Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 0 1
Total Users : 13501
Total views : 136658
Server Time : 2024-11-21

DƯƠNG LỊCH

November 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Tin ngắn thế giới ngày Thứ ba 29 tháng 10 năm 2020 – Võ Thái Hà tóm lược

Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 6 nhân viên tình báo Nga

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 19/10 truy tố 6 sĩ quan tình báo Nga với cáo buộc tham gia hàng loạt cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng, bầu cử của các nước.

6 sĩ quan Nga bị truy tố gồm Yuriy Sergeyevich Andrienko, Sergey Vladimirovich Detistov, Pavel Valeryevich Frolov, Anatoliy Sergeyevich Kovalev, Artem Valeryevich Ochichenko và Petr Nikolayevich Pliskin. Tất cả đều là sĩ quan và cựu sĩ quan trong Tổng cục Tình báo Quân đội Nga (GRU).

6 sĩ quan tình báo quân đội Nga bị truy nã (ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ).

Theo bản cáo trạng, 6 tin tặc bị cáo buộc tham gia các cuộc tấn công mạng “nhằm hỗ trợ nỗ lực của chính phủ Nga để phá hoại, trả đũa hoặc gây bất ổn” ở Ukraine, Georgia, các cuộc bầu cử ở Pháp, Thế vận hội Olympic PyeongChang 2018 và các nỗ lực quốc tế nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm việc sử dụng chất độc thần kinh Novichok ở nước ngoài.

Theo các công tố viên, các tin tặc Nga đã sử dụng một số phần mềm độc hại như Killdisk, Industroyer và NotPetya, dẫn đến thiệt hại gần 1 tỷ USD cho ba nạn nhân được xác định trong bản cáo trạng, trong đó có hệ thống y tế của Heritage Valley ở Pennsylvania.

Nhóm này cũng đã tham gia vào một chiến dịch tấn công nhắm vào Thế vận hội Olympic mùa đông 2018, phát động cuộc tấn công phần mềm độc hại “Kẻ hủy diệt Olympic” trong lễ khai mạc đã xóa dữ liệu khỏi hàng nghìn máy tính hỗ trợ trò chơi.

ABC đưa tin, trong cuộc họp báo trực tuyến của Bộ Tư pháp Mỹ, các quan chức mô tả chiến dịch tấn công này là một trong số “các cuộc tấn công mạng tốn kém và phá hoại nhất trong lịch sử” và sử dụng “một số phần mềm độc hại phá hoại nhất thế giới từ trước đến nay”.

NASA hợp tác với Nokia xây dựng mạng 4G trên Mặt Trăng

Hôm 19/10 vừa qua, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết đã trao hợp đồng có trị giá 14,1 triệu USD cho nhà cung cấp thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) để xây dựng mạng 4G đầu tiên trên Mặt Trăng. Đây là một trong số những công ty mà NASA đang hợp tác trong kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 của mình.

Ảnh minh họa trạm phát 4G trên Mặt Trăng. (Ảnh: BellLabs/Twitter)

Với mục tiêu tới năm 2028 sẽ hoàn thành khu căn cứ Mặt Trăng và đưa con người lên sống lâu dài, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chi 370 triệu USD để huy động hàng chục doanh nghiệp tư nhân (trong đó có Nokia) nhằm triển khai nhiều công nghệ mới trên bề mặt của vệ tinh này, như phát điện từ xa, ngủ đông, robot điều hành, hạ cánh an toàn, kết nối 4G.

Phòng thí nghiệm Bell Labs của Nokia đã nhận được hợp đồng trị giá 14,1 triệu USD để phục vụ cho mục đích thực hiện dự án. Bell Labs sẽ hợp tác với công ty kỹ thuật tàu vũ trụ Intuitive Machines (có trụ sở tại Texas, Mỹ) để xây dựng mạng 4G và đưa thiết bị lên Mặt Trăng trên tàu đổ bộ của Intuitive Machines. Thỏa thuận này được xem là một thắng lợi đối của Nokia, công ty đang cạnh tranh với Huawei (Trung Quốc) và Ericsson (Thụy Điển) về các hợp đồng 5G “khủng”.

NASA cho biết 4G có thể cung cấp phạm vi liên lạc trên Mặt Trăng xa hơn, đáng tin cậy hơn so với các tiêu chuẩn vô tuyến hiện tại. Giống như trên Trái đất, sau này, mạng 4G trên Mặt Trăng sẽ được nâng cấp lên 5G.

Nước Anh tranh cãi về việc phong tỏa

Một điều luật thời thế kỷ 15 cấm người xứ Wales đến thăm Chester sau khi trời tối thường đứng đầu danh sách các luật xưa ngớ ngẩn nhất của Anh mà thường được cho là vẫn còn tồn tại. Nhưng giờ đây người xứ Wales có thể phục thù. Chính phủ Công đảng xứ Wales đã cấm hầu hết người đến từ Chester và bất kỳ nơi nào khác ở Anh, nơi các quy định hạn chế covid-19 “cấp 2” hoặc “cấp 3” đang có hiệu lực. Và kể từ thứ Sáu này, họ sẽ áp đặt một lệnh “phong tỏa toàn quốc” 16 ngày nhằm hạn chế coronavirus lây lan.

Chính phủ xứ Wales nói các biện pháp này là cần thiết vì số ca nhiễm gia tăng trở lại ở một số thành phố Anh. Công đảng, và một số thị trưởng miền Bắc, muốn áp đặt một lệnh cấm theo kiểu xứ Wales trên toàn nước Anh trong kỳ nghỉ giữa học kỳ. Chính phủ Bảo thủ của Anh không đồng ý, thay vào đó ủng hộ phong tỏa địa phương nơi số ca nhiễm gia tăng. Phong tỏa để lại một cái giá rất lớn lên sức khỏe tâm thần, việc làm và giáo dục. Áp đặt phong tỏa toàn quốc, bao gồm cả những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp, có thể còn tệ hơn covid.

CEO Twitter sắp ra điều trần trước Quốc hội Mỹ

Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey có thể sẽ phải ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện vào thứ Sáu. Hôm nay, ủy ban có đa số thành viên Cộng hòa này sẽ bỏ phiếu triệu tập ông. Lindsey Graham, chủ tịch ủy ban, cho rằng Twitter đã kiểm duyệt các câu chuyện cáo buộc hành vi mờ ám của Hunter Biden, con trai ứng viên tổng thống đảng Dân chủ. Ông Dorsey nói Twitter ban đầu chặn các đường link vì nghi ngờ các tài liệu của câu chuyện đã bị hack.

Về sau họ đã mở lại tính năng chia sẻ cho câu chuyện, nhưng các phiên điều trần chắc chắn rất nảy lửa và đề cập nhiều vấn đề. Twitter, Facebook và YouTube đã chặn hoặc dán nhãn cảnh báo về nội dung nhạy cảm chính trị thường xuyên hơn: các cảnh báo vô căn cứ về tác hại của bỏ phiếu qua thư (một số được lan truyền bởi Tổng thống Donald Trump); QAnon, một thuyết âm mưu; thông tin sai lệch về việc chống vắc xin; và nhiều vấn đề khác nữa. Các công ty truyền thông xã hội của Thung lũng Silicon khởi đầu với ước mơ thông tin cần được tự do; nhưng họ dường như không chuẩn bị trước cho việc thông tin sai lệch cũng có thể tự do lan truyền.

GM công bố xe tải điện đầu tiên

Mẫu xe Hummer của GM. (Nguồn: businessinsider).

Trong nỗ lực tái tạo chính mình thành một nhà sản xuất ô tô điện, General Motors đang mang lại một mặt hàng chủ lực quen thuộc. Công ty hôm nay công bố Hummer mới, dòng xe tải khởi đầu như một chiếc xe quân sự ngốn xăng và được sản xuất lần cuối hồi 2010. GM sẽ chế tạo phiên bản mới, dùng năng lượng pin, tại một nhà máy 35 năm tuổi ở ngoại ô Detroit, nơi hiện đang được nâng cấp trị giá 2,2 tỷ đô la.

Chiếc xe tải này là một phần của khoản tiền 20 tỷ đô la để thách thức Tesla, hãng bán ô tô điện lớn nhất của Mỹ, và là công ty có giá trị vốn hóa thị trường gấp tám lần GM. Hummer mới vẫn chưa ra khỏi dây chuyền lắp ráp trong ít nhất một năm nữa, cùng thời điểm với Cybertruck của Tesla. Tuy nhiên, GM có kế hoạch nhanh chóng đưa sự đa dạng ra thị trường: họ hứa có 20 mẫu xe điện mới vào năm 2023. Nhưng thế dẫn trước của Tesla trong lĩnh vực xe điện là rất khó vượt qua.

Mùa bão Đại Tây Dương năm nay có thể đạt kỷ lục

Khi tốc độ gió của một cơn bão nhiệt đới Đại Tây Dương đạt 63 km/h, nó sẽ được đặt tên theo một danh sách bảng chữ cái luân phiên. Trong một năm bình thường, các nhà khí tượng học dự kiến dùng khoảng một nửa các lựa chọn của họ. Tuy nhiên, năm nay, họ đã dùng Kyle, Laura và hơn thế nữa, dùng hết danh sách tên tiếng Anh với tên cuối cùng là Wilfred trước khi chuyển sang danh sách dự phòng các tên bão bằng tên chữ cái tiếng Hy Lạp.

Chỉ mùa bão khủng khiếp của năm 2005, bao gồm Katrina, là từng đi tới bước này, và năm 2020 đang đến gần kỷ lục. Với sự hình thành của Bão Nhiệt đới Epsilon vào thứ Hai, cơn bão tiếp theo được đặt tên sẽ cân bằng kỷ lục năm 2005 với 27 tên gọi. Vẫn chưa thấy trời sáng sau cơn mưa. Mùa bão chính thức kéo dài đến hết tháng 11; bão Epsilon gần nhất hình thành vào ngày 29 tháng 11 năm 2005. Khi đại dương ấm lên mở rộng phạm vi và tốc độ của các mùa bão nhiệt đới, các cộng đồng ven biển đối mặt với nhiều mối đe dọa hơn.

Dân Thái Lan huy động biểu tình bằng các tín hiệu chỉ tay

Người biểu tình tại Bangkok Thái Lan đưa 3 ngón tay chào, ngày 19/10/2020.

Hai tay chỉ trên đầu có nghĩa là cần dù; tay giữ trên đầu có nghĩa là cần mũ bảo hiểm; tay đặt chéo trên ngực có nghĩa là đủ tiếp liệu.

Người biểu tình Thái Lan đang học ngôn ngữ mới hình thành trong vòng vài ngày để phối hợp giữa đám đông hàng ngàn người tại các cuộc biểu tình ngày càng đông bất chấp lệnh cấm của chính phủ và việc bắt giữ nhiều lãnh đạo biểu tình.

“Mọi người đang giúp đỡ lẫn nhau,” một người biểu tình 19 tuổi cho biết.

“Thoạt đầu chúng tôi phải ráng nghe mọi người muốn nói gì, nhưng với những cử chỉ, thì khá dễ dàng đoán được.”

Một số trong ngôn ngữ tín hiệu của Thái Lan giống của người biểu tình tại Hong Kong. Một số họ tự chế ra và hiện đã được dùng phổ biến.

Ba tháng biểu tình tại Thái Lan tìm cách lật đổ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và giảm bớt quyền hành của Vua Maha Vajiralongkorn.

Tuần trước, người biểu tình có thêm xung lực khi cuộc đàn áp của chính phủ bắt giam vài lãnh đạo biểu tình có uy tín nhất và cảnh sát dùng vòi rồng hôm 16/10.

Điều này cũng có nghĩa là cần phải nhanh chóng chuyển trang bị bảo hộ và những vật phẩm tiếp tế khác từ điểm này sang điểm khác để mọi người có thể chuẩn bị.

Trung Quốc lý nói binh sĩ lạc sang Ấn Độ là để tìm bò

“Một binh sĩ mất tích đêm 18/10 khi đi tìm con bò Tây Tạng cho một người chăn thả gia súc ở địa phương. Biên phòng Trung Quốc lập tức thông báo cho Ấn Độ nhờ hỗ trợ tìm kiếm binh sĩ đi lạc”, SCMP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Tây của quân đội Trung Quốc (PLA) Trương Thủy Lợi hôm qua cho biết.

“Phía Ấn Độ đồng ý hỗ trợ và cam kết ban giao binh sĩ này ‘một cách kịp thời’ cho Trung Quốc sau khi tìm thấy”, đại tá Trương nói thêm. “Ấn Độ sau đó thông báo tìm thấy binh sĩ Trung Quốc mất tích và sẽ trao trả sau khi kiểm tra y tế người này”.

Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra vài giờ sau khi quân đội Ấn Độ nói rằng họ đã bắt được hạ sĩ Wang Ya Long ở khu vực Demchok ở phía đông Ladakh, nơi đang do Ấn Độ kiểm soát. Người lính này đã được hỗ trợ y tế và sẽ được thả ngay sau khi hoàn tất thủ tục kiểm tra.

Indonesia không cho trinh sát cơ Mỹ hạ cánh

Reuters hôm nay đưa tin, bốn quan chức cấp cao của Indonesia cho biết nước này đã từ chối đề nghị cho phép máy bay tuần thám P-8 Poseidon của hải quân Mỹ hạ cánh và tiếp liệu.

Các quan chức cho biết, phía Mỹ đã nhiều lần đưa ra đề xuất trong tháng 7 và tháng 8 với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Indonesia về việc để trinh sát cơ P-8 Poseidon dừng chân tiếp nhiên liệu ở nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã từ chối.

Đề xuất này, được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc leo thang tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á, đã khiến chính phủ Indonesia ngạc nhiên, vì nước này có truyền thống theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập. Indonesia chưa bao giờ cho phép quân đội nước ngoài hoạt động ở đây.

Bà Melania tái xuất sau khi nhiễm nCoV

Đệ nhân phu nhân Hoa Kỳ, bà Melania Trump (Nguồn ảnh: Getty Images)

Melania Trump thông báo xét nghiệm âm tính với COVID-19

NBC đưa tin, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump dự kiến xuất hiện tại buổi vận động tranh cử của chồng tại Erie, Pennsylvania vào ngày 20/10.

Đây sẽ là lần xuất hiện đầu tiên của bà Melania tại một sự kiện vận động tranh cử cho chồng sau hơn một năm và cũng là lần xuất hiện công khai đầu tiên sau khi bà nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán.

Không giống các thành viên khác trong gia đình Tổng thống, Đệ nhất phu nhân hầu như đứng ngoài các cuộc vận động tranh cử của chồng.

Mike Pompeo sắp thăm Sri Lanka và Maldives

Giới chức Sri Lanka và Maldives hôm nay cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thăm Sri Lanka và Maldives trong tháng này, trong bối cảnh Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Reuters cho biết, ông Pompeo sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hai chiều tại Colombo vào ngày 28/10, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Sri Lanka cho biết, song không nêu chi tiết.

Hai người thạo tin cho biết Ngoại trưởng Pompeo có thể sẽ dừng chân ở thủ đô Male của Maldives trong vài giờ cùng ngày.

Bộ Ngoại giao Maldives cho biết trong một tuyên bố: “Các chuyến thăm chính thức sắp tới của các phái đoàn nước ngoài sẽ được công bố sau khi được lên lịch và xác nhận”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đã đến thăm Colombo trong tháng này. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh nỗ lực cung cấp tài chính và xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Sri Lanka và Maldives để mở rộng tầm ảnh hưởng.

Thầy giáo Pháp bị chặt đầu được truy tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh

Reuters đưa tin, Samuel Paty, giáo viên lịch sử bị chặt đầu tuần trước, sẽ được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp.

Thông tin trên được Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer công bố hôm nay (20/10). Cùng ngày, một buổi lễ quốc gia để vinh danh thầy giáo Paty cũng sẽ được tổ chức tại đại học Sorbonne, Paris.

Ông Paty, 47 tuổi, bị sát hại hôm 16/10 bên ngoài trường trung học Bois d’Aulne, ở Conflans Saint-Honorine, vùng ngoại ô cách trung tâm thủ đô Paris khoảng 30 km về phía tây bắc. Nghi phạm Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, người gốc Chechnya, bị cảnh sát tiêu diệt ngay sau đó.

Anzorov được cho là đã ra tay với ông Paty sau khi thầy giáo này cho các học trò xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed trong giờ giảng về tự do ngôn luận.

Thụy Điển cấm Huawei, ZTE tham gia mạng 5G

Logo Huawei được nhìn thấy tại hội chợ công nghệ tiêu dùng IFA, ở Berlin (ảnh: Reuters)

Thụy Điển hôm thứ Ba (19/10) đã tuyên bố cấm Huawei và ZTE tham gia vào mạng 5G của nước này vì lo ngại hai hãng viễn thông Trung Quốc xâm phạm an ninh, theo Reuters.

Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) cho biết lệnh cấm đối với hai công ty viễn thông Trung Quốc được thực hiện theo đánh giá của Lực lượng Vũ trang Thụy Điển và cơ quan an ninh, vốn coi Bắc Kinh là “một trong những mối đe dọa lớn nhất chống lại Thụy Điển”.

Lệnh cấm này được đưa ra sau khi PTS đã chấp thuận 4 công ty đăng ký đấu thầu thiết bị cho mạng 5G của Thụy Điển, dự kiến bắt đầu vào ngày 10/11. Bốn công ty này đều thuộc Thuỵ Điển, bao gồm Hi3G Access, Net4Mobility, Telia Sweden và Teracom.

Huawei và ZTE đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về quyết định của Thụy Điển, quê hương của hãng công nghệ Ericsson, một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu châu Âu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa đưa ra bình luận về thông tin này.