Tin tức thế giới ngày Thứ ba 26 tháng 10 năm 2021
Lần đầu tiên sau 4 năm, Tổng thống Mỹ dự thượng đỉnh ASEAN
Reuters
Tướng Min Aung Hlaing của Miến Điện và biểu tượng của ASEAN.
Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự thượng đỉnh ASEAN trực tuyến vào ngày 26/10. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm nay Washington giao tiếp ở cấp cao nhất với khối ASEAN vốn được Mỹ xem là trọng yếu trong chiến lược đẩy lùi Trung Quốc.
Tòa đại sứ Mỹ tại Brunei cho Reuters biết ông Biden sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tại thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, trong khuôn khổ loạt các cuộc họp của lãnh đạo ASEAN trong tuần này.
Hoa Kỳ không tham dự các cuộc họp của ASEAN ở cấp Tổng thống kể từ khi người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump dự thượng đỉnh ASEAN-Mỹ tại Manila năm 2017.
Theo giới phân tích, cuộc gặp của ông Biden với 10 nước ASEAN lần này phản ánh những nỗ lực của chính quyền Biden muốn giao tiếp với các đồng minh và đối tác trong nỗ lực chung để cản đà Trung Quốc.
Các nhà phân tích hy vọng tại thượng đỉnh ngày 26/10 với ASEAN, Tổng thống Biden sẽ chú trọng đến sự hợp tác trong phân phối vaccine COVID-19, biến đổi khí hậu, chuỗi cung cấp và hạ tầng cơ sở.
Ông cũng được kỳ vọng sẽ đảm bảo với ASEAN rằng sự chú trọng gần đây của Mỹ trong giao tiếp với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc theo dạng thức Bộ tứ gọi là Quad và một thỏa thuận cung cấp cho Úc tàu ngầm hạt nhân không có ý định thay thế vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
“Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên của ông Biden với lãnh đạo ASEAN trong tư cách Tổng thống, do đó ông sẽ đảm bảo với họ là Đông Nam Á quan trọng đối với chính quyền của ông,” ông Murray Hiebert, một cộng sự cao cấp với chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.
Ông Hebert cho rằng các lãnh đạo ASEAN mong muốn được nghe bất cứ kế hoạch nào của Mỹ tăng cường cung cấp vaccine COVID-19 cho khu vực vốn bị thiệt hại nặng vì đại dịch, và cách Washington muốn giao tiếp về thương mại, đầu tư và hạ tầng cơ sở.
Ông Biden chưa tỏ ý có kế hoạch quay lại hiệp định thương mại TPP mà cựu Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra vào năm 2017. Một nhà ngoại giao châu Á nói với điều kiện ẩn danh rằng việc thiếu yếu tố kinh tế trong giao tiếp của Mỹ ở khu vực là một khoảng trống lớn.
“Lĩnh vực quan trọng nhất đối với khu vực này là kinh tế,” nhà ngoại giao ẩn danh nói.
Các cuộc họp của ASEAN kỳ này không mời lãnh đạo nhà cầm quyền quân sự Myanmar, ông Min Aung Hlaing, người đã lật đổ chính phủ dân sự hồi tháng Hai năm nay. Đây là hành động hiếm thấy của ASEAN vốn có tiếng là không can thiệp.
Moderna nói vaccine của họ bảo vệ trẻ nhỏ hiệu quả, an toàn
Reuters
Vaccine COVID của Moderna.
Công ty Moderna ngày 25/10 loan báo vaccine COVID của họ tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ nơi trẻ em từ 6 đến 11 tuổi và công ty dự trù sẽ sớm đệ trình dữ liệu cho các cơ quan thẩm quyền y tế toàn cầu.
Moderna nói vaccine hai liều của họ tạo ra kháng thể trung lập hóa virus nơi trẻ em và tính an toàn tương đương với những gì ghi nhận trong các cuộc thử nghệm lâm sàng trước đây trên thanh niên và người trưởng thành. Moderna dựa vào các dữ liệu lâm thời chưa được những chuyên gia đồng ngành phối kiểm chéo.
Vaccine COVID-19 của Moderna đã được Mỹ cho phép sử dụng đối với những người trên 18 tuổi và đang chờ được duyệt để dùng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Moderna nói cuộc thử nghiệm trên 4.753 người tham dự cho thấy phản ứng phụ hầu hết từ nhẹ đến trung bình. Phản ứng phụ thông thường nhất là mệt mỏi, nhức đầu, sốt và đau chỗ chích.
Tuyên bố của công ty không tiết lộ bất cứ thông tin mới nào về các ca viêm cơ tim, một phản ứng phụ phổ biến đối với vaccine theo cơ chế mRNA như Moderna hay Pfizer.
Các liều thử nghiệm nơi trẻ em là 50 microgram, phân nửa so với liều dùng nơi người lớn, và mạnh hơn liều 10 microgram của vaccine Pfizer dành cho trẻ em.
Cả hai vaccine Moderna và Pfizer/BioNTech đều liên hệ đến các ca viêm cơ tim nơi nam giới trẻ tuổi.
Một số cuộc nghiên cứu cho thấy tỉ lệ những phản ứng phụ trong những người chích vaccine Moderna có thể cao hơn so với vaccine Pfizer, có lẽ vì liều vaccine Moderna mạnh hơn.
Thụy Điển đã ngưng vaccine Moderna cho nhóm tuổi nhỏ vì nguy cơ viêm cơ tim cao.
Dù trẻ em ít khi bị bệnh nặng hay chết vì COVID-19, nhưng một số em phát triển những biến chứng hiếm thấy, và các ca COVID-19 nơi trẻ em chưa tiêm chủng đang tăng vì biến thể Delta.
Trẻ em cũng có thể lan truyền virus, lây nhiễm cho những người chưa chích vaccine và tạo cơ hội cho virus phát triển thêm biến thể mới.
Quan chức LHQ cảnh báo Afghanistan bên bờ vực sụp đổ, trẻ em chết đói
Reuters
Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley.
Một quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng hàng triệu người Afghanistan, bao gồm cả trẻ em, có thể chết đói trừ khi có hành động khẩn cấp để kéo Afghanistan khỏi bờ vực sụp đổ, Reuters loan tin hôm 25/10.
Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley nói với Reuters rằng 22,8 triệu người – hơn một nửa trong số 39 triệu dân số của Afghanistan – đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và “hành quân đến chết đói” so với 14 triệu chỉ hai tháng trước.
Ông Beasley nói ở Dubai: “Trẻ em sắp chết. Mọi người sẽ chết đói. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”.
“Tôi không biết làm thế nào khi mà hàng triệu người, và đặc biệt là trẻ em, chết với tốc độ nhanh như thế trong khi chúng tôi thiếu kinh phí và nền kinh tế đang sụp đổ.”
Afghanistan đã rơi vào khủng hoảng vào tháng 8 sau khi các chiến binh Taliban đánh bật một chính phủ được phương Tây hậu thuẫn, khiến các nhà tài trợ phải rút lại hàng tỷ đôla tiền hỗ trợ cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào viện trợ này.
Cuộc khủng hoảng lương thực, trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đã diễn ra nghiêm trọng ở Afghanistan ngay cả trước khi Taliban tiếp quản đất nước. Chính quyền mới của họ đã bị chặn tiếp cận các tài sản được cất giữ ở nước ngoài khi các quốc gia phải vật lộn với cách đối phó với các phần tử Hồi giáo cứng rắn.
Ông Beasley nói: “Những gì chúng tôi dự đoán đang trở thành sự thật nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Kabul sụp đổ nhanh hơn bất kỳ ai dự đoán và nền kinh tế đang giảm nhanh hơn thế”.
ASEAN họp thượng đỉnh không có đại diện của tập đoàn quân sự Miến Điện
Ảnh minh họa: Cờ các quốc gia thành viên trước trụ sở ban thư ký Hiệp hội ASEAN tại Jakarta, Indonesia, ngày 21/04/2021. AP – Tatan Syuflana
Hôm nay, 26/10/2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN khai mạc cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến do Brunei tổ chức, mà không có đại diện của tập đoàn quân sự Miến Điện. Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ 4 năm qua, hội nghị thượng đỉnh ASEAN và đối tác có sự tham dự của một tổng thống Mỹ.
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, đã không được mời dự thượng đỉnh ASEAN lần này, vì ông đã từ chối cho một đặc phái viên của Hiệp hội đến gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ. Tập đoàn quân sự Miến Điện đã phản đối quyết định này của ASEAN mà theo họ là một hành động vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên.
Thay cho tướng Min Aung Hlaing, ASEAN đã mời một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Miến Điện, nhưng hôm qua, tập đoàn quân sự cho rằng việc gởi một nhân vật cấp thấp hơn đến dự thượng đỉnh sẽ « gây tổn hại cho chủ quyền và hình ảnh » của Miến Điện. Cuối cùng không một đại diện nào của chính quyền quân sự tham dự thượng đỉnh ASEAN.
Miến Điện là chủ đề thảo luận hàng đầu giữa các lãnh đạo ASEAN hôm nay, tuy nhiên, theo các nhà quan sát được hãng tin AFP trích dẫn, khó có khả năng là Hiệp hội sẽ có biện pháp mạnh hơn, chẳng hạn như đình chỉ tư cách thành viên của Miến Điện, cũng như khó có khả năng là thượng đỉnh lần này sẽ ra các quyết định cụ thể nhằm buộc tập đoàn quân sự Miến Điện thay đổi.
Các nước như Malaysia, Singapore, Indonesia gây áp lực để ASEAN thi hành các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự, trong khi các nước khác có chính phủ độc đoán hơn, thì tỏ ra kín đáo hơn.
Ngoài hồ sơ Miến Điện, cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN lần này có thể cũng sẽ bàn về tranh chấp Biển Đông và phòng chống đại dịch Covid-19.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ họp với đại diện lực lượng đối lập Miến Điện lưu vong
Sau cuộc họp hôm nay, thượng đỉnh ASEAN sẽ được mở rộng ra các quốc gia đối tác, trong đó có Hoa Kỳ, với sự tham dự của tổng thống Joe Biden. Đây là lần đầu tiên từ 4 năm qua, một tổng thống Mỹ dự thượng đỉnh ASEAN.
Hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, Jake Sullivan, đã họp trực tuyến với hai đại diện của « chính phủ đoàn kết dân tộc Miến Điện » lưu vong. Theo một thông cáo của Nhà Trắng, trong cuộc họp này, ông Sullivan đã « nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với phong trào dân chủ ở Miến Điện » và « bày tỏ sự quan ngại về vụ bắt giữ một nhà hoạt động dân chủ rất nổi tiếng ở Miến Điện, ông Ko Jimmy ».
Trong khi đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm qua thông báo đã bổ nhiệm bà Noeleen Heyzer, 73 tuổi, người Singapore làm tân đặc sứ về Miến Điện, thay thế bà Christine Schraner Burgener, người Thụy Sĩ.
Microsoft : Tin tặc Nga lại tấn công các tổ chức phương Tây
Logo của Microsoft tại một tòa nhà ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 14/06/2016. REUTERS – Lucy Nicholson
Hôm Chủ nhật, 24/10/2021, trên trang blog, phó chủ tịch tập đoàn Microsoft Tom Burt, đặc trách an ninh cho khách hàng, báo động là các tin tặc Nga lại tấn công những tổ chức phương Tây.
Cụ thể, theo ông Tom Burt, nhóm tin tặc Nobelium, từng là thủ phạm một đợt tấn công tin học quy mô ở Hoa Kỳ vào năm ngoái, đang mở một đợt tấn công mới nhắm vào các tổ chức của Mỹ và châu Âu. Phó chủ tịch Microsoft cho biết các cuộc tấn công này đã được phát hiện từ tháng 5 và từ đó đến nay tập đoàn tin học của Mỹ đã báo động cho hơn 140 công ty cung cấp dịch vụ của Microsoft. Tổng cộng có đến 14 công ty trong số này có hệ thống tin học bị tổn hại.
Cũng như các đợt tấn công trước, Nobelium đã dùng phương pháp « phishing », tức là gởi đi những email có vẻ giống như thật, nhưng trong đó có chứa các phần mềm độc hại giúp cho các tin tặc xâm nhập cơ sở dữ liệu của các nạn nhân. Nhóm tin tặc này cũng dùng đến phương pháp « password spraying », tức là cố xâm nhập tài khoản của người sử dụng bằng cách thử các mật mã thường được chọn.
Nhóm Nobelium đã được biết đến nhiều vào năm ngoái với vụ tấn công nhắm vào công ty phần mềm quản lý tin học SolarWinds, ảnh hưởng đến 18.000 khách hàng của SolarWinds và hơn 100 công ty của Mỹ.
Microsoft và chính phủ Hoa Kỳ vẫn tố cáo chính phủ Nga đứng đằng sau nhóm tin tặc, cáo buộc mà Matxcơva đã chính thức bác bỏ. Sau vụ SolarWinds, tổng thống Joe Biden đã ban hành các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga và đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Theo nhận định của ông Tom Burt, phó chủ tịch Microsoft, các vụ tấn công tin học nói trên là « một dấu hiệu mới cho thấy Matxcơva đang cố thiết lập một cơ chế giám sát các mục tiêu mà chính phủ Nga quan tâm ».
Biển Đông: Tàu Trung Quốc “quấy nhiễu” tàu Malaysia tại nhiều khu vực dầu khí
Lãnh thổ Malaysia và các vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở các vùng biển bao quanh trong đó có Biển Đông (phía bắc Malaysia). © Wikipedia
Tàu Trung Quốc hàng ngày quấy nhiễu tàu dân sự của Malaysia tại các khu vực dầu khí ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia suốt hai năm qua, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), có trụ sở ở Washington. Báo South China Morning Post hôm nay 26/10/2021 loan tin trên.
Ông Greg Poling, giám đốc AMTI trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói rằng tuần duyên Trung Quốc nhắm đến việc « kiểm soát » bãi cạn Luconia, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nơi tập đoàn Petronas của Malaysia có nhiều mỏ dầu khí. Tuần trước, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah dự báo tàu Trung Quốc sẽ còn đến quấy nhiễu khi Petronas tiếp tục khai thác mỏ khí Kasawari được phát hiện từ cuối 2011, trữ lượng có thể lên đến 85 tỉ mét khối. Mỏ này giàu tiềm năng đến nỗi tổng giám đốc Petronas nói rằng có thể giúp Malaysia trở thành một trong năm nhà xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu thế giới.
Theo ông Poling, tàu Trung Quốc chủ động va chạm một cách nguy hiểm để các tàu dân sự tiếp liệu cho giàn khoan không dám nhận hợp đồng. Nếu tàu Malaysia không chịu lùi, Bắc Kinh có thể điều đến các tàu khảo sát đại dương như Hải Dương Địa Chất, vốn thường kéo theo một lượng lớn tàu dân quân biển và một số tàu tuần duyên.
Tuần duyên Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu quấy nhiễu các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Indonesia tại vùng mỏ « Tuna Block » ở biển Natuna, tương tự như đã chèn ép Việt Nam và Malaysia trong những năm qua. Điểm khác biệt là cho đến nay vẫn chưa thấy dân quân biển Trung Quốc tham gia. Tuy Indonesia không đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, nhưng đã nhiều lần xung khắc với Trung Quốc về quyền đánh cá xung quanh quần đảo Natuna.
Cũng theo ông Greg Poling, trong bốn năm vừa qua, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong việc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của nhiều nước láng giềng ở Biển Đông, nhờ đã hoàn thành các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa, làm cơ sở cho các tàu hải quân, tuần duyên và dân quân. Một báo cáo của AMTI tháng trước cho biết Trung Quốc đã triển khai radar, chiến đấu cơ, các giàn hỏa tiễn chống hạm trên Đảo Phú Lâm (Woody Island), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef).
Đại diện Trung Quốc tại Kuala Lumpur năm nay đã bị triệu mời hai lần, lần đầu do xâm phạm không phận Malaysia. Cho đến nay, khác với Việt Nam và Philippines, Malaysia và Indonesia vẫn tránh tố cáo các hoạt động Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng tình hình bắt đầu thay đổi.
Sân bay Heathrow sắp công bố thu nhập quý 3
Heathrow công bố thu nhập quý 3 năm 2021 vào thứ Ba. Là một trong những sân bay bận rộn nhất châu Âu, Heathrow đã trải qua giai đoạn đại dịch khó khăn do liên tục phong tỏa và hạn chế đi lại. Vào tháng 7 họ công bố khoản lỗ tích lũy từ covid-19 là 2,9 tỷ bảng Anh (4 tỷ đô la). Số lượng hành khách trong tháng 9 cũng chỉ đạt 38% tổng số hành khách của tháng 12 năm 2019.
Nhưng Cơ quan Hàng không Dân dụng đang tung ra một sự hỗ trợ rất đúng lúc. Vào tuần trước cơ quan này đề xuất cho phép Heathrow tăng phí hạ cánh, hiện tại ở mức 22 bảng/hành khách, lên 56% trong vòng 5 năm tới. Không có gì ngạc nhiên khi các hãng hàng không, vốn đã trả nhiều phí hạ cánh cho Heathrow hơn hầu hết mọi nơi khác, phản đối. Thật ra sân bay đã muốn tăng gần gấp đôi phí từ lâu nhưng chưa làm được. Dù sao có vẫn còn hơn không.
Cuộc điều tra tổng thống Brazil
Tuần trước, cuộc điều tra của Thượng viện Brazil về đại dịch suýt nữa đã đệ được 11 cáo buộc nhắm vào tổng thống Jair Bolsonaro. Nhưng chưa đầy 24 giờ trước khi công bố bản báo cáo điều tra cuối cùng, các đề cập về tội ác diệt chủng người bản địa và giết người đã bị loại khỏi danh sách. Và đến thứ Ba kết quả của cuộc điều tra kéo dài sáu tháng này có thể còn giảm nhẹ hơn nữa. Sau đó báo cáo sẽ được bỏ phiếu ở Thượng viện, nơi nó phải được 81 nhà lập pháp ủng hộ.
Các thượng nghị sĩ có thể sửa đổi tài liệu hàng nghìn trang, dù những người đứng đầu cuộc điều tra kiên quyết tuyên bố các cáo buộc còn lại, bao gồm tội ác chống lại loài người và sử dụng công quỹ bất hợp pháp, sẽ được giữ lại. Ngay cả khi được Thượng viện phê chuẩn, việc truy tố cũng khó xảy ra. Tổng chưởng lý là một người rất trung thành với Bolsonaro. Trong khi đó hạ viện cũng khó có thể luận tội tổng thống — trước đó họ đã đình trệ gần 140 đơn kiện chống lại ông. Dù kết quả ra sao, ông Bolsonaro vẫn sẽ an toàn.
Mỹ xem xét cấp phép vắc-xin covid-19 cho trẻ nhỏ
Một ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA sẽ nhóm họp vào thứ Ba để thảo luận về đơn xin của Pfizer/BioNTech nhằm cung cấp vắc-xin covid-19 hai liều cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Một báo cáo tuần trước của FDA cho biết tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin ở trẻ nhỏ là 90,7% chống nhiễm bệnh có triệu chứng sau bảy ngày kể từ khi tiêm liều hai.
Trẻ em ít có nguy cơ tử vong vì virus hơn người lớn, nhưng nếu nhiễm bệnh có thể gây bệnh lâu dài. Các cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC sẽ công bố quan điểm của họ về vắc-xin này vào tuần đầu tiên của tháng 11, và sau đó giám đốc cơ quan sẽ quyết định có thực sự khuyến nghị sử dụng vắc-xin hay không. Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Joe Biden, đã nói nếu cơ quan quản lý chấp thuận, vắc-xin sẽ được cung cấp cho trẻ nhỏ từ đầu tháng tới.
Quan chức Mỹ: Ông Biden ‘cam kết’ tránh đối đầu với Trung Quốc
Ông Kurt Campbell, quan chức điều phối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (ảnh: Youtube/The Aspen Institute).
Kurt Campbell, điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, hôm thứ Hai (ngày 25/10) nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tránh đối đầu với Trung Quốc bất chấp những căng thẳng chính trị đang diễn ra.
Ông Campbell nói với tờ Nikkei: “Chúng tôi đang cố gắng giải thích rõ ràng với những người đối thoại Trung Quốc rằng mô hình thống trị cho mối quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai sẽ là một cuộc cạnh tranh. Chính quyền Biden vẫn cam kết thực hiện các bước cần thiết để bảo cạnh tranh không chuyển sang đối đầu”.
Ông Campbell cho biết thêm rằng điều quan trọng là các cường quốc phải làm việc để xây dựng sự tự tin và bảo đảm hai bên có khả năng giao tiếp trong một cuộc khủng hoảng.
Vị quan chức của Tòa Bạch Ốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “bảo đảm rằng sự can dự của Hoa Kỳ-Trung Quốc phục vụ lợi ích … của các quốc gia khác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Ông Campbell cho rằng Hoa Kỳ nên tiếp tục chuyển trọng tâm chiến lược của mình từ Trung Đông và Nam Á sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhưng ông giải thích rằng chính trị trong nước sẽ có những tác động đối với điều này.
Ông Campbell nhìn nhận: “Nếu Hoa Kỳ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng đáng kể ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thì chúng ta phải đầu tư thích hợp trong nước”. Ông cho rằng các dự luật về cơ sở hạ tầng cho phép đổi mới công nghệ và “các lĩnh vực cạnh tranh khác sẽ cần thiết”.
Chương trình nghị sự trong nước cũng bao gồm sự tham gia của lưỡng đảng. Ông phát biểu: “Một phần lớn công việc của tôi là tiếp cận với những người bạn và đồng nghiệp của Đảng Cộng hòa để nói về những vấn đề thẳng thắn thúc đẩy người Mỹ xích lại gần nhau hơn là chia rẽ chúng ta – đây là những vấn đề gắn liền với những thách thức và cơ hội phía trước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.