Media LMVNĐLDC

Our Visitor

0 1 3 5 3 9
Total Users : 13539
Total views : 136739
Server Time : 2024-12-03

DƯƠNG LỊCH

December 2024
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Tin tức thế giới ngày Thứ ba 01 tháng 6 năm 2021

Miến Điện : Giáo viên, học sinh tẩy chay ngày tựu trường để phản đối quân đội

Một người biểu tình chống đảo chính vẩy sơn vào các đồng phục, tỏ thái độ tẩy chay ngày tựu trường để phản đối quân đội đàn áp. Ảnh chụp ngày 27/04/2021. AP

Tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo tiếp tục ngừng mọi chiến dịch quân sự cho đến cuối tháng Sáu để đàm phán hòa bình với 10 lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số và để học sinh trở lại trường từ ngày 01/06/2021, sau một thời gian các trường phải đóng cửa do phải chống dịch và do đảo chính.

Tuy nhiên, vài trăm nghìn học sinh và giáo viên Miến Điện đã tẩy chay ngày tựu trường để phản đối cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự và chiến dịch đàn áp đẫm máu từ bốn tháng qua.

Theo Reuters, những người ủng hộ dân chủ Miến Điện tiếp tục xuống đường ngày 01/06 ở nhiều khu vực, trong khi quân đội và các lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số vẫn giao tranh ở nhiều vùng biên giới. Người biểu tình ở những khu vực thành thị hoạt động linh hoạt hơn để tránh đối đầu với cảnh sát, như tụ tập biểu tình chớp nhoáng (flashmob), hoặc bất ngờ tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ rồi nhanh chóng giải tán.

Dù trường học mở cửa trở lại nhưng vắng cả thầy và trò. Thứ nhất, theo AFP, có khoảng 150.000 giáo viên (chiếm khoảng 2/3 tổng số giáo viên) tham gia phong trào phản kháng đã bị tập đoàn quân sự đình chỉ công tác. Nhiều người trong số họ đã bị bắt giam theo một đạo luật cấm cổ vũ binh biến và thiếu trách nhiệm đối với quân đội. Nhiều giáo viên không lên lớp vì không muốn « dạy tuyên truyền cho học sinh ».

Thứ hai, học sinh và phụ huynh cũng tẩy chay chương trình giáo dục của tập đoàn quân sự. Trang Myanmar Now cho biết hai ngày trước khi kết thúc đăng ký, 90% học sinh vẫn không ghi danh lại. Rất nhiều phụ huynh lo con họ bị tuyên truyền.

Một số ít các trường đại học đã mở cửa trở lại từ đầu tháng Năm, nhưng cũng vắng sinh viên, vì rất nhiều người ở trên tuyến đầu phong trào phản kháng.

Trong một thông cáo chung vào cuối tháng Năm của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF, UNESCO và tổ chức phi chính phủ Save The Children, « có hơn 12 triệu trẻ em và thanh niên Miến Điện không được theo học chương trình có tổ chức từ hơn một năm nay ».

Đức: truy bắt tổ chức buôn người người Việt

Lan Anh  tổng  hợp

Cảnh sát liên bang Đức tại một số thành phố đã  truy  quét hoạt động buôn lậu người có tổ chức từ Việt Nam và  bắt  giữ hai người.

Bắt đầu từ đầu ngày thứ Hai, 33 địa điểm đã được khám xét đồng thời ở Berlin, Hamburg và các bang North Rhine Westphalia, Sachsen-Anhalt và Sachsen cũng như ở thủ đô Bratislava của Slovakia, phát ngôn viên của Cục Điều tra Hình sự tại Berlin cho biết.

Khoảng 700 sĩ quan đã được triển khai, với trọng tâm chính là hoạt động ở Berlin, nơi có 16 địa điểm đã bị khám xét.

Thủ đô của Đức nhiều năm qua được coi là trung tâm của các băng nhóm buôn người Việt Nam.

Theo cảnh sát, đầu mối liên hệ chính là một thị trường châu Á khổng lồ ở quận Lichtenberg phía đông Berlin. Trung tâm này ( Chợ  Đồng Xuân)  có khoảng 350 cửa hàng, và khu vực xung quanh luôn góp  phần  trong các hoạt động buôn lậu này do cơ sở hạ tầng và hậu cần tại chỗ, nhà chức trách cho biết.

Một trong hai nghi phạm chính có quốc tịch Việt Nam đã bị bắt tại Lichtenberg. Một phụ nữ khác bị bắt ở Bratislava (Slovakia).

Trong quá trình khám xét, nhiều tài liệu, thiết bị lưu trữ dữ liệu và thông tin chi tiết về ngân hàng đã bị thu giữ, cảnh sát cho biết.

Nhóm này bị cáo buộc là nhóm buôn lậu chuyên nghiệp đưa người Việt Nam sang các nước châu Âu với số tiền lớn, sau đó buộc nạn nhân phải trả nợ tại các tiệm mát xa, nhà thổ và những nơi khác, nhà chức trách cho biết.

Nạn nhân phải trả các khoản chi phí từ €13.000đến €21.000 ( 15,850-25,600USD) cho một chuyến đi. Các nhà điều tra nghi ngờ họ đã phải làm việc trong các tiệm làm móng, tiệm mát xa và nhà chứa.

Một cuộc điều tra được tiến hành với sự tham gia của cảnh sát Đức, cảnh sát Slovakia và Europol đã phát hiện ra 250 người di cư Việt Nam đã bị nhóm này đưa lậu vào khu vực này. Họ nhận được thị thực Schengen hợp lệ nhờ thông tin giả từ các công ty khác nhau có kết nối với mạng lưới ở Slovakia.

Khi những người di cư Việt Nam được đưa đến Đức bằng ô tô riêng. Sau đó bị tước đoạt đồ đạc cá nhân và bị giam giữ cho đến khi họ trả hết nợ.

Các công tố viên và cảnh sát cho biết một người đàn ông Việt Nam bị tình nghi tiêm hormone cho những phụ nữ hành nghề mại dâm ở Đức để họ không mang thai.

Gần 50 người đã được bị phát hiện trong các khu nhà, với cảnh sát hiện đang kiểm tra tình trạng và sức khỏe của họ để xem họ có cần hỗ trợ đặc biệt hay không.

Theo người phát ngôn, hoạt động này được thực hiện thay mặt cho Văn phòng Công tố Berlin và Văn phòng Công tố Leipzig. Điều này đã được Europol đưa vào các cuộc điều tra.

Truy nã toàn quốc nhà báo độc lập Lê Dũng Vova với cáo buộc “chống nhà nước”

Nhà báo tự do Lê Dũng Vova và thông báo truy nã của Công an

Facebook, RFA edit

Cơ quan An ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội hôm 28-5-2021 ra quyết định truy nã toàn quốc đối với nhà báo độc lập Lê Dũng Vova (tên thật là Lê Văn Dũng) với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Thông tin này được báo chí nhà nước đăng tải đồng loạt vào sáng ngày 1 tháng 6 năm 2021.

Theo Quyết định truy nã bị can được ông Đàm Văn Khanh, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan An ninh điều tra Hà Nội ký, Quyết định khởi tố bị can đã có từ ngày 26 tháng 4 năm 2021 và hiện giờ không xác định được ông Dũng đang ở đâu.

Vào ngày 25/5 vừa qua, khoảng 20 nhân viên An ninh điều tra công an Hà Nội bất ngờ đến nhà ông Lê Văn Dũng ở quận Hà Đông để thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, tuy nhiên thời điểm này ông Dũng không có mặt ở nhà.

Công an đã thu giữ một số điện thoại, máy tính xách tay của vợ ông Dũng là Bùi Thị Huệ, tuy nhiên các sách về Hiến pháp và pháp luật Việt Nam của ông Dũng không bị thu giữ.

Ông Lê Văn Dũng là chủ kênh truyền thông CHTV, chuyên dùng tính năng phát trực tiếp của Facebook để loan tải những tin tức, đặc biệt là ông thường giúp đỡ những người dân oan cất lên tiếng nói trong các chương trình của mình.

Ông Dũng khẳng định trên Facebook cá nhân sau khi an ninh đến nhà lục soát:

“Nếu có bị bỏ tù vì nói đúng lương tâm thì tôi vẫn nói như thế. Dù biết rằng để nói thật thì sẽ thiệt thòi cho không chỉ riêng mình mà cả gia đình vợ con mình cũng phải chịu những thiệt thòi từ kỳ thị, sự khác biệt về nhận thức.

Không sao cả, mọi chuyện rồi sẽ ổn, chúng ta cần hướng tâm đến cộng đồng vì một ngày mai tốt đẹp hơn.”

Bài viết với tiêu đề “Ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại bầu cử” của mạng báo Công an nhân dân đăng ngày 25 tháng 5 năm 2021 quy kết ông Lê Văn Dũng là điển hình của “số chống đối trong nước nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại cuộc bầu cử ở Việt Nam”.

Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ công du Cam Bốt

Ảnh tư liệu: Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy R. Sherman và đồng nhiệm Indonesia Mahendra Siregar sau cuộc gặp ở Jakarta, Indonesia, ngày 31/05/2021. AP

Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman hôm nay, 01/06/2021, đến Cam Bốt. Bà là quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Theo Reuters, đây là chặng dừng thứ hai trong chuyến công du khu vực của thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ. Bà Wendy Sherman đến thăm Cam Bốt vào lúc Trung Quốc đã trở thành một đồng minh kinh tế ngày càng quan trọng của chính quyền Phnom Penh, trong khi mối quan hệ của Cam Bốt với Hoa Kỳ cũng như với Liên Hiệp Châu Âu đã trở nên xấu đi những năm gần đây.

Chuyến công du Cam Bốt của bà Wendy Sherman còn diễn ra trong bối cảnh chính quyền Phnom Penh đang ra sức trấn áp các gương mặt đối lập và chống lại các nhà hoạt động nhân quyền đòi giải quyết nhiều vấn nạn trong nước, như tình trạng khai thác rừng bất hợp pháp.

Theo lịch trình, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen sẽ tiếp thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ. Bà Wendy Sherman còn có các cuộc gặp với các nhóm tổ chức dân sự, các nhà báo và có thể sẽ nhận được nhiều lời kêu gọi từ các nhóm đấu tranh nhân quyền và đòi tự do ngôn luận.

Reuters nhắc lại, lãnh đạo đảng đối lập chính, Đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) bị cấm hoạt động, đã bị bắt trước ngày bầu cử năm 2018, giúp cho đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen chiếm toàn bộ số ghế ở Nghị Viện, khiến thế giới lo ngại.

Ông Phil Robertson, giám đốc Châu Á của tổ chức Human Rights Watch, trong một thông cáo cho rằng « bà Sherman có lẽ nên yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng kiểm duyệt và sách nhiễu các nhà đấu tranh (…) Bà nên công khai kêu gọi hồi phục việc tuân thủ các quyền dân sự và chính trị cơ bản, như quyền được biểu tình, đã bị trấn áp hoàn toàn ở Phnom Penh và nhiều nơi khác ở trong nước ».

Phát ngôn viên chính phủ Phnom Penh, ông Phay Siphan kêu gọi đối thoại giữa Cam Bốt và Hoa Kỳ, cho rằng hai bên còn có quá nhiều vấn đề không hiểu nhau, cần phải được giải quyết.

Trung Quốc cho phép sinh ba con

Trung Quốc duy trì chính sách “một con là đủ” suốt 35 năm. Đến năm 2016, họ nới lên thành hai. Và chẳng bao lâu nữa sẽ là ba. Hôm qua, một cuộc họp Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đã đồng ý nới lỏng hơn nữa các chính sách kiểm soát sinh đẻ hạn chế của nước này. Người ta vẫn còn nhớ rõ cuộc điều tra dân số mười năm một lần vừa công bố vào tháng trước, theo đó cho thấy dân số đang già đi nhanh chóng. Năm ngoái chỉ có 12 triệu trẻ được sinh ra ở Trung Quốc, giảm gần 20% so với năm 2019. Theo ước tính, Trung Quốc cũng chỉ đạt trung bình 1,3 trẻ em mỗi phụ nữ, ít hơn mức thay thế là 2,1.

Liệu các cặp đôi có tận dụng cơ hội này? Khi sinh nở được nới lỏng vào năm 2016, chính phủ đã kỳ vọng một cuộc bùng nổ trẻ em. Thế nhưng sau khi tăng ban đầu, số ca sinh tiếp tục giảm. Có lẽ lịch sử sẽ lặp lại. Trong một cuộc thăm dò do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã thực hiện, chỉ 6% trong số 31.000 người được hỏi cho biết sẽ cân nhắc sinh con thứ ba.

UAE cho phép người nước ngoài mở doanh nghiệp

Đầu tư vào UAE sắp trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Trước đây, người nước ngoài cần phải có một chủ sở hữu địa phương nắm ít nhất 51% cổ phần trong công ty của họ. Kể từ hôm nay, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự mình thành lập doanh nghiệp trong nhiều ngành.

Điều chỉnh này được công bố vào cuối năm 2020, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn vì giá dầu, du lịch và thương mại đều giảm mạnh trong đại dịch. Nền kinh tế của họ đã giảm 6,1% trong năm ngoái. Dubai, thành phố lớn nhất, bị ảnh hưởng nặng nề.

Giá dầu tăng đã cải thiện triển vọng kinh tế của UAE trong năm nay, phần nào làm giảm các áp lực vốn dẫn tới việc điều chỉnh quy tắc nói trên. Nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp ích cho một trong những mục tiêu dài hạn của UAE: đa dạng hóa nền kinh tế ra khỏi sản xuất dầu mỏ, một quá trình chuyển đổi cần thiết khi thế giới chiến đấu với biến đổi khí hậu.

Giới đào bitcoin tìm cách hạn chế phát thải

Tiền kỹ thuật số có thể là ảo. Nhưng lượng khí thải carbon của chúng thì không. Để tạo ra các đồng tiền mới, các máy tính ngốn năng lượng phải “đào” chúng bằng các phép tính phức tạp. Việc khai thác bitcoin toàn cầu hiện thải ra một lượng khí nhà kính tương đương với toàn bộ số phát thải của lãnh thổ Hồng Kông.

Hôm nay Greenidge sẽ trở thành công ty khai thác bitcoin phi carbon đầu tiên trên thế giới. Dù máy tính của họ chạy bằng điện từ khí đốt tự nhiên, họ vẫn sẽ bắt đầu đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo để bù đắp cho lượng khí thải. Một số ít các công ty khác có thể sẽ làm theo. Hồi tháng 4, một số công ty khai thác và các nhóm vận động đã phát động một “Hiệp ước Khí hậu Tiền kỹ thuật số” tự nguyện, kêu gọi ngành công nghiệp đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2040.

Các động thái siết chặt của Trung Quốc có thể đẩy nhanh quá trình này. Là một trung tâm toàn cầu về đào bitcoin, Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế đồng tiền này và dùng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của riêng họ. Thậm chí họ còn lập một đường dây nóng ở Nội Mông để hàng xóm có thể chỉ điểm những kẻ khai thác bitcoin bất hợp pháp.

EU thành lập cơ quan chống gian lận tiền tài trợ

Một cơ quan mới được giao nhiệm vụ điều tra và truy tố gian lận liên quan đến tiền tài trợ EU sẽ bắt đầu hoạt động từ hôm nay. Văn phòng Công tố viên Châu Âu EPPO, được ủy quyền từ năm 2017, sẽ do cựu lãnh đạo Cục Chống tham nhũng Quốc gia của Romania, bà Laura Codruta Kovesi, lãnh đạo. Bà Kovesi là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Romania trước khi bị lật đổ vì động cơ chính trị vào năm 2018. Công việc của bà sẽ không dễ dàng. Ngân sách EU trị giá hơn 150 tỷ euro (183 tỷ USD) một năm. Chỉ riêng quỹ phục hồi đại dịch đã lên tới 750 tỷ euro. Vì vậy có rất nhiều cơ hội gian lận.

Nhưng liệu văn phòng công tố siêu quốc gia đầu tiên của EU có đủ quyền lực thực thi? Năm nước thành viên – Đan Mạch, Hungary, Ireland, Ba Lan và Thụy Điển – cho đến nay đã từ chối tham gia, do đó các cuộc điều tra liên quan đến những nước này chỉ có thể được tiến hành nếu chúng liên quan đến tội phạm xuyên biên giới. Và thậm chí hợp tác giữa các nước thành viên cũng sẽ rất khó nếu EPPO nhắm vào các nhóm lợi ích.

Mỹ và Đan Mạch bị gạn hỏi vụ dò thám các quan chức châu Âu

Nguồn hình ảnh, Reuters – Chụp lại hình ảnh,

Angela Merkel bị cho là mục tiêu của tình báo Mỹ

Các cường quốc châu Âu đã gạn hỏi Mỹ và Đan Mạch về báo cáo là hai bên cùng hợp tác để theo dõi chính trị gia hàng đầu châu Âu, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đài phát thanh Đan Mạch (DR) nói là cơ quan Tình báo Quốc phòng (FE) đã phối hợp với Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) để thu thập thông tin từ năm 2012 đến 2014.

Bà Merkel nằm trong số những người đòi câu trả lời.

Cả FE và NSA cho đến giờ đều chưa đưa ra bình luận.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, Trine Bramsen, không xác nhận hay phủ nhận báo cáo nhưng nói với hãng tin AFP rằng “việc nghe lén có hệ thống của các đồng minh thân cận không thể chấp nhận được”. Bà Bramsen không phải là người lãnh đạo trong thời gian bộ này bị cáo buộc làm gián điệp.

“Điều này không thể chấp nhận được giữa các đồng minh, và càng không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác châu Âu”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau khi nói chuyện với bà Merkel.

Bà Merkel nói đồng ý với bình luận của ông Macron, nhưng bà cũng yên tâm trước sự lên án của Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch.

Thông tin tình báo được cho là cũng thu thập về các quan chức khác từ Đức, Pháp, Thụy Điển và Na Uy. Các quốc gia này cũng đã kêu gọi giải thích.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói với đài truyền hình NRK: “Không thể chấp nhận được nếu các quốc gia có quan hệ hợp tác đồng minh thân thiết cảm thấy cần phải dò thám lẫn nhau.”

Đã có những cáo buộc gì?

NSA được cho là đã truy cập tin nhắn qua văn bản và qua điện thoại của một số cá nhân nổi tiếng bằng cách truy cập vào đường cáp internet của Đan Mạch trong một hợp tác với FE.

Hoạt động bị cáo buộc là được thiết lập để dò thám này có tên mã là “Chiến dịch Dunhammer”, cho phép NSA lấy dữ liệu bằng cách sử dụng số điện thoại của các chính trị gia làm thông số tìm kiếm, theo đài phát thanh Đan Mạch.

Đài phát thanh Đan Mạch đã phỏng vấn chín nguồn tin, tất cả đều được cho là đã tiếp cận với thông tin mật do FE nắm giữ.

Cùng với bà Merkel, Bộ trưởng Ngoại giao Đức là Frank-Walter Steinmeier và lãnh đạo phe đối lập lúc bấy giờ là Peer Steinbruck cũng được cho là mục tiêu bị nhắm vào.

Các cáo buộc tương tự cũng đã nổ ra hồi năm 2013.

Lúc đó, bí mật do Edward Snowden, một người tố giác người Mỹ rò rỉ, đã cáo buộc NSA nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức.

Khi những cáo buộc đó được đưa ra, Nhà Trắng không phủ nhận hẳn, nhưng nói điện thoại của bà Merkel không bị nghe lén vào thời điểm đó và sẽ không bị nghe lén trong tương lai.

Sau tin này, ông Snowden cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden “dính dáng sâu đến vụ bê bối nghe lén này trong lần đầu”. Ông Biden là phó tổng thống Hoa Kỳ vào thời điểm cuộc dò thám diễn ra.

“Cần có một yêu cầu rõ ràng về việc phải tiết lộ công khai đầy đủ không chỉ từ Đan Mạch, mà cả từ đối tác cấp cao của họ,” Edward Snowden tweet.

Năm 2013, ông Snowden – một cựu nhà thầu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) – tiết lộ cho giới truyền thông chi tiết về các hoạt động do thám trên mạng và điện thoại của tình báo Mỹ.

Sau đó, Mỹ kết tội ông trộm cắp tài sản của chính phủ, đưa tin trái phép các bí mật quốc phòng và cố ý làm lộ thông tin tình báo mật.

Edward Snowden sau đó tìm cách tị nạn ở Nga.

Trước khi Edward Snowden vạch trần những bằng chứng này, các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ công khai khẳng định rằng NSA chưa từng có chuyện thu thập dữ liệu từ những cuộc gọi điện thoại cá nhân.

Ngoài ông Trump, Đảng Cộng hòa có 9 người có thể tranh cử tổng thống

Thống đốc tiểu bang Florida, Ron DeSantis (ảnh: chụp màn hình WPTV News).

Trong khi ông Trump chưa đi đến quyết định cuối cùng về việc có tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2024 hay không, thì có 9 đảng viên Cộng hòa khác có thể là ứng viên tiềm năng đại diện cho đảng này tham gia cuộc đua với ứng viên của đảng Dân chủ.

Theo The Hill, đứng đầu danh sách là Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis. Thành tích phòng chống dịch mà không cần dùng tới những biện pháp hà khắc của ông DeStantis đang giúp ông có được uy tín lớn. Thống đốc Florida chỉ đứng ở vị trí thứ hai sau ông Trump trong cuộc thăm dò tín nhiệm của Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Orlando vào đầu năm nay.

Người thứ hai được liệt kê trong danh sách là cựu Phó Tổng thống Mike Pence. Một cuộc khảo sát của Politico / Morning Consult được công bố vào đầu tháng 5 cho thấy ông Pence ở vị trí thứ hai sau ông Trump trong số các ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa. Ngoài ra, một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Tony Fabrizio vào tháng 4 chỉ ra rằng ông Pence là người dẫn đầu trong danh sách các ứng cử viên tiềm năng, thu được 19% sự ủng hộ, ông DeSantis theo sát phía sau với 17%.

Người kế tiếp trong danh sách là bà Kristi Noem, Thống đốc bang Nam Dakota. Cũng giống như ông DeStantis, bà Noem đạt được nhiều thành tích ở vai trò thống đốc. Việc bà Noem xây dựng một nhóm hành động có tên Noem Victory Fund và sẽ thăm bang Iowa để gặp gỡ những người ủng hộ đảng Cộng hòa càng làm cho người ta tin rằng bà có kế hoạch chạy đua vào Tòa Bạch Ốc trong kỳ bầu cử năm 2024.

Tiếp theo trong danh sách là những cái tên nổi tiếng khác như cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, Thượng nghị sĩ Josh Hawley, Thượng nghị sĩ Tom Cotton, Thượng nghị sĩ Tim Scott, và Thượng nghị sĩ Rick Scott.