng nhân tài, quản lý sản phẩm và tuân thủ luật lệ ».

Giới quan sát đưa ra nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng chuyển vốn đầu tư từ Hoa Lục sang Singapore.

Thứ nhất, tình trạng bất ổn chính trị kéo dài khiến Hồng Kông, đối thủ truyền thống của Singapore, ngày càng trở nên kém hấp dẫn.

Thứ hai, ở trong nước, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu siết chặt các quy định vì lo sợ tầm ảnh hưởng mỗi một lớn của những hãng công nghệ trong nước. Thời gian gần đây các cơ quan quản lý Trung Quốc đã mở một chiến dịch tấn công chớp nhoáng nhắm vào nhiều hãng công nghệ hàng đầu khi đưa ra nhiều hình phạt nặng và đe dọa cắt giảm quy mô doanh nghiệp trong khi mà phạm vi hoạt động của những hãng này mỗi lúc bám sâu vào đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc.

Thứ ba là sự gia tăng căng thẳng Mỹ – Trung. Những đòn tấn công của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump nhắm vào nhiều hãng công nghệ lớn của Trung Quốc làm nước Mỹ không còn là điểm đầu tư hấp dẫn nữa.

Cuối cùng, áp lực không chỉ đến từ trong nước, từ Mỹ mà còn từ nhiều thị trường quan trọng khác. Những hãng công nghệ Trung Quốc bị hứng đòn trừng phạt từ Ấn Độ cho đến cả Liên Hiệp Châu Âu và nhiều cường quốc phương Tây khác, do những vấn đề địa chính trị như tranh chấp lãnh thổ, hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ…

Trong bối cảnh này, Đông Nam Á nói chung và Singapore nói riêng được cho là những thị trường mới trỗi dậy đầy hấp dẫn với 650 triệu người sử dụng tiềm tàng. Ngoài ra, đảo quốc bé nhỏ này còn có một lợi thế hơn nhiều nước khác trong khu vực : Không chỉ là một trung tâm tài chính thịnh vượng, Singapore biết cách duy trì một mối quan hệ hữu hảo cả với phương Tây lẫn Bắc Kinh. Đối với nhiều tập đoàn công nghệ, Singapore được xem như là một cuộc cược an toàn để mở rộng các hoạt động mà không làm mếch lòng bên nào.

Tuy nhiên, với chỉ có 5,7 triệu dân, việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao tại Singapore sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho các hãng Trung Quốc ! Một cuộc đua khác không kém phần gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc chăng ?

Covid-19 : Liên Âu hy vọng có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào giữa tháng 07/2021

Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 17/03/2021. REUTERS – POOL

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều quốc gia Liên Âu vẫn căng thẳng, ông Thierry Breton, ủy viên châu Âu về Công nghiệp, đặc trách công tác triển khai vac-xin ở Liên Hiệp Châu Âu hôm qua 04/04/2021 dự báo đến giữa tháng 07/2021, 450 triệu dân châu Âu sẽ được tiêm chủng và đạt miễn dịch cộng đồng.

Cho đến nay, châu Âu vẫn bị chỉ trích là quá chậm chạp trong việc triển khai chiến dịch tiêm ngừa Covid-19. Về điểm này, theo Reuters, ủy viên châu Âu Thierry Breton thẳng thừng nhắm vào tập đoàn Anh – Thụy Điển AstraZeneca, theo đó nếu AstraZeneca giao đủ cho châu Âu 100% số liều vac-xin như đã ký kết hợp đồng ban đầu thì Liên Hiệp cũng đã đạt tỉ lệ tiêm chủng cao tương đương như Anh Quốc. Ông Thierry Breton nhấn mạnh sự chậm trễ của Liên Âu chỉ là do lỗi của AstraZeneca và cho biết thêm là Bruxelles đang xem xét vụ việc dưới góc độ pháp lý.

Pháp : Số bệnh nhân Covid-19 nhập khoa hồi sức tiếp tục tăng

Riêng tại Pháp, nhìn vào các số liệu, tình hình dịch bệnh vẫn đang rất nguy cấp. Theo số liệu chính thức do Cơ quan Y tế Pháp công bố hôm qua 04/04, số bệnh nhân đang điều trị tại các khoa Hồi sức là 5.341 ca, tăng 68 bệnh nhân so với trước đó một hôm. Số ca tử vong trong các bệnh viện vì virus corona cũng tăng thêm 185 người so với ngày trước đó. Tổng cộng, tính đến hôm qua Pháp đã ghi nhận 96.687 ca tử vong vì Covid-19.

Trong ngày hôm qua, trên đài LCI, phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết từ nay đến cuối tháng Tư, căn cứ vào tiến triển kết quả phòng dịch, tổng thống Emmnuel Macron sẽ quyết định về việc mở cửa trở lại một số cơ sở văn hóa kể từ giữa tháng 05, bắt đầu từ các bảo tàng.

Về chiến dịch tiêm chủng tại Pháp, mới chỉ có 9.29 triệu người được tiêm, trong đó có  khoảng 3,13 triệu người đã tiêm xong 2 mũi. Một tin vui đối với người dân Pháp là, theo báo Le Figaro, việc đóng lọ vac-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer-BioNTech cuối cùng sẽ chính thức bắt đầu trên lãnh thổ Pháp vào thứ Tư 07/04 tại nhà máy Delpharm, đối tác của Pfizer-BioNTech. Công ty Pháp Delpharm đã tuyển dụng thêm 50 nhân công cho cơ sở ở vùng Normandie để phục vụ công tác đóng chai vac-xin Pfizer-BioNTech.

Nga: Mỹ – Iran đang đi đúng hướng để quay lại thỏa thuận hạt nhân

Ảnh minh họa chụp màn hình WION.

Tehran và Washington đang đi đúng hướng để trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng tiến độ sẽ không dễ dàng, đại diện của Nga cho biết sau những cuộc đàm phán trực tuyến.

The Guardian đưa tin, trong một dấu hiệu tích cực, các bên đã nhất trí gặp mặt trực tiếp chính thức tại Vienna, Áo, vào thứ Ba (6/4).

Cuộc họp của Ủy ban kết nối (tập hợp các bên liên quant ới thỏa thuận hạt nhân Iran) vào thứ Sáu tuần qua theo sau một cuộc họp được xem là bước đột phá xác định cách Iran và Mỹ có thể tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận trên cơ sở từng bước một.

Ủy ban kết nối bao gồm Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc, EU và Nga, chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân 2015. Việc này được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA)

Đại sứ Nga tại Viena, Mikhail Ulyanov, mô tả cuộc gặp vào thứ Ba giống như một thương vụ. “Ấn tượng là chúng tôi đang đi đúng hướng nhưng chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng và sẽ đòi hỏi những nỗ lực chuyên sâu”, ông Ulyanov nói. “Các bên liên quan mật thiết dường như đã sẵn sàng cho điều đó”.

Ông Ulyanov đánh giá rằng lựa chọn thận trọng nhất sẽ là “nhất trí về các bước khởi đầu và quan trọng nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi hơn nhiều để đi nhanh đến đích với việc tất cả các bên thực thi đầy đủ JCPOA”.

Ông tiết lộ thêm rằng, đã có những thay đổi đáng kể trong lập trường của Hoa Kỳ.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 vì cho rằng thỏa thuận này không có lợi ích gì ngoài việc tạo điều kiện cho Teheran củng cố nội lực để trở lại mạnh mẽ với chương trình hạt nhân vào năm 2025, thời điểm thỏa thuận hết hạn.

Phản ứng về cuộc họp trực tuyến với các cường quốc, Thứ trưởng ngoại giao Iran, Seyed Abbas Araghchi, đã nhắc lại quan điểm của Tehran. Ông nói rằng, ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và động thái này đã được xác minh, Iran sẽ thực hiện cam kết của mình đối với thỏa thuận.

“Không đàm phán là yêu cầu để Hoa Kỳ quay trở lại JCPOA… con đường cho Hoa Kỳ là khá rõ ràng”, ông Araghchi tuyên bố.

Cuộc họp trực tiếp mặt đối mặt có thể sẽ được tổ chức ở cấp cao hơn và The Guardian đánh giá, Iran chắc chắn sẽ chống lại bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc cập nhật hoặc bổ sung vào thỏa thuận mà chính quyền Obama đã ký với họ vào năm 2015.

Để mở đường cho đàm phán, có thể chính quyền Biden sẽ dỡ bỏ quyền phủ quyết của mình đối với việc cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đối với Iran.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CIB), Abdolnaser Hemmati nói rằng: “Chúng tôi mong đợi Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đáp ứng yêu cầu pháp lý của Iran càng sớm càng tốt, mà không có sự phân biệt đối xử, xâm nhập hoặc áp lực từ Hoa Kỳ”.

Ngoài ra, chính quyền Biden có thể sẽ đề nghị các ngân hàng ở Hàn Quốc và các nơi khác giải phóng số tiền 7 tỷ đô-la của Iran bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cả hai cách tiếp cận sẽ tương đối dễ dàng đối với chính quyền Biden và sẽ không cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội.